|
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Bài 1: Yếu Tố Phật Giáo Trí Quang.
Nhóm Phật giáo do Thích Trí Quang cầm đầu là tác nhân chính đưa đến cuộc đảo chánh 1-11-1963 và hai anh em ông Diệm bị giết. Biến cố lịch sử này gây xáo trộn chính trị và xã hội miền Nam trong nhiều năm. Người Mỹ đổ bộ vô miền Nam trong lúc các tướng lãnh còn đang tranh giành quyền lực ở Sài gòn.
Người Mỹ đổ quân vào Việt Nam Cộng Hòa, không thông qua bất kỳ một hiệp ước nào. Cũng không có một sự đồng thuận của quốc dân (thông qua một cuộc trưng cầu dân ý). Việc “tự tiện” này của Mỹ giúp cho Cộng sản Việt Nam có được tính “chính danh” trong cuộc “chống Mỹ cứu nước” và “giải phóng miền Nam”. Từ đó đưa đến sự cáo chung của chế độ Việt Nam Cộng Hòa ngày 30-4-1975.
Phe Phật giáo của nhóm Hòa thượng Trí Quang cho rằng chế độ ông Diệm đáng bị lật đổ vì đó là “chế độ độc tài gia đình trị”. Điều này cần phải nói lại, vì đây là một vấn đề chính trị.
Ông Diệm có độc tài hay không?
Về độc tài, nếu so sánh ông Diệm với ông Hồ, hay những lãnh đạo Châu Á cùng thời như Marcos, Tưởng Giới Thạch, Sukarno, Mao Trạch Đông… thì rõ ràng là so sánh ly nước với biển cả.
Ông Diệm, vào thời điểm chủ nghĩa Mao Ít bành trướng mạnh mẽ ở Châu Á, ông có thể hành động như lãnh tụ Sukarno của Indonesia. Năm 1965 Sukarno đàn áp rồi tiêu diệt gần 1 triệu đảng viên cộng sản Indonesia. Ông Diệm đã không làm như vậy.
Ông Diệm cũng không thể so sánh với Ông Mao và ông Hồ. Hai ông này được “Sách đen cộng sản” nhắc tới. Ông Mao với “bước tiến nhảy vọt” làm chết từ 30 tới 40 triệu người. Ông Hồ thì (sơ sơ) 4 triệu.
Ngay cả với Tưởng Giới Thạch cũng làm hại đâu khoảng 28 ngàn người Đài loan nhân vụ 28 tháng 2.
Biến cố “Phật giáo” năm 1963 do Hòa thượng Trí Quang lãnh đạo, có xảy ra vụ “thảm sát đài phát thanh 8 tháng 5 làm chết 7 trẻ em. Vụ này có nhiều gút mắc, sẽ nói lại bên dưới.
Ngay cả bây giờ, nếu so sánh ông Diệm với ông Trọng, hay ông Mahathir của Mã lai hay đám quân phiệt Thái lan và Miến điện… thì ông Diệm vẫn “ít độc tài” hơn. Đất nước thời đó trong tình trạng chiến tranh (chiến tranh tự vệ ý thức hệ) mà trí thức, chính trị gia, tôn giáo… được hưởng đủ các quyền tự do cá nhân, còn hơn cả Mã lai hay Indonesia bây giờ.
Việt Nam ngày nay người dân có được hưởng những quyền tự do như dưới thời ông Diệm hay không? Không có gì cả!
Đó là chưa nói tới phẩm chất về giáo dục, về đạo đức, thuần phong mỹ tục được bảo vệ… của nền cộng hòa ở miền Nam. Con người sinh ra ở đây là con người có “tâm”, có đạo đức. Người có học thì là có “thực học”. Học đường thầy ra thầy, trò ra trò. Xã hội tôn ti trật tự, luật pháp được tôn trọng.
Trật tự của xã hội này đã bị phá vỡ từ năm 1975. Các giá trị về con người, về nền pháp trị (trọng luật)… ở đây không bao lâu cũng bị tẩy xóa, rồi nhồi nhét vào những giá trị mới. Những giá trị này có bản sắc thế nào hẵn nhiên mọi người điều biết, không cần giải thích thêm.
Về vấn đề “gia đình trị”.
Thực tế cho thấy ông Diệm phong cho bào đệ Ngô Đình Nhu chức cố vấn.
Nếu bây giờ ta so sánh gia đình tổng thống Diệm với gia đình tổng thống John F. Kennedy hay gia đình tổng thống Donald Trump… các tổng thống này đều phong cho người nhà của mình chức vụ “cố vấn”.
Trong một xã hội dân chủ pháp trị, người ta chỉ dị nghị, hay phản đối, khi tổng thống làm những điều trái luật.
Việc phong cho bào đệ làm cố vấn là không hề vi phạm luật dưới thời Đệ nhứt cộng hòa. Ngay cả việc bà Nhu, một phụ nữ Tây học vừa có nhan sắc vừa thông minh sắc sảo, ưa làm các việc xã hội… Do đó bà thường bị (hay được) truyền thông nước ngoài nhắm tới. Điều này không khác với cuộc đời và sự sinh hoạt của các mệnh phụ phu nhân Melania Trump, Jaqueline Kennedy, Brigitte Macron…
Với bấy nhiêu “bằng chứng” không ai có thể kết luận nói chế độ đó là một chế độ “gia đình trị”.
Nếu ta so sánh, 56 năm sau, giữa chế độ gọi là “gia đình trị” của ông Ngô Đình Diệm với chế độ độc tài công an trị bây giờ.
Bây giờ một người làm quan cả họ cũng làm quan. Đồng chí cha kê ghế cho đồng chí con. Điều này xảy ra hầu hết nơi cán bộ lãnh đạo Cộng sản Việt Nam hiện nay. Đồng chí chồng kê ghế cho đồng chí vợ. Đồng chí anh bảo lãnh cho đồng chí em. Chuyện của “đồng chí” Triệu Tài Vinh bí thư tỉnh Hà Giang cả họ 8 người đều làm quan trong một tỉnh là một thí dụ.
Vấn đề vi phạm hiệp định Genève nhằm xây dựng quốc gia miền Nam độc tôn Thiên chúa giáo.
Bây giờ tài liệu đã bạch hóa ra hết rồi mà vẫn còn nhiều “Phật tử” sử dụng những tài liệu tuyên truyền của cộng sản từ thời chiến tranh lạnh.
Có tác giả nhắc đến Hiệp định Genève 1954, cho rằng ông Diệm đã không tuân theo nội dung hiệp ước này về khoản “thống nhứt đất nước”. Ông Diệm có mục đích tách miền Nam ra khỏi đất nước Việt Nam, xây dựng vùng lãnh thổ này thành một nước riêng biệt, một quốc gia độc tôn Thiên Chúa giáo… (Phong trào Phật giáo miền Trung, từ chấn hưng đến dân thân – Chu sơn, VietStudies).
Vấn đề Hiệp định Genève 1954
Không hề có vụ vi phạm “hiệp định Genève 1954” đơn giản vì cả hai Việt Nam Cộng Hòa và Mỹ đều từ khước ký vào hiệp định.
Và ngay khi ông Diệm từ chối vụ tổng tuyển cử, ông Hồ vịn vào lý do này để đánh miền Nam. Thì cuộc chiến tranh xảy ra sẽ phải là cuộc “nội chiến” mang tên “chiến tranh thống nhứt đất nước”.
Sự thật đã phơi bày từ hơn bốn thập niên mà sử gia Việt Nam vẫn không thay đổi cái nhìn của họ. Thứ nhứt, về bản chất cuộc chiến. Thứ hai, về cá nhân các lãnh đạo miền Nam.
Thời ông Diệm, Mỹ chưa đổ vô Việt Nam, thì làm gì có “chiến tranh giải phóng” với các chiêu bài “chống Mỹ cứu nước”, “đánh cho Mỹ cút ngụy nhào”? Mỹ có mặt ở Việt Nam là “thay” Pháp, mỗi quân Pháp với một quân Mỹ, đúng theo nội dung Hiệp định Genève là không đổ thêm quân. Trong khi MTDTGPMN thì đã lập từ tháng 7 năm 1960.
Cuộc chiến như vậy không phải là “chiến tranh giải phóng” và chính quyền Việt Nam Cộng Hòa không phải là “chính quyền tay sai”.
Lịch sử đã bạch hóa: Anh em ông Diệm chết vì không cho Mỹ đổ quân vô Việt Nam.
Tài liệu khác cho thấy trận Ấp Bắc, ông Nhu có mục đích “gài” Mỹ để thua trận này, hy vọng Mỹ (thấy khó khăn) sẽ không đổ quân. Ông Nhu cũng từng nói (trong tài liệu bạch hóa đó) là quân Cộng sản Việt Nam dầu gì cũng là “người Việt”. Tức là ông Nhu có ý định thương lượng với ông Hồ để tìm phương cách “thống nhứt đất nước”. Vấn đề là Mỹ không thể không can thiệp vào Việt Nam (vì lo ngại cả Châu Á sẽ theo Cộng sản , thuyết Domino sẽ nói ở dưới). Trận Ấp Bắc là cho chính quyền Mỹ thấy rằng nếu không đổ thêm quân, Mỹ và quân Việt Nam Cộng Hòa không thể thắng Việt Cộng.
Đến đây ta có thể phác họa sơ khai về vai trò của Hòa thượng Trí Quang. Việc gây hỗn loạn xã hội bằng cách sử dụng Phật giáo khiêu khích nhà cầm quyền, qua những việc “thiêu” và “tự thiêu” các tu sĩ Phật giáo, cùng với sự phóng đại của báo chí. Chính quyền ông Diệm bị dư luận quốc tế lên án vì đàn áp tôn giáo, nhứt là ở Mỹ và Pháp. Việc này làm quần chúng Mỹ phẫn nộ và chính quyền Mỹ có cớ can thiệp, lật đổ ông Diệm để đổ quân vào Việt Nam.
Người ta đồn đãi Hòa thượng Trí Quang là nhân viên CIA của Mỹ vì vậy là có căn cứ.
Việc xây dựng quốc gia Việt Nam Cộng Hòa độc lập.
Nếu ta có tham khảo tập tài liệu “Why Vietnam”, còn gọi là tập bạch thư của Mỹ công bố thập niên 60 giải thích vì sao Mỹ can thiệp vô Việt Nam, ta thấy rằng các chính quyền của Mỹ có ý định ủng hộ một quốc gia Việt Nam Cộng Hòa độc lập với miền Bắc. Các đời tổng thống Mỹ nhiều lần hứa hẹn giúp cho ông Diệm, cũng như với ông Thiệu sau này, xây dựng một “quốc gia Việt Nam độc lập và phú cường”.
Việc này thất bại. Vì đa số giới tinh hoa chính trị Việt Nam thời đó đều là người gốc Bắc di cư. Bằng chứng là sau này Hiệp định Paris 1973, Mỹ tái khẳng định Việt Nam là một quốc gia duy nhứt, thống nhứt ba miền Bắc Trung Nam theo đúng như nội dung của Hiệp định Genève.
Ông Diệm (hay ông Thiệu) có nhiều cơ hội để tuyên bố Việt Nam Cộng Hòa là một quốc gia độc lập. Ngay cả Liên Xô, đế quốc cộng sản đỡ đầu cho miền Bắc, đã từng đề nghị hai miền trở thành các quốc gia độc lập.
Và từ việc không thuyết phục được các lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa tuyên bố độc lập, Mỹ đã thất bại trong cuộc chiến Việt Nam.
Các liên minh như Liên phòng Đông Nam Á – SEATO” cũng như các đạo quân của Nam Hàn, Phi, Thái lan… không thể ở lại Việt Nam để can thiệp vào cuộc chiến như dự định của Mỹ. Nguyên tắc của LHQ về “quyền tự vệ chính đáng” và quyền “tự vệ đa phương” chỉ áp dụng cho các quốc gia. Việt Nam Cộng Hòa chưa bao giờ là một quốc gia, vì vậy các lực lượng quân sự này lần lượt rút về. Hiệp định Paris 1973 ký kết thì Mỹ cũng không còn lý do ở lại Việt Nam. Vì vậy ông Nguyễn Tiến Hưng mới viết cuốn “Khi đồng minh tháo chạy”.
Quốc gia độc tôn Thiên chúa giáo.
Ý kiến cho rằng ông Diệm muốn tách miền Nam ra để lập một quốc gia là một ý kiến chủ quan, rất sai. Cho rằng quốc gia đó là quốc gia “độc tôn thiên chúa giao” lại càng sai hơn.
Đến nay vẫn còn có những bài viết của các tu sĩ đó cho rằng người theo đạo Thiên chúa lấy tổ quốc là Vatican để phục vụ. Hoặc cho rằng đạo Thiên chúa giáo là “ngoại lai”, là “thông đồng với giặc” vì du nhập từ Tây phương.
Những tu sĩ theo Hòa thượng Trí Quang rõ ràng đã kế thừa tinh thần của “bình tây sát tả”, phong trào tiêu diệt người theo Thiên chúa giáo, thời Pháp mới vào Việt Nam. Những nhận định này vừa sai vừa nguy hiểm. Bởi vì ngoài đạo thờ ông bà, mọi tôn giáo ở Việt Nam đều du nhập từ nước ngoài.
Theo tôi, theo đạo nào, Thiên chúa hay Phật, tất cả đều là “dân tộc” Việt Nam hết cả.
Tất cả các quốc gia mà dân chúng đa số theo đạo Thiên chúa giáo, chắc cũng khoảng phân nửa dân số địa cầu, ta không thấy quốc gia nào phụ thuộc chính trị vào Vatican. Đơn giản vì đó không phải là mục đích của Vatican và các quốc gia đó đều tách “thần quyền” ra khỏi “thế quyền”. Người theo đạo Thiên chúa hay theo đạo Hồi, đạo Phật ở các quốc gia này đều được đối xử bình đẳng về quyền và trách nhiệm. Tôn giáo hoàn toàn đứng ngoài bộ máy quyền lực của nhà nước.
Nguồn gốc của chiến tranh:
Ông Cao Huy Thuần, một “đệ tử ruột” của thầy Trí Quang có bài viết đăng trên VietStudies, BBC đăng lại tựa đề “một trang sử”. Trong đó ông có ý kiến rằng “Thừa kế Diệm tức là tiếp tục chiến tranh và dựa trên chiến tranh để nắm quyền.
Ông Thuần có thể xem là “đại diện” của phe theo thầy Trí Quang?
Quan điểm xem ông Diệm như là “nguồn gốc của chiến tranh” là một quan điểm hồ đồ, đổi trắng thành đen.
Thực ra, theo tôi, thì ngay cả thay ông Diệm là Đức Phật thì chiến tranh cũng xảy ra.
Bởi vì đảng Cộng sản Việt Nam đã chuẩn bị chiến tranh từ tháng 7 năm 1960, qua việc thành lập Mặt Trận Dân tộc Giải Phóng Miền Nam. Tổ chức này đã được thành lập theo nội dung nghị quyết Đại hội đảng lần thứ ba, trực thuộc Trung ương cục miền nam của đảng.
Trong cuộc chiến này ông Diệm, và cả chế độ Việt Nam Cộng Hòa, là nạn nhân, đứng trong vai trò tự vệ. Phe Cộng sản miền Bắc là chủ mưu mở màn cho chiến tranh, bằng những cánh tay nối dài, như các phong trào “hòa bình”, phong trào phản chiến, phong trào Phật giáo và MTGPMN.
Quân Mỹ đổ vô miền Nam không hề “cướp nước” và chính quyền Việt Nam Cộng Hòa không hề là chính quyền tay sai. Nếu viết như các giáo hữu Phật giáo thì quân Mỹ ở Nhật, Nam hàn, Đài Loan, Tây Đức… trước kia không lẽ cũng là “quân cướp nước” và các chính quyền ở đó đều là “chính quyền tay sai”?
Tác giả khác, tên Chu Sơn, bài viết cũng đăng trên VietStudies, nhân dịp Hòa thượng Trí Quang viên tịch. Tác giả viết : “Sau gần một trăm năm kháng chiến với rất nhiều đau thương, mất mát, hy sinh, vào giai đoạn cuối, nhân dân Việt Nam với sự lãnh đạo của chủ tịch Hồ Chí Minh và đảng Cộng sản đã giành lại độc lập, chủ quyền trên một nửa đất nước: miền Bắc. Một nửa còn lại: miền Nam, nằm trong vòng kim cô của đế quốc Hoa Kỳ.”
Thiệt tình, chiến sĩ văn hóa “nói xuôi cũng được, nói ngược cũng xong”.
Nếu nói miền Nam “nằm trong vòng kim cô của đế quốc Hoa kỳ” thì Nhật, Nam Hàn, Đài loan và Tây Đức… đều nằm “trong vòng kim cô của đế quốc Hoa Kỳ”. Những quốc gia này đã trở thành giàu mạnh thuộc hàng “đại cường” về kinh tế trên thế giới. Các quốc gia này được như ngày hôm nay là “nhờ” ở cái “niền kim cô” của Mỹ.
Trong khi miền Bắc, đến nay cái niền kim cô “chủ nghĩa cộng sản” còn chưa gỡ ra. Cuộc chiến “đánh Mỹ cứu nước” thực tế là “đánh Mỹ cho Liên Xô, cho Trung Quốc”. Miền Bắc vì vậy có tới 3 cái niền kim cô có thực.
Còn về nhận định “độc lập chủ quyền trên một nửa đất nước”, cũng nên xét lại.
Nhà nước VNDCCH của ông Hồ thời đó mọi thứ đều làm theo chỉ thị của “quốc tế vô sản”, mà thực tế tùy theo lúc “quốc tế vô sản” là Liên Xô hay là Trung Quốc . Trận Điện Biên Phủ từ cây súng cho tới viên đạn, tất cả đều đến từ Trung Quốc. Việt Nam chỉ có máu xương và lòng thù hận. Nếu Mao Trạch Đông không thắng được Tưởng giới Thạnh 1949 thì sẽ không bao giờ có “chiến thắng Điện Biên phủ”. Vì vậy nói chiến thắng này là “đỉnh cao tự hào của dân tộc” là quá lố. Ngay Hiến pháp hiện thời, lời mở đầu cũng đã ghi nhận công ơn của “bạn bè thế giới”. Bạn bè này là ai, nếu không phải là Liên Xô và Trung Quốc? Đến nay Việt Nam vẫn chưa chế tạo được các thứ vũ khí đã dùng cho chiến trường Điện Biên Phủ. Dĩ nhiên không có sự hy sinh nào cao quí hơn máu xương, nhưng nếu không có vũ khí thì với tầm vong vạc nhọn Việt Nam vẫn không làm được cái gì.
Các quốc gia Việt Nam, Đại Hàn, Đức, và Trung Hoa đều là những “quốc gia bị phân chia”, có hoàn cảnh lịch sử khá tương đồng và sự hiện diện của quân Mỹ ở các quốc gia này đều có chung mục đích là chống cộng sản xâm lược.
Mỹ có mặt ở Nam Hàn ban đầu là do Nghị quyết của Đại hội đồng LHQ. Mỹ có mặt ở Nhật là do Hiệp ước hỗ tương từ 1951. Mỹ có mặt ở Đức do thỏa thuận “phân chia vùng ảnh hưởng” của các đại cường chiến thắng Thế chiến thứ II.
Thuyết Domino của Mỹ ra đời sau 4 biến cố liên tục ở Châu Á, có liên quan đến cộng sản, đặc biệt là Trung Quốc và Liên Xô.
Năm 1949 Quốc Dân đảng thua, Tưởng Giới Thạch phải di tản ra Đài Loan. Năm 1950 Bắc Hàn xâm lược Nam Hàn, với sự trợ giúp của “chí nguyên quân” Trung Quốc. Năm 1954 nhờ sự giúp đỡ của Mao Trạch Đông, khí giới lẫn cán bộ cố vấn. Nhờ đó ông Hồ thắng Pháp qua trận Điện Biên Phủ.
Song song với việc giúp đỡ Việt Nam, Mao Trạch Đông cũng đã cho tổ chức các lực lượng vũ trang cách mạng ở các quốc gia như Phi, Thái Lan, Indonesia v.v…
Vì lo ngại thừa dịp chiến thắng Điện Biên Phủ, đồng thời lo sợ Trung Quốc lợi dụng địa bàn Việt Nam để trả thù cho chiến tranh Triều Tiên, Trung Quốc sẽ tiếp tục yểm trợ cho VNDCCH của ông Hồ để nhuộm đỏ miền Nam, việc này xảy ra thì toàn khu vực Châu Á sẽ nhuộm đỏ, vì vậy Mỹ viện trợ cho Pháp để chống Việt Minh. Rốt cục Pháp thua và Mỹ muốn vào Việt Nam thế chỗ của Pháp.
Chướng ngại vật để Mỹ đổ quân vô Việt Nam, thứ nhứt là nội dung Hiệp định Genève, theo đó các bên không được đổ thêm quân. Thứ hai là ông Ngô Đình Diệm.
Về Hiệp định Genève, Mỹ là bên không ký. Chỉ còn lại Ngô Đình Diệm.
Ông Trí Quang đã đắc lực giúp cho người Mỹ dẹp bỏ ông Diệm.
Mỹ đổ quân vào Việt Nam như nhà không chủ, trong lúc các tướng lãnh còn đang tranh giành quyền lực ở Sài gòn.
Vì vậy người ta có lý khi cho rằng thầy Trí Quang là gián điệp CIA của Mỹ. Điều này khó có thể kiểm chứng vì cơ quan CIA (trung ương tình báo cục) của Mỹ không có thói quen tiết lộ lai lịch của người cộng tác.
Vấn đề là, khi Mỹ đổ quân vào rồi, MTDTGPMN mới có cớ dựng cờ “đánh Mỹ cứu nước” và hoạt động công khai. Quân miền Bắc cũng đồng thời bước qua vĩ tuyến 17 tiến vào miền Nam.
Nhiều người khác cũng cho rằng thầy Trí Quang là đảng viên, là “cán bộ xách động và tuyên truyền” của đảng Cộng sản Việt Nam gài vào miền Nam để quấy rối.
Ý kiến này cũng thuyết phục.
Ta cũng không dễ lấy bằng chứng từ đảng Cộng sản Việt Nam. Nhưng từ những trang tự truyện của thầy ta đã thấy có sự quan hệ giữa thầy và đảng Cộng sản. Lúc thầy Trí Quang đọc “Bản tường trình sự cần thiết thành lập Mặt trận Việt minh của Trường Chinh, nội dung nói rõ quan điểm “giải phóng dân tộc”, ta thấy giống y cái cảnh Nguyễn Tất Thành đọc bản “luận cương về các vấn đề dân tộc” của Lê nin. Nguyễn Tất Thành trở thành “đồng chí” Linov với nhiệm vụ “xách động và tuyên truyền – Agiprop”. Thì ta có thể suy luận tương tự Hòa thượng Trí Quang được đưa vào Nam để làm nhiệm vụ tương tự.
Và đây cũng là lý do giải thích vì sao thầy Trí Quang im lặng sau 1975. “Mission accompli”, nhiệm vụ đã hoàn tất thì vọng động nữa làm chi?
Ông Nguyễn Hữu Liêm có đề nghị (trên facebook) nhà nước Cộng sản Việt Nam phong thầy Trí Quang là “anh hùng dân tộc”. Rõ ràng cái nào cũng có cái lý của cái đó.
Một chuyện tuy bên lề nhưng cũng nên kể để minh họa cho vai trò “cán bộ chiến lược” của Hòa thượng Trí Quang.
Khi ông Dương Văn Minh lên làm tổng thống thì giới chính trị miền Nam lúc đó nói chơi với nhau là ông Trí Quang mới làm tổng thống. Ông Trí Quang có thực lực là quần chúng Phật giáo trong khi ông Minh không có gì cả. Vì tin tưởng Hòa thượng Trí Quang, nghĩ rằng ông này có “giải pháp” cho Miền Nam. Đến ngày cuối người ta đồn ông Minh than rằng “thầy làm chết tôi rồi”! Ông Minh hy vọng với việc “bàn giao quyền lực” trên cương vị tổng thống thì chắc sẽ có một vai trò trong nhà nước mới. Vấn đề là Sài gòn sụp đổ, ông Minh không có “quyền lực” nào nữa, dầu là tượng trưng để mà giao.
Bài viết ông Thuần cũng có nhiều chi tiết cần xét lại. Chỉ đưa ra hai thí dụ. Thứ nhứt, về “ngọn lửa Quảng Đức là ngọn lửa từ bi” và nguyên nhân cái chết của 7 em bé trong “biến cố” đài phát thanh 8-5-1963.
Điểm 1, tài liệu, hình ảnh bây giờ đã được “giải mật”, đã công bố, Hòa thượng Thích Quảng Đức không hề “tự” thiêu, tức tự châm lửa đốt mình. Người ta cầm can xăng đổ lên người ông rồi đốt. Gọi đó là “lửa từ bi” hay “lửa sát nhân” đều đúng, chỉ khác góc nhìn.
Thứ hai, vụ 7 em bé, ông Thuần nói là bị lính ông Diệm “bắn chết”. Thầy Trí Quang viết “đống xương thịt máu huyết bị hất vào một góc tường, xương thịt máu huyết của những kẻ thân yêu mới cười nói với mình trước đó không quá 10 phút”.
Đạn nào mà bắn “dữ” vậy?
Chuyện này phải nhắc lại Biến cố “đài phát thanh 8-5-1963”, nguyên nhân đưa tới “phong trào Phật giáo miền Trung”.
Nguyên nhân là đài phát thanh Huế không đồng ý cho phát bài thuyết pháp của thầy Trí Quang, vì lý do chưa kiểm duyệt. Nghi vấn là tại sao lại có “quần chúng” với đông đảo con nít tụ họp trước đài phát thanh để đón nghe bài thuyết pháp này? Con nít tới đó nghe làm chi?
Khi đài không phát (vì chưa kiểm duyệt) thì “quần chúng” nổi dậy “làm cách mạng”. Vụ này làm cho 7 trẻ em bị chết. Phe “cách mạng” nói là do quân ông Diệm quăng lựu đạn. Ông Thuần thì nói bị đạn bắn. Nhưng theo nhiều tài liệu ghi lại, 7 nạn nhân không thể tử thương do “lựu đạn”, hay do bất kỳ một thứ vũ khí nào của Việt Nam Cộng Hòa có thời đó. Theo giảo nghiệm của bác sĩ người Đức thì thân xác 7 nạn nhân không thấy có miểng lựu đạn, hay đầu đạn. Kết luận của bác sĩ là các em chết vì một “sức ép cực mạnh khiến thân xác không vẹn toàn”. Vũ khí nào “sát thương” như vậy nếu không phải là C4, thường được điệp viên Mỹ sử dụng trong các điệp vụ?
Nói thầy Trí Quang là CIA vì vậy rất thuyết phục.
Kết luận:
Dưới mắt nhiều người dân Việt Nam thì từ 1963 đến nay là “một trang sử” đầy máu và nước mắt lẫn nhục nhằn. Trang sử viết dở dang, không ai biết sự thống khổ còn kéo dài bao giờ mới chấm dứt. Một trang sử hàng chục triệu người dân chết bị bỏ quên. Có người chết trước cổng chùa. có người chết trên đường di tản. Có người chết trong bụng cá, chết ngộp giữa đại dương. Có người chết nhục nhã vì hải tặc. Và đến bây giờ vẫn có người còn tiếp tục chết. Chết vật vã đau thương trong thùng đông lạnh. Chết trên đường băng qua biên giới các xứ Đông Âu đầy tuyết giá…
Vì đâu chết?
Người “làm nên lịch sử” đến chết cũng không nói được nửa lời. Nói là tranh đấu cho “công lý”, cho “đạo pháp và dân tộc”. Nhưng rốt cục lại góp tay lật đổ ông Diệm mở đường cho Mỹ vào. Đồng thời mở đường cho MTDTGPMN chính thức tuyên bố hoạt động ở miền Nam. Từ đó đưa tới Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ.
- Nguyên nhân Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ 30-4-1975 Trương Nhân Tuấn Tạp luận
• Nhìn lại thành tích của Đảng Cộng Sản (Nguyễn Gia Kiểng)
• Thật và giả từ bước chân thầy Minh Tuệ (Hiếu Chân)
• Bỏ Rơi Hay Phản Bội? (Bùi Anh Trinh)
• Sư Minh Tuệ Và Pháp Hành Dưới Góc Nhìn Phật Giáo (Nguyễn Thanh Huy)
• Viện Bảo Tàng Quân Lực VNCH Và Buổi Nói Chuyện Về Trận Đánh Cuối Cùng 30/04/1975 (Việt Báo)
• Đao phủ Henry II: Đại họa cho cả VNCH lẫn Mỹ (Nguyễn Tiến Hưng)
• Những Ngộ Nhận về Chiến Tranh Việt Nam từ phía Hoa Kỳ (Đỗ Văn Phúc)
• Tôi gọi họ là Anh Hùng! (Đặng Chí Hùng)
• Nguyên nhân Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ 30-4-1975 (Trương Nhân Tuấn)
• Cựu nhà báo thời chiến: “Tôi không nghĩ chiến tranh VN là chống Mỹ cứu nước” (RFA)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |