|
Vương Đức Lệ(.0.1937 - 20.1.2008) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
• I. Con đường dẫn tới hiệp định chia đôi đất nước
• II. Con đường xâm nhập và đánh phá Việt Nam Cộng Hòa
• III. Con đường đưa đất nước tới chế độ cộng sản toàn trị lệ thuộc Nga Tàu
Tác giả Nguyễn Ngọc Thạch
Từ khi phía Bắc Việt thấy rằng không dễ dàng đánh gục được Nam Việt Nam và phía Hoa Kỳ do áp lực nội bộ phải tìm mọi cách rút chân khỏi Việt Nam sớm ngày nào hay ngày nấy, thì thương thuyết nghiêm chỉnh bắt đầu nhúc nhích. Hậu trường sân khấu trở nên hấp dẫn hơn khi ông Lê Đức Thọ đại diện Bắc Việt và ông Henry Kissinger đại diện của Hoa Kỳ thì thụt mật đàm với nhau.
Từ năm 1969 đến năm 1972, qua những cuộc hợp công khai hoặc bí mật, chung quy xoay quanh 5 vấn đề chính: (1) rút quân song phương, (2) ngưng bắn, (3) tù binh, (4) khu Phi Quân Sự, (5) cơ cấu chính trị sau chiến tranh ở Nam Việt Nam.
Ngày 15 tháng 9, 1972 ông Kissinger và ông Lê Đức Thọ lại mật đàm. Nhưng vấn đề rút quân song phương thì Bắc Việt không đặt là điều kiện tiên quyết nữa vì cho tới ngày 2 tháng 5, 1972 quân số của lực lượng Hoa Kỳ từ hơn nửa triệu nay xuống chỉ còn 66.300 người. Còn Hà Nội thì khăng khăng nói rằng họ không có quân ở miền Nam hoặc đôi khi có ý nói rằng người Việt Nam họ có quyền chiến đấu bất cứ ở đâu trên lãnh thổ Việt Nam. Nên trong lần này ông Lê Đức Thọ trình bày một đề nghị mới gồm 10 điểm trong đó hai chính phủ “Chính Phủ Hòa Hợp Dân Tộc” và Chính Phủ Nam Việt Nam, sẽ tiếp tục tồn tại ngay cả sau khi đã dàn xếp xong. Cái chính phủ “hòa hợp dân tộc” mà ông Lê Đức Thọ đề nghị lần này đích thực là một cơ chế chính quyền liên hiệp ba tầng, tầng nào cũng có Cộng Sản.
Tóm lại vào thời điểm 1972, giai đoạn chót của hòa đàm Paris, điều bức thiết của Nam Việt Nam là tồn tại như một nước không Cộng Sản, còn điều bức thiết của Hoa Kỳ là rút khỏi chiến tranh Việt Nam, không Cộng Sản thì tốt, mà Cộng Sản đi nữa cũng mặc. Hay nói khác đi quyền lợi quốc gia của hai bên đến lúc này đã hoàn toàn xung khắc nhau.
Tuy nhiên ông Kissinger nhất quyết mang lại “nền hòa bình của ông ta” cho Nam Việt Nam, mặc dù xứ này tuyệt nhiên không muốn nhận và không chịu nhận. Vì vậy mật đàm tan vỡ vì thái độ không khuất phục của Nam Việt Nam và sự đòi hỏi quá lố của Bắc Việt.
Bị Bắc Việt dồn vào thế bất khả kháng, Tổng Thống Nixon quyết định oanh tạc trở lại. Ngày 19/12/1972 Hoa Kỳ mở cuộc hành quân Linebacker II, sử dụng máy bay B52 oanh tạc kịch liệt Hà Nội, Hải Phòng để dằn mặt Bắc Việt với mục đích khai thông hòa đàm Paris. Trong chiến dịch không tập này, Hoa Kỳ đã huy động 455 phi cơ chiến thuật, 206 phi cơ B52 và oanh tạc kéo dài 12 ngày. Chiến dịch không tập 12 ngày đêm của Hoa Kỳ đã có tác dụng tâm lý đối với Bắc Việt.
Ngày 27/12/1972 Hoa Kỳ gởi điện văn cho Hà Nội đề nghị họp mật vào ngày 8/1/1973. Chưa đầy 24 giờ sau, Hoa Kỳ nhận được thông báo của Hà Nội thỏa thuận những đề nghị của Hoa Kỳ. Ngày 29 tháng 12 Hoa Kỳ thông báo ngưng oanh tạc vào lúc 7 giờ chiều. Buổi họp mật giữa ông Kissinger và Lê Đức Thọ diễn ra vào ngày 8 tháng 1, 1973 ở Paris như đã thỏa thuận. Ngày hôm sau 9 tháng 1, đánh dấu sự khai thông. Ông Kissinger rất phấn khởi và phía Hoa Kỳ đã tự tiện ấn định lịch trình hoạt động tiến tới việc ký kết hiệp định.
Ngày 14/1/1973 Tướng Haig mang tối hậu thư của Tổng Thống Nixon gởi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu trong đó có đoạn cốt yếu như sau: “…vì vậy tôi đã quyết định dứt khoát sẽ tiến tới ký tắt hiệp định vào ngày 23 tháng 1 tại Paris. Tôi sẽ làm như vậy một mình khi cần. Trong trường hợp này tôi phải giải thích công khai là chính phủ của Ngài cản trở hòa bình. Tuy nhiên tôi hy vọng rằng cuối cùng hai nước chúng ta đã cùng chung lưng và chia sẻ đau thương trong cuộc xung đột, chúng ta sẽ cố kết với nhau bảo vệ hòa bình và gặt hái những lợi ích của nó.”
Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã họp Hội Đồng An Ninh Quốc Gia để tham khảo ý kiến của các cộng sự viên cao cấp nhất. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã chỉ thị ông Hoàng Đức Nhã thảo một bức thư yêu cầu phía Hoa Kỳ làm sáng tỏ thêm một số điểm cũng như nói rõ thêm những sự bảo đảm. Tổng Thống Nixon trả lời ngay: “Tôi tin tưởng chắc chắn rằng không ký hiệp định như hiện nay thì ngân khoản trợ giúp quý quốc sẽ bị cắt hoàn toàn. Vào ngày 23 tháng 1 chúng tôi sẽ tiến hành ký tắt hiệp định như Tướng Haig đã mang tới Ngài”.
Một bức thư khác của Tổng Thống Nixon lại đến tay của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ngày 20 tháng 1, đòi phải trả lời trước 12 giờ ngày 21 tháng 1: “Nếu Ngài không cho tôi một câu trả lời tích cực thì tôi sẽ cho phép tiến sĩ Kissinger ký hiệp định không có sự thỏa thuận của Chính Phủ của Ngài”.
Cuối cùng Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu phải xuôi chiều và nói: “với tình hình thực tế như hiện nay, tôi đang được yêu cầu ký một hiệp định không phải vì hòa bình mà vì để có sự ủng hộ tiếp tục của Hoa Kỳ” và lúc 12 giờ trưa ngày 23/1/1973, ông Kissinger và Lê Đức Tho ̣ đã ký tắt vào bản hiệp định và buổi chiều cùng ngày Tổng Thống Nixon ngỏ lời với công chúng Mỹ. Ngày 27 tháng 1, buổi lể chính thức ký kết giữa các Bộ Trưởng Ngoại Giao.
Trong giai đoạn đối đầu với chính quyền Nixon, nhất là ông Kissinger về việc ký kết hiệp định Paris, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã tỏ ra rất xứng đáng với cương vị nguyên thủ quốc gia. Ông đã bị dọa làm thịt, cắt viện trợ, và áp lực liên tục mà vẫn không nao núng, kiên trì tranh đấu đến phút chót.
Tuy nhiên dường như có điều gì không ổn trong lương tâm của Tổng Thống Nixon. Đầu tháng 2, 1973 ông đã yêu cầu rút tên ông ra khỏi danh sách mấy người được đề cử nhận giải Nobel Hòa Bình.
Ông John Negroponte trong nhóm thương thuyết của Kissinger đã chua chát nói rằng: “Chúng ta oanh tạc Bắc Việt để buộc họ phải chấp nhận những sự nhượng bộ của chúng ta.”
Sir Robert Thompson, một chuyên viên người Anh từng là cha đẻ của kế hoạch diệt trừ quân du kích cộng sản Mã Lai vào thập niên 50 đã phát biểu: “Theo quan điểm của tôi, vào ngày 30/12/1972 sau 12 ngày không tập bằng phi cơ B52 ở khu vực Hà Nội, quý vị đã thắng cuộc chiến tranh này, thế là xong! Họ đã bắn 1242 hỏa tiển SAM, họ chẳng còn hỏa tiển nào nữa, và tiếp tế qua đất liền từ Trung Quốc đến chỉ như nhỏ giọt. Họ và tất cả căn cứ hậu phương của họ vào lúc này đã lâm vào cảnh bắt sao chịu vậy. Có thể họ đã chấp nhận bất cứ điều kiện nào. Và cố nhiên đó là lý do quý vị thực sự đạt được hòa bình vào tháng giêng, điều mà quý vị đã không đạt được vào tháng 10.”
Bắc Việt đã thắng, Hoa Kỳ và Nam Việt thua, nhưng Hoa Kỳ thua ít, còn Nam Việt Nam thua đậm. Vì cái gọi là hiệp định chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình là hoàn toàn đúng theo ý đồ của Bắc Việt: Hoa Kỳ phải rút khỏi Việt Nam và buộc chính quyền miền Nam phải chấp nhận “Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam” như là một thực thể ngang hàng với Nam Việt Nam và thôn tính qua từng giai đoạn theo kiểu trước còn liên hiệp, sau quơ chính quyền.
Sự thật, Hoa Kỳ không thua trận mà là bỏ cuộc. Khi cuộc chiến ở Việt Nam ngày càng leo thang với mức thương vong ngày càng nhiều và do tuyên truyền kích động của cả khối cộng sản quốc tế thì phong trào phản chiến ở Mỹ ngày càng tăng. Hoa Kỳ là một nước tự do dân chủ, người dân Mỹ không muốn thi hành nghĩa vụ quân sự để đi chiến đấu ở Việt Nam, một miền đất xa xôi không có liên quan trực tiếp gì đến quyền lợi của Mỹ, do đó bắt buộc chính quyền Mỹ phải tìm cách rút quân càng sớm càng tốt.
Qua kinh nghiệm xương máu trong cuộc chiến Việt Nam, kể từ đầu năm 1973 Hoa Kỳ đã bãi bỏ chế độ quân dịch và kể từ đó quân đội Hoa Kỳ đã trở thành là một quân đội tình nguyện hiện dịch (Volunteer Army gọi tắt là VOLAR). Nghề lính cũng như bất cứ ngành nghề nào trong xã hội Mỹ đều là do tự nguyện chọn lựa. Do đó mà các cuộc chiến tranh sau này như ở Bosnia, Afghanistan, Iraq v.v… chúng ta không còn thấy những cảnh biểu tình phản chiến như trong thời chiến tranh Việt Nam trước đây.
Ngày 24/6/1973 Đại Sứ Mỹ Graham Martin được đề cử thay thế Đại Sứ Bunker. Vào lúc ông Martin đến Sài Gòn làm Đại Sứ thì Hoa Kỳ ở Nam Việt Nam đã giảm đến mức tối thiểu, người Mỹ đã chuyển từ vai trò cố vấn sang vai trò quan sát viên. Bộ Tư Lệnh Viện Trợ Quân Sự Hoa Kỳ không còn nữa, chỉ có phòng Tùy Viên Quốc Phòng viết tắt là DAO. Tổng số nhân viên làm việc cho tòa Đại Sứ ở Sài Gòn và 5 tòa Lãnh Sự ở các tỉnh chỉ vào khoảng 2.270 người.
Kể từ ngày 1/7/1973 chi phí yểm trợ quân sự cho Nam Việt Nam và Lào trong tài khóa 1974 là 1 tỷ 6, nhưng quốc hội chùng chình không chịu cứu xét. Đến ngày 20/12/1973 Ngủ Giác Đài cho biết viện trợ quân sự cho Lào và Nam Việt Nam trong tài khóa 1974 chỉ lên đến mức cao nhứt là 900 triệu trong đó Nam Việt Nam 813 triệu đôla. Khốn thay phòng Tùy Viên Quân Sự đã chi mất 723 triệu đôla, như vậy chỉ còn 90 triệu đôla cho 6 tháng còn lại của tài khóa 1974.
Quân đội Việt Nam Cộng Hòa là một quân đội cơ giới trang bị bằng phương tiện của Hoa Kỳ cho nên hoạt động hoàn toàn tùy thuộc vào tiếp liệu do Hoa Kỳ cung cấp. Tháng 4, 1974 Đại Tướng Cao Văn Viên đến Washington với một bản liệt kê nhu cầu quân dụng tối thiểu cần được trợ cấp. Trong khi đó ông Nguyễn Tiến Hưng đã cố gắng thuyết phục Thượng Nghị Sĩ Edward Kennedy nhưng không đi đến đâu vì ông Kennedy nhất mực cho rằng “viện trợ quân sự không giải quyết được vấn đề”.
Không những thế ngày 6/5/1974 Thượng Nghị Viện Hoa Kỳ đã biểu quyết thông qua tu chính án Kennedy, theo đó Bộ Quốc Phòng không được phép sử dụng ngân khoản ở bất cứ nước nào cho bất cứ nước nào ở Đông Nam Á.
Tình hình tiếp liệu của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa sau khi viện trợ Mỹ giảm 60%: cấp số đạn dược cho binh lính giảm 50%, đạn pháo binh giảm 50%, số xe thiết giáp hoạt động được 50% vì thiếu cơ phận thay thế và phải tiết kiệm xăng dầu, phi cơ 20% phải nằm ụ. Bông băng ở bệnh viện có khi phải giặt đi rồi mang ra xài lại …. Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa như một người nhà giàu đến hồi sa sút. Người lính miền Nam Việt Nam trụ cột chế độ đã thiếu súng đạn mà lại còn lâm vào cảnh đói rách.
Theo sự tiết lộ qua “Hồ sơ mật dinh Độc Lập” của ông Nguyễn Tiến Hưng thì cơ quan Tùy Viên Quốc Phòng DAO của Hoa Kỳ sau khi biết được Quốc Hội Hoa Kỳ nhất quyết giảm viện trợ quân sự cho Nam Việt Nam đã trình cho Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu một đề nghị giữ đất tùy theo mức viện trợ. Có bốn mức độ viện trợ và bốn tuyến phòng thủ. Nếu viện trợ là 1 tỷ 4 thì giử được bốn quân khu. Nếu viện trợ xuống 1 tỷ 1 thì bỏ Quân Khu I. Nếu viện trợ xuống tới 900 triệu đôla thì phải bỏ Quân Khu I và Quân Khu II. Ở mức 750 triệu thì chỉ có một số khu vực chọn lựa có thể phòng thủ được. Nếu viện trợ cắt giảm đến mức 600 triệu thì Chính Phủ Nam Việt Nam chỉ còn nước bám vào Sài Gòn và đồng bằng sông Cửu Long.
Về phía Cộng Sản, triển vọng thôn tính Nam Việt Nam bằng chính trị, nhất là qua Hội Đồng Hòa Gỉải Hòa Hợp Dân Tộc và qua các cuộc bầu cử theo Hiệp Định Paris dường như quá xa vời nếu không muốn nói là chẳng bao giờ xảy ra vì Sài Gòn đâu có dễ mắc mưu cái trò liên hiệp trá hình, cho nên con đường mà họ chọn là dùng bạo lực. Việc Hoa Kỳ can thiệp trở lại Việt Nam rất ít có khả năng xảy ra, nhất là vào ngày 7 tháng 11, 1973 Quốc Hội Hoa Kỳ đã thông qua nghị quyết về quyền lực tiến hành chiến tranh, theo đó Tổng Thống phải tham khảo ý kiến của Quốc Hội trước khi lực lượng quân sự được sử dụng.
Trong khi đó Liên Sô và Trung Quốc đã tăng viện trợ kinh tế lên 670 triệu đôla cho năm 1973, nghĩa là gấp đôi so với năm 1972, và 1 tỷ 3 cho năm 1974. Trong khuôn khổ thực hiện nghị quyết 21 của trung ương đảng, Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội Cộng Sản Bắc Việt đã dành ưu tiên số một cho việc kiện toàn khối chủ lực cơ động mà họ coi là nắm đấm chiến lược quyết định để đánh bại lực lượng Nam Việt Nam.
Đến tháng 7, 1974 Bộ Tổng Tư Lệnh Quân Đội Bắc Việt có trong tay 12 sư đoàn bộ binh hoàn toàn cơ động sẵn sàng làm nhiệm vụ xung kích chiến lược. Hà Nội còn có 7 sư đoàn trực thuộc Bộ Tổng Tư Lệnh Quân Đội Bắc Việt cơ động trong phạm vi quân khu.
Song song với việc xây dựng lực lượng là công tác cải tiến hệ thống đường vận tải chiến lược qua Lào vào miền Nam Việt Nam. Được tăng cường nhân lực lại không bị không quân Hoa Kỳ đánh phá nên đến đầu năm 1975, Hà Nội đã làm thêm được 5.560 cây số đường mới, gần bằng 50% độ dài các con đường đã mở trong tám năm trước. Dọc theo đường vận tải chiến lược là đường ống dẫn xăng dầu dài hơn 1700 cây số. Dự trữ ở các căn cứ hậu cần cho chiến trường miền Nam lên tới 70.000 tấn đạn, 107.000 tấn xăng dầu, 80.000 tấn lương thực, 2400 tấn thuốc quân y v.v….
Cuối tháng 12, 1974 tướng Victor Kulikov người đứng đầu lực lượng võ trang Liên Sô đến Hà Nội. Tướng Kulikov mách nước cho Hà Nội biết rằng Hoa Kỳ sẽ không can thiệp vào chiến tranh Việt Nam nữa và khuyến khích Hà Nội chụp cơ hội này mở cuộc tấn công lớn ở Nam Việt Nam. Chỉ vài tuần sau khi tướng Kulikov thăm Hà Nội, chiến cụ của Liên Sô tiếp tế cho Bắc Việt tăng gấp bốn lần.
Đêm 13 tháng 12, 1974, quân Bắc Việt bắt đầu nổ súng tấn công Phước Long. Lực lượng Nam Việt Nam trong tỉnh Phước Long chỉ gồm Địa Phương Quân, Nghĩa Quân, và 4 trung đội Pháo Binh lãnh thổ, tổng cộng khoảng 4.000 người. Khởi đầu chiến dịch Sư Đoàn 7 Bắc Việt tấn công quận lỵ Đôn Luân do một Tiểu Đoàn Địa Phương Quân trấn giữ. Quân trú phòng với sự yểm trợ hữu hiệu của Không quân đã đẩy lui nhiều đợt tấn công của địch. Đêm hôm sau quân Bắc Việt không đánh Đôn Luân nữa mà lại tập trung lực lượng tấn công các quận lỵ Đức Phong và Bố Đức. Cả hai nơi này đã bị thất thủ nhanh chóng.
Để đối phó với cuộc tấn công của Bắc Việt, Bộ Tư lệnh Quân khu III đã trực thăng vận Tiểu Đoàn 2/7 thuộc Sư Đoàn 5 Bộ binh và 10 khẩu pháo trong đó có 4 khẩu 155 ly đến tăng cường bảo vệ phi trường Phước Bình nằm ở tây nam thị xã Phước Long. Ngày 16 tháng 12, lực lượng Tiểu khu Phước Long phản kích chiếm lại quận lỵ Bố Đức, nhưng quân Bắc Việt lại chiếm được Yếu khu Bù Na, nơi có đặt 2 trung đội Pháo binh nằm giữa quận lỵ Đôn Luân và Đức Phong, và pháo mạnh vào phi trường Phước Bình làm cho 2 máy bay vận tải C130 bị hư.
Đêm 23 tháng 12, Sư Đoàn 7 Bắc Việt tràn ngập quận lỵ Bộ Đức lần thứ hai, và đêm 25 tháng 12 cũng đơn vị này lại tấn công quận lỵ Đôn Luân sau khi đã nã hơn 1.000 trái pháo các loại. Sáng hôm sau quận lỵ này lọt vào tay quân Bắc Việt.
Đến sáng ngày 1 tháng 1, 1975 quân Bắc Việt dốc toàn lực tấn công vào thị xã Phước Long. Mặc dầu mọi loại pháo của Nam Việt Nam đã bị tê liệt hoàn toàn và quân số chẳng còn bao nhiêu, lực lượng Nam Việt Nam vẫn chống trả quyết liệt và đã hạ được 14 xe tăng và giao tranh kéo dài sang ngày 2 tháng 1.
Vào lúc Phước Long đã ở vào tình trạng rất nguy ngập thì tại Sài Gòn Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu phải triệu tập khẩn cấp Hội Đồng An Ninh Quốc Gia. Sau khi bàn thảo hơn thiệt, sau cùng về tầm quan trọng chiến lược Phước Long không quan trọng bằng Tây Ninh, Pleiku hoặc Huế nên bất khả kháng thì đành phải bỏ Phước Long. Chưa bao giờ Nam Việt Nam lại cảm thấy bất lực như lúc này. Không có quân tăng viện mà cũng không có phương tiện chở quân tăng viện, và giá có liều lĩnh rút quân ở một chổ nào đó để tăng viện cho Phước Long thì lại không còn kịp nữa. Cân nhắc hơn thiệt xong, Hội Đồng An Ninh Quốc Gia chỉ sử dụng lực lượng Biệt Kích Dù để tăng cường cho Phước Long.
Ngày 4 tháng 1, 1975 dự trù thả Biệt Kích Dù xuống thì lại gặp trời mưa và sương mù không thực hiện được. Trong khi đó Trung Tâm Hành Quân bị sập vì pháo của đối phương. Hôm sau ngày 5 tháng 1, hai đại đội Biệt Kích Dù chừng 250 người được trực thăng vận xuống phía bắc thị xã Phước Long. Vừa tới nơi là Biệt Kích Dù đã chạm trán ngay với quân Bắc Việt có xe tăng yểm trợ và bị thương vong mất khoảng một nửa quân số thả xuống. Vào lúc 9 giờ tối Biệt Kích Dù báo cáo về bộ Tư Lệnh Quân Khu III cho biết tình hình hầu như tuyệt vọng, các lực lượng trú phòng đang tan rã và Biệt Kích Dù đang tập trung giữ khu vực Tòa Hành Chánh tỉnh.
Ngày 6 tháng 1, 1975 sau khi đã nã trên 1000 trái pháo, quân Bắc Việt tấn công quyết liệt vào Tòa Hành Chánh tỉnh, Biệt Kích Dù chống cự đến cùng và khoảng nửa đêm hôm đó mới rút vào rừng. Hơn 3000 quân bị thương vong hoậc mất tích trong đó có Đại tá Nguyễn Thống Thành Tỉnh trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Phước Long.
Trung Tướng Dư Quốc Đống Tư lệnh Quân Đoàn III, vùng III Chiến Thuật xin từ chức. Ngày 7 tháng 1, 1975 chính quyền Hoa Kỳ chỉ vỏn vẹn nói rằng Tổng Thống Ford đang “theo dõi tình hình chặt chẻ”.
Ngày 30 tháng 1, 1975 một số viên chức thuộc Bộ Ngoại Giao và Quốc Phòng Hoa Kỳ ra điều trần trước Ủy ban Chuẩn Chi Hạ Nghị Viện để xin cấp một ngân khoản viện trợ quân sự phụ trội 300 triệu đôla cho Nam Việt Nam.
Một phái đoàn Quốc Hội Hoa Kỳ sang Sài Gòn tìm hiểu tình hình tại chỗ trước khi quyết định về số tiền viện trợ quân sự phụ trội. Đến Sài Gòn phái đoàn Quốc Hội Hoa Kỳ không thèm nghe những bài thuyết trình của Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ, mà cũng không dự cả buổi tiếp tân của Đại sứ Martin. Đối với nước chủ nhà, họ cũng chẳng nể nang gì, họ chia nhau đi tìm gặp những chính trị gia đối lập, những người trong giới báo chí chống chính quyền và những người thân cộng. Họ đòi thả Huỳnh Tấn Mẫm, chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam mà thực chất là một cán bộ nằm vùng của cộng sản. Phái đoàn đã cảnh cáo Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu: “Chúng tôi nghĩ rằng viện trợ tùy thuộc vào một số yếu tố, như thả tù chính trị, thành lập lực lượng thứ ba, và tự do cho ký giả”.
Nhưng có điều trớ trêu thay là Phái đoàn Quốc Hội Hoa Kỳ lại muốn gặp đại diện của Hà Nội trong ban Liên Hợp Quân Sự bốn bên và đại diện của cái gọi là Chính phủ Cách Mạng Lâm Thời miền Nam Việt Nam tại trại Davis trong phi trường Tân Sơn Nhất. Khi Thượng Nghị Sĩ Dewey Barlett yêu cầu cho biết tin tức về Đại úy phi công Hoa Kỳ Richard Feizel mất tích trên không phận Bắc Việt năm 1968 thì đại diện Hà Nội không trả lời vào vấn đề mà lại đọc một bài diễn văn soạn sẵn tố cáo Hoa Kỳ can thiệp “bất hợp pháp” vào công việc của Việt Nam. Khi Dân biểu John Flint nêu vấn đề hài cốt của 41 người Mỹ mà “Chính phủ Cách Mạng Lâm Thời miền Nam Việt Nam” đã cho biết vào lúc ký Hiệp Định Paris, thì người đại diện của cái chính phủ này cũng không trả lời thẳng vào câu hỏi và cũng lập lại một luận điệu: “Vấn đề thực sự là sự tiếp tục chiến tranh của Hoa Kỳ … “.
Trong lúc Quốc Hội Hoa Kỳ cò kè bớt một thêm hai thì vào ngày 5 tháng 2, 1975 tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội Cộng Sản Bắc Việt đã bí mật lên đường vào miền Nam để thay mặt tập đoàn cầm quyền Hà Nội trực tiếp chỉ đạo “Chiến dịch 275” đánh Tây Nguyên.
Để tiến hành chiến dịch 275, Hà Nội đã sử dụng khoảng 6 Sư Đoàn gồm 2 Sư Đoàn 320, F10 có mặt sẵn ở Bắc Tây Nguyên, Sư Đoàn 968 từ Lào rút về, Sư Đoàn 316 từ Nghệ An kéo vào, Sư Đoàn 3 thuộc Khu 5 từ Bình Định điều lên và 4 Trung Đoàn độc lập 95A, 95B, 25, 271 cùng với 5 Trung Đoàn Pháo, 1 Trung Đoàn Xe Tăng, 1 Trung Đoàn Đặc Công, 2 Trung Đoàn Công Binh. Quân Bắc Việt đã chiếm ưu thế áp đảo so với lực lượng Nam Việt Nam về nhiều mặt: bộ binh đông hơn 5 lần, pháo nhiều gắp đôi, và thiết giáp cũng trội hơn hẳn.
Cùng vào Nam phụ giúp cho tướng Văn Tiến Dũng có Lê Ngọc Hiền, Thiếu tướng Phó Tổng Tham Mưu Trưởng và Đinh Đức Thiện, Trung tướng Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Hậu Cần.
Có lực lượng hùng hậu như vậy rồi mà tướng Văn Tiến Dũng vẫn chưa an tâm vì bị ám ảnh bởi những thất bại trong cuộc Tổng Công Kích Tết Mậu Thân 1968 và cuộc Tổng Tấn Công Chiến Lược 1972. Và để bảo đảm thắng lợi kỳ này, ông ta đã cho lệnh quân Bắc Việt giữ bí mật đến giờ nổ súng bằng cách tích cực nghi binh ở bắc Tây Nguyên và dùng lực lượng cấp Sư đoàn và Trung đoàn cắt đứt quốc lộ 14, 19 và 1 để cô lập hóa Ban Mê Thuột.
Ngày 9 tháng 3 quân Bắc Việt đã bố trí chung quanh Ban Mê Thuột, bộ binh cách khoảng 10 cây số, xe tăng cách khoảng 30 cây số. Tổng cộng lực lượng tấn công Ban Mê Thuột khoảng hơn 3 sư đoàn cùng với các đơn vị binh chủng yểm trợ.
Về phía Nam Việt Nam lực lượng đồn trú ớ Ban Mê Thuột chỉ có chừng 3.000 người, trong đó 80% là các thành phần ở hậu cứ Sư Đoàn, Trung Đoàn, Tiểu Đoàn, các đơn vị tiếp vận, nghĩa là quân lính không tác chiến và một số đơn vị Địa Phương Quân và Nghĩa Quân của Tiểu khu Darlac. Lực lượng chủ lực đáng kể nhứt gồm Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 53 của Sư Đoàn 23 Bộ Binh và 2 Tiểu Đoàn đóng tại phi trường Phụng Dực nằm ở vòng ngoài thị xã.
Mặc dù quân Bắc Việt tìm mọi cách giữ bí mật cho đến phút chót cuộc tấn công vào Ban Mê Thuột, nhưng tình báo Nam Việt Nam vẫn nắm được tình hình phần nào. Không Quân Nam Việt Nam ở Quân Khu II đã phát hiện mỗi ngày các đoàn xe của quân Bắc Việt di chuyển từ hướng Tây Bắc xuống hướng Nam. Ngày 4 tháng 2 một quân nhân Bắc Việt về hồi chánh ở quận Thuần Mẫn phía nam Pleiku đã cho biết Sư đoàn 320 đang di chuyển xuống Darlac và Sư đoàn F10 đã xuống Quảng Đức, nam Ban Mê Thuột. Khoảng trung tuần tháng 2, phòng nhì Quân Khu II đã ước tính quân Bắc Việt có thể tấn công Ban Mê Thuột, nhưng Thiếu Tướng Phạm Văn Phú cho rằng Ban Mê Thuột chỉ là hướng nghi binh, Pleiku mới là mục tiêu tấn công của quân Bắc Việt. Rất có thể Tướng Phú nghĩ như vậy vì bộ phận truyền tin của Sư Đoàn 320 và F10 vẫn tiếp tục hoạt động ở địa bàn quen thuộc là Pleiku, Kontum, trong khi thực sự thì hai đại đơn vị này đã luồn sâu xuống cao nguyên Darlac đúng như lời khai của hồi chánh viên.
Lúc 2 giờ sáng ngày 10 tháng 3, 1975 pháo lớn pháo nhỏ của đối phương dồn dập nã vào các vị trí của Nam Việt Nam trong gần 3 tiếng đồng hồ liền. Trong khi đó Trung Đoàn Đặc Công 198 đánh phi trường L19 và Trung Đoàn 95B từ hướng đông bắc tiến vào khu ngã sáu ở trung tâm thị xã. Ở hướng tây bắc, Trung Đoàn 148 của Sư Đoàn 316 đánh vào khu Pháo Binh và Thiết Giáp. Ở hướng tây nam, Trung Đoàn 174 của Sư Đoàn 316 được tăng cường lực lượng của Sư Đoàn 10 và xe tăng tiến công khu kho Mai Hắc Đế. Đến 3 giờ chiều Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Darlac thất thủ. Đại tá Nguyễn Trọng Luật, Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Darlac, phải chạy sang Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh.
Ngay sau khi Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Darlac bị thất thủ, Bộ Tư Lệnh Quân Khu II cho trực thăng vận Liên Đoàn 21 Biệt Động Quân từ Kontum xuống tiếp ứng cho Ban Mê Thuột. Khoảng 5 giờ chiều trực thăng tới gần Ban Mê Thuột nhưng bị phòng không địch áp chế không đáp được, phải đổ quân xuống Buôn Hô ở phía bắc thị xã Ban Mê Thuột 30 cây số để từ đó tiến quân bằng đường bộ. Nhưng lực lượng tiếp ứng đã bị chận đánh quyết liệt và việc tiếp ứng nhằm chiếm lại Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Darlac không thực hiện được.
Sáng ngày 11 tháng 3, sau khi pháo kích tới tấp vài tiếng đồng hồ liền, quân Bắc Việt có xe tăng dẫn đầu từ ba hướng tấn công thẳng vào Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh. Không Quân Nam Việt Nam can thiệp mạnh mẽ nhưng chẳng may phi cơ đã thả bom lầm làm sụp Trung Tâm Hành Quân của Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh. Đầu não hệ thống chỉ huy bị tê liệt hoàn toàn. Đại tá Vũ Thế Quang, Tư Lệnh Phó Sư Đoàn 23 Bộ Binh và Đại Tá Nguyễn Trọng Luật rút khỏi Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh và chẳng bao lâu sau cả hai đều bị bắt.
Sau khi Ban Mê Thuột bị mất, Bộ Tổng Tham Mưu QL/VNCH tăng cường cho Bộ Tư Lệnh Quân Khu II Liên Đoàn 7 Biệt Động Quân để thay thế Sư Đoàn 23 Bộ binh dự trù được sử dụng vào cuộc phản kích chiếm lại Ban Mê Thuộc.
Theo kế hoạch tái chiếm Ban Mê Thuột của Bộ Tư Lệnh Quân Khu II thì Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh và hai Trung Đoàn 44 và 45 sẽ được trực thăng vận xuống Phước An nằm phía đông Ban Mê Thuột 30 cây số vào ngày 12 tháng 3 để hành quân vào Ban Mê Thuột. Phần vì khi chạm đất có một số binh sĩ gặp đoàn người di tản từ Ban Mê Thuột tới nên vội vàng đổ xô đi tìm gia đình nên việc tổ chức tác chiến chẳng còn quy củ gì nữa. Đã thế, lực lượng phản kích lại thiếu mọi thứ, không có xe tăng và pháo yểm trợ và cũng không đủ tiếp liệu vì quốc lộ 21 từ Nha Trang lên đã bị cắt đứt, và rồi cuộc phản kích thất bại hoàn toàn.
Vào thời điểm này ông Thiệu mới tính đến chuyện “liệu bò đo chuồng” hay gọi là tái phối trí cho hợp với phương tiện và khả năng hiện có. Theo quyết định của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, lãnh thổ Nam Việt Nam chỉ còn thu hẹp vào Nam Phần Việt Nam và miền Nam Cao Nguyên Trung Phần. Quân Lực VNCH sẽ bố trí lại như sau: Cố thủ Quân Khu III và Quân Khu IV. Tại Quân Khu II sẽ bỏ Kontum, Pleiku để lấy quân chiếm lại Ban Mê Thuột và bảo vệ những tỉnh Nam Cao Nguyên. Quân Khu I chỉ còn giữ lại 3 căn cứ lõm là Huế, Chu Lai và Đà Nẵng.
Tổng Thống Thiệu ra lệnh rút bỏ Cao Nguyên và cuộc triệt thoái của Quân Đoàn II đã biến thành một cuộc chạy trốn hỗn loạn.
Tình hình Quân Khu I cũng tương tự, khi Tổng Thống Thiệu chỉ thị cho Trung Tướng Ngô Quang Trưởng phải phối trí lại lực lượng để trả Sư Đoàn Nhảy Dù về Sài Gòn. Do lệnh này mà Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến đang hoạt động ở Quảng Trị được điều về lập phòng tuyến ở Nam sông Mỹ Chánh. Do sự tái phối trí này mà đã làm cho dân chúng hoang mang dao động ùn ùn xô nhau chạy vào Đà Nẵng làm cho quốc lộ 1 bị tắc nghẽn. Trong khi đó Tổng Thống Thiệu lại thay đổi lệnh vào giờ chót bỏ Huế và Chu Lai mà chỉ giữ lại Đà Nẵng mà thôi.
Vào lúc 9 giờ 30 sáng ngày 23 tháng 3, Huế trở nên hoảng loạn khi Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ rút đi và càng hoảng loạn hơn nữa vào sáng 24 tháng 3 khi Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh chuẩn bị rút khỏi Huế.
Vào ngày 25 tháng 3, trong khi lực lượng Nam Việt Nam đang rút chạy thì quân Bắc Việt từ nhiều hướng khác nhau tiến vào Huế. Lúc 10 giờ 30 sáng, một đơn vị thuộc Quân Khu Trị Thiên đã treo cờ “Mặt Trận Giải Phóng” trên Phú Vân Lâu.
Sau khi chiếm Huế, họ chỉ để lại một lực lượng tượng trưng, còn bao nhiêu tập trung truy diệt lực lượng Nam Việt Nam đang bị kẹt ở bãi biển, Thuận An lúc này trở thành một cảnh tượng thê thảm. Cuộc vượt thoát chỉ trông chờ vào tàu hải quân, nhưng việc tàu cập bãi cũng không dễ dàng gì vì thủy triều xuống thấp, vì sóng to và vì pháo địch khống chế. Cuối cùng chỉ có khoảng 600 TQLC và gần một Trung Đoàn của Sư Đoàn 1 Bộ Binh được cứu thoát. Giữa cảnh thê thảm ghê rợn đó, đã có một số cấp chỉ huy của TQLC lách khỏi đám đông, chào từ biệt mọi người rồi quay lưng bước đi, rút súng tự bắn vào đầu. Một đạo quân dũng cảm nhưng hoang mang, di chuyển hết chỗ này đến chỗ khác, rút khỏi những vị trí vững chắc và sau cùng là chạy trốn.
Lúc 10 giờ sáng ngày 29 tháng 3 quân Bắc Việt tiến vào Đà Nẵng. Vỏn vẹn chỉ có 10 ngày, 5 tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Tín, Quảng Ngãi đã bị xóa tên và Quân Khu I của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa cũng bị xóa sổ.
Chiều ngày 1 tháng 4, quân dân Đà Lạt di tản xuống Phan Rang. Ngày 1 tháng 4 quân Bắc Việt làm chủ Tuy Hòa, chiếm Nha Trang ngày 4 tháng 4, chiếm Cam Ranh ngày 5 tháng 4. Quân khu II của Nam Việt Nam cũng bị xóa sổ.
Ngày 3 tháng 4, tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội Bắc Việt từ Cao Nguyên Trung Phần đã vào Lộc Ninh.
Ngày 7 tháng 4, Lê Đức Thọ Ủy viên Bộ Chính Trị Trung Ương là nhân vật số 2 của Bắc Việt sau Lê Duẩn đến Lộc Ninh. Trước kia ông ta đã bán hòa bình ở Paris, thì nay ông ta lại buôn chiến tranh vào Sài Gòn.
Tướng Văn Tiến Dũng được chính thức cử làm Tư Lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh đánh chiếm Sài Gòn. Trong chiến dịch này tổng cộng lực lượng chiến đấu có 270.000 quân gồm 250.000 chủ lực, 20.000 địa phương. Về hậu cần thì Đinh Đức Thiện Trung Tướng Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Hậu Cần quân đội Bắc Việt đã nói “xin báo cáo với các anh là đạn của ta đủ bắn để nó sợ đến ba đời”.
Vào thời điểm này Phan Rang tỉnh lỵ của Ninh Thuận đương nhiên trở thành cái chốt chặn đường quân Bắc Việt theo quốc lộ 1 đổ về hướng Sài Gòn. Quân Khu III phải cấp tốc biến Phan Rang thành một khu vực phòng thủ tập trung quanh phi trường Thành Sơn, khoảng 10 cây số bắc thị xã Phan Rang. Lực lượng Nam Việt Nam của Quân Khu III điều ra phòng thủ Phan Rang chủ yếu gồm một Lữ Đoàn Nhảy Dù, một Liên Đoàn Biệt Động Quân, một Sư Đoàn Bộ Binh, chỉ có hai Trung Đoàn mới được tổ chức và trang bị lại sau khi rút khỏi miền Trung, một số Thiết Giáp, và một bộ phận của Liên Đoàn 81 Biệt Kích Dù, do Sư Đoàn 6 Không Quân và một lực lượng đặc nhiệm Hải Quân trực tiếp yểm trợ. Tất cả lực lượng được đặt dưới quyền Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Quân Đoàn III đóng kế phi trường Thành Sơn do Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi chỉ huy.
Sau khi chiếm được 5 tỉnh miền Trung, vào đầu tháng 4, Bộ Tổng Tư Lệnh Quân Đội Bắc Việt thành lập Cánh quân Duyên Hải dưới quyền chỉ huy của tướng Lê Trọng Tấn, Phó Tổng Tham Mưu Trưởng, gồm Quân Đoàn 2 và một Tiểu Đoàn Thiết Giáp. Cánh quân này sử dụng hơn 2000 xe vận tải.
Sáng ngày 14 tháng 4, một bộ phận của Cánh quân Duyên Hải gồm Sư Đoàn 3 Bộ Binh được tăng cường Trung Đoàn 25 Bộ Binh của mặt trận Tây Nguyên nỗ súng vào Du Long, một khu vực đồi núi chắn ngang quốc lộ 1, cách thị xã Phan Rang chừng 20 cây số về phía Bắc. Lử Đoàn 2 Nhảy Dù và Liên Đoàn 31 Biệt Động Quân với sự yểm trợ của phi cơ đã chống trả quyết liệt mặc dù có lúc Biệt Động Quân núng thế phải bỏ vị trí, nhưng Lử Đoàn Nhảy Dù đã kịp thời ổn định được tình hình và phòng tuyến vẫn vững.
Trước sự kháng cự mạnh mẽ của lực lượng Nam Việt Nam ở Du Long, Cánh quân Duyên Hải của Hà Nội điều thêm lực lượng vào trận và thay đổi cách đánh. Ngày 16 tháng 4, Sư Đoàn 325 Bắc Việt có xe tăng yểm trợ phối hợp với Lử Đoàn 164 Pháo Binh chọc thủng phòng tuyến của Nhảy Dù và Biệt Động Quân ở Du Long, tiến theo quốc lộ 1 đánh vào thị xã Phan Rang đồng thời Sư Đoàn 3 Bắc Việt theo tỉnh lộ 11 tiến đánh phi trường Thành Sơn.
Ngày 16 tháng 4, quân Bắc Việt chiếm thị xã Phan Rang và phi trường Thành Sơn, Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Quân Đoàn III phải chạy về hướng đông nam ra Cà Ná. Nhưng trong đêm phần lớn đã bị bắt trong đó có Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Chuẩn Tướng Phạm Ngọc Sang Tư Lệnh Sư Đoàn 6 Không quân, và Đại Tá Nguyễn Thu Lương Lử Đoàn Trưởng Nhảy Dù cũng bị bắt sau đó. Phan Rang thất thủ chủ yếu vì không đủ quân, phía Nam Việt Nam chỉ có trên dưới một sư đoàn trong khi đó đối phương có cả 3, 4 sư đoàn.
Ngày 18 tháng 4, Sư Đoàn 325 Bắc Việt đã phối hợp với Trung Đoàn 812 Chủ Lực Quân Khu 6 của cộng sản chiếm Phan Thiết, tỉnh lỵ của Bình Thuận và hôm sau cánh quân duyên hải của Bắc Việt làm chủ Hàm Tân, tỉnh lỵ của Bình Tuy.
Trong khi đó một cánh quân Bắc Việt do Thiếu Tướng CSBV Hoàng Cầm chỉ huy đánh vào thị xã Xuân Lộc, tỉnh Long Khánh ngày 9 tháng 4. Nhưng đã bị khựng lại trước sự chống trả mạnh mẽ của Sư Đoàn 18 Bộ Binh và lực lượng Tiểu Khu Long Khánh. Đồng thời Bộ Tư Lệnh Quân Khu III cấp tốc điều động lực lượng đến tăng viện cho Xuân Lộc gồm Lử Đoàn 1 Nhảy Dù, Trung Đoàn 8 thuộc Sư Đoàn 5 Bộ Binh, Tiểu Đoàn 82 Biệt Động Quân Biên Phòng mới rút khỏi từ Quân Khu II về, và một bộ phận của Lử Đoàn 3 Kỵ Binh từ Biên Hòa theo quốc lộ 1 tiến lên để giải tỏa áp lực địch.
Không Quân Nam Việt Nam cũng đã huy động tối đa để yểm trợ và sự yểm trợ lần này rất hữu hiệu vì ngoài phi cơ chiến thuật, đã sử dụng cả phi cơ vận tải C130 cải biến chở những khung vĩ sắt chứa nhiều quả bôm hạng nặng và nhiều phuy xăng JP4, bay trên cao độ 15.000 đến 20,000 bộ để tránh phòng không địch và được điều khiển bằng vô tuyến cho rơi đúng vào các mục tiêu ấn định. Có hai quả bôm CBU-55 đã rơi trúng Sư Đoàn 341 CSBV làm tinh thần cán binh Bắc Việt dao động mạnh vì tưởng là bôm B52. Riêng Sư Đoàn 341 CSBV chỉ trong hai ngày 9 và 10 tháng 4 đã có 1100 cán bộ chiến sĩ chết và bị thương. Thượng Tướng Trần Văn Trà chỉ huy Bộ Tư Lệnh Miền trực thuộc Trung Ương Cục Miền Nam, đích thân xuống mặt trận xem xét tình hình, thấy không chiếm được Xuân Lộc nên quân Bắc Việt bèn quay sang đánh vòng ngoài nhằm vào các đơn vị Nam Việt Nam tăng viện về hướng Biên Hòa.
Đêm 20 tháng 4, Sư Đoàn 18 và Lử Đoàn 1 Nhảy Dù rút khỏi Xuân Lộc theo liên tỉnh lộ 2 về Bà Rịa. Từ đây Sư Đoàn 18 Bộ Binh lên xe về Long Bình nghĩ dưỡng quân vài ngày, sau đó được ra bố trí ở khu vực đông nam Biên Hòa, còn Lử Đoàn 1 Nhảy Dù ra bão vệ thị xã Vũng Tàu. Cuộc rút lui của lực lượng Nam Việt Nam diễn ra êm thấm, tổn thất không đáng kể. Riêng Đại Tá Phạm Văn Phúc, Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Tiểu Khu Long Khánh trên đường rút lui đã bị thương nhẹ và bị bắt.
Ở phía bắc Sài Gòn, ngày 12 tháng 3 quân Bắc Việt đánh chiếm quận lỵ Trị Tâm Dầu Tiếng thuộc tỉnh Bình Dương. Cùng thời gian này, Quân Khu III cho rút quân khỏi An Lộc để có lực lượng đối phó với địch ở những chỗ khác bức bách hơn. Cuộc triệt thoái khỏi An Lộc đã diễn ra suông sẻ, ngoại trừ phải phá hủy 5 khẩu đại bác 155 ly vì không có trực thăng có khả năng bốc đi.
Ngày 24 tháng 3, Sư Đoàn 341 thuộc Quân Đoàn 4 Bắc Việt tấn công quận lỵ Chơn Thành nằm trên quốc lộ 13 ở phía nam An Lộc. Các Liên Đoàn 31 và 32 Biệt Động Quân đã bắn cháy một số xe tăng của đối phương và giữ vững được vị trí. Sư Đoàn 341 Bắc Việt lại mở một cuộc tấn công khác vào Chơn Thành nhưng cuộc tấn công này cũng đã bị đẩy lui. Vào ngày 31 tháng 3, Sư Đoàn 341 Bắc Việt được tăng cường thêm một Trung Đoàn lại tấn công Chơn Thành lần thứ ba, sau khi đã bắn vào đây hơn 3000 trái pháo và hỏa tiễn, nhưng củng như hai lần trước, cuộc tấn công này cũng lại bị đẩy lui và đã có hơn 10 xe thiết giáp của địch bị phá hủy.
Cuối cùng vào ngày 1 tháng 4, Quân Khu III Nam Việt Nam quyết định cho rút khỏi Chơn Thành. Liên Đoàn 31 Biệt Động Quân rút về Lai Khê, còn Liên Đoàn 32 Biệt Động Quân được di chuyển sang Tây Ninh để đối phó với áp lực địch ở đây.
Đồng thời với cuộc tấn công Chơn Thành, Sư Đoàn 9 CSBV đánh Tây Ninh. Chiến sự xoay quanh khu vực Truông Mít, Khiêm Hanh ở đông nam thị xã Tây Ninh. Hai bên đã quyết chiến và đều bị thiệt hại khá nặng. Phía Nam Việt Nam bị mất một Tiểu Đoàn, trong khi quân Bắc Việt bỏ lại khoảng 200 xác. Sư Đoàn 25 Bộ Binh Nam Việt Nam phải lui dần về hướng nam để lập phòng tuyến ở Củ Chi chặn đối phương về Sài Gòn.
Trong lúc đó ở phía tây nam, các đơn vị Địa Phương Quân và Nghĩa Quân Nam Việt Nam liên tiếp chạm với chủ lực địch ở Định Tường. Thượng tuần tháng 4, Sư Đoàn 5 chủ lực Miền của cộng sản từ Kampuchea kéo về đánh Long An nhằm cắt đứt quốc lộ 4, nhưng đã bị Sư Đoàn 9 Bộ Binh của Quân Khu IV chận đứng.
Tóm lại, từ lúc Xuân Lộc bị rút bỏ, các cánh quân của cộng sản hầu như đã chuẩn bị xong các khu vực bàn đạp để tấn công Sài Gòn.
Đêm 21 tháng 4, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức và trao quyền cho Phó Tổng Thống Trần Văn Hương.
Ngày 27 tháng 4, Sư Đoàn 325 chiếm Long Thành và Sư Đoàn 304 đánh Nước Trong tức là Huấn Khu Long Thành của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa gồm Trường Bộ Binh (tức là Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức), Trường Thiết Giáp và Trung Tâm Huấn Luyện Yên Thế (trường huấn luyện Lực Lượng Đặc Biệt). Huấn Khu Long Thành phối hợp tác chiến với Lử Đoàn 468 Thủy Quân Lục Chiến và một bộ phận của Lử Đoàn 3 Kỵ Binh. Tại đây lực lượng Nam Việt Nam đã chống trả quyết liệt, bắn cháy 8 chiến xa và gây thiệt hại nặng nề cho đối phương. Đến ngày 29 tháng 4 thì Sư Đoàn 304 CSBV chiếm được cầu Đồng Nai trên xa lộ Biên Hòa - Sài Gòn.
Quân Đoàn 1 CSBV tấn công căn cứ Phú Lợi ở thị xã Bình Dương, và bộ phận thọc sâu của Quân Đoàn gồm 2 Trung Đoàn Bộ Binh và các đơn vị binh chủng đánh chiếm Lái Thiêu, nhằm xuống hướng Gò Vấp.
Đoàn 232 CSBV chiếm tỉnh lỵ Hậu Nghĩa, và binh đoàn thọc sâu của đơn vị này gồm Sư Đoàn 9 Bộ Binh và các bộ phận binh chủng yểm trợ tiến vào vùng ven đô trong khi một đơn vị đặc công chiếm đài ra-đa Phú Lâm.
Tổng Thống Trần Văn Hương &
Tướng Dương Văn Minh
Ngày 28 tháng 4, lúc 5 giờ chiều Tổng Thống Trần Văn Hương đã bàn giao chức vụ cho Tướng Dương Văn Minh làm Tổng Thống để điều đình với cộng sản.
Vào lúc 5 giờ sáng ngày 30 tháng 4, các cánh quân của quân đội Bắc Việt đồng loạt tiến vào Sài Gòn.
Cánh quân đông nam của Quân Đoàn 2 CSBV từ cầu Đồng Nai theo xa lộ Biên Hòa tiến về Sài Gòn đã bị pháo từ Trường Bộ Binh Thủ Đức bắn cản, và khi đến ngã tư Thủ Đức vẫn còn bị lực lượng Nam Việt Nam chận đánh. Có một bộ phận thiết giáp của CSBV từ xa lộ chọc thẳng vào khu Chợ Nhỏ Thủ Đức cũng đã bị chận đánh, và có một chiếc xe tăng lọt được vào nội vi của Trường Bộ Binh Thủ Đức đã bị bắn cháy.
Cánh quân tây bắc CSBV qua ngả Ngả Tư Bảy Hiền, nhà máy dệt Vinatexco đã bị lực lượng Nhảy Dù và lực lượng 81 Biệt Cách Nhảy Dù chận đánh quyết liệt, bắn cháy 6 chiến xa địch, đồng thời phi cơ từ Cần Thơ đã bay tới oanh kích vào đội hình địch, gây cho họ khá nhiều thiệt hại.
Sáng ngày 30 tháng 4, 1975 sau khi người Mỹ đã di tản xong thì Lý Quý Chung Tổng Trưởng Thông Tin trong chính phủ Vũ Văn Mẫu đã thảo bản tuyên bố đầu hàng và đã được Tổng Thống Dương Văn Minh thâu băng và phát đi qua đài truyền thanh vào lúc 10 giờ 15 phút sáng, nội dung như sau:
“Đường lối chủ trương của chúng tôi là hòa giải hòa hợp dân tộc để cứu vãn sinh mạng của đồng bào. Chúng tôi tin tưởng sâu xa vào sự hòa giải giửa người Việt Nam với nhau để khỏi phí phạm xương máu của người Việt Nam chúng ta. Vì lẻ đó, tôi yêu cầu tất cả anh em chiến sĩ VNCH hãy bình tĩnh ngưng nổ súng và ở đâu ở đó. Chúng tôi cũng yêu cầu anh em chiến sĩ Chính Phủ Cộng Hòa Lâm Thời Miền Nam Việt Nam hãy ngưng nỗ súng. Chúng tôi đang ở đây chờ gặp đại diện Chính Phủ Cộng Hòa Lâm Thời Miền Nam Việt Nam để cùng thảo luận về việc bàn giao chính quyền trong vòng trật tự và tránh sự đổ máu vô ích của đồng bào”.
Tiếp theo là nhật lệnh của Chuẩn Tướng Nguyễn Hữu Hạnh phụ tá Tổng Tham Mưu Trưởng QL/VNCH: “Các vị chỉ huy quân sự sẵn sàng tiếp xúc với các cấp chỉ huy quân đội Chính Phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam thực hiện cuộc ngưng bắn để tránh những cuộc đổ máu đáng tiếc.”
Xe tăng Việt Cộng tiến vô dinh Độc Lập vào lúc 10 giờ 45 phút sáng ngày 30 tháng 4, 1975 , bắt Tổng Thống Dương Văn Minh và Thủ Tướng Vũ Văn Mẫu ra đài phát thanh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện vì theo họ Quân Đội Bắc Việt đã giải phóng Sài Gòn rồi, chính quyền Dương Văn Minh không có gì để bàn giao. Họ liền bắt nhốt tất cả từ Tổng Thống Dương Văn Minh, Thủ Tướng Vũ Văn Mẫu đến các Tổng Bộ Trưởng và bắt Tiến Sĩ Nguyễn Văn Hảo dẫn đến Kho Bạc để tịch thu 16 tấn vàng của Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam.
Hai ngày sau họ làm lể ăn mừng chiến thắng diễn hành trước dinh Độc Lập dưới quyền chủ tọa của tập đoàn lãnh đạo Hà Nội. Và cũng ngay từ đó cái chính phủ bù nhìn Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam do Cộng Sản Bắc Việt dựng lên, nay hoàn toàn bị phế thải, và đồng loạt họ đã mang các quan chức từ miền Bắc vào miền Nam để nắm toàn quyền cai trị.
Đây là một hành động trắng trợn vi phạm Hiệp Định Paris mà Cộng Sản Bắc Việt đã ký kết, mà trong Điều 9 và Điều 11 của Chương IV đã có ghi rõ như sau:
“Ngay sau khi ngưng bắn, hai bên Miền Nam Việt Nam phải thực hiện hòa hợp hòa giải quốc gia, chấm dứt hận thù, cấm các hành động trả thù và phân biệt cá nhân hoặc tập thể, bên này hay bên kia và phải bảo đảm tinh thần dân chủ tự do”.
Chính phủ Hoa Kỳ và chính phủ CSBV phải tôn trọng các nguyên tắc sau đây về quyền tự quyết của dân chúng Miền Nam Việt Nam:
(a) Quyền tự quyết của dân chúng Miền Nam là thiêng liêng không thể chuyển nhượng và các quốc gia phải tôn trọng.
(b) Dân Miền Nam sẽ quyết định chính phủ tương lai qua cuộc tổng tuyển cử dưới sự giám sát quốc tế.
Sau khi Miền Nam rơi vào tay Cộng Sản, một loạt tướng lãnh VNCH đã chấp nhận cái chết để giử tròn khí tiết:
- Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ, Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh.
- Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư Lệnh Quân Đoàn IV .
- Thiếu Tướng Lê Văn Hưng, Tư Lệnh Phó Quân Đoàn IV.
- Chuẩn Tướng Trần Văn Hai, Tư Lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh.
- Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Tư Lệnh Quân Đoàn II.
- Đại Tá Hồ Ngọc Cẫn Tỉnh Trưởng Chương Thiện bị hành quyết.
- Trung Tá Nguyễn Văn Long, Cảnh Sát Quốc Gia.
Và rất nhiều trường hợp tự sát cá nhân, gia đình hoặc tập thể ở nhiều lúc nhiều nơi mà không thể nào kể hết được.
Theo sự tuyên truyền bịp bợm của CSBV thì dân chúng miền Nam đang bị lầm than đói khổ, bị mỹ ngụy đàn áp bốc lột đến tận xương tủy, đến đổi không có chén để mà ăn, không có áo để mà mặc. Nhưng kỳ thực là sau khi chiếm được miền Nam, từ rừng rú kéo về, họ đã bị choáng ngộp trước sự văn minh sung túc của miền Nam, nhứt là Sài Gòn được mệnh danh là một Hòn Ngọc Viễn Đông. Họ đã đem từng đoàn từng đoàn xe vận tải hạng nặng để giải phóng tài sản của dân chúng miền Nam đem về Bắc.
Đối với các viên chức chính quyền và quân đội của chế độ VNCH trước đây thì bị tập trung vào trong những trại tù lao động khổ sai được che đậy dưới mỹ từ “trại cải tạo”. Họ toàn quyền muốn đánh đập hay thủ tiêu tùy tiện, không có luật lệ hay quy chế quốc tế nào.
Họ đuổi dân thành thị ra sống trong các chòi tranh nơi rừng sâu núi thẳm mà họ gọi là vùng Kinh Tế Mới. Phát động chiến dịch cải tạo nông nghiệp tịch thu đất đai ruộng vườn của nông dân. Mở chiến dịch đánh tư sản cướp đất cướp nhà cướp luôn cơ sở làm ăn, tháo gở nhà máy xí nghiệp đem về Bắc. Đổ Mười là chủ tịch Ủy ban Bài trừ Tư sản và ông ta tuyên bố một cách hung tàn là: “Tất cả những người giàu ở miền Nam đều là có tội”. Theo Vũ Thư Hiên trong “Đêm Giữa Ban Ngày” thì trước Cách mạng tháng Tám, Đỗ Mười làm nghề hoạn lợn chứ không phải thợ hồ thợ sơn gì sất như được ghi trong tiểu sử.
Và vì không chịu đựng nỗi dưới sự độc ác tàn bạo của tập đoàn CSBV, cho nên đã có hàng triệu người phải liều thân bỏ nước ra đi. Nhưng muốn trốn đi không phải là dễ bởi vì tội vượt biên lúc đó bị họ coi như là tội phản quốc, chạy theo đế quốc để ăn bơ thừa sửa cặn, mà Lê Đức Thọ gọi là thành phần rác rưởi, cặn bả xã hội. Công an biên phòng đã thẳng tay tàn sát, xả súng vào các ghe thuyền vượt biên ở cầu Chử Y, bãi biển Vũng Tàu, kinh Chợ Gạo, cửa biển Gò Công v.v…máu đồng bào nhuộm đỏ cả sông cả biển. Họ còn tổ chức bán người ra nước ngoài, lột hết của cải trước khi tống xuất ra biển cả, nhét hàng ngàn người xuống những chiếc tàu buôn vượt quá sức chứa.
Những người còn sống sót để đến được bến bờ tự do đều đã phải trải qua những giờ phút kinh hoàng hãi hùng khủng khiếp. Có nhiều người khi đến nơi chỉ còn lại một thân một mình mà những người thân thì đã bỏ mình trên biển cả trên rừng sâu hay bị hải tặc hảm hiếp bắt đi mất tích. Đây là thảm kịch di dân bi đát nhất trong lịch sử loài người.
Nhà văn Yung Krall ( Đặng Mỹ Dung ) tác giả “Thousand Tears Falling” ( Ngàn giọt lệ rơi ) đã dựa vào những tài liệu của quốc tế, liệt kê và sơ kết ra con số sau:
Từ 1975 đến 1987 cộng sản đã:
- Đày đi tù cải tạo: 1.040.000
- Chết trong tù cải tạo: 95.000
- Cộng sản tử hình hơn 100.000
- Đày ải hơn 100.000 người đi vùng kinh tế mới
- Vượt biên chết trên 500.000
Sau ngày 30 tháng 4, 1975 vì không còn bị một thế lực đáng kể nào ở trong nước chống đối nữa, đảng Cộng Sản Việt Nam nghiễm nhiên trở thành những kẻ độc quyền cai trị, độc quyền bốc lột, độc quyền vơ vét, độc quyền tham nhũng, đẩy nhân dân vào cảnh lầm than cơ cực hơn cả thời Pháp thuộc. Công nhân phải làm nô lệ lao động cho nước ngoài, phụ nữ phải bán thân làm tình dục cho ngoại bang. Dân tình nghèo xơ nghèo xác bên cạnh bọn cán bộ quyền thế giàu nứt đổ vách. Đến nỗi tướng VC Trần Độ đã viết trong nhật ký: “Cái chế độ xã hội chủ nghĩa của Việt Nam hiện nay nó tàn bạo hơn cả chế độ của Tần Thủy Hoàng và sự dã man của chủ nghĩa phát xít Hitler”
Nguyễn Văn Trấn từng giữ chức Chính Ủy Tư Lệnh quân khu 9 VC với hỗn danh “Hung thần Chợ Đệm” trong cuốn “Viết cho mẹ và quốc hội” đã ghi rằng:
“chúng tôi đã chọn sai lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, bởi vì suốt hơn 60 năm trên con đường cách mạng cộng sản ấy, nhân dân Việt Nam đã chịu sự hy sinh quá lớn lao, nhưng cuối cùng chẳng được gì, đất nước vẫn nghèo nàn lạc hậu, nhân dân không có ấm no hạnh phúc, không có dân chủ tự do, đó là điều sĩ nhục “
Bây giờ nhìn lại con đường “bác” đi, chúng ta đã thấy quá rõ, ông Hồ xuất dương không phải với mục đích ra đi tìm đường cứu nước, trên thực tế, trọn đời đấu tranh của Hồ Chí Minh chỉ là lảnh lương của Đệ Tam Quốc Tế, đi lại đó đây như một du khách từ Phảp qua Nga qua Đức, qua Trung Hoa, qua Đông Nam Á … Gian khổ cùng cực của Hồ Chí Minh chỉ là 18 tháng bị Trung Hoa Dân Quốc bắt giữ do nhập cảnh trái phép và 13 tháng nằm trong nhà giam Hương Cảng của người Anh vì là tay sai Nga bị nghi ngờ muốn phá hoại Hương Cảng. Hồ Chí Minh bị bắt không do đấu tranh cho đất nước, chưa qua một ngày trong ngục tù thực dân, không chịu một ngọn đòn tra tấn nào, dù chỉ là một cái bạt tai. Cảnh ở tù đã được chính Hồ Chí Minh kể lại trong “Những mẫu chuyện trong đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch” mà tác giả Trần Dân Tiên chính là Hồ Chí Minh đã viết: “…mỗi tuần hai lần, chúng cho ông ăn thịt bò, cơm trắng, mỗi ngày chúng cho ông ra sân đi bách bộ mười lăm phút… Những buổi đi hỏi cung là những lúc nghĩ ngơi khoái nhứt trong khi ở tù, vì bọn mật thám thường mời ông hút thuốc lá Anh…”
Bây giờ nhìn lại lịch sử trắng đen đã rõ, đâu là chính nghĩa đâu là tà ngụy. Nếu như Việt Nam không có Hồ Chí Minh làm tay sai cho Nga, Tàu, mang chủ nghĩa Cộng Sản vào Việt Nam, thì đất nước ta đã không bị một cuộc chiến tranh tàn khốc, kéo dài hơn nữa thế kỷ, làm mấy triệu người thiệt mạng, làm đất nước điêu linh, làm dân tình khốn khổ. Thì chắc chắn rằng đất nước Việt Nam ta đã được độc lập tự do dân chủ từ lâu, xã hội Việt Nam ta đã được văn minh tiến bộ phú cường và dân tộc Việt Nam ta đã được ấm no hạnh phúc không thua kém gì các dân tộc khác như Đại Hàn, Nhựt Bản hay Singapore ngày nay ./.
- Con Đường Bi Đát - III Nguyễn Ngọc Thạch Tham luận
- Con Đường Bi Đát - II Nguyễn Ngọc Thạch Tham luận
- Con Đường Bi Đát - I Nguyễn Ngọc Thạch Tham luận
- Đường Tìm Tự Do - IV: Vượt Biên Và Vượt Biển Nguyễn Ngọc Thạch Hồi ký
- Đường Tìm Tự Do - III: Trốn Trại Nguyễn Ngọc Thạch Hồi ký
- Đường tìm tự do - II: Tù Cải Tạo Nguyễn Ngọc Thạch Hồi ký
- Đường Tìm Tự Do - I: Những Ngày Cuối Cùng Của Trường Bộ Binh Nguyễn Ngọc Thạch Hồi ký
• Nhìn lại thành tích của Đảng Cộng Sản (Nguyễn Gia Kiểng)
• Thật và giả từ bước chân thầy Minh Tuệ (Hiếu Chân)
• Bỏ Rơi Hay Phản Bội? (Bùi Anh Trinh)
• Sư Minh Tuệ Và Pháp Hành Dưới Góc Nhìn Phật Giáo (Nguyễn Thanh Huy)
• Viện Bảo Tàng Quân Lực VNCH Và Buổi Nói Chuyện Về Trận Đánh Cuối Cùng 30/04/1975 (Việt Báo)
• Đao phủ Henry II: Đại họa cho cả VNCH lẫn Mỹ (Nguyễn Tiến Hưng)
• Những Ngộ Nhận về Chiến Tranh Việt Nam từ phía Hoa Kỳ (Đỗ Văn Phúc)
• Tôi gọi họ là Anh Hùng! (Đặng Chí Hùng)
• Nguyên nhân Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ 30-4-1975 (Trương Nhân Tuấn)
• Cựu nhà báo thời chiến: “Tôi không nghĩ chiến tranh VN là chống Mỹ cứu nước” (RFA)
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |