|
Hoàng Ngọc Hiển(.0.1942 - 27.12.2014) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Gia đình Việt Nam là một kiến trúc xã hội có những nét đặc thù trong cách cấu tạo, tổ chức điều hành và sinh hoạt mà chỉ có một cuộc sống hòa đồng lâu dài người ta mới có thể lý hội được một cách thấu đáo. Luật pháp thành văn xưa kia vốn ít, phong tục tập quán lại quá nhiều, những định chế xã hội ngày nay có tính cách cóp nhặt và pha trộn bừa bãi nên cũng nói lên được cái chânbản-chất của tổ chức xã hội đó. Bởi vậy, những hiểu lầm, nhất là từ phía nước ngoài, về gia đình Việt Nam không phải là thiếu. Chẳng hạn, một hiểu lầm đáng tiếc là người ta đồng hóaa gia đình Việt Nam với kiểu mẫu đại gia đình phụ hệ Trung quốc thời trước.
Sau ngót một thế kỷ kết hợp vội vàng với Tây phương kế đến là những biến động chính trị liên miên kéo dài với chiến tranh, nghèo đói và khủng hoảng ý thức hệ, người ta chẳng còn biết gia đình Việt Nam đích xác là cái gì nữa: Nó lớn hay nhỏ, chặt chẽ hay lỏng lẻo, tập quyền hay tự do, phụ hệ hay mẫu hệ, khép kín hay mở ngỏ, kiên cố hay dễ xâm phạm ...
Bài tiểu luận văn hóa này cố gắng vượt lên trên những lũng đoạn lịch sử và biến động xã hội nhất thời, đem cái sống với cái nghĩ kết hợp lại, làm một cuộc phản tỉnh vào lòng dân tộc để nhận định xem người Việt Nam ta đã nghĩ gì, làm gì và muốn gì cho gia đình Việt Nam. Muốn thế, ta phải đặt sinh hoạt gia đình vào trong khung cảnh của sinh hoạt dân tộc.
. Dân tộc Việt Nam vốn sống bằng nông nghiệp thô sơ, nghèo nàn. Người dân quê gắn bó với thiên nhiên, ruộng đồng và cần cù canh tác. Con người xây dựng lũy tre xanh, cố thủ xóm làng, tình quê hương chất đầy vô thức. Những ma xát lịch sử với những nỗ lực để trường tồn đã sớm dạy cho người Việt Nam một bài học đoàn kết, hòa đồng các giai tầng, cảm thông xuyên thế hệ, khoan chấp những khổ đau, dung nạp nhân loại trong một tinh thần tự do và sáng tạo. Người ta trọng nhân nghĩa, chuộng thủy chung, quý người trí thức. Người ta ẩn nhẫn chịu đựng số phận, hòa mình vào vũ trụ, ghét điều quá đáng mất tự nhiên. Người ta khinh rẻ kẻ ăn sổi ở thì, người ta tính toán sinh kế nhưng không chèn ép kẻ khác để được giầu sang. Trong cái bối cảnh thiên nhiên và những đặc tính của xã hội đó, ta hãy theo dõi sự hình thành, phát triển và trường tồn của đơn vị xã hội mệnh danh là gia đình Việt Nam.
Người Việt ta vốn có một triết lý tự nhiên về vũ trụ nhân sinh, một bản chất giầu tình cảm và xúc động cho nên trong việc tạo lập gia đình nghĩa là thực hiện hôn phối, bao giờ cũng nhận biết rõ giá trị của tình yêu coi như là phép nhiệm mầu của Tạo hóa. Nhưng ta cần phải nhận định ngay rằng nơi dân tộc Việt Nam, hay nơi dân tộc Đông phương nào khác, tình cảm tình yêu không buông xuôi thả lỏng mà khéo biết dung hòa với lý trí để cá nhân được thuận tình với tập thể.
. Thường khi tình yêu nhóm lên trong sinh hoạt tổng làng, trong vui chơi hay lao tác, giữa hai thái cực là cái nhỏ bé của thôn xóm với cái mênh mông của đất trời, nối liền cái nhất thời với cái trường cửu của nhân sinh. Tình đã tạo ra nghĩa và trường tồn nhờ cái nghĩa mà nó đã sinh ra. Câu chuyện "Hòn vọng phu" là một biểu trưng cao sâu của tình nghĩa vợ chồng vậy.
Vượt lên trên tình yêu trai gái, vợ chồng, trong những tình cảm gia đình, ta còn phải kể tới tình mẫu tử, tình huynh đệ, tình cảm này cũng cao sâu chẳng kém và từng làm đề tài cho rất nhiều những câu chuyện cổ tích cửa miệng của mỗi người dân Việt Nam. Chỉ xin đơn cử vài câu ca dao và tục ngữ:
- Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
- Anh em như thể chân tay,
- Xẩy cha còn chú, xẩy mẹ bú dì.
- Quyền huynh thế phụ ...
Khía cạnh tình cảm trên đây đã nói lên được cái ý nghĩa cao sâu và thắm dịu lòng người của tập thể gia đình. Người ta sinh ra để kết hợp thành gia đình, yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Mối đoàn kết sinh, tử của gia đình Việt Nam đó xây dựng trên nền tảng tình cảm trước khi được củng cố bằng nền tảng thuần lý. Người ta nói "Trái tim biết làm nên luật lệ" là thế!
. Chuyển qua nền tảng thuần lý, luật pháp và phong tục xứ sở lại càng nói rõ hơn cái ý nghĩa đoàn kết, cái tinh thần tự do, cái ý thức trách nhiệm tự giác trong gia đình Việt Nam. Ta cần minh xác thêm ít điều.
Trước hết, gia đình Việt Nam không phải là kiểu mẫu đại gia đình gò bó của Trung Hoa, thứ gia đình mở rộng tới gia tộc, họ hàng bao gồm tất cả những người cùng sinh ra từ một tổ phụ. Chú bác cô dì Việt Nam không được luật pháp minh thị công nhận cho có những quyền hành rõ rệt đối với một gia đình nào đó. Trái lại, gia đình Việt Nam cũng không phải là kiểu mẫu gia đình Tây phương, kiểu mẫu tiểu-gia-đình chỉ gồm có cha mẹ và con cái vị thành niên. Sự cấm đoán việc dựng vợ, gả chồng giữa những người gọi là có họ với nhau không quá khắt khe như ở Trung Hoa, nhưng cũng không quá dễ dãi như ở Tây phương.
Gia đình Việt Nam là kiểu mẫu trung-gia-đình, không quá tập quyền như gia đình Trung Hoa, cũng không quá tự do như gia đình Tây phương. Kiểu mẫu trung-gia-đình này xum họp trung bình ba thế hệ, ít khi bốn. Quyền hành gia đình ở trong tay ông bà hay cha mẹ tùy theo tuổi tác và sự minh mẫn của hai thế hệ đó. Có nhiều trường hợp ông bà sớm rút lui, hưởng nhàn ngay giữa lòng gia đình, nhường quyền cai trị lại cho cha mẹ nếu xét ra cha mẹ có thể đảm đang được cái "bổn phận cai trị" đó. Tề gia là một công cuộc thiết yếu mở đường cho công cuộc trị nước. Những chuyện ông bà hỏi ý kiến cha mẹ trước khi quyết định một việc quan trọng trong gia đình là một câu chuyện thuận thường. Và trong trường hợp cha mẹ thay thế ông bà để cai quản gia đình với quyền huynh thế phụ, họ phải trông nom các em thơ như trông nom chính con cái của mình, đó cũng là một chuyện thuận thường.
. Một lý thuyết luật học còn chủ trương rằng chế độ gia đình Việt Nam đứng ở giữa chế độ phụ hệ và chế độ mẫu hệ. Có phụ hệ tính vì chịu ảnh hưởng của gia đình Trung quốc, nước đã nhiều lần đô hộ nước ta. Có mẫu hệ tính vì chịu ảnh hưởng của gia đình Chàm, dân tộc mà ta chinh phục, theo một lẽ đặc biệt là "kẻ chiến thắng cũng có thể chịu ảnh hưởng của kẻ chiến bại". Cho nên, theo thuyết trên, hơn đâu hết, gia đình Việt Nam vẫn thực hiện được sự bình đẳng, bình quyền giữa người chồng và người vợ trong gia đình, hay nói theo ngôn ngữ luật học Tây phương, gia đình Việt Nam vẫn thực thi sự "giải phóng người đàn bà có chồng - émancipation de la femme mariée", điều mà Tây phương phải dầy công tranh đấu và vun đắp. Ta hãy xét qua cái "thân phận" rất đáng nên mong ước của người đàn bà có chồng ở Việt Nam. "Lệnh ông không bằng cồng bà!". Nếu như các bà có bị các ông chồng gọi một cách ngoại giao với người ngoài là "tiện nội", các bà vẫn được mọi người nhìn nhận như là những "nội tướng". Nếu bảo gia đình Việt Nam là phụ hệ thì đó cũng chỉ là chuyện hình thức bề ngoài. Ai bảo Anh quốc không dân chủ với một Hoàng gia cồng kềnh những lễ nghi, chức tước?
. Gia đình Việt Nam có một sự phân nhiệm rõ rệt: người chồng mạnh chân khỏe tay tiến thủ phía bên ngoài xã hội, người vợ chân yếu tay mềm trấn giữ phía bên trong gia đình, chăm sóc toàn gia. Nếu ý thức một cách nghiêm túc và trong lành, thì công cuộc giáo dục tình cảm tư buổi ấu thơ của con cái do người mẹ đảm nhiệm rất quan trọng và mang kết qủa rất lâu bền.
Nhìn sâu hơn nữa vào công việc quản trị gia đình, ta thấy rõ cái tinh thần hợp tác bình đẳng vợ chồng Việt Nam. Tài sản gia đình đổ vào một khối chung, quản trị các tài sản chung đó là một việc quản trị song song hay phối hợp. Sự thất tung, chế độ góa bụa, sự phân chia gia tài cho con cháu, phần tài sản dưỡng lão, phần hương hỏa tổ tiên, tất cả những quy định liên quan đều hướng vào sự hợp tác bình đẳng nói trên. Có vài điều đặc biệt trong những định chế đó là: Trong những công việc có tầm quan trọng nào đó, người đàn ông quản trị tài sản gia đình phải có sự ưng thuận minh thị của người đàn bà. Và trong lúc người chồng vắng xa, người vợ hoàn toàn thay thế người chồng. Trong chế độ góa bụa người đàn bà có quyền khước từ sự phân chia của cải cho con cái bình thường cho tới lúc người con út thành niên.
. Gia đình Việt Nam không khép kín mà cũng không mở rộng cửa đối với người ngoài. Vợ chồng sẵn sàng đón nhận bạn bè của nhau, đôi lúc còn hy sinh giúp đỡ bạn bè của người phối ngẫu. Thí dụ điển hình là chuyện Lưu Bình, Dương Lễ, Châu Long. Cũng thế, cha mẹ vui lòng dung nạp những giao du của con cái. Tất cả phải ở trong đạo nghĩa và nghi thức tối thiểu, tôn trọng nền tảng và ý nghĩa thiêng liêng của gia đình. Do đó, gia đình Việt Nam có sinh khí, có cơ trường tồn và phát triển khó có thể xâm phạm hay tiêu diệt được.
Trên đây là mấy điều đại cương về gia đình Việt Nam trước đây, trước những cơn tai biến lịch sử kéo dài nửa thế kỷ nay. Bây giờ ở trong nước, hình thái gia đình đó đã tiêu tan trong chế độ văn hóa và chính trị mác xít. Ở đó, chủ nghĩa xã hội của họ là trên hết. Người ta tìm đủ mọi cách để móc con cái ra khỏi các gia đình ngay từ tuổi ấu thơ. Đến như tình yêu nước còn thiêng liêng và cao cả hơn tình gia đình mà người ta còn bẻ cong đi mà dạy trẻ con rằng "Yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội". Người ta tập cho trẻ con báo cáo về sinh hoạt trong gia đình của chúng. Thậm chí, đối với những gia đình bị tình nghi về chính trị mà họ gọi là phản động, người ta còn khuyến khích trẻ con tố cáo hành vi của cha mẹ. Bao đổ vỡ, bao đau thương đã xảy đến cho không ít các gia đình Viêt Nam vì thế! Lời phê phán xưa cũ dành cho cộng sản cái nhãn hiệu "vô gia đình" cũng không phải là phi lý.
. Lý thuyết "dẹp bỏ gia đình" như vừa nói đã được áp dụng khi gay gắt, khi nhẹ nhàng tùy từng lúc và từng nơi. Nhưng rồi trên thực tế, câu chuyện không suông sẻ như người cộng sản muốn. Sự phản ứng của quốc dân lúc nào cũng có, khi âm thầm lặng lẽ, khi sôi nổi công khai. Tương quan cường quyền - dân chúng trở thành một thứ hài kịch mà người ta cố đóng cho xong. Nhất là khi dân chúng cũng thấy rõ cái bệnh "vị gia đình" của chính một số những đảng viên cộng sản ở ngay bậc cao. Điều này chứng tỏ gia đình kiểu cộng sản là trái với lòng dân và lòng người không trừ một ai.
. Cho đến thời điểm ngày nay, sau khi cộng sản chiếm trọn miền Nam, thì trên thực tế, dân chúng lại lục tục phục hồi ít nhiều tinh thần gia đình theo truyền thống dân tộc. Người ta đi tìm mồ mả ông cha đã bị chính quyền buộc phải dời đi lúc trước. Người ta sưu tầm gia phả dòng họ. Người ta xây lại từ đường thờ cúng tổ tiên. Người ta dựng vợ gả chồng cho con cái nếu không theo kiểu môn đăng hộ đối cũ thì cũng theo những tiêu chuẩn tương đương giầu sang nghĩa là những tiêu chuẩn phi xã hội chủ nghĩa. Công cuộc chống đối của toàn dân đó sẽ mỗi ngày thêm hùng hậu và sẽ dẫn dắt tất yếu tới tự do và dân chủ.
Tình hình gia đình Việt Nam ở nước ngoài lại bầy ra một cục diện khác. Xin nói ngay rằng đây chỉ là một va chạm văn hóa không có tính cách toàn bộ. Nguyên nhân là yếu tố luật pháp và phong tục tập quán. Đồng bào ta đều tị nạn tại các nước dân chủ và tự do nên không có vấn đề chính trị. Thế mà lác đác cũng đã có những đổ vỡ đau thương nặng nề không kém. Đây là nói về những thảm kịch nội trong gia đình Việt Nam. Bởi lẽ hai nền văn hóa nếu có nhiều điểm tương đồng, nhất là trong các lãnh vực dân chủ và nhân quyền, thì cũng có những điều tương phản, nhất là những điều đó được minh thị xác nhận trên các văn kiện pháp lý về quyền lợi và bổn phận hỗ tương giữa vợ chồng, cha mẹ, con cái và anh chị em. Ở đây, người ta chỉ còn có kiểu mẫu tiểu gia đình tự do với cha mẹ và con cái vị thành niên. Tự do ban phát cho mọi phía hơi quá mức. Quyền lợi và bổn phận không cân xứng. Thêm vào đó là cảnh sống xã hội quá rộng rãi và cởi mở, v.v... Đây không phải là một phê bình hay chỉ trích đối với những nền văn hóa bạn, mà chỉ là những nhận định từ nhãn quan của đa số người Việt Nam còn tha thiết với nền văn hóa dân tộc.
. Tất nhiên, thái độ, nếu không muốn nói là bổn phận, của người lánh nạn là phải tuân thủ luật lệ của địa phương nơi mình sinh sống. Sự hội nhập là điều cần thiết và tốt đẹp. Nhưng "hòa nhi bất đồng" cũng là một nguyên lý có giá trị lớn lao không kém, hơn nữa còn là một bảo đảm cho con người khỏi mại vong phong thái riêng trong cuộc sống của dân tộc mình. Không ai ngăn cấm ta không thực thi một cái quyền ban phát cho mình khi thấy nó lợi ít mà hại nhiều cho cuộc sống chung của gia đình và rộng ra của cộng đồng mình. Cũng không ai ngăn cấm ta thực hiện những bổn phận đạo đức mà luật pháp còn chưa biến thành bổn phận pháp lý. Không ai ngăn cấm ta tự học lấy tiếng mẹ đẻ và giữ nguyên tác phong lễ nghĩa đối với mọi người trong cộng đồng và gia đình. Cũng không ai ngăn cấm ta thực hiện những nghi thức tôn giáo mà ta tôn thờ cũng như những tục lệ mà ta gắn bó, trong điều kiện khách quan sắp xếp được, để không cản trở dòng bình thường của cuộc sống chung của mọi người nơi ta sống. Nói ra cho hết thì còn nhiều, bởi luật pháp hay phong tục cũng chỉ là những chỉ thị đại cương đưa con người vào trong một trật tự và công bằng tối thiểu nào đó. Những nơi luật không xét tới là những nơi ta có cơ hội làm theo lương tri của mình, theo văn hóa gốc của mình.
Nói theo các tôn giáo và các đại triết gia thì luật pháp ấy tại tâm. Con tim biết cách làm ra luật pháp cho mình và cho chung quanh. Và khi đã có tâm là có thuật. Bằng như vạn bất hạnh cái tâm chưa hòa thì hãy sử sự theo lẽ phải thông thường mà người ta gọi là cái "common sense" của nhân quần.
Trên kia ta có bàn qua về kiểu mẫu gia đình lý tưởng của những thời đã qua. Tất nhiên, kiểu mẫu đó cũng chỉ là một kiểu mẫu để ta suy ngẫm, không phải để phục hồi trọn vẹn một cách cực đoan. Lịch sử đổi thay thì văn minh, văn hóa cũng đổi thay. Đó là lẽ tự nhiên vậy. Và đổi thay muốn cho tốt đẹp phải có tính toán kế hoạch thực hiện về mọi phương diện.
Để kết luận: Gia đình Việt Nam sẽ mãi mãi là một tế bào xã hội đầy đủ, trọn vẹn có khả năng sinh tồn và tiến hóa tốt đẹp, góp phần xây dựng một quốc dân thuần nhất để không một thế lực nào có thể xâm phạm và phá phách được.
Gia đình Việt Nam sẽ mãi mãi là nơi mà con người lớn, nhỏ tìm thấy một nguồn hạnh phúc trong lành đáng cho người ta hy sinh tâm lực mà xây dựng, một cái đà tiến bước trong xã hội dân tộc.
Gia đình Việt Nam sẽ mãi mãi là một cái tổ ấm của những người chân thật nhất, nơi mà con người luôn luôn tìm đến, trong may mắn cũng như trong rủi ro của cuộc đời.
. Lấy quyền lợi để xây dựng gia đình là thất bại. Quá nhiều lý trí cũng không đem lại sự vững chắc cho gia đình. Gia đình phải phát xuất từ tình yêu và nuôi dưỡng bằng tình yêu, vì tình yêu là đường lối nhận thức và tiếp cận nhân quần sâu xa, phong phú và chính xác nhất. Tình yêu làm nên tất cả.
. Ước mong mọi người trong gia đình Việt Nam, bất luận ở trong vị thế nào là vợ chồng, cha mẹ hay con cái, hãy sửa soạn bản thân mình để đi vào môi trường đó ban phát tình yêu và dang tay hái quả. Trách mhiệm không phải chỉ đơn phương nơi một phía. Trách nhiệm là chung và phải được kiện toàn theo mức phát triển của tâm trí và tuổi tác của mình. Phụ có từ thì tử mới hiếu, người xưa nói vậy! Và khi đã thuận vợ thuận chồng thì tát biển Đông cũng cạn.
- Khoan Dung Và Dị Biệt Văn Hóa Nguyễn Sỹ Tế Tiểu luận
- Triết Lý Giáo Dục Nguyễn Sỹ Tế Tiểu luận
- Tinh Thần Tôn Giáo Trong Văn Hóa Việt Nam Nguyễn Sỹ Tế Tiểu luận
- Tinh Thần Và Thể Chế Dân Chủ Nguyễn Sỹ Tế Tiểu luận
- Vũ Khắc Khoan Và Tôi Nguyễn Sỹ Tế Tạp luận
- Cá Tính Của Dân Tộc Việt Nam Nguyễn Sỹ Tế Tiểu luận
- Tinh thần giáo dục trong văn hóa Việt Nam Nguyễn Sỹ Tế Tiểu luận
- Giá trị gia đình trong văn hóa Việt Nam Nguyễn Sỹ Tế Tiểu luận
• “Duy Tuệ Thị Nghiệp”: Từ Trí Tuệ Phật Giáo Đến Sự Phát Triển Nền Giáo Dục Nhân Bản (Vạn Đức)
• Mỹ học của hư vỡ: Kintsugi, lấy vàng nối gốm (Nguyên Giác)
• Lịch Sử Đạo Hồi (PHS News)
• Giáo Dục Quốc Gia (1945 - 1975) (Trần Bích San)
• Văn chương đương đại tiếp nhận gì từ văn học miền Nam (Inrasara)
• Năm Dần Nói Chuyện Cọp (Thái Văn Kiểm)
• Mùa Xuân Nói Về Chữ Tết (Nguyễn Thiếu Dũng)
• “Vân Đài Loại Ngữ" Bộ Sách Bách Khoa Toàn Thư Đầu Tiên Của Việt Nam
(Nguyễn Huy Côn)
• Văn Chương Có Biên Giới Không? (Nguyễn Vy Khanh)
• Khoan Dung Và Dị Biệt Văn Hóa (Nguyễn Sỹ Tế)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |