1. Head_
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Quan Niệm Thi Ca của nhóm Xuân Thu Nhã Tập Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      8-1-2020 | THƠ

      Quan Niệm Thi Ca của nhóm Xuân Thu Nhã Tập

         ĐOÀN PHÚ TỨ-PHẠM VĂN HẠNH-NGUYỄN XUÂN SANH
      Share File.php Share File
          

       

      THƠ


      Người ta đã thử và chưa từng giải nghĩa được Thơ. Như Giai Nhân, như Đẹp, như Trời. Người ta cảm thấy một cái gì siêu thoát, ra ngoài ước lệ, ở trên lý trí, nó rung động ta theo nhịp điệu vũ-trụ, hồn nhiên, nó hoà hợp ta trong cái Đẹp và ấp ta nằm trong sự thật. Vẻ man mác của cái đẹp và ý sâu sắc của sự thật. Do trong-trẻo gạn nên.



      Còn lại "cái gì" mà ta gọi là thơ.


      Một cái gì không giải thích được, mà không cần giải thích. Nó chiếm đoạt ta tất nhiên, hoàn toàn, tức khắc. Đột nhiên ta nhảy đến cửa trời như nhào vô lòng mẹ. Không xét suy. Bằng con đường thẳng hình-ảnh, tiết tấu, lễ nghi. Âm thanh, màu sắc, mùi, giọng được hòa hợp thành những biểu hiện nhịp nhàng để khêu gợi những rung động siêu việt cùa bản nhạc Vô-Cùng ...


      Có rung động là có thơ. Phải cần và chỉ cần có rung động ấy.


      Áng thơm của hoa, vẻ trong của nước, thần của vạn vật, thơ của văn-nghệ. Trước khi thưởng thức hương, nhận chân sắc, dò hỏi trời, phân tích vui, trước khi dùng những phương thức lý trí, có ý thức, có thống hệ, để phán đoán, để hiểu biết, ta đã chịu sức quyến rũ của mùi thơm, sự lan tràn của ý thích, ta đã cảm thấy đẹp, đạt được thật, đầm trong thơ, nát bàn Nghệ-Thuật.


      "Mây Tần khoá kín song the,

      Bụi hồng lẽo đẽo đi về chiêm bao..."


      Ngoài cái nghĩa xuôi câu ấy, và trước khi nghĩ đến nó, ta đã được cảm một cái đẹp trong trẻo gợi nên bởi âm thanh, cách điệu... nó mê hoặc ta ngay và đặt ta vào giữa cõi thơ như có thần trợ. Hay nói đúng, một cái gì trên cả âm điệu, không giải được mà chỉ cảm được thôi.


      Ta đã bước vào xứ Lễ-Nhạc.


      Nghĩa xuôi câu thơ, cảnh tả, chuyện thuật, hay tình kể lể trong ấy, cái gì giãi bày, thứ tự, rõ rệt đều không phải cốt thơ, vì không thuần túy, không vượt trên cách thông dụng vụ lợi của trí não; và ngôn ngữ là lợi khí thứ nhất của trí não.


      Những nghệ thuật ngoài văn chương như âm nhạc, ca vũ, hội họa, điêu khắc có thuần túy hơn. Màu, tiếng, vật thể, không phải vào tay ai cũng nảy ra nhịp nhàng tươi đẹp. Còn văn chương hình như ai cũng tự nhận có quyền nào đấy, vì lợi khí là ngôn ngữ ở trong cửa miệng mọi người hằng ngày. Ngôn ngữ lại chính là lợi khí của trí não cần đối phó luôn luôn với sự sống, dùng để trao ý tưởng cho nhau, giải thích sự vật, hiểu biết và hành động, nghĩa là có một chức phận vụ lợi, thực tế, xa bản cốt của Đẹp là thứ rung động xa vời, vô tư lợi, cảm thông với cái vô cùng, tuyệt đối.


      Về hình thức, văn vần và văn xuôi là hai thể chính cửa văn chương xưa nay. Về tinh thần, văn chương có hai tính chất, có thể ở cả trong hai hình thể. Một là tính chất giãi bày, thuộc lý trí, vụ ích lợi, nói gồm là tính chất "văn". Hai là tính chất hàm súc, tiềm thức, thuần túy, gọi là tính chất "thơ".


      Quan niệm thật về "thơ" có phải suy nguyên ở tính chất này. "Thơ" có thể có trong âm nhạc hội họa, trong kiến trúc, nói rộng ra ở khắp ngành nghệ thuật, và cả trong đạo lý, trong hành động, một khi đã gạn lắng những cặn đục mà còn tinh hoa. Đi sâu vào là gặp cái tinh túy của sự vật hoà với cái chân chất nhịp nhàng: một bài tính kỷ hà, một ngụy thuyết, một cái nhìn, một nỗi hận, một múi cam.


      Âm nhạc có tính chất ấy, không vụ tả tình hay tả cảnh bằng cách nhại lại âm điệu thiên nhiên; hội hoạ có tính chất ấy không cần diễn một câu đầu đề gì; một mỹ nhân hay một con bò họa chăng chỉ là cái cớ nói thác những cái ở ngoài hình ảnh ấy; đời sống có tính chất ấy, hà tất băn khoăn về thiện ác, chỉ cảm thấy đẹp do sự thật tươi trong, tức là đến tình trạng tuyệt đích, vượt ngoài ước lệ. Một bài văn chương, không cần liệt vào thể gì, loại gì. Chỉ có 'thơ" và "văn" theo nghĩa tinh thần đã định, dù ở trong hình thức nào.


      Sự sáng tác không cần phải đúng trong những khuôn khổ bất di bất dịch..


      Một bài thơ là do sự phối hợp những âm thanh, chữ, hình ảnh, biểu hiện, theo những niêm luật rõ rệt hay tiềm tàng, để khơi nguồn lưu thông cái run rẩy huyền diệu của Thơ. Nó tràn sóng sang người đọc, được rung động theo nhịp điệu của Tuyệt đối.


      Vậy người đọc muốn biết cái rung động ấy, cái đầy đủ trác tuyệt do một bài thơ dội vào tâm hồn, cái thỏa mãn thần bí của sự giao hợp sắp hoàn thành (phút giây vĩnh viễn), ít ra cũng phải được lên dây cùng cung bậc với cây đàn, với thi sĩ, với tình nhân. Người đọc cũng phải có chất thơ, có cốt đàn, có nòi tình. "Thi sĩ" làm xong bài thơ có thể nói: Bản đẹp chưa thành. Vì nó còn chờ tác giả thứ hai: người đọc. Cảm xúc chuyển từ người thơ sang độc giả, hoà hợp hai lẽ siêu hình, con sông thơ lộng một trời mới. Người đọc phải là "thi nhân", tái tạo vũ trụ bài thơ tạo ra. Có thể khác nhau những vũ trụ ấy. Mà làm sao không khác nhau được. Mà cũng nên khác nhau. Nên một bài thơ có thể cảm ra nhiều cách; những khúc hợp-tấu của Vô-Cùng.


      Hãy cùng ngâm:


      "Thúy mi thiền phát sinh biệt ly"


      và yên cho sóng thơ ngân vang vào thần-kinh-hệ.


      Thơ chỉ hình dung cái bản-ngã thuần-túy, cái bản ngã cuối cùng của thi sĩ hay sự vật. Thơ chỉ là một sự nhớ lại, một cuộc trở về của thi sĩ trong cái tôi của mình nằm trong sự vật. Vì thơ không phải như nghĩa tục, chỉ là một sự làm khoái tai, vừa ý, bằng cách khiêu động người ta, thô sơ dễ dãi. "Thơ" trước hết phải là sự trong trẻo, sự vô-tư-lợi, sự khêu gợi không cùng, sự rung động tức khắc, sự gặp gỡ đột nhiên, sự hiến dâng không nghĩ đến trở về. "Văn" nói chuyện đời, nhưng "Thơ" chính là tiếng đời u-huyền, trực tiếp.


      Có thể viết theo toán pháp:


                   THƠ=TRONG=ĐẸP=THẬT


      Cái gì trong trẻo là đẹp: hương hoa, chất ngọc, lòng băng, một ý tưởng vô-tư-lợi, một cử chỉ vô lý do; không cần chừa cái gì, để làm gì, biết thế nào; tự nó có ý nghĩa, có cứu cánh ở nó; tự túc, toàn năng. Và cái gì đẹp là thật. Một chiếc lá, một lời đau, một khoé mắt, một nhịp đờn... ai bảo là hư ảo? Đó là sự thật, ta cảm thông bằng tuệ giác, khi đã nằm trong chiếc lá, trong lời đau, trong khoé mắt, trong nhịp đờn... ta đã thấy “Thơ". "Thơ" chính là một cách tri thức cao cấp. Nó đã gặp Hình Nhi-Thượng, đưa đến Tôn-Giáo và thực hiện Ái-Tình, nghĩa là Vô- Biên.


      Thơ, Tỉnh yêu, Tôn-Giáo đều nở bừng trong tuệ giác.


      Thi sĩ cùng cung bậc với giáo sĩ, với tình-nhân. Mà một lời thơ, một lời cầu, một lời than là lời nói của Vô-Cùng, dấu hiệu của Tuyệt-Đối.


      Thi sĩ cảm trong một chiếc lá, khi đã nằm hẳn trong chiếc lá, hoà trộn trong cùng cái lẽ thật muôn đời, là cái tinh túy muôn vật, là chất "thơ" muôn nguồn gốc. Thi sĩ từ trong chiếc lá mà rung động ra ngoài và đã chiếm đoạt hoàn toàn chiếc lá, đã cùng nó hợp một; có một phút thi sĩ đã là chiếc lá. Chứ không phải đứng bên ngoài nó, đi vòng quanh mà siêng năng tìm kiếm, xét dần-dần những sắc thái dần dần lĩnh hội được, để mô tả, giãi bầy, ca tụng, một cách vụn vặt, nông cạn, thiếu thốn.


      Độc giả cũng phải theo con đường thẳng của thi sỹ sẽ thấy được "thơ", cái gì thật là "thơ", sẽ thấy trong tuệ-giác cái đầy-đủ tuyệt-vời.


      Không một sự cao quý nào mà dễ dãi, tự-hiến bao giờ. Hãy nằm trong thơ, đàm trong nhạc; đừng vội muốn "hiểu” trước khi xúc-cảm. Rồi ta sẽ hiểu, nhất là sẽ biết, cái biết đầy đủ, trong trẻo, trọn vẹn, nhịp nhàng.


      Nhập tâm hết những hình ảnh, âm thanh, cách điệu, lẫn trong sự mờ ám bên ngoài. Lặng lẽ mà chiêm ngưỡng:


      "Châu Nam Hải thuyền chìm sông Thúy Ái,

      Sóng Tiền Đường cỏ áy bến Ô Giang..."


      Chúng ta sẽ bước vào trời, lòng tinh đối với điện ngọc, như hạt thơ xanh kia là Trời của Thi sĩ, phút ngọc của người.


      Thi sĩ đã tự giác, còn phần khai-giác cho kẻ mười phương. Hai bầu sáng suốt kia sẽ cùng ngào ngạt một hương đàn ...


      Đừng luận lý với thơ cũng đừng luận lý với người yêu, với giáo điều.


      Thấu nghĩa từng chữ rồi những chữ ấy ở cạnh nhau sẽ nảy ra những âm thanh gì, hình ảnh gì, gợi trong trí não một vũ trụ tức khắc, mới mẻ, không phải phân tích, không phải phê phán; không cần phải tìm cho câu thơ, hay những câu thơ một nghĩa xuôi. Sau khi "cảm" thấy thơ một cách trực tiếp, vẫn có thể tìm "hiểu" những nghĩa xuôi bằng sự suy nghĩ.


      Vậy một bài thơ có thể "hiểu" ra nhiều lối, dù có "cảm" một cách duy nhất. Nên độc giả tùy theo trình độ trí thức mình mà hưởng thụ ít hay nhiều. Cùng một cánh trăng, cùng một nụ cười, cùng một tiếng đờn, kẻ dung-phu hay người tài tử có lẽ chung một thứ cảm, rung động là rung động nhưng phong phú không bằng nhau. Nên thi ca cũng phân nhiều bậc. Tiếng "thơ" trong bài này chẳng qua đã hiểu theo nghĩa cao-đẳng vậy. Độc giả lĩnh hội được hay không, tưởng không phải điều quan tâm của thi sĩ. Thi sĩ đi tìm "thơ", tìm "lẽ thật", tìm "mình". Phận sự chỉ ở đó, nguyên nhân lòng ham mê chỉ ở đó. Và biết đâu mỗi người trong đời không chỉ tự giác ngộ được mình thôi. Và câu:


      "Bán hợp quỳnh diên tô hạp hương"


      trước khi gió đưa hồn qua hồn chúng ta, đã là nhị hoa của vườn Lý Bạch.


      Tính chất của "thơ" tự nhiên đưa đến tính cách hàm súc, tĩnh-mạc, tổng-hợp; đặc tính của Á Đông, và tất cả nền Văn Minh ấy. Ngôn ngữ, cú-pháp Á Đông rất thích hợp cho thơ, bởi phát hiện bằng toàn hình ảnh, hương sắc, xếp đặt một cách u uẩn huyền diệu. Tứ thơ thường ưa đọng lại trong những bài thơ ngắn (tứ tuyệt, câu đối, rô-bai, hai-cai) cốt gợi hơn là tả những tình ý đẹp bằng một vài nét rộng rãi, khả dĩ chứa cả một vũ trụ siêu hình, mở những chân trời bao la, rót vào giác quan bao nhiêu thế giới lý tưởng:


      "Đầu cành quyên nhặt, cuối trời nhạn thưa..."


      Mà lòng ta cũng mang-mang một cảm tình vô hạn. Đột khởi ta được ban phước, cái phước thâm trầm, sán lạn, không hẹp hòi.


      Ảnh hưởng Phương Tây có thể tốt cho "văn" hơn cho "thơ". (Luận điệu Phương Tây có thể giúp lối diễn tư tưởng của ta được có phương pháp), nhưng không thểkhông nên chen vào lối diễn cảm giác riêng của ta, cái đẹp riêng của ta. Phần trên là phần chung, phổ thông được, phần "văn". Nhưng phần dưới là đặc-biệt từng dân tộc, linh khí từng giang sơn, phần "thơ":


      "Duyên kia ai đợi mà chờ,

      Tình kia ai tưởng mà tơ tưởng tình"


      Ta biết ngay đó là hơi gió tự phương nào.


      Từ cuối thế kỷ trước, thơ Pháp nhờ dòng "tượng trưng" đã gặp thơ Á-Đông, ở chỗ uẩn súc, huyền ảo. Hình ảnh Rimbaud, cú pháp Mallarmé, kiến trúc và triết lý Valéry, muốn; bỏ lối diễn giải phân tích, sáng sủa mà đạt Thơ bằng sự trong trẻo. Họ hết công tu luyện để gần Sự Thật. Cái mà thời nhân có thể cho là hấp thụ của Phương Tây, thì người Á-Đông ta, có cái trí cổ sơ, trực giác ngay tự lúc đầu, nhờ một ngôn từ đặc biệt: Tìm Thơ vĩnh viễn, ta trở về nguồn: Ta.


      Có thể nói: Thơ cho ta cảm-thông với Tuyệt-đối bằng những biểu hiện điều-hoà. Nội giới ta, dưới mặt sáng-sủa của ý thức (chỉ là phần tương đối, ích lợi, phần "văn") còn những lớp dày đặc của tiềm thức và vô-ý-thức, nơi ẩn lẽ thật, cái thuần-túy, cái "thơ". Một bài thơ không được hiểu như một bài văn, một cách lộ liễu, nhất-định. Phải chứa nhiều sức khêu gợi, ý ở ngoài lời, đủ với Sự Thật sâu sắc bao la trong toàn thể. Chỉ có một đạo lý và một đạo: là THƠ.


      Vậy Thơ không cần lúc nào cũng rõ nghĩa, vì nó không chủ động trong địa-hạt ý nghĩa; không phải lúc nào cũng sáng sủa vì nó không vụ phát biểu cái phần sáng sủa của tâm linh, nó giữ phần sâu kín, nó giữ phần sâu sắc; không phải lúc nào cũng theo lý luận, vì nó chịu sức chi phối của những luật vô hình; không lúc nào cũng để chỉ bảo một cái gì; vì nó không vụ ích-lợi thực tế. Thơ là cái gì huyền ảo, tinh khiết, thâm thúy cao siêu, cái hình ảnh sự khắc khoải bất diệt của muôn vật: cõi Vô-Cùng.


      "Thơ" là Đạo, cái đệ nhất nguyên lý, sẽ sáng tạo được vạn vật, khi đã chia âm dương. Âm dương phải tương phối mới có sáng tạo, phát huy được cái Đạo nguyên thủy.


      Có thể viết thành cái vòng tương sinh:


      ĐẠO - ÂM+DƯƠNG - SÁNG TẠO - RUNG ĐỘNG - THƠ - ĐẠO


      Và điều kiện cần và đủ của cái rung động kia là: siêu việt, trong trẻo, nhịp nhàng. (Nó phải cho ta cảm thông với Tuyệt đối, và được truyền diễn một cách thật đẹp. Như thế THƠ mới bắt kịp ĐẠO, cái lẽ cuối cùng...)


      *


      Đứng trước một hiện tượng đẹp như nước thu, ráng chiều, một cảnh sắc xinh như khoé mắt, làn môi... người ta thường nắc nỏm khen là: "nên thơ", là: "tất cả một bài thơ".


      Nhưng, như trên đã nói, một vật chỉ là "THƠ" khi nào có rung động. Và chỉ là "BÀI THƠ" khi nào có truyền lan sự rung động ấy.


      Người thứ nhất cùng rung động với chiếc lá, đã tạo ra "chiếc lá thơ", và đã là thi nhân,-như thường nói: người có "hồn thơ" cảm được vật "nên thơ".


      Mà người thứ nhất truyền lan được cái rung động ấy, ghi mãi được "chiếc lá thơ" kia, bằng một cách nào "thật" và "đẹp", -như bằng lời:


      "Gió cây trút lá, trăng ngàn ngậm gương..."


      đã tạo ra "bài - thơ - chiếc lá", và đã là thi-sĩ.


      Một khoé mắt, một làn môi... là "thơ" ngụ trong người đẹp, mà người cảm được là "thi-nhân". Người đẹp thành "thi sĩ", ấy là người tiết-phụ truyền lan cái rung động bằng đôi hạt nước mắt long lanh; ấy là gã si-tình, dù bằng một sự nghẹn ngào thắm-thiết...


      "Bài thơ" đã thành.


      Lúc Thôi Oanh - Oanh quay mặt đi, vành trăng lông mày lẩn vào đám mây tóc ... Vẻ kiều-lệ ấy chưa phải "bài thơ". Nhưng bước chân nàng in trên cát, khi qua cửa phòng Trương Quân - Thụy để về phòng mình, lúc đầu còn đều, sau lún xuống như ngập ngừng bịn rịn rồi vội-vã biến mất như e người trông thấy... Điệu cao thấp ấỵ đã là "bài thơ". Và chàng Trương đọc được tình Oanh - Oanh trên bài thơ cát, đã là "độc giả” xứng đáng, đã có chất thơ, có cốt đàn, có nòi tình..., đã là "thi nhân".


      Mà Trương thi-nhân, Thôi thi-sĩ phải chăng "cùng người một hội một thuyền đâu xa..." nhổ sào từ một bờ Rung-Động?


      "Thơ": sức mạnh đầu tiên, phát sinh muôn nhịp điệu.

      Ví như chất điện bàng bạc trong bầu trời. Sự truyền điện là "bài thơ”.- "Bài thơ" không phải một cảnh, một vật. "Bài thơ" là một SỰ. Bộ dẫn điện âm dương là "thi sĩ", ngọn đèn điện tiếp thụ được cái sức sáng do dây chuyền tới là "thi nhân". Thơ là nguồn sinh-lực; thi-nhân hưởng thụ và thi-sĩ truyền lan sinh-lực ấy.


      "Thơ" như thần-linh: con đồng là "thi sĩ", tạo được "bài - thơ - cảm - thông", nối thần-linh vói đệ-tử là "thi-nhân".

      "Thơ" như tôn-giáo: giáo-sĩ là "thi-sĩ" tạo nên "bài - thơ - giác -ngộ" cho tín đồ là "thi nhân".

      "Thơ" như tình yêu: "Thi-sĩ" là người cung nữ thả "bài - thơ - lá - thắm"; người vớt lá là "thi nhân".


      Ở các ngành nghệ thuật:


      "Thi-sĩ” truyền và ghi được cái rung - động tuyệt vời lên bài - thơ -tranh: ấy là họa sĩ (nếu không, chỉ là họa công). Mà "thi nhân" đây là người cảm được cái rung động của bức tranh.


      "Thi sĩ" Bá - Nha đầu tiên cùng rung động với non cao nước chảy, trên bài-thơ-đàn: ấy là nhạc-sĩ (những người đánh lại khúc Cao - sơn Lưu - thủy chỉ là nhạc công). Mà "thi nhân" là người tri âm Tử Kỳ ...


      Trong chính địa hạt văn - chương, quan niệm "bài thơ” không nệ ở hình thức, ở khuôn vỏ ngoài.


      Người làm những bài thơ theo nghĩa thông thường chưa hẳn là thi sĩ hay thi nhân, vì chưa hẳn đã đạt được "Thơ". Hãy gọi riêng là thi-gia, một danh từ trong nghề.


      Là "thi-sĩ" nếu thi-gia hoặc văn-gia đạt được "Thơ".


      Là "BÀI THƠ" , nếu bài văn chương (dù ở thể nào, lọai nào) có chất "THO"; hàm-súc cái rung động siêu thoát, phảng phất cái hương vị tuyệt vời ... Và giá trị nó định ở cái lượng hàm súc cùng cái phẩm phảng phất kia, truyền diễn nhịp nhàng trên cánh Nhạc, bồng tới chỗ Trong, Đẹp, Thật,: Đạo trong Nghệ thuật.


      Một trang Bergson, một thiên Trang-Tử, một vở Musset, một chuyện Bồ Tùng-Linh... là những "bài thơ" trong hình thể ngôn-ngữ, ngang với những câu của Tagore, Nguyễn Du, Valéry...


      Nhưng,


      "Bài thơ” theo nghĩa chặt chẽ (kết bằng những câu có vần điệu, hay theo những niêm luật rõ rệt hay tiềm tàng) có được trọn vẹn cái lượng và cái phẩm nói trên kia. Nhiều gió và lợi gió. Đi thẳng và tới mau. (Nên độc-giả, thi-nhân, tình-nhân, tín-đồ đều cùng theo con đường trực giác, mới đạt "thơ", đắc đạo, cập tình.)


      *


      Tiêu chuẩn về hỉnh thức "thơ" là tính-cách độc-nhất.


      Đọc xong "bài thơ", ta bị y nguyên những câu, những tiếng của toàn bài chi-phối. Hình thể, cùng một lúc với hồn, sống mãi trong ta (lưỡng tính của thơ). Và ta không thể di dịch một âm thanh, một hình ảnh mà không phản bội và tàn phá.


      "Tôi yêu cái-gì-chỉ-có-một ..." Tức là những "bài thơ". Vì "tôi" là "thi nhân". Vì "tôi" là "người-đến-đạo". Vì "tôi" là kẻ chung tình.


      "thi sĩ" cũng chỉ tạo cái-gì-chỉ-có-một. Tìm những cách rung động mới, những lối truyền diễn mới, bao giờ cũng ở hàng tiên phong.


      Quan niệm "Thơ" ngụ cái ý cần định lại những giá trị bất diệt bằng những khuôn thước thật, trở lại cái can-hệ của tinh-thần. Đi về lõi sự vật. Tạo lại mình và vũ trụ: Bài-Thơ-muôn-đời


      Đoàn Phú Tứ - Phạm Văn Hạnh - Nguyễn Xuân Sanh

      Nguồn: Xuân Thu Nhã Tập, bản pdf

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Quan Niệm Thi Ca của nhóm Xuân Thu Nhã Tập Xuân Thu Nhã Tập Tuyên ngôn

    3. Thơ và bài viết về Thơ (Học Xá)

       

        Thơ và Bài viết về Thơ:

        Cùng Mục (Link)

      Ngôn ngữ thơ là cái quái gì vậy? (Lê Hữu)

      Trường Ca Việt Nam (Thiếu Khanh)

      Chiều Trên Phá Tam Giang (Tô Thùy Yên)

      Ba Dòng Thơ Tiêu Biểu Phương Đông: Thơ Thiền Việt Nam, Đường Thi Trung Hoa Và Haiku Của Nhật (Thái Tú Hạp)

      Vài lời Cần Nói Về Ngày 30 Tháng 4 (Bùi Chí Vinh)

      Điếu thi: Thủ̉y Mộ Quan (Viên Linh)

      Gọi Yêu Dấu & Trong Giấc Mơ Nào (Trần Yên Hòa)

      Tản mạn về bài thơ "Lời nguyện của rừng" (Trần Đăng Hồng)

      Lời Cầu Nguyện Của Rừng (Bùi Bá)

      Tưởng Tượng và Hư Cấu Trong Thơ (Ngu Yên)

       

       

        Thơ Dịch:

       (Vietnamese Poetry translated into English)

       

      Đàm Trung Pháp & Viên Linh dịch và chú giải:

       

      Vịnh Hai bà Trưng (Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập)

      Ăn Cỗ Đầu Người (Nguyễn Biểu)

      Đoạt Sáo Chương Dương Độ (Trần Quang Khải)

      Nam Quốc Sơn Hà (Lý Thường Kiệt)

      ......

      Huỳnh Sanh Thông dịch:

       

      Thăng Long (Nguyễn Du)

      Vọng Phu Thạch (Nguyễn Du)

      Hồ Hoàn Kiếm (Vô Danh)

      Thăng Long Thành Hoài Cổ

       (Bà Huyện Thanh Quan)

      ......

      Lê Đình Nhất-Lang & Nguyễn Tiến Văn dịch:

       

      Cùng khổ (Bùi Chát)

      Hoa sữa (Bùi Chát)

      Bài thơ một vần (Bùi Chát)

      ......

      Các tác giả khác dịch:

       

      Tôi đã cố bám lấy đất nước tôi (Nguyễn Đình Toàn) (Do Dinh Tuan dịch)

      Bữa Tiệc Hòa Bình (Nguyễn Thị Thanh Bình) (Nguyễn Ngọc Bích dịch)

      Từ Một Cuốn Rún (Nguyễn Thị Thanh Bình) (Đinh Từ Bích Thúy dịch)

      ......

       

       

        Thơ Cổ:

        Cùng Mục & Chỉ Số (Link)

      Sau đúng 60 năm, đọc lại bài thơ trừ tịch của Đặng Đức Siêu và Đông Hồ (Trần Từ Mai )

      Mùa Thu Trong Đường Thi (Lê Đình Thông)

      Những Vần Thơ Xuân Của Vua Trần Nhân Tông (Tạ Quốc Tuấn)

      Về một bài thơ dạy học vào mùa xuân của Trần Quý Cáp (Ngô Thời Đôn)

      Cảnh Đẹp Thành Thăng Long Thời Tây Sơn Qua Thi Ca Đoàn Nguyễn Tuấn (Phạm Trọng Chánh)


      Ngày Xuân Đọc "Đào Hoa Thi" của Nguyễn Trãi (Trần Uyên Thi)

      Thơ Lý Bạch (Đàm Trung Pháp)

       
      Ad-33 (Học Xá) Ad-33 - Google - QC4 (Học Xá)

       

        Thơ Tuyển:

        Cùng Mục & Chỉ Số (Link)

      Trường Ca Việt Nam (Thiếu Khanh)

      Chiều Trên Phá Tam Giang (Tô Thùy Yên)

      Vài lời Cần Nói Về Ngày 30 Tháng 4 (Bùi Chí Vinh)

      Điếu thi: Thủ̉y Mộ Quan (Viên Linh)

      Lời Cầu Nguyện Của Rừng (Bùi Bá)


       

        Trang Thơ các Tác Giả:

       

       

        DANH NGÔN (Proverbs)

       

         • Chí Khí

         • Xử Thế

       

        TỤC NGỮ (Proverbs)

       

      Tre già măng mọc

      Đục nước béo cò

      Trúc dẫu cháy đốt ngay vẫn thẳng

      Gà một mẹ đá nhau

       

        ĐỐ VUI (Puzzles)

       

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)