|
Phạm Ngọc Lũy(20.11.1919 - 21.12.2022) | Quách Tấn(4.1.1910 - 21.12.1992) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Giáo sư Trần Ngọc Ninh
Các nhóm người trước kia là bộ-lạc, nay định cư và tụ hội lại thành những làng, những mạc, những xóm, nhìn xuống những khu đất trồng trọt của họ. Chắc rằng đã có những luật-lệ qui định sự chia đất để cho công tư được toàn vẹn. Trong những xã-hội sơ-khai, tất cả mọi công-việc đều có ý- nghĩa tượng-trưng. Sự chia đất trong thời thái-cổ được hình dung trong cách xắt cái bánh chưng. Cho đến ngày nay, chúng ta vẫn còn giữ phép xắt bánh của đời xưa, là dùng lạt chứ không dùng dao. Dao 1 là để cắt và chia rẽ; nhưng lạt dùng để buộc, và chúng ta xắt bánh chưng bằng cách buộc xéo sợi lạt và rút hai đầu. Cái bánh được chia không theo kiểu chữ tỉnh # như Mạnh-tử viết. Phép chia ruộng lạc có 4 phần giữa và 12 phần bên; nếu phần giữa là phần ruộng công thì tỉ-lệ là 1 công 3 tư, chứ không phải 1 công 8 tư như trong thời gọi là Nghiêu-Thuấn theo sách Mạnh-tử. Người trình bày phép chia ruộng đất này là một người con thứ của Vua Hùng thứ Sáu. Vua cha già yếu, muốn thử các con, cũng như trong dã-sử của người Scot mà Shakespeare đã viết thành một vở kịch bất-hủ, Vua Lear thử các con.
Nhưng Vua Lear thì điên-khùng, còn Vua Hùng sáng- suốt không thử lòng mà thử tài các con để lập người nối dõi. Vua truyền mỗi người con (không nói là riêng con trai) phải làm một món ăn dâng lên vua cha. Về nhà, mọi người đều cố gắng đi tìm sơn-hào hải-vị, những thức ăn quí báu nhất rồi nấu nướng bưng đến, với hi-vọng tràn-trề. Chỉ có một người con thứ, cửa nhà thanh-bạch, không mua được những của ngon vật lạ hiếm có trong đời, đành chỉ lấy gạo nếp với đậu xanh của nhà làm thành hai thứ bánh, một thứ trắng tinh nặn tròn là hình-tượng bầu trời đầy sao gọi là bánh dầy; một thứ có nhân bọc lá chuối, thắt lạt tre, hình vuông, là tượng đất gọi là bánh chưng. Vua cha cả đẹp lòng và chọn người con này là người sẽ được nối ngôi, làm vua Hùng đời thứ Bảy.
Tại sao có sự lựa-chọn như thế? Thứ nhất là vì tới đây là một lúc đổi đời: con người chuyển từ kinh-tế nhặt-vặt và săn-bắt sang kinh-tế trồng-trọt, nông-nghiệp là hoạt-động chính, văn-hóa (culture) đã lấn bước tự-nhiên (nature). Lí-do thứ hai còn quan trọng hơn. Vì cách thắt cũng như cách xắt cái bánh chưng là dấu-hiệu, không phải của sự sơ-khai văn- hoá, mà của sự lập thành văn-hiến. Trong Bình Ngô Đại Cáo, Nguyễn Trãi viết:
Như nước Việt ta từ nước
Vốn xưng văn-hiến đã lâu,
Sơn hà cương vực đã chia,
Phong-tục Bắc Nam cũng khác.
là trong cái nghĩa này.
Ở Trung-quốc, sự phân-phối lãnh-thổ và phân-chia ruộng- đất hoàn-toàn để cho cá lớn nuốt cá bé, hoặc vì vô chính sách, hoặc là theo quyết-định của người giữ quyền-chính tối cao. Vô chính-sách là ở đời Nhà Hạ, nhà Thương, sau khi Đại-Vũ trị thủy thành công, các người miền Bắc ào-ào kéo xuống miền Nam để chiếm hữu các đất-đai mới rút nước lụt còn vô chủ; có lẽ cũng đúng vào lúc ấy, họ gặp gỡ những người miền Nam trồng lúa gạo, và từ đó, ngoài lúa mì và kê, họ biết thổi cơm để ăn. Vua Thuấn nhường ngôi cho Vũ lập nên Nhà Hạ, rồi chuyển sang Nhà Thương (Ân), sự thịnh vượng, phú-cường, lên đến tột đỉnh, làm cho các rợ ở chung quanh thèm thuồng, ao ước.
Ở Tây-Bắc lãnh-thổ của Nhà Thương là địa-bàn của rợ Chu. Người cầm đầu rợ Chu, kết liên với các rợ của những bộ-lạc lân-cận, đã cướp nước của Nhà Thương và bắt dân Thương di chuyển về rừng-núi Tứ-Xuyên, Vân-Nam. Dân Thương ở lẫn với dân Miêu, dân Man là dân nuôi tầm lấy tơ, dệt lụa. Người Thương thành những người buôn tơ-lụa, gọi chung là thương-gia; họ không theo các người nguyên-Môn- Việt đi về phương Đông và phương Nam; họ tìm đường đi về phương Tây và mở ra những đường buôn tơ lụa xuống miền Ngũ Hà (Penjab) và sang đến A-rap.
Còn rợ Chu, sau khi làm chủ Trung-thổ, đã phân phối lãnh-thổ cho những người có công trong cuộc chiến thắng Nhà Thương, không những bà con họ hàng của Nhà Chu, mà còn các người thủ-lãnh của các rợ đồng-minh. Chu-công và Chu Văn-vương đặt ra thuyết thiên-mệnh, lấy sự bói toán theo Kinh Dịch để trị dân, và dò xét dân-tình khắp dưới trời bằng cách kiểm tra phong-tục theo phong-dao các xứ, đó là nguồn-gốc của Kinh Thi. Sự chia đất, phong tước (vương, công, hầu, bá, tử, nam) là khởi-thủy của phong-kiến; đến lúc phong-kiến đồi trụy thì thành thời xuân thu, là lúc Khổng-tử rồi Mạnh-tử ra đời, với cái mộng là lập lại được chế-độ phong-kiến để "bình thiên-hạ". Họ Không nghĩ rằng hình- thức là mấu-chốt nên đặt ra thuyết chính danh 2 và đề cao lễ- nhạc. Mạnh-tử đi sâu hơn vào thực-tế chính-trị, nên đề nghị sự cải-cách ruộng-đất theo chữ tỉnh #, tức là:
Như đã được nói ở trên: miếng giữa là của vua, còn các miếng chung quanh trả lại cho dân.
Nền phong-kiến đã cướp đất của dân vì là phong-kiến cát cứ, nay phải chia lại cho dân thì thiên-hạ mới thái-bình.
Tôi không đi sâu thêm vào lịch-sử Trung-quốc. Chúng ta đều biết rằng Mạnh-tử đã hoàn-toàn thất-bại. Toàn cõi Trung- Hoa từ đó để thả cho những người có quyền, có thế, có lực, có tiền, cướp đất, cướp ruộng, cướp tài-sản và cưỡng bách nhân-lực của những người nghèo-hèn yếu-kém trong xã-hội. Cho đến khi cuộc Cách-mệnh lãnh đạo bởi Mao Trạch-đông và Đảng Cộng-sản làm chủ lục-địa rồi, thì những tàn-tích rơi-rớt của sự tư-hữu lớn cũng như nhỏ liền bị xóa bỏ bởi cuộc cải-cách ruộng-đất. Tất cả đất-đai cũng như các phương- tiện sản xuất lại được thu về một mối, gọi một cách hư-ảo (virtual) là của công. Toàn dân lại nai lưng lao động, được bao nhiêu dân ăn hương-hoa, còn cán-bộ thu hoa-lợi. Một lớp người mới lên thay thế lớp người cũ như khi Nhà Chu diệt Nhà Thương. Lịch-sử tuần-hoàn lại trở về ngày xưa.
Đời Nhà Hùng, ở đất Lạc Việt, bắt đầu từ vua Hùng thứ Bảy, sự chia đất ở mỗi làng theo mô-hình bánh chưng:
Ba cái lạt ngang và ba cái lạt dọc phân mặt bánh ra thành 16 ô. Mười hai ô ở bìa là ruộng tư, của dân: sự trồng- trọt cũng như sự mua bán đều tự-do; người dân có sở-hữu mặt đất xanh-tươi với lúa, với rau và hoa-mầu. Ở giữa có bốn ô là ruộng công. Sự phát triển về sau chia rõ ra bốn loại ruộng công: học-điền (giúp đỡ trẻ con làng đi học), trợ-điền (giúp người nghèo trong làng, trợ cấp người già-cả đau-yếu và những người lỡ độ đường), lễ-điền (để lo việc thờ cúng cầu an) và công điền theo nghĩa hẹp (việc thông-tin, an-ninh, trông nom nghĩa-địa, v.v...). Sự sở-hữu không phải chỉ ở mặt đất mà còn đi sâu xuống lòng đất là tầng nhân và dưới nữa, thí-dụ như những mạch nước ngầm.
Với sự qui-định một phép phân phối ruộng đất mà vua Hùng thứ Sáu chấp thuận khi nhận người con có ý-kiến này là người nối ngôi, tôi nghĩ rằng nền văn-hiến của nước ta bắt đầu từ đây, sớm hơn Mạnh-tử cả nghìn năm.
CHÚ THÍCH:
1. Dao (con dao) là từ vay mượn ở hán-ngữ đao.
2. Trang-tử, thấy rõ nhược-điểm của Khổng-tử và tất-cả Nho- gia cho đến Tuân-tử, nên viết rằng: Danh là khách của thực. Nói theo ngôn-ngữ đời nay, câu này nghĩa là Cái chỉ (signifiant) không phải là cái được chỉ (signifié) nhưng đã được ghép vào với cái được chỉ.
- Anh Tôi, Trần Việt Sơn Trần Ngọc Ninh Hồi ức
- Sự Xuất Hiện Của Văn Hóa Trần Ngọc Ninh Tiểu luận
- Sự Xây Dựng Văn Hóa Tạo Ra Lịch Sử Tính Của Con Người Trần Ngọc Ninh Tiểu luận
- Cái Bánh Chưng Và Nền Văn Hiến Việt Nam Trần Ngọc Ninh Khảo luận
- Tuyết Xưa Trần Ngọc Ninh Tiểu luận
- Nguyễn Trãi Huyễn-Thực và Sắc-Không Trần Ngọc Ninh Thơ
- Dân Tộc Là Gì Trần Ngọc Ninh Tiểu luận
- Lê Lợi, Nguyễn Trãi và Cuộc Cách Mệnh Lam Sơn Trần Ngọc Ninh Biên khảo
- Bảng Niên Biểu Nguyễn Du Trần Ngọc Ninh Niên biểu
• “Duy Tuệ Thị Nghiệp”: Từ Trí Tuệ Phật Giáo Đến Sự Phát Triển Nền Giáo Dục Nhân Bản (Vạn Đức)
• Mỹ học của hư vỡ: Kintsugi, lấy vàng nối gốm (Nguyên Giác)
• Lịch Sử Đạo Hồi (PHS News)
• Giáo Dục Quốc Gia (1945 - 1975) (Trần Bích San)
• Văn chương đương đại tiếp nhận gì từ văn học miền Nam (Inrasara)
• Năm Dần Nói Chuyện Cọp (Thái Văn Kiểm)
• Mùa Xuân Nói Về Chữ Tết (Nguyễn Thiếu Dũng)
• “Vân Đài Loại Ngữ" Bộ Sách Bách Khoa Toàn Thư Đầu Tiên Của Việt Nam
(Nguyễn Huy Côn)
• Văn Chương Có Biên Giới Không? (Nguyễn Vy Khanh)
• Khoan Dung Và Dị Biệt Văn Hóa (Nguyễn Sỹ Tế)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |