|
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Đời xưa có một cây cổ thụ, mọc đã mấy nghìn năm, rễ ăn sâu như xuống tới cùng đất, cành vút cao như chạm tới trời xanh, hút chất sống từ đáy hồn vũ trụ, cảm thông cùng tất cả mọi vì sao. Một ông vua sai người hạ xuống để đẽo thành một cây đàn. Lại sai nhạc sư dạo thử, nhưng đàn không thốt được ra lời. Hết người này đến người khác, mọi tay đàn trong thiên hạ không ai gảy nổi. Về sau có một chàng đến trước sân rồng xin gảy. Lạ thay, cây đàn câm gặp tay chàng thì bật ngay ra được nên lời.
Nhà xuất bản Xuân Thu, CA, in lại
Là âm nhạc hay chính là hoàn vũ đó chăng, vì cây đàn khi lâm ly khi hoan lạc, khi đìu hiu như tiếng kẻ cô đơn, khi xô xát như thiên binh vạn mã, khi ầm ầm như trời đất nổi phong ba. Bao nhiêu âm thanh của vũ trụ mà cây kia thu góp từ mấy trăm đời dưới đất thẳm lên tới trời cao đều sống lại.
Đàn xong, chàng đặt xuống và nói rằng: Họ đã thất bại cả vì họ chỉ ca chính họ, còn tôi tôi để cho cây đàn tự chọn lấy đề. Tôi không biết nhạc sĩ là cây đàn hay cây đàn là nhạc sĩ, tôi nhập đàn, hòa làm một với đàn. Bởi thế cho nên đàn mới chịu trả lời. (1)
Truyện trên đây đã biểu thị ý nghĩa cao siêu của nghệ thuật: người nghệ sĩ không phải là kẻ đã đưa lại những tình cảm mới mẻ cho nhân loại mà chỉ đánh thức những tình cảm tiềm tàng dưới đáy lòng nhân loại.
Những tình cảm tế vi thâm thiết nhất của con người bao giờ cũng chìm khuất trong tiềm thức, người nghệ sĩ phải nhận thấy gỡ ra, làm cho con người bắt gặp hồn mình. Những tình cảm càng sâu thẳm bao nhiêu, giá trị của một tác phẩm càng vĩ đại bấy nhiêu, và nghệ sĩ chân chính là người đã nhân loại hơn nhân loại vì đã ý thức được cái đáy hồn nhân loại. Chúng ta nhờ nghệ sĩ mà trông thấy cái vô hình mà nghe được cái không thốt ra lời.
Bởi thế cho nên nếu thành thực là điều kiện tất yếu của nghệ thuật thi cũng không phải là điều kiện túc mãn của nghệ thuật.
Nói một cách giản dị: người nghệ sĩ phải thành thực, nhưng thành thực chưa đủ, mà còn phải sâu sắc mghĩa là biết khám phá những tâm trạng u uẩn của con người.
Xưa kia nước Việt Nam đã đẻ ra nhiều nghê sĩ chân chính như những nhà sư thi sĩ thời Lý Trần, Ôn Như Hầu, Nguyễn Du và thế kỷ này những người như Nhất Linh, Hàn Mặc Tử, nhưng bây giờ nghệ thuật nói chung, thi ca nói riêng, đã kém trước. Người ta đã lạm dụng những danh từ như Dân Tộc, Đại Chúng, Tình Yêu để làm những bài văn nông cạn. Chúng tôi tự hỏi nếu nghệ thuật thi ca rút lại là những tiếng kêu gào dễ dàng như ta đã thấy ở tác phẩm hiện tại thì nghệ thuật sẽ là thừa. Tôi không phủ nhận cái nghệ thuật lấy Dân Tộc, Đại Chúng, Tình Yêu làm đề tài, nhưng tôi không thừa nhận những tác phẩm hời hợt của những kẻ xu thời, không rung động chân thành và sâu sắc.
Như chúng ta đã biết, cái thước đo giá tri của những tác phẩm nghệ thuật là sự sâu thẳm: một tác phẩm càng đến gần chỗ sâu thẳm của con người bao nhiêu thì càng quí giá bấy nhiêu, vậy chúng ta cũng nên thử tìm hiểu xem cái gì sâu thẳm nhất của con người. Trước khi dò lắng trái tim ta, chúng ta hãy điểm qua những tác phẩm bất tử cổ kim trên thế giới, những tác phẩm đã chịu đựng được sự thử thách của thời gian, đã vượt qua giới hạn của không gian. Thơ Vệ Đà Ấn Độ, Nam Hoa Kinh của Trang Tử, Thi Thiên trong Cựu Ước, Kiều của Nguyễn Du, thơ của Ôn Như Hầu đã chạm đến phần muôn đời của con người. Nhưng chưa đủ, trong những tác phẩm bất tử đó lại có thứ bực. Văn chương Do Thái, thi ca Vệ Đà, Nam Hoa Kinh là những tác phẩm giá trị hơn thi ca của Nguyễn Du, Ôn Như Hầu, có một tác dụng rộng sâu bền bỉ hơn gấp mấy mươi lần.
Tại sao vậy?
Ấy là bởi văn chương Do Thái, thơ Vệ Đà, Nam Hoa Kính đã kết tinh tình cảm vô biên và tư tưởng siêu việt, cái phần thiêng liêng nhất của tinh thần con người.
Còn tác phẩm của Nguyễn Du, Ôn Như Hầu trĩu nặng chất cá nhân, không phơi bày được chân lý, tức là chưa đạt tới chỗ thâm thiết nhất của con người.
Vậy chúng ta có thể rút ra một định luật: Nghệ thuật vĩ đại nhất là nghệ thuật diễn được phần thâm thiết nhất của con người, mà phần thâm thiết nhất của con người là tình cảm vô biên và chân lý siêu việt.
Đến đây chúng ta cũng nên xác định thế nào là chân lý siêu việt. Chân lý siêu việt là cái chân lý mà con người chỉ có thể dùng tâm linh - chứ không phải giác quan - mới hiểu nổi. Thượng Đế của văn chương Do Thái, hay Đại Hồn của thi ca Vệ Đà là chân lý chỉ có thể dùng tâm linh mới hiểu được.
Nguồn gốc, bản thể và công dụng của nghệ thuật chỉ là một. Nghệ thuật phát xuất từ nơi sâu thẳm của con người thì bản thể của nghệ thuật phải là cái phần sâu thẳm của con người và công dụng của nghệ thuật chỉ là việc đánh thức cái phần sâu thẳm đó để mọi người cũng như nghệ sĩ cảm sống được, thực hiện được cái lý do tồn tại của mình.
Nếu nghệ thuật bắt nguồn tự nơi sâu thẳm của tâm hồn, thì cái tham vọng nhất luật hóa nghệ thuật, san phẳng mọi đẳng cấp nghệ thuật, rút tất cả lại thành nghệ thuật đại chúng - tham vọng đó chỉ là một không tưởng bởi nghệ thuật đại chúng không phải là cái ruột của nghệ thuật.
Tôi không phủ nhận nghệ thuật đại chúng, mà tôi cỏn mong nó phát triển để dìu dắt những con người đơn sơ, nhưng tôi không thể nào coi nó là nghệ thuật cứu cánh, loại trừ tất cả mọi nghệ thuật, mà tôi chỉ coi nó là bước đầu trên con đường nghệ thuật.
Đến đây ta hãy bàn đến vấn đề giản dị hóa nghệ thuật. Có những người đã nghĩ là nên khoác cho một nội dung cao sâu một hình thức mà đại chúng cũng hiểu được. Nhưng đó là một việc chưa từng thấy thực hiện mà sẽ không bao giờ thực hiện được. Nếu người ta không thể giản dị hóa cách trình bày những nguyên lý của toán học cao đẳng cho đại chúng hiểu nổi thì người ta lại càng không giản dị hóa được cách diễn tả một cảm xúc cao sâu cho đại chúng hiểu nổi bởi hình thức với nội dung chỉ là một: thay đổi lời thơ là thay đổi tinh thần của thơ rồi.
Mà quan niệm giản dị hóa nằm trên một mâu thuẫn. Bởi thế nào là nội dung nếu không phải những tình cảm, những ý nghĩ, mà nếu có thể hiểu được những tình cảm những ý nghĩ cao sâu thì cũng không cần phải giản dị hóa lời còn nếu không đến trình độ hiểu được những tình cảm ý nghĩ đó thì sao lời lại có thể làm cho hiểu được, bởi lời là gì nếu không phải những dấu hiệu của tình cảm và ý nghĩ.
Đã bàn đến bản thể của nghệ thuật, chúng ta không thể nào không đả động đến vấn để tả thực và lý tưởng.
Một số không phải hiếm những nhà văn Việt Nam chịu ảnh hưởng của một trào lưu văn học Tây Phương mà chủ trương thuyết tả thực.
Dĩ nhiên là nghệ thuật phải vụ thực. Một lâu đài hàng mã dầu đẹp đến đâu cũng không bằng một cái nhà ổ chuột nhưng ở được. Vậy nguyên tắc của họ không sai bởi nó chỉ lặp lại cái nguyên tắc ngàn đời của nghệ thuật. Nhưng sự sai lầm của họ bắt đầu ở chỗ quan niệm sự thực. Sự thực đối với họ chỉ là những sự trạng có thể quan sát bằng giác quan và ở trong phạm vi của đời sống xã hội. Nhưng như chúng ta đã biết, ngoài giác quan có tâm-linh, ngoài đời sống xã hội còn đời sống tâm linh mà những biểu thị là tôn giáo, siêu hình học.
Động cơ của đời sống tâm-linh không giống như động cơ của đời sống xã hội mà những tâm trạng của đời sống tâm linh không cùng tính chất với những tâm trạng của đời sống xã hội và dĩ nhiên là vượt ra ngoài sự quan sát lấy đời sống xã hội làm căn bản. Vậy quan niệm tả thực đã thành được là bởi người ta không nhận thấy những hiện tượng tâm linh ở khắp cả, ở ngaỵ đáy hồn của người phủ nhận nó, những người tả thực. Ngoài ra chúng ta còn chạm đến điểm tế nhị của vấn đề nghệ thuật là tương quan giữa đề tài và cảm xúc.
Một đề tài có thể làm đối tượng cho hai cách cảm xúc nông nổi hay sâu sắc, nhưng tuy vậy giữa đề tài và cách cảm xúc vẫn có một liên hệ uyển chuyển nhưng có thực.
Không phải bất cứ đề tài nào cũng cho phép ta đi đến chỗ đáy cùng của cảm xúc, của đời sống tâm linh. Dầu nghệ sĩ có cảm xúc sâu mạnh đến đâu cũng không thể phát triển hết khả năng của mình nếu không chọn được đề tài thích hợp. Một đề tài ái tình không thể nào cho phép người nghệ sĩ cảm xúc một cách huyền diệu cao cả như một đề tài tôn giáo. Một là đề tài sẽ kìm hãm cảm xúc, hai là cảm xúc vượt ra ngoài khuôn khổ của đề tài và bài thơ tình không còn là một bài thơ tình mà biến thành thơ đạo.
Vậy cường độ của cảm xúc còn bao hàm tính chất của đề tài, và nghệ thuật rút lại chỉ là đạo vì nghệ thuật vươn tới sự sâu thẳm, mà cái sâu thẳm nhất của con người là đạo. Đạo đây theo nghĩa rộng rãi nhất của nó là bao hàm mọi nhân sinh vũ trụ quan, tín ngưỡng siêu việt của con người như Thượng Đế, Đại Hồn, Nát Bàn, Nhân Đạo chứ không giới hạn vào riêng một tôn giáo nào, hay tôn giáo nói chung nữa.
Hãy lắng sâu vào quan niệm nghệ thuật, hãy suy niệm cái hồn nghệ thuật muôn đời, ta sẽ bắt gặp cái luồng thần linh hùng vĩ, cái dòng sống nguyên thủy chuyển trong lòng thời gian, thâm nhập khắp không gian, cái luồng sống thần linh đã có thời hiện lên thành thơ Vệ Đà, thành tranh thuỷ mạc Trung Hoa, thành âm nhạc Đức, nó hiện đương âm thầm vang dội dưới đáy tâm linh của chúng ta chỉ đợi chúng ta dọn mình xong là sẽ trào lên tỏ cái mạch đời đời bất tuyệt. Rồi ta sẽ ngạc nhiên là chính trong ta vẫn từ bao giờ tàng chứa một Vô Cùng.
(1) Truyện mượn của nhà văn hóa Nhật Okakura Kakuzo. Vì đọc lâu và không có cuốn "Trà Thư" là nguyên tác trong tay nên chúng tôi không theo sát từng lời. Trong cuốn Le Rire, Bergson cũng bàn đến vấn đề này, và đồng với nhà văn hóa Nhật ở căn bản, chỉ khác ở đường lối phân tích của Tây Phương (Le Rire, trang 115- 121 in lần 82 - nhà xuất bản Presses Universitaires de France).
- Vũ Trụ Nhân Sinh Quan Trong Văn Hóa Hiện Đại Thạch Trung Giả Tiểu luận
- Kỹ Thuật Và Cảm Xúc Trong Văn Chương Thạch Trung Giả Tiểu luận
- Những Dòng Nghệ Thuật Thạch Trung Giả Tiểu luận
- Nguồn Gốc, Bản Thể, Công Dụng Của Nghệ Thuật Thạch Trung Giả Tiểu luận
- Bình Giảng: Đời Đáng Chán và Tống Biệt của Tản Đà Thạch Trung Giả Bình giảng