|
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Lý Nam Đế giải phóng Việt Nam khỏi ách đô hộ Tầu. "Chủ Nghĩa Thiên Triều" đang tái sinh ở Việt Nam dưới chiêu bài Thanh Bình Rừng Rú, Pax Sinica. Đọc lại lịch sử bành trướng của giặc Tầu, hãy khơi lại sĩ khí Bắc Hà hay chờ đợi công lý của "Toàn Cầu Hóa?"
Bốn ngàn năm trước, thảo nguyên Trung Á vẫn là nơi vùng vẫy của các sắc dân du mục - Hung Nô, Nữ Chân, Khiết Đan, Mông Cổ, Turkish... Khung cảnh mênh mông vô tận nhưng cũng vô cùng khắc nghiệt. Mùa hè thì đồng khô cỏ cháy, trời như đổ lửa mà hồ ao, giếng nước đều cạn kiệt, nên muốn sông ở đó thì phải biết nhịn khát. Mùa đông thì gió Bác cực thổi tuyết về, nước đóng băng, rét đến nỗi có khi gia súc chết hàng loạt. Được tôi luyện trong một môi trường gian khổ như thế nên thể chất người du mục có sức chịu đựng phi thường.
Họ sống lang thang, lùa đàn dê, cừu, ngựa, lạc đà... từ đồng cỏ này sang đồng cỏ khác. Ăn toàn là thịt, thường là thịt gia súc, đôi khi là thịt thú rừng như hổ, báo, hươu nai. Sức chịu đựng của họ vốn đã hơn người, nay họ lại ăn toàn những thứ tạo đầy bổ dưỡng nên sức mạnh của họ vượt xa người sõng định cư ở Trung Nguyên.
Đàn ông du mục sống trên lưng ngựa và chết trên lưng ngựa nên ai nấy đều cưỡi ngựa rất giỏi. Vì thế chẳng cần phải huấn luyện, đàn ông thảo nguyên cũng đã là những người lính kỵ binh giỏi nhất trên đời. Chả thế mà vào thế kỷ IV, họ đã phóng ngựa chạy một mạch từ phía Bắc Vạn Lý Trường Thành đến giữa Âu Châu, tàn sát tất cả trên bước đường trường chinh làm cả Âu Châu khiếp vía. Sử ký Tây phương còn ghi lại lời đồn: "dưới vó ngựa Hung Nô, cỏ cũng không mọc được!!!"
Trước khí thế dũng mãnh như hùm beo của người Hồ, người Hán xưng hùng xương bá ở Trung Nguyên lại trở nên dễ bảo như đàn cừu non. Người Hán vẫn coi các sắc tộc lân bang là mọi rợ, man di, nhưng lại gọi họ một cách kính nể là "Di Địch," là "Bắc Địch."
Mà họ kính nể cũng phải, vì từ thuở hồng hoang, loài người vẫn sống theo luật của Darwin: mạnh được yếu thua. Cả đến khi xã hội phát triển, đời sống con người có kỷ cương, luật pháp trong nước cũng như công pháp quốc tế vẫn là luật của rừng hoang, nhưng được bảo chứng bằng nguyên tắc của xã hội học, "luật của kẻ mạnh." Và trong ba ngàn năm, người Hồ đã áp dụng luật ấy với người Trung Quốc.
Nguyên là vào thời nhà Thương, nhà Chu, nước Tầu bị chia thành ngàn mảnh, mỗi mảnh là một nước chư hầu, phiên thuộc của một một hoàng đế ở trung ương. Các chư hầu đất nhỏ, dân ít nên luôn luôn là con mồi béo bở của các bộ lạc ngoài quan ải, trong đó có rợ Hồ.
Người Hồ bắt dân Trung Hoa phải năm năm nộp tuế cống: năm nay cống vàng bạc, năm sau cống lụa là, năm sau nữa cống mỹ nữ... Họ là kẻ mạnh, lời nói của họ là lời nói của ông trời, họ làm ra công pháp quốc tế nên các vua chúa Trung Hoa cứ thế mà răm rắp tuân theo, miễn là các đòi hỏi ấy không vượt quá khả năng cung đốn của người Trung Nguyên. Nhờ thế mà dân Trung Hoa được hưởng thanh bình.
Nền thanh bình này do dân du mục ở thảo nguyên mang tới nên ta gọi nó là "thanh bình du mục" hoặc "thảo nguyên." Gọi đúng tên thì là thanh bình rừng rú, Pax Jangala. * (*jangala, tiếng Phạn = rừng rú, bãi hoang)
Trong hai ngàn năm, miền Hoa Bắc bị chia thành hàng ngàn nước chư hầu như ta vừa nói. Nhưng khi trung ương suy yếu, các chư hầu bắt đầu nuốt lẫn nhau, nước nào nuốt được nhiều nhất sẽ trở nên mạnh nhất. Có thể nói là hai ngàn năm cổ sử Trung Hoa là hai ngàn năm anh em ăn thịt lẫn nhau.
Sau hai ngàn năm còn lại bảy nước chư hầu, trong đó Tần là mạnh nhất. Sau khi nuốt ông chủ lớn là hoàng đế nhà Chu, Tần liền nuốt luôn sáu anh em còn sống sót để lập nên đế quốc Đại Tần -- nước Sina của ngày nay.
Trở thành Thiên Triều - triều đình của Ông Trời Con dưới thế - Tần Thuỷ Hoàng bắt đầu thực hiện giấc mơ của con hổ trong rừng hoang, là ban bố hiệu lệnh cho khắp "bốn phương dưới gầm trời" (tứ phương thiên hạ). Ông ta sai Mông Điềm lên phía Bắc dẹp rợ Hồ, Sai Đồ Thư xuống miền Nam đánh Bách Việt, sai Triệu Đà chiếm Âu Lạc... Để rồi đây, thế giới sẽ được hưởng thanh bình dưới bóng cờ của Thiên Triều - Pax Sinica.
Kể từ nay, thanh bình thiên triều sẽ thế chỗ cho thanh bình thảo nguyên.
Nhưng giấc mơ thống trị thế giới mới thực hiện được nửa vời thì nhà Tần bị diệt, nhà Hán lên thay.
Nhà Hán thay nhà Tần, nhưng tiêu lệnh cho các tướng lãnh ngoài biên ải vẫn không thay đổi: Đem thanh bình Pax Sinica đến bốn phương thiên hạ. Các tướng nhà Hán đã hoàn thành sứ mệnh 'cao cả' ấy một cách xuất sắc, trong số đó có Mã Viện. Sau khi chiến thắng một cách 'oanh liệt' (!) đoàn 'quân khăn yếm' của Hai Bà, tên này đã hùng dũng cắm lá cờ Pax Sinica lên một mô đất ở một xó xỉnh nào đó của Giao Châu với khẩu hiệu đầy nhân nghĩa Khổng Mạnh "đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt!"
Nước Âu Lạc hồi ấy bé tí xíu vì một nửa miền đồng bằng còn nằm dưới biển nên bị thua là chuyện dĩ nhiên, mà ngay cả những nước hùng mạnh hơn nhiều cũng không thoát dạ dầy không đáy của Con Trời. Chúng đánh bại vương quốc Cao Ly Goryego để 'khai hoá' tỉnh Liêu Đông, đánh Tây Hạ để đem văn minh Trung Quốc reo rắc ở Tân Cương, Tây Tạng...
Từ đấy bốn phương được hưởng thanh bình, vì tất cả những người yêu nước bản địa đã bị thanh toán hết.
Đó là ý nghĩa của khẩu hiệu: "Thanh Bình dưới bóng cớ Thiên Triều - Pax Sinica."
CÒN LÀ GÌ NỮA, PAX SINICA?
Cùng với thanh bình, Pax Sinica đã đem phép tắc, lễ nghĩa Khổng Mạnh đi reo rắc khắp gầm trời. Đối với người Tầu, các phép tắc này là thiên kinh địa nghĩa - trời đất sinh ra đã phải như vậy rồi - nên đương nhiên ai cũng phải theo. Không theo thì ngồi tù, chống thì bị giết, như thế là đúng.
Họ nghĩ như thế không phải là không có lý. Nguyên là thời Tam Hoàng, Ngũ Đế, người ta đã nhận xét là đàn sói rừng sống có kỷ cương. Khi hai con tranh nhau địa vị đầu đàn, chúng cắn xé nhau rất ác liệt, cho tới lúc có một con chịu thua, nằm ngửa phơi bụng, dơ cổ ra, tỏ dấu phục tùng.
Con chiến thắng - thường được gọi là con alpha - tỏ vẻ anh hùng mã thượng, lững thững bỏ đi. Từ bài học của con chó sói, các bậc đế vương của Trung Hoa bắt chước đặt ra một nghi thức để các bầy tôi tuân theo, trong đó có nghi thức "kowtow" được cả thế giới biết đến qua vụ đại sứ Anh cùng đoàn tuỳ tùng bị bỏ tù chỉ vì không tuân theo nghi lễ ấy (năm 1859). Theo nghi thức kowtow, người ta phải quì mọp, hai tay chống xuống đất rồi cúi đầu, lấy trán gõ "cộp! cộp" xuống đất hai ba cái, nhiều lần hơn nữa càng tốt.
Nếu nghi thức kowtow cũng như lễ nghĩa Khổng Mạnh là thiên kinh địa nghĩa đối với người Hán, thì đối với các dân tộc phi-Hán, chúng chỉ là luật của kẻ mạnh, luật rừng rú. Cho nên đi kèm với Pax Sinica là luật rừng.
Người Việt đã nếm mùi của nó suốt hai mươi thế kỷ nên hiểu rất rõ thế nào là Pax Sinica. Thật vậy, ngay cả sau khi chúng ta đã đánh gục các đạo quân mang lá cờ 'nhân nghĩa' ấy, - thời nhà Tống, nhà Minh, nhà Thanh - lá cờ tồi tàn ấy vẫn còn phủ bóng tối âm u trên thơ văn cổ của ta.
Nguyên là sau khi đã giành lại được chủ quyền, ông cha ta vẫn phải theo các nghi lễ mà quân Tầu bầy đặt trong việc bang giao với vua Tầu. Sử ký còn ghi lại bằng chứng về các nguyên tắc ngoại giao rừng rú của chúng, qua mấy câu sau đây: "Có khi vua Lê Đại Hành phụng chiếu mà không lạy, nói dối rằng đi đánh giặc ngã ngựa đau chân. Nhà Tống biết nói dối, nhưng đành làm ngơ."
Một chuyện khác về nghi thức ngoại giao đốn mạt của Trung Hoa, đó là việc đi sứ.
Ở các nước văn minh như Tây phương, được cử đi sứ là một việc vô cùng vinh hạnh mà cũng là một dịp may đặc biệt vì người đi sứ được nước mà mình tới tiếp đãi một cách trịnh trọng. Còn việc đi sứ Tầu là một cực hình, vừa nặng nề vừa nguy hiểm. Chuyến đi sứ của Trạng Mạc Đĩnh Chi là trường hợp điển hình.
Ngay từ lúc mới bước chân tới biên giới, Trạng họ Mạc đã bị một viên quan nho nhỏ coi cửa ải làm hành làm tỏi. Tới kinh thành, không những các quan người Tầu làm tôi tớ cho nhà Nguyên tìm dịp bêu xấu ông, mà đến dân Tầu ở Bắc Kinh cũng dám phách lối, coi thường sứ thần.
Một chuyện đi sứ khác:
Sau khi đã đánh bại quân Minh, Vua Lê Thái Tổ sai sứ đi sang Tầu cầu phong. Vua Minh thù nhà Lê đã lấy đầu hai tướng tài giỏi nhất của mình là Liễu Thăng và Mộc Thạnh, mà không làm gì được nên đã giận cá chém thớt, sai bỏ tù sứ thần và đầy xuống phương Nam.
Để tâng công với chủ, viên quan coi ngục ở đây hành hạ sứ của ta bằng cách lấy vỏ hến đắp lên mắt rồi lấy nhựa trám gắn lại. Giai thoại còn kể rằng một hôm trời nắng, sứ ta cởi áo phơi bụng ra cho ánh nắng chiếu vào. Viên quản ngục lấy làm lạ, hỏi tại sao thì sứ ta trả lời: "Phơi nắng cho sách trong bụng khỏi mốc!" Câu trả lời nghe có vẻ sóc óc, viên quản ngục giận lắm, bắt sứ ta đọc tứ thư ngũ kinh cho y nghe nhưng phải đọc ngược, từ dưới lên trên thì y mới chịu. Sứ làm đúng theo ý của y, khiến y phải tâm phục khẩu phục. Được cái y cũng là người có học nên biết trọng người giỏi chữ nghĩa nên sau đó y liền gỡ bỏ vỏ hến trên mắt sứ ta và cho ông được hưởng đôi chút tự do. Mười mấy năm sau sứ mới được thả về.
Nghi thức ngoại giao đốn mạt như thế có thể gọi là gì, nếu không gọi là nghi thức ngoại giao rừng rú?
Một chuyện đi sứ khác còn tồi bại hơn nữa:
Hồi ấy vua Trùng Quang nhà Hậu Trần nổi lên khởi nghĩa, bị tướng Tầu là Trương Phụ đánh bại nhiều lần. Cuối cùng quân hết, tướng chết, Vua Trùng Quang đành cử một sứ giả là Nguyễn Biểu sang Tầu xin bãi binh và cầu phong. Nguyên là trước đây quân Minh sang nước ta với chiêu bài là "phù Trần, diệt Hồ" nên vua Trùng Quang muốn lộng giả thành chân, dùng chiêu bài này để kìm hãm sự tấn công của giặc. Không may, khi đi qua trại lính Tầu thì bị chúng phát giác, bắt về nộp Trương Phụ. Nguyễn Biểu đối đáp với Trương Phụ xuông xẻ nên được tên này nể nang, thết tiệc khoản đãi. Thức ăn chỉ là một cái đầu người luộc chín. Ý của tướng giặc là làm cho sứ ta khiếp sợ, nhưng sứ ta đâu có ngán. Ông cầm đũa móc đôi mắt mà nhâm nhi 'một cách ngon lành.' Vừa ăn vừa làm thơ, khen đầu quân Tầu nấu ăn sao mà ngon thế:
Ngọc thiện trân tu đã đủ mùi,
Gia hào thêm có cỗ đầu người.
Nem công chả phụng còn thua béo,
Thịt gấu gân lân hẳn kém tươi.
Cá lối Lộc Minh so cũng một,
Vật bày thỏ thủ bội hơn mười.
Kìa kìa ngon ngọt tày vai lợn,
Tráng sĩ như Phàn tiếng để đời.
(Nguyễn Biểu, Ăn Cỗ Đầu Người
Quân Tầu cũng phải phục cái ý chí phi thường ấy nên thả ông ra. Nhưng mới ra khỏi trại giặc được một vài dặm thì bị chúng đổi ý, đuổi theo bắt lại. Ông chửi mắng chúng là giả nhân gia nghĩa nên bị chúng trả thù, trói ông dưới chân cầu để cho nước thuỷ triều dâng lên làm ông chết từ từ.
Đấy, nghi lễ ngoại giao của cái gọi là Thiên Triều là như thế đấy. Điều đáng tội nghiệp là cho đến lúc rẫy chết, bọn thiên triều rừng rú vẫn không bỏ được thói quen rừng rú.
Câu chuyện khá dài nhưng cũng đáng kể lại ở đây, vì nó cho thấy Thiên Triều đã rẫy chết như thế nào.
Nguyên là vào thế kỷ XIX, thấy người Tầu ưa dùng luật rừng nên các nước Tây Phương, đặc biệt là người Anh, cũng xài luật rừng trong việc giao thương với người Tầu.
Hồi đó lái buôn Anh thường chở thuốc phiện tới Quảng Châu, bán cho người Tầu kiếm được rất nhiều lời. Nhưng thấy ai đã chót dính vào nha phiến thì đều bỏ cả công ăn việc làm. Thanh triều thấy nguy cho đất nước bèn ra lệnh nghiêm cấm buôn bán chất này.
A. Năm 1839, Lâm Tắc Từ được cử làm khâm sai đến Quảng Châu để thi hành lệnh cấm. Ông cho tịch thu và đốt hết số nha phiến trong các kho hàng của người Anh. Người Anh phản ứng bằng cách đem chiến thuyền vây đánh các hải cảng Hạ Môn. Đinh Hải, Trấn Hải, Tượng Hải, Nam Kinh, v.v... Nhà Thanh chống không nổi, bèn cách chức Lâm Tắc Từ và xin nghị hòa.
Năm 1842, hai bên ký kết Điều Ước Nam Kinh gồm 12 khoản, trong đó có khoản bồi thường cho người Anh là:
1) trả cho Anh 12 triệu đồng quân phí;
2) trả 3 triệu đồng bù số tiền mà thương gia Tầu còn thiếu của người Anh;
3) trả 6 triệu đồng để bồi thường số thuốc phiện bị đốt.
Điều đáng ghi nhận là từ nay, Trung Hoa bỏ danh hiệu Thiên Triều, lấy tư cách bình đẳng mà thương nghị với các nước khác.
B. Năm 1850, thương thuyền Arrow kéo cờ Anh đến đậu ở bến Quảng Châu. Hải quan Tầu lên khám, thấy ngoài thuyền trưởng là người Anh, còn thuỷ thủ đoàn 13 người đều là người Tầu. Viên quan Tầu liền vứt lá cờ Anh xuống đất và bắt 13 thuỷ thủ dẫn đi. Lãnh sự Anh là Parker viết thư phản kháng, cho rằng quân Tầu đã làm trái với điều ước Nam Kinh. Tổng đốc Lưỡng Quảng là Diệp Danh Thám liền trả lại 13 thuỷ thủ, không một lời xin lỗi. Parker liền cho chiến hạm bắn phá tỉnh thành và đốt các công sở.
Dân Quảng Đông trả đũa, đốt các lâu đài, cơ sở của người da trắng, làm một giáo sĩ Pháp bị chết. Pháp liền liên hiệp với Anh, khởi binh. Năm 1857, liên quân Anh-Pháp đánh Quảng Châu, bắt Tướng Quân, Tuần Phủ đem về giam một chỗ, đưa Diệp Danh Thám qua Ấn Độ, giam ở Calcutta.
Nhà Thanh chống trả nhưng đánh không lại, bèn ký hoà ước Thiên Tân (1858) chịu bồi thường cho Anh 20 triệu lạng quân phí, Pháp 10 triệu lạng, mở thêm hải cảng cho Anh, Pháp vào buôn bán, cho Anh, Pháp được quyền lãnh sự tài phán, cho nhập cảng thuốc phiện tự do...
C. Năm 1859, Công Sứ Anh-Pháp đến trao đổi điều ước bị pháo đài Đại Cô bắn chìm mấy chiến thuyền, liên quân Anh-Pháp liền đem đại binh vây Đại Cô, rồi tiến lên Thiên Tân, cử Parker làm đại sứ đến thương nghị với sứ nhà Thanh là Di Thân Vương. Parker xin vào yết kiến vua Thanh, nhưng nói sẽ mặc quân phục và không chịu làm lễ khấu bái. Viên tư lệnh quân Thanh ở Thiên Tân là Tăng- Cách-Lâm-Tấm cho như thế là vô lễ liền bắt trói Parker và tuỳ tùng, đem về kinh bỏ ngục. Liên quân Anh-Pháp liền tấn công, vây Bắc Kinh, hẹn ba ngày phải trả lại sứ đoàn. Khi thả người thì thiếu mất 12 nhân mạng, vì họ đã chết trong ngục.
Người Anh giận quá bèn đốt vườn Viên Minh để trả thù (1860). Vườn này gồm nhiều lâu đài, đình các nguy nga tráng lệ, xây cất trong một trăm mấy mươi năm mới xong. Hả giận rồi, Anh mới vào bàn hội nghị, hai bên ký kết hoà ước Bắc Kinh với các điều khoản cũng gần giống như hoà ước Thiên Tân, duy có mở thêm một số hải cảng và bồi thường cho Anh Pháp, mỗi nước 80 triệu lạng bạc.
Đúng vậy, "Thiên Triều" không những đã chết, mà còn chết những hai lần: một lần chết trước con mắt của Tây phương, lần thứ hai chết trước con mắt của người Việt.
Lần đầu, khi ký Điều Ước Nam Kinh 1842, Nhà Thanh đã từ bỏ danh từ Thiên Triều, từ nay coi các nước Tây phương như bình đẳng với mình.
Lần thứ hai năm 1885, khi Lý Hồng Chương và Patenôtre ký hiệp ước Thiên Tân nhìn nhận các điều ước ký kết giữa Việt và Pháp năm 1884, trong đó có điều khoản II ghi như sau:
"Quan Thống Lĩnh nước Pháp nhận quyền độc lập của vua nước Nam hhông phải thần phục nước nào nữa."
Như thế là kể từ năm 1885, Việt Nam không còn là phiên thuộc của Tầu. Sự kiện này được đánh dấu bằng việc đúc chảy quốc ấn mà vua Tầu phong cho vua ta.
Không những Thiên Triều đã chết mà cả nền thanh bình Pax Sinica cũng chết theo. Thật vậy, khi đem văn hoá Pháp thay thế cho Nho giáo, người Pháp đã phá bỏ cái 'vòng kim cô' tinh thần của người Tầu, đồng thời mở ra cho giới trí thức Việt một chân trời văn hoá mới.
Ta đã tố cáo cái bộ mặt giả nhân giả nghĩa của Thiên Triều cùng với cái nền hoà bình rừng rú của nó, nhưng Thiên Triều có phải là nhân dân Trung Quốc, có phải là Trung Quốc?
Không phải! Thiên Triều là guồng máy thống trị nhân dân Trung Quốc và gồm có hoàng đế, quan lại cùng với bộ máy hành chính và quân sự của ông ta. Người dân Trung Hoa cũng bị triều đình bóc lột, áp bức nên họ cũng là những nạn nhân của nền hoà bình rừng rú Pax Sinica.
Cho nên từ xưa tới nay, ta luôn luôn mở rộng vòng tay đón những người Tầu nào muốn sang nước ta tị nạn nền hòa bình thiên Triều. Những người này luôn đứng về phe chúng ta chống lại sụ đè nén của Thiên Triều. Thời xa xưa, đó là Lý Nam Đế, người đã giải phóng Giao Châu khỏi nền đô hộ của nhà Lương. Sau này là các triều đại Trần, Hồ, Mạc.
V. Liệu Pax Sinica Có Tái Sinh?
Chủ nghĩa Thiên Triều đã chết cùng với Thiên Triều của nhà Thanh. Nhưng nay Trung Hoa đã lọt vào tay Cộng Sản và đang cường thịnh dần lên. Vấn đề là: Liệu một nền Pax Sinica mới có tái sinh?
Vấn đề đang làm ta nhức nhối. Trung Cộng đã chiếm của ta hơn 7 ngàn cây số vuông trên đất liền, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, hàng trăm ngàn cây số vuông trên mặt biển. Họ còn làm gì nữa đây?
Không phải chỉ có người Việt nhức đầu mà cả Á Châu đều quan ngại. Họ đang cấp tốc xây dựng một hạm đội vĩ đại, hiện đứng thứ ba trên thế giới, sau Mỹ và Nga. Để làm gì, nếu không phải để khống chế toàn cõi Viễn Đông? Nếu thế thì rồi đây nước nào có khả năng kiềm chế họ? Một đám mây đen đang hiện ra ở chân trời.
Nhiều người cho rằng thế giới đang bước vào giai đoạn toàn cầu hóa, sự việc xẩy đến cho một quốc gia cũng ảnh hưởng đến toàn cầu nên vấn đề Pax Sinica sẽ được giải quyết trong khung cảnh toàn cầu. Ta cũng mong, một cách dè dặt, là sự việc sẽ diễn tiến theo chiều hướng ấy.
Westminster, 19.6.2008
- Tuyển Dịch Thơ Văn Cổ Phạm Khắc Hàm Biên khảo
- Sự Diệu Kỳ Của Thư Họa Phạm Khắc Hàm Biên khảo
- Gọi Hồn Thiên Cổ Phạm Khắc Hàm Tạp luận
- Gió Bão Ngoại Giao Thời Thịnh Trần và Vị Sứ Thần Lỗi Lạc Đinh Củng Viên Phạm Khắc Hàm Khảo luận
- Thanh Bình Dưới Bóng Cờ 'Thiên Triều?' Phạm Khắc Hàm Nhận định
- Quá Phong Khê, Một Bài Thơ Kỳ Tuyệt Phạm Khắc Hàm Khảo luận
- Phạt Tống Lộ Bố Văn của Lý Thường Kiệt Phạm Khắc Hàm Khảo luận
- Đặng Dung, Bậc Anh Hùng Lỡ Vận và bài thơ "Cảm Hoài" Phạm Khắc Hàm Biên khảo
• Nhìn lại thành tích của Đảng Cộng Sản (Nguyễn Gia Kiểng)
• Thật và giả từ bước chân thầy Minh Tuệ (Hiếu Chân)
• Bỏ Rơi Hay Phản Bội? (Bùi Anh Trinh)
• Sư Minh Tuệ Và Pháp Hành Dưới Góc Nhìn Phật Giáo (Nguyễn Thanh Huy)
• Viện Bảo Tàng Quân Lực VNCH Và Buổi Nói Chuyện Về Trận Đánh Cuối Cùng 30/04/1975 (Việt Báo)
• Đao phủ Henry II: Đại họa cho cả VNCH lẫn Mỹ (Nguyễn Tiến Hưng)
• Những Ngộ Nhận về Chiến Tranh Việt Nam từ phía Hoa Kỳ (Đỗ Văn Phúc)
• Tôi gọi họ là Anh Hùng! (Đặng Chí Hùng)
• Nguyên nhân Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ 30-4-1975 (Trương Nhân Tuấn)
• Cựu nhà báo thời chiến: “Tôi không nghĩ chiến tranh VN là chống Mỹ cứu nước” (RFA)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |