|
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Bản đồ biên giới Việt Hoa trong L'Indochine du Nord của P. Braemer. (Nguồn: Khởi Hành)
Ải Nam Quan, gần gũi quen thuộc trong lời ăn tiếng nói hàng ngày, thiết tha gắn bó với tâm tình quê hương nước nòi của người Việt Nam. Dù chưa một lần được đến tận nơi để ngắm nhìn cửa ải xung yếu ấy, dù không biết chính xác vị trí địa lý: Ải ấy ở làng nào, huyện nào, tỉnh nào trên lãnh thổ nước ta, ai ai (người Việt) cũng biết cửa ải ấy ở biên giới Bắc Việt và Hoa Nam, được ông cha ta dựng lên nhằm mục đích trấn giữ ngăn ngừa nạn xâm lăng đến từ phía Nam nước Tầu. Do đó, ải này được gọi là Trấn Nam Quan. Nơi này đã ghi dấu nhiều cuộc lịch sử thăng trầm.
- Sách Vân Đài Loại Ngữ do Lê Quý Đôn biên soạn, quyển thứ 3: Khu-Vũ loại, gồm 93 điều nói về tương quan giữa địa lý với thiên văn và chính trị.
Điều thứ 81 có ghi:
"Phía Bắc nước ta tiếp giáp với lãnh thổ Trung Quốc, có ba cửa ải:
1. Mạn trên có Thủy Khẩu Quan, thuộc tỉnh Cao Bằng.
2. Mạn giữa có Bình Nhi Quan, thuộc huyện Thất Khê.
3. Mạn dưới có Trấn Nam Quan, thuộc tỉnh Lạng Sơn.
Ba cửa ải ấy là nơi quan hệ trọng yếu để ngăn ngừa quân địch.
- Sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, bộ sử quý giá do Quốc Sử Quan triều Nguyễn biên soạn, phần chính Biên quyển thứ 12 có ghi:
"Pha Lũy Quan ở xã Đồng Đăng, huyện Văn Uyên, tỉnh Lạng Sơn, nay gọi là Nam Quan"
Ải Nam Quan được tiền nhân dựng lên từ bao giờ, không tìm thấy trong sử sách cũng như truyền thuyết dân gian.
Các sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Đại Việt Sử Ký Tiền Biên, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Vân Đài Loại Ngữ đều cho biết: Ải có từ lâu đời, thời Hậu Lê trở về trước gọi là Pha Lũy Quan. Khoảng Lê Trung Hưng đổi thành Trấn Nam Quan, tiếng nôm gọi là Ải Nam Quan. Tại sao đổi tên và đổi chính xác vào niên đại nào, dưới triều vua nào, chưa rõ.
Ải nằm trong xã Đồng Đăng, một trong 227 xã của tỉnh Lạng Sơn, vậy không phải là một kiến trúc lớn lao, nhưng có giá trị to tát về chiến lược.
Nguyễn Trãi có ghi trong Dư địa chí về tỉnh Lạng Sơn: "Lạng Sơn, xưa là Bộ Lục Hải (l trong 15 bộ của nước Văn Lang đời Hùng) tây nam giáp Thái Nguyên, đông bắc giáp Lưỡng Quảng, có 1 phủ gồm 7 châu, 227 xã, là phên giậu thứ ba ở phía Bắc"
Nguyễn Thiên Tích, một danh nho cùng thời với Nguyễn Trãi, cẩn án (kính xét): một phủ của tỉnh Lạng Sơn là phủ Trường Khánh. Bẩy châu là: Lộc Bình, Thoát-Lãng (xưa là Thoát Lạc), Yên Châu, Văn Uyên (xưa là Văn Châu), An Lan, Thất Nguyên (nhà Mạc đổi là Thất Toàn) và An Bắc.
Đại Nam Nhất Thống Chí ghi: Nhà Lê đổi phủ Thừa Khánh ở Lạng Sơn thành phủ Trường Khánh.
Châu Lộc Bình thời Minh thuộc gọi là Lộc Châu. Thời Hậu Lê gọi là Lộc Bình. Thời Tây Sơn gọi là Lộc Bằng (Bình đọc theo Nôm là Bằng), Thời Nguyễn đọc lại theo âm Hán là Lộc Bình).
Theo Thiên Nam Dư Hạ Tập: Yên Châu gọi là Ôn Châu thời Tiền lê là đất Quang Lang, thời Lý và thời Trần gọi là huyện Khâu Ôn. Văn Uyên là tên đặt từ thời Hậu Lê, thời Lý gọi là châu Văn, thời Minh thuộc gọi là huyện Uyên.
Theo An Nam Chí Lược, châu Thất Nguyên là tên thời Lý và thời Trần.
Xét theo sử, thời Hậu Lê cũng gọi là Thất Nguyên. Nhà Mạc kiêng tên Mạc Phúc Nguyên nên đổi thành Thất Toàn.
Như nước Việt ta từ trước,
Vốn xưng Văn hiến đã lâu.
Sơn hà cương vực đã chia,
Phong tục Bắc Nam cũng khác.
(Nguyễn Trãi - Bình Ngô Đại Cáo)
Một dòng lịch sử bảo chủng sinh tồn hơn 4000 năm, gìn giữ được biên cương, xây dựng cuộc sống có ý nghĩa và giá trị, thể hiện và phát huy nền văn hóa nhân bản cao cả, đã phải trả giá sông máu núi xương qua nhiều cuộc dâu biển thăng trầm, có nhục có vinh.
Trước khi phải đối phó thêm bạo lực xâm lược đến từ phương Tây, đời đời dòng giống Việt phải ngăn chặn nạn ngoại xâm nhằm mục đích đồng hóa đến từ phương Bắc (Trung Hoa). Ải Nam Quan có sứ mạng làm phòng tuyến chiến lược quan trọng. Nam Quan còn, non nước vững yên. Nam Quan mất, biên thùy rung chuyển. Chính ở nơi này, nhiều trang sử rực ánh vinh quang đã được viết lên, cũng có nhiều trang tối tăm ảm đạm lòng dân nước. Dưới đây ghi lại mấy nét đặc trưng.
Năm Nhâm Dần (Tây lịch năm 42), đời Hán Kiến Vũ năm thứ 18, Mã Viện chia quân làm hai đường tiến vào nước ta: đường biển và đường bộ. Đường bộ vượt núi phá rừng tiến vào Lạng Sơn (Ải Nam Quan ở Lạng Sơn).
Năm Quý Mão (Tây lịch năm 43), Viện chiếm được nước ta, dựng cột đồng ở biên giới Việt Hoa với lời nguyền: "Cột đồng gẫy, Giao chỉ diệt" (Đồng trụ chiết, Giao chỉ diệt).
Về cột đồng này, sách Thủy Kinh Chú ghi: "Mã Uyên Minh (Mã Viện) dựng cây nêu bằng kim loại (kim tiêu) để đánh dấu giới hạn cực Nam của Trung Quốc. Cây nêu (kim tiêu) ấy tức cột đồng (đồng trụ). Viên Tuần phủ Lý Công Phất nhà Thanh viết trong bài "Trùng Tu Nam Quan Ký" (1): "Riêng Ải Nam Quan trông sang Giao chỉ, thật là hiểm yếu, ở đó có cột đồng của Mã Tân Tức (Mã Viện)".
Năm Ất Dậu (1405) Hồ Hán Thương năm Khai Đại thứ 3, vua Minh là Vĩnh Lạc tiến quân đe dọa Nam Quan, nhà Hồ khiếp nhược cắt đất dâng cho giặc. Dư Địa Chí ghi: "Nhà Hồ sai Hoàng Hối Khanh làm sứ đi cắt đất, lấy Lộc Ninh, Cổ Lâu 30 xã cho giặc Minh. Đất bị mất rộng đến 5 ngày đường". Về việc này, sách Đại Việt Sử Ký Tiền Biên ghi: "Cái tội bán đất của Quý Ly, giết đi cũng không hết tội được". Sử thần Ngô Thì Sỹ bàn: "Từ đó về sau giặc Minh nhân sơ hở luôn luôn đến quấy rối, khiến cho việc can qua làm tan nát đến hơn vài chục năm. Tội của cha con Quý Ly thấu lên đến tận trời".
Năm Canh Tí (l540) tháng 11, Mao Bá Ôn, tướng giặc Minh (Gia Tĩnh) đóng quân dựng trại trước Nam Quan. "Mạc Đăng Dung đế Mạc Phúc Hải ở lại coi giữ việc nước, tự mình cùng cháu là Mạc Văn Minh và bè đảng là bọn Vũ Như Quế hơn 40 người do đường Nam Quan đi sang: ai nấy đều buộc dây thừng vào cổ, đi chân đất, quỳ lạy phủ phục nơi trại tướng Minh, khúm núm khấn đầu lạy lục, dâng biểu xin hàng, nộp trình sổ sách đất đai và người dân do mình quản trị" (Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, chính biên).
Năm Canh Tý (Tây lịch năm 40), Trưng Nữ Vương đau lòng trước cảnh Tô Định dùng luật pháp bạo ngược trói buộc quốc dân, lại thù Định giết chồng, bèn dấy nghĩa ở huyện Mê Linh, châu Phong (Phú Thọ và Vĩnh Yên) đánh đuổi Tô Định. Định thua chạy theo ngả Lạng Sơn mà về Tầu. Các quận Nam Hải, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố, 65 thành ở Lĩnh Ngoại đều theo về. Nước nhà tự chủ.
Năm Tân Tỵ, mùa Xuân tháng 3 (981) nhà Tống sai Hầu Nhân Bảo đem quân sang chiếm nước ta. Vua Lê Đại Hành đánh tan quân giặc, chém Hầu Nhân Bảo ở Chi Lăng (Ôn Châu - Lạng Sơn). Quân giặc sống sót chạy qua châu Văn Uyên (nơi có Ải Nam Quan) mà về Tầu.
Năm Canh Tý, Lý Thánh Tông niên hiệu Chương Thánh Gia Khánh thứ 2 (1060), mùa Xuân, châu mục Lạng Châu (Lạng Sơn) là Thân Thiệu Thái tiến quân sang Tầu, bắt sống chỉ huy sứ nhà Tống là Dương Bảo Tài đem về nước. Viện lẽ: Bảo Tài dụ giỗ và dung túng lính nhà Lý trốn qua Tống.
Mùa Thu tháng 7 năm ấy, nhà Tống cất quân xâm chiếm, bị chấn đánh ở Lạng Châu (nơi có Ải Nam Quan). Quân Tống phải lui. Vua Tống sai Thị Lang bộ Lại là Dư Tĩnh đến Châu Ung để hội nghị. Vua Lý Thánh Tông sai Phí Gia Hưu đi dự. Dư Tĩnh đối với Phí Gia Hựu rất là cung kính và dâng thư xin trả chỉ huy sứ Dương Bảo Tài cho nhà Tống. Vua nhà Lý không chịu trả.
Năm Giáp Thân tháng chạp (1284) giặc Nguyên mượn cớ đánh Chiêm Thành để tiến quân vào nước ta lần thứ 2. Thoát Hoan chia quân làm hai ngả: một theo đường biển do Toa Đô chỉ huy, một theo đường bộ do Thoát Hoan chỉ huy. Thoát Hoan kéo quân qua Pha Lũy Quan (tức Ải Nam Quan) tiến vào đến thôn Ma Lục, bị hai thổ hà là Nguyễn Thế Lộc và Nguyễn Lĩnh đem tráng đinh địa phương đánh cho tơi tả.
Năm Ất Dậu, tháng 6 (1285) Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn quét sạch 50 vạn quân Mông Cổ ra khỏi cõi bờ. Trấn Nam Vương Thoát Hoan của giặc phải chui vào ống đồng cho quân khiêng chạy thoát qua Pha Lũy Quan (Ải Nam Quan) mà trốn về Tầu.
Năm Đinh Mùi, mùa Thu tháng 9 (1427) Liễu Thăng kéo quân vào nước ta. Bình Định Vương Lê Lợi sai các tướng Lê Sát, Lê Nhân Chú, Lê Hiệp, Đinh Liệt, Lê Thụ mai phục ở Chi Lăng để đón đánh. Tướng Trần Lựu dẫn quân đến Pha Lũy Quan (Nam Quan) để dụ địch. Liễu Thăng tiến quân qua Pha Lũy Quan. Trần Lựu giả thua, Thăng đuổi theo đến Chi Lăng, bị phục binh vây đánh. Quân Minh đè lên nhau mà chết. Liễu Thăng bị chém ở Đảo Mã Pha, ven núi Mã Yên.
Cũng năm ấy (năm Đinh Mùi - 1427), bọn Thôi Tụ, Hoàng Phúc cùng quẫn, kéo quân chạy về Tầu, đến Mã Yên, Chi Lăng, Pha Lũy Quan (Nam Quan) bị các tướng Lê Vấn, Lê Khôi bắt sống cùng hàng vạn tù binh.
Năm Mậu Thân mùa Dựng tháng 10 (1788) Tôn Sỹ Nghị Tổng Đốc Lưỡng Quảng nhà Thanh kéo quân vào nước ta. Quân giặc chia làm ba ngả:
- Đề Tổng Vân Nam và Quý Châu, họ Ô (sử không ghi tên) tiến vào theo ngả Tuyên Quang.
- Tri phủ Điền Châu là Sầm Nghi Đống tiến vào theo ngả Cao Bằng.
- Tôn Sỹ Nghị và đề đốc Hứa Thế Hanh tiến vào theo ngả Nam Quan.
Năm Kỷ Dậu, tháng Giêng (1789) ngày 1 vua Quang Trung tiến quân đến Thượng Phúc và Thanh Trì. Ngày 4 tiến vào Thăng Long, quân giặc Thanh tan vỡ, bọn đề đốc Hứa Thế Hanh, tiên phong Trương Sỹ Long, tả dực Thượng Duy Thăng, tri phủ Điền Châu Sầm Nghi Đống đều chết. Tôn Sỹ Nghị đang đêm trốn khỏi thành, vượt sông mà chạy, cầu gẫy, xác quân giặc đè lên nhau nghẽn cả dòng sông.
Thời Pháp thuộc, năm 1884 nghĩa dân Lạng Sơn nổi lên đánh giặc, có kế hoạch bền bỉ lâu dài, dùng Ải Nam Quan làm lối rút quân qua Tầu, khi yếu thế. Dưới sự thống lãnh của anh hùng Hoàng Đình Kinh, giữ vùng núi hiểm, làm cho quân xâm lược ăn không ngon, ngủ không yên. Ngày 6 tháng 7 năm 1888 Hoàng anh hùng hy sinh vì nước, tưởng nhớ ông, dân chúng gọi dẫy núi ông hy sinh là núi Cai Kinh.
Sau 1975, nương tựa thế lực nước ngoài, cướp quyền quản trị quốc dân, ngụy quyền bạo ngược vong bản vọng ngoại, khiếp nhược run sợ trước Cộng sản Trung-Hoa, đổi tên Trấn Nam Quan (tên Nôm là Ải Nam Quan), thành Mục Nam Quan, rồi Hữu Nghị Quan! Mục Nam Quan hay Hữu Nghị Quan đều có nghĩa là cửa ngõ Thuận Hòa, thân thiện, tin cậy trong tình bạn bè, trái hẳn với ý nghĩa Trấn giữ, ngăn ngừa sự xâm lược đến từ phía Nam nước Tầu của Ông Cha.
SÁCH THAM KHẢO:
1. Dư Địa Chí - Nguyễn Trãi.
2. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư - Ngô Sỹ Liên.
3. Đại Việt Sử Ký Tiền Biên - Ngô Thì Sỹ và Ngô Thì Nhiệm.
4. Vân Đài Loại Ngữ -Quý Đôn.
5. Đại Việt Thông Sứ - Lê Quý Đôn.
6. Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục.
CHÚ THÍCH:
(1) Năm Cảnh Hưng thứ 21 (1760) Lê Quý Đôn sang sứ Trung Hoa, chép 2 bài ký này đem về nước:
1. Trùng tu Nam Quan Ký của viên tuần phủ Lý Công Phất nhà Thanh.
2. Tuần Duyệt An Nam Biên Ải Ký của viên Án Sát Hoàng Nhạc Mục nhà Thanh.
Cả hai bài đều bao hàm ý tưởng xâm lược của bọn quan liêu nước tự xưng là Thiên Quốc mà chính chỉ là đế quốc - Phạm Vũ và Lê Hiền chuyển nôm. Xin trích vài đoạn:
Bài Ký Trùng Tu Trấn Nam Quan
"Tỉnh Quảng-tây ở miền Nam (Trung-quốc), núi cao, rừng tre nứa rậm, các dân tộc Dao, Chàng ở lẫn lộn, đâu cũng là nơi hiểm trở. Riêng cửa Trấn-Nam, phía Nam trông sang Giao Chỉ, thật là nơi hiểm yếu. Ở đó, có cột đồng của Mã Tân tức (Mã-viện). Thế đất bằng phẳng, khoáng đãng, không núi cao, rừng sâu hiểm trở; chỉ trông cậy vào cửa quan này thôi. Nhà nước có oai đức rộng khắp, thiên hạ thần phục, các dân tộc bốn phương xa đều đến biên giới xin vào nộp cống phẩm, trong ngoài một thể thống.
Nước An Nam lại càng cung thuận: do thế, cửa quan này, từ lâu không được sửa sang, ngày càng đổ nát. Sứ bộ sang cống, hàng năm phải đi về đường ấy.
Cửa quan này, tường cao lầu kín; nơi khám xét, nơi đóng quân, nơi canh phòng đều đầy đủ chỉnh tề. Cửa quan này, phía Nam trông sang cột đồng; hai bên chót vót ngang nhau, thực là cảnh đẹp trời Nam.
Bài Ký Đi Tuần Biên Ải An Nam
"Đọc thiên Đế điển (tức thiên Nghiêu điển trong Kinh Thư) thấy câu "Trạch Nam giao" (ở Nam-giao), tôi mới biết cái tên Nam-giao đã chép ở kinh truyện từ lâu.
Thời nhà Hán sai Mã Phục ba (Phục ba tướng quân Mã Viện) đi đánh phương Nam, tuy chiến công ở Lãng-Bạc rất lớn, nhưng ở đây, trên sương mù, dưới nước lụt, chim điều bay qua không được; cũng phải lăn xuống; nên sau khi đã dẹp yên, dựng ngay cột đồng để đánh dấu biên giới đất Hán.
Hồi đầu nhà Minh cũng đã đặt quận huyện; không bao lâu dân không phục, phải bỏ.
Đến triều ta dựng nước, thanh giáo truyền đạt bốn phương những dân tộc nhuộm răng, xâm mình đều đến triều phục. Con cháu nhà Lê cũng sớm dâng biếu xưng phiên thần.
Sáng hôm sau, tôi lên núi Liên-Hoa; lớp lớp trùng điệp, cây cối âm u, một đám mây phủ; người đi không phân biệt được Đông Tây, như lạc vào đường mê. Tôi tạm ngồi nghĩ ở chỗ bậc đá; chợt thấy ánh sáng mặt trời, người đi theo giục đi. Nửa bộ, nửa xe, khi lên khi xuống, ước khoảng 30 dặm mới đến đồng bằng. Đến đây, ngoảnh cổ lại trông, thì các ngọn núi đều ở trong đám mây cả. Đi ba ngày nữa mới đến phủ Trấn-Yên. Hai châu: Qui Thuận và Tiêu Trấn-Yên thuộc phủ này, đều giáp giới Nam-Giao. Đất Nam-Giao và Trung-quốc không liền thẳng một đường, chỗ thò ra chỗ thụt vào tựa như nanh chó; những quan ải cũ chưa đặt khắp, đã có quan ải mới xen vào; vạch đất mà giữ, trong ngoài riêng hẳn.
Ngày mồng một tháng ba, đi từ phủ Thái-Bình, đến mồng 6 đến quận. Tới đó, cùng với quan Thái thú quận ấy, là ông họ Đồ, trước hết đi duyệt Trấn-Nam-Quan ở Bẳng-Tường. Xét ra Trấn-Nam-Quan cách phủ trị 4 ngày đường; trong khoảng đó có Mạc phủ doanh (phòng văn thư hành chánh), có Thụ hàng thành (thành nhậm lễ đầu hàng). Đó là con đường đi cống của An-Nam phải đi qua. Các châu Thượng-thạch, Tư-minh, Tư-lăng, quanh ở phía Đông nam; các châu Thượng Long-ty, Hạ Long-ty, Thượng Đống-châu, Hạ Đống-châu, Yên-bình-châu, liên tiếp ở phía Tây bắc. Vả lại, cửa quan Bình-nhi ở Hạ Long-ty có một dòng sông nước đục, rộng hơn trăm trượng, từ châu Thất-nguyên ở Giao-chỉ chảy tới. Lại ở Thủy-khẩu quan, có một con sông nước trong, rộng hơn 10 trượng, từ phủ Cao-bằng quận Giao-Chỉ chảy tới. Hai con sông ấy hợp dòng ở trước ty trị, chảy xuống phủ Thái-Bình. Một giải giang sơn, trong ngoài hộ vệ; người đời trước mở mang đất này, đã lập hai doanh: Long-bằng và Quí-đạo; nhưng đất rộng quá, mà quân lính thì ít.
Tôi xét hình thế cho rằng ba cửa quan là nơi trọng yếu, xin tăng quân đóng giữ. Còn các nơi khác, xét xem chỗ nào xung yếu. hẻo lánh, tùy nơi khinh trọng mà bố trí, cốt sao cho chỗ thưa, chỗ đông xen kẻ, nơi xa, nơi gần vừa phải để củng cố biên phòng.
Trong khoảng 60 ngày, tôi đi khắp ba quận, phía Tây đến tận Phúc-châu thuộc đất Điền-nam; phía Đông đến tận Khâm-châu thuộc đất Việt-đông (Quảng-Đông); phía Nam đến Giao-chỉ - Xem xét cương vực trong nước và ngoài nước, đại để Thượng Đống-châu và Hạ Đống-châu, về phía Đông tiếp giáp phủ Lạng-sơn của Giao-Chỉ, phía Tây tiếp giáp phủ Cao-Bằng cũng của Giao-Chỉ. Trong khoảng đất ấy, có nơi có non cao núi hiểm làm giới hạn thiên nhiên, có nơi đồng bằng nội rộng, làng mạc liền nhau; đem trọng binh người Hán, người Thổ đóng chen hết các nơi hiểm yếu hoặc trên cạn, hoặc dưới nước. Kể các quan ải, vừa cũ vừa mới, gồm 116 chỗ; quân chính qui 1935 tên kể cả cấp chỉ huy, quân thổ dân, 1170 người, khám xét nghiêm ngặt, tuần phòng cẩn mật suốt dọc biên cương dài 1700 dặm, tất cả là một bức tường thành sừng sững.
- Trấn Nam Quan, Cửa Ải Gắn Liền Với Dòng Sử Việt Trần Lam Giang Khảo luận
- Phụ Nữ Trong Dòng Văn Hiến Việt Nam Trần Lam Giang Tiểu luận
• “Duy Tuệ Thị Nghiệp”: Từ Trí Tuệ Phật Giáo Đến Sự Phát Triển Nền Giáo Dục Nhân Bản (Vạn Đức)
• Mỹ học của hư vỡ: Kintsugi, lấy vàng nối gốm (Nguyên Giác)
• Lịch Sử Đạo Hồi (PHS News)
• Giáo Dục Quốc Gia (1945 - 1975) (Trần Bích San)
• Văn chương đương đại tiếp nhận gì từ văn học miền Nam (Inrasara)
• Năm Dần Nói Chuyện Cọp (Thái Văn Kiểm)
• Mùa Xuân Nói Về Chữ Tết (Nguyễn Thiếu Dũng)
• “Vân Đài Loại Ngữ" Bộ Sách Bách Khoa Toàn Thư Đầu Tiên Của Việt Nam
(Nguyễn Huy Côn)
• Văn Chương Có Biên Giới Không? (Nguyễn Vy Khanh)
• Khoan Dung Và Dị Biệt Văn Hóa (Nguyễn Sỹ Tế)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |