1. Head_

    Vũ Quốc Thúc

    (5.8.1920 - 22.11.2021)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Những Dòng Nghệ Thuật (Thạch Trung Giả) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      24-2-2015 | TIỂU LUẬN

      Những Dòng Nghệ Thuật

       THẠCH TRUNG GIẢ
      Share File.php Share File
          

       

      Văn chương cổ kìm trên thế giới có thể chia ra làm bốn loại:

      - Tả thực

      - Ấn Tượng

      - Tượng Trưng

      - Thần Bí.

      Chúng ta hãy lần lượt phân tích tính chất của từng loại. Có ý thức về những loại văn thì chúng ta mới có thể rèn luyện kỹ thuật một cách vững vàng bởi dầu muốn dầu không nhiều khi cầm bút, chúng ta không thể tránh khỏi một trong bốn loại đó.


      I.-


        Bìa cuốn tập-đại-thành Văn Học và hình tác giả Thạch Trung Giả trên bìa sách - Viên Linh cung cấp. (nguồn: nguoi-viet.com)

      Tiếng tả thực mới xuất hiện tại Âu Châu từ thế kỷ thứ XIX nhưng nghệ thuật đã có từ lâu rồi. Tuy vậy trước khi xuất hiện danh từ thì nghệ thuật tả thực lẫn với các nghệ thuật khác. Chỉ từ khi xuất hiện danh từ thì nghệ thuật tả thực mới được hệ thống hóa với tất cả những cái hay, những cái dở của nó. Dầu sao một biên thùy tuyệt đối cũng vẫn không thế nào có giữa nghệ thuật tả thực với các nghệ thuật khác hay giữa các nghệ thuật khác với nhau. Trong tác phẩm của những nghệ sĩ tả thực như Gustave Flaubert, Guy de Maupassant v.v... vẫn bao hàm tinh chất ấn tượng cũng như trong các tác phẩm của những nhà văn lãng mạn như Chateaubriand vẫn có nhiễm tính chất tả thực.


      Nghệ thuật tả thực xuất hiện bên Tây Phương để phản ứng với những tệ đoan của văn phái lãng mạn. Có rất nhiều nhà văn lãng mạn viết văn sáo, không chịu quan sát ngoại giới mả cũng chẳng thành thật tìm hiểu nội giới của mình. Họ xây những lâu đài ảo tưởng, khiến văn chương chỉ cỏn là một trò chơi của bọn no cơm ấm cật.


      Những nhà văn tả thực đã xuất hiện lôi kéo người ta trở về với thực tại và nhất là trở về với thực trạng xã hội. Họ đã phá vỡ cái khuôn khổ hẹp hòi của sự cảm xúc và thẩm mỹ.


      Những nhà văn lãng mạn kém cỏi đều quan niệm chỉ những cảnh mộng thơ như trăng, như liễu, như biển, như hồ, như núi, như rừng, cũng như ái tình của những tâm hồn đài các mới là đẹp. Những nhà văn tả thục chủ trương rằng mục đích của văn chương không phải để thỏa mãn cho cái thị hiếu hưởng thụ tài tử mà trái lại để phơi bày cái thực trạng xã hội: tố cáo những tội ác, vạch nỗi đau khổ của những con người xấu số. Và như thế, nếu cái ĐẸP còn có, ít nhất nó cũng phải được quan niệm bằng cách đó.


      Bởi thế cho nên, trong tác phẩm của những nhà văn tả thực, ta thấy những cái nhà tồi tàn, những con người rách rưới chui rúc ngoại ô, những tiếng khóc, đói, những tiếng chửi. Và dĩ nhiên là từ cực đoan này người ta đến cực đoan nọ, từ cái trò giả tạo hào nhoáng của bọn văn sĩ lãng mạn nửa mùa, người ta đi đến sự thô tục vô nghĩa. Đến đây chúng ta cũng nên nhận xét vài điểm của kỹ thuật tả thực.


      Những nhà văn tả thực đều viết với một lập trường, mà đã nói lập trường, tức là nói chủ quan, nói tình cảm: một Guy de Maupassant, một Vũ Trọng Phụng, một Nguyên Hồng đều mang sẵn cái hằn học trước khi viết, và trong khi viết đã kín đáo diễn cái hằn học đó ra. Nhưng tương đối mà xét thì nghệ thuật tả thực vẫn nhiều khách quan tính hơn nghệ thuật lãng mạn. Nghệ sĩ giấu mìng đi, chỉ muốn làm hay chỉ muốn cho người ta có cảm tưởng là tấm gương trung thành, vô tình của thực tại. Bởi thế cho nên, những nhà văn tả thực rất chú trọng đến những cảm giác gây ra bởi cảnh tượng bên ngoài. Quan sát, quan sát, chỉ có quan sát mà thôi. Những màu sắc, những mùi vị, những thanh âm, nhũng hành vi, những lời nói được chụp lại. Nhà văn tả thực rất ít khi chịu diễn những tình cảm, những xúc động gây ra cho mình bởi ngoại cảnh vì sợ như thế là mất khách quan tính.


      Ad-22 Ad-22

      II.-

      Những nghệ sĩ ấn tượng cũng lấy cái thực lâm tiêu chuẩn, nhưng họ khác những nhà văn tả thực ở cách quan niệm cái thực đó. Hoặc nói ra, hoặc không nói ra, nhưng họ đều quan niệm như thế nào?


      Một đối tượng kích thích tâm hồn ta đă gây ra những tiếng dội sâu xa. Những tiếng dội đó, những ấn tượng đó chính là phần tinh túy của đối tượng. Nghệ sĩ phải nắm lấy cái hồn của sự vật, cái bề sâu của sự vật chứ không phải cái vỏ của sự vật mà muốn nắm lấy cái hồn, cái bề sâu, ta phải dõi theo những ấn tượng gây ra bởi sự vật. Mà như thế cái hình ảnh của sự vật diễn ra sau khi ta đã lắng sâu, đã cảm thông, cái hình ảnh đó nhất định không hoàn toàn đúng như cái hình ảnh chợt nhận thấy ở bề ngoài. Bởi thế cho nên những tác phẩm thuộc loại ấn tượng không đi sát với cái sự thực mà những nhà văn tả thực quan niệm. Một bức tranh vẽ con sóng giồ lện như đớp lấy vầng trăng cuối tháng đỏ lừ lừ của một nhà họa sĩ Tàu với một bức ảnh chụp cũng con sóng đó, cũng vầng trăng đó nhưng không gợi hình ảnh con rồng đớp ngọc. Hai tác phẩm đó có thể biểu thị cho nghệ thuật tả thực và nghệ thuật ấn tượng.


      Cùng nghe một tiếng thông reo, một người cảm thấy rằng thông reo vi vút, một người lắng sâu vào cảm thấy như bốc lên một nỗí đìu hiu từ muôn đời; một đàng đứng ngoài sự vật, dừng ở phạm vi của cảm giác, một đàng vượt qua để bước sang phạm vi của tình cảm. Thạch Lam đã ví những nhà văn tả thực cầm cái lồng trơ, còn cái thực thì như con chim bay đi mất rồi.


      Người ta đến nghệ thuật ấn tượng mỗi khi lòng mình lắng lại để cảm thông với cái mật ẩn của sự vật hoặc nhìn thấy trên sự vật cái phản quang của những tâm trạng của chính mình. Một trong những đoạn văn có thể chứng minh điều đó là đoạn tả Kiều đi Thanh Minh. Buổi sáng lúc rộn rịp thì Kiều thấy:


      Cỏ non xanh rợn chân trời,

      Cành lê trắng điểm một vài bông hoa...

      Ngổn ngang gò đống kéo lên,

      Thoi vàng hồ rắc, tro tiền giấy bay.


      Đến buổi chiều chỉ có ba chị em đi trên con đường vắng, bên khe nước thì nàng Kiều thấy:


      Nao nao dòng nước uốn quanh,

      Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.

      Sè sè nấm đất bên đường,

      Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh.


      Buổi sáng thì cảnh cũng ấn tượng nhưng buổi chiều chuyển sang ấn tượng rõ rệt. Lý do? Bởi buổi sáng, nàng Kiều bị cuốn hút trong đám đông, buổi chiều đường vắng, lòng tỉnh lại là lúc cúi xuống mình cũng là lúc cảm thông vớl sự vật.


      Đến "Nao nao dòng nước" với "Dàu dàu ngọn cỏ" thì cảnh đượm tình người hay là cảnh lộ nguyên hình, nói ra cái phần thầm kín của nó.


      Nghe một tiếng tiêu, người thường chỉ bảo là véo von hay buồn vui là cùng, nhưng với một người như Cung Khanh thì ông ta cảm thấy:

      Tiếng than của hồn đất...


      "... Nghe mình như say, trong người có một thứ bồn chồn kỳ dị. Cảnh tĩnh mịch thê lương, nhưng giữa cảnh lại nghe một khúc nhạc. Tự khúc nhạc ấy không thấy làm cho vui, không thấy làm cho buồn, chỉ nghe một cảm giác rờn rợn mênh mông, bao quát cả cái buồn vui của trời đất... Tưởng chừng đã lạc vào một cõi huyền diệu u minh nào mà trí não không đủ sáng suốt để tìm ra đường đi ngõ bước."


      Nghĩa là Cung Khanh đã nương theo sự dìu dắt của tiếng sáo mà vào một thế giới siêu hình: từ cảm giác đến tình cảm, từ tình cảm đến tư tưởng, hay đúng hơn đến tâm linh.


      Ad-22 Ad-22

      III.-

      Nghệ thuật tượng trưng đã đến với Tây Phương ở cuối thế kỷ thứ XIX. Edgar Poe, Baudelaire, Rimbaưd là những người tiêu biểu. Nghệ thuật tượng trưng đến vào lúc mà duy lý chủ nghĩa của Tây Phương bị phá sản, những người tiền khu của Bergson đã xuất hiện, Ấn Độ Giáo sắp được gieo rắc. Mặc dầu Tây Phương đã có tôn giáo từ mấy ngàn năm nhưng chưa có thần bí chủ nghĩa. Đây hay đó trong lịch sử thỉnh thoảng mới xuất hiện một vài nhà thần bí hiếm hoi. Tượng trưng chủ nghĩa đến giữa lúc mà nhân sinh vũ trụ quan của Tây Phương đã bị lay đến tận gốc rễ, con người Tây Phương ngơ ngác không biết hướng về đâu trong cái buổi hoàng hôn của chư thần. Trên cái hoang tàn mênh mông đó người ta chỉ có thể chọn một trong hai thái độ là duy vật cực đoan hay thần bí. Nhưng duy vật người ta đã tìm thấy rồi vì nó giản dị, còn thần bí thì người ta sờ soạng cho đến bây giờ.


      Tượng trưng chủ nghĩa hay đúng hơn, thái độ tượng trưng là phản ảnh của tấn đại bi kịch diễn cái trò tranh tối tranh sáng của chân lý, của đạo lý, của nghệ thuật. Chỉ cái đời sống, cái tâm hồn của những thi sĩ tượng trưng cũng đã nói rất nhiều. Edgar Poẽ, Baudelaire, Rimbaud sống một cuộc đời oằn oại, đau khổ, vừa trụy lạc, vừa anh dũng, vừa tuyệt vọng, vừa tin tưởng một ánh lửa le lói tận chân trời.


      Rimbaud, một thiên tài một thần đồng vào làng thơ rất sớm và cũng ra rất nhanh như một xẹt lửa thiên tượng. Bởi Rimbaud đã cảm thấy mãnh liệt sâu sắc rằng mình chỉ là một giai đoạn trên quá trình tiến hóa của nghệ thuật, của tư tưởng. Sau khi đã sục sạo vào những ngõ ngách bí hiểm của cảm giác, Rímbaud đi đến ngõ cụt. Không biết rằng mình phải đi đâu trong khi vẫn linh cảm thấy một chân lý xa vời, chàng đã bỏ thơ, bỏ xứ sở để chết trong một cuộc phiêu lưu vô định.


      Tượng trưng chủ nghĩa là thời kỳ quá độ giữa duy lý và thần bí, vậy chúng ta cũng nên nhận đinh cái tính chất cảm xúc cũng như một vài điểm của kỹ thuật.


      1.- Thi sĩ tượng trưng cảm thấy lẽ tương ứng của sự vật. Hoàn vũ đối với họ cũng như đối với những khắc kỷ gia là một sinh vật khổng lồ, mỗi vật chỉ là một tế bào, đụng vào một là đụng vào tất cả - một giọt rượu nho thấm đỏ cả đại dương.


      2.- Từ cái lẽ tương ứng, ngược ta đi đến cái lẽ vạn vật đồng nhất thể. Cái thể đó không phải là vật chất, nhưng cũng chưa hoàn toàn là tinh thần, nó chỉ là một cái gì gần như tinh thần. Bởi thế cho nên, trong thi ca tượng trưng có sự nhân cách hóa, linh cách hoá. Nó không phải là một mánh khóe của tu từ học, một lối nói bóng bẩy, một lối ví von mà chính thi sĩ tượng trưng đã thành thực cảm thấy như vậy. Nhưng đến đây, chúng ta cũng phải nhận thấy rằng điều đó hãy còn là một linh cảm, chứ chưa thành một hệ thống tư tưởng và sinh hoạt.


      3.- Cũng cái linh cảm đã khiến cho họ thấy lẽ đồng nhất của sự vật, họ thấy hoán đảo tính của những cảm giác. Thi sĩ tượng trưng nghe thấy tiếng trăng reo, nhìn thấy những màu sắc của thanh âm. Cái linh cảm này đã được khoa học xác nhận. Người ta thử cho chạy một luồng điện vào nhũng giác quan. Cũng luồng điện đó mà mắt thì thấy một làn chớp, tai nghe một tiếng sét, lưỡi nếm một vị, mũi ngửi thấy một mùi, toàn thân tê lên một cái giật. Thí nghiệm đó đã chứng minh rằng cái mà người ta gọi là thanh âm với cái mà người ta gọi là hình sắc chỉ là một năng lực kích thích vào hai giác quan.


      Những bài tiêu biểu.

      NGUYỆT CẦM


      Trăng nhập vào đây cung nguyệt lạnh,

      Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần!

      Đàn buồn, đàn lặng, ôi đàn chậm,

      Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân.


      Mây vắng, trời trong, đêm thủy tinh,

      Linh lung bóng sáng bỗng rung mình.

      Vì nghe nương tử trong câu hát

      Đã chết đêm rằm theo nước xanh.


      Thu lạnh càng thêm nguyệt tỏ ngời,

      Đàn ghê như nước lạnh, trời ơi!

      Long lanh tiếng sỏi vang vang hận:

      Trăng nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người...


      Bốn bề ánh nhạc: biển pha lê;

      Chiếc đảo hồn tôi rợn bốn bề...

      Sương bạc làm thinh khuya nín thở,

      Nghe sầu âm nhạc tới sao Khuê.

      Xuân Diệu


      CÔ LIÊU


      Gió lùa ánh sáng vô trong bãi,

      Trăng ngập đầy sông chảy láng lai.

      Buồm trắng phất phơ như cuống lá,

      Lòng tôi bát ngát rộng bằng hai.


      Tôi ngồi dưới bến đợi nường Mơ,

      Tiếng rú ban đêm rạn bóng mờ,

      Tiếng rú hồn tôi xô vỡ sóng,

      Rung tầng không khí, bạt vi lô.


      Ai đi lẳng lặng trên làn nước,

      Với lại ai ngồi khít cạnh tôi?

      Mà sao ngậm cứng thơ đầy miệng,


      Không nói không rằng nín cả hơi!

      Chao ôi! ghê quá trong tư tưởng,

      Một vũng cô liêu cũ vạn đời!

      Hàn Mặc Tử

      Bài Correspondances nói về lẽ vạn vật tương ứng của Baudelaire có thể coi là tuyên ngôn của thi phái tượng trưng. Còn bài Nguyệt CầmCô Liêu có thể coi là hai áp dụng của thi sĩ Việt.


      Ad-22 Ad-22

      IV.-

      Nghệ thuật thần bí là cái mà Tây Phương đang muốn vươn tới. Nhưng nó không phải là một điều mới mẻ trong lịch sử nhân loại. Nó đã có từ bốn ngàn năm với thi ca Vệ Đà của Ấn Độ, nó đã có hơn hai ngàn năm với những bộ kinh điển của một vài tông trong Do Thái Giáo, nó cũng đã từng có ở Tây Phương với sách vở của Plotin, Maitre Eckart, Saint Jean de la Croix, nó đã có ở Việt Nam với thi ca Lý Trần. Nhưng luồng thần linh đó đã chìm lặng khá lâu ở Tây phương và đất Việt.


      Ta có thể nói tượng trưng chủ nghĩa là tiếng sấm báo sinh thần bí chủ nghĩa, một đàng ví như tiếng ấp úng của đứa trẻ con mới tập nói, một đàng ví như lời rõ ràng của người đã trưởng thành.


      Không còn mập mờ gì nữa:


      Cái lý vạn vật đồng nhất thể được nhấn mạnh, được trọn vẹn nghĩa là vạn vật chỉ có một linh hồn, một đại hồn, cái mà người ta gọi là Đạo, là Chân Như, là Thượng Đế. Nó không còn là một linh cảm xa xôi, nó không còn là một giả thuyết như trong thi ca tượng trưng mà nó là một điều hiển nhiên, tuyệt đối. Từ thái độ trong nghệ thuật tượng trưng, nó biến thành một hệ thống tư tưởng và sinh hoạt. Người thần bí không thoáng thấy xa xôi như nghệ sĩ tượng trưng, mà cũng không lý luận như những nhà duy lý: hơn tất cả, họ đã trông thấy Chân Lý, sờ thấy Chân Lý, thực hiện Chân Lý. Bởi thế cho nên đó là những người ngoan cố nhất, dầu hoàn vũ có hủy diệt cũng không thể khiến cho họ thay đổi lập trường bởi họ đã tìm thấy cái thực hơn hoàn vũ, cái ruột của hoàn vũ; họ đã tìm thấy cái Chân Ngã cái Đại Hồn của con người mà cũng của Tất Cả.


      Thần bí chủ nghĩa đảo lộn tất cả mọi nhân sinh, vũ trụ quan thông tục, bởi thế cho nên tác phẩm của họ đã mở ra những thế giới mới mà hình ảnh của sự vật đều biến diện, tuân theo những định luật riêng, khác hẳn với mọi định luật khoa học cũng như triết học. Bởi thế cho nên đem những tiêu chuẩn của nghệ thuật tả thực hay ấn tượng vào đây không thể nào dùng được. Mà cái kỹ thuật của người thần bí dĩ nhiên là khác với mọi kỹ thuật. Từ thể văn, mạch văn đến ngôn ngữ đều có tính cách phá phách đột biến, huyền diệu, lạ lùng. Bởi nhà thơ thần bí nhiều khi sáng tác do thần nhập: viết xong mới biết mình nói gì, chỉ một phút làm xong cả bài thơ mấy chục câu, hoặc ngủ, hoặc thức mà nghe có người văng vẳng đọc những bài thơ làm sẵn tận bên tai. Nó đạp đổ mọi thi pháp, nó thực hiện cái thi pháp siêu thi pháp. Cho nên phép đọc thơ thần bí nên lấy linh giác mà hiểu chứ đừng lý luận cũng như chớ nên đòi hỏi một cái nhịp diễn tiến bình thường.


      Thơ thần bí có một nghĩa, nhưng trước khi tìm thấy nghĩa, mà cả sau khi tìm thấy nghĩa rồi, ta chỉ cần nên dò hỏi tâm linh là có bị chạm sâu xa hay không. Tuy nhiên cũng có những thi sĩ trình bày với ngôn ngữ không kỳ lạ.

      NGÔN HOÀI


      Trạch đắc long xà địa khả cư

      Dã tình chung nhật lạc vô dư.

      Hữu thì trực thượng cô phong đỉnh,

      Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư.

      Không Lộ (Thời Lý)


      Tìm đất thẳm vắng chân người

      Ngày qua tháng lận vui đời am sâu

      Có khi đỉnh núi một đầu

      Hò sâu một tiếng lạnh bầu không hư.

      Vô Danh dịch


      ĐÀN SAO LẠP


      Đàn rơi tiếng trầm

      Sao rớt lưng không

      Sao không còn tăm

      Đàn dư tiếng dội

      Gieo trong lòng đàn

      Sao trên Đại Hoàn

      Đàn trong U Để

      Lạp kia se sẽ

      Hồng rung ngập ngừng

      Phải chăng cầm âm

      Vào trong ánh lạp?

      Vô Danh

      KẾT LUẬN


      Từ Tả Thực đến Ấn Tượng, từ Ấn Tượng đến Tượng Trưng, từ Tượng Trưng đến Thần Bí, Nghệ Thuật càng đi sâu càng vượt lên Thực Tại.


      Đó là cái nỗ lực của tất cả mọi công nghiệp tinh thần của con người - từ triết học đến khoa học qua bao nhiêu thứ bực.


      Từ mấy ngàn xưa, triết gia Ấn Độ cũng như Hy Lạp phân biệt Sự Giới với Lý Giới (Le Réel et l'Intelligible) và cho đến bây giờ một Einstein cũng còn nói hình học càng gần cái Chân càng xa cái Thực, càng xa cái Thực càng gần cái Chân - Einstein không ngờ mình đã cùng một trực giác với những đạo sĩ xé tan tành Hiện Tượng Giới để tiến vào Bản Thể.


      Thạch Trung Giả

      Văn Học Phân Tích Toàn Thư, trang 627
      Lá Bối in lần thứ nhất 1973

      Ad-22 Ad-22


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Vũ Trụ Nhân Sinh Quan Trong Văn Hóa Hiện Đại Thạch Trung Giả Tiểu luận

      - Kỹ Thuật Và Cảm Xúc Trong Văn Chương Thạch Trung Giả Tiểu luận

      - Những Dòng Nghệ Thuật Thạch Trung Giả Tiểu luận

      - Nguồn Gốc, Bản Thể, Công Dụng Của Nghệ Thuật Thạch Trung Giả Tiểu luận

      - Bình Giảng: Đời Đáng Chán và Tống Biệt của Tản Đà Thạch Trung Giả Bình giảng

    3. Tiểu Luận (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)
  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)