|
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Minh Chánh Học Sĩ
Trần Công Định
Văn hóa là sản phẩm tập thể của nhân loại, điều hòa thích ứng với điều kiện thiên nhiên và nhân văn trong sự sinh tồn. Kinh Dịch quẻ Bí "Sơn Hỏa Bí".
Quan hồ thiên văn dĩ sát thời biến;
Quan hồ nhân văn dĩ hóa thành thiên hạ.
Quan sát hiện tượng thiên nhiên để biết thời tiết biến đổi, quan sát hiện tượng nhân văn để làm nên thế giới trị bình.
Văn hóa là chỉ chung tất cả các phương diện sinh hoạt của loài người. Là một vấn đề rộng lớn bao gồm cả triết học, văn học, chánh trị học, xã hội học, kinh tế học, khoa học, y học cùng các tổ chức tập quán tín ngưỡng, phong tục, lễ nghi; văn hóa là ngọn đuốc soi đường cho tất cả mọi lãnh vực.
Văn hóa Việt Nam phát sinh từ khi tổ tiên ta bắt đầu dựng nước đến nay gần năm ngàn năm, trải qua bao giai đoạn thịnh suy hưng phế, nhưng dân tộc ta vẫn bảo tồn được giá trị đạo đức cổ truyền tốt đẹp từ ngàn xưa. Không những thế dân tộc ta còn sẵn sàng tích cực tiếp thu những chân giá trị của văn hóa từ kim cổ Đông Tây để phát huy một nền văn hóa minh triết tổng hợp của dân tộc Việt Nam.
Để bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; người Việt Nam ta càng va chạm với văn minh cơ khí thì càng gần gũi với đạo đức cổ truyền, càng xa cách xứ sở thân yêu, hay gặp cảnh hoạn nạn cô đơn thì càng nhớ đất nước quê hương và những người chí thân tha thiết.
Truyền thống văn hóa dân tộc tiềm ẩn trong mỗi con người chúng ta. Dù ở hoàn cảnh nào, nó cũng chờ cơ hội bộc phát với tinh thần quật cường truyền thống, với chánh khí bất khuất hào hùng - Chính đó là ngọn đuốc thắp sáng lương tri cho mọi ý thức hệ đối kháng quan trọng trong lịch sử mà dân tộc ta đã chứng minh suốt qua hai thời kỳ ngoại bang đô hộ (1000 năm lệ thuộc Tàu, gần 100 năm Pháp đô hộ) nhưng vẫn không bị đồng hóa như các dân tộc khác. Bởi vậy khi nhắc lại truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam, chúng ta hãy thành tâm niệm tưởng trước tinh thần sáng tạo bằng trái tim khối óc vô cùng vĩ đại của Tổ Tiên ta, một dân tộc anh hùng với tư tưởng sáng tạo phi thường đã viết nên những trang lịch sứ thể hiện một nền văn hóa đạo đức văn minh siêu việt suốt gần năm mươi thế kỷ.
Nền văn hóa ấy đã xây dựng đất nước và con người Việt Nam từ trong thời trứng nước "trăm trứng một bọc" đã thấm nhuần qua câu hát, tiếng ru, ca dao, tục ngữ, với điệu nhạc, giọng hò đã được dìu dắt tập tành từ thuở bé, nói lên tình tự dân tộc, tiêu biểu bằng sức đoàn kết, mến yêu, thân thương, tình nghĩa với tinh thần hòa hài, phong phú và vị tha cao đẹp tạo thành một lực lượng hùng hậu, anh dũng phi thường, kiên cường bất khuất, bách chiến bách thắng để tự bảo tự tồn. Đó là truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam được xây dựng trên căn nguyên đạo đức nhân bản tâm linh - chính đó là đạo làm người "nước nguồn cây cội" và hiếu trung nhân nghĩa...
Kệ sách Học Xá
Những nếp sống văn hóa dân tộc Việt Nam được thể hiện một phần trong tết Nguyên Đán, tiêu biểu tinh thần đạo đức nhân bản rất cao, nói lên niềm hiếu đạo của con người nhớ ơn Tiên Tổ và nhất là ngày giỗ Tổ Hùng Vương (10-03 Âm lịch) hằng năm đã phản ảnh tinh thần văn hóa đạo đức cổ truyền của dân tộc ta với ý nghĩa thiêng liêng huyền diệu, thể hiện từ lễ nghi bài trí kính cẩn trang nghiêm trên bàn thờ Tổ Quốc với hương hoa ngào ngạt, khói trầm nghi ngút, đèn nến sáng choang, cùng tiếng kèn tiếng phách, tiếng trống, tiếng chuông, giọng quyển, giọng đàn, hòa hợp với điệu hát câu hò, múa lân, múa phượng, giữa một rừng người trẻ, già, trai, gái với những bộ y phục đủ màu rực rỡ. Tất cả ai nấy đều thành tâm niệm tưởng và chú tâm vào việc lễ bái Tổ Tiên, tạo thành một bản nhạc hòa tấu hợp đồng, đoàn kết, thương yêu trong tinh thần hòa, thân, ái, kính của toàn thể con cháu Lạc Hồng. Đó chính là một lễ phẩm cao quí thiêng liêng nhất để kính dâng Tiên Tổ.
Và để tìm hiểu sâu xa hơn nữa về truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam qua các công trình khai quật đồ đồng, đồ cổ "Văn hóa Đông Sơn và Phùng Nguyên" đã cho chúng ta biết về quá trình sinh hoạt của dân tộc Việt Nam với những nét đặc thù sáng tạo và bao kỳ công, vĩ tích còn lưu lại, thể hiện tinh thần hợp tác cộng đồng nêu rõ nguyên lý sinh tồn "chết đi là sự tiếp nối và phát triển cuộc sống sau này" thật là siêu việt (l).
Rõ ràng và đầy đủ hơn cả là qua các văn chương đối liễn. Đây chính là một thể loại văn chương trác tuyệt, có qui luật phân minh nói lên tình cảm và ý chí con người phát huy truyền thống luân lý đạo đức của nền văn hóa Việt Nam với những tinh hoa dân tộc và những sáng tạo trong văn chương hướng về lý tưởng thiêng liêng siêu việt của nòi giống Tiên Rồng - Loại văn chương này còn lưu truyền khắp nơi nơi từ những lăng miếu, đền đài, cung quán ở các cố đô Thăng Long và Thuận Hóa (Huế) và trong các miếu vũ đền thờ các vị anh hùng dân tộc, những vị danh tướng, trung thần, nhân nhơn, chí sĩ đã từng hy sinh trong công cuộc cứu quốc giúp dân từ Bắc chí Nam, cả đến những ngôi chùa cổ kính thanh tịnh, trang nghiêm, những nhà thờ họ đường hoàng hay trong những mái nhà tranh êm đềm lặng lẽ, ẩn nấp trong lũy tre xanh nơi nông thôn hẻo lánh. Tất cả còn ghi lại biết bao nhiêu những câu đối liễn phản ảnh đầy đủ tinh thần văn hóa Dân Tộc Việt Nam.
Trong văn chương này nói lên lòng nhiệt thành của người dân yêu nước, đoàn kết thân thương, cần cù, nhẫn nại, tận trung, tận hiếu, chí nghĩa chí nhân, kiên cường bất khuất, anh dũng phi thường, sẵn sàng hy sinh tuyệt đối để quyết chiến và quyết thắng vinh quang đối với mọi kẻ thù chung xâm lược, bất cứ từ đâu đến, nhưng luôn luôn hòa hiếu nghĩa tình, với tấm lòng bác ái, từ bi, vị tha cao đẹp, nhằm bảo vệ nền độc lập, tự chủ hòa bình cho Tổ Quốc, đem lại hạnh phúc thanh bình vĩnh cửu cho toàn thể quốc dân.
Ai đã từng chiêm ngưỡng đền thờ đức Thánh Gióng (Phù Đổng Thiên Vương) với hai câu đối nêu trước cửa đền mà lại không thấy tự hào hãnh diện cho dân tộc Việt Nam - Một dân tộc Thần Thánh, anh hùng đã sản sinh những con người phi thường, xuất chúng để chu toàn nhân đạo, trung, hiếu, nghĩa, nhân, và sau khi hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng giúp dân, cứu nước để tìm về lĩnh vực siêu nhiên vô cùng tận, tối cao và vĩnh cữu, vượt cả thế giới tinh thần, vật chất trong cõi trần gian ảo ảnh và vô thường.
"Phá tặc đản hiềm tam tuế vãn,
Đằng vân du hận cửu thiên đê".
Nghĩa là:
Dẹp tan giặc, hận ba tuổi đời đã muộn,
Lướt trên mây, tiếc chín tầng trời không cao.
Hai câu đối trang nghiêm nêu ở chánh điện Quốc Tổ Hùng Vương tại huyện Lâm Thao, Tỉnh Phú Thọ đã nói lên tinh thần yêu nước, nhớ ơn Tiên Tổ của toàn thể quốc dân Việt Nam, và ngày giỗ Tổ cũng là dịp để nhắc nhở cho toàn thể đồng bào cả nước đều xem nhau như anh em ruột trong một nhà, thương yêu nhau, đoàn kết nhau, giúp đỡ lẫn nhau để cùng nhau bảo vệ non sông Tổ Quốc.
"Nước biếc, non cao tưởng giống Rồng Tiên còn thoáng bóng.
Khói hương ngào ngạt, động lòng sơn hải biết thương nhau".
Và trước đền thờ hai Bà Trưng tại miếu Đồng Nhân có hai câu đối để toàn dân ta tỏ lòng tưởng nhớ công đức của hai Bà, và mãi đến ngày nay dân tộc ta và nhất là phụ nữ Việt Nam hãnh diện là con cháu nữ anh hùng Trưng Trắc và Trưng Nhị; người đầu tiên đã đánh đuổi quân thù ra khỏi nước để xây dựng nền tự chủ cho Tổ Quốc và quê hương.
"Hai vi nữ anh hùng, nước cũ gây nên nền nhất thống.
Ngàn thu Nam quốc sử, dấu thơm còn mãi miếu Đồng Nhân".
Và hai câu đối nêu trước đền thờ đức Trần Hưng Đạo tại núi Dược Sơn đã nói lên công đức và uy danh to tác của Ngài - là một danh tướng anh hùng kết tinh mọi truyền thống anh hùng dân tộc Việt Nam. Ngài đã ba lần cầm quân chiến thắng quân Nguyên, đuổi giặc Mông Cổ ra khỏi nước, với những chiến công vô cùng oanh liệt, kể từ thời lập quốc cho đến nhà Trần và cũng là vinh dự chung cho dân tộc ta từ xưa đến nay.
"Một trận sông Đằng, sóng gió đã tan hồn nghịch tặc.
Nghìn thu non Dược, khói bay còn tụ khí anh hùng".
Trên đây chỉ nêu lên vài câu đối điển hình, chứ thực ra nước ta từ thời lập quốc đến nay gần năm ngàn năm, biết bao nhiêu anh hùng liệt sĩ, chí sĩ, đã từng tận trung tận hiếu, quyết tâm chiến đấu và hy sinh anh dũng vì đại nghĩa, đại nhân trong công cuộc giúp dân cứu nước mà lịch sử và văn chương đối liễn đã từng ghi lại những tấm gương anh dũng phi thường, kiên cường bất khuất của những vị anh hùng dân tộc.
Và nhất là trong thời Pháp thuộc và gần đây, văn chương đối liễn càng trác tuyệt hào hùng, phản ảnh tinh thần trung kiên ái quốc của các nhà chí sĩ cách mạng Việt Nam đã từng tích cực đấu tranh và hy sinh tuyệt đối trong công cuộc cách mạng cứu nước để lật đổ chế độ bạo tàn của thực dân Pháp, giải phóng giống nòi thoát vòng nô lệ, nhưng văn chương đối liễn cũng nghiêm khắc lên án, khinh bỉ mỉa mai những hạng gian thần, tặc tử, lợi dụng quyền thế để phản nước hại dân, tàn sát đồng bào, ngoan ngoãn làm tay sai cho giặc để mưu đồ tư lợi như Trần Bá Lộc, Đỗ Hữu Phương, Nguyễn Thân, Hoàng Cao Khải, Trương Quang Ngọc, mà lịch sứ còn minh chứng.
Sớ dĩ chúng tôi cố gắng tìm hiểu tinh thần truyền thống văn hóa Việt Nam trong văn chương đối liễn, bằng cách góp nhặt một phần những câu đối liễn còn truyền tụng trong dân gian, hay được ghi rõ trong sử sách, nhằm tìm hiểu giá trị con người sống trong vũ trụ và giang sơn nước Việt theo qui luật "nhân tử lưu danh" sống chết là nghĩa lớn để gọi là nhặt chút hương thơm trong muôn thuở, đúng với ý nghĩa tinh hoa của dân tộc Việt:
"Thiên thu cần tảo thượng lưu phương".
Chúng tôi thiết nghĩ, qua việc tìm hiểu và biên chép trên đây chỉ là việc làm mộc mạc "người quê dâng nắng", chắc không tránh khỏi những thiếu sót; ước mong các bậc học vấn uyên thâm, các nhà đạo đức mô phạm vui lòng lượng tình và thông cảm.
Chú thích:
(1) Trong công trình khai quật đồ đồng, đồ cổ trong văn hóa Đông Sơn và Phùng Nguyên, người ta còn ghi lại, đã bắt được một cái thạp đồng có nắp đậy. Bên ngoài cổ vật này có chạm hình ảnh hai người đàn ông và đàn bà chết đang hỏa thiêu, ngọn lửa đỏ bốc lên ngùn ngụt thì bên trong cái thạp ấy, bốn đôi trai gái đang hăng hái lõa thân giao hợp. Người ngoại quốc khi đến xem cổ vật này đều lấy làm ngạc nhiên và khen ngợi văn hóa Việt Nam rất đặc biệt, xem sống chết đều là nghĩa lớn. Chết là để tiếp nối và phát triển cuộc sống sau này. Thật là siêu việt.
(2) Trước Khuê Văn Các tại cố đô Thăng Long có ghi lại hai câu liễn sau này:
- Doanh hoàn Trung giáo, tự Ngô đạo tối tiên, Vạn vũ châu xa đồng khởi kỉnh.
- Toàn cảnh nội văn, từ thủ địa vi thủ, thiên thu cần tảo thượng lưu phương.
Nghĩa là:
Nền Trung giáo trong hoàn vũ từ Ngô đạo đầu tiên, muôn cõi thuyền xe đến đây đều khởi lòng cung kính.
Nội văn toàn cả nước ngôi thờ nơi đây trước nhất, nghìn thu cần tảo vẫn còn thơm.
Bởi lẽ văn hóa là thành quả của trí thức giúp cho con người tìm hiểu vũ trụ và chính mình, và văn hóa là hoạt động tinh thần nhằm mục đích tìm hiểu vũ trụ và con người và lý do cùng vị trí con người trong vũ trụ.
(La culture est le résulta de la connaissance qui aide l'homme à approfondir l'univers et soi mêmes, et la culture est une activité spirituelle visant à comprendre l'univers, l'homme sa raison d'être et sa place dans l'univers) (S.T. Delos).
Bởi thế chúng ta là người Việt Nam may mắn được tiếp xúc với văn hóa văn minh ngoại quốc, chúng ta hãy để lòng dành thì giờ cần thiết vào việc tìm tòi thu thập cái hay cái đẹp để trở về với chính mình và ước mong toàn thể đồng bào trong và ngoài nước cùng nhau thông cảm và hợp lực đồng tâm để xây dựng và phát huy giá trị siêu việt về truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam - một nền văn hóa chân chính, minh triết tổng hợp kim cổ, Đông Tây trên nền tảng đạo đức nhân bản tâm linh, đã phụng sự Tổ quốc, phục vụ đồng bào và chu toàn nhân đạo: hiếu trung nhân nghĩa, với lòng bác ái từ bi, vị tha cao đẹp hầu xứng đáng con người sống trong vũ trụ như nhà cách mạng kiêm triết gia Trần Cao Vân đã nói:
"Tiên tắc danh, long tắc linh,
Thử nhân thử địa kết thành do tâm".
Và:
Ta cùng Trời Đất ba ngôi sánh,
Trời Đất in ta một chữ đồng
Sống kỳ hạn biết thì vô hạn,
Người trở nên Tiên, Phật, Thánh - Tông
Xin chân thành cảm ơn liệt quí vị, và toàn thể quí độc giả xa gần thân mến...
Minh Chánh học sĩ TRẦN CÔNG ĐỊNH cẩn bút.
- Truyền Thống Văn Hóa Dân Tộc Việt Nam Trong Văn Chương Đối Liễn Trần Công Định Tiểu luận
• Văn Học Hải Ngoại: Giữ Gìn Bản Sắc Và Sức Sống Trong Thời Đại Mới (Uyên Nguyên Trần Triết)
• “Duy Tuệ Thị Nghiệp”: Từ Trí Tuệ Phật Giáo Đến Sự Phát Triển Nền Giáo Dục Nhân Bản (Vạn Đức)
• Mỹ học của hư vỡ: Kintsugi, lấy vàng nối gốm (Nguyên Giác)
• Lịch Sử Đạo Hồi (PHS News)
• Giáo Dục Quốc Gia (1945 - 1975) (Trần Bích San)
• Văn chương đương đại tiếp nhận gì từ văn học miền Nam (Inrasara)
• Năm Dần Nói Chuyện Cọp (Thái Văn Kiểm)
• Mùa Xuân Nói Về Chữ Tết (Nguyễn Thiếu Dũng)
• “Vân Đài Loại Ngữ" Bộ Sách Bách Khoa Toàn Thư Đầu Tiên Của Việt Nam
(Nguyễn Huy Côn)
• Văn Chương Có Biên Giới Không? (Nguyễn Vy Khanh)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |