1. Head_
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Mẹ Trong Nhạc Và Thơ Việt Nam (TS Nguyễn Minh Triết) Ad-23-Index Ad-23-Index = (Ad-23-468x60created-2-1-10) (Học Xá)

      2-9-2020 | TIỂU LUẬN

      Mẹ Trong Nhạc Và Thơ Việt Nam

        TS NGUYỄN MINH TRIẾT
      Share File.php Share File
          

       


          Quạt Nồng (ảnh Trần Cao Lĩnh)

      Theo nghĩa thông thường khi nói đến mẹ ta hay liên tưởng ngay đến người sinh ra ta. Nhưng mẹ không thể chỉ đơn giản như vậy. Mẹ không thể chỉ là một ý niệm thuần vật lý. Ý nghĩa về mẹ phải vượt lên trên mọi thứ vì ngôn ngữ thông thường không thể diễn tả được trọn hết ý nghĩa của từ mẹ. Mẹ là một thứ gì đó rất thiêng liêng mà mỗi con người chúng ta không thể nào lý giải hết. Mẹ phải là điều gì đó vĩ đại và đáng trân trọng hơn nhiều thứ tình cảm khác trong cuộc đời này. Trong cuộc đời của mỗi chúng ta, từ lúc được sinh ra và lớn lên ai mà không có mẹ và ai mà không cần mẹ. Nhờ mẹ mà ta được chăm sóc, nâng niu, dạy dỗ và khôn lớn thành người. Tình mẹ là một tình yêu thiêng liêng, cao cả nhất, không có gì có thể thay thế được vì chỉ có mẹ mới chịu đựng được bao nỗi nhọc nhằn, lao tâm lao lực với con mà thôi. Tinh mẹ con được gắn kết bằng sợi dây huyết thống, sự sống của con gắn liền với sự sống của mẹ, tình cảm ấy mang đầy chất liệu yêu thương ngọt ngào, chan chứa vô bờ, chỉ ban phát mà không mong cầu đáp trả.


      Ta thường nghe nhắc về ơn sinh thành của mẹ và tấm lòng mẹ thương con vô bờ bến. Đối với mẹ con là tất cả, là món quà lớn nhứt trời ban tặng cho. Được nhìn một sinh vật mụ mẫm do mình dứt ruột sanh ra, rồi lớn dần lên theo ngày tháng, nghe những âm thanh bập bẹ đầu đời, rồi nhìn những bước đi chập chững của con... hỏi người mẹ nào mà không cảm thấy hạnh phúc tràn đầy. Để từ đó, người mẹ sẵn sàng hi sinh tất cả cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo bọc những đứa con của mình thành những con người hữu dụng cho mai sau.


      Thật sung sướng biết bao, khi tuổi thơ của chúng ta được lớn lên trong vòng tay yêu thương của mẹ, một tình thương thật thuần khiết và nhân hậu. Tình thương ấy đã được ghi khắc lại trong muôn ngàn áng văn chương qua những điệu hát ru, những câu ca dao, những vần thơ, những điệu nhạc, những câu chuyện ca tụng tình cảm thiêng liêng này của mẹ.


      Trong văn học, hình ảnh người mẹ là một trong những đề tài được viết đến nhiều nhất trên khắp thế giới cũng như trong văn học Việt Nam. Đề tài về mẹ và tình thương dành cho mẹ là một việc tự nhiên nên là một đề tài bao la, bát ngát, không bao giờ cũ, là bầu sữa ngọt, là nguồn suối mát, là hương thơm, là dỗ dành, là hi sinh, là yêu thương đùm bọc và là tất cả những gì cao quí nhất trên đời. Cho nên, mẹ luôn luôn là nguồn cảm hứng dồi dào, luôn gây xúc động lòng người và dễ đánh động con tim người đọc nhứt... Cho nên dễ hiểu khi đề tài mẹ đã rất được phổ biến từ trong dân gian qua các câu ca dao cho đến những sáng tác của nhiều nhà văn, nhà thơ và nhạc sĩ khai thác và thể hiện một cách sâu sắc và sinh động.


      Trong kho tàng văn học Việt Nam có rất nhiều thì cũng như nhạc được sáng tác để ca ngợi mẹ, rất nhiều đến nỗi không thể kể hết được vì nếu được sưu tập đầy đủ sẽ là một số lượng rất lớn. Nhiều vì mỗi người chúng ta đều có một bà mẹ, nên nếu chỉ có một số ít trong toàn thể dân Việt viết về mẹ từ thế hệ này qua thế hệ khác, thì có thể nói số lượng sẽ rất khổng lồ, đó là chưa kể đến những ca dao dân gian cũng không kém phần đồ sộ.


      Riêng trong ca dao Việt Nam không thiếu những câu ca tuy lời lẽ mộc mạc, chân thành nhưng không kém phần sâu sắc. Kho tàng này vô cùng phong phú và đa dạng. Có rất nhiều chủ đề được ca dao đề cập đến những chủ đề về mẹ là một chủ đề được đề cập đến nhiều và dưới mọi khía cạnh của tình mẹ con.


      Trước hết, sự việc mẹ phải “chín tháng cưu mang”, rồi “ba năm bú mớm”, cũng như sự nhọc nhằn thức khuya dậy sớm để lo cho con luôn luôn được nhắc nhở tới:


      - Ai rằng công mẹ bằng non

      Thật ra công mẹ lại còn hơn non.

      - Nhớ ơn chín chữ cù lao,

      Ba năm nhũ bộ biết bao nhiêu tình.

      - Những khi trái nắng trở trời,

      Con đau là mẹ đứng ngồi không yên.

      Trọn đời vất vả triền miên,

      Chăm lo bát gạo đồng tiền nuôi con.


      Và hơn thế nữa, mẹ lúc nào cũng là người bảo bọc, chăm lo, che chở cho con được yên lành trong mọi hoàn cảnh:


      - Nuôi con chăng quản chi thân,

      Chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo con lăn.

      - Gió mùa thu mẹ ru con ngủ,

      Năm canh chầy thức đủ năm canh.


      Sự thương yêu, khổ cực và tận tụy của cha mẹ ít khi được con biết tới cho đến khi tới phiên người con trở thành cha hoặc mẹ, khi đó mới cảm nhận được tất cả sự hi sinh của cha mẹ:


      - Lên non mới biết non cao

      Nuôi con mới biết công lao mẹ hiền.

      - Ta đi trọn kiếp con người

      Cũng không đi hết những lời mẹ ru.


      Và tình thương của mẹ bao giờ cũng tha thiết và ngọt ngào:


      Mẹ già như chuối ba hương

      Như xôi nếp mật, như đường mía lau.


      Đến khi hiểu ra thì do hoàn cảnh đã không còn cha mẹ ở cạnh để chăm sóc nên nỗi nhớ thương về mẹ bao giờ cũng sâu đậm:


      - Ghe bầu trở lái về động

      Con gái theo chồng mẹ ở ai nuôi...

      - Vẳng nghe chim vịt kêu chiều

      Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau.


      Nỗi nhớ thương mẹ càng tha thiết và biến thành lo sợ vì thời gian không chịu chờ được tới ngày người con trở về thăm mẹ:


      Mẹ già như trái chín cây

      Gió lay mẹ rụng con thời mồ côi.


      Điều đáng nói là tấm lòng người mẹ, cũng như tình của con đáp lại mẹ, dù có thể có những cách biểu hiện khác nhau tùy hoàn cảnh nhưng không phân biệt Đông Tây kim cổ, nghề nghiệp, địa vị xã hội, trần tục hay tu hành... mà đâu đâu, thời nào cũng tha thiết như nhau.


      Hình ảnh người mẹ với nỗi xót xa, cay đắng lẫn nỗi nhọc nhằn, tần tảo luôn được nhắc đến không những trong ca dao, dân ca mà còn trong thơ nhạc của dòng sông văn học Việt Nam, đặc biệt là vẻ đẹp của tình mẹ đối với con cái... là một trong những đề tài trung tâm trong văn học Việt Nam từ xưa đến nay.


      Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam nói chung, và các bà mẹ nói riêng luôn là những biểu tượng cao đẹp, rõ nét trong lòng mọi chúng ta. Hình ảnh của người phụ nữ trong vai trò nữ tướng cần cù đảm đang này đã được cụ Tú Xương khắc hoạ trong thi phẩm Thương Vợ hết sức cảm động:


      Quanh năm buôn bán ở mom sông

      Nuôi đủ năm con với một chồng.

      Lặn lội thân cò khi quãng vắng

      Eo xèo mặt nước buổi đò đông.


      Các văn nghệ sĩ Việt Nam thường hay dùng cụm từ “thân cò” để chỉ thân hình mảnh mai yếu đuối của người mẹ Việt Nam và dù yếu đuối vẫn ráng sức vật lộn với gian truân, sóng gió của cuộc đời dựa vào sức mạnh của tình yêu thương nên sẵn sàng hi sinh cho con trẻ không ngại gì, và luôn tâm niệm lấy hạnh phúc của chồng con làm niềm vui cho bản thân, lấy sự phục vụ gia đình làm hạnh phúc của chnh mình:


      Con cò lặn lội bờ ao (sống),

      Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non.


      Trong cảnh đời lao lung đầy cạm bẫy, với thân có yếu đuối nếu bị nguy biến không thể tự cứu lấy mình trong lúc dầu sôi lửa bỏng, ví phải có chết thì cũng nguyền chết cho trong sáng, không chết trong vẩn đục làm đau lòng con thơ thân yêu của mình:


      Con cò mà đi ăn đêm

      Đậu phải cảnh mềm lộn cổ xuống ao

      Ông ơi hãy vớt tôi nao

      Tôi có lòng nào ông nỡ xáo măng

      Có xáo thì xáo nước trong

      Đừng xáo nước đục đau lòng cò con.


      “Thân cò” của mẹ còn khổ đau nhiều lần hơn trong một nước Việt Nam chinh chiến triền miên khi cha vì nghĩa vụ làm trai quanh năm phải dấn mình trong chiến trường lửa đạn. Ở nhà chỉ còn một mình mẹ tảo tần gồng gánh nuôi con, nhiều lúc phải vượt mọi hiểm nguy ôm con chạy giặc, lấy thân mình che đạn pháo cho con:


      Dấu chân mẹ dãi dầu thân cát bụi,

      Gánh tình thương rong ruổi giữa chợ đời!


      Khi chiến tranh chấm dứt, những tưởng gia đình sẽ được đoàn tụ, vợ chồng con cái sống những ngày yên ấm bên nhau, nào ngờ “thân cò” còn phải chịu nhiều tang thương hơn vì chồng, con bị đọa đầy trong các trại tù cải tạo xa xôi vùng rừng sâu, núi thẳm và “thân cò” lại phải “lặn lội bờ ao” và qua bao nhiêu cây cầu đắng cay để “gánh gạo thăm nuôi chồng con”!


      Rồi hằng đêm nhớ về người chồng tù tội không biết ngày nào ra mà thương cho số phận:


      Thương số kiếp lao lung trắc trở

      Định mệnh buồn lỡ dở cung thương

      Mưa chiều ảm đạm vấn vương

      Sương buồn thắm lạnh đêm trường có miên.


      Bụi đường xa khuất miền quan ải

      Lòng bồi hồi tê tái trông tin

      Tháng ngày cứ mãi lặng thinh

      Bóng chàng biền biệt, một mình bơ vơ!

      (Tâm Sự Vợ Tù Cải Tạo – Lưu Nguyễn Từ Thức)


      Cụ Nguyễn Du trong tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh bất hủ của mình cũng ngợi ca lòng hiếu thuận của con với cha mẹ và vì chữ hiếu này mà Kiều đã phải bán mình chuộc cha và trải qua 15 năm đoạn trường lận đận. Trong suốt 3254 câu thơ trác tuyệt, có rất nhiều câu nói về ơn sâu nghĩa nặng của cha mẹ nói chung mà nàng luôn canh cánh bên lòng:


      - Vẻ chi một mảnh hồng nhan,

      Tóc tơ chưa chút đền ơn sinh thành...

      - Hổ sinh ra phận má đào,

      Công cha nghĩa mẹ kiếp nào trả xong...


      Để đền đáp ơn nghĩa sinh thành cao dầy không biết kiếp nào mới trả xong nên nàng Kiều đã hi sinh thân mình cho sự bình an của gia đình là biểu hiện cao nhất của chữ hiếu vì Kiều nghĩ đến trách nhiệm đối với gia đình của người con cả:


      Thà rằng liều một thân con

      Hoa dù rã cánh, lá còn xanh cây.


      Tuy nhiên, cụ Nguyễn Du vẫn không quên chữ hiếu của Kiều đối với mẹ nên cụ đã dành ra một câu nhắc riêng đến lòng hiếu thuận của Kiều dành cho mẹ:


      Hạt mưa sá nghĩ phận hèn,

      Liệu đem tấc cỏ quyết đền ba xuân.


      Trong câu 8 Cụ Nguyễn Du đã khéo mượn ý từ hai câu thơ trong bài thơ Đường của Mạnh Giao và thu gọn thành một câu duy nhất để ca tụng công ơn của mẹ. Đại ý bài thơ Du Tử Ngâm này được cụ Trần Trọng Kim tóm lược như sau: Người con đi xa, mặc cái áo mẹ may cho, nhớ đến công ơn mẹ, không biết báo đến thế nào cho vừa và ví lòng mẹ hiền với ánh nắng dịu dàng của tiết ba xuân. Hai câu sau cùng của bài thơ đó là: “Thuỳ ngôn thốn thảo tâm,/Báo đắc tam xuân huy” đã được cụ Trần diễn nghĩa là: “Chút lòng tấc cỏ dễ đâu / Bóng ba xuân đáp ơn sâu cho người” (Trần Trọng Kim, Đường Thi, Văn hoá Thông tin, 1995).


      Công ơn cha mẹ sâu nặng như núi như biển nên từ xa xưa đã có nhiều câu ca dao lưu truyền trong dân gian nhắc nhở đạo hiếu của kẻ làm con đối với bậc sanh thành của mình:


      Công cha như núi Thái Sơn

      Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

      Một lòng thờ mẹ kính cha

      Cho tròn đạo hiếu mới là đạo con.


      Đây là bài ca dao rất nổi tiếng nói về công cha nghĩa mẹ to lớn như trời biển không gì sánh nổi, qua đó nhắn nhủ chúng ta phải luôn sống theo đúng đạo lý làm người. Nhà văn hóa, quân sự thiên tài Nguyễn Trãi trong tác phẩm Gia Huấn Ca cũng đã đề cao đạo đức, luân lý gia đình và xã hội, trong đó đạo Hiếu đã được ông chú trọng nhắc phận làm con:


      Ru hời, ru hỡi, ru hời

      Công cha như núi ngất trời

      Nghĩa mẹ như nước ngời ngời biển đông

      Núi cao biển rộng mênh mông

      Cù lao chin chữ ghi lòng con ơi.


      Và ông khuyên người con phải:


      Cù lao đội đức cao dày

      Phải lo hiếu kính đến ngày khăng khăng.


      Ca dao, tục ngữ Việt Nam cũng không thiếu những câu nhắc nhở mọi người phải nhớ về công ơn sinh thành và cội nguồn của mình như: “Chim có tổ, người có tông” hay “Uống nước nhớ nguồn”. Và để vinh danh cho tình cảm thiêng liêng cao dầy đó, văn hóa Việt Nam đã dành riêng một ngày vào rằm tháng bảy Lễ Vu Lan làm ngày báo hiếu cha mẹ. Trong ngày này người dân đi chùa dâng lễ cầu nguyện cho người thân đã khuất và nhận đó nhắc nhở nhau về nguồn cội của sự sống và đạo lý sống sao cho hợp lòng trời và lòng người. Khởi đầu từ năm 1962, qua quyển sách nhỏ Bông Hồng Cài Áo, thiền sư Nhất Hạnh đã đề xuất là trong ngày lễ Vu Lan hãy gắn lên ngực áo một bông hồng đỏ cho những ai có diễm phúc còn mẹ, và một bông hồng trắng cho người nào không còn diễm phúc đó. “Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi có khóc than cũng không còn kịp nữa”. Sáng kiến này đã được các Phật tử hưởng ứng rộng rãi. Việc gắn hoa hồng này sau đó đã gợi ý cho nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ sáng tác một ca khúc có cùng tên. Trong ca khúc Bông Hồng Cài Áo của Phạm Thế Mỹ có đoạn:


      Một bông hồng cho em

      Một bông hồng cho anh

      Và một bông hồng cho những ai

      Cho những ai đang còn mẹ

      Đang còn mẹ để lòng vui sướng hơn

      Rủi mai này mẹ hiền có mất đi

      Như đóa hoa không mặt trời...


      Lời bài hát nghe thật buồn, nó đã thể hiện được sự quan trọng của người mẹ đối với người con cũng như là sự thiếu thốn, mất mát không gì bù đắp được khi không còn mẹ. Tập tục gắn bông hồng đến nay vẫn còn được áp dụng rộng rãi, được mọi người coi như một hành động để biểu hiện sự nhớ mẹ và ca khúc Bông Hồng Cài Áo cũng được cho là một trong những bài hát tiêu biểu nhất về chủ đề chữ hiếu và được trình bày rất nhiều trong mùa Lễ Vu Lan.


      Trong âm nhạc Việt Nam cũng có rất nhiều bài hát diễn tả và ngợi ca tấm lòng của người mẹ đối với con nhưng chỉ có một số ít bài đánh động được con tim người nghe như bài Lòng Mẹ của Y Vân đã âm vang ca ngợi lòng mẹ bằng một giai điệu tha thiết và sâu lắng nói lên đầy đủ tình thương vô bờ và sự che chở, tảo tần của mẹ bằng những hình ảnh rất đẹp nên đã được đông đảo quần chúng đón nhận từ thập niên 1950 và mãi cho đến ngày nay:


      Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào

      Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào

      Lời ru êm ái như đồng lúa chiều rì rào

      Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng mẹ yêu...


      Trong sự bảo bộc và tiếng ru êm đềm triền miên của mẹ người con đã lớn khôn:


      Thương con khuya sớm bao tháng ngày

      Lặn lội gieo neo nuôi con tới ngày lớn khôn.


      Nhưng cho dù con đã lớn, lòng thương yêu lo lắng của mẹ vẫn không chấm dứt vì đối với mẹ, người con sẽ mãi chỉ là một đứa trẻ nhỏ luôn cần có mẹ chăm nom, nên nhà thơ Chế Lan Viên đã ghi nhận:


      Con dù lớn vẫn là con của mẹ

      Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con”.


      Đúng vậy vì lòng mẹ lúc nào cũng theo con nên tấm lòng của người con hiếu đạo lúc nào cũng mang nặng hình ảnh mẹ. Vì vậy cho nên nhà thơ Trần Trung Đạo sau hơn 10 năm dài đằng đẵng xa vắng mẹ, bỗng một hôm sung sướng lặng người được nghe lại tiếng mẹ vang lên trong phone từ bên kia bờ đại dương:


      Nhấc chiếc phone lên bỗng lặng người

      Tiếng ai như tiếng lá thu rơi

      Mười năm mẹ nhỉ, mười năm lẻ

      Chỉ biết âm thầm thương nhớ thôi.

      . . .

      Nhấc chiếc phone lên bỗng lặng người

      Giọng buồn hơn cả tiếng mưa rơi

      Ví mà tôi đổi thời gian được

      Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười.


      Đẹp biết bao nhiêu lòng của người con muốn đánh đổi thời gian cả ngàn năm, nếu có được chỉ để đổi lấy tiếng cười hạnh phúc của mẹ.


      Khi nhắc đến Lòng Mẹ ta không thể nào quên bài Mẹ Tôi của Nhị Hà cũng ra đời trong cùng một thời gian, qua đó là hình ảnh người mẹ tảo tần lo nuôi dạy đàn con bất chấp tuổi xuân:


      Mẹ tôi tóc xanh nhuộm bạc tháng ngày

      Mẹ tôi đau buồn nặng trĩu đôi vai

      Bao năm nuôi đàn trẻ thơ nhỏ dại

      Cầu mong con mình có một ngày mai...


      Và khi chim con đã đủ lông đủ cánh bay xa, hình ảnh cô đơn của mẹ nơi quê xưa ngóng đợi người con gợi lên hình ảnh đẹp và xúc cảm biết bao:


      Chiều chiều, bên liếp lều tranh

      Mẹ tôi đứng đợi đàn con

      Trước gió tóc trắng lòa xòa

      Đôi mắt dịu hiền như bể tình thương.


      Cuối cùng lúc con thành đạt và tìm về thì mẹ đã không còn nữa, thật là xót xa:

      Nhưng nay con đã nên người

      Thì nay còn đâu bà mẹ hiền xưa.


      Bài ca Mẹ Tôi của Nhị Hà đã được mọi người coi là một trong những bài hát tiêu biểu về chủ đề người mẹ, tương đương với bài Lòng Mẹ rất được phổ biến của nhạc sĩ Y Vân, cả hai đã được ví như là một thứ “Kinh vinh danh tình mẫu tử”.


      Mỗi người chỉ có một mẹ với biết bao ơn nghĩa sâu nặng, nếu thiếu vắng tình yêu của mẹ thì cuộc sống của chúng ta sẽ bất hạnh và đau khổ biết chừng nào. Tuy vậy, trong cuộc sống hiện đại, những xa hoa, xô bồ, những áp lực cuộc sống và công việc đôi khi làm cho ta quên đi hình ảnh người mẹ, quên đi một người vẫn luôn dõi theo từng bước ta đi, quên đi vẫn còn một nơi bình yên luôn rộng tay chào đón ta về, quên rằng có một người vẫn ngày đêm lo lắng, vẫn luôn tưởng nhớ đến ta, người đó không ai khác chính là Mẹ với vẻ đẹp truyền thống: đảm đang, vị tha, thủy chung son sắt, giàu đức hi sinh.


      Từ ngàn xưa, hình ảnh người mẹ đã khắc sâu vào tâm trí, con tim của người con đất Việt, hình ảnh của tình thương yêu dạt dào, như dòng suối hiền ngọt ngào cũng như sự tảo tần, cam chịu và hi sinh nên đã được truyền thuyết hóa và gán ghép cho những cảnh trí núi non có hình thù đặc biệt như núi Mẹ Bồng Con ở Phú Yên, Núi Vọng Phu ở Nghệ An, hay Hòn Vọng Phu ở Kỳ Lừa (Lạng Sơn), và người đứng đợi có thể là mẹ trông con hay vợ trông chồng, những người con hay người chồng đã khoác chiến y ra đi chống giặc không biết được ngày về:


      - Bồng con ngồi dựa trên non

      Trăng thu vằng vặc dạ còn nhớ trông

      - Mẹ bồng con lên ngồi cầu Ái Tử

      Vợ trông chồng đứng núi Vọng Phu

      Một mai bóng xế trăng lu

      Ve kêu mùa hạ, biết mấy thu mới gặp chàng! (ca dao)


      Tiến thêm một bước nữa, hình ảnh người mẹ quả cảm dâng hiến người con cho đất nước khi đất nước lên tiếng gọi đã được hình tượng hóa thân thành đất nước, thành quê hương. Mẹ và quê hương, hai đối tượng, một tình yêu thương đã được thăng hoa và hòa nhau làm một. Tình thương yêu con được nâng lên ngang tầm tình yêu quê hương. Ôi, tình mẹ và tình quê hương đất nước quả thật cao vời! Mẹ đã hoá mình vào đất nước, quê hương. Mẹ của ta cũng chính là bà mẹ Việt Nam, bà mẹ Âu Cơ hơn 4000 năm tuổi với trái tim bao la và vòng tay rộng mở:


      Mẹ Âu Cơ ngóng đợi đàn con

      Đàn con yêu tìm lại cội nguồn

      Chắp cánh bay tìm về tổ Lạc

      Đem trí nhân dập lửa bạo tàn.

      Năm mươi con từ nơi biển ngoài

      Về quê mẹ góp sức dựng xây

      Sách ước xưa đua đường dẫn lối

      Lời kinh vô tự vẳng đâu đây.

      (Tìm về cội nguồn - Lưu Nguyễn Từ Thức)


      Mẹ đã hoá thân vào hồn thiêng sông núi, vào hồn thiêng dân tộc. Cho dù con đi đâu, ở tận chân trời xa xăm nào, con vẫn nhớ về quê hương, nhớ về đất mẹ Việt Nam thân thương. Nhà văn Đỗ Trung Quân có nói, "quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người". Thật vậy, quê hương thật thơ mộng và khi nghe ai đó gợi nhắc đến quê hương là lòng ta xao xuyến nhớ thương. Có rất nhiều và rất nhiều tuyệt tác diễn tả về quê hương, về bà mẹ Việt Nam yêu thương mà sau đây là một trong những tác phẩm tiêu biểu làm rung động lòng người, đó là bài Bà Mẹ Quê Hương của nhà thơ Hà Huyền Chi:


      Quê hương là một bến sông

      Có con đò nhỏ đợi trông người về

      Quê hương là câu ước thề

      Từ ngày thơ dại cận kề bên nhau

      Quê hương là cả niềm đau

      Biệt ly mất mát bể dâu khôn lường

      . . .

      Quê hương là những vần thơ

      Gieo trong đêm trắng ngẩn ngơ nhớ nhà

      Quê hương là bà mẹ già

      Nghèo, quê, xấu, vụng - vẫn là mẹ ta

      Trái tim mẹ vẫn bao la

      Đẹp hơn tất cả bài ca trên đời.

      (Bà Mẹ quê hương, Hà Huyền Chi)


      Có thể nói, hình tượng người mẹ là một trong những hình tượng nghệ thuật tiêu biểu của nhạc và thơ ca Việt Nam. Như một nỗi niềm ân nghĩa thiêng liêng, xưa cũng như nay, trong quan niệm về mẹ của người Việt Nam là hướng về cội nguồn, hướng về người mẹ đã sinh ra con người của đất nước này, dân tộc này. Hình tượng ấy vừa phản ánh khí thế hào hùng của dân tộc, vừa là biểu trưng của văn hóa truyền thống và hiện đại của Việt Nam. Nó thầm lặng mà mãnh liệt, dịu dàng, thủy chung mà anh dũng, kiên trung, đau thương, vất vả mà đôn hậu và tươi thắm vô ngần.


      “Trong vũ trụ có rất nhiều kỳ quan, nhưng kỳ quan đẹp nhất là Trái tim của người mẹ”.

      TS Nguyễn Minh Triết

      04/2020


      - Tiến sĩ NGUYỄN MINH TRIẾT bút hiệu LƯU NGUYỄN TỪ THỨC.

      - Học vấn: Tốt nghiệp Cử nhân Luật Khoa (1962), Cao Học Hành Chánh khoá 2, Sĩ quan trừ bị Bộ Binh Thủ Đức (khoá 9/68). Master in Public Administration, và Ph.D. in Management Data Progressing.

      - Tác phẩm: Viết nhiều biên khảo văn học cũng như nhiều thơ với bút hiệu Lưu Nguyễn Từ Thức cho các tập san văn học in và mạng như: Hoài Bão Quê Hương, Văn Hoá Việt Nam, Việt Báo, Chủ Đề, Đồng Nai - Cửu Long, Nam Kỳ Lục Tỉnh, Tin Văn Văn Bút, Văn Hoá Mới, Việt, Văn Học Nghệ Thuận, Giao Mùa, các đặc san Hành Chánh, Luật Khoa, Thủ Đức.

      - Phát hành nhiều CD Thơ và CD thơ phổ nhạc: Những Giọt Sương Rớt Muộn, Phiên Khúc Trầm, Giọt Tình Buồn, Tình Khúa Một Thời Để Nhớ... và góp mặt vào các Tuyển Tập Thơ như: Những Giọt Sương Rớt Muộn, Hoa Vông Vang, Phố Ảo Tình Chân, Hoa Vàng, Giao Mùa...

      Nguyễn Minh Triết

      Tạp chí Văn Hóa Việt Nam số 89 (Mùa Hè), 2020

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Mẹ Trong Nhạc Và Thơ Việt Nam Nguyễn Minh Triết Nhận định

      - Đọc Hiểu Văn Bản Nghệ Thuật & Sự Tương Tác Nhà Văn Với Người Đọc Nguyễn Minh Triết Khảo luận

    3. Tiểu Luận (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)
  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)