|
Phạm Ngọc Lũy(20.11.1919 - 21.12.2022) | Quách Tấn(4.1.1910 - 21.12.1992) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Giáo sư Trần Ngọc Ninh
Bởi sự-kiện văn-hóa, chúng ta có thể khẳng định rằng lịch-sử của loài người không do vật-chất vận chuyển, mà do chính con người làm ra. Vì lẽ đó, không thể có một sử-quan duy-vật đúng-đắn và chính-trực. Một sử-quan đúng-đắn và chính-trực chỉ có thể là một sử-quan nhân-chủ, lấy ý-thức và những xây-dựng của ý-thức, coi như một hoạt-động độc-đáo của con người, làm căn-bản. Lịch-sử thuộc trách-nhiệm của ta, do đó có lịch-sử-tính của người.
Sự đặc-thù của ý-thức, như ta thấy được qua sự phân tích hiện- tượng, là sự xây-dựng cơ-cấu. Sống trong những cảnh-trí thiên-nhiên tạp-biệt, đòi hỏi sự đấu-tranh liên-tục để sống còn, con người là loài vật độc nhất đã dựng lên, từ cái kinh và cái nghiệm của cả bầy đàn cũng như từng cá nhân, những liên-hệ móc nối vào nhau thành những mạng lưới mà mô-hình phản-ánh cái cấu-trúc sinh-học của các cơ năng của người. Cái cấu-trúc sinh-học này cũng không có tỉnh-cách cố-định. Khi con người còn sống một cách hoàn toàn động-vật, thì sự biến đổi cấu-trúc sinh-học chỉ là thành quả tự nhiên của sự giao-liên liên-tục giữa những may-rủi vô cùng tận của các phối-hợp cá-nhân và các trao-đổi di-tử, và những thách-thức vô cùng tạp-biệt của hoàn-cảnh và môi trường sinh sống. Đó chỉ mới là sự tiến hóa sinh-học.
Những khi con người đã bắt đầu xây dựng văn hóa, thì sự xử sự bắt đầu được đóng khung trong những nếp sống, nếp làm, nếp nghĩ, duy trì và ép buộc thành những truyền-thống. Cái cấu-trúc sinh-học của con người cũng được hướng-dẫn để nẩy nở theo những chiều hướng ấy. Tất cả cái thượng-tầng kiến-trúc của tâm-lý, cái tân-tạo của hình-thể và sinh-lý, càng ngày càng thích nghi với những xây-dựng có cơ-cấu mà con người làm ra trong đời sống của mình, từ thế-kỷ này qua thế-kỷ khác. Ta có thể nói rằng cách xử-sự của con người, tức là nhân-cách của con người, đã được xây-dựng vào trong não bộ và tất cả cơ-thể. Con người đã và đang tự tạo. Đây là cái ý nghĩa lớn nhất, trọng nhất của lịch-sử, và là sự vinh-quang tối cao và tối hậu của loài người giữa muôn loài trên mặt địa-cầu.
A.- SỰ XUẤT-HIỆN CỦA CON VẬT NGƯỜI: CON NGƯỜI TRONG ĐÀN HẦU-NHÂN
Khi mới xuất hiện, con người cũng chỉ là một con nhân hầu với một điểm lạ trong cơ-thể. Điểm lạ này, mà một sự ngẫu-phối thất thường của hai bán-cấu-trúc di-tử đã tạo ra, không đủ kỳ-quái để con nhân-hầu mới sinh có thể bị đàn nhân-hầu loại trừ hoặc bỏ mặc cho chết; cũng không quá khác thường để con nhân-hầu mới không thể sống theo kịp đàn, khi đi săn bắt hay khi bị săn bắt.
Điểm mới lạ trong hình-thể và cơ-năng của con nhân hầu mới là gì, khoa học của ta không biết được. Ta chỉ có thể nghĩ rằng nó xuất phát từ ở một cấu-trúc di-tử mới mà con nhân-hầu đã nhận được ở cha mẹ. Và nó được duy trì trong những phối hợp của nhân-hầu mới với những con nhân-hầu khác. Rồi những con nhân-hầu này lại phối hợp với nhau, làm cho cái tính-cách mới được truyền mãi thành một dòng, và có thể được tăng-cường vì những phối hợp đồng huyết thống. Tới một lúc nào đó, thì thành ra một họ ở trong loài nhân-hầu. Rồi có thể thành một tiểu-loại, rồi có thể thành một loài mới, sau những thiên-niên-kỷ dài còn tối tăm của tiến-hóa-sử tự-nhiên.
Các nhà nhân-học đời này gọi loài mới là loài hầu-nhân, loài người còn có tính-cách hầu, để phân biệt với loài nhân hầu, là những loài hầu có dạng người. Phải nói thêm rằng loài nhân-hầu do đó hầu-nhân đã hình thành, nay đã bị hoàn-toàn tiêu diệt, có lẽ vì đã không thích-nghi nổi được với những thay đổi của môi trường thiên-nhiên và sinh-học của cuối đệ tam kỷ-nguyên của trái đất. Nhưng một số hầu nhân đã tồn tại và tiếp tục biến hóa mà thành hẳn loài người.
Khoa nhân-học vật-lý, khảo-cứu về những hình-thức thủy tổ của loài người, chỉ có những mảnh xương vụn đã hóa thạch để suy luận. Sự đứng thẳng trên hai chi sau đã giải phóng hai chi trước cho thành hai cái tay. Đồng thời, cái sọ càng ngày càng nở về phía trước, làm cái trán cao lên và ít bạt hơn. Tất cả những nhận-xét ấy là trên xương của những người lớn, đã trưởng thành, nghĩa là đã có cả một số tuổi trẻ sống theo nếp sống của loài người. Người ta đã không phân biệt cái gì là di-truyền và cái gì là hậu-đắc trong cái nhân học quá thiên về xương cốt và quá tĩnh ấy.
Bộ xương và tất cả cơ-thể của các con vật còn non đều là những hình thức nắn được. Cách sử-dụng cơ-thế, nghĩa là sự sinh-hoạt, là một sức mạnh tạo hình rất lớn. Con gà rừng, con chó sói, khác con gà, con chó ta nuôi trong nhà: sự khác nhau về hình-thể mới có chưa đầy bẩy ngàn năm nay, nghĩa là từ cái thời tối đa mà những loài hoang-cầm, hoang-thú này bị ta bắt giữ để nuôi. Thêm vào đó, là những thay đổi trong sự ăn uống, và một sự chọn lựa tự nhiên, làm cho những cơ-thể thích hợp nhất trở thành đông đảo và ưu thắng.
Các con người đầu-tiên khác các nhân-hầu đã sinh ra chúng như thế nào, chúng ta không biết. Sự khác chủ-yếu là ở một điểm mới trong cái cấu-trúc di-tử nhận được từ cha mẹ. Điểm mới này, phát biểu ra không phải chỉ ở một bộ phận, một cơ-quan hay một thành-phần nào riêng biệt của cơ thể, mà là bằng một mớ những tính-cách liên-hệ với nhau, mà cấu-trúc di-tử mới đã chỉ định cho hình thành. Điểm mới này có thể là một biến-đổi toàn-diện, cho phép cái bào-thai được sanh ra sớm hơn thường, mà vẫn đủ sức để tồn tại và trưởng thành được. Cũng có thể là một thay-đổi đa-diện của hệ thống các men, hệ-thống nội-tiết, hệ-thống thần-kinh, hay nhiều hệ-thống có tương-quan với nhau trong cấu-trúc di-tử. Sự kiện rằng cái bào-thai của người được sinh ra ở một thể trạng tương đối non nớt nhất trong các loài có nhau (placentals) là một sự kiện vô cùng quan trọng. Các nhà sinh học cổ-điển đã không nhận định đúng tầm mức, chỉ vì sự-kiện ấy không có một phát-biểu hình-thức hiển-nhiên. Sự quan-trọng của nó là ở trong cái khả-năng mà nó trao cho đứa trẻ con người; độc nhất trong các loài vật, con người bắt đầu tiếp nhận những thách thức của hoàn-cảnh, kể cả sự huấn-luyện và học-tập, từ một lúc rất sớm trong đời, khi mà tất cả các cơ quan điều-tiết và chỉ-huy còn khá non để có thể còn nảy nở, phát triển và tăng trưởng rất nhiều được. Đó là điều- kiện cần thiết để, riêng trong muôn loài động-vật, con người có thể luyện được hai chân để đi đứng và hai bàn tay để làm những đồ vật và những công việc mà không loài nào làm được; luyện được sự phát ra những luồng hơi mà trí óc kiềm chế và uốn nắn được để thành tiếng nói; luyện được cái trí nhớ và sự liên kết các giác-thức quá-khứ và hiện-tại với nhau mà làm thành một hoạt động tân-kỳ trong sinh-học ta gọi là tư-tưởng và phát triển được cả một vũ-trụ tình-cảm để tô điểm đời sống và chôn vùi dần những thiên-năng động-vật có tác-dụng hủy hoại.
Tuy nhiên, trong một thời-gian lâu-dài có thể hàng ngàn thế-kỷ, các hầu-nhân đã có tính-cách người, vẫn sống chung với bầy đàn và được sự che chở, bảo vệ của bầy đàn, mặc dầu giữa chúng và các con vật khác trong đàn, đã có vài cái tiểu-dị trong cái đại-đồng ưu-thắng.
Trong suốt thời-gian này và liên tục cho đến ngày nay, hầu-nhân và người đều sống có bầy đàn: người là một con vật xã-hội từ khởi-thủy. Sự sống xã-hội không phải là đặc-tính của loài người. Từ côn-trùng, như ong kiến, cho đến các loài có xương sống như lươn, cá, vịt, cò, voi, ngựa, đều có xã-hội tự-nhiên, và trong những xã -hội này cũng có những con lãnh-đạo, những con chỉ-huy, những con lao-động, những con chiến-đấu, như những xã-hội khá tổ-chức của người. Sự sống đàn, với một đầu đàn mà tất cả công nhận và đi theo, và với một hình bóng trật tự mà ta có thể gọi là mầm-mống sinh-học của một “qui ước xã-hội”, có thể coi như là tự nhiên của cả cái dòng hầu-nhân đã đưa đến loài người. Chỉ có điều rằng, dân-số của các đàn hầu-nhân này cũng không lớn lắm, và sự phân phối của chúng trên mặt đất cũng chưa lan rộng ra khỏi một khu-vực nhỏ chung quanh những hồ của miền Đông Trung-bộ Phi-châu, nên những di-chỉ còn lại của giống hầu-nhân này cũng không cho ta biết nhiều được về các xã-hội của chúng.
Nhiều người có thể còn có cái quan-niệm sai-lầm rằng xã hội là một xây-dựng có ý-thức của loài người. Cái quan lệm ấy bắt nguồn từ danh-từ “hiến-ước xã-hội (Contrat Social) mà văn hào Pháp gốc Thụy Sĩ J.J. Rousseau đã đặt ra. Rousseau có nhiều tư-tưởng trực-giác rất phong phú mà các nhà nhân-học và dân-tộc-học đời nay, theo Claude Levi-Strauss, cũng nhận là rất gần với những sự thực nhận xét được ở các đàn người man-rợ. Một vài truyền-thuyết như huyền-thoại Moise với dân Do Thái hay Manu với dân Ấn-Arian, cũng có vẻ thiên về sự có một qui ước ít nhiều với tính-cách thiên-khải, ở đầu sự thành-lập các xã-hội này. Tuy nhiên, các truyền-thuyết tôn-giáo cũng như những tư-tưởng trực-giác, đều tự cho là chân-lý tuyệt-đối và cũng đều thực sự đáng nghi trước khoa-học đời nay. Trong vấn-đề đang nói tới, sự-kiện xã-hội có thể nói là bẩm sinh với loài người vì đã được truyền lại bởi cả một dòng hầu-nhân sống bầy đàn theo thiện-năng, nghĩa là theo một nếp sống đã được in vào cái cơ-cấu sinh-học của loài, từ đêm tối của lịch-sử.
Xã-hội-tính của loài người không phải do con người tạo ra một cách ý-thức, mà là một nếp sống thừa kế cái dòng hầu-nhân do đó loài người sinh ra. Điều này được khẳng định, không phải là để làm giảm bớt sự quan-trọng của xã hội trong sự hình thành của loài người. Trái lại, đó là một xác-nhận mạnh mẽ về tính-cách sinh-học và tự-nhiên của xã-hội đối với loài người. Nhưng đồng thời, đó cũng là một sự phủ nhận ý kiến rằng loài người khác những loài tiền thân của nó ở điểm có-xã-hội.
Những hầu-nhân sinh ra do một chuỗi liên tiếp những biến dịch nào đó của cấu-trúc di-tử cha mẹ và là những hầu nhân non nớt khác thường, như đã được nói ở một đoạn trên. Về một phương-diện nào đó, chúng thua kém các hầu nhân tổ: các khớp xương của chúng lỏng lẻo hơn; bộ thần kinh và các cơ-quan vận-động của chúng còn ở một trình-độ tổ chức thấp kém; do đó, sự vận chuyển phát triển chậm, và đứa trẻ có đi đứng được, thì cũng không nhanh nhẹn bằng đồng loại, nếu phải sống trên cây hoặc di động một phần nhờ sự bám vào các cành cây trong rừng. Da của chúng có lẽ cũng đã ít lông hơn và không dầy dặn bằng, làm cho các sự cọ xát đụng chạm dễ gây thương tích. Miễn cưỡng và cố gắng, thì những hầu-nhân mới này cũng có thể sống theo các hầu-nhân khác trong cái nếp sống bình- thường và tự nhiên của bầy đàn được. Nhưng sự tồn tại của hầu- nhân mới đã được đảm bảo thêm rất nhiều nhờ sự sống đàn của các hầu nhân: xã-hội hầu-nhân đã che chở và bảo vệ hầu-nhân mới từ khi còn trứng nước cho tới khi trưởng thành một cách hữu-hiệu, và do đó, đã cho phép sự phát sinh ra một dòng hầu-nhân mới, dẫn đến loài người, khi hoàn-cảnh thiên-nhiên thay đổi, làm cho những tính cách sinh-lý mới trở thành thuận lợi hơn cho sự sống-còn.
Cái gì đã làm cho họ phải tách rời ra mà sống thành một loài riêng biệt sau đó? Phải chăng là một sự chọn-lựa tự nhiên theo Darwin, do một sự thay đổi lớn lao của thời-tiết và của môi-trường sinh-hoạt, làm cho các hầu-nhân súc-vật tàn lụi dần, và chỉ còn lại những hầu-nhân mới, có sức chịu đựng hơn, hoặc có đủ khả năng sinh lý để di chuyển đến một nơi khác mà dựng sự sinh- tồn? Hoặc là một sự tranh chấp nào đó trong xã-hội của loài hầu-nhân, đã làm phân tán những nhóm dị-biệt ra những chân trời khác nhau, rồi thành những dòng định-mạng khác nhau? Đây chỉ là những giả thuyết, tuy là có thể, nhưng khó mà có thể thực chứng được.
Một trong những sự thay-đổi rất lớn có thể đã đến với các đàn hầu-nhân, là sự biến-chuyển từ chế-độ ăn toàn thực vật sang chế-độ ăn sam cả thịt cá lẫn cỏ cây. Gần hết các loài hầu đều chỉ ăn hoa quả. Ở trên rừng núi, chúng sống có xã hội, có tôn ti và không phải hoàn-toàn vô-kỷ-luật như ta nghĩ. Những trái và củ của cây cỏ trong rừng rất nhiều và thừa thãi cho loài hầu và các chim muông, côn-trùng. Nhưng trái đất có những thời đóng băng và những thời khô cạn. Trong thời-gian của các tuổi địa-chất, không phải là những chuyện nhỏ mọn của bãi bể thành nương dâu, mà là biển Thetys thành rặng Hi-Mã-Lạp-Sơn và những đồng cỏ rậm của Phi Châu biến ra sa-mạc mênh-mông như không có bờ. Sự đổi chế-độ ăn uống là một nhu- cầu bắt-buộc của sự sống còn trong những biến-thiên vĩ-đại ấy. Những hầu-nhân yếu, chậm, không thay đổi được sự sinh-hoạt cũng như ăn uống, bị tiêu diệt dần trong những hoàn cảnh mới. Những hầu nhân đi được nhiều trên hai chân, có thể chống lại được những thời tiết nóng, tương đối hiệu quả hơn những con vật đi bằng bốn chân. Chúng có thể di chuyển nhanh hơn khi trong rừng, cây cối thưa thớt hơn. Chúng thay đổi cách ăn uống và nhận sự ăn thịt sống là một việc mà cơ-thể thích nghi được. Và chúng chuyển từ sinh-hoat hiền-lành của các con vật ăn hoa trái sang sự sinh-hoạt linh-động của các loài ăn thịt.
Đời sống săn bắt đòi hỏi sự nhanh nhẹn, sự khôn ngoan và sự luôn luôn cảnh giác. Một phần nào, con vật đi săn phải xa đàn khi cần rình mò và tấn công: sự tự chủ, sự tự lập, và tinh thần cá nhân ở đó mà phát sinh ra. Đó là những cái mà con người đã học được trong trường đời, từ khi đất còn hoang vu và con người mới bắt đầu bị buộc phải rời đàn hầu-nhân để sống.
Tuy nhiên, đến lúc này, con người vẫn còn là một con vật-người, con thú-người, và chưa bắt đầu là người. Giai-đoạn tiến-hóa này có thể được gọi là giai đoạn hầu-nhân ăn-thịt của Phi-Châu, và miễn cưỡng nhận là liên hệ với người trực-lập, người đứng-thắng, homo erectus. Sự nghiên cứu bộ răng của các giống hầu-nhân có thể cho phép định được cái lúc mà hầu-nhân đổi đời sống một cách trường-cửu.
B- SỰ BIỆT-LẬP CỦA CON NGƯỜI RA KHỎI LOÀI HẦU-NHẦN: CON NGƯỜI VĂN-HÓA.
Sự phân biệt một loài người ra khỏi loài hầu-nhân bắt đầu với sự-kiện văn-hóa. Vì lý do ấy, có thể nói rằng văn-hóa chính là cái sự-kiện-người, theo nghĩa đầy đủ nhất của những từ này.
Văn-hóa, nếu có một tính-cách đặc-biệt đặc-loại của người, thì phát sinh thế nào, do cái gì mà có, từ cái gì mà thành?
Loài người không từ trên trời rơi xuống và cũng không phải do đất nứt mà nhảy ra, đầy-đủ như ta ngày nay. Đó là một điều không cần phải nhắc lại nữa. Loài người là một hình-thức của sự sống, do một dòng tiến-hóa sinh-học đơn độc của mặt đất đã đạt được và tạo thành ở cuối đệ-tam kỷ nguyên sang kỷ-nguyên thứ tư này. Đó là một đặc-sự được duy trì.
Chưa thể nói nhất định được là con người đầu-tiên đã có vào khoảng trên hai triệu rưỡi hay là hai triệu năm trước đây. Các sự phỏng-đoán này, căn cứ trên những đo-lường vật-lý của các mảnh xương hóa-thạch của những “người sơ thủy”, chỉ có tính-cách ước- lượng đại-khái, và chắc-chắn là đoán non chứ không đoán già: các tuổi này phải tăng lên nhiều thì mới đúng. Con người sơ-thủy thừa-kế được của loài tiền-thân một cấu-trúc di-truyền gần như trọn-vẹn và một nếp sống xã-hội đặc-biệt đặc-loại, trong đó nó được che chở và nuôi dưỡng.
Nhưng đồng-thời, con người sơ-thủy đã có một tính-cách đặc-thù nào đó, chứa đựng trong một biến-dịch của cấu-trúc di-tử mà nó nhận được lúc hình thành. Sự đặc-thù quan trọng nhất đối với định-mạng của loài người là sự tương-đối non-nớt của bào-thai người, cho phép một sự khả-dĩ uốn nắn và thích-nghi lạ-thường của con người trước những thách thức của hoàn-cảnh...
Những thay-đổi của hoàn-cảnh vật-lý và sinh-học ở vùng đất nôi của loài người trong khoảng cuối đệ-tam kỷ-nguyên là những thay-đổi không có tính-cách biến-động cực-kỳ cường bạo như ở đầu kỷ-nguyên, nhưng bền-bỉ lâu-dài và cũng rất tàn-phá. Một số loài bị tiêu-diệt, cỏ cây cũng như động-vật. Loài hầu-nhân tiền-thân của con người bị tuyệt diệt vì đã không thích nghi nổi. Nhưng hậu-duệ của chúng là con người đã tồn tại được với một cái giá phải trả rất cao: là phải thay đổi tất cả cách sinh sống. Hầu-nhân là một loài xưa nay vẫn của rừng xanh đầy hoa trái; con người phải sống ở những đất hoang-vu khô-héo, ở đó một vũng nước và một con thịt là những nguồn sống khó-khăn. Sự tôi-luyện của hoàn-cảnh thiên- nhiên làm cho con-vật-người phải tập đứng thẳng dần trên hai chân, để chạy, nhảy cho đủ nhanh-nhẹn, đồng-thời phải dùng hai tay để vồ, để móc, để đào, để cấu xé. Nó trở thành nhanh-nhẹn hơn trong sự vận-chuyển cũng như trong sự bắt mồi. Nó thông minh hơn, vì phải phấn đấu để thoát những cái chết mới, và để giết những con vật nhỏ ăn được. Nó phải liều lĩnh hơn, dữ tợn hơn. Cái hạt giống bạo tàn đã mọc lên trong sự sống.
Cả ngàn hay vạn năm như thế trôi qua trong dòng sống của con thú người. Sự thành-công sinh-học của con người đã cho phép các đàn người lan rộng dần ra khỏi vùng đất nôi, đến những vùng khác, lạnh hơn, ngọt hơn, ẩm ướt hơn hay cao-ráo hơn, và luôn luôn với những thách thức mới, trong đó phải kể cả sự đấu-tranh sinh-tồn với các loài khác và các đàn người khác, mà gốc gác bị che phủ bởi bức màn dày đặc của sự ngu tối. Nó chỉ sống và tồn-tại được nhờ sự sáng-tạo.
Văn-hóa do đó phát sinh và nảy nở.
Có một nhu-cầu văn-hóa và có một khả-năng văn-hóa.
Khả-năng văn-hóa của con người sơ thủy là sự kết-hợp của những khả-năng sinh-lý và tâm-lý mà con người đã nhận được ở những lớp hầu-nhân cuối-cùng, với những khả-năng mà sự sống bầy-đàn tạo ra cho mỗi cá-nhân. Về mặt cá-nhân cũng như về mặt xã-hội, từ hầu- nhân cuối-cùng đến con người đầu-tiên, có một sự liên-tục gần như toàn diện, với một sự biến-đổi đặc-biệt nào đó, mà những phối-hợp kế tiếp đã làm thành rõ hơn và bền hơn dần-dần 2.
Có thể nói mà không sợ rơi vào sự phản-ngôn, rằng trong sự liên-tục có sự gián đoạn. Tuy rằng xuất thân từ ở loài hầu-nhân, nhưng một biến-dịch nguyên-thủy đã tạo ra trong cơ-thể con người một số những yếu-tố mới, chứa đựng vài khả năng sinh-lý và tâm-lý đặc-thù.
Sự sống bầy-đàn cũng là một nếp sống được thừa kế của loài hầu-nhân tổ. Nhưng, từ đàn hầu-nhân sống trong rừng núi với cỏ cây khe tảng, sang các đàn người sinh hoạt trong những phong-cảnh khác và bắt-buộc phải đổi đời, có thể cũng đã có một vài sự thích-nghi tự-nhiên, in hình vào nếp sống của bầy đàn...
... Điều-kiện của sự xây-dựng văn-hóa đã được thực hiện trong cấu-trúc sinh-lý-tâm-lý của con người và hiện-tượng xã-hội tự nhiên của các đàn người sơ-thủy. Nó tiếp nối dòng sống cũ của loài hầu nhân tổ ở mức-độ 3 tiến-hóa cao nhất của loài này mà nó kế-thừa trọn vẹn; nhưng, với những nét đặc-thù mà con người mang trong cơ thể khi xuất hiện trong cõi đời, và với những biến đổi trong sự sinh hoạt của bầy đàn mà hoàn cảnh đã buộc phải có, dòng sống tổ truyền đã được uốn theo một chiều hướng mới, một chiều hướng kỳ diệu chưa từng bao giờ được thấy trong sự tiến-hóa tự-nhiên của các loài sống.
Chiều-hướng đặc-thù và tân-kỳ ấy được cấu thành do sự đòi hỏi và thúc đẩy của những nhu-cầu mới. Đó là một sự sáng-tạo lạ lùng, do con người phát minh ra và chỉ mới thấy với loài người, mà ngày nay ta gọi là văn-hóa.
Bắt đầu từ đây, có một sự gián-đoạn cơ-bản và thâm trầm giữa con người và các loài vật khác. Trong khi các loài vật khác sống hoàn toàn theo sinh-lý và thiên-năng, thì con người bắt đầu tự dựng ra những nếp sống mới, những nếp sống nhân-tạo, những nếp sống tự nguyện, những nếp sống qui ước: đó là văn-hóa, và đó là sự vượt lên trên cái tự-nhiên thông-thường và bắt-buộc của tất cả tạo-hóa.
Tính-chất vật-lý và sinh-vật của con người vẫn có, cũng như các thiên-năng của loài tổ truyền lại vẫn còn, và đó chính là những điều-kiện cần-thiết của văn-hóa.
Nhưng, tất cả những cái đó chưa đủ, và văn-hóa không hoàn-toàn tiền định và chỉ định bởi tự-nhiên.
Trong các loài của thế-gian, cũng có những loài đã đạt được đến những trình-độ rất cao trong sự xây-dựng nếp sống. Ong, kiến, tôm, cá, voi, trâu, ngựa, chó, khỉ... đều sống có bầy.
Nhiều loài biết làm tổ để sống và che chở cho các con, và ngoài những tổ chim vừa đẹp vừa bền, dựng cheo leo một cách vững-chãi kỳ-diệu trên chạc cây hay sườn núi, còn có những thành-quách của loài ong, loài kiến và loài chuột trũi, là những công-trình lạ lùng của một toán-học tự nhiên hay của một khoa-học thiết-kế đô-thị công-hiệu. Nhiều loài có những cách thông tin, trong hình-thức không khác gì ngôn ngữ, như cách bay lượn và phát thanh bằng phép “múa” của loài ong mật, phép chạm “ria” của loài kiến, hay như tiếng hót có nhịp điệu của loài chim. Sự thông tin, chắc chắn là còn có ở nhiều loài khác, nhưng hoặc là vì chúng dùng những tín-hiệu ở ngoài tầm thu nhận được của giác-quan người, hoặc là vì sự khảo-sát để tìm hiểu ý-nghĩa của những hệ thống tín-hiệu đó chưa đến nơi nên chúng ta còn chưa biết tới. Lại còn có những loài, như con chuột nước của Bắc Mỹ, biết dựng lên những cầu, những đập, để làm chủ một thủy quốc mà chúng xếp đặt và tổ chức vì lợi-ích chung của đàn.
Tất cả những sự-kiện ấy là những cái lạ-lùng của tạo hóa mà ta không ngớt thấy là tuyệt-diệu và hết lòng khám phục. Những hoạt-động đó của một số sinh-vật chứng tỏ rằng sự tiến-hóa ngày càng phức tạp của sự sống trên mặt đất có thể tạo ra những loài, với những khả-năng rất lớn và những tiềm-năng không ngờ.
Nhưng đây vẫn còn là thiên-năng, nghĩa là những mẫu hình cố-định, đã được xây-dựng vào trong sự sinh-hoạt của loài, hoàn toàn do sự tiến-hóa tự-nhiên đã tạo ra loài đó, có tính-cách tuyệt-đối bắt-buộc và bất-biến đối với toàn thể các con thuộc loài, và có những mục-tiêu tối-hậu đặc-biệt đặc loại rất chuẩn-đích nhưng nhiều khi không còn nữa đã cả triệu năm xưa.
Với con người thì khác. Tới một giai-doạn nào đó, văn hóa đã chớm nở, con người đã vượt lên trên thiên-năng và sáng tạo ra những cách sinh-hoạt riêng, do con người tự ý đặt ra và được cả đàn tự nguyện noi theo.
Những thách-thức và đòi-hỏi mới của hoàn-cảnh đã thúc đẩy sự tạo lập ra văn-hóa trong các đàn người. Những thách thức và đòi-hỏi gì?
Có bốn cái nhu-cầu lớn, mà các bầy đàn người sơ-thủy đã phải đáp ứng để sống còn trong sự đổi đời, tách dần khỏi các đàn hầu-nhân để trở thành những đàn mới, sống trong những môi-trường phong-thố và sinh-thái mới.
Nhu-cầu thứ nhất là thông tin.
Trong sự khắc-nghiệt của thiên-nhiên, khi cuộc sống săn bắt đòi hỏi sự rình-mò và theo dõi trên những giải đất rộng và hiểm-trở, thì sự thông-giao bằng những tín-hiệu trở thành một điều-kiện của sự sống-còn. Những tín-hiệu âm-thanh có thể được sử-dụng trước, rồi sau mới đến những tín-hiệu có hình-sắc hoặc có mùi-vị. Mỗi kiểu tín-hiệu này có thể đã được dùng bởi một loài động-vật, không loại trừ cả một sự phát và nhận tín-hiệu sinh-lý trong các loài thực-vật. Loài hầu-nhân có thể đã dùng tiếng kêu từ trong cổ họng phát ra để gọi nhau, với một mục-đích nào đó. Nhưng, cho đến ngày nay, ta chưa thấy và chữa chứng minh được rằng có một loài nào, trừ loài người, đã có một ngôn ngữ với một hệ thống những âm-thanh khả dĩ kết hợp với nhau theo những quy ước hình-thức, thành những xây-dựng có ý nghĩa. Ngược lại, trong tất cả các loài người mà ta biết, từ những đàn người sống trong bờ trong bụi của Úc-Châu, trong rừng thiêng của sông Amazona ở Nam-Mỹ, nơi ngọn nguồn của sông Nil ở Châu Phi, cho đến những xã-hội người gọi là tân-tiến, ngôn ngữ là một sự-kiện thường, chung, và được coi như là không thể-không-có của người. Nhưng ngôn-ngữ không phải là di truyền, cũng không phải là bẩm-sinh, mà là hậu-đắc, mà chỉ riêng loài người là đã phát triển và thực hiện được, nhờ một số những cơ-cấu sinh-lý đặc-thù của loài. Nguồn-gốc của ngôn ngữ chìm trong đêm tối của cái thời mà loài người, dưới sự thúc đẩy của hoàn-cảnh, đã biệt lập hẳn với sự xây-dựng những văn-hóa của từng đàn. Ngôn-ngữ nảy nở ra như một hiện-tượng xã-hội của con người ở giai-đoạn tạo dựng văn-hóa.
Nhu-cầu thứ hai là phân-biệt.
Bị ném vào trong những cảnh-trí mới, qua những sự biến thiên của trời đất và những thay-đổi của chính mình, các đàn người đã phải chịu tất cả những thử-thách gian-khổ của cuộc sống trần-trụi dã-man trên những miền đất hoang-vu nguy-hiểm. Họ bắt buộc phải chấp nhận những đe dọa và đòi hỏi mới; trong nhiều trường-hợp, họ đã thử, đã lầm và đã đau khổ hay chết; và cũng nhiều trường-hợp đã xảy ra, trong đó một sự bừa-bãi liều-lĩnh, thúc đẩy bởi một nhu-cầu cấp bách, đã đem lại được sự an-lành và bổ ích. Cơ-cấu não bộ của con người, trong những thử-thách đó của cuộc sinh tồn, đã dần dần, từ đời này sang đời khác, dựng lên những phân-biệt, nghĩa là những cặp đối-nghịch trên căn-bản của những hoạt-động đã kinh-qua. Cái cứng, cái mềm; cái cao, cái thấp; cái chậm, cái nhanh; cái sáng, cái tối; cái ngọt, cái đắng... là những điều phải được nhận thấy, cũng như cái ta và cái không-ta, cái ăn được và cái không-được-ăn.
Khi ngôn-ngữ đã bắt đầu hình thành, thì những đối nghịch thực-tế đó được xây dựng ngay vào trong ngôn-ngữ. Không những ngôn-ngữ tiếng nói, mà cả những ngôn-ngữ khác, khi sự tiến bộ cho phép lập ra những cách thông-tin mới, để truyền lại cho nhau những kiến-thức chớm nở này. Ngôn-ngữ huyền-thoại và ngôn-ngữ nghi-lễ là những hình thức ngôn-ngữ cổ-sơ, đã ở trình-độ tinh-vi và phức-tạp mà nay ta không còn hiểu rõ nữa.
Một sự phân-biệt thiết-yếu của sự sống bầy-đàn là sự phân-biệt ta và họ, nghĩa là tất cả những kẻ không thuộc về bầy-đàn của ta. Trong những sự di-chuyển vô-định của các đàn hầu-nhân, rồi các đàn người, sau những thế kỷ dài và tối-tăm, ở một lúc mà kiến-thức còn chưa ló dạng, thì cái gốc-nguồn đồng-nhất của tất cả các con người trên mặt đất là một chuyện hão-huyền, ai là kẻ biết được. Chỉ có một điều là thực, là sự mưu-sinh, sự tìm thấy một cái ổ kiến hay một tổ chim, sự vồ được một con chồn, sự chộp được một con cá, khả dĩ làm giảm được sự đói đã dòng dã mấy đêm ngày. Nhưng trong sự mưu-sinh này, không phải chỉ có chuyện bắt mồi. Còn có vấn đề những kẻ kia, những con người lạ, thuộc những đàn khác, làm cho có thể có những tranh-giành, những đụng-chạm, những chém-giết. Sự phân-biệt ta và họ là một nhu-cầu của sự sống, và do đó, đã thành một định chế của đời sống văn-hóa.
Nhu-cầu thứ ba là tổ-chức.
Tổ-chức là một nhu-cầu mà hoàn-cảnh đã làm thành khẩn trương và thiết yếu. Đàn hầu-nhân cũng đã có một tổ-chức: đó là tổ-chức tự-nhiên, do một thiên-năng đã giữ lại, bất di bất dịch trong sinh hoạt của bày đàn. Đàn người đã nhận tổ chức ấy, trong đó ít ra cũng có một con đầu đàn. Với tổ-chức đơn-giản ấy, sự sinh-tồn của bầy đàn đã được đảm bảo trong những điều-kiện thiên-nhiên bình- thường.
Nhưng khi môi-trường thay đổi một cách bất lợi thì cái tổ-chức thiên-năng và cố-định của loài hầu-nhân đó không còn thích hợp nữa. Những bầy đàn không phá bỏ được cái khung cứng ngắc của tổ-chức cũ, sẽ bị tiêu diệt dần.
Những trật-tự mới để thích nghi với hoàn-cảnh phải được bày ra.
Trước hết, là một trật-tự trong bầy đàn, giữa các người của bầy đàn. Sự di-chuyển trong những vùng đất vô-định, sự săn-bắt những con vật hoang, cũng như sự đấu-tranh với các đàn người khác để bảo vệ đất sống và gìn giữ các chiến-lợi phẩm săn-bắt của mình, đòi hỏi phải tổ chức bầy đàn với những sự phân-công phiền-toái hơn là ở thời kỳ hầu-nhân.
Cao hơn bầy (band) nghĩa là phức tạp hơn, hiệu-quả hơn, và cũng trói buộc hơn, là bộ-lạc (tribe) và khóm (chieftains), có một tù-trưởng cầm đầu và có sự phân công ở dưới. Sự phân công tự-nhiên nhất có lẽ là sự chia đàn: đàn ông khác, đàn bà khác.
Sự tổ-chức còn phải được thực hiện cho cả không-gian và thời-gian của cuộc sống. Phương-hướng và những lần mốc được qui định. Những khu sinh-hoạt được lập ra: nơi này là đất cấm, nơi kia đất săn, nơi nọ là đất ở, khu này là khu đàn bà, khu kia là khu đàn ông. Với thời-gian cũng vậy, có một thời-gian công-cộng và một thời- gian riêng; và những phương-hướng của thời-gian, theo đó một thời “trước” và một thời “sau” được định ra. Những phân biệt càng ngày càng tinh vi hơn; độ xa, độ gần được biệt lập; cái “đây” khác cái “đấy”; và đối với một vài đàn người, có thể còn có thêm một cái “đó” nữa.
Sự tổ-chức có một kết quả là làm cho sự khác biệt giữa “ta” và “họ” càng ngày lại càng thêm trầm trọng. Vì khi đã tổ-chức, thì chất-liệu và nội-dung văn-hóa trong cái “ta” lại nặng thêm, cũng như chất-liệu và nội-dung văn-hóa chứa đựng trong cái “họ”.
Nhu-cầu thứ tư là sự chế tạo dụng cụ.
Con vật-người tương-đối kém mạnh, kém nhanh và đó là những thua kém không nhỏ. Một phần nào, sự yếu ớt của thể-xác con người là do sự sinh non: con người, trong thể chất, được sinh ra ở một tình-trạng tương-đối non-nớt nhất trong các loài có vú và có rau (nhau).
Sự sinh-tồn đòi hỏi rằng những yếu-kém này phải được bổ túc, hay được trợ thủ. Con người đã giải quyết được cái khó-khăn này bằng một hoạt-động đặc-thù và tân-kỳ, là sự chế-tạo ra những đồ dùng.
Tất nhiên rằng nếu không có những khả-năng khác-thường thì không thể làm được một việc khác-thường. Sự biết dùng một vật lấy được trong tự-nhiên, để làm một cái gì, là một sự khác-thường. Sự biết lấy cái vật đó để mà chế ra một vật mới không có trong tự-nhiên để dùng trong sự thực-hiện một cái gì đó theo ý mình dự-định, là một sự khác-thường bậc hai. Trong tất cả các sinh-vật, chỉ có loài người biết khai thác thiên-nhiên để dùng, bắt đầu là một cách trực-tiếp, rồi một cách gián-tiếp bậc hai, rồi sau đó lên đến bực ba và bực bốn trong những thời cận-đại.
Loài hầu biết dùng tay, dùng chân, và dùng cả đuôi, bám vào những thân cây để di động trong rừng. Một vài là tự-nhien-học đã thấy những con nhân-hầu đời nay cầm một cành cây khô trong tay. Ở một thời nào đó, hầu-nhân tiền-thân của người, có thể đã biết rung cây để lấy một cái trái mọc ở cành cao, hoặc lấy một cành cây để khều một con sâu. Đó là những việc đòi hỏi trước nhất là một bàn tay đã được giải phóng khỏi mặt đất và biết nắm, biết cầm, và sau đó là một bộ óc đã thu nhận và ghi nhớ được một mẫu-hình hoạt-động có tác-dụng.
Sự kinh-nghiệm cũng là khởi-điểm của các hoạt-động sử dụng vật- chất của loài người. Có nhiều dấu-hiệu cho ta nghĩ rằng, nhờ khối óc còn non và còn đang phát triển của đứa trẻ con người, nên các kinh-nghiệm sống được ghi nhận và tích trữ trong khối óc một cách dễ-dàng và hiệu-quả hơn. Kinh-nghiệm không phải chỉ là sự trải qua những tình-thế. Kinh-nghiệm quan-trọng nhất là sự ta làm gì trong một tình thế mà ta đã trải qua. Sự ta đã làm gì, một cách nhiều khi bất-ngờ và đột-nhiên, như một phản-ứng không nghĩ, không định, đã tạo ra một tác-dụng trong tình-thế đó. Và cái liên hệ giữa cái ta làm và tác-dụng của nó, được thâu vào trí nhớ, thành một mẫu-hình hoạt động. Con người sơ-thủy, trong sự phấn-đấu liên-tục để sống-còn giữa một thiên-nhiên khắc-nghiệt, đã xây dựng dần-dần những mẫu-hình hoạt động, gom lại thành một nền văn-hóa.
Khi con người biết khai thác các vật dụng bậc hai thì phần lớn những vật này là những đồ đá. Bắt đầu là đá đập hay đá ghè: người ta lấy một hòn đá cứng ghé vào một hòn đá khác cho mẻ ra những mảnh nhỏ mà tạo thành một hình thù mà người ta muốn có. Hoặc người ta cầm hòn đá mà đập vào một tảng núi cho vỡ ra, trước hết theo một cái thớ, rồi sau mới đẽo thành hình. Tiền-sử-học gọi thời này là thời Cổ-Thạch, hay thời đá đập. Đối với khoa-học đặt căn-bản trên những di-tích vật-chất của văn-hóa, thì đó là thời-đại cổ-xưa nhất của tiền-sử.
Văn-hóa bắt đầu. Và lịch-sử cũng bắt đầu, được thực chứng trên đá trước khi được ghi chép trên đất nung và những thanh tre.
CHÚ THÍCH:
(1) Trong hiện-tại có hai khu-vực đang thay đổi hình-thái, một, ở Bắc Trung Hoa, một ở vùng Sừng Africa (Phi Châu); sa-mạc đang lấn đất với hạn hán không mưa và những bão cát tràn vào đất làm cây cỏ khô héo và người ta cùng các động-vật phải lùi dần.
(2) Khả-năng văn-hóa chính-yếu là trí thông-minh, chỉ mới bập bẹ chớm có ở các động vật như loài hầu (khỉ nhân-dạng...) và
nảy nở ở loài người nhờ hai yếu tố chính: 1- sự non-nớt của não-bộ lúc sinh ra, và 2- sự phấn-đấu trước những thách-thức của sự sống
mà thiếu những thiên-năng của loài hầu-nhân tổ.
(3) Điều này được viết ra năm 1977. Lúc ấy tôi chưa nhận thức đúng mức tầm quan-trọng của sự non-nớt (immaturity) của não bộ sơ-sinh: vì chưa thành nên chưa có những mẫu-hình cố-định di truyền của loài tổ, và phải sáng-tạo những cách xử-sự mới (behaviour),
- Anh Tôi, Trần Việt Sơn Trần Ngọc Ninh Hồi ức
- Sự Xuất Hiện Của Văn Hóa Trần Ngọc Ninh Tiểu luận
- Sự Xây Dựng Văn Hóa Tạo Ra Lịch Sử Tính Của Con Người Trần Ngọc Ninh Tiểu luận
- Cái Bánh Chưng Và Nền Văn Hiến Việt Nam Trần Ngọc Ninh Khảo luận
- Tuyết Xưa Trần Ngọc Ninh Tiểu luận
- Nguyễn Trãi Huyễn-Thực và Sắc-Không Trần Ngọc Ninh Thơ
- Dân Tộc Là Gì Trần Ngọc Ninh Tiểu luận
- Lê Lợi, Nguyễn Trãi và Cuộc Cách Mệnh Lam Sơn Trần Ngọc Ninh Biên khảo
- Bảng Niên Biểu Nguyễn Du Trần Ngọc Ninh Niên biểu
• “Duy Tuệ Thị Nghiệp”: Từ Trí Tuệ Phật Giáo Đến Sự Phát Triển Nền Giáo Dục Nhân Bản (Vạn Đức)
• Mỹ học của hư vỡ: Kintsugi, lấy vàng nối gốm (Nguyên Giác)
• Lịch Sử Đạo Hồi (PHS News)
• Giáo Dục Quốc Gia (1945 - 1975) (Trần Bích San)
• Văn chương đương đại tiếp nhận gì từ văn học miền Nam (Inrasara)
• Năm Dần Nói Chuyện Cọp (Thái Văn Kiểm)
• Mùa Xuân Nói Về Chữ Tết (Nguyễn Thiếu Dũng)
• “Vân Đài Loại Ngữ" Bộ Sách Bách Khoa Toàn Thư Đầu Tiên Của Việt Nam
(Nguyễn Huy Côn)
• Văn Chương Có Biên Giới Không? (Nguyễn Vy Khanh)
• Khoan Dung Và Dị Biệt Văn Hóa (Nguyễn Sỹ Tế)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |