|
Dê Húc Càn(1.10.1934 - 21.11.1987) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Nụ cười chính là nhu cầu vĩnh cửu của con người. Cho nên chúng ta không lấy gì làm lạ khi nhận thấy ý thức trào phúng xuất hiện rất sớm trong văn thơ thế giới để riễu những thói hư tật xấu của thế nhân. Nếu nghiên cứu sâu xa hơn, tác dụng nụ cười không chỉ đơn giản có thế. Giả sử có người ngoại quốc hỏi:"Nụ cười của người Việt có gí là đặc sắc để phân biệt với nụ cười trong thiên hạ?"
Xin thưa nụ cười người Việt có rất nhiều đặc điểm. Có thể nói trong mọi đức tính mà ông cha dòng dõi Lạc Hồng truyền lại cho con cháu thì đức tính "cười" được phân chia đều hơn cả. Thực vậy óc trào phúng của người Việt rõ ràng là cố hữu. Đó chính là sự biểu lộ của một thần trí và hồn tính (1) vững vàng dễ khiến cho người Việt biết đánh giá rất sát sự vật mà dám cười đùa hết thẩy. Trong cuộc sống hằng ngày thì đó là thái độ hồn nhiên tinh nghịch, nhựng lời bông phèng, những lời pha trò nhiều khi rất ý nhị. Hãy tìm hiểu nụ cười thuần túy nhất của người Việt qua ca dao tục ngữ.
Ở đây chúng ta không nhắc đến những lời bông đùa hời hợt như:
Số cô có vợ có chồng
Sinh con đầu lòng, chẳng gái thì trai.
Chúng ta hãy xét những nụ cười sâu sắc hơn. Tâm hồn người Việt ưa phóng khoáng chân thực ghét khuôn sáo, ước lệ. Vì ưa phóng khoáng cởi mở, người Việt sẵn sàng nhận đón những tinh hoa của nhân loại. Người Việt đã dung hòa hai nền văn minh Trung Hoa và Ấn Độ và ngay từ đời Lý đời Trần đã thực hiện được quân bình tam giáo đồng tôn: Phật, Khổng, Lão.
Nhưng cũng vì ghét câu thức ước lệ giả dối nên người Việt Nam tuy kính Phật mà vẫn riễu tăng, kính Khổng mà vẫn riễu nho sĩ.
Trong ca dao nhan nhản những bài chế riễu nho sĩ như:
Ai ơi chớ lấy học trò
Dài lưng tốn vải ăn no lại nằm.
Riễu những ông quan hà hiếp dân chúng:
Em là con gái đồng trinh,
Em đi cắt cỏ qua dinh ông nghè.
Ông nghè sai lính ra đe
Trăm lạy ông nghè tôi đã có con
Có con thì mặc có con
Thắt lưng cho dòn mà lấy chồng quan.
Những vần thơ chế riễu những nhà sư đam mê tình ái nhiều vô kể:
Ba cô đội gạo lên chùa
Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư
Sư về sư ốm tương tư
Ốm lăn ốm lóc nên sư trọc đầu
Ai làm cho dạ sư sầu
Cho ruột sư héo như bầu đứt dây.
Thấy cô yếm thắm răng đen
Nam mô di Phật lại quên mất chùa.
Ai mua tiên cảnh thì mua
Thanh la não bạt thầy chùa bán cho.
Hộ Pháp thì một quan ba
Long Thần chín rưỡi, Thích Ca ba tiền.
Còn hai mụ Thiện hai bên
Ai mua bán nốt lấy tiền nộp cheo.
Lệ làng thiếu thốn bao nhiêu
Đẵn cây tre cộc cắm nêu sân chùa.
Để riễu những nết hư "lở đào cao đắp" của người đời nghiêng ngả, lời nói của người Việt xa xôi và sâu sắc như thế này:
Cha đời cái áo rách này
Mất chúng mất bạn vì mày áo ơi.
Nhưng cái cao quý nhất của nụ cười Việt là cười trong cái nghèo khổ, trong cái quạnh hiu, trong cái trống rỗng của chính mình. Trong cảnh nghèo cùng cực, chỉ còn được cái váy bạc phếch vá chằng vá đụp, nụ cười người đàn bà Việt vẫn ròn tan:
"Tiền lĩnh váy chị, không bằng tiền chỉ váy tôi".
Điều này chứng tỏ người Việt không nô lệ cho vật chất! Nguyễn Sỹ Tế có nói: "Người bình dân Việt đổi bát mồ hôi lấy bát cơm trong một nền kinh tế nghèo nàn đến phi nhân, chừng nào bát cơm đã kiếm được, lúc đó lại tìm vượt lên khỏi áo cơm tới những địa hạt phi vật chất".
"Tiền lĩnh váy chị, không bằng tiền chỉ váy tôi": Vui đùa gần như đến kiêu hãnh với cái nghèo và đùa cợt với giàu sang như thế hỏi rằng chỉ thỏa mãn nhu cầu kinh tế không thôi, đâu đã là điều kiện tất yếu để nắm vững được người Việt Nam.
Còn giây phút nào vắng vẻ quạnh hiu hơn cảnh nửa đêm gà gáy một mình một bóng giã gạo với bèo.Âm thanh của chày giã gạo không làm xao động canh khuya mà chỉ làm tăng thêm vẻ tịch mịch của đêm trường. Sự câm lặng của cái cọc cầu ao lúc gà gáy cũng là sự câm lặng của thế nhân, của cả vũ trụ trước cái cần cù nhẫn nại của người đàn bà Việt. Đây nụ cười người đàn bà Việt trước cảnh cô tịch mênh mông đó:
Giã ơn cái cối cái chày
Nửa đêm gà gáy có mày có tao
Giã ơn cái cọc cầu ao
Nửa đêm gà gáy có tao có mày.
Ngay trong những phút trống rỗng nhất, người Việt vẫn cười được như thường. Đây là cảnh một người không còn biết làm gì nữa ngồi đốt rơm chơi:
Tâm thành đốt một đống rơm
Khói lên nghi ngút chẳng thơm tí nào
Rồi tưởng tượng đến thiên đình, thì ông Ngọc Hoàng lúc đó cũng vô công rỗi nghề nốt:
Khói lên đến tận thiên tào
Ngọc Hoàng phán hỏi: đứa nào đốt rơm.
Nhìn rộng sang nền văn chương bác học, chúng ta thấy Nguyễn Công Trứ vui cái nghèo trong "Hàn nho phong vị phú":
Ngày ba bữa vỗ bụng rau bình bịch, người quân tử ăn chẳng cầu no;
Đêm năm canh an giấc ngáy kho kho, đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ.
Một tác giả vô danh vui với cái Tết xác xơ của mình trong đôi câu đối:
Bầu một chiếc lăn chiêng, mặc sức tam dương khai thái
Nhà hai gian bỏ trống, tha hồ ngũ phúc lâm môn.
Tú Xương cải chính cái Tết nghèo với anh em:
Anh em đừng tưởng tết tôi nghèo
Tiền bạc trong kho chửa lĩnh tiêu
Rượu cúc nhắn đem, hàng biếng quẩy
Trà sen ướm hỏi, giá còn kiêu
Bánh chưng sắp gói, e nồm chảy
Giò lụa toan làm, sợ nắng thiu
Thôi thế thì thôi chờ tết khá
Anh em đừng tưởng tết tôi nghèo.
Hồ Xuân Hương, một người đàn bà giàu tình cảm mà vẫn cố tình ỡm ờ khi khóc chồng:
Hăm bảy tháng trời là mấy chốc
Trăm năm ông phủ Vĩnh Tường ơi!
Nòng nọc đứt đuôi từ đấy nhé
Ngàn năm khôn chuộc dấu bôi vôi.
Điều nên ghi sau cùng, trường hợp Cao Bá Quát cười trước khi chết:
Ba hồi trống dục mồ cha kiếp
Một nhát gươm đưa bỏ mẹ đời.
Người ta đem nỗi buồn của mình ra mà nghiền ngẫm đã là đáng quý, người Việt vượt thêm một bậc nữa: đem nỗi buồn của mình ra để hài hước! Cười để thường xuyên gây ý vị cho kiếp sống như muối gây đậm đà cho thức ăn, cười để vươn cao lên mọi ngang trái cuộc đời, thần trí và hồn tính vững vàng của người Việt chính là ở điểm đó.
Dù nhẹ nhàng hay gay gắt, nụ cười Việt bao giờ cũng hồn nhiên như tạo vật. Rất hiền triết ngay cả khi rất ngây thơ! Với nụ cười phong phú, với nguồn thi hứng vô biên, người Việt tiện đâu làm thơ đó, tiện đâu cười cợt đó. Mới câu trước:
Lạy trời cho cả gió nồm
Cho thuyền chúa Nguyễn rong buồm thẳng ra.
Câu sau đã:
Lạy trời cho cả gió nồm
Cho kẹo tôi chảy, cho mồm tôi sơi.
Nhìn vào sự vật, dù tầm thường đến mấy, cũng tìm ra được khía cạnh trào lộng để đùa. Câu đố:
Trùng trục như con chó thui
Chín mắt, chín mũi, chín tai, chín đầu.
vẫn là con chó bị ... thui chín.
Con gái riễu con trai mà vẫn yêu:
Ai ơi chớ lấy học trò
Dài lưng tốn vải ăn no lại nằm.
Con trai đùa con gái có duyên và tình tứ biết mấy:
Đường đi thì thật là xa
Mượn mình làm mối cho ta một người
Một người mười tám đôi mươi
Một người vừa đẹp vừa tươi như mình.
Có duyên và kín đáo biết mấy:
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu
Áo anh sứt chỉ đã lâu
Mai mượn cô ấy vào khâu cho cùng
Khâu rồi anh sẽ trả công
Đến khi lấy chồng anh sẽ giúp cho
Anh giúp cho nào chiếu nằm, nào chăn đắp, nào chằm đeo, nào xôi, nào lợn, nào rượu, lại không quên giúp cả:
... quan tám tiền cheo
Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau.
Giúp chu đáo đến nỗi điều sau cùng anh không nói ra mà người con gái thừa hiểu chú rể ... chính là anh.
Nụ cười Việt nở giữa cha con mà cha con gần nhau!
Nụ cười Việt nở giữa anh em mà anh em nhường nhau!
Nụ cười Việt nở giữa trai gái mà tình yêu đậm đà thêm duyên!
Vì có được cái cười sắc sảo mà hiến hòa như vậy nên không mưu mô xảo quyệt nào mà không bị lột trần, không cường quyền bạo lực nào là không bị lố bịch hóa.
Nhớ lại thuở thịnh thời hống hách của thực dân, chúng thường hả hê nhìn người dân Việt gãi tai gọi chúng là quan lớn. Chúng có biết đâu cái tay gãi tai là cái tay chờ thời tay đao tay súng để xua đuổi chúng là quân xâm lăng ra khỏi đất nước, và lời xưng tụng "quan lớn" chỉ có nghĩa giản dị là "mày".
Tới đây thiết tưởng chúng ta đã sang lĩnh vực "siêu trào phúng" của nụ cười Việt.
Xét đến quá trình đồng hóa tư tưởng ngoại lai ta thấy Phật giáo gặp nụ cười Việt mà bớt màu bi quan khi nhìn vào thực tại nhân sinh, Khổng giáo gặp nụ cười Việt mà bớt màu thực tin. Sau bao nhiêu thế kỷ đô hộ ta, người Tàu ra đi để lại Khổng giáo, Lão giáo và ... gò Đống Đa. Nụ cười đầy rẫy của ca dao còn văng vẳng:
Chẳng thà ăn cá giếc trời,
Còn hơn lấy khách mọc đuôi trên đầu.
Và nụ cười rất nhẹ nhàng nhưng cũng rất kẻ cả của bà Hồ Xuân Hương khi qua đền thờ Sầm Nghi Đống ở phố Hàng Buồm:
Ghé mắt trông ngang thấy bảng treo
Kìa đền Thái thú đứng cheo leo
Ví đây đổi phận làm trai được
Thì sự anh hùng há bấy nhiêu.
Sau tám mươi năm tận tình khủng bố và bóc lột, người Pháp ra đi để lại tinh thần duy lý khoa học và ...rất nhiều nghĩa địa.
Vì sao?
Vì trong khi chịu đựng gian khổ, chiến đấu trường kỳ, nụ cười Việt không bao giờ ngớt nở trên vành môi. Kẻ bất chính nào tới đây, dù binh hùng tướng mạnh, thảy đều chết đuối trong ánh hào quang của nụ cười Việt, tiếng cười đó, tiếng cười bất tuyệt đến cái chết cũng không dập tắt nổi như trường hợp Cao Bá Quát, hay như lời Mai Bá Cao trong Nhị Độ Mai:
Già này dầu thác cũng vinh
Suối vàng khuất mặt còn khinh khích cười.
Tôi có nghĩ đến câu trong sách Luận Ngữ nói về chữ LỄ:
Trực nhi vô Lễ tắc giảo, cung nhi vô Lễ tắc lao, thận nhi vô Lễ tắc tử.
(Trực mà không có Lễ thành ra cáu xắng, kính cẩn mà không có Lễ thành ra khúm núm, thận trọng mà không có Lễ thành ra sợ sệt).
Sở dĩ người Việt bao giờ cũng đạt được quân bình trong lúc xử thế tiếp vật chính vì đã thực hiện được chữ Lễ một cách độc đáo bằng nụ cười kỳ diệu thiên biến vạn hóa của mình.
Đó là một trong những cái khác đời đã giữ cho dân tộc Việt trường tồn.
(1) Chữ của Nguyễn Sĩ Tế.
- Một chút Đinh Cường Doãn Quốc Sỹ Nhận định
- Một Vài Ký Ức về cụ Nhạc Phụ Tú Mỡ Doãn Quốc Sỹ Ký ức
- Kể Lại Vài Giai Thoại Trong Tập Vào Thiền Doãn Quốc Sỹ Truyện đạo
- Nụ Cười Việt Doãn Quốc Sỹ Tiểu luận
- Đi tìm dân tộc tính trong cổ tích Việt Nam Doãn Quốc Sỹ Tiểu luận
• “Duy Tuệ Thị Nghiệp”: Từ Trí Tuệ Phật Giáo Đến Sự Phát Triển Nền Giáo Dục Nhân Bản (Vạn Đức)
• Mỹ học của hư vỡ: Kintsugi, lấy vàng nối gốm (Nguyên Giác)
• Lịch Sử Đạo Hồi (PHS News)
• Giáo Dục Quốc Gia (1945 - 1975) (Trần Bích San)
• Văn chương đương đại tiếp nhận gì từ văn học miền Nam (Inrasara)
• Năm Dần Nói Chuyện Cọp (Thái Văn Kiểm)
• Mùa Xuân Nói Về Chữ Tết (Nguyễn Thiếu Dũng)
• “Vân Đài Loại Ngữ" Bộ Sách Bách Khoa Toàn Thư Đầu Tiên Của Việt Nam
(Nguyễn Huy Côn)
• Văn Chương Có Biên Giới Không? (Nguyễn Vy Khanh)
• Khoan Dung Và Dị Biệt Văn Hóa (Nguyễn Sỹ Tế)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |