|
Nhật Ngân(24.11.1942 - 21.1.2012) | Phan Nhự Thức(4.2.1942 - 21.1.1996) | Trương Đình Quế(.0.1939 - 21.1.2016) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Bộ sách này do Lê Quý Đôn biên soạn và hoàn thành vào tháng bảy năm Quý Tỵ (1773) tại Kinh Nghĩa Đường, phường Bích Câu (Thăng Long). Chúng ta biết rằng trong số các tác giả cổ điển Việt Nam, Lê Quý Đôn là người có số lượng sách lớn nhất còn lưu giữ được đến ngày nay. Ông để lại một thư tịch đồ sộ: nào văn học, triết học, lịch sử, địa lý và ngôn ngữ học, trong số đó, nhiều tác phẩm đã trở thành tiêu biểu cho nền học thuật cổ của đất nước ta.
Vân Đài Loại Ngữ là một trong số những trước tác như thế, mà như lời nhận xét của Phan Huy Chú (1782-1840) là: "Sách bình luận về các loại văn chương, sự vật, phong thổ đã nói trong sách cổ kim, dẫn việc xưa, chứng việc nay, lời văn rất là bao quát”.
Liệt vào bộ Bách Khoa Toàn thư đầu tiên của Việt Nam, do một tác giả biên soạn, thể hiện được tri thức rộng lớn của nhà bác học Lê Quý Đôn, bộ sách này đã giới thiệu được một cách đầy đủ tinh hoa của văn hóa Việt Nam và sự chịu ảnh hưởng mức độ nào đó của vănhóa Trung Hoa.
Vậy, tên đề của sách có ý nghĩa gì? Vân đài là đài chứa sách, có trừ mọt bằng vân hương. Vân hương là hoa một loại cây, có khả năng chống mọt tốt, thường được ghép vào trong sách để bảo quản lâu dài. Loại ngữ là những câu chuyện được sắp xếp thành môn loại chung với nhau, với ý nghĩa loại thư là những bộ sách có nội dung tổng hợp, tương đương với encyclopedia, tức Bách khoa Toàn thư ở các nước Phương Tây. Nội dung của sách không sắp xếp theo thứ tự chữ cái mà chia theo từng môn loại. Như vậy, có thể hiểu Vân Đài Loại Ngữ là những lời nói thu thập tại chốn Vân đài và sắp xếp theo từng loại.
Nội dung của bộ sách này gồm trong 9 chuyên mục. Như đã nêu, sách gồm 4 quyển, tập hợp các kiến thức về văn học, triết học, khoa học tự nhiên, sắp xếp thành 9 chuyên mục, đó là:
• Lý khí: chuyên mục này, thực chất là vũ trụ luận, gồm 54 điều, chủ yếu thuyết giải quan niệm Tống Nho về vũ trụ luận và quan điểm riêng của tác giả bộ sách. Trong đó, trình bày những luận thuyết của Chu Hy, của hai anh em Trình Di, Trình Hiệu và Trương Tài. Trong khoảng trời đất chỉ có Lý và Khí. Lý là cái gốc của vạn vật. Khí là cái vô hình, là khí cụ làm nên vạn vật. Cho nên, khi sinh ra, người và vật đều bẩm thụ cái Lý mới có tính tình và cái Khí mới có hình hài. Theo Lê Quý Đôn, khí đầy rẫy trong khoảng trời đất, còn chữ Lý để nói rằng cái Khí là thực hữu chứ không phải là hư không. Lý không có hình tích, phát hiện ra nhờ ở Khí. Lý ở ngay trong Khí.
• Hình tượng ngữ: thực chất là vũ trụ học, gồm 38 điều trình bày sự vận hành của Mặt trời, Mặt trăng, vị trí các vùng sao, phép làm lịch, lưu tinh, luận chứng việc Trái đất quay từ Tây sang Đông, phép đo bóng Mặt trời, chia thời gian, mối liên hệ giữa thủy triều và tuần trăng.
• Khu vũ ngữ: thực chất là địa lý gồm 93 điều, nói về mối tương quan giwaxs thiên văn và địa lý, giữa chính trị và địa lý, phép lâp bản đồ, các phương hướng, bốn đại dương, các kinh đô qua các triều đại trong lịch sử Trung Hoa và Việt Nam.
• Vựng điền ngữ, thực chất là điều lệ, chế độ, gồm 120 điều, tập hợp những điều ghi lại các trang sách của người trước nói về cúng tế, cầu mưa khi hạn hán, cách thức giải cứu nhật thực, lễ Vu lan tháng 7, tiền giấy, đồng cốt, một số lệ trong triều, phẩm phục, chế độ lương bổng, chế độ khoa cử, cách tuyển dụng quan lại, hộ khẩu thuế má, binh chủng, vũ khí.
• Văn nghệ ngữ, thực chất là văn chương, gồm 48 điều, nói về nguồn gốc văn chương, quan hệ giữa nội dung và hình thức trong văn chương, chức năng của nghệ thuật, văn pháp, thi pháp về đạo đức, phẩm chất, tư tưởng của nhà văn, nhà thơ, phép đọc sách.
• Âm tự ngữ, thực chất là âm nhạc và ngôn ngữ, gồm 111 điều, trong đó nêu mục đích, tôn chỉ và các nội dung chung về âm nhạc, những nhân tố đồng đại và lịch đại, về từ nguyên và khẩu ngữ, về quốc âm, văn tự và thư pháp học và in ấn.
• Thư tịch ngữ, thực chất là vấn đề sách vở, gồm 107 điều, nêu các ghi chép, trích thuật, bàn giải trong khi đọc các pho sách quan trọng.
• Sĩ quy ngữ, thực chất là phép làm quan, gồm 76 điều về cách xử sự với dân, với nước, với vua, với quan trên, đồng đẳng và kẻ dưới sao cho phái đạo, cho ích nước lợi dân.
• Phẩm vật ngữ, thực chất là sản vật, gồm 320 điều. Đây là đề mục dài nhất trong bộ sách, giới thiệu các sản vật tự nhiên và nhân tạo, nguồn gốc phát triển của từng đối tượng phẩm vật. Trong phần này, Lê Quý Đôn chú ý liên hệ nhiều đến thực tế Việt Nam.
Đọc Vân Đài Loại Ngữ chúng ta thu thập được những kiến thức, học thuật, phong tục, nhận xét, phương pháp suy luận, tư tưởng của người xưa một cách tổng quát nhất. Tác giả đã kết hợp được hai mặt tri thức sách vở và tri thức đời sống, vươn tới những hiểu biết tiên tiến nhất lúc bấy giờ. Ở thời đó và ngày nay, Vân Đài Loại Ngữ của nhà bác học Lê Quý Đôn vẫn là đỉnh cao tri thức khoa học Việt Nam thế kỷ 18, xứng đáng được mệnh danh là Bộ Từ điển Bách khoa đầu tiên của nước ta.
- “Vân Đài Loại Ngữ" Bộ Sách Bách Khoa Toàn Thư Đầu Tiên Của Việt Nam
Nguyễn Huy Côn Biên khảo
• “Duy Tuệ Thị Nghiệp”: Từ Trí Tuệ Phật Giáo Đến Sự Phát Triển Nền Giáo Dục Nhân Bản (Vạn Đức)
• Mỹ học của hư vỡ: Kintsugi, lấy vàng nối gốm (Nguyên Giác)
• Lịch Sử Đạo Hồi (PHS News)
• Giáo Dục Quốc Gia (1945 - 1975) (Trần Bích San)
• Văn chương đương đại tiếp nhận gì từ văn học miền Nam (Inrasara)
• Năm Dần Nói Chuyện Cọp (Thái Văn Kiểm)
• Mùa Xuân Nói Về Chữ Tết (Nguyễn Thiếu Dũng)
• “Vân Đài Loại Ngữ" Bộ Sách Bách Khoa Toàn Thư Đầu Tiên Của Việt Nam
(Nguyễn Huy Côn)
• Văn Chương Có Biên Giới Không? (Nguyễn Vy Khanh)
• Khoan Dung Và Dị Biệt Văn Hóa (Nguyễn Sỹ Tế)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |