1. Head_
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Năm Ngọ Nói Chuyện Ngựa (T. V. Phê) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      29-01-2014 | TIỂU LUẬN

      Năm Ngọ Nói Chuyện Ngựa

        T. V. PHÊ
      Share File.php Share File
          

       

      Từ ngàn xưa loài người đã thuần hóa được giống ngựa, từ đó ngựa đã gắn bó mật thiết với đời sống con người: giúp người trong mọi công tác di chuyển, vận tải và chinh chiến. Biết bao chiến công oanh liệt đều có ngựa tham gia. Người với ngựa như hình với bóng, ngựa đã giúp người hoàn thiện những thế võ tuyệt diệu để chế ngự kẻ thù. Những thế đà đao, hồi mã thương hiểm độc và hiệu quả là nhờ sự nhanh nhẹn và "ăn ý" nhịp nhàng của ngựa với chủ lúc tiến, lúc lùi, lúc tung vó, lúc phủ phục! Ai mà không cảm khoái khi đọc Tam Quốc Chí đến đoạn La Quán Trung diễn tả trận "Ðương Dương Trường Bản", con ngựa của Triệu Tử Long mang chủ nó tả xung hữu đột giữa mấy chục vạn quân của Tào Tháo trong suốt một ngày trời!


      Do vậy ngựa đã tràn ngập hình ảnh trong lịch sử và nhiều ngành nghệ thuật của con người.


      A.- NGỰA TRONG LỊCH SỬ:


      1) VIỆT NAM:


      a) Trong lịch sử nước ta có con ngựa sắt phi thường của Thánh Gióng (Phù Ðổng Thiên Vương), phun lửa phá giặc Ân. Sự tích đó cũng cho phép ta ước đoán được thời kỳ dân Lạc đã biết được kỹ thuật đúc thép, kế tiếp thời kỳ đồng thau.


      b) Thời nhà Ðinh, Hoa Lư là cố đô của nước Ðại Việt, trải qua hai triều Ðinh (968 - 980) và Tiền Lê (980 - 1009), di tích nằm trong địa phận xã Trường Yên, huyện Gia Khánh, tỉnh Hà Nam Ninh. Sau khi chiến thắng quân Tống trên sông Bạch Ðằng, Lê Ðại Hành đã tiếp sứ Trung Hoa nhiều lần ở Hoa Lư. Trong số sứ giả có Lý Giác vịnh cảnh Hoa Lư như sau:


      Mã đạp yên vân xuyên lãnh thạch

      Xa từ thanh chướng phiếm trường lưu

      (Ngựa đạp trên mây khói, đi xuyên qua núi đá lạnh; Xe ra khỏi rừng biếc, lại ngồi xuống thuyền đi trên một dòng sông dài). (1)


      c) Sau khi Hưng Ðạo Vương thắng trận Bạch Ðằng đuổi giặc Mông cổ, vua Trần Nhân Tôn thấy ngựa đá ở trước lăng tẩm, con nào cũng chân đều lấm bùn, mới nghĩ rằng tiên đế anh linh đã cỡi ngựa theo giúp mới thắng; bèn nói:


      Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã

      Sơn hà thiên cổ điện kim âu

      (Xã tắc hai phen nhọc ngựa đá, Non sông ngàn thuở vững âu vàng).


      2) MÔNG CỔ:


      Người Mông Cổ đã sống cuộc đời du mục, hầu hết thời gian là trên lưng ngựa. Ngựa Mông Cổ nhỏ con, nhưng rất bền sức và được tôi luyện qua chinh chiến, nên trở thành vật bất ly thân của mọi chiến binh, không gì đổi được. Cả tháng ròng, chiến binh có thể chỉ uống sữa ngựa để cầm hơi; còn ngựa thì có thể gặm bất cứ thứ cỏ nào, từ loại vàng hoe vì bị nắng hun, đến loại mủn ra vì sình lầy! Thành Cát Tư Hãn đã chết trên lưng ngựa như mộng ước. Con trai ông tế vong hồn cha theo đúng nguyên tắc Mông Cổ: chém cả một đàn chiến mã thượng thặng và 40 thiếu nữ đẹp nhất, xuất thân từ dòng dõi quý tộc!


      Ngựa là cả gia tài của họ, nên không ai dám ăn thịt ngựa. Phụ nữ cỡi ngựa không thua gì đàn ông. Hàng năm, những cuộc đua ngựa dành cho trẻ em - dưới sự tổ chức của Thành Cát Tư Hãn - vẫn là lễ hội hấp dẫn mọi người. Cũng nhờ ngựa mà dòng họ vị Ðại hãn này đã làm chủ gần hết hai lục địa Âu, Á; mà về sau, không có một lực lượng quân sự nào đủ sức chinh phục những vùng đất bao la đến thế!


      3) TRUNG HOA:


      Vua Ðường Thái Tông rất mê ngựa, tàu ngựa của ông chứa hàng nghìn con, được chăm sóc và rèn luyện kỹ lưỡng.


      Trong truyện Tàu có kể 3 con ngựa qúy: Con Ô Truy của Hạng Vũ, con Xích Thố của Quan Công và con Ðích Lư của Lưu Bị.


      - Hạng Võ đến quê hương của người đẹp Ngu Cơ thì thấy có một đầm nước đang ầm ầm sóng vỗ; một con vật đen sì từ dưới nước phóng lên. Hạng Võ đến gần mới biết đó là con ngựa cao lớn, lông đen tuyệt đẹp, đang tung vó hí vang. Hạng Võ vui mừng nhảy phóc lên lưng cỡi thì ngựa lồng lộn phi nhanh. Ðến khi thân nó ước đẫm mồ hôi mà Hạng Võ vẫn còn trên lưng nó trơ trơ, con Ô Truy mới chịu thần phục và giúp Hạng Võ xông pha trận mạc tiêu dịệt nhà Tần, trở thành Sở Bá Vương tranh thiên hạ với Lưu Bang (Hán Sở Tranh Hùng).


      - Con Xích Thố nguyên của Ðổng Trác (Tam Quốc Chí). Con thần mã này đi ngàn dặm không mệt, có tài trèo non lội suối như đi trên đất bằng, mình đỏ như lửa, tiếng hí như chuông. Ðổng Trác muốn lấy lòng Lữ Bố (có sức khỏe vô địch), đã nghe lời mưu sĩ Lý Túc, tặng con Xích thố này cho Lữ Bố. Lữ Bố thích và cảm động quá nên nhận Ðổng Trác làm bố nuôi. Lữ Bố cậy có con thần mã nên đã sao lãng việc binh, đam mê nử sắc (nàng Ðiêu Thuyền), nên bị chết về tay Tào Tháo. Về sau, khi Quan Vân Trường đầu hàng Tào Tháo, Tháo đã cho Quan Công con Xích Thố này cùng với nhiều gái đẹp và vàng bạc. Khi Quan Vân Trường về với Lưu Bị, ông trả lại hết vàng bạc và gái đẹp, nhưng giữ lại con Xích Thố! Ông là người nỗi tiếng thanh liêm, chính trực, nhưng đã không trả lại ngựa! Thế mới thấy con ngựa quý đến chừng nào! Về sau, Quan Vân Trường sa cơ bị giết, con Xích thố bị Mã Trung (tướng Ðông Ngô) bắt được. Nó không chịu ăn mà chết theo chủ!


      - Con Ðích Lư, dưới mắt có chỗ trũng chứa nước mắt, cạnh trán có điểm trắng, các mưu sĩ bảo đó là loại ngựa hại chủ. Nguyên trước kia, con Ðích Lư là của Trương Vũ, khi lâm trận bị Triệu Tử Long giết chết và dắt ngựa về dâng cho Lưu Bị. Sau này khi Lưu Bị gặp nạn bị kẻ thù bày kế ám hại, ba mặt thành đều có binh mã bao vây, ông nhảy lên lưng con Ðích Lư chạy thoát đến suối Ðan Khê. Trước mặt là suối rộng, nước chảy xiết, sóng vỗ ầm ầm; sau lưng là truy binh đã gần tới. Lưu Bị hãi hùng quất ngựa đại xuống suối, ngựa ngã qụy hai chân trước, ướt cả áo bào. Ông giơ roi lên trời than:


      "Ðích Lư! Ðích Lư! Mi đã hại ta rồi!"


      Vừa dứt lời, con Ðích Lư bỗng tung vó nhảy vọt sang bờ bên kia. Lưu Bị bàng hoàng như bay trên mây; không ngờ mình đã thoát nạn!


      B.- NGỰA TRONG HỘI HỌA:



           Mục Mã Đồ (tranh lụa Hàn Cán)

      - Hàn Cán đời Ðường vẽ tranh về ngựa thật tài tình. Bức rất nỗi tiếng ông vẽ một con ngựa trắng bị cột vào trụ cây, giận dữ đập vó nhảy chồm lên hung hãn! Một bức khác: "Mục Mã Ðồ", ông vẽ hai con ngựa và gã mã phu, thủ pháp thủy mạc trên lụa có tô điểm thêm một chút màu nhẹ, hai con ngựa sóng bước, lộ ra tất cả tinh anh sống động của loài ngựa ... Đây là một kiệt tác, tinh tế, cân xứng, hòa hợp.


      - Tranh của Lý Long Miên đời Tống vẽ ngựa với dáng vẻ chắc nịch khỏe khoắn và rất sống động. Bức "Năm Con Ngựa Triều Cống", con nào cũng để lộ thần thái linh hoạt với ức, bờm, chân, đuôi rất chặt chẽ, hài hòa, những chấm phá mực Tàu trên mình ngựa thật tài tình. Tô Ðông Pha bình luận: "Trong đầu Lý Long Miên có hàng nghìn con ngựa, không phải ông chỉ vẽ da thịt ngựa mà còn vẽ cả xương cốt ngựa nữa!"


      - Triệu Mạnh Phủ là danh họa bậc nhất đời Nguyên. Bức thủy mạc "Ðàn Ngựa Qua Sông" hiện thuộc bộ sưu tập của Viện Bảo Tàng Freer Gallery (Hoa Thịnh Ðốn) với "nét bút vững chãi, đúng mực, sinh khí ẩn tàng mạnh mẽ, chủ động với thần khí ngay cả trong những nét nhỏ nhặt nhất". (2)



           Tranh ngựa Từ Bi Hồng

      - Trước kia bức tranh "Phóng Mục Ðồ" của Vĩ Yển đời Ðường, vẽ tới hơn ngàn con ngựa; ngày nay họa sĩ Cung Xuân Hồ -Trung Quốc- đã bỏ ra hơn bốn năm để hoàn tất bức "Vạn Mã Ðồ" dài 25 mét có tới chục ngàn con ngựa với đủ dáng vẻ khác nhau nằm trong tranh!


      - Từ Bi Hồng thời cận đại (1895-1953) thường vẽ ngựa ở tư thế động: tung vó, dựng bờm, phi nước đại... vô cùng sinh động, tạo nên một phong cách riêng biệt.


      C.- NGỰA TRONG VĂN HỌC:


      Bóng dáng ngựa có rất nhiều trong văn thơ truyện tích nước ta, điển hình sau đây là vài tác phẩm quan trọng:


      1) Truyện Kiều (Nguyễn Du)


      Trong Truyện Kiều có đến hơn 20 trường hợp cụ Nguyễn Du dùng ngựa hoặc những vật liên quan đến ngựa như "câu", "khấu", "dây cương" "nhạc" để diển tả. Sau đây là những trường hợp đặc biệt nhất:


      - Tả chàng Kim từ lúc xuất hiện đến lúc xuống ngựa mất 9 câu cụ đã dùng hết 4 câu nói về ngựa:


      Nhạc vàng đâu đã tiếng nghe gần gần (câu 134)

      Trông chừng thấy một văn nhân

      Lỏng buông tay khấu bước lần dặm băng (c.136)

      Ðề huề lưng túi gió trăng

      Sau chân theo một vài thằng con con

      Tuyết in sắc ngựa câu giòn (c.139)

      Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời

      Nẻo xa mới tỏ mặt người

      Khách đà xuống ngựa tới nơi tự tình (c.142)


      - Tả Sở Khanh, cụ để anh ta nói "phét" rằng anh có một con ngựa phi rất nhanh như đuổi theo được gió (truy phong):


      Rằng: "Ta có ngựa truy phong" (c. 1108), để làm nàng Kiều yên tâm rằng anh có thể dẫn nàng trốn thoát khỏi cảnh lầu xanh. Ðến khi "Tiếng người đâu đã mái sau dậy dàng"  thì:


      Sở Khanh đã rẽ dây cương lối nào! (c. 1126)


      Cho nên ngày nay khi nói "quất ngựa truy phong" không ai nghĩ rằng quất ngựa chạy cho nhanh mà nghĩ theo nghĩa đầy mỉa mai nhạo báng là: quất ngựa chạy trốn; và Sở Khanh không còn là danh từ riêng nữa mà biến thành tính từ với nghĩa điếm đàng, lường gạt, xảo trá...


      - Cuộc đời gian truân của nàng Kiều cũng có lúc được an ủi, đó là lúc Từ Hải thành công "nghênh ngang một cõi biên thùy""triều đình riêng một góc trời" đã cho quân rước nàng về trên kiệu loan vu qui có cờ trống đàn sáo, có súng chào mà còn được:

      Từ công ra ngựa thân nghênh cửa ngoài (c. 2272)


      2) Cung Oán Ngâm Khúc (Ôn Như Hầu):


      Duy nhất chỉ một câu nhắc đến mã trong đoạn sau đây nói về công danh phú quí thật phù du như giấc mộng:


      Mùi phú qui nhử làng xa mã (c. 81)

      Bả vinh hoa lừa gã công khanh

      Giấc Nam Kha khéo bất bình

      Bừng con mắt dậy, thấy mình tay không!


      3) Chinh Phụ Ngâm (Ðoàn Thị Ðiểm)


      Ngựa chia xẻ nổi gian khổ mênh mông của những chiến sĩ nơi trận tuyến:


      Hơi gió lạnh người rầu mặt dạn

      Giòng nước sâu, ngựa nản chân bon

      Ôm yên gối trống đã chồn

      Nằm vùng cát trắng, ngủ cồn rêu xanh


      Và cũng chia xẻ nổi hiểm nguy:


      Xông pha gió bãi trăng ngàn

      Tên reo đầu ngựa giáo dan mặt thành (c. 108)


      Hình ảnh hào hùng của chí nam nhi:


      Chí làm trai dặm nghìn da ngựa (c. 21)

      Gieo Thái sơn nhẹ tựa hồng mao


      Thời chinh chiến chàng và nàng đều có nỗi khổ riêng:


      Chàng ruổi ngựa dặm trường mây phủ (c.321)

      Thiếp dạo hài lầu cũ rêu in


      4) Tỳ Bà Hành (Phan Huy Vịnh dịch)


      Nguyên tác của Bạch Cư Dị và bản dịch của Phan Huy Vịnh đều hay tuyệt.


      Cảnh đưa đón nơi bến Tầm dương canh khuya:


      Người xuống ngựa khách dừng chèo (c. 3)

      Chén quỳnh mong cạn, nhớ chiều trúc ty


      Ðoạn hay nhất trong danh tác là đoạn tả tiếng đàn tỳ bà của nàng kỹ nữ hết 20 câu (c. 17 - c. 36), sau đây là 2 câu liên quan đến ngựa:


      Bình bạc vỡ tuôn đầy mạch nước

      Ngựa sắt giong sàn sạt tiếng đao (c. 34)


      5) Các truyện khác:


      Người nhìn lại kẻ trông theo

      Ngựa Hồ chim Việt nhiều điều nhớ nhau.

      Truyện Hoa Tiên, Nguyễn Huy Tự


      Ngẫm chuyện ngựa Hồ chim Việt cũ,

      Lòng đây tưởng đó mất như còn.

      Điếu Phan Công Tòng, Nguyễn Đình Chiểu


      Chiếc ngựa trắng đi về góc bể

      Đàn chó xanh lẻ tẻ bên trời.

      Tự Tình Khúc, Cao Bá Nhạ


      Ngựa qua cửa sổ bao lâu

      Kịp toan kiếm chốn bán sầu mua vui.

      Truyện Trinh Thử, Hồ Huyền Qui


      Người đời dường ngựa qua song

      Xuân qua Thu lại má hồng dễ phai.

      Truyện Song Tinh, Nguyễn Hữu Hào


      6) Trong văn học Trung Hoa có nhiều bài liên quan đến ngựa, như: Lý Thương Ẩn có bài Mã Ngôi; Lý Bạch có bài Tử Lưu Mã, Thiên Mã Ca; Ðổ Phủ có bài Tẩy Binh Mã, Thông Mã Hành... Ðặc biệt bài thơ "Lương Châu Từ" của Vương Hàn rất nỗi tiếng mà các chiến sĩ hẵn đều ngâm nga trước khi ra trận:


      Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi

      Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi

      Túy ngọa sa trường quân mạc vấn

      Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi


      Bồ đào rượu ngát chén lưu ly

      Toan nhắp, tỳ bà đã giục đi

      Say khướt sa trường anh chớ hỏi

      Xưa nay chinh chiến mấy ai vể

      (Trần Quang Trân dịch)


      7) Ngựa trong Giai thoại, Truyện cổ:


      a) Ðổi mỹ nhân lấy ngựa (3):


      Tô Ðông Pha là một thi hào danh tiếng đời Tống. Vì bất đồng ý kiến với Tể tướng Vương An Thạch nên bị nhà vua trích đi Hàng châu.


      Lúc sắp lên đường có người bạn họ Tưởng đến tiển biệt. Thấy cô hầu Xuân Nương tuyệt đẹp, họ Tưởng giật mình hỏi:

      - Cô bé này có đi theo bác không?


      Tô bảo là Xuân Nương không muốn đi theo và xin trở về quê quán. Họ Tưởng vội nói:

      - Vậy thì bác cho phép tôi đem con ngựa bạch tuyệt hay để đổi lấy Xuân Nương có được không? Ðông Pha bằng lòng. Họ Tưởng vui mừng khôn xiết liền ứng khẩu:


      Tiếc gì con ngựa đẹp như mây

      Ơn bác cho tôi đổi gái nầy

      Giờ mất nhạc vàng rung bóng nguyệt

      Nhưng thêm má phấn bạn lòng say


      Tô Ðông Pha ngậm ngùi bào chữa:


      Xuân Nương đi vậy cũng xa xăm

      Dầu chẳng kêu ca chớ giận ngầm

      Vì nỗi non sông nhiều hiểm trở

      Ðổi người lấy ngựa phải đành tâm


      Xuân Nương nghe hai người đối đáp với vẻ khinh thường nàng như thế nên bực tức, đỉnh đạc nói:


      - Tôi nghe nói ngày xưa vua Tề Cảnh công muốn chém tên giữ chuồng ngựa mà Yến Tử can ngăn. Chuồng ngựa nhà mình cháy, Khổng Phu tử chỉ hỏi thăm có ai chết cháy không, chớ không hỏi ngựa sống chết mất còn. Ấy là người xưa còn quý người khinh vật. Nay học sĩ đem người đổi lấy ngựa, thì ra quý vật mà khinh người. Nàng ứng khẩu làm một bài thơ đáp lại:


      Chém cha cái kiếp của đàn bà

      Khổ sướng trăm bề há bởi ta

      Giờ mới biết người thua giống vật

      Sống làm chi nữa trách ai ma.


      Ðoạn nàng lao mình ra sân đập đầu vào cây mà chết. Cả hai Tô, Tưởng vô cùng hối hận, nhìn nhau ngậm ngùi nhỏ lệ. Nhưng đã muộn rồi!


      b) Mua xương ngựa (Chu Sử):


      Nước Tề đánh nước Yên giết được vua Yên. Người Yên lập thái tử tên là Bình lên làm vua, tức vua Chiêu Vương.


      Chiêu vương lên ngôi, thương dân lo việc nước, cầu người hiền tài. Một hôm, bão Quách Ngỗi rằng:


      - Nước Tề nhân dịp nước ta loạn, sang đánh lấy nước tạ Ta biết rõ nước ta nhỏ, dân ta yếu, thực khó lòng mà báo thù. Song nếu được những người giỏi cùng lo toan việc nước may mà rửa sạch sự sỉ nhục của tiên vương được chăng. Chí nguyện quả nhân như vậy tiên sinh xem ai là người giỏi để cùng ta lo toan việc nước thì hay.


      Ngỗi nói: Xưa có ông vua đưa nghìn vàng cho người nội thị đi mua con ngựa chạy ngày nghìn dặm. Khi đến ngựa ấy đã chết, anh ta mua bộ xương ngựa năm trăm nén vàng đem về. Vua thấy thế giận lắm. Anh ta thưa: "Ngựa chết còn quý mà mua như vậy huống chi là ngựa sống. Tôi chắc thế nào nay mai người ta cũng đem ngựa hay đến bán cho nhà vua".


      Quả nhiên, không đầy một năm, mà người ta đem ngựa hay đến bán đã ba bận. Nay nhà vua muốn được người giỏi, thì trước hãy dùng tôi. Người giỏi hơn tôi thấy thế há có ngại xa mà không lại đến.


      Vua Chiêu vương lập tức dùng Quách Ngỗi, kính trọng Quách Ngỗi như thầy. Quả nhiên không bao lâu, những người giỏi các nơi tranh nhau sang nước Yên. Vua Chiêu vương ủy thác việc nước cho những người ấy. Sau nước Yên thành một nước cường thịnh thật.


      8) Ngựa trong Thành ngữ, Ðiển tích:


      Có rất nhiều thành ngữ, tục ngữ thông dụng dùng ngựa để diễn ý:


      - Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ.

      - Cưỡi ngựa xem hoa.

      - Ngựa quen đường cũ.

      - Ngựa non háu đá.

      - Da ngựa bọc thây.

      - Ðơn thương độc mã.

      - Mã đáo thành công.

      - Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy...


      Vài điển tích liên quan đến ngựa:


      - Chim Việt Ngựa Hồ (3):


      Cổ thi có câu: "Hồ mã tê Bắc phong, Việt điểu sào Nam chi"

      (Ngựa Hồ hí gió Bắc, Chim Việt ở cành Nam) để ám chỉ lòng nhớ quê hương tổ quốc dầu ở nơi đất khách quê người.


      Nước Hồ ở phía Bắc Trung Hoa, mỗi độ Ðông về, gió bấc thổi, tuyết rơi lả tả, gió lạnh thấu xương. Ngựa Hồ cao lớn, leo núi giỏi, chạy rất nhanh. Người Trung Hoa hay mua về làm ngựa chiến. Nước Hồ đem ngựa cống vua Hán ở Trung nguyên. Ngựa được nhốt vào chuồng và chăm sóc rất kỹ. Nhưng khi gió bấc thổi đến thì ngựa lại bỏ cả ăn uống, ngóng về phương Bắc hí vang lên những tiếng bi thảm, tỏ lòng nhớ cố hương.


      - Tái ông thất mã (chuyện của Hoài Nam vương Lưu An) (4):


      Một ông già ở biên ải, thông hiểu đao thánh hiền. Một hôm con ngựa của ông xổng chuồng chạy vào đất Hồ. Nhiều người đến chia buồn, ông nói:

      Thử hà cự bất vi phúc hổ.

      (Việc này biết đâu lại không là may)


      Vài tháng sau, con ngựa đó dẫn theo con ngựa Hồ tốt quay trở về. Nhiều người khác lại đến chúc mừng. Ông nói:

      Thử hà cự bất năng vi họa hổ.

      (Việc này biết đâu lại không là rủi)


      Nhà thêm ngựa hay, người con ham cưỡi, té gãy chân. Nhiều người khác đến chia buồn. Ông lại nói:

      Thử hà cự bất vi phúc hổ.


      Quả nhiên, năm sau người Hồ ùa vào đồn ải. Kẻ trai tráng trương cung ra kháng cự, người chết đến chín phần. Con ông lão thoát được vì ... bị què!


      Cố phúc chi vi họa, họa chi vi phúc

      Hóa bất khả cực, thâm bất khả trắc dã.

      (Bởi vậy may là rủi, rủi là may

      Sự biến hóa không thể hiểu thấu, lẻ sâu xa không thể lường tính được).


      Chuyện Ngựa còn dài, xin hẹn tiếp tục trong dịp ... Bính Ngọ sắp tới ...


      Viết năm Nhâm Ngọ 2002

      Bổ túc năm Giáp Ngọ 2014

      T. V. Phê


      (1) Việt Nam Gấm Hoa - Hương Giang Thái Văn Kiểm

      (2) Mấy nẻo đường của nghệ thuật và chữ nghĩa- Huỳnh Hữu Uỷ

      (3) Ðiển Hay Tích Lạ - Nguyễn Tử Quang

      (4) Hán Văn Tinh Túy - Lãng Nhân.


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Giới Thiệu Những Tác Phẩm Về Thơ, Văn, Nhạc Của Lê Hữu Nghĩa T. V. Phê Nhận định

      - Nhạc Sĩ Vô Thường Và Ngón Đàn Tay Trái T. V. Phê Tạp luận

      - Năm Ngọ Nói Chuyện Ngựa T. V. Phê Tiểu luận

      - Nhà thơ Tô Đình Sự T. V. Phê Nhận định

      - Thi Sĩ Đông Hồ T. V. Phê Tạp bút

      - Hiểm họa từ Trung Quốc T. V. Phê Tạp luận

      - Feb 1, 2003: Phi thuyền con thoi Columbia bị nổ tung T. V. Phê Tạp luận

      - Chuyện trùng hợp lạ kỳ T. V. Phê Tạp luận

      - Phạm Duy và Minh Họa Kiều T. V. Phê Tạp bút

      - Trịnh Công Sơn: Quê hương, Tình yêu, Thân phận T. V. Phê Tạp bút

    3. Tiểu Luận (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)
  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)