1. Head_

    Lam Phương

    (20.3.1937 - 22.12.2020)

    Lưu Trung Khảo

    (.0.1931 - 22.12.2015)

    Nguyễn Hiến Lê

    (8.1.1912 - 22.12.1984)

    Nguyễn Đình Nghĩa

    (5.10.1940 - 22.12.2005)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Ngôn Ngữ Ngậm Ngùi (Lê Hữu) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      14-01-2013 | TIỂU LUẬN

      Ngôn Ngữ Ngậm Ngùi

        LÊ HỮU
      Share File.php Share File
          

       

      (Phần I)


      Giữ thơm quê mẹ, thư pháp Trụ Vũ

      Tiếng nước tôi,
      bốn ngàn năm ròng rã buồn vui.
      (“Tình ca”, Phạm Duy)

      Một người bạn, qua Mỹ năm 1975, kể với tôi rằng, thành phố gia đình anh định cư trong năm đầu có rất ít người Á châu. Mỗi lần thoáng trông thấy một cái “đầu đen” nào là anh ta chạy ngay đến để xem thử có phải là người Việt không. Một hôm, trên đường phố, bất chợt anh ta nghe một tiếng nói quen thuộc cất lên. Tiếng Việt Nam. “Một cái đầu đen,” anh ta la lên, chạy bay đến trước mặt người đàn ông vừa thốt ra thứ tiếng ấy, nắm chặt hai vai, lắc lắc: “Việt Nam à? Tôi cũng Việt Nam đây!” (Anh ta không nói “Tôi cũng là người Việt Nam đây!”). Người đàn ông cũng tỏ ra vui sướng không kém. Hai người quấn lấy nhau, tíu ta tíu tít như hai người bạn thân lâu ngày gặp lại và cùng tuôn ra một tràng tiếng Việt, mặc cho những người bản xứ đi qua đi lại nhìn chằm chằm hai người, ngạc nhiên vì một thứ ngôn ngữ “lạ tai”. Nỗi khát khao bị dồn nén lâu ngày vỡ ra, ùa ra. Anh bạn tôi không cần biết người đàn ông nói tiếng Việt kia là ai, ở đâu ra, vì sao lại có mặt nơi đây. Không cần biết, chỉ cần... nói tiếng Việt. Thế là đủ.


      Anh bạn tôi thèm được nghe, thèm được nói thứ ngôn ngữ ấy, cái mà anh ta thiếu thốn, khao khát đã lâu. Anh ta đi tìm chút “quê hương trong tiếng nói”. Cái cảm xúc ấy chỉ đến với anh ta một, hai lần sau đó, và không bao giờ trở lại nữa. Nơi anh ta sống bây giờ có khá đông người Việt, có khá nhiều “đầu đen”. “Người Việt ‘phức tạp’ quá!” anh ta nói, nhún vai.


      Đấy là chuyện của anh bạn tôi. Chuyện của tôi thì có hơi khác một chút. Năm đầu đến Mỹ, tôi có cái vui gặp lại những người bạn cũ. Một ông bạn, sau ít câu thăm hỏi chuyện gia đình, hỏi tôi:

      “Con trai ông tên gì?”

      “Hữu Nghị.”

      “Bộ hết tên rồi hay sao mà đặt cái tên gì ghê vậy?”

      “Ông nói ‘ghê’ là ghê làm sao?” tôi hỏi.

      “Thì ‘từ Việt cộng’ chứ còn ‘làm sao’ nữa,” người bạn phang một câu xanh rờn.


      Từ Việt cộng! Không phải là lần đầu tôi nghe cái “từ” 1 này, bèn có một sự phản kháng:


      “‘Việt cộng’ nào? Thứ nhất, ông muốn tôi đặt tên gì khác bây giờ? Cả nhà tôi, mấy anh em trai tôi đều là Lê Hữu… gì gì đó, Phước, Lộc, Tài, Đức…, đến đời thằng con tôi thì cũng phải cho nó cái ‘Hữu…’ gì chứ! Thứ hai, tôi đã plan cái tên ấy từ trước năm 75, vì muốn thằng con đi về… ngành ngoại giao. Việt cộng đâu có phải là người ‘phát minh’ ra cái chữ ấy, và cũng đâu có được phép ‘độc quyền’ cái chữ ấy. Tiếng Việt là tài sản chung của người Việt mà.”


      Người bạn nín thinh, cũng không tỏ dấu hiệu nào là có “nhất trí” 1 hay không.


      “Hữu Nghị”, cái tên ấy, hai chữ ấy (và những chữ khác nữa) tự nó không có lỗi gì cả. Vậy mà tội nghiệp, nó đã bị ghét bỏ một cách oan uổng, chỉ vì… “ghét ai ghét cả tông chi họ hàng”. Tâm lý này khá phổ biến và có thể hiểu được. Ghét người nào là ghét cả cái nhà cái xe, cái chăn cái chiếu, con chó con mèo… của người ấy. Nhiều người cảm thấy “ghét” chữ này chỉ vì thường đọc/nghe trên “báo, đài” 1 nào là “Tình hữu nghị thắm thiết giữa hai nước láng giềng núi liền núi, sông liền sông”, nào là “Chúc cho tình hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước đời đời bền vững, mãi mãi xanh tươi, rất mực thủy chung, vô cùng trong sáng”... vân vân và vân vân. Nghe mà dễ… ghét.


      A. Tiếng Việt ở trong nước


      Ông bạn tôi (và khá nhiều người như thế) chỉ suy nghĩ đơn giản, hoặc chỉ lặp lại những gì ông nghe người khác nói, thành thử nhiều khi nói mà... không biết mình nói cái gì.


      Sau này, mỗi khi bị “truy chụp” 1 là dùng “từ Việt cộng”, tôi tìm được cách giải thích khác, gọn hơn: “Ông thử lật tự điển tiếng Việt trước năm 75 của miền Nam ra xem, nếu có chữ này thì ông không thể gọi là ‘từ Việt cộng’ được.”


      Tuy nhiên, lời giải thích ấy không phải lúc nào cũng “có sức thuyết phục” 1, lắm người không cần biết chữ ấy có hay không có trong tự điển “phe ta”, hễ tiếng nào “đối phương” sính dùng (nhất là dùng không đúng, nghe chướng tai, hoặc có vẻ “đao to búa lớn”) thảy đều là... “từ Việt cộng”. Những đối tượng ấy kể cũng hơi... khó nói chuyện (ngày trước gọi là “không có tinh thần đối thoại”).


      Tội nghiệp cho những con chữ ấy, nằm yên ổn trong những trang sách tự điển từ bao nhiêu năm, nay bỗng nhiên bị nắm đầu lôi cổ ra tố khổ một cách oan uổng như là những kẻ... nằm vùng. Vai trò của chữ nghĩa xưa nay vốn độc lập, không nghiêng bên này ngả bên kia, vậy mà nay lại bị gọi ra “làm việc” 1, tra vặn: “Anh/chị theo bên nào?”


      Những từ ngữ Hán-Việt như “hữu nghị”, “khẩn trương”, “tranh thủ”, “động viên”, “tham gia”, “hoành tráng”... không mới mẻ, lạ lùng gì với người dân miền Nam trước năm 1975. Nếu có khác là khác về cách diễn nghĩa, cách sử dụng, và không dùng tràn lan như ở trong nước bây giờ.


      Ở miền Nam ngày trước ta vẫn nghe: “Thủ tướng chính phủ vừa ký quyết định ban hành tình trạng khẩn trương trên toàn lãnh thổ”, hoặc “Tranh thủ nhân tâm (hay ‘tranh thủ sự ủng hộ của dư luận thế giới’ / ‘tranh thủ một nền hòa bình công chính’) là một trong những mục tiêu hàng đầu của công tác đấu tranh chính trị”, hoặc “Phái đoàn đến thăm viếng ủy lạo và động viên tinh thần binh sĩ”. Hoặc những câu hát:


      Nhân dân cách mạng Việt Nam vùng đứng lên cùng thế giới

      Vai chen vai bên nhau mưu cuộc giải phóng giống nòi

      (“Nhân dân cách mạng Việt Nam”, nhạc sĩ Hùng Lân)


      Người người một lòng nhất trí đem thần oai vẫy vùng

      Nguyện cùng bạo tàn quyết đấu một trời không chung sống

      (“Chiến đấu ca”, Hoàng Trọng)


      trong những bài hát của các nhạc sĩ ở trong Nam cho thấy những từ ngữ “nhân dân”, “giải phóng”, “nhất trí”... không phải là “độc quyền” của người miền Bắc.


      “Có một phút giây ngắn ngủi nào đó, chúng ta chợt phát hiện vừa nghe được những lời tình thật nồng nàn bằng cung bậc của những bản tình ca bất diệt…” Những lời ấy của ca sĩ Lệ Thu, phát ra từ một băng nhạc cũ trước năm 1975 (giới thiệu bài hát “Giấc mơ hồi hương” của nhạc sĩ Vũ Thành), cho thấy từ ngữ “phát hiện” không phải được người miền Bắc… “phát hiện”.


      Dẫn ra các ví dụ trên để thấy rằng, tiếng Việt là của người Việt, không có Bắc Trung Nam chi cả, và chỉ vì duyên cớ nào đó mà đem lòng oán ghét những “từ” này “từ” nọ thì kể cũng bất công và tội tình cho chữ nghĩa. Hãy trả ngôn ngữ về vị trí độc lập như nó đã từng.


      Trong phạm vi bài này, để cho dễ gọi (và để không phải lặp lại nhiều lần “trước/sau năm 1975”), xin được tạm dùng những “cụm từ” 1 sau:


      - Miền Nam ngày trước: miền Nam Việt Nam trước năm 1975.

      - Tiếng Việt cũ: cách nói hoặc từ ngữ được sử dụng ở miền Nam ngày trước.

      - Tiếng Việt mới (chỉ để phân biệt với “tiếng Việt cũ”, không hẳn là “mới”): cách nói hoặc từ ngữ được sử dụng trong cả nước hiện nay.


      Những cách gọi này có tính cách tương đối, giai đoạn (do những biến động của lịch sử), và chỉ sử dụng trong phạm vi bài này.


      Trong bài này sẽ không có những từ ngữ như “từ VC”, “từ ngữ VNCH”... hoặc những phê phán kiểu “xưởng đẻ”, “chiến sĩ gái”, “Công ty chất đốt thanh niên”, “Cửa hàng thịt tươi sống phụ nữ”... ngụ ý cười nhạo sự quê mùa của người sử dụng ngôn ngữ. Quê mùa không phải là cái tội, chỉ là sự thua thiệt do không có may mắn được đến trường đến lớp để “tiếp thu” 1 những kiểu cách văn minh lịch sự. Theo đà tiến hóa, chắc chắn là những cách nói ấy sẽ không tồn tại. Ông cha ta ngày xưa ít được học hành đến nơi đến chốn, hầu hết đều đi từ “chân quê” đến văn minh thành thị. Có người Việt nào lần đầu tiên lò dò đặt chân đến nước Mỹ mà ít nhiều không... ngáo ngáo, chỉ khác là không bị người bản xứ cười nhạo.


      Ngôn ngữ là tài sản chung của dân tộc, chắc không ai phủ nhận điều này. Ngôn ngữ là sản phẩm của con người, chứ không… làm nên con người. Tiếng Việt cũng không ra khỏi lẽ ấy. Tiếng Việt dùng chung cho cả nước. “Người phát minh” ra tiếng Việt không hề có ý định cấp giấy phép cho “bên” nào đặc quyền sử dụng; vì vậy, thiết tưởng ta cũng không nên làm cho tiếng Việt–ngôn ngữ của nước ta–trở nên “phức tạp”. 1


      Nếu ta có thể “nhất trí” được với nhau, tiếng Việt là những “tiếng” được ghi lại trong các bộ tự điển tiếng Việt của cả miền Bắc lẫn miền Nam ngày trước (tất nhiên những bộ tự điển này luôn cần được bổ sung) thì không có chữ nào, tiếng nào là độc quyền của “bên” nào cả. Bên nào xài cũng được, miễn là chịu khó xài cho đúng. Ngôn ngữ của một dân tộc không hề có biên giới hoặc “chiến tuyến”. Những “từ” nào phổ biến rộng rãi trong sinh hoạt thường ngày của người Việt đều được đưa vào tự điển tiếng Việt. Người biên soạn tự điển không làm công việc tìm hiểu các “từ” cũ, “từ” mới ấy thuộc về “bên” nào, hoặc có hay không có “ý đồ” 1 gì.


      1. Chữ và nghĩa


      Ngôn ngữ tự nó không có lỗi gì cả. Hoặc nếu có, chỉ là lỗi nơi người sử dụng chúng. Thế nhưng, như thế nào gọi là “lỗi”? Có thể kể ra ít ví dụ về những cách nói và cách dùng từ ngữ khá phổ biến cần được điều chỉnh cho đúng nghĩa, hợp lý.


      - Bài viết: Thay vì nói “Dưới đây là bài viết của tác giả Nguyễn Văn A”, nói “Dưới đây là bài góp ý/tường thuật/nhận định/bình luận… của ông/bà/nhà văn/nhà báo/nhà phê bình Nguyễn Văn A”. Hoặc “Dưới đây là bài góp ý/tường thuật/nhận định/bình luận… của Nguyễn Văn A”.


      “Bài viết” không phải là một thể loại văn. Cần nêu rõ tên thể loại của bài văn ấy.

      “Tác giả” không phải là danh xưng, danh hiệu, và là thừa ở trong câu.


      - Biểu diễn: Thay vì nói “Ca sĩ LT đã biểu diễn những ca khúc gắn liền với tên tuổi chị”, nói “Ca sĩ LT đã trình diễn những ca khúc gắn liền với tên tuổi chị”.


      Ca sĩ không biểu diễn một bài hát, nhất là khi đứng yên một chỗ, không múa may nhảy nhót. Nói biểu diễn một nhạc cụ / điệu múa / màn ảo thuật, không nói biểu diễn một bài hát / bài thơ.


      - Cá nhân tôi: Thay vì nói “Cá nhân tôi có ý kiến như thế này”, nói “Riêng tôi/(Về) Phần tôi/Bản thân tôi có ý kiến như thế này”. Thay vì nói “Đối với cá nhân tôi, chuyện ấy là bình thường”, nói “(Đối) Với tôi, chuyện ấy là bình thường”. Thay vì nói “Cá nhân anh nghĩ sao về sự kiện ấy?”, nói “Anh nghĩ sao về sự kiện ấy?”


      “Cá nhân” là một người riêng lẻ, phân biệt với “tập thể”. Ghép hai chữ này với tôi/chúng tôi/anh/chị/em...” (như: “cá nhân tôi/chúng tôi/anh/chị/em...”) là lủng củng và không có nghĩa.


      - Cặp đôi: Thay vì nói “Người ta vẫn thấy cặp đôi này tay trong tay rất tình tứ”, nói “Người ta vẫn thấy cặp này tay trong tay rất tình tứ”.


      “Cặp” và “đôi” đều cùng một nghĩa, nói “cặp” thì không nói “đôi”, và ngược lại. Ví dụ: “cặp vợ chồng”, “cặp tình nhân”, “cặp uyên ương” hoặc “đôi vợ chồng”, “đôi tình nhân”, “đôi uyên ương” (không nói “cặp đôi vợ chồng”, “cặp đôi tình nhân”, “cặp đôi uyên ương”).


      - Chúc sức khỏe: Thay vì nói “Chúc sức khỏe!” hoặc “Chúc sức khỏe anh chị!”, nói “Chúc anh/chị sức khỏe tốt!” hoặc “Chúc anh/chị nhiều sức khỏe!”


      Nói “Chúc sức khỏe!” là không đủ ý (và chưa thành câu chúc), cần nói “Chúc sức khỏe…” như thế nào, chẳng hạn “Chúc sức khỏe tốt/dồi dào!” Hoặc “Chúc anh/chị khỏe!” Hoặc “Chúc khỏe!”, “Chúc khỏe nhé!” (như nói “Chúc vui!”, “Chúc vui nhé!”).


      - Chuyên môn: Thay vì nói “Cô Nga là giáo viên phụ trách chuyên môn”, nói “Cô Nga là giáo viên phụ trách việc biên soạn tài liệu giáo khoa / phụ trách việc hướng dẫn sư phạm / phụ trách về sổ sách kế toán / phụ trách về sinh hoạt học đường”...).


      Nói “phụ trách chuyên môn” là không đủ ý, người nghe không rõ là “chuyên môn” về... cái gì, vì có khá nhiều thứ “chuyên môn”.


      - Quá trình: Thay vì nói “Xin nói sơ qua về quá trình thực hiện một bộ phim”, nói “Xin nói sơ qua về tiến trình thực hiện một bộ phim”.


      Nói “quá trình” là nói về trình tự của một diễn tiến đã kết thúc. Ví dụ: “Đơn xin việc cần ghi rõ quá trình học vấn”, hoặc “Sau mười năm, nhìn lại quá trình hoạt động của hội”.


      - Tản mạn: Thay vì nói “Tản mạn về tiếng Việt”, nói “Chuyện trò tản mạn về tiếng Việt”, hoặc “Câu chuyện tản mạn về tiếng Việt”, hoặc “Mạn đàm về tiếng Việt”.


      Nói “tản mạn về…” là không đúng nghĩa. Tản mạn có nghĩa tương tự “lan man”, “rải rác”, “rời rạc” (tính từ), chứ không có nghĩa “mạn đàm”, “phiếm luận”, “chuyện trò” (động từ).


      - Trao đổi: Thay vì nói “Sau khi trao đổi, chúng tôi nhận ra những điểm tương đồng”, nói “Sau khi trao đổi ý kiến, chúng tôi nhận ra những điểm tương đồng”.


      “Trao đổi” không có nghĩa “hội ý”, “bàn bạc”. Nói “trao đổi” là không đủ ý, mà cần nói rõ “trao đổi... cái gì”, ví dụ: “trao đổi ý kiến/kinh nghiệm/quan niệm/hàng hóa/tù binh...”


      (“Chia sẻ”, một “từ” khác tương tự, được dùng khá phổ biến ở cả trong và ngoài nước. Thay vì nói “Tôi xin có vài chia sẻ”, hoặc “Em có gì muốn chia sẻ với quý khán thính giả?”, hoặc “Cám ơn những chia sẻ của các anh chị”...., nói “Tôi xin góp ý”, hoặc “Em có gì muốn nói với...?”, hoặc “Cám ơn những ý kiến của các anh chị”... “Chia sẻ” không mang ý nghĩa của “nói”, “kể”, hoặc “có ý kiến”. Cũng như “trao đổi”, cần nói rõ “chia sẻ... cái gì”, ví dụ: “chia sẻ sự mất mát / nỗi khó khăn / mối quan tâm / kinh nghiệm trong cuộc sống / quan niệm về tình yêu...”).


      - Trình độ văn hóa: Thay vì nói “Trình độ văn hóa: lớp 12”, nói “Trình độ học vấn: lớp 12”.

      Muốn hỏi về quá trình học vấn hoặc bằng cấp của một người, câu hỏi là: “Trình độ học vấn?”.

      Những từ ngữ và những cách nói trên khá thông dụng ở trong nước và cả ở ngoài nước. Ngoài ra, có ít từ ngữ “mới” mà ý nghĩa và cách dùng chưa “thống nhất”,1 rõ ràng. “Dân oan”, chẳng hạn. Không rõ là cái “từ” này ở đâu ra, trong hay ngoài nước? Các “báo, đài” ở ngoài nước có vẻ sính dùng “từ” này. Một dòng chữ đọc được bên dưới tấm ảnh, “Dân oan tập trung khiếu kiện trước nhà thờ Đức Bà”. Trong ảnh là đám đông tụ tập thành những nhóm dăm ba người, kẻ đứng người ngồi, chuyện trò bàn bạc chi đó. “Dân oan” có khi được dùng thay cho “người dân”, có khi thay cho... “một người dân”, chẳng hạn “Lá thư kêu cứu của một dân oan”, hay “Một dân oan tỉnh Tiền Giang cho biết...” Ngày trước ta có những “dân chúng”, “dân lành”, “dân quê”, “dân nghèo”, “dân đen”..., nay lại có thêm tầng lớp mới là “dân oan” (mai đây không chừng lại có thêm những “dân oán”, “dân ức”, “dân khổ”, “dân đói”...). Đến ngày nào “tuyệt đại bộ phận” 1 nhân dân được gọi là “dân oan” cả thì nhà cầm quyền cũng “mệt” chứ không phải chơi.


      2. Tiếng Hán-Việt và tiếng “nửa Hán-Việt”


      Không phải từ ngữ Hán-Việt nào cũng cần và cũng có thể thay được bằng từ ngữ “thuần Việt”. Khá nhiều tiếng Hán-Việt khó mà tìm được tiếng thuần Việt nào tốt hơn hoặc tương đương để thay thế.


      Một ít từ ngữ Hán-Việt sử dụng trong nước hiện nay có thể thay được bằng thuần Việt và... hay không kém, chẳng hạn: “đại đa số” hoặc “đại bộ phận” có thể thay bằng “phần lớn”, “phần đông”; “tuyệt đại đa số” hoặc “tuyệt đại bộ phận” có thể thay bằng “hầu hết”; “giáo trình”, “giáo án” có thể thay bằng “bài giảng”; “tham quan” có thể thay bằng “thăm”, “thăm viếng”; “thường niên” có thể thay bằng “hàng năm”; khẩn trương” có thể thay bằng “mau mắn”, “lẹ làng” hoặc “căng thẳng” (tùy nghĩa trong câu)...


      Trong khi đó, một số từ ngữ Hán-Việt được trong nước đổi sang thuần Việt khá tốt như: “cả nước” thay cho “toàn quốc”; “nhà nước” thay cho “quốc gia”; “trong nước” thay cho “quốc nội”; “ngoài nước” thay cho “hải ngoại”; “nước ngoài” thay cho “ngoại quốc”; “vùng trời” thay cho “không phận”; “vùng biển” thay cho “hải phận”; “chữ cái” thay cho “mẫu tự”; “quý” thay cho “tam cá nguyệt”; “sân bay” thay cho “phi trường”, “tàu sân bay” thay cho “hàng không mẫu hạm”; “tàu chiến” thay cho “chiến hạm”, “tàu ngầm” thay cho “tiềm thủy đỉnh”; “Hội Chữ Thập Đỏ” thay cho “Hội Hồng Thập Tự”…


      Các ví dụ trên cũng cho thấy một điều hơi lạ, người sử dụng “tiếng Việt mới” ở trong nước một mặt có xu hướng thuần-Việt-hóa các từ ngữ Hán-Việt, một mặt lại sính dùng các từ ngữ này. Có vẻ như đối với những gì “trân quý” 1 hoặc muốn “phô trương thanh thế” thì họ chuộng sử dụng tiếng Hán-Việt chứ không muốn đổi sang tiếng thuần Việt. Ví dụ: bên cạnh những hoành tráng, tư duy, trí tuệ… là những siêu đẳng, siêu tốc, siêu xa lộ, siêu ấn tượng, siêu khuyến mãi, siêu tiết kiệm, thậm chí… siêu giảm giá, siêu rẻ, siêu sao, siêu mẫu, siêu quậy, siêu mỏng, siêu nhỏ, siêu khủng (không rõ là “khủng” gì, khủng khiếp, khủng long hay… khủng bố) và cả những siêu hot, siêu sexy nữa. Về tên riêng, các tên gọi như Thiên An Môn, Hữu Nghị Quan, Tử Cấm Thành, Vạn Lý Trường Thành… vẫn được giữ nguyên trạng (tỏ sự “trân quý”), trong lúc Tòa Bạch Ốc (hay Bạch Cung), Ngũ Giác Đài… thì lại được/bị đổi thành Nhà Trắng, Lầu Năm Góc.


      Tiếng Hán-Việt, dù muốn dù không, trở thành một “bộ phận không thể tách rời” 1 trong ngôn ngữ của người Việt. Nhiều từ ngữ Hán-Việt được sử dụng thường xuyên trong sinh hoạt hàng ngày tạo cảm giác gần gũi, thiết thân không kém gì tiếng thuần Việt. Hơn nữa, sử dụng tiếng Hán-Việt dẫu sao vẫn hơn là vay mượn những tiếng nước ngoài, vì dễ nghe hơn, dễ hiểu hơn, và ít ra cũng còn được… một nửa Việt.


      Bên cạnh các từ ngữ Hán-Việt, một số từ ngữ “nửa Hán-Việt” (tiếng Hán-Việt và tiếng thuần Việt sánh đôi nhau) cũng được sử dụng nhiều trong nước, như “siêu xe”, “người phát ngôn”, “nhà văn hóa”, “viện chăn nuôi”, “in ấn” (thay vì “ấn loát”), vụ việc (thay vì “sự vụ”), di dời (thay vì “di động”), tu sửa (thay vì “tu bổ”), tranh cãi (thay vì “tranh luận”, “tranh biện”), truy tìm (thay vì “truy tầm”), truy đuổi (thay vì “truy nã”), truy quét, truy lùng (thay vì “truy kích”), truy hỏi, truy vặn (thay vì “truy vấn”)…


      Một “đặc trưng” 1 khác của người Việt trong nước là sính “nói chữ”, thích dùng những “cụm từ” văn vẻ, quanh co hoặc bóng gió (thường là để tránh “đi thẳng vào vấn đề” hoặc để làm giảm nhẹ cái xấu), như: có nhiều khả năng (rất có thể); tạo điều kiện (tìm cách, thu xếp); kém văn hóa (thất học, ít học); bệnh thành tích (làm láo, báo cáo hay); quyết định thôi giữ chức (cách chức); tình hình diễn biến phức tạp (tình hình xấu đi); giao lưu tình cảm (làm quen, kết bạn tâm tình); quan hệ tình cảm bất chính (tằng tịu, ngoại tình); quà biếu trên mức tình cảm (hối lộ); ùn tắc giao thông (kẹt xe); phương tiện tham gia giao thông đường bộ (xe cộ); trẻ em chưa ngoan (trẻ em hư hỏng); học sinh ngồi nhầm lớp (học sinh kém trình độ); điều kiện kinh tế gia đình rất hạn chế (gia đình nghèo khó)…


      Đôi lúc ta cũng gặp những cách nói hơi “lạ tai”, như: “nhả chữ”, “tròn vành”, “giọng hát đẹp”, “xử lý một ca khúc trữ tình”, “sở hữu một thân hình quyến rũ”…


      Có lần, bước vào một nhà thờ trong giờ thánh lễ của người Việt, đọc thấy hàng chữ “Xin vui lòng tắt điện thoại di động hoặc chuyển sang chế độ rung”, tôi khựng lại và phải sau ít giây “đào sâu” 1 suy nghĩ mới hiểu ra câu ấy nói gì. Sau những chế độ bảo hiểm, chế độ hưu trí, chế độ bao cấp, chế độ ẩm thực…, nay có thêm “chế độ rung”.


      3. Tiếng Việt “cũ” và tiếng Việt “mới”


      Một số từ ngữ trong “tiếng Việt mới” từng được dùng ở miền Nam ngày trước, đôi lúc khác nghĩa và cách sử dụng. Bên dưới là một ít từ ngữ của “tiếng Việt mới” khá phổ biến ở trong nước. Những từ ngữ ghi trong ngoặc đơn tiếp theo sau là từ ngữ tương đương trong “tiếng Việt cũ” (không hẳn là đồng nghĩa mà gần với cái nghĩa phổ biến nhất của “từ” ấy). Ví dụ: “tiếng Việt mới” nói “Thời hạn đăng ký tham gia trại hè”; “tiếng Việt cũ” nói “Thời hạn ghi danh tham dự trại hè”. “Tiếng Việt mới” nói “Học sinh tập trung ở sân trường”; “tiếng Việt cũ” nói “Học sinh tập họp ở sân trường”… Các từ ngữ xếp theo thứ tự vần ABC.


      Bản chất (thay cho “bản tính”), bảo quản (thay cho “bảo trì”), biểu diễn (thay cho “trình diễn”), bình quân (thay cho “trung bình”), bộ phận (thay cho “thành phần”), bức xúc (thay cho “bứt rứt”, “nhức nhối”).


      Ca từ (thay cho “lời ca”), chất lượng (thay cho “phẩm chất”), chiêu đãi (thay cho “thết đãi”), chiếu cố (thay cho “hạ cố”, “xem xét”), chủ trì (thay cho “chủ tọa”), chủ yếu (thay cho “chính yếu”, “cốt yếu”), chuẩn xác (thay cho “chính xác”), chuyên nghiệp (thay cho “nhà nghề”, “thực thụ”), cơ bản (thay cho “căn bản”), công đoàn (thay cho “nghiệp đoàn”), công nghiệp (thay cho “kỹ nghệ”), công nhân viên (thay cho “công chức”), cực đoan (thay cho “quá khích”), cường điệu (thay cho “phóng đại”).


      Dị ứng (thay cho “phản ứng”, “khó chịu”), diễn viên điện ảnh (thay cho “tài tử màn bạc”), diễu hành (thay cho “diễn hành”).


      Đại trà (thay cho “quy mô”), đặc trưng (thay cho “đặc thù”), đăng ký (thay cho “ghi tên”, “ghi danh”), đạt yêu cầu (thay cho “đáp ứng yêu cầu”), đề xuất (thay cho “đề nghị”), điểm nhấn (thay cho “trọng điểm”), định kiến (thay cho “thành kiến”), đội ngũ (thay cho “hàng ngũ”), động cơ (thay cho “động lực”), đột xuất (thay cho “bất ngờ”, “ngoài dự kiến/dự liệu”), đứng lớp (thay cho “dạy lớp”, “phụ trách lớp”).


      Giao tiếp (thay cho “giao tế”, “xã giao”), giáo án (thay cho “giáo trình”, “bài giảng”).


      Hải quan (thay cho “quan thuế”), hành xử (thay cho “xử sự”), hiện đại (thay cho “tối tân”), hồ hởi (thay cho “nô nức”, “náo nức”), hộ chiếu (thay cho “sổ thông hành”), hộ khẩu (thay cho “sổ/tờ khai gia đình”), hoàn chỉnh (thay cho “hoàn thiện”), hoành tráng (thay cho “đồ sộ”, “vĩ đại”), hội nhập (thay cho “hòa nhập”), hội luận (thay cho “hội thảo”, “thảo luận”), hư cấu (thay cho “tưởng tượng”), huyện (thay cho “quận”).


      Kênh (thay cho “băng tần”), khẳng định (thay cho “xác định”), khâu (thay cho “bước”, “phần hành”), kiểm tra (thay cho “kiểm soát”).


      Lễ hội (thay cho “lễ lạc”, “hội hè”), liên hệ (thay cho “liên lạc”, “tiếp xúc”), linh hoạt (thay cho “linh động”).


      Năng nổ (thay cho “năng động”, “tháo vát”), nghiêm túc (thay cho “nghiêm chỉnh”, “đứng đắn”), nghiệp dư (thay cho “tài tử”), nhắc nhớ (thay cho “nhắc nhở”), nhất trí (thay cho “đồng ý”, “đồng tình”, “tán đồng”).


      Phản bác (thay cho “bác bỏ”), phản cảm (thay cho “phản tác dụng”), phản hồi (thay cho “hồi đáp”), phát hiện (thay cho “phát giác”), phức tạp (thay cho “rắc rối”, “rối rắm”), phương án (thay cho “kế hoạch”).


      Quá trình (thay cho “tiến trình”), quân hàm (thay cho “cấp bậc”), quảng trường (thay cho “công trường”), quy hoạch (thay cho “hoạch định”).


      Sâu sắc (thay cho “sâu xa”), sơ tán (thay cho “di tản”, “tản cư”), sự cố (thay cho “trở ngại”, “trục trặc”).


      Tâm đắc (thay cho “đắc ý”, “ưng ý”), tản mạn (thay cho “mạn đàm”), tập trung (thay cho “tập họp”), tham quan (thay cho “thăm”, “thăm viếng”, “vãn cảnh”, “ngoạn cảnh”), thành danh (thay cho “tên tuổi”), thân thương (thay cho “thân yêu”, “thương mến”), thông tin thương mại (thay cho “quảng cáo”), thống nhất (thay cho “đồng nhất”), thu nhập (thay cho “lợi tức”), thuật ngữ (thay cho “danh từ kỹ thuật”), tiếp thu (thay cho “tiếp nhận”), tiết học (thay cho “giờ học”), tính từ (thay cho “tĩnh từ”), tình huống (thay cho “tình thế”, “tình cảnh”), toàn bộ (thay cho “toàn thể”, “tất cả”), tranh cãi (thay cho “tranh luận”, “bàn cãi”), tranh thủ (thay cho “tận dụng thời giờ/cơ hội”), trân quý (thay cho “quý trọng”), tư liệu (thay cho “tài liệu”), tư vấn (thay cho “cố vấn”), từ (thay cho “chữ”, “từ ngữ”, “ngôn từ”), từ vựng (thay cho “ngữ vựng”).


      Vận động viên (thay cho “lực sĩ”), xuất khẩu (thay cho “xuất cảng”), xử lý (thay cho “xét xử”, “giải quyết”).


      Những chữ in đậm ở bên trên là các từ ngữ được người Việt ở ngoài nước sử dụng nhiều trong sinh hoạt thường ngày, kể cả trong giới truyền thông, sách báo và các trường dạy tiếng Việt, khiến dần dà người ta không còn phân biệt được đâu là “tiếng Việt cũ”, đâu là “tiếng Việt mới” nữa.


      Từ đó, xảy ra chuyện khôi hài, một bài báo ở nước ngoài công kích việc sử dụng các từ ngữ của “tiếng Việt mới”, thế nhưng trong bài báo tác giả lại sử dụng... khá nhiều từ ngữ ấy, chẳng hạn: “Tôi rất ‘tâm đắc’ và ‘đánh giá cao’ ‘bài viết’ ‘Tản mạn’ về tiếng Việt của tác giả qua các phân tích ‘sâu sắc’, ‘nghiêm túc’ và ‘có sức thuyết phục’. Mỗi lần đọc hay nghe những ‘từ’ ấy trên ‘báo, đài’ tôi rất ‘dị ứng’. Là người Việt phải biết ‘trân quý’ tiếng Việt ‘thân thương’ của ‘ta’...” Bài báo cho thấy người viết bị nhiễm virus “tiếng Việt mới” khá nặng, cần được điều trị.


      Mỗi người có thể có những cách “đánh giá” 1 khác nhau về các “từ” của “tiếng Việt mới”. “Cá nhân tôi” 1 vẫn sử dụng các “từ” như:


      Bản chất: Nghe “mạnh” hơn là “bản tính”. Nói “Bản chất của hắn ta là vậy”, có nghĩa là hắn ta… hết thuốc chữa. Cái gì thuộc về “bản chất” rồi là đã nằm trong máu trong thịt, không cách chi “cải tạo” được, chỉ có nước… thay máu.


      Bóng đá: Nói “môn bóng đá” thì đúng hơn “môn đá bóng”, tốt hơn “môn túc cầu” và chính xác hơn “môn bóng tròn”. Hơn nữa, nói “bóng chuyền”, “bóng ném”… thì cũng nói “bóng đá”.


      Dị ứng: Không dễ tìm được từ ngữ nào tương đương trong “tiếng Việt cũ” (không hẳn là “phản ứng” hay “khó chịu”). Nói “Tôi rất dị ứng với cái từ ấy”, nghe giống như là ăn phải món gì đó, hoặc uống nhằm thứ thuốc men gì đó, da dẻ phát ngứa, nổi mề đay, gãi sồn sột.


      Kịch tính: Nói “Một trận bóng đá đầy/nhiều kịch tính” gợi nhiều cảm xúc rất “kịch”.


      Nhạy cảm: Nghe… nhạy cảm hơn là “dễ đụng chạm”, “dễ mất lòng”, “dễ xa nhau”.


      Tâm đắc: Nghe… tâm đắc hơn là “đắc ý”, “hợp ý”, “ưng ý”.


      Tính từ: Từ ngữ chỉ về tính cách, tính chất của người, vật, sự việc (đúng hơn “tĩnh từ” trong “tiếng Việt cũ”, nghĩa tương phản với “động từ”).


      Vận động viên: Nghe đúng hơn là “lực sĩ” của “tiếng Việt cũ” (nhiều vận động viên không phải là “lực sĩ”).


      Các từ ngữ như “dữ kiện”, “dữ liệu”, “đối tác”, “phản hồi”, “tiếp thị”, “truy cập”... (các “thuật ngữ” 1 mới, không có trong “tiếng Việt cũ”) cũng thường được tôi sử dụng. Những từ ngữ “quan ngại”, “phản ánh”, “hình thành”, “đảm bảo”… không phải là “tiếng Việt mới” như nhiều người tưởng mà từng được sử dụng ở miền Nam ngày trước.


      Có thể kể ra được các “từ” và cách nói được người Việt ở cả trong và ngoài nước sử dụng với “tần suất cao” 1 như: “từ”, “bài viết”, “ẩm thực”, “tham gia”, “tham quan”, “tranh cãi”, “chia sẻ”, “cá nhân tôi”, “chúc sức khỏe”…


      Phần này không đề cập đến những tiếng lóng hoặc ngôn ngữ đường phố (street language) mà tiếng Việt “cũ” hay “mới” gì cũng đều có.


      4. Nói sai, hiểu đúng


      “Lát nữa đây tôi sẽ trao đổi với anh”, nghe người bạn nói vậy, ta tự động hiểu là anh ta sẽ trao đổi ý kiến với mình (chứ không phải trao đổi thư từ, hình ảnh, tài liệu... hay thứ gì khác).


      “Anh có thể vào trang web ấy để tham khảo ít tư liệu”, nghe người bạn nói thế, ta tự động hiểu là cả nước đều có thể tham khảo “vô tư” 1 các tài liệu ấy (chứ chẳng phải riêng tư gì).


      Nếu ta “nhất trí” được với nhau ngôn ngữ là “công cụ truyền đạt ý tưởng và giao tiếp giữa con người” thì hai câu nói trên xem như “đạt yêu cầu”. 1 Người nói muốn nói cách nào cũng được, chỉ cần người nghe hiểu được và hiểu đúng là ngôn ngữ đã hoàn thành tốt đẹp vai trò của mình.


      “Tư liệu” hay “tài liệu” thì cũng chỉ là cách gọi, là cái tên con người đặt để ra. Giả sử “nhà phát minh chữ nghĩa” chỉ tay vào cái bàn và nói “Đây là cái ghế” thì vật dụng ấy sẽ có tên là “ghế”. Giả sử ta gọi “chó” là “mèo” và “mèo” là “chó” thì khi nói “chó” người nghe sẽ hiểu đấy là con vật nuôi ở trong nhà, kêu “meo meo” và giỏi bắt chuột; ngược lại, khi nói “mèo” người nghe sẽ hiểu đấy là con vật nuôi để giữ nhà, sủa “gâu gâu”, và thường ngoắc ngoắc đuôi mừng chủ đi đâu về. Mới nghe thì có vẻ ngược ngạo, nhưng nghe riết cũng thành… quen tai. Tên gì thì cũng chỉ là cái… tên.


      Nhiều người Việt ở ngoài nước vẫn phê phán hai chữ “chất lượng” của “tiếng Việt mới”, cho rằng “lượng” không thể nào là “phẩm” được, và nói “nâng cao chất lượng” là không đúng mà phải nói “nâng cao phẩm chất”. Thực ra, không phải người Việt trong nước không biết rằng chữ “lượng” (trong từ ngữ “chất lượng”) là chỉ mức độ lớn nhỏ, nhiều ít, cân đo đong đếm được. Cũng không phải họ không biết đến hai chữ “phẩm chất”. Từ ngữ này vẫn có trong từ điển tiếng Việt của họ, và được định nghĩa “Cái làm nên giá trị của người hay vật”, đi với ví dụ: “Hàng kém phẩm chất”. Trong lúc “chất lượng” được định nghĩa “Cái tạo nên phẩm chất, giá trị của một con người, một sự vật, sự việc” (Từ điển tiếng Việt, Nhiều tác giả, Viện Ngôn ngữ học, nxb Đà Nẵng, Trung tâm Từ điển học, 2006). Chất lượng là “cái tạo nên phẩm chất”, định nghĩa cách ấy ai muốn… hiểu sao thì hiểu! Mặc ai muốn nói gì thì nói, họ vẫn cứ dùng “chất lượng” và giải thích “nói ‘chất lượng’ là để phân biệt với… ‘số lượng’”, chứ nhất định không chịu dùng “phẩm chất” của người miền Nam ngày trước (thể hiện tinh thần “độc lập, tự chủ”), ngụ ý “Cứ nói thế đấy, miễn hiểu được là được.”


      “Miễn hiểu được là được”, trong một nghĩa nào đó, cũng có lý chứ không phải không. Nghe người nào đó nói “chất lượng”, ta… tự động hiểu rằng ý người ấy muốn nói là “phẩm chất”. Nói gì thì nói, cái “từ” khá tiêu biểu của “tiếng Việt mới” ấy, và nhiều “từ” khác nữa, vẫn được lưu hành rộng rãi trong mọi sinh hoạt của người Việt ở hải ngoại. Các “báo, đài” vẫn cứ “đảm bảo chất lượng” lia chia, các xướng ngôn viên truyền thanh, truyền hình vẫn cứ “nâng cao chất lượng” đều đều, vẫn cứ phát ngôn ra rả những “khâu” này “bộ phận” kia, vẫn cứ “tháng Một”, “tháng Bốn” (thay vì tháng Giêng, tháng Tư), vẫn “chủ yếu”, “chủ trì”, “biểu diễn”, “đăng ký”, “kiểm tra”, “phát hiện”, “tập trung”, “tham gia”, “tham quan”, “tranh cãi”, “đánh giá cao”, “có khả năng”, “có sức thuyết phục”… vân vân. “Khán thính giả nghe đài” thì cũng dễ dãi, ít có ai thắc mắc hay ý kiến này nọ, hoặc nếu có phản kháng thì cũng… yếu ớt, vì biết có phản kháng phản tỉnh gì thì cũng chẳng đi đến đâu. Người nghe nghe mãi, nghe riết cũng… quen tai, và tới nay thì dù muốn dù không cũng đành chấp nhận “từ” mới “từ” cũ “sống chung hòa bình”. Cũng không thể phê phán các cô xướng ngôn viên ấy được, vì các cô chỉ đọc làu làu các văn bản được ai đó soạn sẵn, và “ai đó” thì hầu như cũng chẳng bận tâm đến chuyện hay dở, đúng sai, phải trái, “tiếng Việt cũ”, “tiếng Việt mới” chi chi cả.


      Trả lời thư “phản hồi” 1 của “thính giả nghe đài” phàn nàn việc sử dụng nhiều từ ngữ của “tiếng Việt mới” trong các chương trình phát thanh bằng Việt ngữ, người phụ trách chương trình của một đài phát thanh nước ngoài giải thích đại ý, “Đối tượng của chương trình này ‘đại đa số’ 1 là thính giả ở trong nước chứ không phải chỉ người Việt ở nước ngoài. Chúng tôi sử dụng từ ngữ thông dụng ở trong nước để việc ‘truyền thông’ đạt được hiệu quả tốt.” “Thính giả nghe đài” chắc cũng thỏa mãn cách giải thích này nên không có ý kiến gì thêm.


      Cách gọi “thính giả nghe đài” cũng là “cụm từ” của tiếng Việt trong nước. Thoạt đầu là “các bạn nghe đài”, sau đổi thành “quý bạn nghe đài” (nghe “trân quý” hơn), sau lại đổi thành “quý thính giả nghe đài” hoặc “quý khán thính giả xem đài” nếu là xem truyền hình (lẽ ra phải là “quý khán thính giả xemnghe đài”). Thế nhưng, đổi như vậy thì lại thừa ra cái đuôi “nghe đài”, “xem đài”. Những “cụm từ” này cũng được ít đài truyền thanh, truyền hình của người Việt ở hải ngoại vay mượn. Với cách dùng “từ” như thế, e rằng mai đây sẽ lại có thêm những “khán giả xem phim”, “khán giả xem kịch”, “độc giả đọc sách”, “độc giả đọc báo”... vân vân.


      Các xướng ngôn viên trong và ngoài nước vẫn gọi người xem truyền hình là “quý khán thính giả”, trong lúc chỉ cần gọi “quý khán giả” là đủ (thêm chữ “thính” nữa là thừa), vì “khán giả” của một trận bóng đá, của sân khấu, của màn ảnh rộng (rạp hát) hay màn ảnh nhỏ (máy truyền hình) đều “vừa xem vừa nghe” cả.


      Thực tế, “tiếng Việt mới” và “tiếng Việt cũ” đều có những trường hợp sử dụng từ ngữ không được chính xác. Người Việt ở miền Nam ngày trước vẫn viết hoặc nói “gái mãi dâm” (thay vì “gái mại dâm”), “đi khám bác sĩ” (thay vì “đi khám bệnh”)… Và người đọc hay người nghe, khi nghe “đi khám bác sĩ”, thay vì yêu cầu người nói điều chỉnh, phải… tự mình điều chỉnh não bộ (là nơi tiếp nhận ngôn ngữ) để hiểu rằng người nói muốn nói là “đi gặp bác sĩ để khám bệnh”. Việc này có thể tạo ra chút lúng túng ở lần đầu tiên vì “sự cố” 1 có hơi bất thường; tuy nhiên, từ đó về sau thì “quá trình” 1 tự điều chỉnh ấy sẽ trôi chảy, tự nhiên và trở nên bình thường.


      Nói sai nhưng… hiểu đúng là được, như cách nói của người Mỹ, “That’s ok, no problem”. Về mặt truyền đạt ý tưởng, như thế gọi là “đạt yêu cầu”.


      (Phần II)


      Cội nguồn, thư pháp Xuân Đào


      “Nói tiếng Việt chêm tiếng nước ngoài
      là cách ‘tạo dáng’ trong lúc trò chuyện.”

      B. Tiếng Việt ở ngoài nước


      Những con số thống kê gần đây cho biết hiện có gần bốn triệu người Việt sống ở ngoài nước. Khoảng một nửa số này định cư tại Hoa Kỳ (nhiều nhất ở các tiểu bang California, Texas, Washington, Florida, Virginia...). Các quốc gia khác có khá đông người Việt là Pháp, Úc, Canada, Đức, Đại Hàn, Đài Loan, Campuchia, Thái Lan…


      Người Việt định cư ở nước ngoài có thể tạm chia ra làm hai đối tượng:

      - Người Việt rời khỏi đất nước khi đã trưởng thành, thông thạo tiếng Việt, tạm gọi: đối tượng A.

      - Người Việt sinh ra hoặc trưởng thành ở nước ngoài, không thạo tiếng Việt, tạm gọi: đối tượng B.


      1. Quê hương trong nét bút


      Đối tượng A hầu hết là người Việt sinh trưởng trong Nam và rời đất nước sau năm 1975 (vào cuối năm 1974, chỉ có khoảng 26 ngàn người Việt tại Hoa Kỳ). 2 Vốn liếng tiếng Việt của nhóm này là “tiếng Việt cũ” (nếu ra đi năm 1975 hoặc không lâu sau đó), hoặc “tiếng Việt cũ” và “tiếng Việt mới” trộn chung (nếu sống khá lâu ở trong nước sau năm 1975).


      Nhiều “người di tản buồn” đã ra đi gần như trắng tay, và “chúng ta đi mang theo quê hương” không chỉ là mang theo hình ảnh “con sông xưa, thành phố cũ” mà còn mang theo chút vốn liếng Việt ngữ, là tiếng nói và chữ viết của người Việt. Số vốn dự trữ ấy mang ra nước ngoài ít được sử dụng, cũng không đầu tư vào đâu được để sinh lợi, càng để lâu càng thêm hao hụt.


      Phần thì hao mòn dần, phần thì phải “hội nhập” 1 vào dòng chính là ngôn ngữ của người bản xứ, tiếng Việt ít nhiều chịu ảnh hưởng của tiếng nước ngoài. Về cấu trúc ngôn ngữ chẳng hạn, người Việt ngoài nước nói “Xin vui lòng để lại lời nhắn của bạn sau tiếng beep” (Please leave your message after the beep) chứ không nói “Xin bạn vui lòng nhắn lại sau tiếng beep” như người Việt trong nước. Về việc chen tiếng bản xứ khi nói hay viết tiếng Việt chẳng hạn, hoặc do thói quen, hoặc do ưa thích.


      Trong khi đó, sinh hoạt chữ nghĩa tiếng Việt ở nước ngoài là bức tranh khá ảm đạm. Một trong những cách để có được cái nhìn này là bước vào tiệm sách của người Việt. Khách yêu chữ nghĩa lác đác, thảng hoặc một, hai người cầm hờ hững trên tay cuốn sách, tờ báo, liếc sơ qua rồi lặng lẽ bỏ xuống. Một tiệm sách quen thuộc trong khu thương xá Phước Lộc Thọ của người Việt ở Calif. mới đây đã phải ngậm ngùi đóng cửa vì không cầm cự được lâu hơn. Ngoài ít tờ nhật báo phát hành tại các thành phố đông người Việt, hầu hết báo chí là “báo chợ” (báo phát không ở các chợ và cơ sở thương mại của người Việt, sống nhờ vào thân chủ quảng cáo). Các tạp chí về văn chương (thường gọi là “tạp chí văn học nghệ thuật”) lần lượt đình bản vì người đọc (lớn tuổi) lần lượt rơi rụng như những cánh… lá vàng rơi. “Báo nói” (các chương trình truyền thanh, truyền hình) và “báo mạng” (online) đánh bạt “báo giấy”, “báo in” (các từ ngữ “mới” của người Việt ngoài nước) do vừa tiện lại vừa lợi là độc giả không phải bỏ tiền mua báo. “Báo mạng” cũng phải hay, phải hấp dẫn, phải có những sáng kiến độc đáo mới “hút” và giữ được người đọc. Nếu không, người đọc chỉ click một cái là nhảy sang đọc “báo” khác.


      Đối với đối tượng A thì tiếng Việt là “tiếng nước tôi”, là một phần “máu thịt” của mình. Đối tượng này không chỉ nói, nghe, đọc tiếng Việt thôi, mà còn có nhu cầu viết nữa. Viết như một thôi thúc. Viết để giải tỏa, phơi trải hay gửi gấm nỗi lòng mình trên trang giấy (hay trên màn hình computer). Viết để tìm gặp lại chữ nghĩa tiếng Việt. Viết để đi tìm “quê hương trong nét bút”. Người Việt lớn tuổi ở ngoài nước ngày càng có xu hướng viết nhiều hơn là đọc. “Người viết nhiều hơn người đọc”, “nhà văn nhiều hơn độc giả” là những cách nói vui có pha chút ngậm ngùi, đồng thời cũng cho thấy nhu cầu viết lách tiếng Việt của người Việt tha hương là nhu cầu “tâm tư tình cảm” khá bức thiết. “Sách ngày nay được in ra tràn lan, phần lớn do nhu cầu của người viết chứ không do nhu cầu của người đọc,” nhà văn Nguyễn Mộng Giác nêu nhận xét không mấy vui. “Tình trạng lão hóa trong sinh hoạt văn học của người Việt hải ngoại”, cách nói khá bi quan của ông, trước hết đến từ “tình trạng lão hóa trong ngôn ngữ”. Những ai còn chịu khó đọc, viết (và cả nói) tiếng Việt hầu hết ở độ tuổi đang bước vào buổi hoàng hôn của đời người. Sứ mạng “tử thủ” ngôn ngữ của người Việt được đặt lên vai những “người lính già xa quê hương” (tên bài hát của nhạc sĩ Nhật Ngân). Gọi là “lính già”, vì giả sử một người rời khỏi đất nước năm 1975 ở vào độ tuổi đôi mươi (khá rành tiếng Việt) thì bây giờ anh/cô ta cũng đã… gần sáu mươi rồi. Trong những buổi gọi là “Ra mắt sách”, thành phần khách tham dự hầu hết là những vị cao niên, trông giống như cuộc họp mặt của một “hội người già”. Khách tham dự buổi “Ra mắt sách” có khoảng một trăm người được xem là thành công.


      Tháng trước tôi được người bạn gửi cho bộ sách có nội dung giáo dục, cổ xúy việc “gìn vàng giữ ngọc” nền tảng luân lý, đạo đức truyền thống của người Việt. Sách in đẹp, biên soạn công phu, nhưng không thấy ghi giá bán. Hỏi ra, được biết một nhóm người tâm huyết gồm các nhà văn, nhà giáo bỏ ra nhiều thì giờ và công sức xúm nhau thực hiện, chỉ để biếu không những ai có nhu cầu. Cầm cuốn sách trên tay như cầm một nỗi chua xót, ngậm ngùi.


      Người Việt lớn tuổi ở ngoài nước không chỉ thèm viết mà còn thèm có người đọc mình. Nhiều sách hay, giá trị, biên soạn công phu như bộ sách nói trên in ra không có người đọc. Viết cho ai đây khi mà “người đọc” là những người lớn tuổi vốn đã ít ỏi lại ngày càng ít ỏi. Trong những cố gắng cuối cùng để đi tìm người đọc, những người viết ở nước ngoài có lúc trông vời về “hậu phương bao la” là khối lượng nhiều triệu độc giả ở trong nước, cho dù điều này có vẻ không đơn giản chút nào, vì mãi đến nay chuyện “giao lưu văn hóa” giữa “hai bên” dường như chỉ có một chiều. Trong lúc các “văn hóa phẩm” trong nước được tìm thấy đầy rẫy trong những thư viện ở ngoài nước thì sách báo của người Việt ở hải ngoại không dễ gì du nhập vào quốc nội. Chưa nói là liệu người đọc trong nước có sẵn sàng để đón nhận và cầm lên tay cuốn sách của một tác giả từng bỏ nhà bỏ cửa đi biền biệt bao năm, cũng như chưa nói là tác giả phải chịu sự dò xét không dễ chịu chút nào của “một bộ phận không nhỏ” 1 trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Điều an ủi là, sự phát triển của phương tiện truyền thông hiện đại internet vẫn dành cho các cây bút hải ngoại một cơ hội: độc giả trong nước có thể đọc được những gì người Việt ngoài nước viết ra trên màn hình computer, tuy rằng không chính thức nhưng... có còn hơn không.


      2. Bảo tồn và phát huy tiếng Mỹ


      Đối tượng B, người Việt trưởng thành ở nước ngoài, có thể được xem là đối tượng quyết định về số phận và tương lai của tiếng Việt ngoài nước.


      Trẻ em nước ngoài học tiếng Việt là học từ bố mẹ, thầy cô (nếu theo học các trường Việt ngữ). Học chữ nào là biết chữ ấy chứ không có ý kiến gì về “tiếng Việt cũ”, “tiếng Việt mới” cả. Vốn liếng khiêm tốn về Việt ngữ không đủ và không giúp các em ham thích đọc sách báo tiếng Việt hoặc tìm đến các chương trình truyền thanh, truyền hình của người Việt. Hơn thế nữa, học là học vậy chứ ít có cơ hội thực hành, hầu hết chỉ là để nói chuyện với bố mẹ và những người Việt lớn tuổi không rành tiếng bản xứ. Tiếng Việt của các em là thứ tiếng lơ lớ, cưng cứng, phát âm nghe từa tựa như là… tiếng Việt, và thường các em chỉ nói được ít câu ngăn ngắn.


      Khi mà thế hệ thông thạo tiếng Việt mai một, ngôn ngữ ấy được thế hệ tiếp nối đặt đúng vào vị trí khiêm tốn của một sinh ngữ phụ, lâu lâu có dịp mang ra sử dụng để… không quên mình là người bản xứ gốc Việt. Hoạt cảnh các thí sinh hoa hậu đứng trên sân khấu phát biểu cảm tưởng bằng tiếng Việt để trả lời câu hỏi trắc nghiệm kiến thức hoặc khả năng ứng xử là một ví dụ. Các cô thường chỉ bập bẹ ít câu tiếng Việt bằng giọng đơ đớ với vẻ ngượng nghịu, rồi sau đó cười cười “Em xin phép được nói tiếng Anh, vì tiếng Việt em... không rành.”


      Chuyện “tiếng Việt em không rành” cũng là điều tự nhiên và dễ hiểu: các môi trường chính như trường học, nơi làm việc, bạn bè và các đối tượng giao tiếp khác của các em trong sinh hoạt hàng ngày hầu như đều sử dụng ngôn ngữ chính là tiếng bản xứ. Các em có rất ít cơ hội sử dụng tiếng Việt, nếu có chỉ là với bố mẹ hoặc các bác, các cô chú lớn tuổi (với những bố mẹ “trẻ” thì cơ hội này càng hiếm hoi).


      Giới trẻ, ngoài một số sinh sống trong cộng đồng có đông người Việt, thường tỏ ra miễn cưỡng, kém thoải mái và không có “cảm giác ngôn ngữ” khi sử dụng tiếng Việt (không cảm thấy tiếng Việt là “tiếng mẹ đẻ”, “tiếng nước tôi”). Các em cũng hiếm khi bước chân vào tiệm sách tiếng Việt, và nếu có lui tới thư viện cũng chỉ để tham khảo các tài liệu bằng tiếng nước ngoài (thường là tiếng bản xứ như Anh, Pháp…). Thú tiêu khiển và sinh hoạt thường ngày của các em là sách báo, phim ảnh, các chương trình phát thanh, phát hình bằng tiếng bản xứ, các hoạt động văn nghệ, thể thao và giải trí có màu sắc văn hóa nước ngoài. Nghe một bài hát tiếng Việt chẳng hạn, các em ít thấy hứng thú vì không hiểu bài hát nói gì, hoặc có hiểu thì cũng ít thấy rung cảm, cũng vì không có “cảm giác ngôn ngữ”.


      Một anh bạn tôi lại có suy nghĩ khác, anh ta cho rằng tiếng Việt tuy khó mà sống vui, sống khỏe ở hải ngoại nhưng vẫn cứ… sống, không phải nhờ các trường dạy tiếng Việt, không phải nhờ sách báo hoặc các chương trình phát thanh, phát hình tiếng Việt mà ở một “sân chơi” khác. “Ở đâu?” tôi hỏi. “Anh có xem các DVD chương trình ca nhạc của Thúy Nga, Asia… không?” anh ta hỏi lại. “Trên sân khấu các ca sĩ trẻ người Việt hát những bài hát bằng tiếng Việt, và dưới sân khấu có khá đông khán giả trẻ người Việt. Ngày nào trong giới trẻ vẫn còn những em thích hát, thích nghe nhạc Việt thì… vẫn còn tiếng Việt.” Quả là như vậy, âm nhạc là một trong những môi trường nuôi dưỡng tiếng Việt. Giới trẻ ở hải ngoại có thể không nói và viết thông thạo tiếng Việt nhưng một số vẫn hát được nhạc Việt, vẫn tìm đến các sinh hoạt giải trí bằng âm nhạc Việt. Nhiều ca sĩ trẻ còn tìm đến những bài hát của miền Nam ngày trước, thậm chí cả những bài “nhạc tiền chiến” nữa. Yêu thích một bài hát tiếng Việt dẫn đến yêu thích tiếng Việt, hoặc ít ra cũng làm quen được với tiếng Việt. Những cuộc thi hát karaoke bằng tiếng Việt, những cuộc thi tuyển lựa “giọng ca vàng” hoặc “sáng tác mới”, những ca đoàn trong các thánh lễ của người Việt, những bài hát vui tươi thầy cô dạy cho học sinh trong các lớp học Việt ngữ… ít nhiều góp phần giữ cho tiếng Việt không mất đi.


      Giữ cho tiếng Việt không mất đi đã là khó và đáng được “biểu dương” 1 đối với người Việt ngoài nước, nói chi đến chuyện làm đẹp làm giàu thêm tiếng Việt. Các trường Việt ngữ mở ra ở hải ngoại hầu như đều cùng một mục tiêu là “bảo tồn và phát huy” ngôn ngữ và văn hóa Việt, và hầu như chỉ đạt được một nửa mục tiêu này, nghĩa là chỉ cố gắng “bảo tồn” chứ “phát huy” thì chưa được rõ nét lắm.


      Trong khi đó, việc “bảo tồn và phát huy” ngôn ngữ của… người bản xứ, mặc dù không thấy ai hô hào, cổ động, lại có vẻ được chú tâm hơn. Tại những cộng đồng người Việt nói tiếng Anh, ta vẫn nghe khá nhiều tiếng Việt “mới” như: “hai!” (hi!), “goào!” (wow!), “chat” (chat), “net” (net), “phôn” (phone), “phen” (fan), “bai” (bye), “xeo” (sale), “óp” (off), “đao” (down), “điu” (deal), “gióp” (job), “lin” (clean), “mu” (move), “neo” (nail), “viu” (view), “đai-ật” (diet), “ấp-lai” (apply), “lai-xần” (license), “phân-đìng” (funding), “rì-xíp” (receipt), o-đờ (order), “ken-xồ” (cancel), “kòm-len” (complain), “lép-tóp” (laptop), “đao-lốt” (download), “i-meo” (email), “kem-pìng” (camping), “xóp-pìng” (shopping), “wíc-kèn” (weekend)... vân vân, kể ra không hết. Những từ ngữ mới này có làm “giàu” thêm kho tàng tiếng Việt hay không thì… không chắc lắm, và thường chỉ người Việt nói người Việt hiểu với nhau mà thôi. Nếu phải đặt tên, có thể gọi là “từ ngữ Mỹ-Việt” (như cách gọi “từ ngữ Hán-Việt”), là tiếng Mỹ đọc theo âm Việt.


      3. “Chỉ sợ đàn con quên Việt ngữ”


      Trẻ em sinh trưởng ở nước ngoài thường nghĩ sao nói vậy. Câu hỏi “Khi nào em nói tiếng Việt? Em có thích tiếng Việt không?” của cô giáo trong một lớp học tiếng Việt ở Westminster, Calif., nhận được những câu trả lời của học sinh:


      “Em chỉ dùng tiếng Việt khi em ở nhà tại vì bị bắt buộc. Khi em ở trường em không dùng tiếng Việt tại vì em không thích.”

      “Khi em ở nhà và ở trường em không thích nói tiếng Việt. Em chỉ nói tiếng Việt lúc trong lớp tiếng Việt.”

      Một em khác nói ngắn gọn: “Em không ghét tiếng Việt, em chỉ không thích.” 3


      Chỉ đơn giản là “không thích”. Không thích học tiếng Việt, không thích nói tiếng Việt. Kể ra “không thích” thì cũng khó mà ép uổng, có ép thì các em cũng miễn cưỡng và cũng… không thích. Thế nhưng, vì sao lại không thích?


      “Điều khó nhất khi dạy tiếng Việt cho các em là gieo vào đầu các em tình yêu tiếng Việt,” 3 một thầy giáo trăn trở.


      Có thể xem đấy là câu trả lời. Giới trẻ người Việt ở hải ngoại không thích sử dụng tiếng Việt là vì các em không có, hoặc thiếu vắng tình yêu tiếng Việt. Khi không “yêu” thì hờ hững, dửng dưng. Với bố mẹ các em, với những người lớn tuổi, tiếng Việt gắn liền với “quê cha, đất tổ”, hòa trong máu trong tim, nằm trên môi trên miệng từ thuở còn trong nôi cho đến ngày rời bỏ quê hương. Với các em thì không như thế, các em khó mà “yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời”.


      Hơn thế nữa, muốn cho con em mình có được tình yêu tiếng Việt thì bố mẹ của các em cần phải có tình yêu tiếng Việt trước đã (chứ không phải là tình yêu tiếng Mỹ, tiếng Tây hay thứ tiếng nào khác). Một trong những biểu hiện cụ thể của “tình yêu” ấy là tránh hoặc hạn chế việc sử dụng tiếng nước ngoài trong sinh hoạt gia đình và đời sống thường ngày.


      Chuyện sính dùng tiếng nước ngoài vốn là “truyền thống” lâu đời của người Việt chứ chẳng phải mới đây, phát sinh từ tâm lý “chuộng hàng ngoại” của người dân một nước nghèo, chậm tiến. “Hàng ngoại” được yêu chuộng và ngưỡng mộ gồm cả ngôn ngữ của các nước có nền văn minh, văn hóa cao. Căn bệnh thích “xổ Nho” ngày trước và thói tật chêm tiếng Tây, tiếng Mỹ ngày nay vào câu nói, câu viết tiếng Việt một cách cố ý và không cần thiết là một “đặc trưng” của người mình. Người trong nước vừa ra đến nước ngoài đã nhanh chóng “tiếp thu” 1 kiểu cách ấy để tỏ ra mình cũng “đẳng cấp”,1 cũng văn minh lịch sự không kém ai. Người Việt tha hương về thăm quê nhà mỗi khi chuyện trò thường phải dặm thêm tiếng nước ngoài (hầu hết là tiếng Mỹ) vì ít nhiều đã… quên tiếng Việt. Bệnh “quên” này là có chọn lọc, vì hiếm thấy Việt kiều nào phải chêm tiếng Nga, tiếng Đức, tiếng Campuchia do sống lâu năm ở các nước này. Các xướng ngôn viên, người dẫn chương trình hoặc phụ trách các show truyền hình cũng thích chêm hoặc sử dụng tiếng Mỹ khi nói chuyện với đối tượng khán giả ngưởi Việt trong lúc vẫn có thể nói lưu loát tiếng mẹ đẻ. Nói tiếng Việt chêm tiếng nước ngoài là cách “tạo dáng”,1 tạo “phong cách sành điệu” trong lúc trò chuyện, nói như ngôn ngữ “tiếng Việt mới”.


      Điều đáng suy gẫm, không chỉ giới trẻ thôi mà nhiều người lớn sống ở nước ngoài cũng tỏ ra… không thích tiếng Việt, hoặc yêu tiếng nước ngoài hơn tiếng nước mình. Lắm lúc con cái nói tiếng Việt với bố mẹ thì bố mẹ trả lời bằng tiếng Mỹ hoặc tiếng Việt pha Mỹ, nghe toàn những “hi”, “ok”, “yes”, “no”, “dad”, “mom”, “you guy”, “oh my God!”, “come on!”, “good job!”, “no way!”, “stop it!”, “nice”, “perfect”, “amazing”… Gia đình là môi trường tốt nhất, thuận tiện nhất cho con em học và thực hành tiếng Việt, nhưng nếu bố mẹ, các bác các cô chú sính dùng tiếng Mỹ hơn tiếng Việt thì các em… chẳng học được gì. Hoặc, thay vì khuyến khích con em cố gắng dùng tiếng Việt, nhiều bố mẹ lại hay chế diễu những câu nói ngây ngô của con mình khi “thực hành” thứ tiếng này, khiến các em đâm ra “quê”, và vốn đã không thích học tiếng Việt lại càng thêm… không thích. “Tình yêu tiếng Việt” nếu chưa “gieo vào đầu” hoặc “chạm vào tim” các em được thì cũng dễ hiểu.


      Ngoài những em có may mắn được gia đình chăm sóc kỹ và chịu khó học hỏi tiếng Việt, vốn liếng và trình độ Việt ngữ của các em có khi không hơn kém bao nhiêu so với mấy anh chàng người Mỹ thỉnh thoảng biểu diễn ít câu tiếng Việt để giúp vui những bạn bè người Việt. Khi phải nói một câu tiếng Việt, các em thường phải làm công việc “chuyển ngữ” 1 từ tiếng bản xứ (ngôn ngữ chính của các em) sang tiếng Việt ở trong đầu mình, xong rồi mới phát ra (tương tự người Việt lớn tuổi học tiếng nước ngoài). “Bố con không nhà,” một em người Mỹ gốc Việt trả lời điện thoại, “con không biết khi nào thì nó về.” Hoặc, “Em rất thần tượng ca sĩ L.T.” (thay vì “Ca sĩ L.T. là thần tượng của em”). “Thần tượng” vốn là danh từ nay biến thành động từ (cách này không lạ, vẫn gặp ở tiếng Mỹ), có thể xem như một từ ngữ “mới” được giới trẻ ở ngoài nước phát minh. (Trong lúc “tiếng Việt mới” ở trong nước có những cải tiến... ngược lại, như “lái xe” vốn là động từ nay biến thành danh từ, với nghĩa là “tài xế”). Những “phát minh” này không nhiều lắm nên cũng không làm giàu thêm được bao nhiêu kho tàng tiếng Việt.


      Trong khi đó, các phương tiện truyền thông của người Việt ở nước ngoài, đặc biệt là các đài truyền hình, hầu hết chú trọng về thông tin và giải trí hơn là giáo dục. Các chương trình phỏng vấn ca sĩ, tâm tình nghệ sĩ hoặc “thời trang và mỹ phẩm” có khá nhiều, trong lúc đến nay vẫn chưa thấy có các chương trình dạy Việt ngữ kiểu “học mà vui, vui mà học” nào dành cho trẻ em và học sinh, sinh viên có nhu cầu học hỏi về tiếng Việt và văn hóa Việt.


      Khi mà tiếng Việt chỉ đóng vai phụ mờ nhạt chứ không được thế hệ người Việt trưởng thành ở nước ngoài chọn làm “công cụ truyền đạt ý tưởng và giao tiếp”, tiếng Việt nếu không theo “ngày tháng tàn phai” thì cũng khó mà sống mạnh, sống hùng được.


      Một vài “tản mạn” 1 về “tiếng Việt và thế hệ ngày mai” như trên cho thấy, không khó lắm để đoán trước được tương lai vận mệnh của tiếng Việt ở hải ngoại. Đôi lúc tôi tự hỏi, với những bà mẹ trẻ sinh con ở nước ngoài, liệu tiếng Việt của con mình có còn gọi là “tiếng mẹ đẻ” (chưa nói là “tiếng quốc ngữ”)?


      “Chỉ sợ đàn con quên Việt ngữ / Đừng lo lũ trẻ kém Anh văn”, lời nhắn nhủ đầy tâm huyết của cụ Bảo Vân Bùi Văn Bảo, một nhà giáo lão thành khả kính đã quá vãng, dường như ít được các bậc phụ huynh lưu tâm. “Quên Việt ngữ” thì “đàn con” chẳng quên đâu, có điều lắm lúc chính bố mẹ các em cũng không hiểu được tiếng… Việt ngữ của các em.


      C. Tiếng Việt đi đâu, về đâu?


      Dân số phát triển thì ngôn ngữ cũng phát triển theo. Ngôn ngữ nào được số đông người dân trong nước sử dụng được xem là ngôn ngữ chính thống, cũng tựa như “nhiều người cùng đi trên một lối thì thành ra con đường” (đường tốt, xấu thế nào là chuyện khác).


      Tiếng Việt đi về đâu? Câu hỏi này có vẻ đặt ra cho người Việt ngoài nước nhiều hơn, vì đối với người Việt trong nước thì tiếng Việt “vẫn đi bên cạnh cuộc đời”, bên cạnh mọi sinh hoạt bình thường của trên 85 triệu dân. Những sinh hoạt “không bình thường” của ngôn ngữ, nếu có cũng không nhiều, như là dạng chữ nghĩa khá đặc biệt của một “bộ phận” giới trẻ, gọi là “ngôn ngữ teen” (hay “ngôn ngữ chat”, hay “ngôn ngữ online”), chẳng hạn:


      “chi`u nEj pun` mun’ kóc” (tạm “chuyển ngữ”: “chiều nay buồn muốn khóc”).

      “iu an wa’ choj` lun!” (tạm “chuyển ngữ”: “yêu anh quá trời luôn!”).


      Dạng chữ gọi là “tiếng Việt xì-tin” này không phải là ai cũng biết “giải mã” để đọc được, hiểu được. Bên cạnh đó, có những sinh hoạt chữ nghĩa lành mạnh hơn, như nghệ thuật “thư pháp” chẳng hạn. Nhà thơ Vũ Đình Liên, giá mà còn tại thế, dạo bước trên những vỉa hè “bên phố đông người qua”, hẳn ông phải ngạc nhiên và thích thú khi trông thấy có lắm “ông đồ trẻ” đang “hoa tay thảo những nét / như phượng múa rồng bay” rất vui mắt. Trong các tranh thư pháp ấy là những “Tiếng Việt còn, nước Việt còn”, “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”, “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng”… Thư pháp chắt lọc những “chất ngọc” trong kho tàng tiếng Việt, từ những “lời vàng” đến những tục ngữ, ca dao, những áng thi ca đầy “hương sắc quê mình”.


      1. “Tiếng Việt cũ”đi về đâu?


      Câu hỏi “‘Tiếng Việt cũ’ đi về đâu?” đôi lúc vẫn được đặt ra cho người Việt miền Nam ngày trước, hiện đang sống ở trong nước hay ngoài nước.


      Dù muốn dù không, đối tượng sử dụng “tiếng Việt cũ” ở trong nước không có cách nào khác hơn là phải tự điều chỉnh để thích nghi và “hội nhập ngôn ngữ” với “tiếng Việt mới”. Nói gì thì nói, “tiếng Việt mới” rõ ràng là thắng thế với đa số tuyệt đối của “đại bộ phận” 1 trên 85 triệu người sử dụng tiếng Việt ở trong nước. Cho dù “nỗi buồn tiếng Việt” trở thành “cụm từ” mới khá phổ biến, cho dù có khá nhiều phê phán về những “nhếch nhác” 1 trong ngôn ngữ “tiếng Việt mới”, mọi nỗ lực nhằm vực dậy “tiếng Việt cũ” hoặc ngăn chận, đẩy lùi sự xâm lấn của “tiếng Việt mới”, gọi là để “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” đều có vẻ là những cố gắng… vô ích và tuyệt vọng.


      Đối với người Việt yêu chữ nghĩa của miền Nam ngày trước thì cái đẹp của “tiếng Việt cũ” chỉ còn là cái đẹp “vang bóng một thời”, tựa như cái đẹp ngàn năm văn vật của Hà Nội cũ, của “ánh đèn giăng mắc muôn nơi / áo mầu tung gió chơi vơi” (“Hướng về Hà Nội”, nhạc Hoàng Dương), nay chỉ còn rớt lại nỗi luyến tiếc ngậm ngùi.


      Điều an ủi là, một số từ ngữ của tiếng Việt ngày trước thế nào cũng còn tìm thấy được trong các bộ tự điển tiếng Việt về sau này, với chú thích là… “từ cũ” hay “từ cổ” (nói “cường điệu” 1 một chút cho vui). Dù sao, việc “tử thủ” ngôn ngữ “tiếng Việt cũ” của những “người lính già” cũng là hành động dũng cảm đáng ca ngợi, và ít ra cũng đã “can trường trong chiến bại” (mượn cái tựa sách của cựu Phó Đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại). Nói là nói vậy, đây không phải là chuyện “ai thắng ai” chi chi cả mà chỉ là một trong những quy luật tất yếu và tự nhiên của ngôn ngữ: những từ ngữ nào ít được sử dụng sẽ lần lần mai một đi. Đành ngậm ngùi cho “tiếng Việt cũ” từng làm nên văn hóa miền Nam Việt Nam một thời, nay chìm dần trong lãng quên. Kết luận này có thể làm một số người không vui, thậm chí không “nhất trí”, nhưng biết làm sao hơn.


      Với trẻ em người Việt ở nước ngoài, tiếng Việt mà các em đang học nhiều phần là “tiếng Việt mới” hơn là “tiếng Việt cũ” vì bố mẹ và thầy cô giáo của các em phần lớn thuộc về thế hệ sau hơn là trước năm 1975. Các em cũng dễ làm quen với các “từ” của “tiếng Việt mới” hơn là “tiếng Việt cũ” ít còn được sử dụng. Muốn đi tìm lại dấu vết của “tiếng Việt cũ”, các em có thể vào thư viện tìm đọc sách báo cũ của các tác giả miền Nam. Các tác giả này, nếu còn tiếp tục viết sách, viết báo thì tiếng Việt trong câu văn của họ không hoàn toàn là “tiếng Việt cũ” nữa mà ít nhiều pha trộn “tiếng Việt mới” thâm nhập vào trong đầu một cách tự nhiên từ lúc nào họ cũng không ý thức được.


      Chỉ riêng chuyện văn chương chữ nghĩa, như những ca sĩ “cũ” chỉ còn hát được cho lớp thính giả “cũ” nghe, những tác giả quen tên ở miền Nam ngày trước, nếu không thích ứng được thời đại mới, không “hội nhập” được “tiếng Việt mới”, không thay đổi cách viết, gồm cả thay đổi ngôn ngữ và “tư duy” 1 mới, sẽ chỉ còn được một ít độc giả “cũ” rơi rớt lại, hoặc… không còn độc giả.


      “Những người viết mới”, ngày trước ta có “cụm từ” ấy thì ngày nay cũng có một đối tượng độc giả mới gọi là “những người đọc mới” mà “những người viết cũ” không thể nào không quan tâm nếu muốn những trang chữ của mình còn có người đọc. Những cây bút trào phúng của miền Nam ngày trước chẳng hạn, nếu không chịu thay đổi cách viết và vẫn dùng những “thuật ngữ” trào phúng cũ (như “đọi”, “rách”, “sức mấy”, “chịu chơi”, “bỏ đi tám”, “tuyệt cú mèo”, “con nhà lành”, “đầm giao chỉ”…) mà không chịu “cập nhật” 1 những thuật ngữ mang tính thời sự và hiện đại, sẽ không còn “ăn khách” nữa vì “những người đọc mới” không hiểu được và không thấy khôi hài. Ví dụ, nói “chuyện dài nhân dân tự vệ” hoặc “chuyện muôn đời lục quân Việt Nam” thì ít ai hiểu, nhưng nói “chuyện thường ngày ở huyện” thì nhiều người hiểu được. Nói “tự nhiên như người Hà Nội” thì có người hiểu người không, nhưng nói “vô tư quá!” thì ai cũng hiểu được.


      Trong một cố gắng để bảo tồn những giá trị của “tiếng Việt cũ” và “gìn vàng giữ ngọc” những thành tựu của nền “văn học miền Nam Việt Nam” trước năm 1975, một ít tác giả ở nước ngoài đã dành nhiều thì giờ và công sức vào việc sưu tầm, nghiên cứu, biên khảo mọi sinh hoạt phong phú, đa dạng về văn hóa, nghệ thuật ở miền Nam ngày trước. Văn Học Miền Nam của nhà văn Võ Phiến, bộ sách nhận định tổng hợp khá đầy đủ về tác giả và tác phẩm mọi thể loại của văn học miền Nam thời kỳ 1954-1975, là một trong những cố gắng nổi bật. Hoặc, việc phục hồi và phổ biến rộng rãi gần như toàn bộ ấn bản các tạp chí Nam Phong, Thanh Nghị, Phong Hóa, Ngày Nay… dưới dạng e-book của một nhóm nhà văn, nhà nghiên cứu gần đây đều là những công trình tâm huyết thực sự có ý nghĩa, không chỉ làm tái hiện một giai đoạn lịch sử văn học mà còn bảo tồn được các di sản văn hóa và ngôn ngữ tiếng Việt “cũ” (cũ hơn cả “tiếng Việt cũ” được nói đến trong bài).


      2. Hố thẳm của ngôn ngữ


      “Hố thẳm” ở đây không mang ý nghĩa tương tự “hố thẳm của tư tưởng” như một tựa sách của nhà văn Phạm Công Thiện, cũng không mang ý nghĩa bí ẩn, mầu nhiệm nào của ngôn ngữ, mà là hố sâu của chia cách.


      Tôi có cô em họ rất “dị ứng” với hai chữ “thân thương”. Một lần xem chương trình ca nhạc DVD thấy ca sĩ nào đó phát ngôn “TL rất trân quý sự ủng hộ của quý khán thính giả thân thương dành cho TL” là cô ấy bực mình, bấm remote control “rượt” cô ca sĩ chạy như tên bắn để nghe ca sĩ tiếp theo hát. Khi tôi hỏi vì sao cô lại ghét bỏ hai chữ ấy đến thế thì cô không giải thích rõ, chỉ nói, “Tại sao mình có những chữ ‘thân yêu’, ‘thân mến’, ‘quý mến’ rất là hay, rất là tình cảm mà không chịu dùng, lại dùng chi ba cái chữ ‘thân thương’, ‘trân quý’, ‘dấu ái’, nghe… dễ quạu.”


      Những người khác có thể bị “dị ứng” và “dễ quạu” với những chữ khác như “nhất trí”, “bức xúc”, “báo cáo”, “tranh thủ”, “đột xuất”, “khẩn trương”, “sự cố”… Những tình cảm yêu, ghét này không có duyên cớ chính đáng, thế nhưng đánh đổ chúng có vẻ không dễ dàng chút nào. Hiểu theo nghĩa nào đó thì đây cũng là một dạng “kỳ thị ngôn ngữ”. (Nếu “thân yêu” là “rất hay, rất tình cảm” với người này thì “thân thương” cũng “rất hay, rất tình cảm” với người khác vậy). Lại có người nói rằng mỗi lần nghe những “từ” ấy là cảm thấy… tức ngực, khó thở, nặng đầu hoặc có cảm giác như bị kim chích vào người vậy.


      “Cá nhân tôi” thì không yêu, chẳng ghét và cũng không bị những “phản ứng phụ” như thế mà chỉ thấy những “từ” ấy nghe kỳ cục và… vui vui. Thỉnh thoảng tôi cũng “ngẫu hứng” đưa các “từ” ấy vào sinh hoạt thường ngày:


      “‘Nhất trí’ trăm phần trăm, giá nào cũng chơi!”

      “‘Báo cáo’ là vụ này không có tôi à nghen.”

      “Làm gì có chuyện bồ bịch, chỉ là ‘giao lưu tình cảm’ thế thôi.”

      “Có chuyện gì ‘bức xúc’ mà mặt mũi nặng chình chịch vậy?”

      “Tô phở ‘hoành tráng’ dễ sợ! Làm sao mà ‘xử lý’ nổi.”


      Nghe những cách nói ấy thì ai cũng hiểu là… diễu.


      Công bằng mà nói, bên mình có những từ ngữ “khe khẽ”, “nhẹ nhàng”, “êm ả”, “ồn ào”, “gần gũi”, “lạ lùng”… (là một dạng từ ngữ “láy”, một chữ có nghĩa, chữ kia chỉ là đệm vào cho xuôi tai chứ chẳng có nghĩa gì cả) thì cũng phải cho người ta có “khẽ khàng”, “im ả”, “yên ắng”, “ồn ã”, “gần gụi”, “lạ lẫm”… chứ. Bắt người ta phải giống mình thì kể cũng hơi… khó tính. Những từ ngữ ấy, theo tôi, làm phong phú thêm ngôn ngữ và làm “dày” thêm bộ tự điển tiếng Việt.


      Sự chia cách trong ngôn ngữ không giống như những cách ngăn có giới tuyến, mà là những rào cản vô hình, bàng bạc trong đời sống, trong nếp suy nghĩ, trong thái độ, cử chỉ và trong cung cách đối xử với nhau, khiến con người không cảm thấy “gần” nhau được. Cùng một màu da, cùng chung tiếng nói, cùng một chữ viết, nhưng lại “bất đồng ngôn ngữ”. Nghe thì có vẻ mâu thuẫn, nhưng lại là chuyện thường tình khi mà mâu thuẫn là một trong những nét “đặc trưng” của người Việt.


      Ngôn ngữ là dụng cụ, ta vẫn nghe vậy. Cũng là thanh gươm ấy, có người múa lên những đường kiếm đẹp mắt, tuyệt chiêu, có người múa may vụng về, quờ quạng. Nhưng nếu tước bỏ thanh gươm ấy đi, hoặc không còn giấy, bút để viết lách, hoặc con người câm và điếc cả thì liệu ngôn ngữ còn có ý nghĩa gì? Miệng lưỡi không còn thốt ra tiếng nói, tai không còn nghe những lời yêu hay ghét, liệu người ta có còn “dị ứng” vì những chữ nghĩa nghe chướng tai, có còn bắt bẻ chữ này dùng sai, chữ kia dùng đúng? Ngôn ngữ khi ấy là gì? Là câm lặng như bức tranh không lời nhưng nhiều ý? Là nói bằng cử chỉ điệu bộ, là nói bằng ánh mắt, là “những con mắt người tình / ấm như lời hỏi han”, hay là “những con mắt thù hận / cho ta đời lạnh căm” (“Những con mắt trần gian”, Trịnh Công Sơn)? Là nói bằng trái tim, như những kẻ yêu nhau ngồi bên nhau cả buổi, không nói năng câu gì, vì có “nói năng chi cũng thừa” (“Ma Soeur”, Nguyễn Tất Nhiên), nhưng mà lại… nói rất nhiều.


      Những chuyện hay dở, đúng sai, phải trái ấy kết cục không đi đến đâu cả. Rõ ràng chữ nghĩa chỉ là sản phẩm của con người, chỉ là do con người “chế” ra. Vậy mà con người đôi lúc “đánh giá cao” 1 ngôn ngữ, thậm chí mang “bệnh sùng bái” ngôn ngữ, sùng bái vật mà mình nặn ra, khiến ngôn ngữ “lên đời”,1 trở thành “phức tạp”. Ngôn ngữ cần phải thoát ra ngoài, vượt lên trên những tranh chấp, phe phái, những định kiến, thiên kiến, những đố kỵ, tị hiềm, những yêu và ghét. Cần phải trả ngôn ngữ về với ngôn ngữ, về đúng vị trí và “chức năng” 1 của nó, như nó đã từng.


      Trong số những ý kiến về chuyện người Việt cần thống nhất việc sử dụng tiếng Việt có đề nghị xúc tiến thành lập một “hàn lâm viện” ngôn ngữ. Mặc dù mọi người hoàn toàn “nhất trí” trên nguyên tắc về đề nghị này, chuyện “hàn lâm viện tiếng Việt” đến nay vẫn chỉ là nói… cho vui và “nghe qua rồi bỏ”, tựa như cách nói “huề vốn”: “Chuyện ấy sau này lịch sử sẽ phán xét”. (Lịch sử nào? Viết bởi sử gia của “bên” nào? Liệu có tin được tính khách quan, trung thực của người chép sử chăng, khi mà gần đây người ta đã phải lật lại những trang sử Việt từ ngàn xưa, và đặt ra những nghi vấn về tính xác thực của những bài học lịch sử, sau khi “phát hiện” được những sử liệu khá bất ngờ, đến phải ngỡ ngàng).


      Riêng tôi chỉ dám đưa ra một đề nghị nhỏ: các nhà ngôn ngữ học và biên soạn từ điển ở cả trong và ngoài nước cùng ngồi lại làm việc để soạn ra một bộ từ điển tiếng Việt thống nhất (về chính tả, tự loại, giải nghĩa từ ngữ, các mẫu câu thông dụng…). Tất nhiên trong “quá trình” 1 biên soạn, hai bên thoải mái trao đổi ý kiến, kể cả “tranh cãi” 1 về ý nghĩa và cách dùng một từ ngữ. Riêng việc ấy thôi cũng không dễ thực hiện chút nào và e rằng cũng chỉ là chuyện… nghe qua rồi bỏ.


      Người ta nói với nhau bằng những lời lẽ êm dịu ngọt ngào, hoặc chua xót đắng cay, hoặc hằn học gầm gừ, hoặc văng tục chửi thề cũng bằng thứ ngôn ngữ ấy. Người ta nói để lấp bằng hoặc để đào rộng thêm ra những miệng hố cách ngăn cũng bằng thứ ngôn ngữ ấy.


      Ôi, ngôn ngữ thực ra là gì, có quyền năng gì mà, nói như nhà phê bình Đặng Tiến, mang con người đến gần nhau và cũng khiến con người phải xa nhau.


      3. “Nằm trong tiếng nói yêu thương”


      Ngôn ngữ thường được hiểu là tiếng nói và chữ viết (chưa kể điệu bộ, cử chỉ…), tuy nhiên tiếng nói có vẻ được đề cập nhiều hơn. Thứ nhất, tiếng nói (âm thanh phát ra từ miệng người) có trước, chữ viết (ký hiệu ngữ âm) đến sau; thứ hai, lời nói là “đầu mối sự giao tiếp giữa người nọ với người kia”,4 nói như học giả Lê Văn Siêu. “Nói”, theo cách ông định nghĩa, “là cái cách dùng những lời như những phương tiện để diễn tình và ý của mình, trong cuộc sống… Cuộc sống xã hội càng phức tạp, sự giao tiếp càng cần tinh tế để nhận xét tình ý của người và biểu lộ tình ý của mình, thì những cách để diễn tình ý ấy lại càng nhiều.” 4 Dẫn chứng về “những cách để diễn tình ý ấy”, ông kể ra vanh vách đến cả trăm kiểu “lời ăn tiếng nói” của người Việt (phân ra làm ba nhóm chính: nói lời, nói tiếng, nói điều), có thể được xem là những “chiêu thức” tinh diệu của môn võ “nói”. Những chiêu thức ấy lại thiên biến vạn hóa ngày càng nhiều thêm ra đến vô cùng vô tận.


      Đọc những trang sách diễn giải về các chiêu thức thiên hình vạn trạng ấy của học giả Lê Văn Siêu, tôi “phát hiện” một điều: người Việt mình… nói nhiều quá, có lẽ trên thế giới này hiếm có dân tộc nào “nói” nhiều đến thế. Ai cũng muốn nói, không ai muốn nghe, nên chẳng ai nghe ai, nên chẳng ai hiểu ai. Liệu đấy có phải là một trong những nguyên nhân dẫn đến “bất đồng ngôn ngữ” (dẫu cùng chung tiếng nói)?


      Những người đóng vai MC không chuyên nghiệp thường tỏ ra lúng túng và đau khổ vì không biết làm cách nào để thu hồi cái microphone từ tay một diễn giả “đột xuất” 1 nhảy lên sân khấu “cướp diễn đàn”, nói tràng giang đại hải bất kể “quý khán thính giả” ở bên dưới có muốn nghe hay không. Những “nhà hùng biện” quyết tâm “tử thủ” cái microphone như vậy có khá nhiều trong các sinh hoạt của cuộc sống quanh ta.


      Điều này cũng giải thích phần nào sự phát triển vượt mức của ngôn ngữ tiếng Việt, từ biến đổi đến khác biệt, đến “dị ứng”, khiến cho “từ Bắc vô Nam” không dễ gì mà “nối liền nắm tay”.


      Bao nhiêu “chiêu thức” biến hóa ảo diệu ấy là bấy nhiêu kiểu cách nói năng của người Việt. Nói gần nói xa, nói tới nói lui, nói ngắn nói dài, nói văn vẻ nói vụng về…, nói gì thì nói cũng chỉ toát lên một ý. “Bắt” được cái ý ấy là “hiểu” được đối tượng. Thế nhưng, ngôn ngữ cũng đã có những lúc trở nên thừa thãi, vô tích sự, khi mà con người không còn muốn nghe, muốn đọc nhau nữa. “Dụng cụ ngôn ngữ” đành xếp xó.


      Có phải chăng ngôn ngữ sau cùng không là gì cả? Tiếng thông reo vi vu, tiếng suối chảy róc rách, tiếng sóng vỗ rì rào, những thanh âm ấy thực ra là gì? Có phải là “ngôn” đâu, cũng làm gì có “ngữ”. Vậy mà nghe chúng, ta như nghe hồn mình lắng xuống, nghe lòng mình dịu lại, nghe tâm trí thảnh thơi nhẹ nhàng, tưởng chừng trong phút chốc quên hết những phiền muộn thế gian.


      Những thanh âm phát ra từ thiên nhiên ấy nghe như tiếng nhạc, và âm nhạc cũng là thứ ngôn ngữ thân thuộc của con người. Từ đời thuở nào người ta từng nói với nhau bằng thứ ngôn ngữ ấy.


      Một ngày kia tôi chạm tay vào đất / Một ngày kia tôi sẽ hiểu lòng tôi

      Một ngày kia tôi sẽ đến bên Người / để cất tiếng chào / “Việt Nam ơi!”


      Những câu ấy được “chuyển ngữ” từ lời của bài hát “Bonjour Vietnam”. Bài hát ấy, giọng hát mềm mại ấy cất lên ở ngoài nước và ở trong nước, đã rất được tán thưởng. Nhiều người Việt không hiểu được tiếng Pháp, chỉ nghe giai điệu ngọt ngào, nghe giọng hát êm dịu của cô ca sĩ và những tiếng “Việt Nam” ngân nga ở cuối bài hát cũng nghe lòng mình ngân lên và rung lên nỗi xúc động. Nỗi xúc động ấy cũng đến từ mối “đồng cảm” dành cho cô gái người Bỉ gốc Việt sống bao nhiêu năm ở quê người mà vẫn giữ mãi trong tim tình yêu quê nhà.


      Phạm Quỳnh Anh, cô gái ấy không nói được tiếng Việt, nhưng có sao đâu, cô đã “nói” bằng giai điệu của bài hát ấy. Và thứ ngôn ngữ ấy cũng đã làm cho bao người nghe cô phải ứa nước mắt.


      “Giá mà cô ấy hát bằng tiếng Việt thì tuyệt quá!” một người bạn tôi nói thế. Tôi hiểu, đối với người yêu tiếng Việt và yêu những bài hát của người Việt, nghe bài “Bonjour Vietnam” cũng tương tự như xem cuốn phim nói về đất nước Việt Nam do người nước ngoài thực hiện. (Tác giả “Bonjour Vietnam” là người Pháp, ca nhạc sĩ Marc Lavoine). Cũng là tình yêu quê hương, cũng là nỗi niềm hoài hương, nghe người Việt nói với người Việt vẫn “thấm” hơn là nhờ người nước ngoài nói hộ “tiếng lòng”.


      Quê hương ơi! / Bóng đa ôm đàn em bé / nắng trưa im lìm trong lá…

      Quê hương ơi! / Tóc sương mẹ già yêu dấu / tiếng ru nỗi niềm thơ ấu / cánh tay êm tựa mái đầu…” (“Tình hoài hương”, Phạm Duy)


      Nhiều lắm những bài hát tả tình tả cảnh về lòng yêu quê hương. Có một cách bày tỏ lòng yêu quê hương khác mà người ta không phải nhắc đến hai chữ “quê hương” (không phải nói “Quê hương ơi! Quê hương hỡi!...” hoặc “Quê hương là…” như thế này, như thế kia), mà nghe “rất quê hương”. Người ta chỉ nói về “tình yêu tiếng Việt”.


      Nằm trong tiếng nói yêu thương

      Nằm trong tiếng Việt vấn vương một đời

      Sơ sinh lòng mẹ đưa nôi

      Hồn thiêng đất nước cũng ngồi bên con

      (“Nằm trong tiếng nói”, thơ Huy Cận)


      Những câu thơ ấy bất giác gợi cho người ta nhớ đến câu hát quen thuộc, với chút ngỡ ngàng. Tiếng thơ, tiếng nhạc sao như không hẹn mà gặp, sao như cùng chung tiếng nói, cùng chung tiếng lòng?!


      Tôi yêu tiếng nước tôi / từ khi mới ra đời…

      Tiếng nước tôi / tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi…


      Ngày xưa người ta từng hát những câu ấy. Ngày nay người ta vẫn còn hát những câu ấy ở ngoài nước và ở cả trong nước nữa. Câu hát, bài hát của người nhạc sĩ từng bị “dị ứng” trong những năm dài chiến tranh, sau cùng đã nghe cất lên trên đất nước không còn chiến tranh; hơn thế nữa, cất lên từ giọng hát của những người trẻ thế hệ hôm nay.


      Nghe Đ.T., một ca sĩ trẻ ở trong nước, hát say mê bài “Tình ca” ấy với giọng thiết tha, nồng nàn,5 người ta không khỏi có chút nghĩ ngợi. Khi mà mọi người Việt, trong nước ngoài nước, đều hát chung một câu hát, một bài hát; hơn thế nữa, cùng chia sẻ những cảm xúc về một bài hát, một câu hát, dường như người ta cảm thấy dễ chịu hơn, gần gũi hơn. Cùng chia sẻ mối đồng cảm, hiểu theo nghĩa nào đó, là chia sẻ cách nghĩ cách nhìn, là chia sẻ những nỗi ưu tư, những niềm trăn trở của những trái tim cùng chung một nhịp đập.


      Bao giờ cho đến bao giờ, những con người cùng chung tiếng nói, cùng một chữ viết không còn nữa những “bất đồng ngôn ngữ”, để cho ngôn ngữ không phải... ngậm ngùi.


      Lê Hữu

      (Tác giả gởi)

      1 Từ ngữ, cách nói phổ biến ở trong nước

      2 Đỗ Tăng Bí, Dòng nhập cư vào Hoa Kỳ của người Việt Nam, Nhật báo Người Việt, Calif. 16/3/2005

      3 Ngọc Lan, Tuổi trẻ gốc Việt có thực sự thích học tiếng Việt? Nhật báo Người Việt, Calif. 4/12/2011

      4 Lê Văn Siêu, Nói nghĩa là gì? Tạp chí Văn, Đặc san Nghiên cứu và Phê bình văn học, Saigon, tập 1/1967, tr. 12-13

      5 Đức Tuấn hát “Tình ca” của Phạm Duy: http://www.youtube.com/watch?v=rd9hCqhvodk


      * Bài đăng lần đầu trên tạp chí Da Màu www.damau.org (21/10/2009), có bổ sung ít chi tiết


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Một tách cà-phê cho hai người Lê HỮu Tùy bút

      - Lá gan của cô còn tốt lắm! Lê Hữu Truyện ngắn

      - Ảo giác Trịnh Công Sơn Lê Hữu Nhận định

      - Ngôn ngữ thơ là cái quái gì vậy? Lê Hữu Nhận định

      - Nhạc vàng boléro, sến hay không sến? Lê Hữu Nhận định

      - Màu tím vấn vương trong nhạc Việt Lê Hữu Tản mạn

      - Thơ Như Thương, tình yêu, những khuôn mặt Lê Hữu Nhận định

      - Ngày Của Mẹ, Ngày Của Con Lê Hữu Tạp luận

      - Bắn chậm thì chết Lê Hữu Truyện ngắn

      - “Mùa xuân đầu tiên”, hai bài nhạc Xuân cùng tên Lê Hữu Nhận định

    3. Tiểu Luận (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)
  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)