|
Dương Kiền(28.12.1939 - 17.11.2015) | Khái Hưng(.0.1896 - 17.11.1947) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Ðêm khuya dong thuyền trên sông Hương, du khách chợt nghe vọng lại bài ca Nam Bình trìu mến, du dương giữa cung đàn nhịp phách nhắc nhở câu chuyện thương tâm của nàng công chúa thời Trần vì nước mà số phận phải long đong. Lòng du khách chùng xuống, bồi hồi nhớ lại công lao của nàng công chúa đáng thương xưa kia đã hy sinh hạnh phúc đời mình để đánh đổi dải đất gấm vóc cho tổ quốc mà du khách hiện đang vui chơi. Du khách càng động mối thương tâm, đồng cảm với những cảnh đời oan trái, những số kiếp "hồng nhan đa truân"!
Tác giả bài ca đã dùng lối văn tự sự tả nỗi lòng bi đát của công chúa Huyền Trân rất là tế nhị:
Nước non ngàn dặm ra đi, mối tình chi.
Mượn màu son phấn, đền nợ Ô-Ly,
Ðắng cay vì, đương độ xuân thì
Số lao đao hay là nợ duyên gì?
Má hồng da tuyết, quyết liều như hoa tàn trăng khuyết,
Vàng lộn với chì,
Khúc ly tao cớ sao mà mường tượng Nghê Thường!
Thấy chim hồng nhạn bay đi, tình tha thiết.
Bóng dương hoa quỳ
Nhắn một lời Mân quân, nay chuyện mà như nguyện,
Ðặng vài phân, vì lợi cho dân,
Tình đem lại mà cân.
Ðắng cay trăm phần ... (1).
Lật lại những trang sử cũ đời Trần, đó là giai đoạn Chiêm Thành hòa thuận với Ðại Việt khi cả hai đều chống Mông Cổ. Năm 1282 vua nhà Nguyên là Hốt Tất Liệt sai tướng Toa Ðô cầm thủy quân xuống đánh Chiêm Thành, vào Thị Nại, chiếm kinh đô Ðồ Bàn. Người Chiêm cầu cứu Ðại Việt. Vua trần Nhân Tông (trị vì 1279-1293) gởi hai vạn quân và 500 chiến thuyền sang giúp.
Sau khi hòa bình tái lập, Chiêm Thành nhớ ơn và cử sứ sang triều cống nước ta năm 1301, lúc vua Trần Anh Tông đang trị vì (1293-1314). Thể theo lời mời của vua Chiêm, Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông theo phái đoàn Chiêm trở về, sang Chiêm Thành vừa để đáp lễ, vừa để ngoạn cảnh. Vua Chiêm (Chế Mân) hậu đãi thượng hoàng rất đặc biệt. Trong dịp này thượng hoàng đã hứa gả công chúa Huyền Trân (em ruột vua Trần Anh Tông) cho Chế Mân; mặc dù lúc đó Chế Mân đã có vợ chính thất là công chúa xứ Java tên Tapani.
Ít lâu sau, Chế Mân cho người đưa vàng bạc và các sản vật sang cống và xin cưới nhưng Triều thần có nhiều người không thuận. Chế Mân lại xin dâng châu Ô và châu Ri (Lý) để làm lễ cưới, bấy giờ vua Anh Tông mới quyết ý thuận gả. Ðến tháng 6 năm 1306 cho công chúa về Chiêm Thành. Sang năm sau (1307) vua Anh Tông thu nhận hai châu, đổi tên là Thuận châu và Hóa châu* (2). Huyền Trân về Chiêm Thành thì dân hai châu Hoan, Ái (Thanh Hóa, Nghệ An) rầm rộ kéo nhau vào tiếp nhận Thuận Hóa.
Do nguồn cảm hứng về câu chuyện này, các văn nhân đã dụng công sáng tác một tập thơ đường luật thất ngôn (tác giả: vô danh) gồm 39 bài bát cú và 10 bài tứ tuyệt mượn đề tài là truyện nàng Vương Tường (Vương Chiêu Quân) đi cống Hồ đời Hán bên Tàu để tỏ ý thiện cảm với công chúa Huyền Trân phải "nước non ngàn dặm ra đi" và châm biếm, chê trách triều thần nhà Trần đã gây nên câu chuyện não nùng chua xót đó! Ðó là một áng thơ hay, có giá trị văn học từ thời nhà Trần còn để lại song song với truyện Trinh Thử và Nghĩa Sĩ Truyện.
Bài 14.- Vua dụ bảo Vương Tường lấy Hồ:
Hán Hồ số muốn vẹn trăm đường,
Há trẫm thiên tư có phụ nường.
Bắc quốc tuy rằng ngoài dị vực,
Vương đình song cũng một biên phương.
Ở đây hạnh thắm nên mai lạt,
Về đấy sen tàn trỗi cỏ hương.
Non nước quản chi xa dặc ấy,
Trỏ ngày y cẩm sẽ hoàn hương. (3)
cũng có thể là chính của vua Trần khuyên giải, an ủi Huyền Trân trong lúc nàng hoang mang.
Bài 25.- Vương Tường rời cung:
Từ giã xưa sau chửa hết lời,
Thềm hoa nường đã rén chân dời.
Mây tràn cung quế ba canh nguyệt,
Gió thốc cờ mao mấy dặm trời.
Lãng uyển xuân tàn tin én dứt,
Hành dương non thẳm chiếc nhàn khơi.
Ngân hà cách trở còn phen họp,
Hồ Hán đôi phương biết mấy đời. (3)
Bài thơ tả cảnh buồn trong cung Hán và nỗi lòng của người đi ngàn dặm cũng là để lột tả nỗi lòng của công chúa Huyền Trân. Bài này cụ Hoàng Xuân Hãn cho rằng: "Lời thơ tự nhiên, cực kỳ trang nhã, tương đối dùng ít điển, cách kết cấu có thứ tự, đối chỉnh. Ðoạn tả chiếc nhạn lẻ xa khơi vượt dãy Hành Dương là những nét chấm phá khêu gợi, linh động vô cùng." (3)
Về Chiêm Thành non một năm, Huyền Trân sinh được một trai thì Chế Mân chết. Theo tục Chiêm Thành, khi vua chết, các hậu phải hỏa thiêu chết theo. Vua Anh Tông được tin ấy, sợ công chúa bị hại, sai Trần Khắc Chung mượn cớ là sang viếng tang và nói với người Chiêm:
"Nếu công chúa hỏa táng thì việc làm chay không có người chủ trương, chi bằng ra bờ biển chiêu hồn ở ven trời, đón linh hồn cùng về, rồi sẽ vào giàn thiêu". Người Chiêm nghe theo. Khắc Chung dùng thuyền nhẹ cướp lấy công chúa đem về..." (4)
Không rõ vì mang ơn cứu mạng hay giữa Huyền Trân với Khắc Chung đã có lời ước hẹn từ trước mà con thuyền đưa công chúa loanh quanh trên biển hơn một năm! Bất chấp mưa gió, giông bão, búa rìu dư luận, phép tắc triều đình; con thuyền tình của của hai người vẫn lênh đênh trên biển say đắm và thơ mộng! Có lẻ vua Anh Tông cảm thương cho cuộc đời em gái vì nước mà số phận phải long đong nên cố ý làm ngơ không đả động gì đến việc ấy.
Khắc Chung nguyên họ Ðỗ, nhờ có nhiều công trong công cuộc chống giặc Nguyên nên được mang quốc tính họ Trần. Trong thời gian giặc Nguyên kéo lên Gia Lâm, Ðông Ngàn, bắt được quân nào của ta ở cánh tay đều có thích hai chữ "sát thát" thì giận giữ và càng chém giết điên cuồng! Vua muốn cho người dò tình hình quân giặc, mà khó kiếm người, Ðỗ Khắc Chung xin đi, vua khen là người có chí khí và hăng hái.
Khi đến trại quân Nguyên xin hòa, Ô Mã Nhi vặn hỏi về hai chữ "sát Thát" (Thát đát chỉ quân Nguyên), cho là vô lễ, Khắc Chung trả lời: "chó nhà người ta có cắn người, vì không phải là chủ nó, lòng trung phẫn của quân lính tự thích chữ đó, quốc vương tôi biết thế nào được, tôi là cận thần sao lại không có các chữ ấy thích vào tay", rồi dơ tay cho chúng xem (5).
Ô Mã Nhi lại hạch hỏi: "Ðại quân ở xa đến, sao nước ngươi không đến yết kiến, lại dám kháng cự?"
Khắc Chung đối đáp không chịu khuất: "Vì tướng quân không theo cách của Hàn Tín bình nước Yên, hãy đóng quân ở biên giới, cho đem thư đến trước. Nếu không thấy thông hiếu, mới là lỗi chứ. Nay lại bức bách nhau quá, muông túng thì cắn, chim cùng thì mổ, huống chi con người!"
Khi Khắc Chung về rồi, Ô Mã Nhi bảo với tướng tá rằng: "Người này trong lúc bị uy hiếp mà lời lẽ và khí sắc vẫn bình tĩnh như thường, không hạ thấp vua mình là chú Chích, không tâng bốc ta là vua Nghiêu, chỉ nói 'chó trong nhà cắn người lạ', ứng đối thật là khéo léo, người này có thể nói là 'không làm nhục mệnh lệnh của vua phó thác cho'. Trong nước họ có người như thế, chưa dễ đã làm gì họ được" (6).
Có lẻ vì nhờ tài ứng xử nhanh nhẹn thông minh, ngay cả trong lúc nguy hiểm mà triều đình đã giao ông trọng trách cứu công chúa thoát khỏi cảnh chết bất đắc dĩ trên giàn thiêu.
Ông làm quan đến chức Ðại hành khiển, rất thân cận vua để lo mọi sự về hành chính trong triều. Về sau, ông có đôi việc lỗi lầm như liên can đến vụ giết lầm quan Thượng tể là Quốc Chân mà các quan trong tôn thất nhà Trần để ý căm thù ông. Họ cũng cho rằng ông đã vô lễ làm ô nhục công chúa Huyền Trân. Dưới mắt họ, ông là kẻ gian tà!
Cuộc hôn nhân Chiêm-Việt thật sự là có lợi cho nước ta vì vừa được thêm đất đai, vừa bớt được một kẻ địch hiếu chiến luôn luôn rình ta yếu để sang quấy nhiễu! Kế sách này, nhà Lý trước đây đã từng áp dụng. Triều Lý Thái Tông (1028-1054): công chúa Bình Dương gả cho tù trưởng Lạng Châu, công chúa Kim Thành gả cho tù trưởng Phong Châu, công chúa Trường Ninh gả cho tù trưởng Thượng Oai. Triều Lý Nhân Tông: công chúa Khâm Thành gả cho tù trưởng Vị Long. Triều Lý Anh Tông: công chúa Thiều Dung gả cho tù trưởng Phú Lương. Ðó là những mưu kế dùng mỹ nhân mua chuộc người Thượng thiểu số để họ không quấy phá làng mạc miền Trung du, cũng là kế hoạch phủ dụ man dân nơi biên phòng, biến họ thành phên giậu củng cố biên cương. Vậy mà trong dân gian từ đời nhà Lý đã truyền tụng:
Tiếc thay cây quế giữa rừng,
Ðể cho thằng Mán thằng Mường nó leo!
Và dĩ nhiên trường hợp thương tâm của công chúa Huyền Trân cũng không thoát khỏi miệng thế gian:
Tiếc thay hột gạo trắng ngần,
Ðã vo nước đục lại vần lửa rơm!
(vua Chế Mân ví với nước đục, Trần Khắc Chung ví với lửa rơm).
Hoặc chấm biếm cay độc hơn:
Ðổi chác xưa nay khéo nực cười,
Vốn đà chẳng mất lại thêm lời.
Hai châu Ô Lý vuông nghìn dặm,
Một gái Huyền Trân đáng mấy mươi.
Lòng đỏ khen ai lo việc nước,
Môi son phải giống mãi trên đời.
Châu đi rồi lại châu về đó.
Ngơ ngẩn nhìn nhau một lũ Hời. (Hoàng Thái Xuyên)
Ngay trong chính sử, những sử gia nặng đầu óc kỳ thị chủng tộc như Ngô Sĩ Liên trong Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư đã bình luận: "Nhân Tông đem con gái gả cho chúa Chiêm Thành là nghĩa làm sao? Nói rằng nhân khi đi chơi đã trót hứa gả, sợ thất tín thì sao không đổi lại lệnh đó có được không? Vua giữ ngôi trời mà Thượng hoàng đã xuất gia rồi, vua đổi lại lệnh đó thì có khó gì, mà lại đem gả cho người xa không phải giống nòi để thực hiện lời hứa trước, rồi sau lại dùng mưu gian trá cướp về, thế thì tín ở đâu?"
Phải là một người thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Phật giáo như vua Trần Nhân Tông mới có một cái nhìn bình đẳng về con người. Từ thời Mâu Tử, người Phật giáo đã sử dụng lý luận mọi người đều có tính Phật để bác bỏ tư tưởng kỳ thị của Ðại Hán cùng sự hùa theo của đám nhà Nho để coi dân tộc ta là mọi rợ và người Hán là Hoa Hạ. Nghe lời bình luận của Ngô Sĩ Liên, ta vẫn còn thấy phảng phất thứ tư tưởng kỳ thị a dua ấy.
Ô, Lý là một vị trí chiến lược quan trọng cho nền an ninh Ðại Việt nên việc gả công chúa Huyền Trân, người con gái duy nhất của Thượng hoàng, cho vua Chế Mân là để sáp nhập hai châu đó vào bản đồ Ðại Việt một cách hòa bình. Ðó là một thành quả chính trị và an ninh to lớn vì từ đây ta thấy dòng Nam tiến của người Việt ngày càng dồn dập như một cơn thủy triều đang cuồn cuộn dâng lên...đặt nền móng cho việc mở rộng biên cương của tổ quốc. (7)
Cho nên học giả Thái Văn Kiểm đã rất xác đáng khi nhận định: "Dù sao chăng nữa, chúng ta phải thẳng thắn xác định công lao to lớn và sứ mạng cao cả của công chúa đối với tổ quốc và nhân dân. Nàng là một người con có hiếu, biết vâng lời cha anh, đem tấm thân ngà ngọc đổi lấy hai châu Ô, Lý vuông ngàn dặm." (8).
Các thế hệ nối tiếp vẫn còn dành cho công chúa nhiều cảm tình và kính phục, bằng chứng là ngoài cửa bể Tư Dung (Thuận Hóa), khách thuyền lai vãng có thể nhìn thấy hòn đảo mang tên Huyền Trân Ðảo.
Danh sĩ Ngô Thời Nhậm (1746-1803) được vua Quang Trung cử đi sứ nhà Thanh, đã cảm tác một bài thơ Tích Vũ Huyền Trân rất cảm động để tưởng nhớ Huyền Trân công chúa, lúc ông đi ngang qua đảo, mà có lẽ đó là nơi xưa kia, vào mùa hè 1306, công chúa đã ghé lại trên con đường đi Chiêm quốc:
Nước mắt Huyền Trân khóc phận mình,
Ðêm xuân mai đọng lệ trên cành.
Hững hờ nước bạc thù son phấn,
Non yểu chồng ngu hổ ngọc lành.
Sính vật hai châu còn đất tốt,
Giai nhân một kiếp chịu oan tình!
Oán hờn theo sóng trào dâng mãi,
Xóm bến mưa dầm tối lạnh canh! (Vũ Ðình Liên dịch)
Tài liệu tham khảo:
(*) Thuận Châu (nam Quảng Trị và bắc Thừa Thiên), Hóa Châu (nam Thừa Thiên và bắc Quảng Nam) mà người dân thường gọi chung là Thuận Hóa.
(1) Việt Sử Toàn Thư (Phạm Văn Sơn), Ấn Bản Ðiện Tử do nhóm Lê Bắc chuyển năm 1996, trang 205. (http://www.shcd.de/lichsu%20vn/vstt.pdf)
(2) Việt Nam Sử Lược-Quyển I (Trần Trọng Kim), NXB Ðại Nam, trang 167.
(3) La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, tập III (Hữu Ngọc, Nguyễn Ðức Hiền), NXB Giáo Dục-1998, trang 34 - 37.
(4) Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư, ABÐT do nhóm Lê Bắc chuyển năm 1999, trang 219
(5) Việt Sử Tiêu Án (Ngô Thời Sỹ), Nhà Xuất Bản Văn Sử 1991, trang 197.
(6) Khâm Ðịnh Việt Sử Thông Giám Cương Mục, ABÐT do nhóm Lê Bắc chuyển năm 2001, trang 228.
(7) Toàn Tập Trần Nhân Tông (Lê Mạnh Thát), NXB/TP.HCM, trang 264 & 207.
(8) Việt Nam Gấm Hoa (Hương Giang Thái Văn Kiểm), NXB Làng Văn - 1997, trang 326
- Giới Thiệu Những Tác Phẩm Về Thơ, Văn, Nhạc Của Lê Hữu Nghĩa T. V. Phê Nhận định
- Nhạc Sĩ Vô Thường Và Ngón Đàn Tay Trái T. V. Phê Tạp luận
- Năm Ngọ Nói Chuyện Ngựa T. V. Phê Tiểu luận
- Nhà thơ Tô Đình Sự T. V. Phê Nhận định
- Thi Sĩ Đông Hồ T. V. Phê Tạp bút
- Hiểm họa từ Trung Quốc T. V. Phê Tạp luận
- Feb 1, 2003: Phi thuyền con thoi Columbia bị nổ tung T. V. Phê Tạp luận
- Chuyện trùng hợp lạ kỳ T. V. Phê Tạp luận
- Phạm Duy và Minh Họa Kiều T. V. Phê Tạp bút
- Trịnh Công Sơn: Quê hương, Tình yêu, Thân phận T. V. Phê Tạp bút
• “Duy Tuệ Thị Nghiệp”: Từ Trí Tuệ Phật Giáo Đến Sự Phát Triển Nền Giáo Dục Nhân Bản (Vạn Đức)
• Mỹ học của hư vỡ: Kintsugi, lấy vàng nối gốm (Nguyên Giác)
• Lịch Sử Đạo Hồi (PHS News)
• Giáo Dục Quốc Gia (1945 - 1975) (Trần Bích San)
• Văn chương đương đại tiếp nhận gì từ văn học miền Nam (Inrasara)
• Năm Dần Nói Chuyện Cọp (Thái Văn Kiểm)
• Mùa Xuân Nói Về Chữ Tết (Nguyễn Thiếu Dũng)
• “Vân Đài Loại Ngữ" Bộ Sách Bách Khoa Toàn Thư Đầu Tiên Của Việt Nam
(Nguyễn Huy Côn)
• Văn Chương Có Biên Giới Không? (Nguyễn Vy Khanh)
• Khoan Dung Và Dị Biệt Văn Hóa (Nguyễn Sỹ Tế)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |