|
Vương Đức Lệ(.0.1937 - 20.1.2008) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
• I. Con đường dẫn tới hiệp định chia đôi đất nước
• II. Con đường xâm nhập và đánh phá Việt Nam Cộng Hòa
• III. Con đường đưa đất nước tới chế độ cộng sản toàn trị lệ thuộc Nga Tàu
Tác giả Nguyễn Ngọc Thạch
Con đường “bác” đi là con đường bi đát, “bác” ở đây là “bác Hồ” tức Hồ Chí Minh. Ông Hồ tên thật là Nguyễn Sinh Cung, sau đổi lại là Nguyễn Tất Thành, sinh ngày 19 tháng 5, 1890 tại xã Kim Liên huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An. Tháng 6, 1911 ông xuống tàu Latouche-Tréville xin làm phụ bếp để được xuất dương với tên gọi là Anh Ba. Ông lênh đênh trên các con tàu rày đây mai đó, đi qua nhiều nước, nhiều hải cảng, có ghé qua Boston, New York … và đến sống ở Luân Đôn, Anh Quốc. Cuối năm 1917 ông chuyển qua sống bên Pháp, và cũng kể từ đây ông gặp được các nhà cách mạng tên tuổi như Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh, Phan Văn Trường, Phan Chu Trinh v.v… Ông Hồ làm trong tiệm chụp hình của cụ Phan Chu Trinh và được ở trong nhà của luật sư Phan Văn Trường số 6 đường Gobelins, Paris.
Năm 1920 ông Hồ gia nhập vào đảng xã hội Pháp theo sự giới thiệu của luật sư Phan Văn Trường là người lúc đó có nhiều tương quan với tổ chức này. Cuối năm 1920 dự hội nghị Tours của đảng Xã Hội trong đó đảng chia làm hai, ông Hồ vì nghe theo lời tuyên truyền hấp dẫn của Lênin nên đã ngã theo nhóm đảng viên Xã Hội ly khai. Để một năm sau đó tháng 12, 1921, ông Hồ trở thành một trong số những người thành lập ra đảng Cộng Sản Pháp theo Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản với chủ trương giải phóng giai cấp vô sản trên toàn thế giới.
Lúc ấy Manuilski đồ đệ của Lênin đang ở Pháp, Manuilski lợi dụng ông Hồ để quảng bá chủ trương sách lược mới của Lênin: khai thác lòng yêu nước của nhân dân các nước bị trị để đánh đổ các đế quốc thực dân, làm suy yếu chế độ Tư Bản. Ông Hồ cũng lợi dụng Manuilski để có dịp gặp Lênin và các cán bộ cao cấp của Quốc Tế 3.
Cũng chính vì sự u mê này của ông Hồ đã là nguồn gốc của cuộc chiến tranh làm tay sai triền miên cho Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản, đọa đày dân tộc Việt Nam trong suốt mấy chục năm qua. Trong khi đó hơn 30 nước ở Á Phi đã giành lại được độc lập sau đệ nhị thế chiến một cách tương đối dễ dàng, ít tốn hao sinh mạng như ở đất nước ta. Lúc đó ông Hồ lấy tên là Nguyễn Ái Quốc (Nguyen Le Patriote), đây là bút hiệu của cụ Phan Chu Trinh và là tên ký chung của hội những người Việt yêu nước tại Pháp.
Cuối năm 1923 ông Hồ sang Mạc Tư Khoa qua sự đề bạt của Manuilski để gặp Lênin và các cán bộ cao cấp Quốc Tế Cộng Sản.
Tháng giêng 1924 Lênin chết, sáu tháng sau từ 17 tháng 6 đến 8 tháng 7 ông tham dự khóa 5 Đại Hội Đảng Cộng Sản Quốc Tế và ông Hồ đã trở thành một cán bộ cốt cán, một tay sai đắc lực của Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản.
Tháng 12, 1924 ông Hồ đến Quảng Đông với tên là Lý Thụy, làm phụ tá kiêm thông dịch viên cho Borodin. Borodin là trưởng phái đoàn Cố Vấn Liên Sô bên cạnh chính phủ Tôn Dật Tiên ở Nam Trung Hoa. Thực ra đó chỉ là bình phong, vì ông Hồ được Quốc Tế 3 trao nhiệm vụ Tuyên Truyền chủ nghĩa Cộng Sản và lập các chi bộ Cộng Sản tại Đông Nam Á.
Lúc đó Lý Thụy thấy uy tín của cụ Phan Bội Châu quá lớn nên đã tìm cách triệt hạ, bán cụ Phan cho mật thám Pháp để lấy thưởng 100 ngàn quan. Cụ Phan đã bị mật thám Pháp bắt cóc ở Thượng Hải đưa vào tô giới Pháp và chuyển xuống tàu đem về Hải Phòng và bị đưa đi an trí ở Huế năm 1925.
Năm 1928 ông Hồ tới Thái Lan với nhiệm vụ là để tổ chức các chi bộ Cộng Sản đầu tiên ở Xiêm, Mã Lai, Nam Dương, Miến Điện.
Ngày 3 tháng 2, 1930 thành lập đảng Cộng Sản Việt Nam tại Hương Cảng. Nhưng đến tháng 10, 1930 đổi tên là đảng Cộng Sản Đông Dương theo chỉ thị của Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản.
Sau khi thành lập được hai tháng, đảng Cộng Sản Việt Nam liền phát động phong trào Sô Viết Nghệ Tỉnh vào tháng 4, 1930 với phương thức đấu tranh cách mạng bằng bạo lực. Để biểu hiện tính chất triệt để của cuộc đấu tranh giai cấp này, họ đã dùng bạo hành tàn sát bất phân già trẻ lớn bé, đào tận gốc, tróc tận rể bốn thành phần “trí, phú, địa, hào”. Vì vậy đảng Cộng Sản Việt Nam đã khởi đầu bằng một cuộc đấu tranh giai cấp mang tính chất cướp của giết người này, nên đã gây ra ác cảm thất nhân tâm trong lòng quần chúng. Nhưng ông Hồ đã vội vã báo cáo thành quả này cho Quốc Tế Cộng Sản ở Liên Sô là: “Hiện nay ở Việt Nam đã có một số làng đỏ “Sô Viết Nông Dân” đã được thành lập”. Từ đó cái tên phong trào “Sô Viết Nghệ Tỉnh” được tung ra và trở thành lịch sử.
Năm 1936 Mặt Trận Bình Dân ở Pháp được thành lập dưới thời Thủ Tướng Léon Blum một chính quyền thiên tả của Pháp. Trong thời gian nầy Cộng Sản Việt Nam đã mượn tay thực dân Pháp để tiêu diệt những người cách mạng yêu nước trong nước. Đến năm 1937 chính phủ Blum bị đỗ và Mặt Trận Bình Dân bị diệt.
Ông Hồ bị nhà cầm quyền Anh bắt ở Hương Cảng vì tình nghi hoạt động Cộng Sản, bị giam rồi được thả nhờ Quốc Tế 3 can thiệp cử luật sư người Anh có khuynh hướng thiên tả bào chửa,. Sau đó bị gọi về Mạc Tư Khoa tái huấn luyện và học ba năm tại trường cao cấp Lênin. Trong thời gian này Stalin đang mở cuộc thanh trừng đẫm máu để tiêu diệt các phe cánh của Trotsky. Nhưng theo Halberstam trích dẫn ý kiến của Bernard Fall coi việc Hồ Chí Minh sống sót qua cuộc thanh trừng đẫm máu này là tại vì Stalin biết rất rõ là ông Hồ sẽ trung thành vô điều kiện với Stalin.
Lúc đó các phong trào cách mạng của những người quốc gia yêu nước vẫn tiếp tục hoạt động mạnh mẽ, ta có thể kể đến Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội do Hồ Học Lãm thành lập ở Nam Kinh Trung Hoa 1935, nhằm mục đích thống nhất các tổ chức tại hải ngoại vào năm 1936, đã được chính quyền Trung Hoa lúc đó yểm trợ. Hồ Học Lãm là một sĩ quan của quân đội Quốc Dân Đảng. Uy tín của Hồ Học Lãm rất lớn đặc biệt những sĩ quan cao cấp trong quân đội Tưởng Giới Thạch, đã từng là đồng môn của Hồ Học Lãm.
Năm 1937, ông Hồ được phái trở lại hoạt động ở Hoa Nam Trung Quốc. Các tổ chức yêu nước của người Quốc Gia đều đã tiếp nhận ông Hồ và bị ông phản, vì mục đích của ông là gia nhập để biến chúng thành tổ chức của mình. Ông đã thành công trong việc xâm nhập, thao túng và chiếm danh của Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội. Danh xưng Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội sau này đã bị Nguyễn Ái Quốc tiếm dụng và đổi lại là Mặt Trận Việt Nam Độc Lập Đồng Minh và gọi tắt là Mặt Trận Việt Minh, một tổ chức ngoại vi của đảng Cộng Sản Đông Dương, đồng thời sử dụng luôn căn cước của Hồ Học Lãm với bí danh là Hồ Chí Minh.
Khi Thế Chiến II bùng nổ, nhất là khi quân Nhựt vào Đông Dương năm 1940. Lợi dụng sự yếu thế của Pháp, các đảng phái cách mạng đã bùng lên hoạt động. Việt Nam Quốc Dân Đảng lập chiến khu ở Đông Triều Bắc Giang, Lào Kay. Đại Việt Quốc Dân Đảng xây dựng chiến khu ở Thanh Hóa.
Ngày 6 tháng 1, 1941 Hồ Chí Minh cùng với Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp … chuẩn bị về nước bằng việc tổ chức tại làng Nậm Quang thuộc Quảng Tây Trung Quốc, một khóa huấn luyện chính trị cho 43 cán bộ.
Tháng 2, 1941 Hồ Chí Minh về Pac Bó thuộc tỉnh Cao Bằng.
Hồ Chí Minh bị bắt ngày 29 tháng 2, 1942 khi từ Pac Bó trở qua Quảng Tây, nhưng nhờ Việt Cách, gọi tắt của Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội do Trương Bội Công và Nguyễn Hải Thần thành lập, can thiệp với tướng Trương Phát Khuê nên Hồ Chí Minh được trả tự do. Trong thời gian này Hồ Chí Minh vừa nhân danh Việt Minh, Việt Cách vừa sử dụng giấy tờ chứng nhận của tướng Trương Phát Khuê trong mọi hoạt động để tuyên truyền lôi cuốn những phần tử còn e dè với cộng sản và đã bắt liên lạc với các toán hoạt động đặc biệt của Mỹ tại Hoa Nam.
Ngày mồng 9 tháng 3, 1945, Nhựt đảo chính Pháp và trao trả chủ quyền lại cho vua Bảo Đại. Ngày 11-3-1945, Bảo Đại tuyên bố hủy bỏ hiệp ước 1884 và sau đó ngày 14-8-1945 hủy bỏ tất cả các hiệp ước bất bình đẳng 1862, 1874 do triều đình Huế ký với Pháp. Ngày 27-4-1945, Bảo Đại đã ký dụ số 11 cử Phan Kế Toại làm Khâm Sai Bắc Kỳ và ngày 14-8-1945 ký dụ số 108, cử Nguyễn Văn Sâm làm Khâm Sai Nam Kỳ.
Được mấy tháng thì quân Đồng Minh thắng trận, Nhựt Bản đầu hàng, đảng Cộng Sản do Hồ Chí Minh thừa cơ hội nỗi lên cướp chính quyền. Về việc Việt Minh cướp chính quyền, một thủ đoạn lộng giả thành chân của Cộng Sản khôn ngoan không kém gì việc mượn chiêu bài yêu nước, đã được Trần Văn Giàu kể khá chi tiết như sau: “… một số cán bộ Việt Minh đã biến cuộc mít tinh do hội Công Chức của Chính Phủ Trần Trọng Kim tổ chức ngày 17 tháng 8, 1945 ở nhà hát lớn Hà Nội thành một cuộc mít tinh của Việt Minh bằng một hành động thật là đơn giản là cướp diễn đàn. Số người tham dự lúc đầu là 20 ngàn, khi Việt Minh biến cuộc mit tinh thành tuần hành thì càng lúc càng đông lên tới 50 ngản người, lúc do cờ đỏ sao vàng và các khẩu hiệu của Viêt Minh đã đầy dẫy khắp nơi”. Thủ đoạn này đã giúp Mặt Trận Việt Minh khoa trương gấp bội thực lực yếu kém lúc đó. Bí thư thành ủy Cộng Sản Hà Nội lúc đó là Nguyễn Khang chỉ huy kế hoạch cướp đoạt này.
Thủ thuật cướp đoạt này ngày nay đã được Bin Laden, một lãnh tụ Hồi Giáo quá khích sử dụng. Họ chỉ cần 5 tên khủng bố có trang bị chút ít vũ khí như dao kéo vật bén nhọn lả cướp được một chiếc máy bay khổng lồ, khống chế cả mấy trăm người kể cả phi công một cách dễ dàng và lái phi cơ đâm vào hai tòa cao ốc World Trade Center và Ngủ Giác Đài một cách thật bất ngờ ngoài sức tưởng tượng.
Sau khi cướp được chính quyền, Việt Minh lợi dụng ưu thế có chính quyền trong tay, họ liền phát động một cuộc thanh toán triệt hạ các người quốc gia yêu nước. Các đảng phái: Việt Nam Quốc Dân Đảng, Việt Quốc, Việt Cách, Đại Việt Quốc Dân, Đại Việt Quốc Xã, Đại Việt Duy Dân … và các tôn giáo Cao Đài, Hòa Hảo, Cơ Đốc, kể cả những người cộng sản theo khuynh hướng đệ tứ đều trở thành mục tiêu diệt trừ của chính quyền cộng sản khiến hàng mấy chục ngàn người chết, các đảng phái tan rã.
Trong cuốn “A Dragon Embattled” tạm dịch là “Con Rồng Nghênh Chiến”, tác giả Joseph Buttinger (1906 - 1992) đã nêu rõ trường hợp nhiều người bị giết do không tán thành Việt Minh, với chi tiết về từng người trong đó gồm có:
- Bùi Quang Chiêu, người sáng lập đảng Lập Hiến. Bùi Quang Chiêu bị bắt ở Chợ Đệm ngày 29-9-1945 cùng bốn người con trai đem đi thủ tiêu mất xác, trong đó có người con út mới 16 tuổi.
- Dương Văn Giáo, Nguyễn Văn Sâm và Hồ Văn Ngà bị đâm chết thả trôi sông vùng Kim Quy, Đá Bạc, Rạch Giá.
- Phạm Quỳnh, học giả, đại thần và cố vấn của Bảo Đại, bị giết ngày 6-9-1945.
- Ngô Đình Khôi, anh ruột của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, bị giết cùng với trưởng nam Ngô Đình Huân ngày 6-9-1945.
- Đức Huỳnh Phú Sổ là nhà tiên tri, sáng lập và giáo chủ Phật Giáo Hòa Hảo. Chẳng những bị giết mà còn bị phanh thây, ném đi mỗi nơi một chi thể để tín đồ khỏi tôn thờ và lập đền thiêng.
- Trương Tử Anh, đảng trưởng Đại Việt Quốc Dân Đảng bị Việt Minh bắt mùa hè 1946 trong chiến dịch lùng diệt đối lập và không bao giờ thấy tăm tích đâu nữa.
- Tạ Thu Thâu là do Trần Văn Giàu cho phục kích và giết, sau khi Trần Văn Giàu đi thăm Hồ Chí Minh trở về.
- Phan Văn Hùm và Trần Văn Thạch bị bắt ngày 8-10-1945 và bị đem đi chôn sống tại Bình Thuận cùng với 62 đồng chí.
- Lãnh tụ Duy Dân Lý Đông A và nhà văn Khái Hưng bị thủ tiêu ở bến đò Cựa Gà Nam Định.
Về nạn nhân từ các tôn giáo, tác giả trích bạch thư Cao Đài Giáo gởi Liên hiệp quốc cho biết trong ba tuần lể từ 19 tháng 8, 1945 tại Quãng Ngãi Việt Minh đã giết 2791 tín đồ Cao Đài đủ mọi thành phần kể cả phụ nữ trẻ em, như chém đầu, chôn sống, thả trôi sông và tùng xẻo. Số tín hữu Cao Đài bị giết trên toàn quốc năm 1945 được thống kê khoảng 10.000 người.
Việt Minh đã sát hại những người không theo cộng sản một cách triệt để, không một chút nương tay. Ông Bernard Fall đã viết như sau: “tại Nam Kỳ, Việt Minh đã thanh toán những phần tử cảm tình của đối phương bằng cách trói lại từng chùm rồi thả xuống sông Mékong cho chết trôi ra biển cả."
Sau khi Đệ Nhị Thế Chiến vừa chấm dứt, khối trục Đức, Ý, Nhựt vừa đầu hàng, Liên Sô liền lợi dụng thời cơ bành trướng thế lực, mở rộng chủ nghĩa cộng sản. Kể từ đó thế giới hình thành hai khối đối nghịch nhau, một bên là phe Cộng Sản đang bành trướng, còn một bên là phía Thế Giới Tự Do, đứng đầu là Mỹ Anh Pháp tìm cách ngăn chận không cho chủ nghĩa cộng sản lan tràn.
Nhưng không may cho dân tộc ta, vì ông Hồ đã đứng vào hàng ngủ tay sai cho Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản, cho nên cuộc đối đầu giữa hai thế lực quốc tế này lại diễn ra ngay trên phần đất Việt Nam. Một cuộc chiến mà một bên là khối Cộng Sản đồng nhất mang tính quy mô thế giới dưới sự chỉ đạo của Liên Sô và một bên là thực dân Pháp.
Tuy Pháp đã tự đặt cho mình nhiệm vụ ngăn chống cộng sản nhưng vẫn còn nuối tiếc muốn tạo lập lại chủ quyền ở Đông Dương. Trong khi đó Tổng Thống Hoa Kỳ Roosevelt chống đối bất cứ kế hoạch nào sử dụng quân đội Pháp vào việc giải phóng Đông Dương, không cung cấp tàu bè cho Pháp chuyên chở một đạo quân viễn chinh đến Đông Nam Á. Nhưng sau khi Tổng Thống Roosevelt từ trần ngày 12-4-1945, bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã thông qua một chính sách không chống đối sự phục hồi chủ quyền của Pháp ở Đông Dương, nhưng yêu cầu Pháp phải bảo đảm cho người bản xứ được tự trị.
Ngày 6-3-1946, Việt Minh ký với Pháp Hiệp Ước Sơ Bộ để rước thực dân Pháp trở lại Việt Nam. Ngày 18-3-1946, các đơn vị Pháp dưới quyền chỉ huy của Tướng Leclerc đến Hà Nội. Vài tháng sau quân viễn chinh Pháp có mặt ở Hải Dương, Nam Định, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên Phủ, Huế, Đà Nẵng.
Ngày 28-5-1946, một phái đoàn Việt Minh do Phạm Văn Đồng dẫn đầu khởi hành sang Pháp. Ông Hồ Chí Minh cùng đi theo nhưng với tư cách riêng và là thượng khách của chính phủ Pháp. Halberstam đã ghi nhận về Hiệp Ước Fontainebleau coi như Hồ Chí Minh đã nhượng bộ Pháp quá đáng, thậm chí còn cáo buộc Hồ Chí Minh là gián điệp cho Pháp, một kẻ phản quốc. Kiều bào Việt Nam ở Pháp đã biểu tình đã đảo Hồ Chí Minh bán nước khi ông ta đến hải cảng Marseille để lên tàu về nước.
Trong lúc ông Hồ cùng với phái đoàn Việt Nam ở Pháp, ông Võ Nguyên Giáp đã tận dụng khoảng thời gian hòa hoãn với Pháp để tiêu diệt các đảng phái quốc gia. Việt Minh muốn nắm chính quyền một mình còn Pháp thì căm ghét các đảng phái quốc gia, nên Pháp đã hợp lực với Việt Minh trong các hoạt động cảnh sát và quân sự chống lại họ. Cho đến cuối tháng 11, 1946 hầu hết các cứ điểm của Việt Nam Quốc Dân Đảng và Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội đã bị Việt Minh phá tan.
Khoảng tháng 7, 1946 phe quốc gia ở Bắc bộ đã bị vô hiệu hóa. Phần lớn những người lãnh đạo phải chạy sang Trung Hoa lánh nạn. Bộ phận lưu vong này đã hợp lực với một số đảng phái và tổ chức chính trị ở trong nước thành lập ở Thượng Hải “Mặt trận Quốc gia Thống nhứt Toàn quốc” gồm 10 đảng phái và tổ chức như Việt Nam Quốc Dân Đảng, Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội, Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng, Giáo Phái Hòa Hảo, Giáo Phái Cao Đài, Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam, Việt Nam Quốc Gia Thanh Niên Đoàn, Việt Nam Quốc Gia Độc Lập Đảng, Trí Thức Nam Bộ.
Ngày 20 tháng 2, 1947 Mặt Trận ra tuyên ngôn trong đó có những điểm đề cập đến những mục đích nền tảng của Mặt Trận và thái độ của Mặt Trận đối với Việt Minh cũng như Pháp như sau:
1- Tranh thủ độc lập quốc gia
2- Thống nhứt Nam Bắc
3- Cũng cố chánh thể Cộng Hòa, thực thi một chế độ dân chủ chân chính
4- Làm cho nước Việt Nam cường thịnh
5- Góp sức vào công cuộc xây đấp nền hòa bình lâu dài của thế giới theo hiến chương của Liên hiệp quốc.
Đối với Việt Minh, Mặt Trận muốn các anh em Việt Minh bỏ hết thành kiến, đặt quyền lợi của tổ quốc lên trên hết mà thành thực nhận rằng:
- Chủ Nghĩa Cộng Sản không thích hợp với dân tộc Việt Nam, với trào lưu thế giới.
- Chính sách Việt Minh là chính sách sai lầm đưa tổ quốc vào vòng tai họa.
Đối với dân tộc Pháp, Mặt Trận và cả dân tộc Việt Nam không có thù hận gì, nhưng ngày nay đã đến lúc dân tộc Pháp phải hiểu rõ cái bổn phận thiêng liêng, đứng lên đạp đổ chế độ thực dân thì mới mong cùng dân tộc Việt Nam thân thiện.
Ngày 20 tháng 10, 1946 sau khi từ hội nghị Fontainebleau trở về, Hồ Chí Minh cho lệnh triệu tập quốc hội lần thứ nhứt để bầu chính phủ mới và soạn thảo hiến pháp. Ông Hồ muốn áp đặt một chế độ độc tài cộng sản, nhưng phải được đa đảng chấp thuận. Trong số 70 ghế dành cho phe đối lập có tới 33 người vắng mặt. Những dân biểu đối lập hiện diện bị công an chìm theo dõi, nhiều người bị bắt và buộc tội, nhiều người bị khám nhà trong khi quốc hội đang họp. Khi tạm ngưng họp trong số 37 người chỉ còn 20 hiện diện và trong số 20 người này chỉ có hai người đủ can đảm giữ lập trường chống đối mạnh mẽ, bỏ phiếu chống. Hai phiếu chống là của hai dân biểu Nguyễn Văn Thành và Cung Đình Quý. Sau đó một người bị bắt, một người bỏ trốn. Hơn thế nữa trước khi quốc hội họp, Võ Nguyên Giáp đã bắt giam 200 thủ lảnh đối lập và giết một số người trong đó có Vũ Đình Chi, một cây bút nỗi tiếng của tờ Việt Nam, cơ quan ngôn luận của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Sau cùng bản hiến pháp đã được quốc hội thông qua ngày 8 tháng 11, 1946 đúng theo mục đích yêu cầu của Hồ Chí Minh là đảng cộng sản nắm độc quyền cai trị đất nước với 240 phiếu thuận, chỉ có 2 phiếu chống.
Ngày 18 tháng 11, 1946 tại Hải Phòng đã xảy ra một vụ lộn xộn bắn nhau giữa quân đội Pháp và quân đội Việt Nam. Dân chúng Hải Phòng tản cư. Tiếp đến Hà Nội cũng được lệnh tản cư. Vào 8 giờ tối ngày 19 tháng 12, 1946 tại Hà Nội quân Việt Nam phá nhà máy điện và nỗ súng vào quân Pháp. Việt Minh coi ngày 19 tháng 12, 1946 như “Ngày Kháng Chiến Toàn Quốc”.
Trong ba tháng đầu của cuộc chiến tranh Việt - Pháp, quân đội Viễn Chinh Pháp cố gắng giải vây các thành phố ở đồng bằng cũng như miền núi ở Bắc bộ và miền trung Trung bộ. Từ tháng 3, 1947 nhờ có thêm viện binh nâng tổng số quân Viễn chinh Pháp lên hơn 100.000, Pháp bắt đầu mở nhiều cuộc hành quân lớn. Đối phó lại Việt Minh tránh lối phòng ngự bị động cũng như trận địa chiến.
Chiến dịch Thu Đông năm 1947 của Pháp đánh lên Việt Bắc đã không thành công. Kể từ đó Pháp không còn khả năng mở các cuộc tấn công quy mô vào căn cứ kháng chiến đầu não của Việt Minh nữa. Pháp mất khí thế tấn công trong khi Việt Minh chuyển sang cầm cự.
Mùa thu năm 1949 Hồng Quân Trung Quốc chiếm toàn bộ nước Trung Hoa đuổi Tưởng Giới Thạch ra đảo Đài Loan. Hồ Chí Minh liền trao đổi điện văn chào mừng nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc và công khai gia nhập vào phe Cộng Sản, Mao Trạch Đông đã sẵn sàng mở rộng vòng tay đón nhận.
Tháng 1, 1950 nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa vả Liên Sô công nhận nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa của Hồ Chí Minh. Sau đó họ Mao nhân danh tình hữu nghị xã hội chủ nghĩa, đã cử ngay đoàn cố vấn chính trị do Lã Quý Ba đứng đầu và đoàn cố vấn quân sự do Vị Quốc Thanh làm trưởng đoàn sang chiến khu Việt Bắc trợ giúp Việt Minh.
Cộng Sản Việt Nam và Cộng Sản Trung Quốc bắt tay ngay vào việc xây dựng đường nối liền “biên giới hữu nghị” giữa “hai nước anh em”. Tháng 5, 1950 Trung Ương Đảng Cộng Sản Đông Dương ra chỉ thị về việc sửa đường và vận tải như sau: “hiện nay việc giao thông liên lạc giữa nước ta và nước ngoài đặc biệt là Trung Quốc là rất cần thiết nên phải sửa gắp những con đường lớn trong Liên Khu Việt Bắc từ biên giới vào”. Họ đã huy động hàng vạn dân công và bộ đội vào công tác chiến lược này. Chỉ trong vòng hơn ba tháng đã hoàn thành việc mở hàng trăm cây số đường lớn trên nhiều ngã từ biên giới dẫn vào lãnh thổ nước ta.
Tháng 8, 1950 tiếp tế lương thực vũ khí của Trung Cộng bắt đầu tới bằng đường bộ từ Quảng Tây sang. Ngoài ra cũng có một đường tiếp tế phụ từ đảo Hải Nam vào vịnh Bắc Việt. Người ta ước tính rằng trong một tháng trang bị quân sự của Trung Cộng đổ vào cho Việt Minh: 50.000 súng trường, 95 súng máy, 30 súng cối, 32 pháo dã chiến 75 ly, 8 súng 37 ly và 4 đại pháo 130 ly.
Vào mùa hè 1950 Việt Minh tập trung huấn luyện các đơn vị chủ lực ở biên giới Hoa-Việt với sự trợ giúp của khoảng hơn 10.000 cố vấn và chuyên gia Trung Cộng để học kinh nghiệm quý báu của “Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc anh em”, Bùi Tín nguyên là một Đại Tá CSBV đã kể lại như sau: “Có thể nói từ đại tướng đến lính trơn đều cấp sách đi học các ông cố vấn Tàu: … thế nào là chiến thuật Lâm Bưu, là tổ chức theo kiểu tam tam chế, là phương châm chiến thuật “tứ khoái nhứt mạn” 4 nhanh 1 chậm, là chiến thuật công kiên v.v…. Và từng đoàn cán bộ nối tiếp sang Tàu, lên Bắc Kinh, Thượng Hải, Nam Kinh, Quảng Châu để học. Bắc Đại, trường đại học Bắc Kinh, mở rộng cửa đón hàng trăm cán bộ Việt Nam ta …”
Với sự viện trợ và cố vấn của Trung Quốc, bộ đội Việt Minh đã biến thành “Hồng Quân Việt Nam”. Họ liền mở chiến dịch lớn ở Việt Bắc đánh vào một phòng tuyến yếu nhất của Pháp ở Cao Bắc Lạng. Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ đạo chiến dịch, Trần Canh một trong ngũ hổ tướng của Mao Trạch Đông cố vấn cho họ Võ trong chiến dịch này. Giữa tháng 10, 1950 Pháp bị quét sạch khỏi vùng Đông Bắc Bắc Việt gồm 5 thị xã, 13 thị trấn, một dãi biên giới dài 750 cây số gồm 35 vạn dân. Căn cứ địa Việt Bắc của Việt Minh được mở rộng và củng cố, biên giới Việt Nam nối liền với hậu phương lớn phe Xã Hội Chủ Nghĩa “hùng cường”.
Cuối tháng 10, 1950 trong khi Pháp đang bị đại bại trên tuyến biên phòng Hoa-Việt, thì ở Triều Tiên Trung Cộng đưa một đạo quân hùng hậu từ Mãn Châu sang tham chiến. Sau khi quân đội Liên hiệp quốc dưới quyền Thống Tướng Mac Arthur đã đánh lui quân Bắc Triều Tiên về bên kia vĩ tuyến 38 và đang tiến lên hướng Bắc về phía sông Áp Lục (YaLu river). Thì vào ngày 27- 11-1950 trong lúc tình hình đang yên ắng, đột nhiên quân Trung Cộng tung ra các cuộc tấn công vũ bão làm cho quân Liên Hiềp Quốc bị thiệt hại rất nặng nề, phải tháo lui về phía Nam. Thế là một đạo quân nông dân đã đánh tả tơi một đạo quân phương Tây dưới quyền chỉ huy của một tướng Mỹ lừng danh thế giới. Từ nay trở đi trong chiến lược ngăn chặn cộng sản của Hoa Kỳ, Triều Tiên là mặt trận thứ nhất, Đông Dương là mặt trận thứ hai, và Hoa Kỳ mong muốn Pháp chặn làn sóng đỏ ở Đông Dương trong khi Hoa Kỳ chặn làn sóng đỏ ở Triều Tiên.
Tháng 9, 1951 tướng De Lattre de Tassigny, Tổng Chỉ Huy Quân Đội Viễn Chinh Pháp đến Hoa Kỳ cố gắng tranh thủ cảm tình của báo chí cũng như chính giới Mỹ. Ông tập trung vào hai vấn đề chủ yếu: chiến tranh Việt Nam là chiến tranh chống thực dân đỏ và viện trợ Đông Dương cần được tăng thêm. De Lattre đã trình bày cho các giới chức quân sự Mỹ biết trong tháng 5 và tháng 6, 1951 có những lúc toàn Đông Dương chưa có tới 6.000 viên đạn pháo binh nên không thể mở các cuộc phản kích vì thiếu đạn. Và vì thiếu phương tiện không vận nên các cuộc hành quân nhảy dù không thực hiện được, các máy bay Hellcat của Pháp đã lỗi thời cần được thay thế.
Ngày 14-10-1952 Việt Minh mở chiến dịch quy mô tấn công vùng Tây Bắc Bắc Việt. Bước sang đầu năm 1953 Việt Minh mở chiến dịch đánh sang Thượng Lào. Những khu vực chiến lược quan trọng của Pháp mất dần về tay Việt Minh và sinh lực của Pháp bị hao hụt quá nhiều. Quan trọng nhứt là Việt Minh nắm thế chủ động lựa chọn chiến trường theo ý họ. Với chiến lược mềm nắn rắn buông và với một lực lượng cơ động trội hơn hẳn lực lượng cơ động của Pháp, Việt Minh càng ngày càng mạnh.
Trước tình hình này, Pháp lại hối thúc Hoa Kỳ viện trợ thêm. Cuối tháng 3, 1953 Thủ Tướng Pháp René Mayer đến Mỹ. Về phía chính quyền Eisenhower cam kết theo đuổi một chính sách chống cộng mạnh mẽ ở Á Châu, nhưng lại không muốn can thiệp như ở Triều Tiên. Đồng thời Hoa Kỳ thúc giục Pháp trao trả chủ quyền cho Quốc Gia Việt Nam để phát huy chính nghĩa chống cộng sản.
Ngày 21 tháng 5, 1953 tướng Navarre thay tướng Salan, Tổng Chỉ Huy Quân Đội Viễn Chinh Pháp ở Đông Dương, trong lúc tình hình quân Pháp đang bị động lúng túng. Để giành lại quyền chủ động tướng Navarre cho biết ông sẽ lập một căn cứ Không Lục ở Điện Biên Phủ để làm phương tiện bảo vệ Thượng Lào. Ý kiến của tướng Navarre đã bị tướng Corniglion Molinier Bộ Trưởng Không Quân Pháp bác bỏ. Theo vị tướng này thì việc thiết lập một cứ điểm như vậy không thể thực hiện được vì thung lủng Điện Biên Phủ bị đầy núi bao quanh chế ngự và khoảng cách từ Hà Nội đến Điện Biên Phủ sẽ giới hạn nghiêm trọng việc yểm trợ bằng Không Quân. Nhưng tướng Navarre không quan tâm đến luận cứ chuyên môn này.
Ngày 20-11-1953 Pháp mở cuộc hành quân Castor tái chiếm Điện Biên Phủ dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Thiếu Tướng Jean Gilles với một lực lượng gồm 6 Tiểu Đoàn Nhảy Dù, 1 Tiểu Đoàn Pháo Binh, 1 Đại Đội Công Binh. Lực lượng Pháp làm chủ tình hình, Việt Minh rút lui vào rừng. Quân Pháp bắt đầu tiến hành lập công sự phòng thủ, chuẩn bị cho sân bay hoạt động, phát quang xạ trường và lập các tiền đồn.
Ngày 8-12-1953 Đại Tá De Castries đến nhậm chức ở Điện Biên Phủ. Đối với Tướng Navarre thì De Castries đã quen biết từ lâu, lúc De Castries còn là Trung Sĩ thì Navarre là Trung Úy, cả hai cùng ở trong một Trung Đoàn Kỵ Binh. Rủi thay cho Đại Tá De Castries, thung lũng Điện Biên Phủ không phải là đất dụng võ của Kỵ Binh.
Điện Biên Phủ nguyên là trụ sở của một quận lỵ sát biên giới Lào Việt ở cánh đồng Mường Thanh mà cư dân phần đông là người Thái Trắng, cách Hà Nội 300 cây số, cách Lai Châu 80 cây số và cách Luang Prabang 200 cây số. Mường Thanh mà người ta thường gọi là Điện Biên Phủ là một thung lũng chiếm một diện tích 150 cây số vuông với chiều dài 17 cây số và chiều rộng 9 cây số. Núi non trùng điệp bao quanh thung lũng Điện Biên Phủ trong một phạm vi từ 10 đến 12 cây số. Giữa thung lũng con sông Nậm Rốm lững lờ uốn khúc theo chiều dọc, dâng nước lên cao làm ngập lụt ruộng đồng vào mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 9. Dân chúng ở thung lũng có chừng 10.000 người, tập trung chủ yếu ở một ngôi làng lớn ở tả ngạn sông Nậm Rốm, làm nghề cày cấy, thu hoạch khoảng 2.000 tấn gạo mỗi năm, nhưng đặc sản ở đây là thuốc phiện sống.
Đầu tháng 1, 1954 tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã hình thành gồm ba phân khu: Bắc, Trung Tâm và Nam. Tên các cứ điểm theo vần A,B,C… là tên các cô gái như Anne Marie, Beatrice, Claudine, Dominique, Elaine, Gabrielle, Huguette, Isabelle….
Vào đầu tháng 3, 1954 số quân Pháp ở Điện Biên Phủ lên đến 12 Tiểu Đoàn Bộ Binh, 3 Tiểu Đoàn Pháo Binh gồm đại bác 105 ly, 155 ly, và súng cối 122 ly, 1 Tiểu Đoàn Công Binh, 1 Chi Đoàn chiến xa hạng nhẹ M24 gồm 10 chiếc, được lấp ráp bằng các bộ phận rời chuyển bằng máy bay tới, 1 Phi Đoàn chừng 12 chiếc máy bay chiến đấu Bearcat và 2 Phi Đội máy bay quan sát khoảng 10 chiếc, túc trực ở sân bay Điện Biên Phủ. Trong lảnh vực tiếp vận, một đoàn máy bay vận tải khoảng 80 chiếc đủ loại từ Hà Nội, phần lớn là máy bay Mỹ, do phi công Mỹ ký hợp đồng chuyên chở.
Việt Minh điều vào chiến trường Điện Biên Phủ toàn bộ 4 Đại Đoàn 308, 312, 316, 304 (trừ một trung đoàn tham dự chiến dịch Trung Lào) và Đại Đoàn Công Pháo 351 gồm 1 Trung Đoàn Pháo 105 ly (24 khẩu), 1 Trung Đoàn Sơn Pháo 75 ly (20 khẩu), 1 Tiểu Đoàn Súng Cối 120 ly (16 khẩu), 1 Trung Đoàn Pháo Phòng Không trong đó có 1 Tiểu Đoàn Pháo Cao Xạ 37 ly (12 khẩu), 2 Tiểu Đoàn Pháo Cao Xạ 12 ly 7, và 1 Trung Đoàn Công Binh. Ngược lại với ý kiến của pháo binh phương tây, Việt Minh đã đặt pháo ở sườn núi bắn thẳng xuống Điện Biên Phủ và mặc dầu như vậy mà pháo binh Pháp vẫn không dập tắt được pháo của họ.
Trung Cộng cũng đã cung cấp tất cả các xạ thủ cho các khẩu đại bác hạng nặng cũng như đại bác phòng không và tài xế cho các xe vận tải. Một đoàn cố vấn Trung Cộng gồm hai tướng Vị Quốc Thanh và Trần Cảnh bên cạnh tướng Giáp và 14 cố vấn tại bộ tham mưu chiến dịch và vô số cố vấn ở cấp tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn.
Để phục vụ cho lực lượng tác chiến này là một đoàn dân công đông đảo trên 260.000 người, riêng ở mặt trận Điện Biên Phủ có 40.000 dân công trực tiếp lo việc vận chuyển và đào hầm hố.
Xét về binh lực và hỏa lực Pháp có 1 thì Việt Minh có 4, với các loại vủ khí tối tân của Nga, Tàu và một số lớn vủ khí hạng nặng như pháo 105 ly của Mỹ bỏ lại trong trận chiến Triều Tiên cuối năm 1950. Còn xét về tiếp vận thì Pháp ở vào tình trạng bấp bênh, không chủ động được.
Ngày 11-3-1954 Phó Tổng Thống Mỹ Richard Nixon tháp tùng Tướng Cogny, Tư Lệnh Lực Lượng Pháp ở Bắc Việt đến thị sát căn cứ Điện Biên Phủ.
Đúng 17:00 giờ ngày 13-3-1954 Việt Minh mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ bằng cuộc tấn công vào cứ điểm Béatrice với chiến thuật tiền pháo hậu xung. Đến 20:30 giờ thì cứ điểm Béatrice bị tràn ngập và bị mất liên lạc vào lúc 00:15 giờ.
24 giờ đồng hồ sau, vào lúc 17:00 giờ ngày 14 tháng 3 Việt Minh pháo kích dồn dập vào cứ điểm Gabrielle. Lúc 20:00 giờ, Đại Đoàn 308 xông vào với hai mủi tấn công, mổi mủi do một Trung Đoàn đảm nhiệm. Đến 2:30 giờ thì liên lạc điện thoại và vô tuyến bị gián đoạn.
Lần đầu tiên trong chiến trường Đông Dương Việt Minh tập trung một lực lượng pháo binh không phải là áp đảo mà là gấp bội lực lượng pháo binh của Pháp và đây cũng là lần đầu tiên họ sử dụng pháo 105 ly bắn thẳng vào các công sự phòng thủ sơ sài của Pháp. Giữa các tiếng nỗ ì ầm của các loại pháo quen thuộc, quân trú phòng Pháp còn nghe thấy tiếng rú rùng rợn tiếp theo là tiếng nỗ vang trời của các loại hỏa tiển xuất phát từ các ống phóng Katyusha mà Pháp gọi là “phong cầm Stalin”. Katyusha là loại hỏa tiễn sáu nòng do Nga chế tạo đã gây tác hại cho quân Đức trong Đệ Nhị Thế Chiến, giờ đây nó cũng làm cho quân Pháp ở Điện Biên Phủ thất điên bát đảo.
Cuộc tấn công của Việt Minh đã được tiến hành qua ba đợt: đợt một từ 13 đến 28 tháng 3, đợt hai từ 30 tháng 3 đến 30 tháng 4, và đợt ba từ 1 đến 7 tháng 5.
Ngày 20 tháng 3, Tướng Paul Ely, Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội Pháp sang Washington yêu cầu Hoa Kỳ viện trợ thêm các máy bay oanh tạc, chiến đấu, vận tải đủ loại, đồng thời yêu cầu Hoa Kỳ bảo đảm sẽ can thiệp nếu Trung Cộng nhảy vào vòng chiến ở Đông Dương. Nhân dịp này Đô Đốc Arthur Radfort, Chủ Tịch Hội Đồng Tham Mưu Trưởng Liên Quân Hoa Kỳ gợi ý với tướng Ely rằng trong trường hợp có lời yêu cầu của Pháp, Hoa Kỳ sẽ sử dụng khoảng 100 máy bay oanh tạc tại căn cứ không quân Clark ở Philippine với sự yểm trợ của các máy bay trên hai Hàng Không Mẩu Hạm đang có mặt ở biển Đông, đánh phá bộ đội Việt Minh trong 3 hay 4 đêm liền ở Điện Biên Phủ. Sự can thiệp bằng Không Quân này được mệnh danh là “Cuộc Hành Quân Kên Kên” (Vulture).
Pháp lâm vào hoàn cảnh khốn đốn và Việt Minh lần lần bóp nghẹt Điện Biên Phủ bằng một hệ thống địa đạo. Cuối tháng 3, hệ thống địa đạo của Việt Minh bao quanh cứ điểm ở Khu Trung Tâm đã hình thành. Chiếc phi cơ vận tải C47 cuối cùng cất cánh mà không hề hấn gì khỏi sân bay Điện Biên Phủ là vào ngày 27 tháng 3. Từ đó về sau tình hình càng ngày càng bi đát hơn. Đêm hôm 28 tháng 3 một máy bay vận tải tản thương trên đó có nữ y tá không quân Geneviève De Galard, đáp tương đối an toàn xuống sân bay Điện Biên Phủ. Nhưng hôm sau trong lúc chuẩn bị cất cánh để về Hà Nội thì bị bắn cháy, nhân viên phi hành đoàn phải ở lại. Geneviève gia nhập đoàn y tá của bệnh xá Điện Biên Phủ và bỗng dưng trở thành “Thiên thần của Điện Biên Phủ” như lời xưng tụng của báo chí Mỹ.
Bước sang tháng 4, 1954 số phận quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ đã như trứng để đầu đẳng. Tất cả đều tùy thuộc vào tiếp vận, mà việc tiếp tế cũng như tăng quân lại chỉ nhỏ giọt vì pháo phòng không của Việt Minh đã thu hẹp vùng thả dù.
Ngày 23 tháng 4, khi tình hình Điện Biên Phủ đã suy sụp đến mức trầm trọng thì Pháp yêu cầu Mỹ tiến hành kế hoạch “Kên Kên”. Song le Ngoại Trưởng Dulles từ chối, viện lẻ cần phải có thời gian vận động quốc hội chấp thuận, và lúc này đã quá trễ không thể cứu được Điện Biên Phủ nữa.
Ngày 5 tháng 5 căn cứ Điện Biên Phủ báo cáo về Hà Nội đã có thêm nhiều hầm hào bị sụp đổ vì mưa lủ. Lúc 21:00 giờ ngày 5 tháng 5 Tướng De Castries nhận được một bức điện riêng của Tướng Cogny cho phép tiến hành cuộc vượt thoát vòng vây nếu cảm thấy rằng không còn hy vọng gì cầm cự được nữa. Ở Điện Biên Phủ Tướng De Castries và các sĩ quan chủ chốt đồng ý với nhau là không phổ biến lệnh đó.
Ngày 7-5-1954 vào lúc 10:00 giờ Tướng De Castries liên lạc về Hà Nội báo cáo với tướng Cogny là Điện Biên Phủ trong tình trạng hấp hối. Lúc 17:00 giờ Tướng De Castries thông báo với Hà Nội là cho phá hủy máy truyền tin. Vào lúc 17:30 giờ Tướng De Castries và toàn bộ tham mưu căn cứ Điện Biên Phủ đã đầu hàng.
Trong khi chiến sự còn đang sôi sục ở Việt Nam thì các cường quốc trên thế giới đã thỏa thuận với nhau triệu tập hội nghị Genève khai mạc ngày 26-4-1954. Từ ngày 3 đến ngày 5 tháng 7, Chu Ân Lai đã gặp Hồ Chí Minh ở một địa điểm không tiết lộ tại biên giới Hoa-Việt. Người ta không rõ nội dung cuộc hội đàm ra sao, nhưng chỉ 5 hôm sau nhật báo Nhân Dân của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đăng một bài xã luận trong đó có đoạn viết: “Cuộc gặp gở đã mang lại những kết quả quan trọng. Nếu chính phủ Mendès France quyết định rũ bỏ sự lệ thuộc vào Hoa Kỳ thì chắc chắn có thể dẫn tới một cuộc đình chiến ở Đông Dương”. Ông Mendès France cũng được Liên Sô hoan nghinh, dường như ông Molotov tính toán rằng nếu để cho ông Mendès France đạt được một cuộc dàn xếp thỏa đáng ở Genève thì có nhiều hy vọng chính phủ Pháp sẽ bác bỏ dự án thành lập Cộng Đồng Phòng Thủ Âu Châu (NATO) đang hình thành. Ông Mendès France thông báo cho ông Bedell Smith yêu cầu Hoa Kỳ dùng ảnh hưởng của mình để phe Quốc Gia Việt Nam đừng cản trở một cuộc đình chiến trong danh dự mà Pháp có thể đạt được với Việt Minh.
Đến ngày 20 tháng 7, 1954, Hiệp Định Đình Chiến Genève ra đời chia đôi đất nước Việt Nam ra hai miền đối nghịch nhau: phía bắc vĩ tuyến 17 thuộc phe Xã Hội Chủ Nghĩa, trong khi ở nam vĩ tuyến 17 đứng trong hàng ngủ Thế Giới Tự Do.
Hiệp Định Genève gồm hai văn kiện: Hiệp Định Đình Chỉ Chiến Sự có mang chử ký của các bên hữu quan ở Đông Dương và Bản Tuyên Bố Chung của hội nghị thì không mang chử ký của ai cả.
Ngày 21 tháng 7, Ngoại Trưởng Trần Văn Đỗ, Trưởng phái đoàn Quốc Gia Việt Nam đã cho phổ biến tuyên ngôn với nội dung chủ yếu như sau:
“Việt Nam long trọng phản đối việc ký kết hấp tấp thỏa hiệp ngừng chiến do hai cơ quan Tư Lệnh Tối Cao Pháp và Việt Minh mà thôi, cùng những điều khoản không tôn trọng nguyện vọng sâu xa của dân tộc Việt Nam. Chính Phủ Việt Nam yêu cầu hội nghị ghi nhận rằng Chính Phủ tự dành cho mình quyền tự do hành động để bảo vệ quyền thiêng liêng của dân tộc Việt Nam trong công cuộc thực hiện thống nhất, độc lập, tự do cho xứ sở”.
Buổi chiều ngày 21 tháng 7, hội nghị họp phiên khoáng đại sau chót dưới sự chủ tọa của ông Eden, Ngoại Trưởng Anh, để xem xét bản Tuyên Bố Chung. Trong buổi hội này Bác Sĩ Trần Văn Đỗ đã hai lần lên tiếng phát biểu nhưng đều bị ông Eden át giọng. Cũng không có gì ngạc nhiên khi ông Eden có thái độ như vậy. Phe Quốc Gia Việt Nam không có thực lực cho nên chỉ đóng một vai trò hết sức lu mờ tại Hội Nghị Genève. Người ta mời phái đoàn Quốc Gia Việt Nam đến hội nghị cho đủ lể bộ chứ mọi việc liên quan đến số phận đất nước mình đều do Pháp tự tiện mặc cả với Liên Sô và Trung Quốc. Lúc Chính Phủ Quốc Gia Việt Nam không chịu cử phái đoàn đến Hội Nghị Genève, Chính Phủ Pháp đã gây áp lực bằng cách tung tin trên báo chí là do thái độ tiêu cực đó mà Việt Minh đã trì hoãn việc trao trả thương binh cho Pháp ở Điện Biên Phủ.
Khi hội nghị Genève kết thúc, ông Trần Văn Đỗ đã gởi một điện văn báo cáo kết quả của hội nghị và xin từ chức lên Thủ Tướng Ngô Đình Diệm với lời lẻ thống thiết:
“Không có cách chi khống chế được sự thù nghịch của kẻ thù và sự gian dối của những người bạn giả dối của chúng ta …. Những thủ tục bất thường đã làm tê liệt hoạt động của phái đoàn ta … Mọi cuộc dàn xếp đã được ký kết trong vòng riêng tư.”
Có một điều kỳ quặc là bản “Tuyên Bố Chung” của hội nghị Genève không mang chử ký của ai cả, mặc dù chính nó mới chứa đựng những điều khoản cực kỳ quan trọng có tác dụng lâu dài đối với tình hình Đông Dương. Người ta cho rằng phe Quốc Gia Việt Nam và Hoa Kỳ không chịu ký cho nên phe Cộng Sản cũng không hạ bút.
Sau khi hiệp định Genève được ký kết, Chính Phủ Quốc Gia Việt Nam phải cấp tốc xây dựng thành một thực thể hầu có khả năng đương đầu hữu hiệu với chính quyền Hà Nội. Để có thể đạt được mục đích, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm đã phải tiến hành ba nhiệm vụ lớn cùng một lúc: định cư dân chúng rời miền Bắc vào miền Nam, chỉnh bị một tư thế hoàn toàn độc lập với Pháp, và thiết lập một chính quyền thống nhứt mạnh mẽ.
Ngày 26-10-1955, qua cuộc bầu phiếu ông Ngô Đình Diệm trở thành vị Tổng Thống đầu tiên của chế độ Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam Việt Nam. Tháng 5, 1957 ông Ngô Đình Diệm với tư cách là Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa sang thăm Hoa Kỳ. Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã được Tổng Thống Hoa Kỳ Dwight Eisenhower đích thân ra phi trường đón tiếp. Lúc này Hoa Kỳ coi ông Ngô Đình Diệm như là hiện thân của một sự thành công kỳ lạ. Quả thực vào thời đó ông Ngô Đình Diệm rất xứng đáng với lời ca tụng của Hoa Kỳ. Từ một miền đất phân hóa vì lợi ích riêng tư, nhiễu loạn vì chính sách thực dân của Pháp, ruỗng nát vì sự phá hoại của Cộng Sản, ông Ngô Đình Diệm đã xây dựng thành một quốc gia độc lập dưới một chính quyền thống nhất mạnh mẽ.
Trong khi đó ngay sau khi làm chủ miền Bắc, chính quyền Hà Nội bắt tay vào việc cũng cố an ninh và quốc phòng. Bộ đội Việt Minh lùng bắt những đơn vị biệt kích của quân đội Liên Hiệp Pháp còn sót lại ở những miền rừng núi, một số bị giết, một số ra hàng. Đi đôi với hoạt động quân sự này, nhà chức trách Bắc Việt đã bỏ tù tất cả các nhân viên dân sự và quân sự của chính quyền Quốc Gia trước kia nghe theo lời dụ dỗ của Cộng Sản không chịu di cư vào Nam. Và để chắc ăn hơn nữa, họ đã thanh lọc dân chúng, chỉ định cư trú hàng vạn gia đình nghi ngờ không trung thành với chế độ tại những vùng hẻo lánh ở Tây Bắc Bắc Việt.
Một năm sau đó Cộng Sản tiến hành một cuộc cải cách ruộng đất đẫm máu ở miền Bắc theo mô hình của Trung Cộng. Lần này được tổ chức đại quy mô hơn Sô Viết Nghệ Tĩnh. Được sự hướng dẫn trực tiếp bởi các đặc phái viên thổ địa Trung Quốc, không chỉ nhắm riêng về kinh tế mà đặc biệt chú trọng về chính trị với mục tiêu cũng cố quyền lực cho đảng. Cho nên cải cách ruộng đất là biện pháp cơ bản để phát hiện rồi triệt hạ hết mọi tổ chức thanh niên, phụ nữ, xã hội, tôn giáo, từ thiện, thể thao, nghệ thuật. Giải thể hết bộ máy cũ, tạo nên bộ máy hoàn toàn mới gồm những trung kiên cốt cán đã được rèn luyện trong các cuộc đấu tranh long trời lở đất, bằng cách biến người dân thành một bầy dã thú sẵn sàng dày xéo lên tương quan vợ chồng, cha con, mẹ con, huyết mạch, xóm giềng mà Dương Thu Hương đã ghi lại như sau: “Trong lịch sử bốn ngàn năm, thì triều đình cộng sản là triều đình duy nhứt cho tới nay, dạy con gái, con dâu vu khống bố hiếp dâm, dạy con trai chỉ vào mặt bố “đả đảo thằng bốc lột”, dạy cho láng giềng tố cáo điêu chác, đâm chém dầy xéo mồ mả của nhau … “
Năm 2003, Nguyễn Minh Cần đã viết với tựa đề “Xin đừng quên ! Nửa thế kỷ trước”. Nguyễn Minh Cần gia nhập đảng Cộng Sản Việt Nam từ năm 1946, từng là ủy viên thường vụ tỉnh Thừa Thiên 1946-1951, rồi ủy viên thường trú thành ủy Hà Nội 1954-1962. Khi đang theo học trường đảng cao cấp ở Liên Sô từ năm 1962, Nguyễn Minh Cần đã bỏ đảng, cùng một nhóm người Việt Nam khác ở Liên Sô xin “tị nạn” cho đến nay. Tác giả kể nhiều trường hợp cụ thể như bà Nguyễn Thị Năm, người từng che chở giúp đỡ các lảnh tụ cộng sản, lại có con là chiến sĩ trong quân đội, là người bị xử bắn đầu tiên ở Thái Nguyên. Trường hợp kế tiếp là cụ nghè Nguyễn Mai hậu duệ của Nguyễn Du bị đấu tố ba đêm liền, rồi bị kết án 15 năm tù, nhưng vào tù được mấy tháng thì chết. Đội cải cách ruộng đất lấy cớ cụ Mai là địa chủ, vì có vài mẩu tư điền cho phát canh, để phá hủy đền đài, bia miếu thờ của các danh nhân họ Nguyễn Tiên Điền và nghiêm trọng hơn nữa là đã đốt cháy ngôi nhà năm gian chứa đầy thư tịch quý giá của dòng họ Nguyễn Tiên Điền, trong đó có di cảo của thi hào Nguyễn Du.
PJ. Honey tác giả “Communism in North Vietnam” phát hành trong năm 1963. Ông là người Anh, giáo sư tại các trường đại học Luân Đôn và cũng là cố vấn của ban Việt Ngữ đài BBC Luân Đôn. Với tư cách một học giả nỗi tiếng thế giới, PJ. Honey đã ghi lại một cảnh sống của người dân Bắc Việt sau cải cách ruộng đất, ngoài hẳn mọi mức độ tưởng tượng: “tại một vài vùng quê, vì thiếu vải, ngay cả phụ nữ cũng phải bất đắc dĩ ở trần để cả vú ra, là điều phụ nữ Việt Nam rất lấy làm xấu hổ nhục nhã”. Thực ra một người từng sống trên chục năm tại miền Bắc sau năm 1954 là nhà văn Xuân Vũ đã ghi lại trong các sáng tác của mình hai câu:
May quần để vú tô hô
May áo thì để bộ đồ em ra
Khống chế nông dân rồi, phe ông Hồ quay sang giới văn nghệ sĩ và trí thức. Năm 1955, một nhóm văn nghệ sĩ trong quân đội trong đó có các nhà thơ Hoàng Cầm, Trần Dần và nhạc sĩ Từ Phác đã kiến nghị lên Trung Ương Đảng, yêu cầu “bãi bỏ việc lãnh đạo của Tổng Cục Chính Trị đối với văn nghệ trong quân đội”, chính quyền Hà Nậi nhanh chóng dập tắc vụ này.
Khuynh hướng chống kềm kẹp tạm lắng xuống để rồi một năm sau lại bộc phát khi có những biến chuyển chính trị tác động mạnh mẽ tới tâm tư người cầm bút. Trong nước, chiến dịch cải cách ruộng đất đã phơi bày ra biết bao cảnh đấu tố, ức hiếp, tàn sát lương dân. Ngoài nước, tại Đại Hội lần thứ XX đảng Cộng Sản Liên Sô, ông Khrushchev hạ bệ Stalin đả kích tệ sùng bái cá nhân trong thế giới cộng sản. Công nhân Ba Lan nổi dậy chống nhà cầm quyền cộng sản ở Poznan ngày 28 tháng 6, 1956 v.v…
Trong khi đó báo “Nhân Văn” do ông Phan Khôi làm chủ bút nhận được giấy phép xuất bản ngày 15 tháng 9, 1956 sau khi Cộng Sản Việt Nam bắt chước chiến dịch thâm độc của họ Mao, cho ăn nói tự do để dễ bề phát hiện. Ông Phan Khôi là một nhà nho chống Pháp trước năm 1945 và đã chống gậy đi theo bộ đội đánh Pháp trong thời kỳ kháng chiến. Những người viết cho “Nhân Văn” tiêu biểu của giới cầm bút miền Bắc gồm cả người trong đảng lẫn người ngoài đảng, người già lẫn người trẻ, quân nhân lẫn dân sự. Đó là: nhà báo Nguyễn Hữu Đang, nhà thơ Hữu Loan, Phùng Quán, Lê Đạt, nhạc sĩ Văn Cao, học giả Đào Duy Anh, nhà triết học Trần Đức Thão bỏ ghế giáo sư tại trường Sorbonne bên Pháp để về phục vụ kháng chiến, luật sư kiêm giáo sư Nguyễn Mạnh Tường đã đi theo kháng chiến ròng rã chín năm trời cho đến ngày cộng sản làm chủ miền Bắc.
Trung tuần tháng 12, 1956 chính quyền Hà Nội đóng cửa các tờ báo đối lập và tiến hành đàn áp những người chống đối dưới những hình thức độc địa khác nhau. Tuyệt đại đa số bị đưa đi cải tạo lao động ở những nơi rừng thiêng nước độc. Cụ Phan Khôi bị cô lập kinh tế để rồi chết trong cảnh đói khổ ba ngày trước khi ra tòa. Luật sư Nguyễn Mạnh Tường bị đưa ra đấu lý để hạ nhục. Tất cả những kẻ được chỉ định ra tranh luận với ông đều đã đuối lý, song cộng sản đâu có chịu để ông yên, họ phải hãm hại ông và hãm hại một cách khoa học. Để tránh tiếng với thế giới, nhà cầm quyền Hà Nội không bỏ tù ông Nguyễn Mạnh Tường nhưng đã bắt ông kéo dài lê thê một cuộc đời cô lập, túng đói, bệnh hoạn ròng rã gần bốn chục năm trời.
Đối với vụ đàn áp nổi dậy của nông dân Quỳnh Lưu sau vụ cải cách ruộng đất. Theo Philip B. Davidson trong quyển “Vietnam at War” đã nêu chi tiết về việc này cho biết Hồ Chí Minh đã ra lệnh cho Võ Nguyên Giáp đem sư đoàn 325, lúc đó đang đóng ở gần Vinh tới đàn áp, 1000 nông dân bị giết và 6000 bị đày biệt xứ. (Xem tiếp Phần 2)
- Con Đường Bi Đát - III Nguyễn Ngọc Thạch Tham luận
- Con Đường Bi Đát - II Nguyễn Ngọc Thạch Tham luận
- Con Đường Bi Đát - I Nguyễn Ngọc Thạch Tham luận
- Đường Tìm Tự Do - IV: Vượt Biên Và Vượt Biển Nguyễn Ngọc Thạch Hồi ký
- Đường Tìm Tự Do - III: Trốn Trại Nguyễn Ngọc Thạch Hồi ký
- Đường tìm tự do - II: Tù Cải Tạo Nguyễn Ngọc Thạch Hồi ký
- Đường Tìm Tự Do - I: Những Ngày Cuối Cùng Của Trường Bộ Binh Nguyễn Ngọc Thạch Hồi ký
• Nhìn lại thành tích của Đảng Cộng Sản (Nguyễn Gia Kiểng)
• Thật và giả từ bước chân thầy Minh Tuệ (Hiếu Chân)
• Bỏ Rơi Hay Phản Bội? (Bùi Anh Trinh)
• Sư Minh Tuệ Và Pháp Hành Dưới Góc Nhìn Phật Giáo (Nguyễn Thanh Huy)
• Viện Bảo Tàng Quân Lực VNCH Và Buổi Nói Chuyện Về Trận Đánh Cuối Cùng 30/04/1975 (Việt Báo)
• Đao phủ Henry II: Đại họa cho cả VNCH lẫn Mỹ (Nguyễn Tiến Hưng)
• Những Ngộ Nhận về Chiến Tranh Việt Nam từ phía Hoa Kỳ (Đỗ Văn Phúc)
• Tôi gọi họ là Anh Hùng! (Đặng Chí Hùng)
• Nguyên nhân Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ 30-4-1975 (Trương Nhân Tuấn)
• Cựu nhà báo thời chiến: “Tôi không nghĩ chiến tranh VN là chống Mỹ cứu nước” (RFA)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |