|
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Mỗi khi nói đến hay kêu gọi đoàn kết thì chúng ta thường dùng câu ca dao:
Một cây làm chẳng nên non,
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.
Cụm từ "chụm lại" khiến người nghe liên tưởng đến sự đoàn kết. Nhưng từ đoàn kết đòi hỏi sự đồng thuận, đồng lòng, kết hợp thành khối, thành nhóm chặt chẽ, keo sơn gắn bó. Trái lại "hòn núi cao" gợi ý vươn lên, có ý nghĩa hướng dẫn, soi đường chỉ lối, không hề gợi ý keo sơn gắn bó. Người ta thường nói "ý chí vượt hơn núi", "không ai nói đoàn kết vượt hơn núi". Hơn nữa, ba cây "chụm lại" không thể thành hòn núi cao được. Nói lên sự đoàn kết có lẽ câu ca dao sau đây mới hợp tình hợp lý:
Sao cho có đó có đây,
Sơn lâm nào dễ một cây nên rừng.
Vậy ba cây đó là ba cây gì? mà như là hòn núi cao, gợi ý vươn lên, có ý nghĩa như ngọn đèn soi đường chỉ lối, như hòn núi cao ở phía trước hướng dẫn người dân Việt, dân tộc Việt tiến tới vươn lên để thăng hoa cuộc sống và con người.
Phải chăng ba cây đó là cây lúa, cây tre và cây cau? "cây lúa" biểu tượng cho những đặc tính đặc thù của nền văn hóa nông nghiệp trồng lúa nước; "cây tre" biểu tượng cho đặc tính của làng xã; còn "cây cau" là biểu tượng cho đặc tính của gia đình Việt Nam.
1. Cây Lúa: Cây lúa đã thay đổi cái nhìn của con người, từ cái nhìn đoàn lũ của chăn nuôi theo bầy trên các đồng cỏ với đánh đập la hét trong nếp sống du mục sang cái nhìn thảo mộc trên các đồng ruộng với thích nghi, hài hòa. Điều này giải thích sự khắc nghiệt, hiếu chiến, chiếm đoạt, phá hủy, trịch thượng, độc quyền chân lý trong quan hệ giữa người với người của tộc Hoa Hán và người Tây Phương, vì họ còn mang ít nhiều dâu ấn với nếp sống du mục.
Cây lúa đã khiến cho con người trầm tĩnh lại, bớt hiếu chiến, hiền hòa hơn. Nói cách khác, cây lúa đã làm cho con người trở thành người hơn.
Nông nghiệp nói chung, nông nghiệp trồng lúa nước nói riêng buộc người nông dân sống định cư, định canh. Hàng xóm, láng giềng sinh sống cố định lâu đời với nhau tạo nên nếp sống hài hòa - hài hòa giữa thâm tâm, hài hòa giữa người với người, hài hòa giữa người với thiên nhiên - tương nhượng, thích nghi, hòa thuận trên cơ sở lấy tình nghĩa làm đầu: "Một bồ cái lý không bằng một tí cái tình".
Nông nghiệp đã thay đổi lối sống du mục nay đây mai đó, hiếu chiến, thích chiếm đoạt sang lối sống định canh định cư hiếu hòa, xây dựng nếp sống hài hòa, trong xóm làng: hòa cả làng, với nghề trồng lúa nước. Chính nếp sống nông nghiệp trồng lúa nước ổn định lâu đời đã xây dựng cho người Việt xưa tính hiếu hòa đầy tình người, thương yêu đùm bọc nhau trong cuộc sống "thương người, người thương ta". Rồi trong cuộc sống thực tế, dần dần có cái nhìn sâu sắc hơn "ghét người, mình lại hóa ra ghét mình", để rồi không còn phân biệt mình người "thương người như thể thương thân".
Ngày nay, không còn điểm nào nghi ngờ, trung tâm nông nghiệp cùng chăn nuôi đầu tiên trên thế giới tại Hòa Bình Việt Nam đã có trước vùng Lưỡng Hà đến 3000 năm. Hòa Bình đã được thế giới khoa học khảo cổ xác nhận là trung tâm phát minh nông nghiệp và sản xuất nông nghiệp cùng chăn nuôi gia súc đầu tiên trên thế giới (1).
Tiến sĩ Wilheim G. Solheim II là giáo sư nhân chủng học ở trường đại học Hawaii chuyên nghiên cứu tiền sử Đông Nam Á đã viết: Kết quả của các cuộc đào xới này cho đến nay đã vào năm thứ bảy thật là kinh ngạc ... chúng tôi bắt đầu nhận thấy khu vực đào xới này quả đang đảo lộn hoàn toàn các điều khoa khảo cổ đã biết từ trước. Trong một chỗ đất chỉ rộng chừng 2.5 cm, có một mảnh đồ gốm có in vết vỏ của một hạt lúa, có niên đại muộn nhất là 3500 trước Công nguyên. Như vậy có nghĩa là trước cả ngàn năm so với những hạt lúa tìm thấy ở Ấn Độ và Trung Hoa cũng được xác định bằng phương pháp carbon 14.
Tôi đồng ý với Sauer, một nhà địa chất học người Mỹ, rằng các sắc dân Hòa Bình ... là giống người biết trồng cây trước tiên trên thế giới. Tôi cũng không ngạc nhiên nếu thời kỳ đó bắt đầu khoảng 15000 năm trước Công nguyên. Tôi cho rằng văn hóa mà sau này được gọi là văn hóa Long Sơn (Lungshan) vẫn thường được coi là phát triển từ Ngưỡng Thiều (Yangshao) ở Bắc Trung Quốc, rồi lan ra miền Đông Nam Á, thì trái lại thực ra đã khai sinh ở Nam Trung Quốc và di chuyển lên phía Bắc. Cả hai nến văn hóa này đều bắt nguồn từ gốc văn hóa Hòa Bình Việt Nam (2).
Năm 1932, tại Đại hội thế giới của các nhà khảo cổ tiền sử học Viễn Đông, văn hóa Hòa Bình nước ta đã được xác nhận một cách chính thức trên toàn thế giới. Điều quan trọng ở đây là cư dân Hòa Bình (Việt Nam) đã xây dựng một nền văn minh nông nghiệp sớm nhất thế giới và đã được khoa khảo cổ học thế giới minh chứng và xác quyết. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy ở Hòa Bình, một làng nhỏ Việt Nam, ở vào một thời gian xa xưa nhất, cách đây trên 16000 năm. Thế nên khảo cổ học thế giới đã lấy tên làng Hòa Bình thuộc tỉnh Hòa Bình Bắc Việt Nam đặt tên cho nền văn hóa nông nghiệp này là "Văn hóa Hòa Bình" (xem Encyclopédic d'Achéologie). Ông cha ta đã dùng hình ảnh "cây lúa" để nhắc nhở con cháu Việt con đưiờng sống của dân tộc là nhân đạo (con đường nhân bản) - được huyền thoại hóa qua thần tổ kép Tiên Rồng (3) - trên nền tảng của những đặc tính của nền văn hóa nông nghiệp trồng lúa nước (4). Đó là nền văn hóa Hòa Bình nhân bản mang tính khai phóng và dung hóa trong giao lưu.
2. Cây Tre:
Nói đến cây tre người Việt Nam thường liên tưởng đến làng xã:
Làng tôi bé nhỏ xinh xinh,
Chung quanh có lũy tre xanh rườm rà.
Bất cứ làng nào vùng quê Bắc Việt ở trung châu, cũng như miền Bắc Trung Việt, chung quanh làng bao giờ cũng có lũy tre, dù làng nằm bên bờ sông hay trườn mình bên cạnh sườn đồi. Lũy tre che chở cho làng rất chắc chắn, nhiều khi lũy tre dày rậm đến năm sáu thước - lũy tre ấp Tam Lộng huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Yên dày đến 9 - 10 thước - tre mọc sát nhau. Ngay cả súng bắn, đạn không xuyên qua được.
Lũy tre làng trở nên một bức tường thành kiên cố phòng vệ rất hữu hiệu để chống trộm cướp, chống giăc xâm lăng và làng cũng là nơi bảo vệ văn hóa dân tộc để chống văn hóa ngoại lai tích cực và đắc lực nhất. Chỉ ở làng quê mới có tre; nhớ làng là liên tưởng nghĩ ngay đến tre, và thoáng bóng tre là nhớ ngay đến làng, "làng" và "tre" liên quan mật thiết, khắng khít như hình với bóng. Cũng vì thế, tre mới là hình ảnh quen thuộc nhất và tiêu biểu nhất của làng xã Việt Nam. Từ bao nhiêu thế kỷ, tre ôm ấp, bao bọc, che chở những làng quê miền Bắc, miền Trung. Tre đã trở thành một bộ phận mật thiết trong "cơ cấu" làng xã. Thậm chí nói đến "tre" thì được hiểu là làng như "dưới bóng tre xanh", trong lũy tre xanh, sau lũy tre xanh. Trong mỗi lũy tre xanh là cả một thế giới riêng với những tập tục đặc biệt. Những tập tục được ghi trong "hương ước" truyền lại không biết từ đời nào, được dân làng trân trọng giữ gìn.
Chính "lũy tre làng" đã khiến cho hàng chục ngàn cơ sở làng xã Việt Nam trên toàn quốc xây dựng chế độ địa phương phân quyền - "phép vua thua lệ làng" - bầu người đại diện dân điều hành sinh hoạt trong xã. Từ ngàn xưa, triều đình - chánh quyền trung ương vẫn coi trọng quyền tự chủ trong cuộc sông tinh tnần, vật chất của xã dân. Hương ước từ 4000 năm qua của dân tộc Việt có ý nghĩa và mục đích như hiến ước cộng hòa của dân chúng Athens (Hi Lạp) thế kỷ thứ V trước Tây lịch; có giá trị như hiến pháp của Hoa Kỳ và của Pháp cuối thế kỷ 18.
Tổ chức làng xã Việt Nam xưa cũ đã ngàn năm nhưng có đủ thể chế và cơ chế của một xã hội dân chủ hiện đại. Thực vậy:
* Trong một làng, hội đồng kỳ mục quyết đinh mọi việc, vậy nó tương đương với quốc hội trong một quốc gia. Các thành phần của nó là: 1) các khoa bảng chức sắc, 2) các cựu lý dịch.
Khoa bảng là người đỗ đạt, biết nhiều hiểu rộng; chức sắc là những người đã từng có chức vụ trong xã hội, tức là vừa có kinh nghiệm vừa có vai vế trong xã hội. Vậy khoa bảng, chức sắc trong hội đồng kỳ mục tương đương với giới quý tộc trong hội đồng quý tộc Anh.
Lý dịch (lý trưởng, phó lý) do dân bầu lên, khi mãn nhiệm họ được giữ tính cách dân cử. Vậy các kỳ mục xuất thân cựu lý dịch có thể coi như được dân bầu ra với nhiệm kỳ trọn đời.
* Lý dịch đương thứ có nhiệm vụ xử lý và điều hành các việc thông thường nhưng phải chịu mệnh lệnh của Tiên Chỉ và Thứ Chỉ (chủ tịch và phó chủ tịch hội đồng kỳ mục), vậy lý dịch đương thứ tương đương với một ủy ban chấp pháp, có vị thế yếu hơn chính phủ một quốc gia. Đây là một điểm đặc sắc trong cách tổ chức làng xã: Ủy ban lập pháp tức hội đồng kỳ mục ra lệnh cho chấp pháp tức lý dịch đương thứ nhưng không nắm quyền trực tiếp trong tay. Ngược lại, lý dịch đương thứ nắm quyền nhưng ở trên đầu họ còn có hội đồng kỳ mục nên không thể lạm dụng quyền hạn được.
* Hội đồng kỳ mục quyết địnhmọi việc trọng đại nhưng cũng không thể vượt qua giới hạn xác định bởi một hiến chương đã được dân chấp nhận từ xưa, gọi là hương ước. Vậy hương ước là hiến pháp của một làng.
* Cách tổ chức làng xã như vậy có thể coi là gần đạt tiêu chuẩn của các xã hội tiên tiến hiện thời. Nhưng nếu ta nhớ lại rằng thể chế ấy đã được phát minh ra từ thời mà nông nô Âu châu bị bóc lột đến xương tủy thì ta mới đánh giá đúng mức được trình độ tiên tiến của xã hội Việt.
* Chúng ta có thể thắc mắc: nếu chế độ làng xã tốt đẹp như vậy, tại sao nhiều người lại đả kích nó, gọi kỳ mục là kỳ nát? đòi "tiêu diệt cường hào ác bá"? Bỏ ra ngoài các khẩu hiệu chính trị vô giá trị, chúng ta hãy bàn một cách nghiêm túc hiện tượng "kỳ nát" ở một dịp khác. (5)
Chính nếp sống lấy con người làm trung tâm cho mọi sinh hoạt và tư duy trong nền văn hóa nông nghiệp trồng lúa nước ổn định lâu đời đã tạo cho dân tôc Việt một xã hội tự do bình đẳng với một cơ cấu khá đặc biệt. Cơ cấu ấy lấy gia đình phân công làm đơn vị tâm lý phát triển nếp sống tình cảm và suy tư. Và lấy xã thôn tự trị - làng xã đặt nền tảng trên tinh thần dân chủ dung hợp đươc tự do và bình đằng làm đơn vị hành chánh phát triển sinh hoạt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, tín ngưỡng ...
Một học giả Tây phương, ông Paul Mus đã nhận xét: "làng Việt Nam là một cơ cấu kỳ diệu,trong đó người ta sống bình đẳng; đó là một tổ chức cai trị tuyệt vời" ... làng xã đã là các yếu tố cấu thành quốc gia Việt Nam và chỉ qua chúng, trong lúc lâm nguy, ta mới có thể hiểu được đất nước và tinh thần dân tộc của họ. (6)
Trong lịch sử chống ngoại xâm của dântộcViệt Nam, dân binh và làng chiến đấu đã giữ một vai trò chiến lược quan trọng. Danh từ dân binh đã xuất hiện trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông đời nhà Trần. (7)
Ông cha ta dùng hình ảnh "cây tre" để nói lên đặc tính của "xã thôn tự trị" mang tính dân chủ, dung hợp được tự do và bình đẳng. Mặt khác, cây tre còn là biểu tượng cho nếp sống Việt và đăc tính của người dân Việt (đề tài không thuộcbài viết này). Trong truyện Phù Đổng Thiên Vương cây tre còn là biểu tượng cholực lượng quần chúng, dân binh, nội lực của dân tộc. (8)
3. Cây Cau:
Theo phong tục Việt Nam, trong đám hỏi và đám cưới để xây dựng gia đình êm ấm bao giờ cũng có mâm trầu cau và vôi. Kiến trúc xã hội Việt Nam xưa nay vốn xoay quanh hai đầu trục thực tại và thực tiễn: gia đình và làng xã. Trong lòng quỹ đạo của nó là gia đình, con người trưởng thành trong tình thương một cách hồn nhiên và trong sáng; để rồi từ đó mở rộng hoạt động ra môi trường làng xã, môi trường dân tộc ở phạm vi rộng hơn: "người trong một nước phải thương nhau cùng", và môi trường nhân loại
Bầu ơi thương lấy bí cùng,
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.
để rồi không còn phân biệt mình người:
Thương người như thể thương thân.
Gia đình Việt Nam lấy "tình nghĩa" làm đầu: "Một bồ cái lý không bằng một tí cái tình", trên nền tảng của sự hài hòa, hòa thuận: "Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn" và phân công: "Chồng cày vợ cấy" hoăc "Em về nhổ mạ, anh bừa ruộng chiêm".
Nếp sống "gia đình phân công" được huyền thoại hóa trong truyện Tiên Rồng: mẹ lên núi,cha xuống biển để mở rộng phát triển đất nước.
Nói cách khác, cha ông chúng ta đã sớm tránh được những sai lầm thông thường của các dân tộc khác khi họ đề cao vai trò của người nữ hoặc người nam để rồi dẫn đến cảnh miệt thị nhau, ngược đãi nhau, biến nhau thành thứ phụ thuộc cho phái tính của mình. Sai lầm kể trên đã đưa đến những thảm trạng xã hội kéo dài hàng mấy ngàn năm trong lịch sử loài người mà cho đến ngày nay vẫn chưa kết thúc.
Nhận thức được điều này làm cho chúng ta tăng thêm sự quý trọng đối với cha ông đã có tầm nhìn hết sức Người trong mối tương quan bình đẳng giữa vợ chồng. Từ cách nhìn đó, người nông dân Việt quan niệm sự sống chung giữa vợ chồng là Đạo:
Đạo vợ chồng khó lắm anh ơi!
Không như ong bướm đậu rồi lại bay.
Theo triết thuyết Khổng Mạnh thì người nữ phải sống theo đạo Tam Tòng. Đây là hệ thống tư tưởng duy lý nhằm bảo vệ phụ quyền của dân du mục Hoa tộc còn rơi rớt lại.
Người nông dân Việt coi việc chung sống giữa vợ chồng là một cái Đạo, nhưng căn bản nội dung không giống quan niệm "đạo" của Khổng Mạnh. Sự sống chung giữa hai vợ chồng còn là một nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ gia đình. Vì thế, quyền hạn giữa người chồng và người vợ không phải chỉ có một chiều như quan niệm Tam Tòng của Khổng Mạnh mà phải đặt trên tính chất tương ứng và bình đẳng của tác động hai chiều:
Xét ra trong đạo vợ chồng,
Cùng nhau nương cậy để phòng nắng mưa.
Người phu nữ lấy chồng không phải để cho người chồng sai khiến như một người nô lệ mà là một phần tử của gia đình để hợp sức với chồng, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống hằng ngày nhằm xây dựng hạnh phúc gia đình. Chính ý thức nghĩa vụ trong sinh hoạt gia đình khiến cho nền tảng bình đẳng được bảo vệ, duy trì và phát triển. Nếp sống bình đẳng này khác hẳn với đạo tòng phu của Khổng Mạnh:
Rương xe, chìa khóa em cầm,
Giang sơn anh gánh, nợ nần em lo.
Thật là rõ ràng: đây là một sự phân công trong kế hoạch bảo vệ và phát triển gia đình. Người chồng gánh vác việc ngoài (ngoại giao, quốc phòng ...), người vợ lo lắng việc trong (giáo dục con cái, nội trợ, tài chánh ...) Nghĩa vụ được phân định một cách bình đẳng, hợp tình hợp lý và tương ứng. Điều này chứng tỏ đạo vợ chồng mà người nông dân Việt quan niệm không phải là đạo lý Khổng Mạnh của Hoa tộc đã ảnh hưởng trong giai tầng phong kiến, quý tộc Việt.
Trong khi đó, ý niệm "tòng phu" của Nho giáo đã bắt người vợ phải chịu dưới quyền điều khiển của người chồng trong trật tự giađình, biến người vợ thành nô lệ. Sống chết do quyết định nhà chồng. Thảm trạng cho thuê vợ vẫn còn tồn tại ở một vài nơi tại Trung Quốc vào những thập niên cuối thế kỷ 20. Còn ý niệm "theo chồng" của người nông dân Việt là để chia sẻ những buồn vui, cực nhọc và hòa mình với nhau trong lẽ sống hằng ngày:
Theo nhau cho trọn đạo Trời,
Dẫu mà không chiếu, trải tơi mà nằm.
Cuộc sống vợ chồng không phải là sự phân chia uy (mẫu hệ hay phụ hệ), tranh giành địa vị (thuộc chồng hay vợ) mà chính là nghĩa vụ chung sống, tương thân tương ái, hài hòa giữa hai người: tuy hai mà một, tuy một mà hai. Ý niệm này đã được biểu tượng thật rõ nét trong thần tổ kép Tiên Rồng hay qua những câu ca dao:
Đôi ta như rắn liu điu,
Nước chảy mặc nước, ta dìu lấy nhau,
Đôi ta như thể con tằm,
Cùng ăn một lá, cùng nằm một mâm,
Đôi ta như thể con ong,
Con quấn con quít, con trong con ngoài.
Nói theo danh từ triết học ngày nay, tình nghĩa vợ chồng được xây dựng trên nền tảng "lý tác động hai chiều" và "lý đối lập thống nhất". Nam và nữ tuy đối lập nhưng phải thống nhất hài hòa mới có vợ chồng. Có vợ chồng mới có cha mẹ con cái. Có vợ chồng mới có gia đình và từ đó mới có xã hội, quốc gia dân tộc, nhân loại. Tinh thần bình đẳng giữa vợ chồng và nếp sống phân công hợp tác trong gia đình dần dần được mở rộng trên bình diện quốc gia với chế độ địa phương phân quyền, xã thôn tự trị, phép vua thua lệ làng.
Dân Việt đã đặt cha và mẹ vào cùng một biểu tượng và thần hóa cha mẹ thành cha mẹ của dân tộc trong thần tổ kép Tiên Rồng để tôn thờ. Đặt cha mẹ, hai cực nam và nữ bình đẳng. Cha mẹ phải được kính trọng như nhau:
Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một đặc tính khá đặc biệt, trong gia đình Việt Nam là lòng chung thủy trong đạo vợ chồng. Vì chung lưng đấu cật, thuận vợ thuận chồng để mưu sinh, xây dựng hạnh phúc gia đình nên ý thức bình đẳng đã phát sinh và tồn tại trong lẽ sống hằng ngày. Từ nếp sống bình đẳng với tinh thần tương thân tương ái trong đạo vợ chồng người nông dân Việt đưa đến ý thức chung thủy. Có thể nói nếp sống thủy chung trong đạo vợ chồng của người nông dân Việt đã phát sinh môt cách hồn nhiên do tinh thần bình đẳng, tương thân tương ái chứ không phải do một hệ thống luân lý khuôn mẫu nào ràng buộc:
Trăm năm lòng gắn dạ ghi,
Dù ai đem bạc đổi vàng cũng không.
hoặc:
Đôi ta như cây giữa rừng,
Ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng rời.
hay đạo vợ chồng đừng có đổi thay:
Làm nên danh vọng, hay rủi ăn mày cũng theo.
Chính những đắng cay, khổ cực trong đời sống là sợi dây thắt chặt tình nghĩa vợ chồng:
Trăm năm ý quyết một lòng,
Dù ai thêu Phụng vẽ Rồng mặc ai.
Dầu cho đá nát vàng phai,
Trăm năm duyên nợ chẳng sai chút nào.
Chính lòng chung thủy sâu sắc đó đã bộc lộ qua câu hát bên bờ ruộng, nương dâu hàng ngày:
Chồng ta áo rách ta thương,
Chồng người điểm phấn, tô hường mặc ai.
Tóm lại có thể nói nền văn hóa hòa bình nhân bản mang tính khai phóng và dung hóa trong giao lưu (cây lúa) với nếp sống hài hòa hòa thuận trong gia đình phân công, mang tính bình đẳng (cây cau) và sự hòa mục trong xã thôn tự trị mang tính dân chủ dung hợp được tự do và bình đẳng (cây tre) đã kết thành con đường sống của dân tộc - nhân đạo như ngọn núi cao mà con cháu Việt phải noi theo và vươn tới.
Phải chăng câu ca dao: "một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao" là thông điệp của tiền nhân nhắn gởi con cháu Việt phải tiến tới, vươn lên thể hiện con đường sống của dân tộc - nhân đạo như ngọn núi cao?
Đó là lý do kêu gọi người dân Việt "trở về nguồn". Trở về nguồn để phục hoạt và phát huy cốt lõi đạo sống Việt, cốt lõi của con đường sống của dân tộc đã nói trên. Chính cái cốt lõi đó là yếu tố chủ đạo cho việc dung hóa những tư tưởng Đông Tây kim cổ đang hội tụ trên quê hương và đang tác hại người dân Việt về vật chất cũng như tinh thần. Cuộc dung hóa thành công - thống nhất tri thức và tâm thức - là điều kiện cần và đủ để thể hiện con đường sống của dân tộc (= nhân đạo) hầu đưa đất nước lên ngang tầm với thời đại trong xu thế toàn cầu hóa.
Ghi chú:
1) Các ông Sauer, R. Somheim, Trương Quang Trực (Người Mỹ gốc Trung Quốc), Jorhman và học giả Liên Sô, ông N. Vavilow đều công nhận rằng Đông Nam Á mà chủ đạo là Việt Nam có một nền văn hóa tiền sử phát triển rất sớm, tiên tiến, sống động chưa từng thấy một nơi nào khác trên thế giới.
2) Wilheim G. Solheim II, New light on a forgotten past, National Geographic, Vol. 139, No. 3, March 1971.
3) Đạo sống Việt, tủ sách Việt Thường - truyện Tiên Rồng, nền minh triết Việt, nxb Ngày Nay, năm 2000, trang 180-249.
4) Đạo sống Việt, tủ sách Việt Thường, Nước: đặc tính gốc của nền minh triết Việt, sđd, trang 146-179.
5) Phạm Khắc Hàm, triết lý Lý Đông A, nhóm diễn đàn địa lý nhân văn Việt Nam, năm 1998, trang 238.
6) John T. Mc Alister, Jr/Paulmus - Vietnamese and Their Revolution , Haper & Row publisher, NY, 1970 trang 52.
7) Phan Huy Lê - Tìm về cội nguồn tập I - nxb Thế Giới, Hà Nội, 1999 trang 574.
8) Đạo Sống Việt - Tủ sách Việt Thường - nxb Ngày Nay, năm 2000 trang 335-352.
- Một cây làm chẳng nên non Nguyễn Viết Hồng Tiểu luận
• “Duy Tuệ Thị Nghiệp”: Từ Trí Tuệ Phật Giáo Đến Sự Phát Triển Nền Giáo Dục Nhân Bản (Vạn Đức)
• Mỹ học của hư vỡ: Kintsugi, lấy vàng nối gốm (Nguyên Giác)
• Lịch Sử Đạo Hồi (PHS News)
• Giáo Dục Quốc Gia (1945 - 1975) (Trần Bích San)
• Văn chương đương đại tiếp nhận gì từ văn học miền Nam (Inrasara)
• Năm Dần Nói Chuyện Cọp (Thái Văn Kiểm)
• Mùa Xuân Nói Về Chữ Tết (Nguyễn Thiếu Dũng)
• “Vân Đài Loại Ngữ" Bộ Sách Bách Khoa Toàn Thư Đầu Tiên Của Việt Nam
(Nguyễn Huy Côn)
• Văn Chương Có Biên Giới Không? (Nguyễn Vy Khanh)
• Khoan Dung Và Dị Biệt Văn Hóa (Nguyễn Sỹ Tế)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |