|
Dương Quảng Hàm(14.7.1898 - 19.12.1946) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Hôm trước, khi nghe tin cuốn sách "Cung đàn số phận" của Lộc Vàng bị cấm phát hành, tôi thấy tiếc quá vì chưa kịp mua thì đã bị cấm rút lại. Nhưng may mắn thay, vài hôm sau thì có một bạn đọc từ Sài Gòn sang tặng cho cuốn sách. Tôi đọc một mạch và có ghi lại đôi ba dòng cảm tưởng. Hôm nay có dịp chia xẻ cùng các bạn những ghi nhận của tôi về cuốn sách.
Thiên hồi kí “Cung đàn số phận” là câu chuyện đời của một người đam mê nhạc vàng và phải đi tù vì niềm đam mê đó. Có lẽ do người chắp bút là một nhà báo tài hoa Kim Dung / Kỳ Duyên nên thiên hồi kí được bố cục 'có nghề', từ tựa đề, chương sách đầu tiên đến chương sách cuối cùng. Mở đầu hồi kí là người đi tù được trả tự do, sau đó ông thuật lại những diễn biến dẫn đến việc đi tù, những sinh hoạt trong nhà tù mang danh 'cải tạo', kế đến là cuộc sống lênh đênh sau khi ra tù, và kết thúc bằng một mối lương duyên có hậu. Cuốn sách hay từ những câu chuyện với những chi tiết dễ làm độc giả rung động đến cách hành văn trong sáng và chữ nghĩa giàu hình tượng. Cuốn sách còn là một chứng từ sống động về một thời kì "bao cấp" tăm tối ở miền Bắc.
Tù nhân mã số 927
Thiên hồi kí được mở đầu bằng sự phóng thích một tù nhân mang số hiệu 927 từ Trại Cải Tạo Phong Quang thuộc vùng thượng du miền Bắc. Hôm đó là ngày 27/3/1976. Người tù mang mã số 927 là ông Nguyễn Văn Lộc, bị giam tù suốt 8 năm trời chỉ vì đam mê nhạc vàng, mà trong Nam thường gọi là “nhạc tiền chiến”. Đối với nhiều người bình thường sẽ kinh ngạc tại sao trên đời này có một nơi "sản xuất" ra một hình phạt dã man như thế, nhưng đó là một câu chuyện rất thật.
Nhạc tiền chiến là phong trào tân nhạc được rất thịnh hành trong thời 1930 đến ~1950. Trong thời gian ngắn đó, Việt Nam đã xuất hiện những tên tuổi lừng danh như Phạm Duy, Văn Cao, Lê Thương, Thẩm Oánh, Đặng Thế Phong, Dương Thiệu Tước, Hoàng Quý, Hoàng Giác, Đoàn Chuẩn, v.v. Những sáng tác của họ thường mang âm hưởng lãng mạn và lời ca đậm chất thơ. Cho đến nay, dòng nhạc đó vẫn còn được trân quí như một di sản trong lòng người thưởng ngoạn.
Ông Lộc Vàng tên thật là Nguyễn Văn Lộc, sinh ra trong một gia đình trung lưu ở Hà Nội và có 'máu' văn nghệ. Thân phụ ông là Nguyễn Văn Cộng, còn gọi là "Tổng Cộng", là một cai thầu xây dựng và sơn sửa building, nhưng rất mê ca hát và từng dạy hát cho một nhạc sĩ nổi tiếng. Thân mẫu ông là người nội trợ, chỉ biết lo nuôi con. Gia đình ông Tổng Cộng có đến 13 người con, và ông Lộc Vàng là người thứ 5, nhưng bệnh tật hoành hành, và cuối cùng gia đình chỉ còn 5 người con.
Ông Lộc Vàng cho biết sinh ra và lớn lên trong một gia đình như thế, máu ca nhạc đã ngấm vào ông một cách vô thức. Ông yêu những ca khúc lãng mạn có lời ca đẹp và thi vị, những lời ca có hiệu ứng làm thăng hoa cuộc đời vốn quá căng thẳng và ngột ngạt. Nhưng đó là dòng nhạc mà những người Mao-ít không chấp nhận vì họ cho là 'văn hoá phẩm' của tư sản; có người còn nặng nề hơn liệt kê vào nhóm 'đồi truỵ'!
Yêu nhạc vàng và đi tù
Ông kể lại rằng trong những năm tháng chiến tranh (thập niên 1960) ông cùng bạn bè tụ tập đàn hát sau giờ làm việc. Đó là những người bạn có biệt danh rất dễ thương như Toán Xồm (Phan Thắng Toán), Đắc Sọ (Nguyễn Văn Đắc), Thành Tai Voi (Trần Văn Thành), v.v. Những người này sau này cùng đi tù với Lộc Vàng. Họ là những thanh niên có công ăn việc làm, nhưng chỉ vì thích ca hát nên họ đến với nhau. Có thể tạm gọi đó là "nhóm nhạc vàng."
Sự việc họ tụ tập nhau ca hát tưởng là một sinh hoạt văn hóa, nhưng lại là cái "gai" trong cái nhìn của nhiều người hàng xóm hắc ám. Những người vừa là hàng xóm, vừa là "chỉ điểm", làm đơn tố cáo rằng đây là những thanh niên hư hỏng, thất nghiệp, truyền bá văn hóa của chủ nghĩa tư bản và chống lại nền văn hóa xã hội chủ nghĩa. Trong thực tế thì họ không hề thất nghiệp, vì ai cũng có nghề và có thu nhập kha khá, nhưng lời tố cáo "lêu lỏng" đó rất có hiệu quả làm cho xã hội chán ghét họ. Còn "chống nền văn hóa xã hội chủ nghĩa" thì chỉ là một cách vu cáo cho đúng nhịp điệu của những người cầm quyền đương thời.
Thế là những người đam mê nhạc vàng phải trả giá cho niềm đam mê đó. Cái ngày "định mệnh" đó là ngày 27/3/1968, khi ông Lộc Vàng bị bắt giam. Trước đó thì ông cũng đã bị còng tay và thẩm vấn nhiều lần về việc ca nhạc vàng. Ông và các "đồng nghiệp" bị giam giữ ở Hỏa Lò.
Khi nhà cầm quyền bày mưu tính kế để hại công dân
Nhưng nhà cầm quyền chưa đưa ông ra tòa, vì họ chưa có chứng cứ. Thế là nhà cầm quyền lập mưu để có chứng cứ. Điều đáng nói là cái mưu kế của họ cũng rất thấp và có thể nói là bỉ ổi. Trong lúc bị giam, một hôm cai tù đến báo cho họ biết là Bộ Văn Hóa muốn mời họ hát để thu âm và nghiên cứu nhạc. Ngày 6/9/1968, nhóm nhạc vàng được đưa đến Nhà Hát Lớn để thu thanh, và phụ trách buổi thu thanh là 20 chuyên viên âm nhạc dưới sự điều hành của một nhạc sĩ tên là ĐN (sách không ghi tên ông này). Ông ĐN là Vụ trưởng Vụ Nghệ thuật của Bộ Văn Hóa. Trong buổi thu thanh đó, ông Lộc Vàng ca một loạt 10 bài làm ai cũng ngạc nhiên. Nhưng trớ trêu thay, chính 10 bài hát đó là chứng cứ để tòa án buộc tội ông khi ra tòa! Lúc đó ông Lộc Vàng mới biết mình bị nhà cầm quyền lừa gạt.
Màu vàng là màu bệnh tật!
Khi ra tòa, ông nhạc sĩ ĐN đóng vai trò "giám định viên âm nhạc", và chính ông này là người hung hăn kết tội nhóm nhạc vàng. Đọc những lí giải của ông ĐN phải nói là một giải trí rất tốt về một suy nghĩ vừa hài hước vừa bệnh hoạn. Theo ông ĐN, chữ "vàng" trong nhạc vàng có ý nghĩa xấu, vì "màu vàng là màu của hủ bại, màu của bệnh tật"! Chưa hết, ông ĐN còn phịa ra một câu chuyện về màu vàng với trận dịch tả Cholera bên Anh trước đây: "Ngày xưa, bên Anh Quốc, có dịch tả không chữa được. Khi đó thuốc men đâu có. Bệnh này lại dễ lây lan. Để ngăn ngừa và diệt trừ hậu họa, người ta chất tất cả những người bị bệnh lên một chiếc tàu và đẩy họ ra ngoài khơi. Trên tàu có cắm một lá cờ màu vàng là không một quốc gia nào cho cập bến. [...] Hát nhạc vàng chính là tuyên truyền văn hóa trụy lạc, văn hóa của chủ nghĩa đế quốc, phá hoại văn hóa chủ nghĩa xã hội." (trang 78). Ông ĐN đã qua đời năm 1991, chứ nếu còn sống thì chắc ông sẽ phải suy nghĩ lại "lí giải con cóc" trên.
Trước kiểu luận tội hài hước như thế và những kiểu trao đổi buồn cười (1), ông Lộc Vàng xin tòa cho phát biểu. Ông Lộc Vàng nói:
"Thưa quí tòa. Theo như lời ông Giám định viên âm nhạc nói màu vàng là màu của hủy hoại bệnh tật. Tại sao lá cờ lại có ngôi sao màu vàng?"
Câu hỏi đó của Lộc Vàng làm cho quan tòa tức tối, đằng đằng sát khí như muốn ăn tươi nuốt sống ông. Đến khi về trại tù, ông lập tức bị các cai tù xúm vào đánh đấm một trận suýt chết.
Thế là tòa án kết tội Lộc Vàng 10 năm tù giam và 4 năm mất quyền công dân. Các "đồng phạm" khác mỗi người bị phạt từ 6 năm tù giam (Lý Long Hoa) đến 15 năm tù giam (như trường hợp Toán Xồm). Đây là vụ án được mệnh danh "Lưu manh - đĩ điếm - cờ bạc." Một điều thú vị là lúc đó ở miền Nam một nhóm lính phản chiến đã lên đài phát thanh Sài Gòn đòi trả tự do cho nhóm nhạc vàng.
Thiên hồi kí thuật lại những ngày tháng ông đi tù cũng đáng đọc. Nếu những ai đã đọc hồi kí của các sĩ quan VNCH đi tù cải tạo sau 1975 thì không có gì ngạc nhiên khi đọc hồi kí những ngày tháng trong tù của Lộc Vàng. Đó là một thế giới có nhiều kẻ hèn hạ, thi nhau báo cáo lập công, là những người lầm lì, kín đáo, là những người hào hiệp, v.v. Ở trong tù, ông tự nhiên hứng lên và ca bài "Đảng đã cho ta sáng mắt sáng lòng", nhưng câu hát đó làm cho ông bị thêm một trận đòn hiểm của những cai tù mà nhiệm vụ của họ có lẽ là thích đấm đá con người như là một trò chơi thể thao.
Về với đời thường và nhà tù mới
Ngày 27/3/1976 ông Lộc Vàng được trả tự do trước thời hạn 2 năm. Trớ trêu một điều là khi ông được trả tự do, ông cuốc bộ từ trại tù cải tạo Phong Quang đến ga Lào Cai thì lại nghe nhạc vàng do Thái Thanh, Chế Linh, Thanh Tuyền, v.v. hát oang oang trong một quán cà phê. Khi được hỏi sao loại nhạc này được hát, bà chủ quán nhìn ông như người từ hành tinh khác! Thời thế đã đổi thay. Ông không may mắn vì đã đi trước thời cuộc.
Về đến nhà thì ông phải đối phó với một 'nhà tù' lớn hơn. Hàng xóm dèm pha, xa lánh. Bạn bè dị nghị và tìm cách tránh xa. Ông cay đắng viết "Khi vui thì vỗ tay vào, khi hoạn nạn thì nào thấy ai." Chỉ có một người bạn dám đến với ông, đó là người tên Sinh. Khi được hỏi ông có ngại gì khi đến với người mới ở tù ra, ông Sinh nói bất cần đời: "Kệ mẹ chúng nó chứ. Mày là mày. Tao là tao. Sợ gì thằng nào." 'Chúng nó' là ai thì chắc ai cũng có thể hiểu trong một xã hội 'Police State'.
Trong cái xã hội Police State đó, ai cũng có thể là một viên công an, một kẻ chỉ điểm. Ai cũng có thể biến hóa từ một người hàng xóm thân thiện thành một kẻ ác ôn. Hãy nghe Lộc Vàng kể về một người bạn học cùng lớp tên Thiện nay thành quản giáo nhà tù. Gặp Lộc Vàng trong tù, Thiện hỏi:
"- Vì sao mày bị bắt?
- Bọn tao chỉ hát nhạc vàng!
- Bây giờ mày phải gọi tao bằng ông. Ông Thiện nghe chửa? Mày mày tao tao cái gì? Nói rồi, Thiện sai người cùm tôi 5 ngày ở ngay Hỏa Lò."
Ngoài những người như Thiện, còn có những người như viên đại úy công an Chiêu, hay bà tổ trưởng dân phố tên Dần. Hai người này rất tích cực tố cáo nhóm nhạc vàng và góp phần đưa họ vào tù.
Nhưng ở đời thì lúc nào cũng có quả báo nhãn tiền. Viên quản giáo tên Thiện sau này mất việc và phải bán trà dạo, nghèo xác xơ, không dám gặp mặt người mà anh ta đòi phải gọi mình bằng "ông." Bà Dần thì đi tù vì tội chứa cờ bạc. Ông Chiêu thì đi tù vì tham ô. Tất cả đều trả cái giá cho sự ác độc của họ.
Trong thiên hồi kí, ông Lộc Vàng thuật lại một câu chuyện quả báo rất thật (trang 142). Đó là câu chuyện về viên công an gốc Thanh Hóa tên Đức Giáp, người từng hỏi cung và có công đưa Lộc Vàng vào tù. Sau khi ra tù, ông Lộc Vàng hành nghề sơn phết và có dịp đến làm cho Cửa hàng Kem 35 Tràng Tiền, nơi vợ của viên công an đang làm phó cửa hàng trưởng. Chính qua trò chuyện, bà cho biết rằng sau vụ Lộc Vàng vào tù, chồng bà được thăng 2 cấp, nhưng đứa con đầu bị chết. Viên công an kinh khủng quá, nên bỏ nghề và nay đi làm cúng bái cho người ta.
Những mảnh đời "bao cấp"
Thiên hồi kí còn cho chúng ta biết chút ít về bối cảnh xã hội thời thập niên 1960s và 1970s. Ông viết "cách mạng xã hội chủ nghĩa về, người Hà Nội gọi là gốc, sống 3-4 đời trở lên tại Hà Nội cũng bắt đầu phân hóa", trong khi đó người tứ xứ ở các tỉnh xa về Hà Nội sống và làm việc. Dân buôn bán kinh doanh lúc nào cũng bị nhìn bằng con mắt khinh bỉ, "buôn gian, bán lận, phe phẩy." Tiếp theo là cuộc Cải Cách Ruộng Đất kinh hoàng "con tố cha mẹ, vợ tố chồng, họ hàng ruột thịt tố nhau". Tất cả đã làm cho truyền thống xã hội bị đảo lộn và các giá trị đạo lí truyền thống Tràng An bị chao đảo.
Thời thập niên 1960, qua cách mô tả của Lộc Vàng, ngoài Bắc rất đói, và cái đói đã làm suy giảm lương tri con người và xoáy mòn tình người. Người dân, kể cả ông có khi phải "đi me", tức là đi bán máu để lấy tiền mua thực phẩm sống. Ông viết "Cái đói dai dẳng, thật tàn nhẫn, đã gặm nhấm mất lương tri của nhiều người. Nạn ăn cắp trở nên phổ biến toàn dân".
Đời sống văn hóa cũng nghèo nàn. Chính quyền mới xóa bỏ toàn bộ nền âm nhạc của 'chế độ cũ'. Không còn những Phạm Duy, Đoàn Chuẩn, Nguyễn Văn Khánh, Văn Cao, v.v. Thay vào đó là những bài 'nhạc đỏ' chỉ để phục vụ cho lên dây cót tinh thần chiến tranh. Đã du nhập chính trị Nga thì sự là ảnh hưởng của văn hóa Nga là điều có thể hiểu được.
Kết thúc có hậu
Sau khi ra tù ông thành hôn với một nữ văn công tên Mai vào năm 1981. Hai người có với nhau 2 người con. Nhưng năm 2002 Mai đã qua đời sau một cơn bạo bệnh. Cái thời điểm Mai ra đi, ông tiễn vợ bằng ca khúc "Niệm Khúc Cuối" của Ngô Thụy Miên: Dù cho mưa, tôi xin đưa em đến cuối cuộc đời. (Trước kia, khi còn ở trong tù, ông hát bài "Nỗi Lòng Người Đi" của Anh Bằng cho một người tử tù trước giờ ra pháp trường.)
Cuộc sống sau tù không phải lúc nào cũng êm ả. Năm 1991, ông mở quán cà phê ở Hà Nội, và cũng đam mê hát nhạc vàng, nhưng quán cũng bị cấm. Đến năm 1997 ông lại mở một quán nữa, và cũng bị cấm nữa! Tại sao cấm? Ông nói "Tại vì tất cả quán cà phê phải có giấy phép của nhà nước, và họ không cấp giấy phép cho tôi mở quán là vì quán của tôi chỉ toàn hát nhạc vàng." Năm 1991 và 1997 -- các bạn nhớ cho. Phải mãi đến năm 2008, thì ông mới được phép mở một quán ở Hồ Tây. Tôi từng đến đây (quán ở Hồ Tây) nghe nhạc sau công việc. Đó là một không gian chật hẹp, nhưng ấm cúng.
Năm 2014, ông Lộc Vàng được mời tham gia một đại hội thơ tài tử ở New York. Lần đầu tiên đến New York, ông cảm thấy giá trị của tự do: "Cái cảm giác tự do của con người, đúng như biểu tượng Nữ Thần Tự Do của đất nước ấy." Và, cũng chính nơi này ông quen biết với một người phụ nữ miền Nam tên Mai Hương, và câu chuyện của ông được kết thúc bằng một cái kết có hậu: Mai Hương và ông đính hôn ở tuổi 70. Ông viết "Có thể xem đó là một cái kết có hậu cho cuộc đời tôi -- một gã trai phong trần, lận đận, mê đắm 'so dây' cùng với nhạc vàng."
***
Tóm lại, thiên hồi kí "Cung đàn số phận" của Lộc Vàng là một quyển sách đáng đọc. Mỗi người Việt Nam là một lịch sử. Câu chuyện của ông Lộc Vàng cũng là một phần của lịch sử. Cuộc đời của ông Lộc Vàng cũng giống như số phận lênh đênh trôi nổi của nhạc vàng. Nhạc vàng đã từng bị phỉ báng, vô hoá, cấm đoán, nhưng những tác phẩm trong dòng nhạc đó vẫn tồn tại một cách bền bỉ với thời gian. Cũng như nhạc vàng từng bị cho ra ngoài lề 'văn nghệ chính thống', ông Lộc Vàng cũng từng bị cầm tù và cách li xã hội. Và, cũng như nhạc vàng quay lại dòng văn nghệ quần chúng, ông Lộc Vàng cũng quay về với âm nhạc trong vòng tay của khán giả ái mộ. Cuộc đời của ông đúng như một bản nhạc vàng, có những nốt thăng, những nốt trầm, có nhanh, có chậm, và sau cùng thì được kết thúc một cách có hậu.
"Cung đàn số phận" không chỉ là một thiên trần thuật về cuộc đời gian truân của tác giả, mà còn là một chứng từ của một thời mông muội. Nó là chứng cứ sống về một thể chế lạc hậu chịu sự ảnh hưởng của ngoại bang, và được lấp đầy bởi những bộ não bệnh hoạn bị đột biến về đạo đức. Những kẻ đó đã gây biết bao nhiêu khổ đau thấu trời xanh cho những thành viên trong xã hội, mà tác giả thiên hồi kí chỉ là một nạn nhân. Ông Lộc Vàng là một nạn nhân của một phác đồ văn hóa đậm màu chính trị đã được áp đặt lên đất nước này một thời gian dài. Những câu chuyện có khi tức tối hay có khi cười ra nước mắt giúp chúng ta biết về quá khứ của cái văn hóa đó, và hiểu được những gì đang diễn ra ngày nay. Qua câu chuyện của Lộc Vàng chúng ta sẽ rút ra một qui luật rằng để cho những kẻ vô văn hóa quản lí văn hóa sẽ dẫn đến một đại họa văn hóa cho nhiều người.
Chú thích:
(1) Dưới đây xin trích vài câu hỏi và đáp của tòa với các “bị cáo” do nhạc sĩ Tô Hải, người đã tham dự phiên tòa ngoài Hà Nội được thuật lại trong sách. Đọc mà cười chua chát cho công lí và "tòa" gì mà lạ lùng.
Chánh án: – Anh có nhận là đã đánh nhạc của tư sản, là đồi trụy không?
Toán xồm: – Dạ! Thưa quý tòa, con chỉ đánh những gì in trên đĩa của Liên Xô, của Tiệp Khắc, của Cộng Hòa Dân Chủ Ðức thôi ạ!
Chánh án: – Anh nói láo! Thế Paloma, Santa Lucia là của ai?
Toán xồm: – Dạ! Paloma là của nước bạn Cuba ạ! Còn Santa Lucia là dân ca Ý ạ! Nhà xuất bản của nhà nước đã in và sân khấu nhà nước đã có nhiều ca sĩ biểu diễn ạ!
Chánh án: – Vậy anh có biết cha cha cha là cái gì không?
Toán xồm: – Dạ! Có ạ! Ðây là một nhịp điệu xuất xứ cũng tại nước bạn Cuba ạ!
Chánh án: – Thế còn Tango Bleu chắc anh cũng đổ cho Cuba hết hả?
Toán xồm: – Dạ không! Tango là một điệu nhảy Ácgiăngtin nhưng đã được quốc tế hóa. Vừa rồi Ðoàn xiếc Tiệp Khắc sang ta và các nước XHCN đều sử dụng cả ạ!
Chánh án: – Nhưng người ta đánh khác, còn anh đánh khác. Ðừng có ngụy biện!
Toán xồm: – Ðánh y hệt ạ! Chỉ có thua họ về nhạc cụ họ tốt hơn… chứ nếu chúng con có đầy đủ nhạc cụ như họ thì chúng con chẳng thua gì họ cả ạ!
Chánh án: – Anh hãy im miệng! Ðồ ngoan cố!
Và cứ như vậy, suốt phiên tòa chánh án chỉ sử dụng câu “Im miệng! Ðồ ngoan cố” để cắt lời người bị buộc tội. Không hề có ai bào chữa.
- Lệch pha và trăn trở: đọc sách “Cái vội của người mình” của Vương Trí Nhàn Nguyễn Văn Tuấn Điểm sách
- Đọc sách “Sài Gòn không phải ngày hôm qua” của Phúc Tiến Nguyễn Văn Tuấn Điểm sách
- “Lưỡi lê no máu rửa Tây Hồ” Nguyễn Văn Tuấn Đính chính
- Đọc “Những bài viết về chính trị” của Nguyễn Hưng Quốc Nguyễn Văn Tuấn Điểm sách
- Điểm sách: Tuyển tập II Chân dung Văn học Nghệ thuật và Văn hóa của Ngô Thế Vinh Nguyễn Văn Tuấn Điểm sách
- Tại sao những ca khúc trước 1975 được ưa chuộng? Nguyễn Văn Tuấn Nhận định
- Đọc sách "Những bài học thuộc lòng - Tân Quốc văn giáo khoa thư" Nguyễn Văn Tuấn Điểm sách
- Những mảnh đời qua bút kí của Đinh Quang Anh Thái Nguyễn Văn Tuấn Giới thiệu
- Cung đàn của Lộc Vàng Nguyễn Văn Tuấn Giới thiệu
- Đèn Cù và Những Lời Trăn Trối Nguyễn Văn Tuấn Nhận định
• Nhìn lại thành tích của Đảng Cộng Sản (Nguyễn Gia Kiểng)
• Thật và giả từ bước chân thầy Minh Tuệ (Hiếu Chân)
• Bỏ Rơi Hay Phản Bội? (Bùi Anh Trinh)
• Sư Minh Tuệ Và Pháp Hành Dưới Góc Nhìn Phật Giáo (Nguyễn Thanh Huy)
• Viện Bảo Tàng Quân Lực VNCH Và Buổi Nói Chuyện Về Trận Đánh Cuối Cùng 30/04/1975 (Việt Báo)
• Đao phủ Henry II: Đại họa cho cả VNCH lẫn Mỹ (Nguyễn Tiến Hưng)
• Những Ngộ Nhận về Chiến Tranh Việt Nam từ phía Hoa Kỳ (Đỗ Văn Phúc)
• Tôi gọi họ là Anh Hùng! (Đặng Chí Hùng)
• Nguyên nhân Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ 30-4-1975 (Trương Nhân Tuấn)
• Cựu nhà báo thời chiến: “Tôi không nghĩ chiến tranh VN là chống Mỹ cứu nước” (RFA)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |