|
Nhật Ngân(24.11.1942 - 21.1.2012) | Phan Nhự Thức(4.2.1942 - 21.1.1996) | Trương Đình Quế(.0.1939 - 21.1.2016) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Đành rằng ngôn ngữ cũng là một thứ sử liệu nhưng ta không thể có tham vọng biết lịch sử với độc một nguồn ngôn ngữ. Thí dụ, ở bài trước, chúng tôi có nói người Trung Hoa không có tiếng "Nắng" theo cái nghĩa Nắng của ta. Họ nói Phơi. Nhưng rồi sau đó, họ vẫn có tiếng Thử. Nhưng đó là sáng tạo về sau mà họ đã quen miệng với tiếng Phơi, tiếng Thử chỉ để viết chứ không nói. Như vậy, kết luận rằng từ thuở sơ khai, trên lãnh phổ Trung Hoa chánh gốc (Thiểm Tây, Hà Nam) trời không có nắng là sai. Thuở ban đầu, họ không có tiếng Nắng, không hiểu vì lẽ gì, còn phải tìm ở các nguồn khác nữa, chớ ngôn ngôn ngữ không phải là một chứng tích đủ sức nặng một cách tuyệt đối.
Nhưng nếu chứng tích ngôn ngữ được đối chiếu với một vài chứng tích khác thì có hy vọng tìm ra phần nào sự thật trong cõi u minh của thời gian, những chứng tích khác ấy, riêng lấy nó cũng không đủ để chứng minh một cách đích xác sự kiện nào thì ngôn ngữ, trong trường hợp đó, là một sử liệu tốt để bổ túc vậy.
Những cuộc khai quật cổ vật ở Đông Sơn và Lạc Trường trước chiến tranh, quả có rọi ánh sáng vào buổi bình minh của dân tộc ta thật đó, nhưng đó là một thứ ánh sáng mờ ảo, không cho ta thấy rõ cái gì cho lắm, lại còn làm ta bối rối thêm.
Ta cần phải nỗ lực nhiều năm nữa, chớ không nên vội vàng nhận người Đông Sơn là tổ tiên của ta, hoặc chối phăng họ là tổ tiên của ta. Phủ nhận hay nhìn nhận gì cũng phản khoa học cả, nếu ta chỉ bằng lòng với những công trình nghiên cứu của những ông V. Gouloubew, những ông O. Jansé v.v..., họ chỉ mới làm việc có một giai đoạn thôi, chưa xong gì cả.
Theo khoa học thì lịch sử giống như sợi dây xích sắt, có cái khoen đầu, những khoen giữa và cái khoen chót. Khoen đầu là người Đông Sơn, tức Lạc Việt, khoen chót là người Việt Nam ngày nay, vậy cần tìm cho ra những khoen trung gian mới được phép kết luận rằng Lạc Việt = Việt Nam, bởi hai thứ dân đó khác nhau quá xa. Nhưng phủ nhận cũng sai khoa học, bởi những khoen trung gian ấy chưa tìm thấy, chứ không phải là chắc chắn không có.
Bổn phận chúng ta là đi tìm những cái khoen đó, mỗi người một nẻo. Những khoen trung gian là hình ảnh biến chuyển của nền văn minh Anh-đô-nê-diêng của Lạc Việt sang nền văn minh Trung Hoa của Việt Nam trên bước truy tầm này, ta đừng quên ngôn ngữ cổ Việt.
Trước hết ta thử xét qua chế độ mẫu hệ của ta bằng vào danh từ CHA.
Sách Tiền Hán Thư viết rằng ta không có tình cha con. Thế nghĩa là thuở ấy ta còn theo mẫu hệ như người Chàm ngày nay, mà còn tệ hơn nữa là người Chàm ngày nay, tuy còn theo họ mẹ, nhưng vẫn biết cha, vì vợ chồng sống chung với nhau, còn Tiền Hán Thư thì cho rằng ta "không biết đạo vợ chồng, vì vợ chồng chỉ lấy nhau (vì sinh lý) mà không có sống chung với nhau".
Thế sao ta lại có danh từ cha? Danh từ này, Quan thoại là Fuá tsíl, Quảng-đông là Fùa tsánh, Hán Việt là Phụ thân. Xem ra thì danh từ cha của ta không phải do tiếng Tàu mà ra.
Quan-thoại và Quảng-đông đều có Pà, Pá, tức cũng là Cha đó, mà đó không phải là danh từ để chỉ ai, mà là đại-danh- từ của con xưng hô với cha; ta cũng đã vay mượn Pa, Pá, biến thành Bố (Bắc Việt), thành Ba (Nam Việt), còn Cha thì khó có thế là một biến thể thứ ba của Pá được.
Trong ngôn ngữ Trung-hoa, có tiếng Tía của Quan thoại, mà Tía là Đệ tức em trai. Thổ ngữ Triều châu có tiếng Tía tức dại danh từ Pá đó, nhưng danh từ cha của ta là danh từ chớ không phải đại danh từ, vả lại Tía cũng khó lòng biến thành Cha, và người Triều-châu chỉ leo heo có mấy huyện ở bên Tàu thì nếu phải vay mượn, ta không vay mượn của đám thiểu số ấy đâu. Năm 1658, có nhóm lưu vong nhà Minh sang Nam-kỳ, gồm rất đông Triều-châu, nên người miền Nam quả có mượn đại danh từ Tía của Triều-châu thật đó, khi con xưng hô với cha, nhưng toàn quốc thì không hề có vay mượn ngôn ngữ của nhóm ấy.
Pà, Pá, Ba, Bố, Tía gì cũng để dùng xưng hô, thí dụ: "Ba ơi, cho con đi chơi" hoặc: "Tía ơi, con đói bụng" chớ không ai lại nói: "Gia đình gồm ông, bà, ba, mẹ, và các con."
Đại danh từ Bố đã hơi được biến thành danh từ thật đó, người ta nói: "Bố anh Nam rất già." Nhưng chưa biến hẳn, chẳng hạn không thể nói: "Chém bố cái kiếp ba đào" hay có thể nói, nhưng chỉ nói đùa, hoặc nói một cách thân mật mà thôi.
Nghe các sử gia Pháp phụ họa theo các sử gia Tàu nói rằng thuở ấy ta còn theo chế độ mẫu hệ, các nhà học giả ta giãy nảy lên và phủ nhận, viện bằng chứng rằng ta đã có vua đàn ông là Hùng Vương.
Nhưng Hùng Vương không chắc lắm là đàn ông, hơn thế một dân tộc theo chế độ mẫu hệ vẫn có vua đàn ông như thường, bằng chứng là dân tộc Chàm. Nếu vua họ là đàn bà thì ai cưới Huyền Trân Công chúa của ta?
Chứng tích "Vua đàn ông" xem ra nặng cân không bằng danh từ Cha.
Ta có thể nào tân tạo danh từ Cha, sau khi tiếp xúc với nhà Hán hay chăng? Có thể, nhưng lại không. Thường thì khi một dân tộc vay mượn một món đồ, một ý niệm, họ vay mượn luôn danh từ trong ngôn ngữ của dân tộc cho vay. Thí dụ ta vay mượn cái xà rông của dân Mã Lai thì vay luôn danh từ xà rông; người miền Nam vay mượn một thứ bánh của người Chàm thì họ vay mượn luôn tên bánh, chỉ có một chút thay đổi là thay vì dùng tiếng Chàm, họ dịch sát nghĩa ra tiếng ta. Người Chàm gọi bánh đó là bánh Gan con Tây (tức con Tê ngưu), ta cũng dịch y nguyên là bánh Gan con Tây. (Sau này, vì luật lười biếng, người miền Nam nói tắt là Bánh Gan.)
Sự tân tạo chỉ để dành cho sáng tạo, cho phát minh riêng của dân tộc. Người Trung Hoa thường tránh mượn tiếng nước khác, nhưng vẫn phải phiên âm nhiều món như Cà- phê, Quan-thoại đọc là Khá fi, Quảng đông đọc là Cafế.
Thế thì ta đã bắt đầu bước sang chế độ phụ hệ rồi, vào thuở nhà Hán sang đây, chưa bước hẳn, nhưng ở lưng chừng giữa hai chế độ như người Thượng Kontum ngày nay, gái cưới chồng, nhưng trai cũng cưới vợ. Các sử gia Trung Hoa họ chỉ nói quá để sự xâm lược của họ có một lý do chính đáng là lý do khai hóa dân man di.
Thật là rủi ro cho dân tộc ta, nguồn sử thành văn độc nhất là các cổ thư Trung Hoa, nhưng lại không thể tin bằng lời được vào những quyển sách đó thì công việc viết sử của ta phải khó nhọc vô cùng.
Dầu sao, vào thời đó, dân ta mà còn theo mẫu hệ đi chăng nữa, thì vợ chồng vẫn sống chung, chớ không phải trai gái giao hợp như cầm thú, rồi trai đi mất, để gái lại với cái thai, theo như sử Tàu đã nói.
Sự kiện giao hợp rồi đi mất là thói của các thứ dân còn ăn thịt sống ở hang núi, chớ người Lạc Việt đã biết cất nhà rồi, hơn thế, đã tiến đến nền văn minh đồng-pha (bronze) thì không thể nào mà có việc "không có tình vợ chồng, tình cha con, không sống chung, lấy nhau vì dâm tính".
Tạm gác danh từ Cha, ta học qua về động từ Chém. Quan thoại nói Chàl, Quảng-đông nói Chàm, tiếng Hán Việt là Tràm. Vậy động từ Chém, chắc chắn là ta mượn của Tàu vì bốn giọng giống nhau quá.
Ta không có Dao hay sao?
Xem qua kho vũ khí của ta khai quật được ở Đông Sơn thì quả ta không có món gì để mà chém hết, mà chỉ có những vũ khí để đâm mà thôi: lưỡi lao bằng đồng để phóng, lưỡi đoản kiếm, lưỡi rìu. Nhưng nhà bác học V. Gouloubew nói rằng lưỡi rìu ấy để ném chứ không phải để chặt (arme de jet).
Ta không có vũ khí, không có dụng cụ để chém thì dĩ nhiên ta không có động từ chém, phải mượn của tiếng Tàu. Có một lưỡi kiếm bén ở hai bên, mà đó là lưỡi kiếm của nhà Hán. Người chết trong những cái mồ chứa đựng vũ khí ở Đông Sơn là quí tộc Lạc Việt vì người ấy có tư trang bằng ngọc. Chỉ có quí tộc là có chém, nhờ lưỡi kiếm vay mượn ấy, còn đại đa số dân chúng thì không mà ngôn ngữ thì lại từ dân chúng mà ra.
Ta không có động từ chém, nhưng ta có danh từ buồm. Nhiều nhà học giả ta băn khoăn hỏi những chiếc thuyền khắc chạm trên trống đồng là thuyền đi sông hay đi biển mà không thấy buồm. Xét qua ngôn ngữ, ta có thể đoán rằng thuở ấy ta đã biết đi biển, vì ta có danh từ buồm.
Quan-thoại nói Fảl; Quảng-đông nói Fàl; Hán Việt nói Phàm; nhưng tiếng Việt là Buồm thì chắc chắn là không có sự vay mượn ở danh từ đó.
Ta đã biết làm ruộng, nên ta đã có danh từ Cơm không phải Quan-thoại cũng không phải Quảng-đông. Nhưng chắc là ta chưa biết nấu cháo, y như đồng bào Thượng ở Kontum ngày nay, họ không hề biết món đó, nếu không có chung đụng với ta.
Quan-thoại nói Chúa, Quảng-đông nói Chúc, Hán Việt nói Chúc, tiếng Việt Cháo, rõ ràng do tiếng Tàu mà ra.
Về điểm người Lạc Việt có mặc quần hay không thì ta bối rối lắm. Hình người khắc ở trống đồng, cho ta thấy họ mặc một thứ gì bằng lông chim dài từ trên xuống dưới như giáp của hát bội, mà không thấy quần. Quyển Annam chí nguyên của Cao Hùng Trưng cũng nói là trước đời Trần Lê, người mình chưa biết mặc quần.
Nhưng sao ta có danh từ quần mà Quan-thoại nói là fủa, Quảng-đông nói là fuu, tức danh từ quần của ta không phải mượn của họ.
Xin nhắc lại rằng đừng tưởng rằng ta có thể vay mượn của các nhóm khác như Mân Việt, Đông Âu, như đã nói ở bài trước, bởi vào thuở ấy các nhóm đó cũng kém văn minh như ta và chỉ bị Tàu cai trị trước ta một vài trăm năm thì chưa đủ khả năng làm thầy của ta đâu. Ta có vay là vay của Tàu chánh gốc, tức Quan Thoại mà thôi. Phương âm Quảng-đông chỉ đưa ra để làm chứng vậy thôi. Còn sáng tạo tiếng mới thì cũng khó có, như đã nói trên kia. Như vậy, có thể kết luận rằng ta đã biết mặc quần vào thời hai bà Trưng rồi chăng?
Về cơ-thể-học, ta chỉ biết có xương, máu và ruột mà thôi, còn tim, gan, phổi đều mượn của Tàu. Điều đó không có gì lạ. Vương Mãng đã có chiếu cho phép các y sĩ Trung-Hoa giải-phẫu xác chết để học tức y-học của họ đã tiến bộ rồi phần nào (theo bác-sĩ Huard), còn ta thì chưa tiến được như vậy, nên chỉ biết những gì ta tự nhiên mà thấy: máu chảy khi bị thương, lòi ruột khi bị đâm, và xương cốt người chết. Phổi, gan, và tim chỉ thấy được nhờ các cuộc mổ xẻ, chớ tự nhiên không thể thấy ba món đó.
Nhưng có một điểm này lạ lắm là ở bề ngoài, ta có đủ tiếng cả, không phải vay mượn của Tàu, từ ngón tay, ngón chân đến da thịt, nhưng tiếng đầu, ta lại mượn của Tàu.
Quan-thoại nói Thủ, Quảng-đông nói Thầu, Hán Việt nói Thủ, ta nói Đầu. Đầu của ta, chắc chắn là vay mượn.
Nhưng tại sao có sự vay mượn ấy? Trường bợp Đầu giống hệt trường hợp Bến đã nói ở bài trước tức đó là những vay mượn khó hiểu vì không lẽ ta lại không có những danh từ sơ đẳng như vậy, tay, chơn, cổ, ngực, bụng thì có tiếng, còn đầu lại phải mượn của Tàu.
Những người bạn học tiếng Tàu với chúng tôi nhất định tin rằng Đầu hơi giống Thủ và Thầu vì ngẫu nhiên trùng họp chớ không phải vay mượn. Có lẽ đó là vấn đề còn cần phải học lại mới xong.
Những vay mượn lạ lùng chắc không bao giờ giải đáp được, nếu không nói bướng rằng đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên, chẳng hạn về màu sắc, ta co đủ cả, đỏ, đen, xanh, trắng nhưng lại không có màu vàng. Quan-thoại nói Wàng, Quảng-đông nói Woòng thì Vàng chắc chắn do đó mà ra.
Không lẽ trên lãnh thổ Giao-chỉ vào thời ấy, củ nghệ lại chưa mọc, mà hễ có nghệ thì dân phải biết màu vàng và phải có danh từ, tĩnh từ Vàng.
Hợp kim Đồng (bronze) ta cũng mượn của Tàu một cách kỳ lạ. Các nhà bác học của Viện Bác Cổ Viễn Đông đã chứng minh được bằng cách phân chất rằng đồ đồng Lạc Việt là do chính dân Lạc Việt đúc ra, chớ không phải mua của Tàu, mà đồ đồng ấy, đã tiến qua nhiều thế kỷ rồi chớ không phải là mới phát minh vào đầu Tây lịch Kỷ nguyên, vậy mà lại không có danh từ chỉ món hợp kim ấy hay sao, để đi mượn danh từ đồng của Trung Hoa?
Bến, Đầu, Vàng, Đồng là những tiếng vay mượn không có lý do, như, chúng tôi đã ám chỉ ở bài trước khi nói về Đùi, do bọn sính nói tiếng Tàu vay mượn, còn ta thì đã có danh từ Bắp Vế.
Qua cuộc tìm tòi nhỏ này, ta chỉ biết được có một sự kiện lịch sử thôi, là nam nữ ta đã sống chung vào thời đó, tức đã có vợ chồng, và dầu còn theo hệ mẹ, vẫn biết có người cha.
Về thủy vận, ta đã biết dùng buồm, nhưng ăn uống thì còn kém chưa có món gì để chém thì chắc cũng chưa có món gì để mà thái cá, thái thịt. Những tiếng chiên, chưng, hấp, xào toàn là tiếng Tàu, ta chỉ biết luộc, nướng và kho mà thôi.
Ta không biết món cháo, y như đồng bào Thượng ngày nay. Vả lại Trung Hoa cũng biết cháo trước ta không lâu lắm. Theo bác sĩ Huard, giáo sư y khoa ở Hà-nội hồi tiền chiến, tác giả quyển "Y Khoa Trung Hoa" thì môn trị bịnh bằng cách ăn uống (diététique), chỉ mới xuất hiện ở Trung Hoa vào cuối đời nhà Chu mà thôi, tức cách nhà Hán chỉ một triều đại nhà Tần dài không tới trăm năm. Món cháo không phải là món ăn của người thường mà là món ăn của người đau ốm vì cháo thuở ấy là cháo trắng, tức cháo hoa, chớ chưa biết nấu cháo thịt, cháo lòng, cháo cá như về sau.
Mà đừng nói chi cháo nó gần như là một vị thuốc. Cơm, người Tàu biết cũng không lâu. Họ chỉ biết ăn com khi nước Sở thành lập, vì lúa gạo không mọc được ở Hoa-bắc, ở đó họ chỉ trồng lúa mì, làm bánh bao mà ăn cho đến ngày nay.
Thật ra thì người Trung Hoa đã cướp đất Kinh của người Việt từ đời nhà Hạ. Bọn di cư ấy đã biết cơm từ thuở đó, nhưng vì không có liên lạc với chánh quốc nên khi nước Sở mà họ lập ra, hùng cường rồi thì trung ương của Trung Hoa mới biết cơm. Đó là vào đời Tây Chu.
Cái quần còn là nghi vấn, mặc dầu ta có tiếng quần, bởi hình ở trống đồng không cho ta thấy cái quần một cách rõ ràng.
Tất cả những động tác sinh lý về Đệ-tam-khoái và Đệ-tứ- khoái đều là tiếng ta. Về điểm nầy, có một hiện tượng ngộ nghĩnh lắm. Chúng tôi nói rằng phương ngữ (dialecte) của các vùng ở Trung Hoa đều biến mất hết, chỉ còn phương âm (prononciation provinciale) mà thôi, nhưng những chuyện bí mật sinh lý thì các địa phương còn dùng danh từ "man di" của họ hồi cổ thời. Triết-giang, Phước-kiến, Quảng-đông và Việt Nam, mỗi xứ mỗi giữ đúng tiếng cổ chỉ những việc đó.
Người Trung Hoa đời Hán rất liêm khiết và đạo đức. Họ bắt các "man di" học đủ thứ, nhưng không dám đá động tới những cái đó, nên thổ ngữ các vùng mới còn sống sót cho tới ngày nay. Thí dụ, việc đại tiện, Quảng đông nói là Ói xỉ, Mân Việt Bắn Xoái, đều không phải do Quan-thoại Tá Pél mà ra.
Từ nãy giờ, chúng tôi chỉ nói đến những tiếng Việt gốc, do hay không do tiếng Tàu mà ra.
Nhưng nếu nó không do tiếng Tàu mà ra thì tự nhiên nó thành hình, hay do ngôn ngữ nào khác? Về điểm đó, chúng tôi chưa kịp học cho tới nơi, những công trình ngôn ngữ học của người Pháp cho rằng tiếng Việt có họ hàng với tiếng Thái cũng chưa chứng minh được gì. Nhưng tiết lộ sau đây có thể làm quí vị ngẩn ngơ suy nghĩ. Là danh tù làng của ta là tiếng Mã Lai đấy. Người Mã Lai đọc là T'Làng.
Làng là một tổ chức độc đáo và tối cổ của dân tộc ta thì danh từ chỉ tố chức ấy, nguồn gốc nó ở đâu, nguồn gốc dân tộc ta có thể ở đó.
Nhưng có ai tin được rằng dân tộc ta gốc Mã Lai haỵ không? Không, không ai tin cả. Những sử gia, những nhà học giả đã nhận càn rằng người Lạc Việt ở Đông Sơn là tổ tiên của ta, họ nhận xét thiếu tinh thần khoa học, nhận người Đông Sơn Lạc Việt là tổ tiên ta, nhưng lại không nhận rằng Lạc Việt là người Anh-đô-nê-diêng mặc dầu màu sắc Anh-đô-nê-diêng quá rõ rệt nơi các cổ vật. Họ không nhận vì họ tưởng Anh-đô-nê-diêng dã man lắm, bởi các nhà học giả Tây-phương thường nói "người mọi" cũng là "Anh-đô-nê-diêng". Họ xấu hổ mà có tố tiên thất kém đến thế.
Nhưng họ quên mất rằng không phải nhóm Anh-đô-nê-diêng nào cũng chậm tiến như đồng bào Thượng; mặc dầu đồng chủng nhau mà có thể hai nhóm tiến theo hai nhịp khác nhau vì điều kiện sinh hoạt khác nhau. Vả lại nếu cách đây hai ngàn năm mà tổ tiên ta chậm tiến như người Thượng ngày nay thì đã có gì mà xấu hổ?
Nói tổ tiên ta là Anh-đô-nê-diêng, không ai nhận, giờ nói tổ tiên ta là Mã Lai, thiên hạ lại còn phản đối hơn, vì Anh- đô-nê-diêng tuy chậm tiến, nhưng họ hiện còn sống bên cạnh ta, chứ như người Mã Lai thì ở quá (...mất vài chữ) ... tưởng tượng được rằng một dặm, ở giữa có Chàm, có Cao Miên mà lại đồng chủng với nhau.
Nhưng chúng tôi xin trình ra lời của nhà địa-lý-học Etienne Baron: "Anh-đô-nê-diêng là một thuật ngữ chuyên môn được dùng để chỉ cái chủng tộc thường được gọi nôm na là Mã Lai."
Vậy thì Anh-đô-nê-diêng là Mã Lai chứ không có gì lạ hết.
Nếu vị nào không nhận tổ tiên ta là Anh-đô-nê-diêng, hẳn cũng sẽ không nhận tổ tiên ta là Mã Lai. Nhưng, nếu chứng minh được rằng trong xã hội Việt Nam ngày nay, còn rơi rớt lại rất nhiều di tích Mã Lai, thì chắc không ai còn có thể chối cãi gì được nữa cả.
Những di tích ấy là những khoen trung gian mà phương pháp khoa học đòi hỏi, những cái khoen minh họa sự biến chuyển của nền văn hóa Mã Lai của Lạc Việt thành ra nền văn hóa của Việt Nam, nhuốm màu sắc Trung Hoa.
Danh từ làng của ta và t'làng của Mã Lai là một trong những khoen trung gian ấy. Đây là một tờ tạp chí chuyên nghiệp về văn học, nên chúng tôi chỉ có thể trình bày khía cạnh ngôn ngữ mà thôi, nhưng còn không biết bao nhiêu cái khoen trung gian lối đó, nó làm cho phái phủ nhận tổ tiên ta là Lạc Việt phải soát lại quan niệm của mình và phải nhận càn, không đưa được chứng tích, sẽ được ở yên trong sự nhìn nhận của họ, mặc dầu họ đã nhận mà không tìm tòi theo sự đòi hỏi của phương pháp khoa học.
Xin nói rõ một điều là danh xưng Mã tai không phải là tiếng Tàu hay tiếng ta, mà là danh từ của dân Mã Lai, được Tàu, ta và Tây phiên âm để đọc.
(Nguồn: Tạp chí Tân Văn số 15 tháng 7-1969)
- Địa danh cũ Sài Gòn Bình Nguyên Lộc Tạp bút
- Vài kỷ niệm viết lách với Thanh Nam Bình Nguyên Lộc Tạp bút
- Bình Nguyên Lộc: Kinh Nghiệm Viết Văn Của Tôi Bình Nguyên Lộc Tạp bút
- Gương Mặt Của Dân Lạc Việt Qua Ngôn Ngữ Việt Nam Bình Nguyên Lộc Khảo luận
- Vài Ý Nghĩ về Truyện Ngắn Bình Nguyên Lộc Nhận định
• “Duy Tuệ Thị Nghiệp”: Từ Trí Tuệ Phật Giáo Đến Sự Phát Triển Nền Giáo Dục Nhân Bản (Vạn Đức)
• Mỹ học của hư vỡ: Kintsugi, lấy vàng nối gốm (Nguyên Giác)
• Lịch Sử Đạo Hồi (PHS News)
• Giáo Dục Quốc Gia (1945 - 1975) (Trần Bích San)
• Văn chương đương đại tiếp nhận gì từ văn học miền Nam (Inrasara)
• Năm Dần Nói Chuyện Cọp (Thái Văn Kiểm)
• Mùa Xuân Nói Về Chữ Tết (Nguyễn Thiếu Dũng)
• “Vân Đài Loại Ngữ" Bộ Sách Bách Khoa Toàn Thư Đầu Tiên Của Việt Nam
(Nguyễn Huy Côn)
• Văn Chương Có Biên Giới Không? (Nguyễn Vy Khanh)
• Khoan Dung Và Dị Biệt Văn Hóa (Nguyễn Sỹ Tế)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |