|
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Phùng Cung (1928-1997)
Nguyễn Hữu Hiệu chụp tại Hà Nội.Nhà văn nhà thơ Phùng Cung sinh năm 1927 ở Vĩnh Tường, Vĩnh Yên, nay là Vĩnh Lạc, Vĩnh Phúc, tỉnh Hà Tây; quê tổ của ông ở Đường Lâm, Sơn Tây, vốn dòng dõi Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng.
Hồi trẻ Phùng Cung tham gia kháng chiến chống Pháp, sau làm việc tại chiến khu Việt Bắc, công tác tại Hội Văn Nghệ Trung ương. Tại đây, (Hội Văn nghệ Trung ương) và sau 1954 về Hà Nội, Phùng Cung đã chứng kiến cảnh bợ đỡ nịnh hót đê tiện của các cán bộ lớp trên trước các đoàn cố vấn Nga Tàu và các cán bộ cao cấp khác. Họ là thành phần chính sau này làm thành Cung Đình Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam hiện còn chen chúc cố thủ ở khu Ba Đình Hà Nội. Dĩ nhiên Phùng Cung trở thành một cây bút chủ lực trong các báo Trăm Hoa, báo Nhân Văn, báo Giai Phẩm chống văn nghệ chỉ huy và chống tham ô sau này. Theo học giả quá cố Hoàng Văn Chí, thì "Con ngựa già của Chúa Trịnh" nhằm chế diễu lớp cán bộ văn nghệ cung đình... đã không còn viết ra gì nữa kể từ khi được Chúa của họ sủng ái.
Phương-Lộ là một làng nhỏ hẻo lánh, nằm lọt trong một thung lũng phía Nam chân núi Tản, cách chợ Đan-Lâm chừng bẩy dậm. Từ Đan-Lâm vào Phương-Lộ, trên con đường đất mòn, ngoằn ngoèo men theo dọc bờ suối; phải qua một chiếc cầu bằng đá vắt ngang suối, bên cạnh một ngôi đền nhỏ. Trong làng có lão già họ Nông, hai đời chuyên nghề buôn ngựa. Ông cụ sinh ra lão ngày trước là mã phu của triều Trần; khi mãn lính, trở về làng làm nghề buôn ngựạ. Năm mười bốn tuổi, lão đã theo cha ra chợ Đan-Lâm học nghề. Lớn lên, lão đã nổi tiếng khắp vùng về môn xem tướng ngựa.
Lão Nông có con ngựa trắng, mình kim, lông trắng như bông, lại lấp lánh như có nạm kim cương, nên lão đặt tên nó là Kim-Bông. Lão thường khoe con ngựa này lão tìm mua được từ lúc nó chưa phát nha ở tận miền Nước-Hai. Lão đã từng đi nhiều nơi mà chưa thấy có con nào tướng phách toàn-mỹ như nó: có sức vượt hàng nghìn dặm với cái thể "cao đầu phóng vĩ" của nòi ngựa chiến.
Từ khi con Kim-Bông bắc yên, ngày ngày lão cưỡi nó đi các nơi để buôn ngựa. Hàng năm những cuộc đua ngựa miền này, không cuộc đua nào vắng lão. Không cuộc đua nào con Kim-Bông không đoạt giải nhất. Từ đó tiếng con ngựa hay, mỗi ngày được truyền rộng ra khắp nơi và lọt đến tai chúa Trịnh.
Thuở ấy chúa Trịnh đang cần tuyển mộ một đoàn kỵ binh để bình định đất nước, nên liền ủy một viên quan hầu cận, tìm đến tận nơi hỏi mua.
Lão nông tuy luyến tiếc con Kim-Bông, nhưng nghĩ đến cái tài của nó lão sẵn sàng trao lại cho viên quan mà rằng: "Con ngựa của bần dân thuộc loại quý mã, là vật, nhưng nó hiểu tiếng người. Bấy lâu nay nó sống với bần dân ở nơi sơn lâm hẻo lánh này, ăn cỏ núi, uống nước suối, tài nó có mà không được dùng, thật lòng bần dân cũng tiếc cho đời nó lắm! Nay chúa công lại cho vời nó về chốn triều đình để dùng nó xông pha chiến trận, bần dân cũng được hả dạ vì đã làm vừa ý con quý mã và cũng bõ công nuôi nấng tập luyện". Lão Nông miệng nói tay trao cương cho viên quan. Con Kim-Bông cũng dỏng hai tai gật gật cái đầu như biết được mình sắp từ giã cảnh sơn lâm hiu quạnh, để về vùng vẫy chốn kinh thành.
Trên đường về, viên quan hết lời khen ngợi con quý mã; Kim-Bông phi như gió, giả lại đàng sau những đồi núi, cây cỏ hỗn độn của vùng Sơn Tâỵ. Chỉ trong nửa ngày đã về đến Thăng Long.
Viên quan vào tâu với chúa Trịnh, hắn tả lại tướng phách cùng nước bay, nước kiệu của con ngựa. Chúa Trịnh lấy làm toại nguyện, và truyền cho các tướng tá chọn ngày mở hội đua để kén ngựa chiến.
Một buổi sáng, trên các ngã đường, nhân dân các vùng lân cận nghe tin, lũ lượt đổ về xem như nước chảy. Hàng nghìn ngựa tốt từ các nơi đem về được sắp hàng tề chỉnh bên cạnh những kỵ binh nai nịt gọn gàng. Con Kim-Bông ngơ ngác trước quang cảnh mới lạ, lòng nó rộn ràng, mắt nó đăm đăm nhìn thẳng phía cuối đua trường: như để dương oai với đồng loại, nó nín hơi, tóp bụng, cất tiếng hí dài, lanh lảnh nghe sởn óc. Người kỵ binh đứng bên cạnh, bổng né sang một bên, lao đao tưởng ngã. Bọn ngựa trố mắt nhìn Kim-Bông và cũng cất tiếng hí theo.
Sau ba hồi trống lệnh, các kỵ binh lên yên, ra roi, bắt đầu rời vạch. Đoàn ngựa lồng lên trong bụi lốc mịt mù, những miếng đất bắn ra tứ phía như mưa rào, nhân-dân reo hò vang dậỵ. Chỉ trong chớp mắt, con Kim-Bông đã vượt lên hàng đầu, vừa hí, vượt lên, chân trước khoăm lại như móc sắt, đuôi bay như giải phướn, tưởng như chân nó không hề chạm đất. Ở phía xa người ta nhìn nó chỉ còn thấy một bóng trắng lấp lánh, oằn lên, oằn xuống như một con rồng trắng uốn khúc. Nó bay tới phía nào là tiếng reo hò phía ấy vang lên không ngớt. Hằng loạt ngựa thấy sức mình không sánh kịp con Kim-Bông, bỏ dở cuộc đua, đứng dừng cả lại, hí hí nhìn theo cái bóng trắng nhỏ dần... trong bụi nắng lóa của kinh thành. Khi dứt hồi trống, con Kim-Bông dừng lại, tai nó ù đi và tiếng reo hò ca ngợi của xung quanh, nó càng nức lòng, chân nó dậm xuống đất cồm cộp như muốn bay thêm hàng nghìn vòng nữa mới phỉ sức.
Khi tiếng trống lệnh chuyển sang phi nước kiệu, con Kim-Bông rời vạch một cái, là bốn chân nó băm liền trên mặt đất như guồng nước, tiếng chân vỗ rồn rã như mõ đổ hồi, đuôi trải ra trắng như một dòng nước chảy xối. Nó chạy hết một vòng mà trên lưng nó một kỵ binh bưng một bát nước đầy, bát nước không sánh ra ngoài một giọt.
Lúc này nó thấy tất cả đua trường đều hướng nhìn về nó, trầm trồ ca ngợi tài nó. Nó lại hí lên một tiếng thật dài kiêu hãnh.
Sau cuộc đua này, nó được cả đua trường tặng danh là "Bạch long Thiên-lý-mã" và chọn làm mẫu mực để luyện tập cho cả đoàn ngựa chiến của triều đình. Cho nên chẳng bao lâu các đồng loại của nó cũng trở thành những chiến mã lành nghề. Và từ đó, nó cùng bầy ngựa chiến xông pha chiến trận, trải nhiều trận vào sinh ra tử. Nó nhớ nhất là trận quần chiến bên bờ sông Gianh. Thế địch mạnh, quân địch đã thắt vòng quanh nó, nhiều đồng loại nó đã phơi thâỵ. Nó gắng hết sức mạnh, vùng lên như hổ đói, phá vỡ vòng vây, hạ thủ tướng địch, giành toàn thắng. Sau trận này, nó được chúa Trịnh chọn làm mã lệnh và được vào ở trong phủ Chúa.
Chúa Trịnh truyền cho quân lính xây một chiếc hồ bán nguyệt, phía Nam vườn Thượng-uyển, để làm chỗ tắm cho mã lệnh, và cử hai mươi mã phu ngày ngày trông nom săn sóc ngựa quý của Chúa.
Lần đầu tiên con "Thiên lý" đặt chân tới Hoàng-cung. Trước mặt nó toàn những lâu đài nguy nga tráng lệ, trông phía nào cũng thấy vàng son chói lọi. Dưới chân nó toàn những đá xanh nhẵn bóng. Những cảnh vật mới lạ khiến nó sợ hãi. Nó toát mồ hôi, run lên cầm cập, khi đặt chân lên những phiến đá hoa, được dịp đưa mắt nhìn hai hàng thị vệ tả hữu, đứng cắp gươm trần bên hành lang. Nó rụt rè, co cổ lại khi mã phu dắt nó vào mã đài, nó tưởng mã phu đưa nhầm nó vào nơi ở của một tướng lĩnh.
Con Thiên lý được vào ngự hẳn trong mã đài ngày ngày chỉ ăn và tắm. Mỗi buổi chiều nó phải đứng một chổ để dăm bảy mã phu mang kéo tỉa từng sợi mao, vuốt ve từng chiếc lông đuôi. Nó càng cảm thấy bận bịu, tù cẳng. Nó bắt đầu mơ ước những cảnh sống khi còn ở bên ngoài cung cấm: "Ôi chao! Còn đâu những buổi sáng ta cùng đồng loại trên đua trường hàng vạn người ca ngợi tài ba? Với cái sức khỏe bay hàng nghìn dặm, với cái thể "cao đầu phóng vĩ" hùng dũng như ta, đã bao phen xông pha trận tuyến, đời ta tù túng như thế này thì ta sống sao được? Sao Chúa không cho ta được đem tài ra vùng vẫy trên chiến trường? Hay Chúa đã quên ta là kẻ có tài?".
Một buổi sáng, nó đang đứng trong Mã-đài, hai con mắt đăm đăm vọng ra ngoài bức thành cao ngất, nó bỗng thấy một mã phu nai nịt gọn ghẽ, khác ngày thường, đến giắt nó ra đứng dưới mái hiên, phía tả hành lang. Nó sững sốt, tưởng phen này lại được xung trận. Một mã phu khác trải lên lưng nó một tấm gấm điều, xung quanh thêu kim tuyến. Nó ngoái cổ lại, bỗng thấy mình đẹp như phượng hoàng. Hai mã phu nữa mang đến đàng sau nó một vật gì vuông vắn giống như một nhà lầu, gấm vóc xanh đỏ phủ quanh. Một mã phu nữa mang cương đóng vào gáy nó. Bộ cương quý giá và đẹp đẽ làm sao? Đời nó chưa từng thấy. Hàm thiếc bằng bạc: hai đầu nạm vàng sáng lóe. Nó sung sướng gục đầu xuống nhập hàm thiếc một cách ngoan ngoãn. Khi mã phu buông tay; lạ lùng lắm, nó thấy hai vật gì to bằng hai cái lá đa che ngang hai bên mắt khiến nó chỉ có thể nhìn thẳng phía trước mà thôi. Rồi một mã phu đẩy nó lùi lại, đứng vào giữa hai càng gỗ sơn son thếp vàng. Ủa lạ quá chừng, những cái gì mà đẹp thế này? Ta sẽ làm gì đây? Nó rùng mình, thấy hãnh diện như được sống một kiếp sống khác, sung sướng hơn trước.
Bỗng dưng hai càng gỗ dúi mạnh một cái, cổ nó bệt xuống, miệng nó gần chạm đất, nó vừa ngóc được lên thì giây cương đã ghìm thẳng. Nó cất bước thấy nặng; cái nặng quái gở, như bóp nghẹt lấy cổ, có lúc bềnh bồng nhẹ đi một chút, nhưng rồi gáy nó càng như lún xuống. Nó phải cố lấy gân bốn vó mới giữ được cái thế đứng đường bệ. Rồi bỗng có một ngọn roi da quất nhẹ vào mông, nó cắm cổ đi. Khi nghe tiếng bánh xe nghiền trên mặt đá, nó mới biết là nó đang kéo xe cho chúa.
Nó gục đầu xuống lủi thủi kéo chiếc xe qua sân, hai mắt nó lờ đờ nhìn thẳng, mỏi mệt, chán ngán.
Nhưng chẳng bao lâu, những chậu thóc trộn mật vừa ngọt vừa bùi, những bó lá trúc quân-tử vừa thơm vừa ròn sậm sựt đã cùng những buồn tủi sầu muộn, cùng những ước mơ trôi qua ruột, tống ra ngoài trả lại cho quá khứ. Con Thiên-lý dần dần quen với chức vị. Nó thấy mình phải phò Chúa cho đến hơi thở cuối cùng mới xứng danh Thiên-lý-mã.
Trong những buổi chầu nó thấy hàng trăm đôi hia, ủng và đủ các loại ống quần, tà áo, văn có, võ có, lướt đi lướt lại trước mắt, nó càng thấy chức vị nó to tát ghê gớm! Chốn thâm nghiêm cung cấm nào mà chân nó không bước tới? Có việc quốc-sự triều-đình nào vắng mặt nó? Nó đi đến đâu cũng thấy người chấp tay khấu đầu tung-hô Vạn-tuế. Đời nó quả là đã sang một bước đường hiển hách, hơn tất cả những lúc oai-phong chiếm giải đầu trên các trường đua.
Một buổi chiều, trên cổng thành đã nổi trống thu không, mặt trời đã khuất hẳn mái lầu tây, mặt hồ đã gợn lên một mầu đỏ nhạt của giáng chiều, nó sung sướng kéo Chúa cùng Bà Phi đi ngoạn cảnh. Đi chẳng cần đến đâu, nó được đôi lúc thong dong đứng lại, soi bóng dưới nước. Chà! mắt nhìn mặt, ta uy nghi lộng lẫy đến thế này ư? Kìa hai lá đa che mặt ta có khác gì hai cánh mũ của vị đại thần? Hai càng gỗ khác gì tay ngai ngày ngày Chúa vẫn ngự! Phải chăng giời đã an bài cho số phận ta! Nó càng nhìn càng thấy bóng nó dưới nước to ra, to mãi, uy nghi trong sắc nước lẫn sắc trời.
Nó đang say sưa ngắm bóng bỗng giây cương lại giật mạnh. Mép nó găng thẳng ra, nó lại bắt đầu cất bước. Xe tới đầu vườn thượng-uyển, có lệnh dừng lại. Tức thì hai bên tay ngai dìm mạnh cổ nó xuống rồi lại bềnh lên nhẹ bỗng. Nó vừa ngóc đầu lên thì một luồng gió mát, lướt đưa vào lỗ mũi nó những hương thơm ngào ngạt của muôn hoa. Nó phồng hai cánh mũi hớn mặt lên thì gấu xiêm mầu thiên-thanh của Bà Phi phất nhẹ qua mặt nó. Nó cảm thấy một vị thơm đầm đậm. Nó đưa mắt nhìn theo chỉ thấy từ ngang lưng trở xuống của Chúa và Bà Phi. Gió hồ lồng vào vạt áo Chúa và giải xiêm Bà Phi, làm căng phồng lên và đú đởn múa may trước mặt nó. Nó cảm động, đứng ngẩn ra, hai mắt dương thao láo: "Chà! Thật là ngoạn mục! Ôi! Giời đã ban cho ta đôi nhãn ngọc để riêng ta được nhìn những vưu-vật của trần-gian, ta đội ơn Trời".
Càng nhìn theo càng thấy ngoạn mục, nó càng thấy hối hận với những sự việc ngày trước. Nó dậm chân xuống đất cộp cộp mắt nó nhắm lại, đầu nó đập vào hai càng xe như để nhận lấy một hình phạt xứng đáng với tội lỗi của mình. Vừa đập đầu vừa kể tội: "Tội thứ nhất là khi chưa vào phủ Chúa ta đã để cho Chúa và Bà Phi phải vất vả khó nhọc biết chừng nào! Tội thứ hai: Sao ta dám đem một việc nhỏ bé tầm thường so sánh với chức mã lệnh đáng tôn kính của Chúa đã ban cho như thế, chẳng phải trước đây ta đã phụ ơn Chúa hay sao? Tội ta thật là đáng phanh thây mới phải. Nếu ta chỉ nghĩ đến cuộc đời phóng khoáng, chỉ nghĩ đến những lúc cùng đồng loại đua tranh, thì lấy ai để cùng Chúa gánh vác giang sơn, làm cho trăm họ được an-cư lạc-nghiệp! Ơn hưởng lộc Chúa, sức ta ngày một cường tráng, thì cái vượt hàng ngàn dậm đối với ta có gì đáng kể".(1)
Sống một cuộc đời lặng lẽ trong phủ Chúa, bằng sự kiêu hãnh với chức mã lệnh, chẳng bao lâu trên bờm, mao con Thiên-lý đã trồi lên một lớp lông vàng sòe. Trước mã đài nó đã nhìn thấy những cây cảnh bao lần đổi lá. Nhưng nó không biết đời nó đã chuyển dần về già. Tài nó cũng đã mòn mỏi. Nó vẫn tưởng nó còn sức chạy dư ngàn dậm.
Có một buổi sáng, nó được kéo xe để Chúa cùng Bà Phi ra ngoạn cảnh ngoại thành. Từ ngày vào phủ Chúa, lần đầu nó được đi ra ngoài. Nó ước ao được thăm cảnh cũ. Xe ra khỏi phủ Chúa, bon bon trên con đường đất rộng thênh thang. Nhìn thẳng phía trước, nó lấy làm lạ, nó kêu í í trong cổ như tự hỏi: "Làm sao con đường này ngày xưa rộng mà nay nhỏ bé như thế này!". Đi được một quãng nó nhìn lên phía trên, lại dừng lại tự hỏi: "Ô hay, ngôi chùa kia, ngày xưa rõ ràng nằm bên cạnh một quả đồi lớn, mà bây giờ quả đồi lại nhỏ bằng con đường ta đang đi là nghĩa làm sao?". Tất cả những cảnh vật trước mặt nó đều nhỏ lại, và thẳng tắp. Nó nhìn cánh đồng, cánh đồng cũng chỉ là một đường thẳng. Rồi cây cỏ, núi đồi cho đến mầu giời xanh cũng chỉ thu lại là một đường thẳng. Nó không ngờ hai chiếc lá đa che hai bên mắt chỉ cho nó nhìn được một chiều.
... Xe đi mãi. Lúc gần đến một thao trường, nó bỗng nghe tiếng hí của đồng loại. Tự dưng nó hớn hở: "Chắc các chú em bao lâu không gặp ta, sẽ khấu đầu chúc tụng". Vừa nghĩ nó vừa cất nhanh bước. Xe vừa tới thì đồng loại nó cũng nhảy bổ cả đến trước mặt nó, miệng hí chân cất tiền, cất hậu, như chê bai nước đi và tướng mạo của nó. Nó tím gan, hí lên một tiếng như để quở mắng: "Bọn nhãi kia, tội các chú đáng chặt đầu làm lệnh! Các chú không biết ta là ai ư? Đã quên tài của anh đấy rồi sao?". Tất cả đồng loại nó, nhe cả răng, và lại í í trong cổ: "Chúng tôi biết bác lắm, biết bác ngày xưa là kẻ có tài nhưng bây giờ chúng em nhìn qua đã thấy bật cười về tài của bác. Thôi bác ạ! Đững khoe tài nữa, chúng em đây ngại bác không rời được khỏi cái xe của Chúa! Rời ra thì thóc kia trộn mật ai ăn?".
Con Thiên-lý uất lên, muốn thoát khỏi xe xông thẳng ra ngoài để tỷ sức, nhưng trên xe lại giật cương. Nó bực lắm nhưng cũng phải cắm đầu đi. Vừa đi vừa nghĩ: "Những kẻ ngu si hèn mạt kia, ở đời này bay chỉ nhìn có một chiều. Bây không biết được ta làm đây dễ mấy kẻ đã làm được! Sức bay được mấy nả mà vội kiêu ngạo, bay chạy được vài dậm đã phờ mao sều dãi. Rồi đây ta sẽ cho bay biết tài ba!".
Và hình ảnh một trường đua gió lộng, bụi cuốn, cờ bay, bỗng hiện ra, như thách thức. Con Thiên-lý-mã vẫn tin mình còn đủ sức phi lên hàng đầu.
Sự đời biến đổi. Sau đó ít lâu, chúa Trịnh được tin nhiều tướng tá thua trận ở bên sông Gianh. Chúa định thân chinh đi, nên truyền cho viên tướng trông coi về kỵ binh mang mã lệnh ra đua trường để ôn dượt trước khi xung trận. Viên tướng liền cúi đầu tâu lại: "Muôn tâu Chúa-công, hiện nay trong triều-đình thiếu gì ngựa chiến có dư sức vượt hàng nghìn dậm, và đã từng dự trên dưới một trăm trận. Xin Chúa-công để tiểu tướng được chọn dâng một con mã chiến có sức khỏe vào bực nhất. Còn như con mã-lệnh, cứ nên để nó kéo xe; vì từ khi đem nó vào phủ Chúa, nó ăn thì nhiều, lại không hề luyện tập, tài nó ắt không được như trước. Nếu chúa-công dùng con mã lệnh để ra trận, tiểu tướng áy náy lắm!".
Nghe tâu trình, chúa Trịnh cũng thấy viên tướng là có lý, nhưng chúa vẫn còn tin ở tài con mã lệnh. Chúa bèn hạ lệnh cho mang con mã lệnh ra tỉ sức cùng các chiến mã khác để tiện bề kén chọn.
Con Thiên-lý được dịp rời phủ Chúa ra đua trường. Hai cái lá đa đã được cất đi. Nó bàng hoàng nhìn giời, nhìn đất, mắt nó hoa hoa, đầu nó choáng váng. Cảnh vật như quay chong chóng, cây như mọc ngược, núi như đổ xuống. Vừa gặp đồng loại một cái, nó cố dóng hai tai tóp bụng lại lấy hơi hí một tiếng để giương oai. Nhưng tiếng hí của nó vừa hé ra thì cụt lủn như có vật gì nút lấy mõm. Các đồng loại của nó cũng nhe răng ra cười rồi cùng cất tiếng hí làm cho nó càng uất. Không chờ tiếng trống lệnh, nó đã lồng lên, tức thì các đồng loại của nó cũng bỏ vạch vượt theọ Tiếng trống liên hồi, con Thiên-lý càng cắm đầu cắm cổ chạy. Nó đã tưởng mình thắng cuộc, nó đắc chí ngoảnh đầu lại thì bọn ngựa chiến đã tới sát đàng sau. Chỉ trong chớp mắt nó bị tụt lại. Không chịu, nó càng lồng lên. Bỗng nó thấy nhói một cái ở trong ngang bụng như bị một nhát gươm chém mạnh, nó ngã vật xuống, vùi đầu trong bụi lốc của đàn ngựa bay qua, nó biết là đứt ruột, không thể sống được. Nó gắng mở to hai mắt, rên lên một tiếng như nói rằng: "Tiếng tăm lừng lẫy như ta chỉ có thể chết ở chiến-trường. Nhưng, than ôi! Bãi cỏ này cũng là bãi chiến-trường, chết thế này cũng là chết vì giang sơn, vì Chúa!".
Trước hơi thở cuối cùng, nó lấy hết sức tàn, ngóc đầu lên cao, co co hai chân trước, thẳng thẳng hai chân sau, chừng như cố để giữ lấy cái thế "cao đầu phong vĩ".
Hà Nội 10-1956
(1) Đoạn này giễu lối thú tội và ăn năn trong các lớp chính huấn.
- Tập thơ Trăng Ngục Phùng Cung Thơ
- Con Ngựa Già Của Chúa Trịnh Phùng Cung Truyện ngắn
• Ông già Noel vô tích sự (Lê Hữu)
• Bữa Nhậu Chiều (Trần Yên Hòa)
• Con Thú Tật Nguyền (Trần Hồng Văn)
• Chùm Dây Leo Trên Căn Nhà Gỗ - Phần II (Trần Hồng Văn)
• Chùm Dây Leo Trên Căn Nhà Gỗ - Phần I (Trần Hồng Văn)
• Trong Cơn Lốc (Trần Hồng Văn)
• Tôi Đi Học (Thanh Tịnh)
• Lá gan của cô còn tốt lắm! (Lê Hữu)
• Theo Ngọn Sóng (Trần Hồng Văn)
• Vẫy Tay Ngậm Ngùi (Hương Thủy)
Cánh Vạc Mùa Thu (Trần Hồng Văn)
Đêm Giáng Sinh Nhiệm Mầu
Một Đêm Phiền Muộn
Tiếng Vọng từ Đáy Vực
Đại Sư Và Giai Nhân
Tây Ninh – Chút Còn Lại Trong Lòng Người Lính (Nguyễn Mạnh An Dân)
Ngọn Đồi Trầm Lặng (Trần Hồng Văn)
Hoa Với Lá Chỉ Một Màu Trắng Đục
• Im Lặng Của Thiền Sư (Phan Trang Hy)
• Kể Lại Vài Giai Thoại Trong Tập Vào Thiền (Doãn Quốc Sỹ)
• Con Thằn Lằn Chọn Nghiệp (Hồ Hữu Tường)
• Mẹ Quán Thế Âm (Phạm Huê)
• Những Hạt Đậu Biết Nhảy (Phạm Huê)
• Maria Quán Thế Âm (Phạm Huê)
• Sợi Tơ Nhện (Nguyễn Văn Thực)
(Thẩm Thúy Hằng-Kiều Chinh-ThanhNga-BạchTuyết)
- Chiếc Bóng Bên Đường - Nàng (1970)
- Người Cô Đơn (1972) - Xa Lộ Không Đèn
- Bão Tình (1972) - Sóng Tình (1972)
- Chúng Tôi Muốn Sống (1956)
- Trường Tôi (1973) - Nắng Chiều (1973)
- Tứ Quái Sài Gòn - Những Giọt Sương Khuya
- Như Hạt Mưa Sa 1 - Như Hạt Mưa Sa 2
- Như Hạt Mưa Sa 3 - Như Hạt Mưa Sa 4
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |