|
Phạm Ngọc Lũy(20.11.1919 - 21.12.2022) | Quách Tấn(4.1.1910 - 21.12.1992) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Giáo sư Trần Ngọc Ninh
"Tuyết" là một danh-từ mà một giới văn-phiệt(1), xuất hiện sau những ngày hồi-hộp lo-âu trong những năm đầu 30 của thế-kỉ, đã kêu gọi đuổi ra khỏi trường văn gọi là mới của Việt Nam. Lúc ấy, những điên rồ của Sô-Viết Nghệ-Tĩnh vừa bị dẹp, khói lửa của vụ bỏ bom làng Cổ-Am còn tràn ngập khắp trời Việt-Nam và mười ba cái đầu yêu nước vừa bị rụng dưới cái máy chém, phát-minh gọi là "nhân-ái" của cuộc Cách-Mệnh Pháp dưới chủ-trương "Tự-do và Bình-đẳng". Con rồng con yêu nước phải tạm thu mình trong bùn lầy của đồng ruộng. Để học. Để suy tư. Để chờ thời.
Tuyết bị thanh trừng và đẩy ra ngoài cõi thi-văn Việt- Nam lúc đó vì một lí-do rẻ tiền cũng có mầu yêu nước là "thơ Đường chính hiệu nói đến tuyết thì đúng, còn thơ ta nói đến tuyết thì chỉ là theo đuôi sáo sậu, sĩ sọ từ chương, vì nước Việt-Nam chỉ có nắng với mưa, lấy đâu ra tuyết?" Đó là lí-luận học đòi của một vị danh-y Việt-Nam đời xưa, đã lầm lẫn viết cả một cuốn sách để bác bỏ sự dùng quyển Thương Hàn Luận rất nổi tiếng của Trung-Hoa cho người Việt- Nam, vì "nước An-Nam ta là xứ nóng, người ta chỉ bị cảm hàn qua loa thôi chứ không thể bị thương hàn được"!
Đó cũng là cái lập-luận của một số bác-sĩ và sinh-viên quá khích ở cả hai chế-độ đối-nghịch trong thời nội-chiến vừa qua, đã tìm được một điểm nhất trí, đòi hỏi rằng chương-trình học y- khoa ở Việt Nam phải đặt nặng những bệnh thổ-ngơi thông- thường trong nước như sốt rét, kiết lị, ghẻ lở và bỏ bớt những bệnh người ta nghĩ là hiếm có ở nước ta như bệnh cao huyết áp, bệnh tiểu đường, bệnh tâm-thần phân-tán... Trường Y Khoa Hà-Nội và các trường Y Khoa cấp dưới đã theo chủ trương y-tế nhân-dân đó và đang sa lầy ở một trình-dộ thấp kém khó có thể tưởng tượng nổi. Muốn ra khỏi được tình- trạng ao tù trí-thức ấy mà vẫn cố giữ một giọng chịch thượng đi đôi với một quan-niệm hủ-lậu "ta về ta tắm ao ta", thì hàng trăm, hàng triệu tính-mệnh của nhân-dân sẽ còn phải bị oan ức hi sinh để cho Nhà Nước yên ổn ngồi đó, "yêu nước" và xơi nước.
Việt Nam không phải là không có tuyết. Thuở nhỏ ở ngay Hà-Nội, tôi cũng đã thấy cả mưa đá. Nhỏ thôi, to nhất là bằng hòn cuội, nhưng hầu hết chỉ bằng hạt đậu hay cái mắt cua, tuy vậy nhưng cũng lộp bộp ra trò và rớt vào đầu cũng điếng. Vườn rau có thể thiệt hại, không những vì hòn nước đá đâm thủng hay rách tầu rau, mà vì lạnh làm rau chết cóng.
Còn tuyết thì lúc đọc những lời hô hào đầy nhiệt tình sô- vanh chủ-nghĩa (2) này, tôi quả cũng có thấy sôi lên một bầu nhiệt-huyết của tuổi mười lăm mười tám. Đúng lắm, phải quét hết tuyết ra khỏi vườn thơ của nước ta! Không những phải loại cho đến bông tuyết cuối-cùng, có lẽ phái đốt hết thơ đường-luật và gột sạch các điển-tích ra ngoài văn-thơ Việt-Nam thì mới hả được cái hận dân-tộc trong người mình. Thế nhưng chỉ vài năm sau thì tôi mới biết được rằng ở Lạng-Sơn và Chapa có mưa tuyết, và hoa đào Chapa dưới tuyết là một cảnh đẹp có thể nhớ đời nếu đã được thấy một lần. Hơn thế nữa, ai là người nói được cho ta biết rằng vài trăm năm trước, khí-hậu nước ta chẳng đã trải qua một thời lạnh-lẽo và tuyết có thể đã đi xuống đến bờ châu-thổ Sông Cái?
Sử-gia và khảo-cổ-gia của chúng ta chưa đủ tiến bộ để làm một công-việc khoa-học như Giáo-sư Emmanuel Le Roy Ladurie ở Trường Pháp quốc (Collège de France) và một số khảo-cứu-gia Hoa-kì, xem xét cả đến những vòng trên thiết- diện các thân cây cổ-thụ để tính xem năm nào đã bị hạn hán hay mưa dầm, nhiệt-độ trung-bình của khí-hậu lên cao hay xuống thấp có thể đã có tuyết có băng hay không, liên hệ những chỉ dẫn thời tiết ấy với những tài liệu khác để định xem tình trạng mùa màng thế nào, tình-hình dân-chúng ra sao, sự không đủa ấm no có gây ra những bất-an trong xã hội và những loạn lạc làm lung lay chế-độ hay không. Nói tóm lại, lịch sử mới đặt trọng-tâm vào đời sống vật-chất cũng như tinh thần của người dân nhiều hơn là chính-trị duy-dâm của Võ Tắc Thiên, những ngoại-tình công-khai của Vua Mặt trời Louis thứ Mười Bốn, những vụ thủ-tiêu các đồng-chí Cách mệnh ở Liên-Sô những năm 23 - 30, vân vân và vân vân, và đã tận-dụng tất cả các tài-liệu viết và không-viết trong một cõi nhân-sinh để tái tạo lại những nếp sống, những tâm trạng của người dân trong những "thời-gian dài" (3) của lịch-sử.
Đời nhà Lý, sau khi nạn ngoại-xâm bởi Nhà Tống đã bị cắt phủ đầu bởi Lý Thường Kiệt trong một trận xuất quân oanh-liệt nhất nhì của sử Việt-Nam, thì nước ta bị một luồng lạnh từ miền Bắc xuống. Một mùa đông giá lạnh hơn thường, vua thương dân không đủ ấm, truyền lệnh lấy chăn bông, áo mền trong kho ra phát cho mỗi nhà. Việc được chép trong sử. Ngoài đường phố và đồng ruộng có tuyết không? Không nói ở miền bắc giáp giới Trung-quốc, ở những châu Quang- Lang, Quảng-Nguyên mà nay ta gọi là Lạng-Sơn, Cao-Bằng, tuyết dầy, đất băng là chuyện khó phủ nhận. Việc phát chăn áo là ở Thăng-long và ngoài Cửa Ô, nếu tiết trời lạnh mà không có những hiện-tượng khác thường, chưa chắc gì đã có việc phát chăn áo của kho ra cho dân. Không xa Thăng-Long lắm, thiền-sư Dương Không Lộ (?-1119), Còn Có bài thơ Ngư Nhàn, vịnh một ông chài với một con thuyền ngập tuyết đậu dưới bến (4):
Vạn lí thanh giang, vạn lí thiên,
Nhất thôn tang giá, nhất thôn yên.
Ngư ông thụy trước vô nhân hoán,
Quá ngọ tinh lai tuyết mãn thuyền.
Dương Không Lộ (?-1119)
Bát ngát sông xanh, bát ngát trời,
Một thôn mây khói, một dâu gai,
Ông chài ngủ tít không người gọi,
Tỉnh dậy thuyền trưa ngập tuyết rơi.
Ngọc Liên dịch
Cách ta chỉ mới trên dưới hai trăm năm, một buổi sáng thu lạnh, có lẽ ở Thành Nam vùng Thái-Bình, Nam-Định, một mình trên một cái gác con nhìn ra ngoài, Nguyễn Du thấy khắp thôn xóm, đầy một trời tuyết. Vẳng nghe từ xa tiếng tù-và rạng đông vẳng lại, sự buồn thực là man-mác mông-mênh:
THU CHÍ
Tứ thì hảo cảnh vô đa nhật,
Phao trịch như thoa hoán bất hồi.
Thiên lí xích thân vi khách cửu,
Nhất đình hoàng diệp tống thu lai.
Liêm thùy tiểu các tây phong động,
Tuyết ám cùng thôn hiểu giác ai.
Trù trướng lưu quang thôi bạch phát,
Nhất sinh u tứ vị tằng khai.
(Thanh Hiên Thi Tập, 14)
THU ĐẾN
Cảnh đẹp quanh năm được mấy ngày,
Thời gian vun vút cánh chim bay.
Dặm ngàn đất khách, thân cô độc,
Thu đến trên sân, lá rụng đầy.
Ngọn gió lay rèm căn gác hẹp,
Tiếng còi rúc tuyết xóm ban mai.
Thoi đưa thắm thoát đầu pha bạc,
U uất lòng riêng mãi khó khuây.
Chi Điền Hoàng Duy Từ dịch.
Ai nói rằng Việt-Nam không có tuyết? Ai nói rằng thi-nhân Việt-Nam không thực?
Nếu có một thoáng tuyết mà một thi-sĩ Việt-Nam đã nhìn thấy trước khi nó tan trên ngọn cỏ, tôi nghĩ rằng cũng đủ làm thơ, vì tuyết, khen tuyết, thưởng tuyết, cho tuyết. Và cái gợn sóng thừa mà lời thơ gây nên có thể lăn-tăn vang rộng trong thời gian và không-gian mà gợi thành một khiêu-hưởng đâu đó, trong một tâm hồn xa-xôi cách-trở nhưng đồng điệu đồng thanh. Như trong khoa-học ngày nay, về hỗn mang và về đoạn-hình (5), người ta nói rằng cái vỗ cánh của một con bươm-bướm có thể tạo ra một trận cuồng-phong ở ngàn dặm xa. Cho nên tôi không thể nào nhẫn tâm đuổi một bông tuyết ra ngoài thơ, dầu chỉ là một bông tuyết xưa chỉ còn trong mộng. Nói chung, tôi không muốn gạt bỏ một hình ảnh hay một điển-cố nào của văn-thơ một khi đã có một người rung động vì hình-ảnh hay điển-cố ấy. Người ta có quyền yêu hay không yêu, nhưng không ai có quyền cấm đoán yêu đương.
Từ đó, tôi đã thấy nhiều tuyết và sống nhiều tuyết. Lần đầu tiên thấy tuyết là tại một thửa vườn trong một căn phòng thuê của học trò, ở ngoại-ô một tỉnh miền đông-nam nước Pháp. Đang ngồi đọc sách, ngẩng đầu lên nhìn xem ánh nắng nhạt của mặt trời đã lên đến đầu tường chưa để mặc áo ra ngoài đón xe công-cộng đi bệnh-viện, thì thấy trên nền trời xám, mơ hồ như có những nắm bông gòn trắng nho-nhỏ phất phới lửng lơ trước gió, lâng-lâng như thể trọng- lực đã rời mặt đất. Người trong cửa sững sờ, ngoài khung cửa những túm bông tơ chập chờn đùa rỡn. Bỗng lóe lên một ánh sáng trong óc: Tuyết! Đúng Tuyết, Tuyết đầu, Tuyết mới, Tuyết nguyên-trinh. Cả một trời kí-ức văn-chương sáng rực lên: Kinh Thi, Nguyễn Du, Anatole France, Hemingway, Nạch Cư-dị, Byron, Basho, Đoàn Thị Điểm, Rimbaud, Heine, Coethe, Đỗ Phủ. Rồn-rập. Loạn-xạ. Thanh-khiết. Nhất-nguyên. Đẹp và trong vắt.
Tôi đã ở ngoài vườn không biết lúc nào. Mặt ngửa lên trời cho tuyết vuốt má. Tay ngửa ra trước mặt để xin tuyết đậu trong lòng bàn. Miệng há ra để hớp tuyết. Màu tuyết thanh. Vị tuyết trong. Hương tuyết mát. Hình tuyết thơm. Bông tuyết như không thể-chất, mát lạnh, nhẹ-nhàng, mảnh mai, trống rỗng, mềm mại, trinh-nguyên một cảm-tưởng mới tinh, một đạo-đức chỉ có một và tự-đầy-đủ.
Sau buổi gặp gỡ ban đầu tuyết đến ngoài cửa không báo không gọi, tôi đã thấy lại tuyết ở nhiều kiểu áo, dưới nhiều bầu trời, trong nhiều phong-cảnh. Trắng nổi trên những cành cây khô đen khẳng-khiu của vườn Pushkin ở thành-phố khi đó còn mang tên Lenin chùm lên tên của Nga-hoàng Peter. Trên các cánh tay mốc xám của tượng các Nữ-thần Nghệ- thuật ở vòng đai Đại-Nhạc-Viện Opéra của Thủ-đô Ánh sáng Paris. Tuyết thành-phố phủ trắng Công-viên Trung-ương của Nữu-Ước. Tuyết quí-phái ngập lút Vườn Thượng-uyển Buckingham và chùm lên chóp cái mũ lông đen của người lính canh áo đỏ ngù vàng đứng vững trơ như Từ Hải ngoài cửa Điện của Hoàng-gia Anh. Tuyết lao-động chảy thành ngòi từ các vỉa hè và các bực thang cửa ga xe điện chìm nổi chạy vòng ở Chicago đông-đúc vội-vã. Tuyết ngủ một giấc trắng-xóa mênh-mông nhiều vạn-kỉ trên những giải đất vô- tận không người từ Alaska xuống Gia-Nã-Đại. Tuyết vĩnh- cửu trên đỉnh Núi Trắng chót vót trong rặng Alpes hùng-vĩ. Và tuyết thiêng tịch-mịch trong thiền-định cao-siêu của rặng Hi-Mã-Lạp-Sơn thần-bí trên đó còn mờ ảo bóng hình chơi- vơi của một Bồ-đề-đạt-ma râu đỏ với một chiếc giày cỏ đơn- độc lủng lẳng trên đầu cây gậy trúc và hình-hài những chêpa nhỏ-bé nhanh-nhẹn trên lưng vác những túi đầy ắp lương- thực và nhu-yếu chạy từ thung-lũng này sang thung-lũng nọ để nuôi sống các làng-mạc hẻo lánh trên sườn núi.
Tuyết xưa của thi-sĩ Villon không phải chỉ là những tuyết ấy, mà người ta thấy nhởn nhơ bay trong gió lạnh giữa những cành khô. Cũng không phải tuyết của Paris xám xịt thời Trung-Cổ, quây quanh Đức Mẹ lộng-lẫy với những ngọn nhà thờ gothic cao vút và nhọn hoắt như những mũi tên khổng- lồ cắm thẳng bên bờ sông Seine, cạnh hòn Đảo Pháp-quốc, nơi hoạt-động chính của thi-sĩ Villon trong thời niên-thiếu.
Tuyết của Francois Villon là hình-ảnh của cái Đẹp không có lời để nói ra sự thuần-túy, sự tuyệt-đối, sự thanh-tao, sự vi diệu. Cái Đẹp của những người đẹp thuở xưa, không những là đẹp lộng-lẫy về dung-nhan và thân-hình như bốn tuyệt- đại mĩ-nhân của lịch-sử Trung-Hoa: Thái-Chân và Điêu- Thuyền mà sự kiều-diễm làm đổ nước nghiêng thành, Chiêu- Quân và Tây-Thi mà nhan-sắc làm chim sa cá lặn. Còn là những người như Helen và Heloise, đẹp vì những mối tình đẹp não-nùng, đẹp vì cuộc đời đẹp oanh-liệt như Bà Trưng, Bà Triệu, như các bà Lê Chân, Bùi Thị Xuân, Bà Ba Đề Thám, Bà Ba Cai Vàng và Jehanne, cô gái Lorraine/ mà quân Anh đã đốt sống ở Rouen (6), tức Jeanne d'Arc mà đức tin và sự hi-sinh đã thức tỉnh người Pháp và dẫn đến một kết-thúc công-bằng cho cuộc Chiến-tranh Một Trăm Năm trong thời Trung-Cổ giữa nước Anh và nước Pháp. Villon đã đặt câu hỏi với Đức Mẹ đồng-trinh:
Thánh Mẹ Đồng Trinh, họ còn đâu?
Nhưng các tuyết xưa nay ở nao?
Ou sont-ils, ou, Vierge souv'raine?
Mais ou sont les neiges d'antan?
(F. Villon - Ballade des Dames du Temps Jadis)
Nhưng không phải Villon đã chỉ nghĩ đến những người đẹp và cả những Đẹp xa-xưa khi ngửa đầu lên hỏi Đức Mẹ Đồng-Trinh, vua bà của thế-giới trung-cổ:
Nhưng ở đâu là những tuyết của năm xưa?
Tập thơ được nhặt nhạnh và chép lại, ghi là của Francois Villon, là những lời tuyệt mệnh đặt tên là Chúc-Thư Nhỏ và Chúc-Thư Lớn, hay Bi-Văn Mộ-Chí của Villon. Nhưng Villon làm gì có mộ mà có bi-văn với mộ-chí: ông chết và chôn ở đâu lúc nào, bằng cách nào, cho đến nay không ai được biết. Thơ của ông là những bài thơ đầu-tiên trong đó thi-sĩ tự xưng là "tôi", và kể cuộc đời của ông, cho đến cái chết mà ông tiên đoán. Từ ông đã có một dòng thơ trữ-tình, là chính tự-truyện của nhà thơ. Villon còn là người đầu tiên trong thi- đàn nhân-loại ta có thể gọi là "thi-sĩ bị đọa đầy" (poètes damnés) (7), một tước-vị mà đến Thế-kỉ thứ Mười-Chín, người ta mới đặt ra cho thi-sĩ Baudelaire, rồi Verlaine với Rimbaud, và sau cùng mới nhất ở Pháp là Genêt mà J.P. Sartre gọi là "Thánh Genêt", hay ở Việt-Nam, là Hàn Mặc Tử, "thánh Hàn Mặc Tử", và Bùi Giáng, "Tiên Bùi Giáng".
Đời của F. Villon là trong thơ của ông. "Một thằng học trò nhỏ đáng thương"// "Tôi nghèo từ thuở nhỏ / nghèo hèn trong giòng họ / cha tôi không giầu có / nội tôi cũng nghèo khó / cái nghèo theo không hở / mong mồ mả tiên tổ/ (Trời độ hồn các cụ)/ không hề hia áo mũ..." / "Đi học thì bỏ trốn / như bọn trẻ hư đốn"/
... Thực ra, có lẽ cũng không đến nỗi tệ-hại quá như thế lúc đầu. Villon có được một linh-mục dạy dỗ và đã đậu "tú-tài" rồi "cử-nhân" và cử-nhân thời ấy ở Paris được đi làm thư-kí rồi tự-nhiên, tất-nhiên, trụy lạc. Villon cũng đủ cả đĩ điếm, trai gái, cờ bạc, rượu chè. Rồi một bữa trong một cuộc gây lộn với một linh-mục, bị linh-mục đâm cho một nhát dao vào mặt, Villon liền rút dao đâm chết linh-mục tại chỗ rồi bỏ trốn. Bị bắt được tha, nhưng từ đây đi lại toàn với dân du thủ du thực, ăn cắp, ăn cướp. Một bọn trộm, có tên là Đảng Vỏ Sò, vào một nhà tu ăn hàng, Villon cũng có trong bọn. Bị lùng, cả bọn trốn sang tỉnh khác, nhưng rồi Villon cũng lại bị bắt và bị lên án tử hình treo cổ; cuối-cùng lại được tha chết một lần nữa với điều-kiện là cấm bén mảng về lại thủ-đô. Villon rời Paris, rời thơ, và không biết đi chết ở nơi nao sau đó như trong một câu thơ đã viết:
Cho tôi hay đâu, ở phương nào?
(Dites moy ou, n'en quel pays?)
Có một bài thơ của Villon, mở đầu bằng câu:
Tôi tiếc cái thời tôi còn trẻ...
(Je plains le temps de ma jeunesse)
... Tôi biết lắm, giá tôi chịu học
Trong cái thời tuổi trẻ điên rồ,
Và chịu buộc mình trong phép nước,
Nhà cao, chăn ấm, cũng không thua.
(Bien sais, se j'eusse étudié
Ou temps de me jeunesse folle
Et à bonnes moeurs dédié
J'eusse maison et couche molle).
Tuyết xưa với Villon, không chỉ là những người đẹp thuở trước, Flora, Thais, Echo, Héloise mà Abélard đã yêu, Jeanne d' Arc mà người Anh đã thiêu (8)... Tuyết xưa với Villon còn là cả cái thời xưa còn trẻ và trong-trắng của mình, cái thời xưa không bao giờ có thể lấy lại và không biết đã đi đâu.
Mùa xuân bao giờ cũng đẹp. Rạng đông nào cũng rực rỡ huy hoàng. Tuyết sớm nào cũng thanh khiết trắng trong. Tuổi trẻ nào cũng hồn nhiên tươi sáng. Nhưng ai là người dám chắc ở sự hứa-hẹn của trời và sự xoay-vần cua cuộc sống? Đến cuối đời nhớ lại, hay ở một khúc quanh tối-tăm người ta tự vấn, Ta đã làm chi đời ta? (Vũ Hoàng Chương).
Như thi-sĩ Verlaine trong thơ:
Cảnh Mùa Đông Trong Rừng Nai, tranh bột màu Gu-at của Alfons Van Cleven, họa sĩ Mỹ (1928- ). Winter Landscape in Deer Grove, 1993.
Trên mái nhà
trời xanh êm ả
Ttên mái nhà
cây ru chùm lá
Trên nền trời
tiếng chuông nhẹ ngân
Trên cành cây
chim buồn hát than
Đời ngoài kia
đơn sơ phẳng lặng
Tiếng rì rào
từ tỉnh văng vẳng
Trời ơi! Trời ơi!
Đã làm gì, hỡi ngươi trong đó
không ngớt tiếng khóc than
Đã làm gì, ngươi đang trong đó
tuổi của ngươi thanh xuân
Le ciel est, par-dessus le toit...
Le ciel est, par-dessus le toit,
Si bleu, si calme!
Un arbre, par-dessus le toit,
Berce sa palme.
La cloche, dans ciel qu'on voit,
Doucement tinte.
Un oiseau sur l'arbre qu'on voit
Chante sa plainte.
Mon Dieu, mon Dieu, la vie est là,
Simple et tranquille.
Cette paisible rumeur-là
Vient de la ville.
- Qu'as-tu fait, ô toi que voillà
Pleurant sans cesse,
Dis, qư'as-tu fait, toi que voilà,
De ta jeunesse?
Paul Verlaine
Francois Villon với một bản án tử-hình được xóa bỏ một lần và cái ấn-tượng ba thằng đạo-chích, thi-nhân ở giữa như Đấng Cứu-thế, bị treo lủng lẳng, cao và ngắn, trên ba cái cột gỗ giữa lộ; Paul Verlaine, ngồi gậm thời-gian hai năm trong một nhà tù ở Bỉ, ngày lại ngày nhìn một chùm lá cọ du đưa trước mắt, nghe tiếng chuông nhà thờ vẳng vào tai từ đâu- đó phía bên kia cái mái nhà, nghiền ngẫm phát súng lục đã bắn vào chân người bạn lòng, thi-sĩ Arthur Rimbaud; họ tiếc nhớ, họ hối hận, cái tuổi trẻ mà họ đã phung phí, cái êm-ả đơn sơ, phẳng-lặng của cuộc đời mà họ đã bỏ mất, những Tuyết Xưa đẹp như người đẹp, đáng yêu như người yêu, đáng trân quí như những bậc nữ-lưu anh-kiệt của lịch-sử, mà giờ đây họ biết là vẫn còn đâu-đó nhưng không lộ dấu-vết là đâu:
Ở đâu, những tuyết xưa nay ở nơi nao?
Như nàng Kiều, mười lăm năm trôi nổi trong chốn đoạn- trường, với một câu hỏi không tìm ra lời giải đáp:
Khi sao phong gấm rủ là (1235)
Giờ sao tan tác nhu hoa giữa đường...
Băng tuyết là quá khứ, gió-sương là hiện-tại, tìm đâu cho còn thấy lại được cái tuổi thơ băng-tuyết khi nao.
Ở cõi Đông Á thấm nhuần nền đạo-đức Khổng Mạnh, tuổi trẻ là tuổi thành-nhân và cũng là tuổi chí-thiện; mới lên năm lên sáu, đũng quần còn chưa hết hẳn dầm đùn, đến nhà thầy để được khai tâm, là miệng đã phải ê-a những câu Ba Chữ, học thuộc lòng thì được và có thể nhớ đến mãn đời, nhưng nghĩa-lí thâm-trầm thuộc về bản-thể-học và là nồng- cốt của đạo Nho chính-thống thì nhiều người có lẽ đến chết cũng vẫn chưa thông:
Nhân chi sơ / Tính bản thiện
Tính tương cận / Tập tương viễn...
Cụ Tam-Nguyên Nguyễn Khuyến ở làng Yên-đổ, buồn về thế-thái, chán cho nhân-tình, đã cáo quan về làng để khỏi Phải nhìn thấy những cảnh lố-lăng đau lòng nơi triều-chính trong một thời mà đất nước cùng với lòng người đang bị bẻ ra từng mảnh để dâng cho ngoại-bang, nhưng cũng vẫn còn tin ở tương-lai của tuổi trẻ. Trong tất cả văn-thơ của Cụ, có lẽ chỉ có một bài không châm biếm cũng không xót thương, Cụ làm để Cụ Bà và các Bà Mẹ Việt-Nam ru con dỗ cháu, những mong đàn trẻ lớn lên thành người, con gái con trai vẫn giữ được tính bản thiện là cái lòng vàng của con người ta:
Tình tính tang
Tang tính tình...
Học là học đạo làm người,
Làm người phải giữ lẽ trời dám sai.
Làm trai cho đáng nên trai,
Chớ đừng ngày một ngày hai,
Chớ đừng lêu lổng cho phai lòng vàng.
Nhưng Bài Hát Ru Con là bài đã bị bỏ rơi sớm nhất; trường Đại-học Văn-khoa có trong chương-trình tất cả các bài hát Ả-đào và những bài tán tụng cái nhàn mà Cụ đã làm chơi để khề-khà ngâm vịnh với chén trà cốc rượu khi bác- bác tôi-tôi với mấy người bạn bút-nghiên và bất-đắc-chí, còn bài Ru Con chỉ là chuyện trẻ con, đâu đáng gọi là văn-chương để các cậu Cử tương-lai phải bận lòng?
Vả chăng tất cả cái thời này nó cũng đang trôi qua theo vận nước, thánh thì đã chết từ lâu còn hiền thì cũng từ lâu lặng tiếng. Cụ Nghè Dương đi rồi, trơ trọi trong thiên-hạ khi còn có một mình mình với cái danh hão Tam-Nguyên. Sau lưng là anh Tú Xương lận-đận, tuy rằng cũng có chút xấc láo dám chọc cả mình là bọn "nằm co", nhưng thời buổi bút chì thay bút lông, dọng khinh-bạc cũng chỉ vì chua-chát. Không ngờ rằng thời-vận đổi thay nhanh đến thế, chú ấy lại chết trước mình không biết để dọn đường cho những cay-đắng gì nữa đây. Cụ Tam-Nguyên Yên-Đổ đã may mắn được nhắm mắt trước khi xuất hiện Tú Xuất và Ba Giai, những cuồng-sĩ hậu Hà-thành thất-thủ của Việt-Nam văn-hiến. Một đời Cụ chẳng bao giờ được thấy tuyết để mà ngửa mặt lên hỏi Trời:
Thế những tuyết xưa nay ở nao?
Khổng-tử không có hồn thơ, nhưng cũng hướng về một cái quá khứ giả-tưởng để ước mong. Là vì cái hiện-tại Xuân- Thu đã để mất "Đạo Cả", tìm đâu có thể thấy lại được Nó? Nhà Thương-Ân là kẻ thù của nhà Chu, không thể nào đặt Thương-Ân lên bậc lí-tưởng, cũng không thể nào tôn Hạ-Vũ lên hàng thánh-vương. Trong trường-hợp ấy, bắt buộc phải lên cao hơn. Nghiêu, Thuấn tự-nhiên được phong thành những thánh-quân để cho hậu-thế coi là gương-mẫu. Nhưng chẳng được bao lâu. Mặc-tử, với thuyết kiêm-ái, đã vượt lên trên chuyện nhân-nghĩa của họ Khổng và thượng tôn các thánh- vương trước Thuấn, trước Nghiêu. Rồi Tuân-tử... Nhưng đó là những bày đặt của các triết-gia, lấy mộng làm chân; khách hàng của họ là vua-chúa, là quân-tử, là những người có quyền, có thế; quá-khứ với họ không có người đẹp, không có tình người, không có nắng, mưa, sương, tuyết. Hoặc Nghiêu, Thuấn, hoặc Kiệt, Trụ, thế thôi. Minh bạch trắng đen.
Với thi-nhân, tôi muốn nói các thi sĩ và cả những người có đọc thơ, ngâm thơ, yêu thơ và trong một giây phút nào đó của đời mình đã thấy thâm sâu và tịch mịch trong lòng một mảnh hồn thơ biết rung động, nhớ nhung, Tuyết Xưa là cái thực có. Nhưng không cần phải thực là tuyết; Tuyết Xưa là hình ảnh của những ước-mơ về một cuộc sống thần-tiên, tao nhã, thanh tịnh, tiêu-diêu, không-lệ-thuộc, không-tranh-đua, không ràng buộc, không-lo-âu, muốn đến thì đến, muốn đi thì đi, và tuyệt nhiên không có bóng-dáng cái ô-trọc phiền lụy của thế gian ngày-nay. Tuyết Xưa là con hạc vàng đã từ lâu đi mất không còn trở lại nơi gác trống lầu hoang:
Hạc vàng ai cưỡi đi đâu
Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ.
Hạc vàng đi mất từ xưa,
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay...
Tán Đà Nguyễn Khắc Hiếu dịch
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
Thử địa không dư Hoàng Hạc Lâu.
Hoàng hạc nhất khứ bắt phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du...
Thôi Hiệu (704-754)
hay rõ ràng hơn nữa, trong một bài thơ đề Chùa Hương- Tích (8) của La-Sơn Nguyễn Thiếp, mà ông Hoàng Xuân Hãn đã diễn nôm:
... Am xưa đá trắng còn bầy.
Nền xưa chỉ thấy những đầy tùng xanh
Gió trăng vẫn rành rành ra đấy,
Thần tiên nào còn thấy nơi đâu...
Nguyễn Thiếp (1723 - 1804)
Hoàng Xuân Hãn - La-5ơn Phu-Tử
Tịch-tịnh, thanh-hư, dù là vô-thường dưới ánh nắng hay thường-hằng vĩnh-cửu như trên những ngọn cao của Tuyết- sơn, là cái ước- vọng thâm-sâu của Cõi Á-đông mà thời-thế loạn-lạc và văn-minh vật-chất đã mãi-mãi đẩy vào thế-giới của ảo-tưởng, mộng-mị, nếu không là của cuồng-tín và phân- tán tâm-thần. Đường vào Thiên-Thai đã bị khóa kín, họ Lưu, họ Nguyễn, họ Lí, họ Lê trở về sống lạc loài nơi trần tục, nhưng không dứt được giấc mơ đã tàn về một Tuyết Xưa. Họ chỉ còn được phép nghĩ đến cái quê hương yêu dấu cũ tuy rằng còn đó nhưng không còn là của họ, vì những người ở đó là con cháu họ và con cháu những người bà con họ hàng cũ của họ thực, nhưng sao mà khác, sao mà lạ, sao mà lạnh nhạt thờ ơ...
Chuyển sang thế-giới Việt-Nam với những dâu-bể dồn dập trong cõi người ta mới khoảng hơn một trăm năm nay, Tuyết Xưa là cái êm-đềm thanh-đạm của một thời mà hình ảnh tượng-trưng vô-cùng ngao-ngán là những ông đồ chít khăn, còng lưng trên miếng giấy đỏ để bán chữ ba ngày tết, cố vừa lòng những người áo quần súng sính nhưng trong bụng không biết đến nửa chữ thánh-hiền, đang nhởn-nhơ bước qua mặt mình như người thương-nữ đi qua cảnh mất nước mà miệng vẫn réo rắt hát bài "Nhị Tình Ca":
Những người muôn năm cũ
Hồn bây giờ ở đâu?
Vũ Đình Liên (1913-1996), Tinh Hoa.
Tuyết Xưa mở rộng ra hơn với tất cả chúng ta ngày nay khi đọc câu thơ bất-tử của thi-sĩ xấu-số,
Nhưng còn đâu mà những tuyết xưa,
là những gì mà chúng ta đã mơ tưởng, trắng tuyền, trong suốt, tự-tạo, tự-thành, nhẹ như bông, lâng-lâng như mộng-ảo, thực như những cái mà ta vốc được trên tay và đưa vào đến miệng, cố-định như độ không, mát-dịu với người đang đổ mồ-hôi và ấm-áp trong những bầu trời giá lạnh, nhưng có thể trong chốc lát dưới ánh nắng mỏng của mặt trời mùa đông tan ra thành vũng, thành giòng mà trôi đi hay ngấm vào đất.
Các quí độc giả cũng có thể nghĩ rằng đó là cái tuổi trẻ của nhân-loại khi sự độc-ác, sự lừa-dối, sự tham-của-khát- quyền chưa xuất hiện một cách qui-mô trắng-trợn trong các xã-hội-người; hoặc thời khai-sinh của dân-tộc khi mới có được một đất sống yên ổn mà trời cho với phương-tiện khai- khẩn, và người có thể tự-lực tổ chức trong tình đồng-bào để cùng làm cùng hưởng, cùng vui sống với nhau.
Hoặc nhỏ bé hơn nữa, thực tế hơn nữa, Tuyết Xưa chỉ là mối tình đầu đột nhiên đến trong một bầu trời đang u uất, lạnh lẽo, lúc đầu e lệ bâng khuâng, nhẹ nhàng run rẩy như những bông tuyết thơ- ngây còn ngập ngừng lả lướt, nghiêng ngả trong gió sớm và chưa biết đi về đâu; nhưng rồi càng lúc càng rạn, rơi thẳng đường xéo- xéo, vào tóc, vào mặt, vào mắt, vào môi, vào thân-hình và cùng một lúc vào các cọng cỏ non và các dàn hoa tươi trong cả bầu trời nắng sớm. Tuyết rụng với ánh nắng vừa thức giấc và còn thấp trên các ngọn cây xa, đem lại một sự ấm-áp nhẹ-nhàng tinh-khiết cho cả thể xác và tâm-hồn. Rồi càng lúc càng mau hột tuyết, ánh nắng thu lại chỉ còn mỏng như tơ, tuyết đổ xuống vi-vu, rào rạt, chẳng mấy chốc mà ngập trời một màu trắng trong, hòa lẫn hai tâm-hồn vào vạn vật, xóa sạch tất cả những dè- dặt, ngỡ-ngàng... Cái cảm-giác ban-đầu ấy mà không ai quên, là một Tuyết-Xưa mà không ai giữ được, không một kí-ức nào đem được như thực trở về. Vô-thường trong tất cả các vô thường, chính cái vô-thường của bông lê trắng đầu mùa ấy là cái trân-quí phải có hai người như một cùng nuôi dưỡng mới thấy được cái chân-bảo và hưởng được cái tàn-hương của nó trong cả cuộc đời.
Sau đó là những ngày vui trong-trắng thanh-khiết, không gợn một ý nghĩ hơn-thua so-sánh, trong đó người ta cho nhau hết để có hết. Sự hợp-tác tình-cảm và tín-nhiệm làm cho những gợi-ý, những nhắc- nhở về một tuyết xưa, bất cứ là cái gì cũng được xan xẻ. Sự cùng hưởng một niềm vui chung hay một nuối-tiếc cùng-có là một hạnh- phúc của những người biết yêu.
Với tác giả cuốn sách này, Tuyết Xưa còn tầm thường hơn nữa, và chỉ là những mảnh sáng-tác của một tuổi đã qua, một phần đã tản mác mất tích, một phần đã già nua trong một thời-thế phũ-phàng. Và chỉ là những nhặt-nhạnh trên con đường phiêu-bạt tha hương. So sánh với các công-trình nghiên-cứu khoa-học và y-học của tôi thì quả là đáng buồn, vì tôi có thể tìm lại được hầu hết các bài nghiên-cứu hay thông-báo cũ trên những báo-chí được lưu-trữ và bảo-trì cẩn-trọng ở các thư-viện quốc-tế lớn. Ngay đến cả ba tập đầu của bộ Cơ cấu Việt ngữ đã được xuất bản trước năm 1975, tôi cũng có thể thấy lại được ở Thư-viện Quốc-gia Pháp và ở Thư-viện của Viện Bảo tàng Anh, vì tôi đã kịp gửi chúng đến hai nơi này trước khi chúng bị quét đi cùng với những tàn-tích của một chế-độ bại-vong.
Vớt vát lại những mảnh tuyết vụn này để cho khỏi trôi đi hết, tất-nhiên rằng có quá nhiều trìu mến để chọn lựa, cất xén nặng tay. Đây không phải chỉ là những sản-phẩm tinh- thần của một tuổi đã qua không trở lại mà bao giờ người ta cũng nuối tiếc khi tuổi đã cao, mặc-dầu có những dấu-vết của sự bồng-bột, vội-vàng, quá- khích, non-nớt, rải rác đó đây trong các hàng chữ. Đây còn là những chứng-tích của lịch-sử, vì mỗi bài đã được viết ra trong một lúc, nghĩa là một thời-thế và một tâm-trạng; lịch-sử phản chiếu trong đó, tư-tưởng của thời-đại phảng phất trong cách đặt đề và trong phương-pháp gỡ rối, những khuynh-hướng chủ-quan cũng lộ ra ở mỗi góc-cạnh. Sự hiện-sinh của một bản văn cũng có lịch- sử-tính như mỗi phút sáng thực của một con người. Vì vậy, những bài tản-văn trong sách này cũng là những tuyết- xưa, cái thực-chất của nó là nước, ngấm vào đất để nuôi dưỡng sự sống của cỏ-cây sinh-vật, thì còn, nhưng cái hình- dạng tuyết của nó thì đã tiêu tan dưới ánh các mặt trời. Vớt lại những gì còn vớt được, rồi đóng nó vào một quyển sách như thời trẻ ta ép bông hoa hay con bướm biểu-tượng của một cuộc tình-duyên bâng quơ, chính là để giữ lại chút tuyết- xưa. Tôi biết rõ, và không có một ảo-vọng gì, rằng những tuyết đóng hộp có thể vẫn là tuyết sau khi ta đậy nắp lại. Chỉ có tuyết trên đỉnh núi cao mới có thể là tuyết vĩnh-cửu và là tuyết mãi không-có-tuổi. Nhưng những tuyết-xưa đã mất đi cũng có thể được người ta nhớ tiếc và thương sót như sắc đẹp đã phôi pha, như tuổi trẻ đã phao phí, như hạnh- phúc đã lọt tay, như một thời đã vĩnh-viễn thành lịch-sử...
BALLADE DES DAMES DU TEMPS JADIS (1461)
Dictes moy où, n'en pays,
Est Flora, la belle Romaine;
Archipiada, ne Thais,
Qui fut sa cousine germaine;
Echo, parlant quand bruyt ơn maine
Dessus rivière ou sus estan,
Qui beauté eut trop plus qu'humaine?
Mais où sont les neiges d'antan!
Où est la très sage Helois,
Pour qui fut chastré et puis moyne
Pierre Esbaillart à Sainct-Denys?
Pour son amour eut cest essoyne
Semblablement, où est la royne
Qui commanda que Buridan
Fust jetté en ung sac en Seine?
Mais où sont les neiges d'antan!
La royne Blanche comme ung lys.
Qui chantoit à voix de sereine,
Berthe au grand pied, Bietris, Allys;
Harembourges, qui tient le Mayne.
Et Jehanne, la bonne Lorraine,
Qu' Anglois bruslèrent à Rouen;
Où sont-ils, Vierge souveraine?
Mais où sont les neiges d'antan!
ENVOI
Prince, n'enquerez de sepmaine
Où elles sont, ne de cest an,
Que ce refrain ne vous remaine:
Mais où sont les neiges d'antan!
Francois Villon
1431 - 1463?
Bản dịch Anh văn của thi sĩ Dante Gabriel Rossetti
THE BALLAD OF DEAD LADIES
Tell me now in what hidden way is
Lady Flora the lovely Roman?
Where's Hipparchia and where is Thais,
Neither of them the fairer woman?
Where is Echo, beheld of no man,
Only heard on river and mere,--
She whose beauty was more than human?
But where are the snows of yesteryear?
Where's Héloise, the learned nun,
For whose sake Abeillard, I ween,
Lost manhood and put priesthood on?
(From Love he won such dule and teen!)
And where, I pray you, is the Queen
Who willed that Buridan should steer
Sewed in a sack's mouth down the Seine?...
But where are the snows of yesteryear?
White Queen Blanche, like a queen of lilies,
With a voice like any mermaiden, --
Bertha Broadfoot, Beatrice, Alice,
And Ermengrade the lady of Maine,--
And that good Joan whom Englishmen
At Rouen doomed and burned her there,--
Mother of God, where are they then?...
But where are the snows of yesteryear?
Nay, never ask this week, fair lord,
Where they are gone, nor yet this year,
Save with this for an overword,-
But where are the snows of yesteryear?
Dante Gabriel Rossetti (9)
(1828 - 1882)
BÀI HÁT CÁC BÀ THUỞ TRƯỚC
Bà Triệu Hiển Thánh (Triệu Vương nịt vú lẫy lừng đầu voi), tranh mộc bản làng Đông Mại, tổng Hồ, Thuận Thành, Kinh Bắc, tức Bắc Ninh.
Thể phách chết,
tinh anh còn mãi
Ở nơi nao xin hãy nói cho
Chiêu Quân xưa Hán cống Hồ
Việt Huyền Trân lại Trà Bồ sang ngang
Thái Chân một giải 1ụa vàng
Mị Châu một kiếm đoạn trường chưa tiêu
Tuyết thuở xưa một chiều một sáng
Ở nơi nao để nặng vấn vương
Tình Oanh Oanh ướt Tây Sương
Lệ Kiều Nhi để Tiền Đường sóng loang
Cô Mị Nương chốn phòng loan
Tiếng Trương Chi vẳng khóc tan khối tình
Tuyết thuở xưa nguyên trinh trong trắng
Ở nơi nao để nặng nhớ thương
Ỷ Lan bán nguyệt sênh sang
Ngọc Hân sớm tốí quân vương kiêu hùng
Châu Phong dấy nghĩa Nhị Trưng
Triệu Vương nịt vú lẫy lừng đầu voi
Tuyết thuở xưa sáng soi kim cổ
Ở nơi nao để nhớ để mong
GỞI
Hỏi làm chi hỡi minh quân
Hoa tàn lá rụng mây vần gió bay
Tuyết xưa giáng xuống nơi này
Hương trời sắc nước tháng ngày phôi pha.
Trần Ngọc Ninh dịch (1999)
CHÚ THÍCH
1- Văn~phiệt là một tân-danh-từ, được đặt ra bởi nhà văn (và nhà thơ) Nguyễn Vỹ. Nhóm Hàn Thuyên của ông Trương Tửu (Nguyễn Bách Khoa), Nguyễn Đức Quỳnh,... có lẽ cũng nhận danh từ này, không chỉ vào họ.
2- Chủ nghĩa Sô-vanh (Chauvinisme) là một thứ chủ-nghĩa ái quốc hăng hái bài ngoại, luôn luôn bốc thơm dân-tộc mình và chối bỏ hết mọi cái không phải là nước ta, dân ta. Danh-từ này do tên ông Chauvin ra. Chauvin là một người lính thời Đế-chế thứ Nhất của Pháp; bị thương bẩy lần, không vết thương nào ở đằng sau.
3- Thời-gian dài" (la longue durée) là một từ-ngứ và một quan- niệm đã được đặt ra bởi F.Braudel (1902-1985), là người cầm đầu thế-hệ thứ hai của nhóm sử-gia được gọi là Trường Biên Niên (Ecole des Annales). Le Roy Ladurie là một môn-đồ cao của Braudel. Họ chủ trương viết lịch-sử các cơ-cấu (histoire des structures) đối lại với lịch sử các sự cố (histoire événémentielle).
4- Bài thơ chữ Hán do ông Đinh Gia Khánh tìm thấy và công bố. Bản dịch việt-ngữ của (ông?) Ngọc Liên. Tôi mạn phép trích dẫn cả hai bài và xin lỗi hai vị học-giả kể tên ở trên, vì sự vi-phạm luật bản-quyền dầu quan trọng đến đâu cũng không đáng kể so với sự thiếu lễ.
5- hỗn mang: chaos
đoạn-hình: fractals
Đây là hai chương mới của toán học mới, liên hệ mật-thiết với nhau. Một hỗn-mang là một tình-trạng hỗn độn, vô-trật-tự, vô-cơ- cấu. Đoạn-hình là những hình kỉ-hà nhắc đi nhắc lại, càng ngày càng giảm thiểu vô-cùng-tận.
Trong câu trước, khiêu-hưởng (âm) = harmomique
6- Et Jehanne la bonne Larraine
Qu'Anglois bruslerent à Rouen.
Phụ-lục sau bài này tôi ghi lại cả bài thơ (ngắn) của Villon cùng với bài dịch sang tiếng Anh của thi sĩ Dante Cabriel Rossetti.
7- Les Poètes Damnés là đầu-đề một loạt bài mà thi-sĩ Paul Verlaine đã viết năm 1883, tả cái khí-hậu thơ đương thời và các thi-sĩ có những cuộc đời và tác-phẩm "bị nguyền rủa đọa đầy."
8- Chùa Hương-tích này "xây trên một đỉnh núi Hồng-lĩnh, là một danh thắng nhất ở Hoan-châư" vào đời Nhà Trần, nhưng chùa xưa không còn. Chùa hiện nay là chùa mới, xây trên nền chùa cũ. (Tài liệu trích trong La Sơn Phu Tử của Hoàng Xuân Hãn, Minh Tân xuất bản, 1945, Paris).
9- D. G. Rossetti, sinh ở London là con một nhà chính trị Itali tị nạn ở Anh. Ông hoàn toàn không để ý đến chính-trị và chỉ thích vẽ và làm thơ. Ông thích thơ của Keats và chủ-trương thơ với họa là một, chỉ biết cái đẹp, không cần biết cái có ích và không phải là để dạy đời. Ông viết: "Mầu sắc và thi điệu (meter, thi thước) là dấu-hiệu thực của sự cao-quí trong hội-họa và thi-ca, phải ở trên và ở trước mọi chủ rương trí thức." Rossetti nổi tiếng vì có thơ trong họa và họa trong thơ.
Ông thích vẽ người đàn bà đẹp với "đôi mắt mơ-màng", coi là tinh thần hướng lên cao, nhưng môi và nét mặt vẫn đẹp như người trần. Vì vậy, cả trong thơ và họa-phẩm, ông bị một nhà phê-bình mạt sát nặng nề đến nỗi sính bệnh kinh phong mà chết. Tác phẩm vẽ Beatrice, người tình lí-tưởng ở Thiên-Đường của Dante, là một trong những tuyệt-phẩm vẫn được trưng bày của D. G. Rossetti. Thơ của ông được các thi-sĩ lớp sau như M. Arnold, T. S. Eliot yêu chuộng. Em gái ông, Christine Rossetti, cũng là một thi-sĩ nổi danh cho đến ngày nay.
Phái thơ và họa Rossetti lập ra mệnh danh là Phái Tiền-Raphael.
- Anh Tôi, Trần Việt Sơn Trần Ngọc Ninh Hồi ức
- Sự Xuất Hiện Của Văn Hóa Trần Ngọc Ninh Tiểu luận
- Sự Xây Dựng Văn Hóa Tạo Ra Lịch Sử Tính Của Con Người Trần Ngọc Ninh Tiểu luận
- Cái Bánh Chưng Và Nền Văn Hiến Việt Nam Trần Ngọc Ninh Khảo luận
- Tuyết Xưa Trần Ngọc Ninh Tiểu luận
- Nguyễn Trãi Huyễn-Thực và Sắc-Không Trần Ngọc Ninh Thơ
- Dân Tộc Là Gì Trần Ngọc Ninh Tiểu luận
- Lê Lợi, Nguyễn Trãi và Cuộc Cách Mệnh Lam Sơn Trần Ngọc Ninh Biên khảo
- Bảng Niên Biểu Nguyễn Du Trần Ngọc Ninh Niên biểu
• “Duy Tuệ Thị Nghiệp”: Từ Trí Tuệ Phật Giáo Đến Sự Phát Triển Nền Giáo Dục Nhân Bản (Vạn Đức)
• Mỹ học của hư vỡ: Kintsugi, lấy vàng nối gốm (Nguyên Giác)
• Lịch Sử Đạo Hồi (PHS News)
• Giáo Dục Quốc Gia (1945 - 1975) (Trần Bích San)
• Văn chương đương đại tiếp nhận gì từ văn học miền Nam (Inrasara)
• Năm Dần Nói Chuyện Cọp (Thái Văn Kiểm)
• Mùa Xuân Nói Về Chữ Tết (Nguyễn Thiếu Dũng)
• “Vân Đài Loại Ngữ" Bộ Sách Bách Khoa Toàn Thư Đầu Tiên Của Việt Nam
(Nguyễn Huy Côn)
• Văn Chương Có Biên Giới Không? (Nguyễn Vy Khanh)
• Khoan Dung Và Dị Biệt Văn Hóa (Nguyễn Sỹ Tế)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |