|
Duy Thanh(11.8.1931 - 24.11.2019) | Tuệ Sỹ(15.2.1943 - 24.11.2023) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Bên đống rơm
(Ảnh Trần Cao Lĩnh)
Hai chữ văn hóa là một từ ngữ quen thuộc trong sinh hoạt hàng ngày của mọi người. Cũng vì lý do được dùng một cách thông thường và do mọi từng lớp, mọi thành phần trong xã hội, từ ngữ này đã có một nội dung rất rộng rãi và bao quát, gây nên sự nhận thức khác nhau tùy theo từng trường hợp sử dụng.
Nói trình độ văn hóa của một người là nói đến sự hiểu biết tổng quát, sự có giáo dục, có học thức của người đó. Nói vãn hoá dân tộc là nói đến phong tục, tập quán. Nói văn hóa phương Đông, văn hóa phương Tây là nói đến tinh thần trọng luân lý đạo đức của các dân tộc Á Đông, tinh thần trọng khoa học kỹ thuật của các dân tộc Âu Tây. Nói đến văn hóa nhân loại là nói đến sự tiến bộ phát triển chung của loài người.
Theo từ ngữ, văn hoá là một tiếng ghép đôi, gốc ở tiếng Hán đã Việt hóa nhuần nhuyễn và phổ biến rộng rãi trong dân gian. Văn là vẻ đẹp của vũ trụ thiên nhiên như bầu trời lúc rạng đông, bầu trời một đêm có trăng sao; cúng là vẻ đẹp của núi sông, thảo mộc như rừng cây hùng vĩ, cánh đồng bao la; cũng là vẻ đẹp của các loài động vật như loài chim, loài cá, loài thú và loài người.
Trong một vài trường hợp đặc biệt, tiếng văn đọc trại ra thành vân như vân gỗ, vân đá để chỉ vẻ đẹp của gỗ, của đá. Con ngựa, con chó mà bộ lông có nét đẹp đặc biệt gọi là ngựa vằn,chó vện. Hóa là thay đổi, chuyển dịch từ trạng thái này sang trạng thái khác, từ mức độ này sang mức độ khác như thường nói biến hóa, chuyển hóa, hóa ra, hóa thành...
Theo Anh ngữ, culture có nghĩa là tăng trưởng, phát triển đồng thời cũng có nghĩa là lề lối sống, nếp sinh hoạt như trồng cây cho cây lớn dần lên, giáo dục con người để phát huy khả năng tâm trí của con người, gia tăng quyền lực của con người.
Trên đây chỉ là định nghĩa theo từ ngữ, tiếng Hán Việt văn hóa và tiếng Anh culture có nội dung tương tự. Cả hai lối định nghĩa này chưa nêu lên khái niệm tổng quát về văn hóa. Văn hóa là gì? Văn hóa có những tính chất gì? Sinh hoạt văn hóa có những hình thức biểu tượng ra sao? Sinh lực và tác động của văn hóa có tầm mức quan trọng như thế nào? Lần lượt dưới đây sẽ trình bây từng chi tiết ngõ hầu có được một khái niệm tổng quát về văn hóa một cách đầy đủ và chính xác.
Trả lời câu hỏi này bằng định nghĩa theo từ ngữ tiếng Hán Việt văn hóa và tiếng Anh là culture đã thu hẹp phạm vi nội dung và giảm nhẹ mức độ sinh hoạt văn hóa của con người. Thực ra, khó có một định nghĩa khả dĩ gọi là đầy đủ và chính xác cho từ ngữ quen thuộc này.
- Nói đó là vẻ đẹp tâm linh con người, là ý hay lời đẹp là tính tình cao thượng? Đây là ý thức, tư tưởng và đạo đức luân lý đúng hơn là văn hóa của con người.
- Nói đó là lề lối sống, nếp sinh hoạt trong tập thể cộng đồng xã hội? Đây là tập quán, phong tục trong lãnh vực nghề nghiệp mưu sinh, tín ngưỡng tôn giáo hay thói quen sinh lý đúng hơn là văn hóa của con người.
- Nói đó là lối sống tiến bộ theo hướng đi lên của nhân loại về vật chất và tinh thần? Đây là văn minh đúng hơn là văn hóa của con người.
Khi văn hoá tiến tới một trình độ tiến bộ nào đó mới gọi là văn minh. Loài người chỉ có văn hóa thời đại đồ đá, không ai nói văn minh thời đại đồ đá. Một bộ tộc lạc hậu chậm tiến vẫn có văn hóa riêng nhưng chưa có văn minh riêng. Nói đó là các trường đại học, các viện nghiên cứu, các trung tâm huấn luyện? Đây là giáo dục, văn học, khoa học các ngành đúng hơn là văn hóa con người.
Trong ngôn từ thông dụng, nhiều người hay nói một cách chung chung không chính xác những tiếng ghép liền nhau như văn hóa xã hội, văn hóa giáo dục, văn hóa nghệ thuật, văn hóa phong tục tập quán... Nói như vậy, e rằng chưa xác định được phạm vi và vai trò của văn hóa trong sinh hoạt tập thể của con người, trong cuộc sống thực tế hằng ngày. Để sáng tỏ khái niệm về văn hóa trong khi chưa có một định nghĩa đầy đủ và rõ ràng, thiết tưởng điều nên làm là tìm hiểu sinh hoạt văn hóa qua những tính chất căn bản của sinh hoạt này cũng như những hệ quả tất yếu của chúng.
Cũng như mọi sinh hoạt của con người, sinh hoạt văn hóa chia làm hai phần cho dễ việc tìm hiểu: Tính chất và biểu tượng.
Tính chất thuộc về nội dung thực thể, biểu tượng thuộc về hình thức sắc thái. Sinh hoạt văn hóa có nhiều biểu tượng khác nhau cụ thể hóa thành những hành vi khác nhau dễ nhận thấy như tư tưởng, tính tình, tập quán, phong tục, văn học, khoa học, nghệ thuật v.v...
Sinh hoạt văn hóa có ba tính chất căn bản và những tính chất coi như hệ quả tất yếu do ba tính chất căn bản gây nên.
* Tính nhân bản là tính chất căn bản thứ nhất, quyết định giá trị độc đáo ưu thắng của văn hóa: Chỉ có con người mới có sinh hoạt văn hóa, tất cả các loại động vật khác không phải con người đều không có sinh hoạt văn hóa. Không ai nói văn hóa loài chim, loài thú, loài cá, loài sâu bọ. Nói cách khác, chỉ có con người Tạo hóa mới ban cho khả năng linh thiêng đặc biệt để thực hiện sinh hoạt văn hóa. Tục ngữ có câu "Nhân linh ư vạn vật" có nghĩa con người là giống linh thiêng ở trong số muôn giống vật.
Lập luận dẫn giải: Ngôn từ thường nói "ba hồn bảy vía, ba hồn chín vía" do chữ Hán "tam hồn thất phách, tam hồn cửu phách". Hồn là khả năng sinh hoạt tồn tại. Ba hồn là sinh hồn, giác hồn và linh hồn. Sinh hồn là khả năng biết sống chết; giác hồn là khả năng biết cảm nhận nóng lạnh, vui buồn, sướng khổ...; linh hồn là khả năng suy lý, phán xét, kinh nghiệm thường gọi bằng một danh xưng khác, đó là lý trí.
Vạn vật chia làm bốn loại: khoáng vật như đá là loại vô hồn, không biết sống chết, sướng khổ, phán xét phải trái; thực vật chỉ có một hồn, đó là sinh hồn nên có sống chết, nhưng không biết sướng khổ, phải trái; động vật không kể người có hai hồn, sinh hồn và giác hồn nên hơn thực vật ở chỗ biết sướng khổ, vui buồn; riêng con người là sinh vật có đủ ba hồn, sinh hồn, giác hồn và linh hồn nên chỉ con người biết suy lý, có lý trí để phán xét, rút kinh nghiệm để tiến hóa. Vía hay phách là nơi thể xác để cho hồn nương tựa hoạt động, nói dễ hiểu hơn là trung khu thần kinh. Nam giới có bẩy vía là hai mắt, hai tai, hai lỗ mũi và miệng. Nữ giới có chín vía, thêm hai vía là đôi vú.
Từ tính nhân bản, sinh hoạt văn hóa có hệ quả tất yếu là tâm linh và hướng thượng. Sinh hoạt văn hóa thuộc nội giới, tư tưởng và tình cảm, thuộc cảnh giới trừu tượng, chỉ có biểu tượng văn hóa thuộc ngoại giới, văn học nghệ thuật, khoa học kỹ thuật, phong tục nghi lễ, thuộc cảnh giới hiện tượng cụ thể, dễ kiểm nghiệm hơn. Một thí dụ đơn giản: Con người sống gồm có hai phần, phần hồn và phần xác. Phần hồn coi như văn hóa; phần xác coi như văn học, khoa học, chính trị, kinh tế...
Phần hồn là cuộc sống tâm linh, tư tưởng và tình cảm; phần xác là cuộc sống sinh lý như ăn uống, đi đứng, nằm ngồi, làm việc, nghỉ ngơi... Sau tâm linh là hướng thượng, con người là sinh vật duy nhất có hồn, có lý trí. Nhờ đó, chỉ có con người mới biết suy lý, phán xét, cân nhắc phải trái nên chăng, biết rút kinh nghiệm của chính mình và của đồng loại. Đây là cuộc sống trí tuệ của riêng loài người và đã đem đến văn minh tiến bộ cho nhân loại ngày nay. Loài vật chỉ có giác hồn không có linh hồn, hay nói cách khác loài vật chỉ có cuộc sống tình cảm, không có cuộc sống trí tuệ. Vì vậy, loài vật không có sáng kiến phát minh, không có văn minh tiến bộ, không rút được kinh nghiệm trong sinh hoạt thực tế, do đó loài vật không có văn hóa. Nên lưu ý có rất nhiều giống vật có nếp sống xã hội, có lề lối sinh hoạt tập thể, có khả năng thích ứng mưu sinh để tồn tại giống như con người, nhiều khía cạnh còn hơn con người nữa. Chim sống từng bầy, cá sống từng đàn, trâu bò có thể lực khỏe hơn người, ngựa báo chạy nhanh hơn người, mũi chó tai mèo thính hơn mũi tai con người v..v...
Tuy nhiên lý trí con người đã hơn hẳn khả năng bộ óc con vật. Cái gọi là lối sống, nếp sinh hoạt ở con vật chỉ là thói quen hoạt động mưu sinh, kiếm mồi ăn và chống trả kẻ thù muốn dành cuộc sống với mình, chống trả trở ngại thiên nhiên như thời tiết. Lề lối sống ở con vật chỉ trong cuộc sống sinh lý, không vượt qua được sang ranh giới cuộc sống trí tuệ như trường hợp con người.
Trâu bò khỏe hơn người nhưng con người biết dùng trâu bò để kẻo xe, kẻo cày, biết dùng phương tiện cơ khí để chuyển vận hàng hóa nhanh hơn và nhiều hơn trâu bò. Ngựa báo chạy nhanh hơn người nhưng con người đã chế tạo ra phương tiện lưu thông tiện lợi như ngày nay. Những thí dụ tương tự có rất nhiều ở sinh hoạt hàng ngày đã là bằng cớ hiển nhiên không ai bàn cãi.
* Tính không gian là tính chất căn bản thứ hai chứng tỏ sinh hoạt văn hóa tùy thuộc vào môi trường không gian từng miền, từng vùng khác nhau, từng lãnh thổ, từng khu vực có những cư dân sinh sống khác nhau về chủng tộc, tôn giáo, ý thức hệ, kỹ năng, kiến thức... Do đó, sinh hoạt văn hóa có tính chất bác tạp, dị biệt không nơi nào giống nơi nào hoàn toàn trên mặt đất, thậm chí trong cùng một lãnh thổ quốc gia, cư dân có một văn hóa chung gọi là văn hoá dân tộc nhưng dân thành thị và dân ở nông thôn, dân miền rừng núi cao nguyên và dân miền đồng bằng duyên hải đã có những sinh hoạt văn hóa khác nhau, từ nghề nghiệp mưu sinh đến thói quen hằng ngày.
Tính nhân bản làm cho sinh hoạt văn hóa có tính chất đồng nhất, lấy con người làm tiêu chuẩn. Tất cả mọi người đều giống nhau ở rất nhiều điểm, cùng có phần xác và phần hồn, cùng sống chung với nhau trong một tập thể, cùng hợp sức nương tựa vào nhau để cùng tồn tại và tiến hóa, cùng sinh ra và cùng chết đi v.v...
Tính không gian tùy thuộc vào môi trường sinh hoạt lại sinh ra tính chất bác tạp, dị biệt, bất đồng. Tính chất đồng nhất và bất đồng của sinh hoạt văn hóa con người mới nghe như mâu thuẫn đối nghịch nhau, nhưng trải qua lịch sử nhân loại các sử gia nhận xét thấy chúng đã bổ túc cho nhau để cùng tạo nên nguồn sinh lực cho sinh hoạt văn hóa dẫn dắt nhân loại đến tình trạng tiến bộ văn minh trong lối sống ngày nay.
Thiếu dị biệt, tính nhân bản đồng nhất làm cho sinh hoạt văn hóa rơi vào tình trạng tĩnh, bất biến, không tiến bộ được. Còn thiếu đồng nhất, tính dị biệt bất đồng lại làm cho sinh hoạt văn hóa rơi vào tình trạng phân hóa, tan rã không tồn tại dài lâu được. Nguyên lý âm dương đồng nhất đã chứng minh điều này.
* Tính thời gian là tính chất căn bản thứ ba chứng tỏ sinh hoạt văn hóa gắn liền vào thời gian, do đó còn gọi tên là tính lịch sử. Sinh hoạt văn hóa không rời khỏi lịch sử nhân loại, lịch sử dân tộc. Phối hợp tính không gian và tính thời gian, sinh hoạt văn hóa đã di động tạo thành những trào lưu văn hóa lúc mạnh lúc yếu như dòng nước chảy khi dâng lên khi hạ xuống, có khúc nhiều nhánh nhỏ hợp lưu thành một dòng, có khúc một dòng lại chia thành nhiều nhánh chi lưu. Nhân loại càng tiến bộ, phương tiện di chuyển càng thuận lợi, sự giao dịch quốc tế về mọi mặt càng phát triển, từ kinh tế đến chính tri, từ kỹ thuật đến xã hội, sự kiện lịch sử này đã chứng minh hiện tượng giao lưu văn hóa Đông và Tây, giữa các quốc gia phát triển và các quốc gia còn chậm tiến. Người dân các nước đã gặp gỡ nhau một ngày một nhiều, đã quen dần lề lối sống của nhau, cùng đem lại cho nhau nhiều hiểu biết và ích lợi. Đó chính là diễn tiến lịch sử văn hóa các dân tộc, văn hóa nhân loại.
Sau định nghĩa theo từ ngữ và trình bày những tính chất của sinh hoạt văn hóa, một khái niệm tổng quát được hình thanh rõ ràng hơn: Văn hóa là nếp sống, lề lối sinh hoạt phát triển tăng tiến của riêng con người, con vật không có văn hóa. Đó là toàn bộ cuộc sống tâm linh hướng thượng, là nguồn sinh lực ưu thắng làm cho nhân loại đạt đến văn minh tiến bộ. Đó không phải là một ý niệm trừu tượng chỉ xuất hiện trong tâm tư. Đó là một thực thể, một sự kiện hiện hữu biểu lộ trong hai chiều không gian và thời gian của thiên nhiên, diễn tiến theo lịch sử nhân loại.
Một trường hợp điển hình cụ thể đối chiếu nếp sống của con kiến tiêu biểu cho loài vật và nếp sống của con người hiểu theo nghĩa một động vật có Linh hồn, một đặc ân của Tạo hóa đã ban riêng cho. Loài kiến sống từng đàn, nếp sống có tổ chức quy củ, phân công phân nhiệm trong kế hoạch mưu sinh, có kỹ năng khéo léo xây tổ, có tinh thần hợp quần bảo vệ quyền lợi chung, có đức tính chăm chỉ cần cù và biết tính toán lo xa tích lũy lương thực đề phòng lúc thời tiết mưa bão không đi kiếm mồi được, đặc biệt có thể lực phi thường khiêng nổi một vật nặng gấp hơn ba chục lần trọng lượng chính thân xác mình, có khả năng đánh hơi xa và rất thính để tìm mồi, sống có trật tự và kỷ luật nghiêm minh.
Nếp sống loài kiến đã được dùng làm bài học ngụ ngôn cho con người về tinh thần hợp quần và tính chăm chỉ biết lo xa trong sách giáo khoa. Tuy vậy, loài kiến không có văn hóa, lý do viện dẫn như sau: Con kiến có nhiều điều ưu tú khi so với những con vật khác, nhưng lịch sử loài kiến cho biết không có tiến bộ, nếp sống không có tính hướng thượng phát triển ngày một hơn lên. Từ xưa tới nay kỹ năng xây tổ tinh xảo vẫn như vậy, tinh thần hợp quần, tính chăm chỉ lo xa vẫn như vậy, thể lực khiêng nặng vẫn như vậy. Tất cả ưu điểm vẫn như vậy, mức độ và phương cách hành động không có gì thay đổi.
Nhìn suốt dòng lịch sử nhân loại, ai ai cũng nhận thấy bao nhiêu cái đổi thay, từ thời kỳ săn bắn, chăn nuôi, trồng trọt đến thời kỳ cơ khí kỹ nghệ, từ di chuyển bằng đôi chân hay lừa ngựa đến tàu thuyền, xe cộ, máy bay và phi thuyền không gian, từ thông tin bằng lời nói tiếng kêu hay dấu hiệu tay chân hoặc với dụng cụ đơn giản đến điện thoại, điện thư, ra-đi-ô, ti-vi, tín hiệu liên hành tinh. Nếp sống của loài kiến khắp năm châu trên thế giới vẫn tương tự nhau trong khi lề lối sinh hoạt của loài người đã dị biệt khác nhau tùy theo địa phương cư ngụ sinh sống và theo thời gian.
1
Chiều cô thôn
(Ảnh Nguyễn Cao Đàm)
Sinh hoạt văn hóa gồm có công tác về giáo dục, văn học và nghệ thuật như âm nhạc, điện ảnh, tuồng kịch, hội họa. Hiểu như vậy đúng nhưng quá hẹp hòi. Phạm vi sinh hoạt văn hóa rộng hơn nhiều, phổ quát bao trùm tất cả mọi hoạt động cần đến tâm linh trí tuệ con người theo như khái niệm trình bày ở phần trên.
Trước hết biểu tượng đặc thù hơn cả của sinh hoạt văn hóa là thông tin bằng ngôn ngữ và văn tự. Tính chất nhân bản rất rõ rệt ở trường hợp này: chỉ con người mới có tiếng nói và chữ viết dùng làm phương tiện thông tin truyền đạt có hiệu lực tinh vi và chính xác hơn cả. Con vật chỉ có tiếng kêu; cử chỉ và thái độ, đó là những phương tiện có hiệu lực ít hơn, kém chính xác. Nhờ có ngôn ngữ và văn tự, loài người mới lưu truyền kinh nghiệm hiểu biết cho nhau từ không gian này đến không gian khác, từ thế hệ này đến thế hệ khác, không bị giới hạn bởi khu vực hẹp hòi hay thời hạn ngắn ngủi. Những tư tưởng lớn, tôn giáo, triết học, lý thuyết cũng như những công trình nghiên cứu khoa học kỹ thuật, phát minh, sáng chế trong mọi lãnh vực chính trị, kinh tế và xã hội cũng là sinh hoạt văn hóa. Tất cả đều nhằm đến cứu cánh duy nhất là phục vụ con người cả phần xác lẫn phần hồn, chỉ khác nhau hình thức biểu tượng, phương tiện thực hành, phạm vi ứng dụng. Cùng là sinh hoạt của con người sống trong vũ trụ, văn hóa là thể của sự sống, còn dụng là chính trị, kinh tế, xã hội, khoa học v.v...
Thể chế lưỡng viện, chế độ đa đảng, phổ thông đầu phiếu là biểu tượng của sinh hoạt văn hóa trong lãnh vực chính trị dân chủ. Hải cảng lớn, phi trường quốc tế, ngân hàng đồ sộ, xưởng chế tạo sản phẩm quy mô là biểu tượng sinh hoạt văn hóa trong lãnh vực kinh tế. Bệnh viện, tiệm thuốc, lực lượng cảnh sát, trại giam là biểu tượng sinh hoạt văn hóa trong lãnh vực xã hội. Đền chùa, nhà thờ lăng miếu là biểu tượng sinh hoạt văn hóa trong lãnh vực tôn giáo tín ngưởng. Nghi lễ cưới xin, ăn mừng thượng thọ, phúng điếu nhà đám, thăm hỏi người thân là biểu tượng sinh hoạt văn hóa trong lãnh vực phong tục tập quán v..v... Từ chính sách, kế hoạch lớn lao có tầm cở quốc tế đến động tác thường ngày đều là biểu tượng của sinh hoạt văn hóa.
Một trường hợp điển hình cụ thể về giao lưu văn hóa: Một đám cưới chú rể là Mỹ trắng, cô dâu là Việt Nam. Hôn lễ cử hành theo sự thỏa thuận của nhà trai nhà gái. Nhà trai dẫn cưới đem đồ lễ do nhà trai đi theo hàng một tiến vào nhà gái. Trước sự chứng kiến của hai họ, ông bố chồng lên tiếng xin cưới, ông bố vợ lên tiếng chấp nhận, kế đến là lễ gia tiên bên nhà gái. Sau đó đến tiệc cưới, chúc tụng, âm nhạc và khiêu vũ. Nhìn vào nghi thức hôn lễ như vậy ai cũng thấy sự giao lưu văn hóa Việt Mỹ. Cứu cánh là hạnh phúc lứa đôi của hai người phối ngẫu, thủ tục nghi lễ chỉ là phương tiện, hai bên nhà trai nhà gái cùng quan niệm giống nhau nên hôn lễ tiến hành rất thân mật, vui vẻ tự nhiên.
Sự giao lưu văn hóa không phải lúc nào cũng dẫn đến kết quả tốt lành. Một trường hợp xung khắc văn hóa (cultural shock) đã xảy ra làm thiệt mạng một phụ nữ: Một sản phụ sinh con bị mất máu nhiều cần phải được sang máu mới thoát nguy được. Ý kiến của bác sĩ sản khoa không được thân nhân của sản phụ ưng thuận vì lý do tín ngưỡng không chịu tiếp máu của người khác. Kết quả sản phụ đã qua đời một cách thật đáng tiếc!
Một hành vi bình thường cũng là biểu tượng của sinh hoạt văn hóa: Một bà mẹ dạy đứa con còn bé "Con không được nói dối, nói dối phải tội, ông Trời đánh đó!" Mới nghe ai cũng hiểu đây là lời dạy bảo con trẻ nên thực thà nói đúng sự thực. Lời dạy này thuộc luân lý đức dục. Phân tách kỹ ra, hành vi dạy con này cũng là sinh hoạt văn hóa. Người mẹ nhận thấy có trách nhiệm dạy dỗ con cái khi chúng có điều sai quấy. Không được nói dối là điền răn của đạo lý và tôn giáo, một trong ngũ giới của đạo Phật và cũng là một trong mười điều răn của đạo Chúa. Nói dối phải tội là lý nhân quả, gieo nhân xấu thì lãnh quả xấu, đây là giáo lý đạo Phật. Gọi Trời bằng ông và ông Trời có quyền đánh kẻ có tội giống như cha mẹ đánh đứa con hư, ông Trời là biểu tượng cho thần quyền giữ vai trò duy trì công lý, thưởng phạt phân minh, đó là nhân sinh quan trong văn hóa hữu thần của dân tộc Việt Nam vốn thấm nhuần ảnh hưởng đạo Phật. Người mẹ nói ở đây rất có thể là một phụ nữ không biết đến kinh kệ, ngũ giới, nhân quả là gì, cả đến người nghe lời mẹ dạy con không nói dối đa số cũng không quan tâm đến thực chất văn hóa Phật giáo Việt Nam trong hành vi dạy con. Nhưng thực chất hành vi này vẫn là sinh hoạt văn hóa dù chính người mẹ không biết đến và những người xung quanh không lưu tâm đến.
Biết đến tính chất và biểu tượng của sinh hoạt văn hóa chưa hội đủ yếu tố để có một khái niệm trọn vẹn đầy đủ về văn hóa. Cần phải biết thêm đến sinh lực và tác động của văn hóa. Đây là một đối tượng vô hình, trừu tượng nhưng rất dễ nhận thấy. Để sáng tỏ vấn đề, một tỷ dụ dẫn giải như sau:
Trong số những tiện nghi cung ứng cho cuộc sống hàng ngày có rất nhiều đồ dùng chạy bằng điện như đèn, quạt, máy lạnh, bếp, ti- vi, ra-di-ô, điện thoại, đồng hồ, bàn ủi, máy xay trái cây... Tất cả những đồ dùng tiện ích này đều hoạt động nhờ ở điện lực, nếu điện bị cắt những đồ dùng này đều ngưng hoạt động. Giả sử đem đến một nơi không có điện lực, nhà máy phát điện, bình điện hay pin, những thứ này trở nên vô dụng không đem lại ích lợi gì cho người sử dụng. Trường hợp nối sai dòng điện có cường độ không thích hợp, đồ dùng có thể bị hư hại và gây nguy hiểm cho chủ nhân. Đây là những chứng nghiệm rất dễ nhận thấy đối với bất cứ ai không cần có một khả năng hiểu biết chuyên môn về điện học hay kỹ thuật.
Điện lực tượng trưng cho văn hóa, những đồ dùng chạy bằng điện tượng trưng cho hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội tôn giáo... Một câu hỏi đặt ra: có điện không hay bị cắt rồi? Bật đèn thấy sáng, người trả lời nói có; vặn quạt thấy không quay, người trả lời nói không. Câu hỏi thứ hai: Điện ở đâu mà bảo là có, là không? Tay chỉ ngọn đèn cháy sáng hay cánh quạt vẫn đứng yên, người trả lời nói ở đây. Trường hợp điện lực và đồ dùng chạy bằng điện, việc trả lời rất dễ dàng. Chuyển sang trường hợp văn hóa và biểu tượng sinh hoạt văn hóa như chính trị, kinh tế, xã hội, giáo dục..., câu hỏi đặt ra: Văn hóa ở đâu? Câu trả lời có phần khó khăn hơn. Câu trả lời chung như sau. Văn hóa ở ngay những sinh hoạt chính trị, kế hoạch kinh tế, chế độ xã hội, chương trình giáo dục... một khi những hoạt động này hội đủ tính chất của văn hóa. Nếu không, đó là những hoạt động phi văn hóa hay còn có thể gọi là những hành động phản văn hóa.
Hoạt động có tính chất văn hóa hay gọi tắt là hoạt động có văn hóa coi như đồ dùng chạy bằng điện hoạt động điều hòa đem lại lợi ích cho người dùng. Hoạt động phi văn hóa coi như đồ dùng đã bị trục trặc hư hỏng trở nên vô ích. Hoạt động phản văn hóa coi như trường hợp tai nạn nguy hiểm xảy ra như bị điện giật, hỏa hoạn vì lý do kỹ thuật sử dụng điện. Nói cách khác đơn giản hơn đối với tất cả mọi sinh hoạt của con người, được coi là có văn hóa khi sinh hoạt này đạt được mục tiêu phục vụ lợi ích cho con người, đem lại an ninh trật tự, ấm no hạnh phúc, tự do tiến bộ, phát triển toàn diện con người. Trường hợp sinh hoạt nào không đạt được mục tiêu này, lại đem lại sự rối loạn xã hội, gây nên tệ nạn tác hại, gây nên trở ngại trên đường tiến hóa chung của mọi người, vì quyền lợi tranh chấp cá nhân, bè phái... khi đó gọi là hoạt động phi văn hóa hay phản văn hóa.
Khái niệm tổng quát về văn hóa như đã trình bày cho biết nguồn sinh lực và vai trò tác động của văn hóa đã chi phối toàn bộ cuộc sống của tập thể xã hội, một dân tộc hay toàn thể nhân loại. Nguồn sinh lực văn hóa là sức sống của con người. Có văn hóa là con người có sinh tồn và tiến bộ; không văn hóa là con người đi vào suy vong và thoái hóa; phản văn hóa là con người tự hủy diệt phần tâm linh, tự làm mất phẩm chất con người tụt thấp xuống cuộc sống con vật dù cho được cung ứng đầy đủ tiện nghi vật chất do thành tựu của khoa học kỹ thuật đem lại.
Khoa học không văn hóa là thứ khoa học tác hại, hủy hoại con người. Văn minh vật chất không do văn minh tinh thần hướng dẫn chỉ tạo thêm yếu tố và cơ hội cho con người thoái hoá, sống không có an ninh và sống trong đau khổ. Văn hóa bất cử lúc nào và ở đâu vẫn giữ vai trò chủ động định đoạt sự sinh tồn và tiến bộ của con người.
- Tổng Quát về Văn Hóa Duyên Hạc Tiểu luận
• “Duy Tuệ Thị Nghiệp”: Từ Trí Tuệ Phật Giáo Đến Sự Phát Triển Nền Giáo Dục Nhân Bản (Vạn Đức)
• Mỹ học của hư vỡ: Kintsugi, lấy vàng nối gốm (Nguyên Giác)
• Lịch Sử Đạo Hồi (PHS News)
• Giáo Dục Quốc Gia (1945 - 1975) (Trần Bích San)
• Văn chương đương đại tiếp nhận gì từ văn học miền Nam (Inrasara)
• Năm Dần Nói Chuyện Cọp (Thái Văn Kiểm)
• Mùa Xuân Nói Về Chữ Tết (Nguyễn Thiếu Dũng)
• “Vân Đài Loại Ngữ" Bộ Sách Bách Khoa Toàn Thư Đầu Tiên Của Việt Nam
(Nguyễn Huy Côn)
• Văn Chương Có Biên Giới Không? (Nguyễn Vy Khanh)
• Khoan Dung Và Dị Biệt Văn Hóa (Nguyễn Sỹ Tế)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |