1. Head_
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Mùa Xuân Đất Việt Qua Ca Dao Và Tục Ngữ (Trường Thy) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      1-2-2018 | TIỂU LUẬN

      Mùa Xuân Đất Việt Qua Ca Dao Và Tục Ngữ

        TRƯỜNG THY
      Share File.php Share File
          

       


      Trong kho tàng Văn Chương Bình Dân, nói khác đi là Văn Chương Truyền Khẩu gồm nhiều thể loại, song thông thường, dễ nhớ và thường nghe nhắc nhở nhiều, đó chính là Tục Ngữ và Ca Dao.


      Trên bình diện Văn Học và đời sống, Tục ngữ có địa bàn rộng rãi hơn, mang tính phổ cập và được coi như là “Túi khôn của nhân loại”, ví dụ ta nói:

      Cha nào con nấy

      Người Anh, người Mỹ nói:

      Like father like son

      Và người Pháp nói:

      Tel père tel fils


      hoặc:


      Xa mặt cách lòng

      Người Anh/Mỹ nói:

      Out of sight, out of mind

      và người Pháp nói:

      Loin des yeux loin du Coeur v.v.


      Trong khi Ca Dao mang tính địa phương hơn, tùy thuộc vào văn hóa và môi trường, hoàn cảnh sống của mỗi dân tộc v.v.


      Ca Dao có đặc tính chung là bao trùm mọi sinh hoạt gia đình, xã hội, và nếp sống tinh thần cũng như tình cảm con người trong một xã hội.

      Nói đến sinh hoạt gia đình và xã hội là nói đến sự bao gồm cả lễ nghi tôn giáo, hội hè đình đám v.v.


      Tóm lại là Ca Dao phản ảnh mọi tình tự trong: Quan – Hôn – Tang – Tế và ở một khía cạnh nào đó còn được coi là “Lịch sử ngầm”, ví như những câu nói về Huyền Trân công chúa:


      Tiếc thay cây quế giữa rừng

      để cho chú mán chú mường nó leo!


      Nhân dịp Xuân về, người người dù ở trên quê hương hay đang thả bước lưu vong nơi hải ngoại đều nô nức sắm sửa đón Xuân, mừng Tết Nguyên Đán vì đó là truyền thống, là văn hóa dân tộc nên không tránh khỏi những giây phút bồi hồi trong tâm hồn vào những chiều cuối năm:

      Mỗi khi nghe nói đến xuân

      bỗng dưng lòng thấy bâng khuâng ít nhiều


      Để nhớ lại những mùa Xuân qua trên quê hương của một thời nước non thanh bình, từ phố phường, thành thị đến đồng quê thôn trang, mọi người tưng bừng mừng Tết, đón xuân, nhà nhà đều vui với: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ” thiết tưởng không gì hơn là cùng nhau ôn lại những áng Ca Dao để gợi lại trong ta những khúc tình quê ngọt ngào, nhiều vương vấn và cũng là để có dịp hun đúc tinh thần trong sứ mệnh duy trì và phát huy văn hóa cổ truyền.


      Mỗi năm mới có một lần, những ngày cuối đông cũng là những ngày cuối năm. Năm hết Tết đến, nhà nhà lo lắng đủ điều, nào là công nợ, việc làm dở dang, nào là lo sửa sang nhà cửa, mua sắm đồ Tết v.v.


      Quanh năm cuộc sống tất bật, Tết đến mừng vui song không tránh được những âu lo về tài chánh, về vật chất nên Ca Dao có câu:

      Tết đến sau lưng

      trẻ con thì mừng

      người lớn thì lo.


      Chính vì phải mua sắm đủ điều cho mấy ngày Tết nên chật vật, thiếu hụt, do đó người đời có câu:

      Đi cày ba vụ không đủ ăn ba ngày Tết!


      Trong tâm tư người dân Việt luôn canh cánh những ưu tư, đã vậy lại còn bị những gánh tuồng, gánh hát kéo đến làm rộn những âu lo:

      Bây giờ tư tết đến nơi

      tiền thì không có sao nguôi tấm lòng

      nghĩ mình vất vả long đong

      xa nghe lại thấy Quảng Đông kéo còi

      về nhà công nợ nó đòi

      trong lòng bối rối đứng ngồi không yên.

      Trong một xã hội luôn có kẻ nghèo người giầu song những ngày thường trong năm ít ai để ý, đến cuối năm nhìn vào việc mua sắm mới hay nhà ai khấm khá, nhà ai túng quẫn. Cảnh huống ấy cũng từng được ghi nhận qua mấy câu:

      Có/không mùa Đông mới biết

      Giầu/nghèo ba mươi Tết mới hay.


      Từ ngày xưa, những ngày sống trên đất tổ, Tết là dịp quan trọng, những ai vì hoàn cảnh phải xa nhà, rời bản quán cũng cố gắng thu xếp để gồng gánh, dìu dắt nhau về đón Tết, mừng tuổi ông bà, cha mẹ, họ hàng. Theo tục lệ này hầu như mọi người đều thuộc lòng những câu ca và cứ theo như thế mà làm:

      Mồng Một tết cha

      mồng Ba tết thầy.


      hoặc nói khác đi cho đầy đủ, trọn tình trọn nghĩa hơn, nếu như đã có gia đình riêng thì không thể quên lãng bổn phận:

      Mồng Một thì ở nhà cha

      mồng Hai nhà vợ, mồng Ba nhà thầy.


      Sở dĩ có lệ tết thầy vì người Việt ta luôn có tinh thần “Tôn sư trọng đạo” và đã được giáo huấn từ thuở ban sơ:

      Một chữ nên thầy, một ngày nên nghĩa

      bởi:

      Không thầy đố mày làm nên


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      Trong nền tảng giáo dục ấy, cái ĐỨC rất quan trọng. Vào hậu bán thế kỷ 19 và tiền bán thế kỷ 20, ở Thăng Long Thành xuất hiện hai nhân vật nổi tiếng về trào phúng, hay trêu chọc thiên hạ, đó là Ba Giai và Tú Xuất. Từ đó như để nhắc nhở, răn đe những kẻ hay ăn gian, nói dối, người ta có câu:

      Hễ ai mà nói dối ai

      Thì mồng Một Tết Ba Giai đến nhà.


      Trong tập trường thi Kim Vân Kiều của thi hào Nguyễn Du cũng đã không bỏ qua tục lệ Tảo Mộ vào mùa Xuân, những ngày tháng đầu năm:

      Thanh minh trong tiết tháng Ba

      Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh.


      Người dân vẫn có lệ Chạp Mả, dọn dẹp cỏ rác cho các ngôi mộ vào tháng Chạp để mời gia tiên về ăn Tết. Lệ này cũng rất quan trọng đối với lòng hiếu của con cháu nên người đời thường nhắc nhớ nhau qua những câu:

      Đi đâu thì mặc đi đâu

      đến ngày giỗ chạp phải mau mà về


      Ảnh hưởng của tục lệ này cũng rất sâu sắc, trong đó có Lễ Bàn Thờ Gia Tiên. Lơ là hay quên lãng là điều bất hiếu vì thế nên có người con gái đã trách vị hôn phu của nàng:

      Chiều Ba Mươi anh không đi Tết

      rạng ngày Mồng Một anh không đi lạy bàn thờ

      hiếu trung mô nữa mà bảo em chờ uổng công!


      Thế rồi người con trai thấy mình có lỗi bèn kiếm cớ biện bạch chạy tội bằng cách nói bận việc làng:

      Hôm Ba Mươi anh mắc lo việc họ

      Sáng Mồng Một anh bận việc làng

      Ông bà bên anh cũng bỏ huống chi bên nàng, nàng ơi.


      Nếp sống của người dân không chỉ gắn bó với đồng ruộng mà còn phần nào theo đuổi thương nghiệp. Trong lãnh vực này, nhất là vào dịp Tết, nếu không nhắc đến chợ phiên quả là điều thiếu sót. Chợ Tết là chợ cuối năm bày bán những món hàng từ hoa trái, trang phục đến đồ chơi, đồ thờ, đồ dùng cho mấy ngày Tết; cũng có thể còn là phiên chợ đầu năm, họp để lấy hên, lấy ngày. Vào thời điểm này, không chỉ là ở khu chợ mà có thể còn là tại một khoảng đất trống nào đó, người ta tổ chức những trò chơi như: đánh đu, đô vật, bịt mắt đập niêu, ném vòng v.v.


      Chợ phiên có những nơi một năm chỉ họp một lần vào ngày nào đó cuối năm, ví như ta vẫn từng nghe:

      Bỏ con bỏ cháu

      Không ai bỏ hai mươi sáu chợ Yên

      Bỏ tổ bỏ tiên

      Không ai bỏ chợ Viềng mồng tám.


      Chợ Yên và chợ Viềng là tên hai chợ ở Nam Định ngày trước, đó là những phiên chợ sầm uất quy tụ rất đông, nam phụ lão ấu, kể cả những vùng lân cận cũng kéo đến mua sắm.


      Tại cố đô Huế, dân đất thần kinh có chợ phiên Gia Lạc gần thôn Vỹ Dạ, hàng năm chỉ nhóm họp trong mấy ngày Tết, thường thì từ 29 tháng Chạp đến mồng ba Tết. Theo truyền thuyết thi do vị hoàng tử thứ tư của vua Gia Long cho họp vào ba ngày đầu năm trên một khoảng trống gần phủ đường, lúc đầu có ý để người trong hoàng tộc tiện tới mua sắm, sau dân làng chung quanh cũng được tham dự nên có câu:

      Gia Lạc chỉ mở ngày xuân

      Quanh năm suốt tháng khó lần tìm ra.


      Tỉnh Vĩnh Yên có chợ Dưng, Dưng là tên của làng Văn Trưng thuộc phủ Vĩnh Tường. Hàng năm nơi đây mở hội Xuân vào mồng sáu tháng Giêng. Trong phiên chợ cũng nhiều trò chơi, đặc biệt có trò chơi “nam nữ bắt chạch trong chum”. Do đó người dân cũng có câu:

      Bỏ con bỏ cháu

      Không ai bỏ mồng sáu chợ Dưng.


      Rồi nữa, huyện Nông Cống tỉnh Thanh Hóa có chợ phiên Cầu Quan, dân ở đây còn gọi là chợ Thượng, họp ngay bên bờ con sông đào. Người ta đi chợ còn được thú vui xem đua thuyền rồng thật vui mắt:

      Cầu Quan vui lắm ai ơi

      Trên thì họp chợ, dưới bơi thuyền rồng.


      Vùng Quan Họ Bắc Ninh cũng khá nhiều chợ phiên nổi tiếng một thời qua những câu hát:

      Xứ Nam nhất chợ Bằng Gồi

      Xứ Bắc Vân Khám, xứ Đoài Hướng Canh


      Những tên gọi Xứ Nam, Xứ Bắc, và Xứ Đoài là có ý chỉ các tỉnh Hà Nam, Hà Bắc, và Sơn Tây.


      Vùng đất Nam Định người ta cũng được nghe những câu ca nói về những thú vui nơi các phiên chợ trong những ngày đầu xuân:

      Mồng Một chơi cửa, chơi nhà

      Mồng Hai chơi xóm Mồng Ba chơi đình

      Mồng Bốn chơi chợ Qủa Linh

      Mồng Năm chợ Trình Mồng Sáu Non Côi

      Qua ngày Mồng Bảy nghỉ ngơi

      Bước sang Mồng Tám đi chơi chợ Viềng

      Chợ Viềng một năm mới có một phiên

      Cái nón em đội cũng tiền anh mua.

      Theo tục lệ ngày Tết Nguyên Đán người ta trồng cây nêu trước nhà có ý để xua đuổi tà ma không cho xâm nhập nên trong dân gian có câu:

      Thứ nhất nêu cao

      thứ nhì pháo kêu.


      Trong tâm thức người Việt cho rằng cây nêu là biểu tượng của sức mạnh, quyền lực xua tan những điều xấu xa, và tràng pháo nổ dòn là niềm vui, hạnh phúc và may mắn. Nhà nào có cây nêu cao là giầu sang, quyền quý:

      Cu kêu ba tiếng cu kêu

      Trông mau đến Tết trồng nêu ăn chè


      Những lễ nghi trong ngày Tết ngoài việc cúng gia tiên còn lệ cúng trời cúng đất. Vùng đồng bằng sông Cửu Long ngày Mồng Mười tháng Giêng là ngày vía đất nên có câu nhắc nhớ người dân:

      Mồng Chín vía trời

      Mồng Mười vía đất


      Sáng ngày đầu năm các viên chức trong làng, xã cùng các vị bô lão tụ họp về đình làng để cầu cùng Thành Hoàng và các thần linh phù trợ cho dân làng qua những câu vừa chúc tụng vừa khấn nguyện:

      Chúc mừng thượng đẳng tối linh

      Phù trì dân xã hiển vinh sang giầu

      trước đình lại có rồng chầu

      có đôi quy phụng tựa mầu non tiên

      giữa đình có đấng bát tiên….

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      Trong những ngày xuân vô vàn trò chơi; tuy nhiên, mỗi lớp tuổi thường thiên về những môn chơi thích hợp. Trẻ có trò chơi của trẻ, ví như miền Bắc có trò hát “Xúc xắc, xúc xẻ”. Thường vào đêm giao thừa nhóm trẻ chừng mươi, mười lăm em cầm ống bơ đựng vài đồng tiền kẽm, rủ rê nhau đến từng nhà hát mừng gia chủ năm mới gặp nhiều may mắn, mọi sự hạnh thông:

      Xúc xắc xúc xẻ

      Nhà nào còn đèn còn lửa

      mở cửa cho chúng tôi vào

      bước lên giường cao có đôi rồng ấp

      bước xuống giường thấp có đôi rồng chầu

      bước ra đàng sau có nhà ngói lợp

      ngựa ông còn buộc

      voi ông còn cầm

      ông sống một trăm linh năm tuổi lẻ

      vợ ông sinh đẻ

      những con tốt lành

      những con như tranh…

      một vài nơi khác lại có tục hát ”Sắc Bùa” theo điệu dân ca của từng địa phương. Cũng có nơi kết hợp múa và hát cũng trong điệu dân gian. Đặc biệt là một vài xã miền biển quận Đức Phổ, Quảng Ngãi, Phường Sắc Bùa còn đặt ra những câu hát riêng cho mỗi ngành nghề:

      Thánh chúa vạn niên

      Thánh chúa vạn niên

      Chúng tôi nay dâng cách đội đèn

      Thái hòa gặp tiết xuân thiên

      Gió đưa chồi ngọc, hoa chen cành vàng

      Trong nhà ta đèn thắp sáng trưng

      Song le còn muốn chơi trăng ngoài thềm

      để cho trong ấm ngoài êm….

      Cũng trong những ngày hội xuân, thanh niên nam nữ tổ chức hát hò, nào là hát dặm, hát đố/đối, hát quan họ, hát trống quân v.v., những điệu hát và lời ca mang tính trữ tình như nhắn nhe, ngỏ ý, trao duyên v.v.

      Tới đây viếng cảnh thăm hoa

      trước mừng các cố sau là mừng dân

      sau nữa xin mừng cả làng tuần

      mừng cho nam nữ chơi xuân hội này

      một mai đàn có bén giây

      ơn dân vạn bội biết ngày nào quên.

      Và tình tứ hơn ta nghe:

      Mở đầu chàng trai khéo léo ướm hỏi:

      Tiện đây Mận mới hỏi Đào

      vườn hồng đã có ai vào hay chưa?


      Cô gái đáp:

      Mận hỏi thì Đào xin thưa

      vườn hồng sẵn lối nhưng chưa ai vào


      Sự tình đã rõ: vườn hồng để ngỏ đấy song ai thấy có đủ bản lĩnh thì xin mời bởi cuộc đối đáp cũng còn gay go lắm đấy:

      Chàng khoe chàng lắm văn chương

      Nên đây thiếp mới hỏi rằng:

      Dầu gì không ai thắp

      bắp gì không ai rang

      than gì không ai quạt

      bạc gì chẳng ai mua?

      Anh cả anh hai đó ơi

      Ai bên chàng đáp được thiếp bên này xin theo.

      Gặp dịp như mở cờ trong bụng, chàng trai có chút học thức bèn lên tiếng đối đáp:

      Dầu thoa không ai thắp

      bắp chuối chẳng ai rang

      than thân không ai quạt

      bạc tình chẳng ai mua

      cô cả cô hai đó ơi.

      hoặc như khúc hát đố, thử tài tính toán của nhau cũng rất tình tứ trong lời nhắn nhe. Chàng trai lên tiếng trước:

      Đôi ta thấy toán thì mê

      Em đi đố trước anh về đố sau

      thỏ, gà ăn ở cùng nhau

      đếm chân ba mươi sáu đếm đầu mười ba

      toán đề em giảng cho ra

      thì anh kết nghĩa giao hòa cùng em

      cô gái cũng nhanh nhẹn đáp lại:

      Được rồi em tính anh xem

      Anh giờ đứng tuổi còn em trưởng thành

      hợp đề em thấy rành rành

      thỏ năm gà tám cộng thành mười ba

      nghĩa là mười sáu chân gà

      hai mươi chân thỏ bài ra đúng rồi

      anh còn đố nữa hay thôi

      hay là anh tính thề bồi chi đây.

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022

      Trong dịp Xuân về, Tết đến, người Việt còn có những thú vui tao nhã, đó là thú chơi câu đối, nói đến câu đối đỏ ta thường nghĩ ngay tới bài thơ “Ông Đồ” của nhà thơ Vũ Đình Liên:

      Mỗi năm hoa đào nở

      lại thấy ông đồ già

      bày mực tầu giấy đỏ

      bên phố đông người qua


      thế rồi:

      nhưng mỗi năm mỗi vắng

      người thuê viết nay đâu

      giấy đỏ buồn không thắm

      mực đọng trong nghiên sầu.


      Các cụ đồ luôn nghĩ ra những câu đối cho phù hợp với gia cảnh và tình huống của mỗi người, mỗi nhà, và để thêm vào những chuyện vui trong ngày Xuân chỉ xin ghi lại đây một vài giai thoại về câu đối:


      Vào ngày Mồng Ba Tết, một ông Bảng ghé thăm người bạn là một ông Tú nghèo, thấy hai con của bạn đang ngồi khóc, mỗi đứa một đầu hè, tưởng là chúng giận nhau chuyện gì. Hỏi ra thì hay là không có tiền đi chơi với bạn và người nhà còn cho biết là các em có học biết làm câu đối, ông Bảng liền nói với hai trẻ nếu đối được câu ông ra sẽ cho tiền đi chơi. Hai trẻ đồng ý và ông Bảng ra câu đối như sau:


      Tết với nhất, nhất với tết, một Tết một bết


      Cậu lớn còn đang suy nghĩ thì em nhỏ đáp ngay:


      Hội cùng hè, hè cùng hội, hai hè hai nhè.


      Và một giai thoại nữa nói lên một tình cờ mà tuổi trẻ đã đáp ứng được yêu cầu của người lớn qua vế đối. Chuyện kể ông Nghè Thanh có đứa cháu nội 7 tuổi, sáng 30 đòi tiền mua pháo, bà nội cho tiền mua nhưng tối đến định đem pháo ra đốt lại sợ nên nài nỉ ông nội đốt hộ. Bà nội thấy vậy bật cười…, đốt pháo xong cậu bé đói bụng chạy vô đòi ăn, bà nội mắng “Đồ mua pháo mượn người đốt”, cậu cháu cãi lại “Ông đốt chứ người nào đâu”. Bà Nghè nói muốn ăn thì phải đối được câu này:

      Mua pháo mượn ông đốt


      Cậu bé nói “Cháu đói quá rồi không đối được - Lấy giò cho cháu ăn


      Bà nội chưa kịp nghĩ ra bèn nói không đối được thì đừng ăn.


      Ông Nghè nghe vậy bèn cười nói với bà Nghè “Cháu nó đối rồi đó, Lấy giò cho cháu ăn đối với Mua pháo mượn ông đốt thì chỉnh qúa rồi còn gì. Thế là bà nội đành phải chiều cháu.


      Xuân về đón Tết mà có những thú vui như thế thật là hạnh phúc. Tiếc rằng thời ấy đã qua mất rồi. Ngày nay trên quê hương mùa xuân vẫn về, Tết vẫn là Tết song lòng người như không thanh thản, bình an nếu không muốn nói đến những ngậm ngùi, cay đắng, xót xa quầng lên mi mắt và như cũng đồng cảm với những người Việt tha hương trong niềm tiếc nuối những mùa xuân xưa trên miền Nam nước Việt tự do, no ấm, và hạnh phúc nơi nơi./.


      Trường Thy

      Văn Hóa Việt Nam, số 64 - Mùa Xuân 2014

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Điển cố tình yêu trong văn học Trường Thy Tiểu luận

      - Mùa Xuân Đất Việt Qua Ca Dao Và Tục Ngữ Trường Thy Tiểu luận

      - Hồn Dân Tộc Trong Ca Dao Trường Thy Khảo luận

    3. Tiểu Luận (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)
  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)