1. Head_

    Lam Phương

    (20.3.1937 - 22.12.2020)

    Lưu Trung Khảo

    (.0.1931 - 22.12.2015)

    Nguyễn Hiến Lê

    (8.1.1912 - 22.12.1984)

    Nguyễn Đình Nghĩa

    (5.10.1940 - 22.12.2005)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Tài liệu về Quần Đảo Hoàng Sa & Trường Sa (Nguyễn Khắc Kham) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      6-07-2013 | TIỂU LUẬN

      Tài liệu về Quần Đảo Hoàng Sa & Trường Sa

        NGUYỄN KHẮC KHAM
      Share File.php Share File
          

       

      LSG: Bài này được trích lục từ "Vấn Đề Hoàng Sa" Tài liệu đặc biệt do Phong
      Trào Sinh Viên Quốc Gia Việt Nam tại Nhật Bản ấn hành nhân dịp cuộc biểu
      tình ngày 31/01/1974 tại Tokyo để phản đối Trung Cộng đã xâm lược quần đảo
      Hoàng Sa ngày 10/01/1974.

      Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế Cư...

      Ngày mồng một Tết Giáp Dần, anh chị em đồng bào tại Nhật Bản đã tới họp mặt đông đảo tại Nhà Việt Nam và đã cùng nhau cử hành Lễ Tết trước bàn thờ Tổ Quốc.


      Nhân dịp này, toàn thể anh chị em đồng bào và sinh viên Việt Nam hiện diện đồng thanh bày tỏ lòng công phẫn đối với vụ quần đảo Hoàng Sa ngày 20-1-1974, đã bị Trung Cộng dùng võ lực chiếm cứ, bất chấp cả chủ quyền lâu đời của Việt Nam cùng quốc tế công pháp và dư luận quốc tế. Đồng thời, một bản kiến nghị đã được soạn thảo gấp, và lập tức được chuyển đạt về Sài Gòn, yêu cầu Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa bằng mọi cách thích đáng khôi phục cho được phần lãnh thổ đã bị chiếm đoạt và tình nguyện sẽ sát cánh chặt chẽ với quân dân nước nhà hầu tranh đấu, mỗi người trong một phạm vi khả năng của mình, cho kỳ đạt tới mục đích trên. Cũng trong buổi họp mặt đầu năm này, ông Đại Sứ cùng một số đồng bào ngỏ ý muốn chúng tôi chuẩn bị một bài thuyết trình về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.


      Sự thật thì phàm người Việt Nam nào cũng đã biết hai quần đảo trên biển Nam Hải đó thuộc lãnh thổ việt Nam từ lâu đời rồi và Hoàng Sa cùng Trường Sa vẫn là những địa danh vô cùng quen thuộc đối với hết thảy người Việt Nam chúng ta, nếu không được đọc qua trong những cuốn địa lý ở nhà trường thì ít ra cũng đã từng được nghe ông bà cha mẹ nói tới nơi cửa miệng.


      Vậy quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa xưa nay vẫn chiếm một vị trí rõ rệt trong tâm khảm của mọi công dân Việt Nam cũng như trên bản đồ quốc gia Việt Nam. Tuy nhiên, ôn lại lịch sử về hai quần đảo đó để cho tấm lòng mến yêu Tổ Quốc càng thêm vững chắc, thiết tưởng cũng chẳng phải là vô ích. Trộm nghĩ như vậy nên chúng tôi đã không ngần ngại nhận lời tới đây chiều nay hầu lấy kiến thức nông cạn của chúng tôi về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa chất chính cùng anh chị em đồng bào tại Nhật Bản.


      I. QUẦN ĐẢO HOÀNG SA


      Quần đảo Hoàng Sa, nhất danh là Achipel des Paracels dưới thời Pháp thuộc, vốn là một quần đảo gồm có đến 6 hòn đảo vừa lớn vừa nhỏ, những hòn nhỏ thường bị ngập dưới nước khi thủy triều dâng lên, ngoài ra lại có nhiều ám tiêu (récifs) hay đá ngầm dưới mặt biển. Vị trí địa lý của quần đảo này ở ngoài bờ biển Trung Việt, vào khoảng giữa Bắc vĩ tuyến 15 và Bắc vĩ tuyến 17o15' và ở vào khoảng giữa 111 độ và 113 độ Đông kinh tuyến cách Tourane trên bờ biển Trung Việt 150 hải lý. Các hòn đảo lớn của quần đảo này đã được chia ra làm hai nhóm dưới thời Pháp thuộc. Nhóm thứ nhất được mệnh danh là nhóm đảo Amphitrite (do tên chiếc tàu Amphitrite của Pháp đã tiến vào biển Nam Hải lần đầu tiên). Nhóm này gồm có những đảo Bắc (Ile du Nord, North Island), đảo Trung (Ile du Centre, Middle Island), đảo Nam (Ile du Sud, South Island), Thạch đảo (Ile Rocheuse, Rocky Island), đảo Lincoln (Ile Lincoln, Lincoln Island), Lâm đảo (Ile Boisée, Tree Island) và Cồn Nam (Banc du Sud, South Bank). Nhóm thứ hai được mệnh danh là Nhóm đảo hình trăng lưỡi liềm (Groupe du Croissant) gồm có những đảo Hoàng Sa (Ile Pattle, Pattle Island), đảo Cam Tuyền (Ile Roberts, Roberts Island), đảo Vĩnh Lạc (Ile de La Monnaie, Money Island), đảo Quăng Hoa (Ile Duncan, Duncan Island), đảo Passu Keah (Ile Passu Keah Island), đảo Triton (Ile Triton, Triton Island), đảo Duy Mông (Ile Drumond, Drumond Island).


      Hai hòn đảo lớn nhất của quần đảo này là Lâm đảo (Ile Boisée) thuộc nhóm Amphitrite và đảo Hoàng Sa (Pattle) thuộc nhóm hình trăng lưỡi liềm. Tổng diện tích các đảo lớn thuộc quần đảo Hoàng Sa là hơn 10 cây số vuông. Phần nhiều khởi thủy là những đảo san hô, bao bọc chung quanh thì có rất nhiều đá ngầm dưới mặt biển, rất nguy hiểm cho tàu bè qua lại. Lâm đảo (Ile boisée) có cây cối um tùm như rừng, nên mới được mệnh danh như vậy. Đảo Triton thì có cát san hô (sable corallien) tạo nên. Trên đó có rất nhiều hải điểu đến đẻ trứng ở ngay bãi biển, vì có nhiều hải điểu nên lại có nhiều phân chim biển (guano) dùng để bón ruộng rất tốt. Đảo Lincoln cũng có rất nhiều chim biển, lại có cả ba-ba, sò biển lớn (tiếng Pháp gọi là Tridacne) và hải sâm (trépang). Đảo này cũng có rất nhiều chim và phân chim biển. Phân chim này vốn có chất a-cit phốt-phô-rích, gặp cát và đá vôi do san hô cấu thành có tác dụng làm nên chất phốt-phát vôi hay lân-toạn thạch hôi (phosphate de chaux). Trên đảo này lại có một giống chim càng ngày càng hiếm gọi là chim thuộc loại Zostérops mà người Việt trong Nam kêu là chim sâu nghệ. Trên đảo Hoàng Sa (Pattle) thì có rất nhiều dừa ở phía dưới, còn ở phía trên thì chỉ có bụi rậm. Khí hậu ôn hòa nhưng ẩm thấp vì ở đó mưa nhiều. Trên đảo Cam Tuyền (Roberts) cũng có nhiều chất phốt-phát.


      II. QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA


      Quần đảo Trường Sa nhất danh là quần đảo Spratley, cách Phan Thiết 280 hải lý, cách Vũng Tàu (Cap Saint Jacques) 340 hải lý và cách Poulo Cecir de Mer 210 hải lý. Vị trí địa lý đúng của nó ở vào khoảng giữa Đông Kinh tuyến 111 và 118, và nằm ở ngay vĩ tuyến 11. Quần đảo gồm có tất cả 11 nhóm hải đảo là: Danger Nord (North Danger), Banc d' Ile Nord-Est (North-East island Bank). Banc d'Iles Sud-Ouest (South-West Island Bank), Western York, Ile Itu Aba (Itu Aba Island), Ile Thi Tu (Thi Tu Island), Ile Loaita (Loaita Island), Ile Namyit (Namyit Island), Ile Spratley (Spratley Island), Ile Amboine (Amboine Island), Ile Plate (Flat Island), Ile Sin come (Sin come Island).


      Cũng như quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa hay Spratley vốn là những hòn đảo do san hô cấu tạo nên và có nhiều tầng phốt-phát ở phía dưới đất. Thổ sản thì có ba-ba và nhiều hải sản khác.


      III. BỐI CẢNH LỊCH SỬ CỦA QUẦN ĐẢO HOÀNG SA VÀ QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA.



           Hồng Đức Bản Đồ

      Đảo danh Trường Sa ta đã thấy có từ lâu trong cuốn Thiên Nam tứ Chí Lộ đô thư của Đỗ Bá vào cuối thế kỷ 17. Sách này gồm có 4 quyển, trong mỗi quyển có một số bản đồ với những lời chú thích viết riêng trên một trang hoặc thường hơn, được viết liền trên phía trên bản đồ. Những bản đồ này vẽ lại đường lối đi từ Thăng Long đến nước Chiêm Thành, từ Kinh Kỳ cho đến Quảng Đông, từ phủ Phụng Thiên cho đến Quảng Tây, Vân Nam, và từ Kinh thành cho đến cửa Bắc Quang (Lạng Sơn). Theo nhà khảo cổ Pháp, Dumoutier soạn giả khảo cứu nhan đề Etude sur un portulan Annamite du 15ème siècle đăng tải trong kỷ yếu Bulletin de Géographie historique et descriptive (1896) thì những bản đồ này đã được vẽ theo những tài liệu thâu lượm được vào cuối thế kỷ 15, trong khi vua Lê Thánh Tôn thân chinh đi đánh Chiêm Thành (1470).


      Chính ở trong một số bản đồ này đã thấy có ghi đảo danh Trường Sa (tham chiếu Hồng Đức Bản Đồ của Viện Khảo Cổ Sài Gòn năm 1962 dịch theo bản vi phim (microfilm) của Đông Dương Văn Khố (Toy Bunko, Tokyo, vi phim số 100.891). Vậy Trường Sa đã được đặt tên sau khi Lê Thánh Tôn bình định Chiêm Thành.


      Còn về quần đảo Hoàng Sa không rõ đã được đặt tên Việt Nam từ bao giờ, nhưng theo cuốn lịch sử tôn giáo và phong tục người Việt Nam (Histoire, Religion et coutumes des Annamites) của đức Giám mục Taberd (1838) thì vào đầu đời Gia Long đã thấy được người mình gọi là quần đảo Cát Vàng hay Hoàng Sa. Năm 1816, vua Gia Long lại đã long trọng thực hiện sự chiếm hữu quần đảo này và cho dựng cờ Hoàng triều trên đó. Trong cuốn hồi ký về Giao Chỉ Chi Na (Memoires sur la Cochinchine) J.B. Chaigneau (1769-1825) cũng có giới thiệu Giao Chỉ Chi Na là xứ Nam Việt gồm cả quần đảo Paracels. Đồng thời, cũng có chép về sự chiếm hữu chính thức của vua Gia Long như vừa nói trên. Dưới đời Minh Mạng, cuốn Hoàng Việt Địa Dư, ấn hành năm 1835 cũng có ghi:


      Về phía đông-bắc, làng An Ninh (huyện Bình Sơn) ở ngoài biển khơi có một quần đảo gồm có chừng 130 hòn đảo, hòn này cách hòn kia từ vài giờ cho tới suốt một ngày đi thuyền. Ở nơi thấp nhất trong quần đảo này có một giếng nước ngọt. Trên một hòn đảo ở trung tâm quần đảo có một thứ cát màu vàng, bởi vậy mới đặt tên cho là Hoàng Sa. Trên quần đảo có chim yến và nhiều loại chim biển khác rất dạn người, đến gần chúng, mà chúng cũng không bay đi; lại có nhiều hải sản quí như đồi mồi, vỏ ốc xà cừ, ba-ba, tôm hùm, hải đởm, v.v...


      Sách Đại Nam Nhất Thống Chí, dưới đời Tự Đức lại có chép về công cuộc khai thác quần đảo Hoàng Sa. Đầu triều Nguyễn đã thấy thành lập một nghiệp đoàn mệnh danh là Nghiệp Đoàn Hoàng Sa phụ trách giám sát công việc khai thác quần đảo. Nghiệp đoàn này do 70 người làng Vĩnh An dựng nên, những người này toàn là những tay thủy thủ lành nghề nhất cả làng. Cứ đến tháng ba âm lịch mỗi năm, Nghiệp Đoàn lại cho đoàn viên đáp thuyền đi tới quần đảo kiếm tìm hải sản rồi chở về bến Tư Hiền. Ngoài ra, lại có Nghiệp Đoàn Bắc phương phụ trách thám hiểm các đảo ở về phía bắc Hoàng Sa kể cả đảo Côn Lôn ở gần Hải Nam. Năm 1832, vua Minh Mạng lại cho dựng một kiển chùa trên đảo Bản Na. Bên chùa còn thấy một cột đá ghi việc dựng chùa đó.


      Dưới thời Pháp thuộc thường xảy ra những vụ vợ con dân chài Việt Nam bị dân chài ở Hải Nam lén tới bắt cóc đem về Hải Nam bán cho người ta. Vụ quan trọng hơn cả là có hai chiếc tàu lâm nạn, chiếc tàu Bellona ở ven Bắc đảo vào năm 1895 và chiếc tàu kia có tên Nhật ở gần đảo Amphitrite vào năm 1896. Cả hai chiếc tàu này đều chở đồng, một công ty người Anh. Dù người ta đã làm mọi cách để cứu cho khỏi đắm nhưng cũng hoài công vô ích. Cả hai chiếc tàu này đã bị đắm và xác tàu đành bỏ lại đó. Một bọn người Hải Nam đã tới cướp mất số đồng họ vớt lên được đem về Hải Nam rồi đánh tiếng muốn bán lại cho chủ nhân hai chiếc tàu bị nạn. Chính quyền Trung Hoa lúc đó vội phủ nhận trách nhiệm về vụ này và tuyên bố là quần đảo Paracels không hề thuộc chủ quyền Trung Hoa và quần đảo đó cũng không có liên quan gì về hành chánh với đảo Hải Nam cả. Đến năm 1909 lại xảy ra vụ Tổng Đốc Quảng Đông cho hai chiến thuyền tới thăm thú trộm quần đảo và vẽ bản đồ địa thế ở đó. Hai chiến thuyền này đã tới quần đảo ngày mồng 6 tháng 6, đậu lại ở một vũng nhỏ, tại đó ngót hai mươi tiếng đồng hồ rồi ngày hôm sau lại rời khỏi quần đảo.


      Từ đó, nhà cầm quyền Pháp ở Đông Dương đã phải lưu tâm đề phòng cẩn mật hơn trước và thường phái nhân viên nhà Đoan tới viếng quần đảo đều đều để khám xét và ngăn cản những vụ buôn lậu khí giới và á phiện. Năm 1925, có cuộc thám hiểm về Hải Dương học lần đầu tiên trên quần đảo với chiếc tàu De Lanessan được dùng vào việc đó. Nhờ cuộc thám hiểm này, người ta đã khám phá ra được nhiều tầng phốt-phát ở dưới đất các đảo, đồng thời phát kiến ra được sự liên hệ giữa lục địa Trung Việt và quần đảo vốn tọa lạc trên một sàn biển thuộc phần nhô xa ra ngoài biển khơi của phần dưới chót bờ biển Trung Việt. Vào thời này, có vài công ty người Nhật đã xin phép nhà cầm quyền Đông Pháp đến khai thác phốt-phát trên đảo Cam Tuyền (Roberts Island) và Lâm đảo (Ile Boisée). Vì có nhiều công ty ngoại quốc ở trên đảo, nhiều vấn đề hành chính đã được dặt ra, cho nên do sắc lệnh ngày 15 tháng 6 năm 1932 chính phủ Đông Pháp đã đặt quần đảo Paracels thành một Đại Lý (Délégation) gọi là Đại Lý Paracels, thuộc địa hạt hành chánh tỉnh Thừa Thiên. Sự cải cách hành chánh này lại đã được Dụ số 10 ngày 30 tháng 3 năm 1938 của cựu Hoàng Bảo Đại xác nhận.


      Đến năm 1939, Đại Lý này đã được phân ra làm hai, đại lý nhóm hải đảo hình trăng lưỡi liềm cùng các đảo phụ thuộc và Đại Lý nhóm hải đảo Amphitrite cùng các đảo phụ thuộc. Trước năm đó (1938), quân dội Nhật Bản đã đến chiếm cứ quần đảo tự tiện đổi tên ra là Hirota Gunto và dùng làm cứ địa hải quân cho tới khi chiến tranh kết liễu vào năm 1945.


      Sau khi quân Nhật đầu hàng Đồng Minh, Nhật Bản đã phải chính thức từ bỏ chủ quyền đối với quần đảo này và quần đảo Trường Sa (Spratleys) họ đã chiếm năm 39 và đổi tên là Shiman Gunto. Có lẽ vì lời tuyên ngôn Lơ Ke (Cairo Déclaration, 27.11.1943) không được minh bạch cho lắm, và e có sự ngộ nhận chăng, tại Hội Nghị ký Hòa ước San Francisco Trưởng Phái Đoàn Việt Nam đã phải lên tiếng long trọng xác nhận chủ quyền của Việt Nam một lần nữa như sau:


      "As we must frankly make use of any opportunity to stifle the germs of discord, we declare our rights over the Spratleys and the Paracels Island which, from the time immemorial, have been part of VIETNAM (nghĩa là: Vì chúng ta phải chân thành lợi dụng mọi cơ hội hầu diệt trừ mọi mầm móng bất hòa, chúng tôi tuyên bố tái xác nhận chủ quyền của nước chúng tôi đối với hai quần đảo Spratleys và Paracels vốn đã là một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam từ lâu đời)".


      Lời xác nhận chủ quyền này đã được tuyên bố vào ngày mồng 7 tháng 9 năm 1951 và sau đó đã không hề gây ra một phản ứng chống đối hoặc yêu sách nào cả ở Hội Nghị có phái đoàn 51 quốc gia tham dự. Lại nữa, Điều 2 của quốc gia trong nhất thời đã bị quân Nhật chiếm cứ. Do đó, hai quần đảo Paracels và Spratleys là bộ phận bất khả phân của Trung Việt và của Nam Việt thuộc quốc gia Việt Nam. Vả lại ngày mồng một tháng tư năm 1939, chính phủ Pháp đương thời cũng đã lên tiếng chính thức phản kháng sự chiếm đóng theo thực tế (Occupation de facto) của quân đội Nhật Bản trên hai quần đảo đó. Thiết tưởng nên nhắc lại rằng quần đảo Paracels do sắc lệnh ngày 15 tháng 6 năm 1932 đã được đặt thuộc quản hạt hành chính tỉnh Thừa Thiên, còn quần đảo Spratleys thì cũng dã được chính phủ Đông-Pháp chính thức tái chiếm hữu cho Việt Nam vào năm 1933 đồng thời đã được đặt thuộc địa hạt hành chính tỉnh Baria (Tham chiếu bài tường thuật của H.Cucherousset mong tạp chí Eveil Economique de l' Indochine, trang 790, số báo ra ngày 28.5.1933 và Journal Officiel de l'Indochine, số ra ngày 25.7.1933, trang 77-84). Cũng cần nhấn mạnh vào điểm sau, là các quốc gia thử thời như Phi Luật Tân, Hòa Lan, Trung Quốc và Hoa Kỳ đều không lên tiếng yêu sách dị nghị gì cả. Sau hết, liên quan đến chủ quyền chân chính của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không còn gì rõ rệt hơn là Điều 11 và 12 trong bản Tuyên ngôn tối hậu của Hội nghị Genève (21 tháng 7, 1954) như sau:


      "Hội nghị ghi nhận lời tuyên bố của chính phủ Pháp rằng để giải quyết mọi vấn đề liên quan tới sự tái lập và củng cố hòa bình ở Cao Miên, Lào và Việt Nam, chính phủ Pháp sẽ hành động theo nguyên tắc tôn trọng độc lập và chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Cao Miên, Lào và Việt Nam" (Điều 11).

      "Trong mọi sự giao thiệp với Cao Miên, Lào và Việt Nam, mỗi quốc gia hội viên tham dự hội nghị Genève cam kết tôn trọng chủ quyền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia kể trên và giữ không xen vào công việc nội bộ của các quốc gia đó" (Điều 12).


      "(The Conference takes note of the declaration of the French Government to the effect that for the settlement of all problems connected with the re-establishment and consolidation of Peace in Cambodia, Laos and Vietnam, the French Government will proceed from the principle of respect for the independence and sovereignty, unity and territorial integrity of Cambodia, Laos and Vietnam (cf Final Declaration of the Geneva Conference, July 21, 1954, Article No.11)."


      Sau hết về phương diện thực tế, Hải quân Việt Nam từ trước vẫn đồn trú trên quần đảo và lãnh nhiệm vụ tuần tiễu và trông nom về an toàn hàng hải trong vùng.

      Sự thể đã rành rành như vậy, mà ngày 20 tháng giêng năm 1974 bất chấp chủ quyền lâu đời và chân chính của Việt Nam, cùng luật lệ và dư luận quốc tế, Trung Cộng đã dùng võ lực xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa, lại rêu rao tuyên bố là cả quần đảo Trường Sa cùng các đảo lân cận cũng thuộc chủ quyền của chúng.


      Vì tự biết yếu kém về phương diện pháp lý, chúng đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng vụ cướp đất này. Chúng đã cho ấn hành những bản đồ mới cùng những sách địa lý mới trong đó có các địa danh đã được dụng tâm sửa đổi để lừa dối quốc tế; tỉ như Hoàng Sa, Trường Sa, Paracels, Spratleys thường thấy được ghi trong các bản đồ (2) cùng các sách địa lý phổ thông đã bị đổi ra là Nansha, Hsisha, Chungsha, Tungsha v.v... Để dễ bề xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam, chúng đã đợi tới lúc thuận lợi nhất cho cái thủ đoạn bẩn thỉu của chúng là lúc đoàn kết dân tộc chúng ta bị rạn nứt, đất nước chúng ta bị cắt đôi, một nửa lại đã bị chúng thôn tính bằng ý thức hệ rồi, là lúc chúng đã thành tựu các âm mưu hất cẳng Trung Hoa quốc gia ra khỏi tổ chức Liên Hiệp Quốc và chiếm được một địa vị trong Hội Đồng Bảo An để tha hồ lũng đoạn tổ chức quốc tế này.


      Nên chi, ngày 11 tháng giêng 1974, bộ Ngoại giao Trung Cộng bỗng lên tiếng mạt sát Việt Nam Cộng hòa và đồng thời tuyên bố xác nhận chủ quyền của Trung Cộng đối với hai quần đảo trên biển Nam Hải, mà chẳng hề viện ra được một lý lẽ gì về phương diện lịch sử và pháp lý cả. Kế đến ngày 20, chúng đột nhiên huy động Hải Lục Không Quân ồ ạt kéo đến đổ bộ lên quần đảo Hoàng Sa.


      Trước quân số đông đảo của chúng và sức tàn phá kinh khủng của hỏa tiễn tối tân do chúng sử dụng, chiến sĩ Hải Quân ta sau khi kháng chiến vô cùng gan dạ và đánh chìm được hai chiếc tàu chiến của chúng đã đành phải tạm rút lui về Đà Nẵng.

      Hoàng Sa đã thất thủ!

      Dân tộc ta từ nay lại phải ôm thêm một mối uất hận. Sau cái quốc hận ngày 21 tháng 7, 1954 là ngày Việt Nam bị cắt đứt làm đôi lại đến cái quốc hận ngày 20 tháng 1, 1974 này, là ngày Hoàng Sa bị quân thù phương Bắc hoành đoạt mất.


      Hoàng Sa đã thất thủ... nhưng Hoàng Sa, chẳng bao giờ mất đi được trong lòng yêu nước nồng nàn của người dân Việt Nam anh dũng.

      Người Việt Nam còn, nước Việt Nam còn, Hoàng Sa còn mãi mãi. mãi mãi.

      Việt Nam muôn năm!

      Hoàng Sa muôn năm!


      Viết tại Phố Sinh (Gamo) Nhật Bản

      ngày lễ Kỷ Niệm Trận Đống Đa (5 tháng Giêng Giáp Dần)


      Nguyễn Khắc Kham

      (trích Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế Cư..,
      Phạm Quang Tân chủ trương cùng nhiều tác giả)

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Tài liệu về Quần Đảo Hoàng Sa & Trường Sa Nguyễn Khắc Kham Tiểu luận

    3. Tiểu Luận (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)
  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)