|
Duy Thanh(11.8.1931 - 24.11.2019) | Tuệ Sỹ(15.2.1943 - 24.11.2023) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Đúng mười sáu tuổi Hương mới được mẹ cho phép đến giúp mẹ ở tiệm sửa quần áo 'Sew & Care' nơi mẹ làm mướn rồi trở thành chủ nhân gần sáu năm nay. Mẹ, Hương và em Hùng ở trong một khu chung cư cách tiệm có vài trăm mét nên việc đi lại rất tiện lợi. Mỗi ngày, đi học về Hương đến tiệm giúp mẹ hai tiếng đồng hồ; thứ bảy bốn tiếng vào buổi trưa, sau khi Hương đã xong bài vở thầy cô cho làm cuối tuần; chúa nhật, tiệm đóng cửa nghỉ, ba mẹ con đi nhà thờ rồi suốt ngày quây quần bên nhau. Hùng mới 14 tuổi nên nó chưa được mẹ cho phép giúp ở tiệm, nó chỉ phụ làm việc nhà như hút bụi, rửa chén, giặt đồ, bắt nồi cơm điện... mà thôi.
Mẹ, Hương và em Hùng định cư ở thành phố miền Bắc Mỹ này từ tháng tám năm 1975, cha thì bị kẹt lại ở Việt Nam. Năm ấy, Hương mới có mười tuổi nhưng Hương vẫn còn nhớ rất rõ hôm cha đưa mẹ, Hương và em Hùng vào phi trường 31 Cần Thơ để lánh nạn cùng với vài chục người là vợ con của sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ phi đoàn. Cha căn dặn mẹ nếu được di tản, mẹ con cứ ra đi, đừng lo cho cha vì cha nhận lệnh chỉ được phép rời căn cứ vào phút chót với anh em đồng đội mà thôi. Hương còn nhớ, trước khi trở về phi đoàn cha ôm mẹ, Hương và em Hùng, cả gia đình làm dấu Thánh Giá và vì gấp quá nên chỉ có thể đọc một kinh Lạy Cha, một kinh Kính Mừng và một kinh Sáng Danh, cầu xin ơn bình an của Chúa và Đức Mẹ mà thôi. Sau đó cha cởi chiếc áo khoác nhà binh của mình, choàng vào vai mẹ, Hương và em Hùng, nói để che nắng, che mưa, chống lạnh rồi cha leo lên xe jeep ra đi.
Hôm sau, cả đoàn người được di tản bằng máy bay trực thăng ra Côn Đảo, rồi đến Đệ thất Hạm đội. Vài ngày sau, mọi người được chuyển sang một tàu buôn đi Phi-Luật-Tân và sau đó đến trại tỵ nạn trên đảo Guam. Ở đó, thấy nơi nào đồng bào dán giấy tìm kiếm thân nhân, mẹ cũng có một tờ tìm cha. Mẹ cũng có nhờ trại phát loa nhắn tin nhiều lần nhưng không nhận được tin tức nào của cha. Sau khi định cư ở Mỹ được gần sáu tháng, mẹ nhờ một người bạn chuyển thơ của mẹ từ Pháp về Cần Thơ cho ông bà nội. Mấy tháng sau, mẹ mới nhận được thơ trả lời của ông bà nội nói bóng, nói gió nhưng mẹ hiểu được là cha bị tai nạn máy bay nên kẹt lại, nhờ ơn Đức Mẹ chở che, cha chỉ bị thương nhẹ thôi. Cha trở về nhà và như mọi sĩ quan quân đội miền Nam, cha bị vô tù cải tạo.
Khi xưa mẹ là một cô giáo tiểu học. Tiếng Anh mẹ chỉ bập bẹ, nhờ mẹ biết may vá nên mẹ được bà goá phụ Lindberg, một giáo dân của nhà thờ bảo trợ và là chủ tiệm 'Sew & Care', mướn làm thợ sửa quần áo. Bà Lindberg thật tốt bụng, ông con trai của bà ở trong quân đội, từng phục vụ ở Việt Nam nên bà hiểu hoàn cảnh và có nhiều cảm tình với người Việt. Bà tận tình dạy nghề, dạy luôn tiếng Anh cho mẹ. Sau bốn năm, tay nghề của mẹ trở nên vững chắc, mẹ hiểu và nói tiếng Anh khá hơn nhờ được tiếp xúc hàng ngày với khách hàng và đồng nghiệp. Vì thế, khi bà Lindberg tới tuổi nghỉ hưu, bà không ngần ngại nửa cho, nửa bán trả góp tiệm 'Sew & Care' cho mẹ, tiếp tục giúp mẹ nuôi sống gia đình. Nhờ vậy mà mẹ có thể gởi chút đỉnh tiền về Việt Nam giúp ông bà nội ngoại và nhờ cô út thăm nuôi cha.
Việc may vá Hương còn vụng về, cần phải học thêm nên Hương được mẹ giao trách nhiệm đón khách và giao hàng. Lúc nào vắng khách, Hương được mẹ dạy cách lên lai quần. Đó là công việc chạy nhất của 'Sew & Care'. Hương cũng biết đơm nút áo. Công việc này thì mẹ không bao giờ tính tiền để lấy cảm tình của khách.
Hôm ấy có một ông khách đầu tóc bạc phơ đến tiệm nhờ thay bên trong cổ của hai chiếc áo sơ-mi vì chúng đã mòn lẳng, gần rách. Hương ước tính tiền công thay cổ áo ít nhất cũng đến mười đô-la một áo vì Hương thấy rất tốn thời giờ, còn hơn lên lai quần, năm đô cho mỗi cái nữa. Thấy hai chiếc áo đã cũ mèm, thay vì gọi mẹ đến xem xét, định giá với khách, Hương mỉm cười, nói với ông khách:
"Dạ thưa ông, hai chiếc áo này đã cũ, sao ông không mua áo mới? Cháu nghĩ tiền mua áo mới còn rẻ hơn tiền công thay cổ áo nữa."
Hương nghĩ mình rất lễ phép và thành thật, ai ngờ ông khách không bằng lòng, đòi nói chuyện thẳng với bà chủ 'Sew & Care', giọng nói của ông nghe rất nghiêm nghị. Hương vội vàng xin lỗi ông khách rồi cáo lui vào phòng may vá gọi mẹ.
Mười lăm phút sau, khi ông khách đã rời tiệm, mẹ gọi Hương trở ra trông nom tiệm để mẹ vào trong tiếp tục may vá. Vì mẹ im lặng, không nói gì về ông khách và hai chiếc áo sơ-mi, Hương đâm ra thắc mắc, không hiểu khi nãy mình nói như vậy có đúng không và tại sao ông khách có vẻ phiền giận. Hương bèn hỏi mẹ:
"Mẹ ơi, con chỉ đề nghị ông khách bỏ đi hai cái áo, mua áo mới rẻ tiền hơn sửa cổ áo. Vậy mà tại sao ông có vẻ giận con vậy mẹ?"
Mẹ Hương trả lời, giọng mang mác buồn:
"Ông Margotto là khách quen của tiệm mình, sau khi bà vợ của ông qua đời. Ông nói chính bà đã chọn và mua cho ông hai cái áo đó nên ông rất yêu quí chúng, mặc hoài nên sờn cổ mà ông không muốn bỏ đi. Đây không phải là lần đầu tiên ông đến nhờ tiệm chúng ta giúp ông giữ lại những kỷ vật của bà. Con nói rất đúng, nhưng không đúng hoàn cảnh nên ổng giận. Nhưng thôi, con đừng lo ngại, con đâu có biết chuyện của ổng, con chỉ thật thà khuyên ổng thôi mà!"
Câu trả lời của mẹ làm Hương nhớ đến chiếc áo nhà binh ngày xưa cha choàng lên vai mẹ, Hương và em Hùng. Hương chưa bao giờ thấy mẹ giặt chiếc áo ấy, mẹ cất nó kỹ lưỡng trong một hộp giấy để trong tủ áo. Thỉnh thoảng mẹ mang nó ra, mẹ ngồi một mình, mẹ áp nó vào mặt, ôm nó vào lòng... Nhớ đến đó, Hương muốn chạy đến ôm mẹ, nói mẹ ơi con đã hiểu, con đã hiểu rồi nhưng khi ấy có một bà khách bước vào tiệm...
Hương cố gắng nở một nụ cười chào bà khách mà lòng thì chất ngất nỗi nhớ cha, thương mẹ... Hương thì thầm cầu nguyện, Mẹ Maria ơi, xin Mẹ xót thương...
- Mai Vàng Trên Đảo Bidong Đào Anh Dũng Truyện ngắn
- Mùa Xuân Trở Lại Đào Anh Dũng Truyện ngắn
- Chiếc Áo Nhà Binh Đào Anh Dũng Truyện ngắn
- Cội Nguồn Đào Anh Dũng Truyện ngắn
- Cặp Song Sinh Ái Nhĩ Lan Đào Anh Dũng Truyện ngắn
- Hãy xét đoán cho công minh Đào Anh Dũng Truyện ngắn
- Vác chõng mà đi Đào Anh Dũng Truyện ngắn
- Theo Đạo Vợ Đào Anh Dũng Truyện ngắn
- Vé số cuộc đời Đào Anh Dũng Truyện ngắn
- Chuyện Một Ngôi Sao Đào Anh Dũng Truyện ngắn
• Chùm Dây Leo Trên Căn Nhà Gỗ - Phần II (Trần Hồng Văn)
• Chùm Dây Leo Trên Căn Nhà Gỗ - Phần I (Trần Hồng Văn)
• Trong Cơn Lốc (Trần Hồng Văn)
• Tôi Đi Học (Thanh Tịnh)
• Lá gan của cô còn tốt lắm! (Lê Hữu)
• Theo Ngọn Sóng (Trần Hồng Văn)
• Vẫy Tay Ngậm Ngùi (Hương Thủy)
• Bóng Đêm (Trần Hồng Văn)
• Một Người Tên Là Lovac (Trần Hồng Văn)
• Chiếc Bóng (Trần Hồng Văn)
Cánh Vạc Mùa Thu (Trần Hồng Văn)
Đêm Giáng Sinh Nhiệm Mầu
Một Đêm Phiền Muộn
Tiếng Vọng từ Đáy Vực
Đại Sư Và Giai Nhân
Tây Ninh – Chút Còn Lại Trong Lòng Người Lính (Nguyễn Mạnh An Dân)
Ngọn Đồi Trầm Lặng (Trần Hồng Văn)
Hoa Với Lá Chỉ Một Màu Trắng Đục
• Im Lặng Của Thiền Sư (Phan Trang Hy)
• Kể Lại Vài Giai Thoại Trong Tập Vào Thiền (Doãn Quốc Sỹ)
• Con Thằn Lằn Chọn Nghiệp (Hồ Hữu Tường)
• Mẹ Quán Thế Âm (Phạm Huê)
• Những Hạt Đậu Biết Nhảy (Phạm Huê)
• Maria Quán Thế Âm (Phạm Huê)
• Sợi Tơ Nhện (Nguyễn Văn Thực)
(Thẩm Thúy Hằng-Kiều Chinh-ThanhNga-BạchTuyết)
- Chiếc Bóng Bên Đường - Nàng (1970)
- Người Cô Đơn (1972) - Xa Lộ Không Đèn
- Bão Tình (1972) - Sóng Tình (1972)
- Chúng Tôi Muốn Sống (1956)
- Trường Tôi (1973) - Nắng Chiều (1973)
- Tứ Quái Sài Gòn - Những Giọt Sương Khuya
- Như Hạt Mưa Sa 1 - Như Hạt Mưa Sa 2
- Như Hạt Mưa Sa 3 - Như Hạt Mưa Sa 4
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |