1. Head_
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Luận Về Cái Nhìn (Hoàng Thái Linh) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      26-8-2017 | TIỂU LUẬN

      Luận Về Cái Nhìn

       HOÀNG THÁI LINH
      Share File.php Share File
          

       

      Con mắt bay là đèn soi tâm hồn bay.
      Đức Chúa Giêsu

      Nhìn là ra ngoài mình, hướng về người khác và sự vật. Nhờ cái nhìn, tôi lãnh hội được sự tồn tại của tha nhân giới và vật giới quanh tôi. Cái nhìn là con đường, sợi dây liên kết tôi với vật, tôi với người. Nhưng mỗi cái nhìn bao hàm một thái độ, một lối tiếp nhân xử thế của người nhìn.


      Có cái nhìn bỡ ngỡ trước cảnh vật khi chưa hiểu ý nghĩa tồn tại của nó. Có cái nhìn lãnh đạm khi đã hiểu vật giới là phương tiện, dụng cụ của con người tự do sáng tạo. Nhưng đứng trước người khác cũng như tôi, nghĩa là có thể nhìn và nhìn lại tôi, cái nhìn của tôi sẽ là gì?


      Đây là một người lạ. Tôi nhìn người đó như một bí mật cần phải khám phá. Tôi có cái nhìn tra hỏi: anh tên gì, ở đâu, làm nghề gì, tính nết ra sao, có những khả năng, ước vọng gì. Nhưng người lạ đó không phải chỉ là một nghề nghiệp, đức tính này, tài năng kia. Tôi nhìn nhận người đó là chủ những xuất hiện trên kia và sau cùng, cũng là người như tôi.


      Điều cốt yếu trong con người không phải ở những xuất hiện cửa nó, nhưng tại chính cái làm cho những xuất hiện kia có thể tồn tại được; đó là nhân vị, xác định như một tự do độc nhất, không thể giản lược được. Nhìn nhận người khác là một người như tôi bao hàm người đó liên hệ đến tôi, có họ hàng với tôi, là anh em tôi. Tôi gọi người đó là anh chị, ông bà, chú bác, cô dì, em cháu v.v... tùy như người đó xứng đáng tuổi và địa vị, ngang hàng với anh chị, ông bà, chú bác, cô dì, em cháu thật gần, của tôi.


      Và như thế, tất cả loài người đều là anh em của tôi (Tứ hải giai huynh đệ).


      Cái nhìn chiếm đoạt. (Hay cái nhìn phá hoại).


      Nếu tôi không nhìn nhận ngưòi khác như họ hàng gần hoặc xa của tôi, tôi đã không nhìn người đó như người nữa, và tất nhiên sẽ giản lược người đó vào địa vị một sự vật. Bấy giờ tôi có cái nhìn chiếm đoạt. Thái độ của người đối với vật giới bao giờ cũng là thái độ chiếm đoạt.


      Người coi vật giới như vật sở hữu của mình được tùy tiện xử dụng theo ý muốn. Nói cách khác, ý nghĩa sự tồn tại của vật giới là để bị xử dụng, phục vụ tự do con người. Thực ra, chính ý nghĩa đó cũng do người gán cho nó thôi, vì tự nó, thế nào vẫn thế, không ý thức, không đòi hỏi gì cả.


      Đối với người, cái nhìn chiếm đoạt coi người chỉ là khả năng, tài đức ta có thể vận dụng được để phục vụ ta. Tính cách bạo động của cái nhìn chiếm đoạt là tiêu diệt sự tồn tại của người khác, định nghĩa như nhân vị, chủ thể các khả năng tài đức. Con người chỉ còn là một dụng cụ: cái thằng kéo xe, cái con sen, như khi gọi cái dao, cái xe máy, cái bút chì.


      Cái nhìn chiếm đoạt cướp bản ngã cuộc đời ngưòi khác. Cướp bản ngã vì đã phủ nhận tự do, yếu tính của bản ngã, nguồn gốc nhân phẩm, vì đời một người dệt bằng những công trinh tác tạo, xây dựng của tự do, hiện có và sẽ có trên lãnh vực trí thức, tình cảm, hành động.


      Con người bị chiếm đoạt mất tự do là con người trơ trụi, hết điều kiện để rung động, ước mong, hy vọng, yêu mến. Cái nhìn chiếm đoạt bóc lột, bạo động! Có nhiều lối nhìn chiếm đoạt. Cái nhìn soi mói như muốn hạch sách kẻ bị nhìn là vật sở hữu của mình, xem có ăn ở xứng đáng với nhiệm vụ chủ đã gán cho. Cái nhìn soi mói có tính cách kiểm soát, giám thị, vì bao hàm quyền sở hữu vật bị nhìn. Cái nhìn chòng chọc, trừng trừng như để cảnh cáo, đe dọa, ví dụ: "hãy cẩn thận, mày chỉ là thằng bồi, con ở", hay đề phòng, giữ miếng: "anh đừng động đến tôi, coi chừng".


      Những cái nhìn đó thường kiêu hãnh. Ý nghĩa cái nhìn kiêu hãnh là tự đặt mình lên trên như một giá trị độc nhất, đáng phải kính trọng, vì nể.


      Nhưng cái nhìn bạo động thất bại. Cái nhìn chiếm đoạt ở chỗ giản lược kẻ bị nhìn vào một sự vật, dụng cụ (cái bàn, cái bút), không ý thức, tình cảm, người đó không còn thể công nhận tự do của kẻ nhìn chiếm đoạt. Không ai hãnh diện với dụng cụ, vì nó biết gì đâu, người chỉ có thể hãnh diện với người.


      Vậy thất bại ở chỗ cái nhìn bạo động muốn chiếm đoạt tự do người khác; nhưng chỉ có thể chiếm bằng cách tiêu diệt tự do người đó và coi là một dụng cụ: mà nếu coi là một dụng cụ, cái nhìn bạo động mất hết cả ý nghĩa tồn tại, vì người bị nhìn không còn ý thức, tự do để nhìn nhận tự do cao cả của kẻ nhìn.


      Nói một cách khác, thất bại của cái nhìn bạo động ở chỗ bó buộc công nhận tự do của người bị nhìn như ý nghĩa và nền tảng bạo động, vì không ai bạo động với dụng cụ, sự vật, chỉ bạo động với người.


      Phản ứng của kẻ bị nhìn.


      Người bị nhìn, nếu "yếu bóng vía hơn", sẽ cúi đầu xuống, có cái nhìn nhục nhã là công nhận mình không phải chỉ là cái người ta muốn gán cho, mình còn là cái gì hơn thế nữa. Nếu người bị nhìn có chí khí, sẽ ngửng đầu lên, nhìn lại kẻ nhìn mình, bằng cái nhìn hằn học tức giận, như muốn phản đối: Tôi không kém gì anh, tôi không chịu áp bức, tôi cũng là người như anh...


      Nếu cái nhìn hằn học, tức giận báo thù bạo động lại, nó cũng sẽ thất bại. Vì ý nghĩa báo thù là lại muốn coi người nhìn mình cũng là sự vật, khi phản đối phát biểu bằng cãi cọ, chửi rủa.


      Như thế, người với người đã sống cái xã hội "mày tao". Mày chỉ là con... Nó chỉ là cái... xã hội vật giới, mất tính người. Vậy mối tương quan giữa người và người đã biến thành con vật là mối tương quan bạo động, luật của nó là tranh giành, và kết quả là chiến tranh.


      Cái nhìn yêu đương (Hay cái nhìn xây dựng)



          Tranh bìa: Tình Yêu và Mùa Xuân
      (Họa sĩ Hồ Thành Đức)

      Trong đời sống hàng ngày, có phải ta chỉ thấy cái nhìn bạo động? Nếu thật thế không còn gì đánh ghét hơn con người. Xã hội loài vật bạo động nhưng không ý thức, tự do. Xã hội loài người có ý thức tự do. Ý thức và tự do là dịp để con người sa đọa hơn con vật hay vượt lên trên con vật.


      Nếu định nghĩa người là tự do, tự do của tôi luôn luôn đe dọa tự do người khác và trái lại. Sartre nói: "Cuộc đời người khác là sự đe dọa của tôi (Ma chute originelle, c'est l'existence de l'autre- "L'être et le Néant", trang 321). Vì người khác thực hiện sự tự do của họ bằng cách hủy diệt tự do của tôi.


      Nhưng ta vẫn có thể tránh được những cái nhìn bạo động, nếu ta có một thái độ cởi mở, mời gọi đối với ngườ khác.


      Cái nhìn mời gọi bao hàm lòng kính trọng phần cao quý, giá trị độc nhất trong mỗi người như chính của ta.


      Trước hết, cái nhìn mời gọi là cái nhìn thanh bình. Thanh bình đối với cái nhìn bạo động như có ý nói "không chấp nhất", "không ăn miếng trả miếng", tự trọng vì hằn học tức giận là hạ mình xuống ngang hàng với kẻ khinh bỉ mình!


      Cái nhìn thanh bình biểu lộ một thái độ quảng đại, khoan dung, độ lượng. Đối với những người khác, cái nhìn thanh bình có tính cách lịch sự, thiện cảm, khoan thai, dịu dàng. Cái nhìn thanh bình do đó gây ấm, reo vui. Người bán hàng, người mua hàng, nếu chỉ coi nhau như hai cái máy trao hàng, trả tiền, mối tương quan đó sẽ nhạt nhẽo, tẻ lạnh. Nhưng nếu có nụ cười, cái nhìn thiện cảm, gian hàng như ấm lên. Họ đã tương giao bằng tình người. Bàn ghế trở nên sống động, gói hàng như chứa một nỗi niềm, và con đường dãy phố cũng thành quen thuộc, thân mật.


      Saint Exupéry, một nhà văn hiện đại Pháp, kể lại tối hôm ấy bị giam trong một nhà tù bên Tây Ban Nha hồi nội chiến. Thời gian qua, đi bên anh lính gác, thật là nặng nề, khó thở như cái bức rức buổi chiều hè sắp cơn giông. Nhưng rồi một nụ cười một cái nhìn thân mật, lời hỏi dịu dàng: "Anh có rét lắm không?", và một điếu thuốc lá, cái nhìn cám ơn đầy thiện cảm. Căn phòng bỗng ấm lên. Thực ra chẳng có gì thay đổi; cây đèn lờ mờ, bốn bức tường lạnh toát, mùi cứt chuột vẫn thế. Nhưng hình như chúng thay đổi bản tính, vì nụ cười, cái nhìn, lời mời gọi của những con người coi nhau là người như anh em đồng loại. Cái nhìn mời gọi đưa đến cái nhìn yêu đương. Nhìn yêu đương không phải nhìn lả lơi quyến rũ. Quyến rũ chỉ thị ý chí muốn chiếm đoạt người yêu như một sự vật. Cái nhìn mời gọi yêu đương, trái lại, có ý nghĩa là một tự thú. Sở dĩ có mời gọi là vì muốn được đáp lại. Mời gọi chỉ thị cái thiếu thốn của lòng mình. Trong cái nhìn yêu đương hai người như muốn thú với nhau tình trạng chưa đầy đủ cuộc đời mình. Tình yêu bộc lộ trước hết bằng ý muốn kết hợp bao hàm rằng tôi chỉ là tôi hoàn toàn, một cách đầy đủ nếu anh là em, em là anh; chúng ta là một, cùng xây cuộc đời chung. Rồi từ tình yêu vợ chồng nền tảng đó, sẽ nẩy nở ra tình gia đình, tình họ hàng, tình bè bạn, tình dân tộc, tình nhân loại. Xây một xã hội tình, trong đó mọi người đều nhìn nhau như vợ chồng, cha mẹ, con cái, họ hàng, đồng bào, đồng loại. Đó là tất cả ý nghĩa sau cùng đời người.


      Cái nhìn yêu đương là cái nhìn băn khoăn, lo lắng cho số phận người mình yêu như mình trách nhiệm cuộc đời người ấy; cái nhìn âu yếm trìu mến như muốn xây dựng hạnh phúc của mình bằng cách xây hạnh phúc cho người mình yêu, tự hiến cho người yêu như lẽ sống của mình.


      Nếu ta không tránh được nhìn, nghĩa là không tránh được sống với người khác, tại sao không cố gắng có những cái nhìn mời gọi thân yêu cho đời đẹp lên, dù vất vả, gian khổ, vì có nghĩa đáng cho ta sống cuộc đời ấy.


      (trích tạp chí Bách Khoa)


      Hoàng Thái Linh

      Nguồn: Tân Văn số 6, Tháng 1, 2008

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Luận Về Cái Nhìn Hoàng Thái Linh Tiểu luận

    3. Tiểu Luận (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)
  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)