|
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
LTS: Đây là bài nói của tác giả trong phần Hội Thảo Chủ Đề của Khoá Tu Nghiệp Sư Phạm thứ 27, do Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Miền Nam California (Ban Đại Diện) tổ chức tại Le Jao Center, Westminster, California.
Xin trân trọng kính chào Quý Thầy Cô,
Tôi chân thành cám ơn Ban Tổ Chức đã cho tôi đóng góp vào đề tài “40 Năm Tiếng Việt Hải Ngoại” trong Khoá Tu Nghiệp Sư Phạm thứ 27 này, từ cái nhìn và kinh nghiệm của một người thuộc thế hệ trẻ hơn.
Theo sát chủ đề của Khoá, tôi xin đưa ra một số nhận định về sinh hoạt Việt ngữ và vai trò của tiếng Việt trong cộng đồng hải ngoại trên thế giới trong bốn thập niên qua, và những tiến triển mới nhất trong giáo dục dòng chính tại Hoa Kỳ. Những chia sẻ của tôi dựa trên: a. kinh nghiệm sống 19 năm ở Việt Nam và 21 năm ở Hoa Kỳ và Châu Âu; b. kinh nghiệm sáng tác bằng tiếng Việt và các nghiên cứu song ngữ về người Việt hải ngoại ở khắp nơi trên thế giới trong 21 năm qua; c. và kinh nghiệm giảng dạy Việt ngữ trong cộng đồng, tại trường đại học, và tại nhà. Do đó, những nhận xét này vừa mang tính học thuật, vừa đi sát vào kinh nghiệm của một người Việt đã từng sống tại Việt Nam, và đã gắn bó với công việc giảng dạy, sáng tác, và nghiên cứu bằng tiếng Việt trong hai thập niên qua tại hải ngoại.
Kính thưa Quý Thầy Cô,
Chủ đề của Khoá hướng chúng ta đến tiếng Việt hải ngoại, là ngôn ngữ được đại đa số người gốc Việt ở khắp nơi trên thế giới sử dụng từ 1975 cho đến nay. Phân biệt giữa tiếng Việt hải ngoại và tiếng Việt trong nước là một điều cần thiết, và là then chốt để tránh những ngộ nhận nhập nhằng giữa tiếng Việt hải ngoại và tiếng Việt trong nước hiện nay.
Sự phân biệt này rất cần thiết, và có ý nghĩa đặc biệt đối với thế hệ của chúng tôi, mà tôi gọi là ‘thế hệ bo bo,’ thế hệ của những người sinh sau 30 tháng Tư 1975, phải lớn lên trong một nền ‘cải cách giáo dục,’ và phải học ‘tiếng Việt Chủ Nghĩa Xã Hội.’
Tháng 12 năm ngoái, trong chương trình hội thảo chủ đề “20 Năm Văn Học Miền Nam 1954-1975” được tổ chức tại Little Saigon, tôi đã nhận định rằng, thế hệ hậu chiến chúng tôi mồ côi, vì cha thì đi cải tạo, mẹ thì đi kinh tế mới, văn học thì bị chôn sống, tiếng Việt thì bị ngộ độc. Nhưng sau bốn thập niên, chúng tôi đã đoàn tụ với cha mẹ, đã đòi lại di sản văn học mà chúng tôi bị tịch thu. Chúng tôi khước từ làm kẻ mồ côi trong gia đình chữ nghĩa của Việt Nam và của thế giới. [Trangđài Glassey-Trầnguyễn – 40 Năm Văn Học Miền Nam Thất Thủ: Thế hệ Hậu Chiến khước từ Thân phận mồ côi]
Bản thân tôi đã được học lại tiếng mẹ đẻ ở tuổi 19 khi định cư tại Quận Cam, nơi mà tiếng Việt không bị bó rọ và nhồi sọ như trong nước. Vì vậy, tôi luôn mang tâm tình biết ơn đối với những thế hệ đi trước, đã gầy dựng lại vốn liếng văn hoá ngôn ngữ giữa những ngỡ ngàng ban đầu trên xứ người, và cho phép những thế hệ cháu con tìm lại được một quê hương thật sự trong chính tiếng Việt thân yêu.
Kính thưa Quý Thầy Cô,
Tại hải ngoại, chúng ta sử dụng một tiếng Việt rất khác với trong nước từ sau 1975, và tiếng Việt này gắn liền với lịch sử di dân tỵ nạn của người Việt trên toàn cầu. Hơn nữa, tiếng Việt này tuy xa xứ, nhưng lại gắn bó mật thiết với di sản văn hoá và lịch sử dân tộc trước 1954 ở miền Bắc và trước 1975 ở miền Nam. Do đó, tôi cho rằng tiếng Việt hải ngoại có tính nguyên thuỷ (authentic) hơn so với tiếng Việt được dùng tại Việt Nam hiện nay, vốn chịu nhiều ảnh hưởng của tiếng Hoa và Hồng quân Bắc Việt.
Ở năm 2015, Việt Nam đối diện với một nền giáo dục đã bị phá sản văn hoá, băng hoại ngôn ngữ, và nghèo đói tư duy. Thêm vào đó, tiếng Việt trong nước cũng gánh chịu tất cả những oan khiên mà dân tộc phải gánh chịu từ 40 năm qua ở miền Nam và 60 năm qua ở miền Bắc. Việc đi tìm và gìn giữ một tiếng Việt trong sáng, nguyên thuỷ, tinh túy là cần thiết, nhất là để giúp những thế hệ trẻ có được một di sản đúng đắn khi dự vào bàn tiệc văn hoá thế giới.
Trong bài nghiên cứu có tựa đề “Articulating Refug-endity” đăng trên báo Journal of Southeast Asian American Education and Advancement được xuất bản năm nay, tôi đã lập luận rằng, trong bốn mươi năm qua: tiếng Việt là nơi quy tụ của cộng đồng người Việt hải ngoại.
Người ta thường nghĩ về một nơi chốn khi nói đến điểm gặp gỡ. Nhưng tôi cho rằng, tiếng Việt mến yêu chính là không gian cụ thể nhất để chúng ta gặp gỡ nhau, liên đới với nhau, và xây dựng một cộng đồng hải ngoại. Chẳng hạn như Khoá Tu Nghiệp này – đã được tổ chức ở nhiều địa điểm tại Nam California trong 27 năm qua, nhưng điểm đến lúc nào cũng là tiếng Việt!
Trên bình diện cộng đồng, tiếng Việt không chỉ là một không gian chung, mà còn là điểm gặp duy nhất giúp tạo nên sự hợp nhất văn hoá. Bởi vì, người Việt hải ngoại thuộc mọi lãnh vực xã hội, mọi ngành nghề, mọi giới, mọi tôn giáo, đều sử dụng tiếng Việt và cùng muốn duy trì và phát triển tiếng Việt.
Thật vậy, tiếng Việt đi vào mọi mặt của đời sống, là mạch chính, chảy xuyên suốt qua mọi lãnh vực, từ kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá, tâm linh, đến giáo dục trong bất cứ cộng đồng gốc Việt nào trên thế giới. Hơn nữa, tiếng Việt còn là mối dây liên kết người Việt hải ngoại trên toàn cầu với nhau. Tiếng Việt không chỉ là mạch chính trong từng cộng đồng địa phương, mà cũng là mạch chính chảy giữa những cộng đồng người Việt hải ngoại trên khắp năm châu, và giúp nối kết các cộng đồng này với nhau.
Do đó, tiếng Việt ở thế kỷ 21 và trong một thế giới Việt hải ngoại là căn tính văn hoá nổi trội nhất, vì tiếng Việt chứa đựng không chỉ văn hoá Việt, mà cả lịch sử Việt cận đại, nhất là lịch sử tỵ nạn và di dân của khối người Việt ở ngoài Việt Nam kể từ 1975.
Chính tiếng Việt cũng là công cụ giữ nước. Tại hải ngoại, giữ gìn tiếng Việt là căn cước của việc tu thân, là mẫu số chung cho tất cả những dấn thân cho một Việt Nam tốt đẹp hơn. Cố học giả Phạm Quỳnh đã nói, “Tiếng ta còn, nước ta còn.” Với những nguy cơ mất nước dồn dập như hiện nay, việc bảo tồn và phát huy một tiếng Việt trong sáng để giữ nước lại càng trở nên cần thiết.
Vì vậy, chúng ta thấy không có sinh hoạt nào tại hải ngoại lại mạnh mẽ, phổ quát, xuyên suốt, bền bỉ, và lan toả như phong trào giảng dạy Việt ngữ. Chính sức mạnh của phong trào Việt ngữ đã bồi thố cho những sinh hoạt khác tại hải ngoại, nhất là truyền thông báo chí, tôn giáo, sáng tác, giáo dục và thương mại. Ngày hôm nay, sức mạnh đó quy tụ chúng ta về Quận Cam, vốn là nơi luôn đi đầu trong việc giảng dạy Việt ngữ cộng đồng tại hải ngoại.
Hiện nay, có nhiều chương trình công lập dạy tiếng Việt và văn chương Việt tại Hoa Kỳ, từ Mẫu Giáo đến đại học, và hậu đại học. Đây là một phát triển thuận lợi cho chúng ta, để có thêm điều kiện và môi trường giảng dạy tiếng Việt không chỉ cho con em mình, mà cả các cộng đồng bạn. Tuy nhiên, dù có nhiều điểm tương đồng, việc dạy tiếng Việt trong cộng đồng và trong giáo dục công lập là hai công việc rất khác nhau, nhất là khi nói đến tiêu chí yêu nước và giữ nước của cộng đồng chúng ta.
Dù có sự khác biệt, nhưng với sự phát triển của các chương trình công lập này, cùng với sự lớn mạnh và phát triển không ngừng của những cộng đồng Việt tại Mỹ, người ta có thể học tiếng Việt và tìm hiểu về văn hoá Việt Nam ngay tại hải ngoại, với những ưu thế của lối giáo dục Hoa Kỳ, và tiềm năng vô tận từ cộng đồng.
Tiềm năng vô tận đó nằm ở đâu? Trước hết, tiềm năng đó nằm trong chính quý Thầy Cô đang hiện diện tại đây, cũng như tất cả các quý Thầy Cô đã từng tham gia giảng dạy tại các trường Việt Ngữ khắp nơi. Tiềm năng đó cũng nằm trong các bậc phụ huynh hết lòng muốn con em mình biết tiếng Việt.
Những tiềm năng trên lại được quy tụ về với các tổ chức theo đuổi sứ mạng duy trì và phát triển tiếng Việt và văn hoá gốc tại hải ngoại, như Ban Đại Diện. Ban Đại Diện trong suốt những thập niên qua đã bền bỉ đứng mũi chịu sào trong việc huấn luyện quý Thầy Cô, soạn và phát hành các tài liệu giáo khoa, hệ thống hoá và tổ chức các sinh hoạt Việt ngữ cấp vùng, và đối thoại với dòng chính về những vấn đề liên quan đến Việt ngữ. Quan trọng nhất, là Ban Đại Diện giúp các Thầy Cô gặp gỡ nhau, trau dồi khả năng sư phạm, và tăng thêm lòng yêu mến tiếng Việt và lòng quyết tâm giảng dạy Việt ngữ khi được gặp gỡ những trái tim cùng nhịp đập.
Chúng ta cần một Ban Đại Diện trong mỗi cộng đồng hải ngoại, không chỉ ở miền Nam California. Tại sao? Tôi xin đưa ra câu trả lời bằng cách đối chiếu với việc dạy tiếng Việt ở một số cộng đồng hải ngoại tôi đã đến tìm hiểu. Cũng giống như chúng ta, người Việt ở các nước Châu Âu cũng quan tâm đến việc duy trì tiếng Việt cho những thế hệ tiếp nối, nhưng mỗi nơi là một hoàn cảnh. Ở Luân Đôn, cộng đồng người Việt có thể xin tài trợ từ chính phủ để mở lớp tiếng Việt cuối tuần.
Ở Thuỵ Điển, nếu có ít nhất là hai em học sinh nói tiếng Việt ở một trường công lập, chính phủ sẽ đài thọ để các em được học tiếng Việt hằng tuần. Tuy nhiên, đãi ngộ này cũng có những trớ trêu của nó. Tại Malmo, mà tôi gọi là “Mũi Cà Mau của Thuỵ Điển,” Chị Sớm Mai, con gái của Nhà văn Nhã Ca và Nhà thơ Trần Dạ Từ, kể cho tôi nghe chuyện bài tập tiếng Việt của con chị. Cô giáo cho một số vần để học sinh tìm chữ và đặt câu, nhưng có một vần không phải là tiếng Việt. Chị có nói gì, con chị vẫn lo vì không làm xong bài. Hoá ra, cô giáo là người Việt gốc Chợ Lớn, và đưa vần tiếng Hoa vào dạy tiếng Việt. Chỉ khốn khổ cho học sinh và phụ huynh người Việt, không thể nào tìm ra được trong ngôn ngữ mẹ đẻ của mình một chữ nào có cái vần ngoại quốc ấy. Nếu có các trường Việt ngữ cộng đồng, nhất là có một Ban Đại Diện tại Thuỵ Điển, thì chắc chắn việc đáng khóc này đã không xảy ra.
Kính thưa Quý Thầy Cô,
Tôi nói đáng khóc, vì tôi yêu tiếng Việt, và bất nhẫn khi tiếng Việt bị xúc phạm. Tôi đã bền bỉ theo đuổi tiếng Việt cả một đời trong nghiên cứu, sáng tác, và dấn thân; và luôn chọn tiếng Việt làm trung tâm của đời sống. Cho nên, đối với tôi, tiếng Việt luôn có một chỗ đứng quan trọng, không chỉ ở mặt cá nhân, mà ở mức quốc gia và quốc tế. Do đó, ngay trong thời gian mà tiếng Việt chưa được phổ biến trong dòng chính và học thuật, thì tôi đã mạnh dạn và kiên quyết dùng tiếng Việt trong những môi trường này. Tuy lúc đó còn vật lộn với cơm áo, tôi đã không ngần ngại dùng tiền nợ sinh viên mà chính phủ cho tôi mượn để đầu tư vào những dự án nghiên cứu về người Việt và bằng tiếng Việt. Tôi mong rằng qua những chia sẻ tiếp sau đây, các Thầy Cô trẻ hơn sẽ mạnh dạn dùng tiếng Việt, nhất là trong việc học và việc làm.
Bài nghiên cứu đầu tiên của tôi tại Golden West College là về Trường Việt Ngữ Cộng Đoàn Westminster, nơi Thầy Hoàng cho phép tôi lây bệnh cho trẻ em – một căn bệnh mà chính quý Thầy Cô cũng mắc phải: bệnh yêu tiếng Việt. Tôi còn dùng tiếng Việt để nghiên cứu về cộng đồng, và chuyển những dữ liệu nghiên cứu từ tiếng Việt sang tiếng Anh để đưa vào học thuật dòng chính. Là một người cầm bút, tôi ưu tiên viết bằng tiếng Việt, vì tiếng Việt không ngừng quyến rũ tôi, và là con đường ngắn nhất để tôi đến với người Việt ở khắp nơi.
Vào thập niên 90s, tôi đã sáng lập Dự Án Việt Mỹ, Vietnamese American Project, bằng chính student loans của mình tại Đại học Cal State Fullerton, kết hợp lịch sử truyền khẩu (oral history) và nghiên cứu ethnography, dùng tiếng Việt để ghi nhận lịch sử và cái nhìn của người Mỹ gốc Việt tại Quận Cam và nhiều nơi khác ở Hoa Kỳ. Với Dự án này, tôi đoạt giải quán quân trong cuộc tranh tài nghiên cứu năm 2004 do hệ thống Đại học CSU tổ chức, với bài viết “Quận Cam, Sử Vàng.”
Năm 2004, tôi được cấp học bổng Fulbright toàn phần để nghiên cứu về người Việt tại Thuỵ Điển. Tôi lại chọn dùng tiếng Việt để nghiên cứu. Hai Uỷ Ban Fulbright của Hoa Kỳ và Thuỵ Điển nhận ra rằng tiếng Việt là chìa khoá trong đề án của tôi, và nhận ra sự cần thiết của đề án này. Nhờ vào khả năng tiếng Việt và thành tích nghiên cứu của tôi, Uỷ Ban Fulbright đã xếp đề án của tôi vào bậc tối ưu, danh dự cao nhất của chương trình.
Tôi đã sử dụng tiếng Việt xuyên suốt nghiên cứu của mình tại Thuỵ Điển và hơn mười nước Châu Âu khác. Đó là một lợi thế tuyệt vời, vì tôi không thể nào học mười mấy thứ tiếng trong vòng một năm. Nhưng đáng nói hơn hết, tôi không thể nào dùng tiếng địa phương để đi sâu vào tâm tư và tâm thức của người Việt thuộc thế hệ di dân tại Châu Âu – vì chỉ có tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ, mới giúp tôi làm được điều này.
Năm 2006, tôi “Xuôi miền Nam” hai lần sau Katrina để giúp đồng bào Việt Nam tại New Orleans và Biloxi. Chính tiếng Việt là điểm nối, giúp các nạn nhân bão lụt cảm thấy thoải mái và dễ dàng nói về kinh nghiệm sống sót và những nhu cầu sau thiên tai của mình. Có một tổ chức muốn tìm hiểu nhu cầu nhà ở của người Việt tại miền Nam sau cơn bão, nhưng không ai tham gia, vì người hướng dẫn là người Mỹ, chỉ nói tiếng Anh.
Qua những nghiên cứu, những kinh nghiệm giảng dạy tại các trường công từ cấp tiểu học cho đến đại học, và những kinh nghiệm phục vụ trong cộng đồng trong nhiều lãnh vực, nhất là trong vai trò cô giáo Việt ngữ, tôi nhận thấy, cho dù tiếng Việt có được dạy trong giáo dục dòng chính trong bốn mươi năm tới, thì vẫn không thay thế được sứ mạng giảng dạy tiếng Việt trong cộng đồng và những gì chúng ta đã đạt được trong ngót bốn mươi năm qua.
Thật vậy, dạy tiếng Việt trong cộng đồng và ở trường công là hai công việc độc lập, có nhiều điểm tương đồng, nhưng không thay thế cho nhau được vì những dị biệt về mục đích và nội dung. Một điều hiển nhiên là việc giảng dạy tiếng Việt trong giáo dục dòng chính có được nhiều sự hỗ trợ từ phong trào Việt ngữ cộng đồng, nhất là về nhân lực và tài liệu. Nhiều thầy cô tại trường công đã từng học hay dạy tại các trường Việt ngữ cộng đồng, và dùng các tài liệu do các trường Việt Ngữ soạn. Đây là một điểm son của cộng đồng chúng ta, vốn có một nguồn nhân lực dồi dào, nhất là những vị thiết tha với giáo dục và tiếng Việt. Ngoài ra, Việt Ngữ cộng đồng còn là một điểm đối chiếu (reference point), giúp giáo dục dòng chính hiểu được những ưu tư của cộng đồng gốc Việt.
Ngay từ những ngày đầu của chương trình song ngữ, tôi đã khẳng định rằng: Chính Việt ngữ cộng đồng là nền tảng để dòng chính có thể khởi xướng và thực hiện các chương trình song ngữ một cách thành công. Quý phụ huynh và Ban Đại Diện đã vận động để mở những lớp tiếng Việt đầu tiên tại trường công ở Quận Cam. Nếu không có sự miệt mài tận tụy của Ban Đại Diện, của từng Thầy Cô, từng học sinh, từng phụ huynh trong suốt 40 năm qua, thì chưa chắc chúng ta có chương trình song ngữ như hôm nay. Quan trọng hơn hết, tôi cho rằng chính sức mạnh của tiếng Việt trong cộng đồng chúng ta đã chứng tỏ cho dòng chính thấy tầm quan trọng của tiếng Việt ở thế kỷ 21 và ở một nước Mỹ đa nguyên đa dạng.
Tại các trường Việt Ngữ, tiếng Việt là ưu tiên một và ưu tiên duy nhất của chúng ta, còn ở trường công, tiếng Việt chỉ là một trong các ngôn ngữ được dạy song song ở vài trường. Trong cộng đồng, chúng ta không chỉ dạy tiếng Việt, mà gieo cấy trong lòng các thế hệ ngoại biên một tình yêu quê hương, niềm tự hào văn hoá, tình tự dân tộc, lòng yêu mến tiếng nói của giống nòi. Chúng ta trao cho các em minh sử dân tộc, nhất là về giai đoạn cận đại và lịch sử người Việt hải ngoại. Các em sẽ kiên vững vào đời với di sản quý báu và cần thiết này làm kim chỉ nam.
Không như ở trường công, tại các trường Việt ngữ, các em được chào lá cờ di sản và hát quốc ca, và được dạy những trang sử vẻ vang của dân tộc, được hướng dẫn về những ưu tư đối với tình hình đất nước hiện nay, được học đức dục. Hơn nữa, sinh hoạt Việt ngữ đi sát với nhiều sinh hoạt khác trong cộng đồng, như Hội Tết Sinh Viên, Hướng Đạo Việt Nam, các cộng đoàn Công Giáo, các gia đình Phật Tử, các chương trình hiếu học, vv. Chúng ta giúp các em gắn bó với cộng đồng nhà, đào tạo các em trở thành những người lãnh đạo tài đức cho tương lai.
Sau bốn mươi năm, chúng ta đã có nhiều thế hệ Việt ngữ. Nhiều thầy cô trẻ của hôm nay đã ngày nào mài đũng quần trên ghế trường Việt ngữ. Tôi cảm kích và hãnh diện về những thành quả mà cộng đồng người Việt hải ngoại đạt được trong công tác dạy Việt ngữ. Là những người bền bỉ với lớp tiếng Việt hằng tuần, chắc Quý Thầy Cô cũng thấy rằng chính nhờ sự kiên tâm và tận tâm của cả cộng đồng chúng ta, mà sau bốn mươi năm ở hải ngoại, con em chúng ta vẫn còn giữ tiếng Việt như tài sản và căn tính quan trọng nhất của mình.
Kính thưa Quý Thầy Cô,
Hai thập niên trước, tôi lần đầu được vinh dự theo học Khoá TNSP. Hai mươi mốt năm sau, giáo trình và chủ đề có thay đổi theo những nhu cầu giáo dục mới, nhưng rường mối của Khoá TNSP vẫn vậy: nhiệt huyết của quý Thầy Cô khoá sinh, sự phục vụ hết mình của BTC, lòng tận tuỵ của Khối Huấn Luyện, tất cả một lòng vì tiếng Việt.
Năm nay, chúng ta nhìn lại chặng đường 40 năm đã qua, đủ ngọt bùi cay đắng. Năm nay, cộng đồng chúng ta cũng tổ chức tưởng niệm 40 năm miền Nam thất thủ. Đối với tôi, ngày 30 tháng 4, 1975 là ngày vong quốc, nhưng cũng là ngày lập quốc. Chúng ta mất miền Nam, nhưng đã xây dựng một nước Việt Nam giữa thế giới. Năm 1975, tiếng Việt thất thủ, nhưng cũng đã được tái thiết tại hải ngoại.
Giáo dục dòng chính, tuy được tài trợ bởi Bộ Giáo Dục, Bộ Quốc Phòng, và các ngân sách giáo dục địa phương, nhưng không thể so được với nguồn tài trợ vô tận và vô giá mà chương trình Việt ngữ Cộng đồng có được. Chúng ta có những bộ sách giáo khoa quý báu, chính là kinh nghiệm và đời sống của một cộng đồng sung mãn và luôn vươn tới. Chúng ta có những nhà tài trợ đắc giá nhất, đó là chính Quý Thầy Cô, với sự hy sinh, tận tuỵ, và tấm lòng son sắt với quê hương, giống nòi. Chúng ta có quyết tâm của cả một cộng đồng, liên lỉ và quyết liệt với việc giữ gìn tiếng nói, lịch sử trung thực, và bản sắc văn hoá cho những thế hệ tương lai.
Cả nước Mỹ chỉ có một Bộ Quốc Phòng, với một ngân sách cố định cho việc dạy tiếng Việt, nhưng mỗi Thầy Cô là một Bộ Quốc Phòng, cung cấp ngân sách không giới hạn cho chính con em chúng ta. Cả nước Mỹ chỉ có một Bộ Giáo Dục, nhưng mỗi gia đình gốc Việt nào quyết tâm giữ gìn tiếng Việt đã là một Bộ Giáo Dục với nguồn tài chính vô tận cho việc học tiếng Việt cho chính con cái mình.
Với tiếng Việt, cộng đồng chúng ta cung cấp những điều kiện cần thiết để giúp các thế hệ tương lai cạnh tranh trên thế giới, trở thành những nhà lãnh đạo toàn cầu, và những học giả có những cái nhìn mới. Vì chúng ta không chỉ dạy tiếng Việt, mà còn xây đắp tình Việt, quê hương Việt, và tinh hoa Việt trên khắp thế giới. Để kết, tôi xin dùng tâm tình của một người mẹ trẻ để hướng đến sứ mạng giảng dạy tiếng Việt tại hải ngoại sau 40 năm lập quốc.
Trangđài Glassey-Trầnguyễn (trangdai.net), một chuyên gia nghiên cứu về Cộng đồng người Việt hải ngoại, là học giả duy nhất trên thế giới đã thực hiện hàng trăm cuộc phỏng vấn lịch sử truyền khẩu với người Việt ở cả bốn châu lục: Á, Âu, Úc, và Mỹ. Một tác giả song ngữ đoạt nhiều giải thưởng, Trangđài tiên phong ghi lại lịch sử của người Việt tại Quận Cam qua Dự án Vietnamese American Project từ thập niên 1990 bằng chính student loans của mình, và đoạt giải quán quân tại cuộc tranh tài nghiên cứu của CSU năm 2004 với bài viết “Quận Cam, Sử Vàng.” Cô là người Việt duy nhất được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cấp học bổng Fulbright tòan phần, bậc tối ưu, để nghiên cứu về người Việt tại Thụy Điển. Cô tốt nghiệp bốn cử nhân cùng lúc tại Cal State Fullerton, và đoạt giải thủ khoa trong hai ngành. Cô cũng tốt nghiệp cao học ngành Lịch Sử tại Đại học này, với hai giải thủ khoa toàn trường. Trangđài tốt nghiệp Cao học ngành Nhân chủng học tại Đại học Stanford, và hiện đang hoàn tất chương trình tiến sĩ. Cô đã xuất bản hơn một ngàn tác phẩm sáng tạo, bình luận, và chuyên đề về người Việt hải ngoại bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Cô là tác giả của năm tập thơ song ngữ, và có thơ được dịch qua mười ba ngôn ngữ khác. Trong hơn 21 năm qua, Trangđài vẫn luôn dấn thân trong lãnh vực giáo dục, nghệ thuật, phát huy ngôn ngữ và văn hoá Việt, và lãnh đạo thanh niên sinh viên. Cô bắt đầu dạy tiếng Việt tại Trường Việt Ngữ Cộng Đoàn Westminster ngay khi mới đến Mỹ, và hướng dẫn nhiều lớp tại các khoá tu nghiệp do các trường đại học tổ chức cho các Thầy Cô giảng dạy tại trường công lập, cũng như tại các khoá TNSP Việt ngữ. Trangđài giúp vận động cho các chương trình giáo dục song ngữ Anh-Việt trong dòng chính, và đã xuất bản hơn 50 sách tiếng Việt cho trình độ Mẫu Giáo và Lớp Một cũng như cố vấn cho các chương trình này.