|
Trầm Kha(..1948 - 19.1.1974) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Mãn Giác (Cáo Tật Thị Chúng) Chu Văn An (Vịnh Ngày Xuân Nguyên Đán)
Nguyễn Trãi (Cuối Xuân Tức Sự) Lê Đức Mao (Bài Hát Xuân Đình)
Nguyễn Bỉnh Khiêm (Thú Nhàn) Ngô Chi Lan (Vịnh Xuân)
Hồ Xuân Hương (Cảm Cựu Tống Tân Xuân Chi Tác)
Ngô Thì Nhậm (Khúc Ngâm Ngày Xuân) Đặng Đức Siêu (Tối Ba Mươi Tết)
Phạm Thái (Tình Xuân) Nguyễn Công Trứ (Cảnh Tết)
Nguyễn Khuyến (Ngày Xuân Dặn Các Con) Nguyễn Văn Lạc (Vịnh Đôi Gà Chọi)
Trần Tế Xương (Tết Suông) Tản Đà (Mừng Xuân)
Đỗ Giang (Tết Giao Thừa) Khuyết Danh (Trách Xuân)
Chu Văn An tên chữ là Linh Triệt, người huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông, ngoại thành Hà Nội, tính tình cương trực, đậu Tiến sĩ, mở trường dạy học, được gọi là "nhất thế sư biểu", học trò rất đông, nhiều người nức tiếng như Phạm Sư Mạnh, Lê Bá Quát. Đời Trần Dụ Tông, ông dâng sớ xin chém đầu 7 gian thần nhưng không toại nguyện. Ông chọn ẩn cư ở núi Phượng Hoàng, Chí Linh, Hải Dương. Lúc mất được thờ trong Văn Miếu cùng với các hiền triết đời trước.
Chu Văn An
Phạm Công Thành vẽ
Tịch mịch sơn gia trấn nhật nhàn.
Trúc phi tà ủng hộ khinh hàn.
Bích mê thảo sắc thiên như túy,
Hồng thấp hoa tiêu lộ vị can.
Thân dữ bạch vân trường luyến tựu,
Tâm đồng cổ tỉnh bất sinh lan.
Bách huân bán lãnh trà yên khát,
Khê điểu nhất thanh xuân mộng tàn.
Cảnh vắng ngày rồi núi ở chung.
Liếp che rét ngọt, lệch bên song.
Trời say cỏ vẫn mê màu biếc,
Sương đượm hoa chưa ráo giọt hồng.
Thân chẳng quên non mây trắng nổi.
Tâm không gợn sóng, giếng xưa trong.
Lò trầm nửa tắt hơi trà nguội,
Một tiếng chim khe tỉnh giấc nồng.
HẢI THẠCH dịch
Tùng thu thâm tỏa nhật tương tịch,
Yên thảo như đài mê loạn thạch.
Ảm đạm thiên sơn phong cảnh sầu,
Tiêu trầm vạn cổ vân vô tích.
Khê hoa dục lạc vũ ti ti,
Dã điểu bất minh sơn tịch tịch.
Kỷ độ trù trừ hành phục hành,
Bình vu vô tận xuân sinh bích.
Vườn thông thăm thẳm trời hầu tối,
Cỏ ngụt như rêu đá lẫn lộn.
Tờ mờ ngàn núi gió thêm buồn,
Chìm lỉm muôn xưa mây sạch lối.
Mưa bụi hoa bay mấy rặng khe,
Rừng im tiếng vắng đàn chim nội.
Mấy bận ngập ngừng đứng lại đi,
Đồng bằng bát ngát, xuân nênh nổi.
TRẦN HÀM TẤN dịch
(Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên-Tập I, Phạm Thế Ngũ biên soạn, trang 111-113)
Nguyễn Trãi tên hiệu là Ức Trai, người làng Nhị Khê, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông, bố là Nguyễn Phi Khanh, ông ngoại là Trần Nguyên Đán, đậu Tiến sĩ năm thứ nhất triều Nhà Hồ (1400). Theo Lê Lợi khởi nghĩa năm 1418, nắm quyền quân sự và ngoại giao, thay Vua thảo thư từ (góp thành Quân Trung Từ Mệnh tập), và là tác giả Bình Ngô Đại Cáo, một áng thiên cổ hùng văn. Do bọn Kiêu binh và bọn Kỳ thị địa phương Triều Lê vu oan, ông và cả ba họ bị tru di tam tộc trong Vụ án Vườn Vải, ngày 19.9.1442. Nguyễn Trãi được Liên Hiệp Quốc ghi tên vào danh sách Danh Nhân Văn Hóa Thế Giới.
Nguyễn Trãi
Nhàn trung tận nhật bế thư trai
Môn ngoại toàn vô tục khách lai
Đỗ vũ thanh trung xuân hướng lão
Nhất đình sơ vũ luyện hoa khai.
Cuối Xuân Tức Sự
Suốt ngày nhàn nhã khép phòng văn
Khách tục không ai bén mảng gần
Trong tiếng cuốc kêu xuân đã muộn
Đầy sân mưa bụi nở hoa soan.
KHƯƠNG HỮU DỤNG dịch
Độ đầu xuân thảo lục như yên
Xiêm vũ thiêm lai thủy phách thiên
Dã kính hoang lương hành khách thiểu
Cô châu trấn nhật các sa miên.
Bến Đò Xuân Đầu Trại
Cỏ xanh như khói bến xuân tươi
Lại có mưa xuân nước vỗ trời
Quạnh quẽ đường đồng thưa vắng khách
Con đò ghếch bãi suốt ngày ngơi.
KHƯƠNG HỮU DỤNG dịch
(Thơ Văn Nguyễn Trãi, nxb Giáo Dục, Hà Nội, trang 121-122)
Đây là nhan đề và chủ đề lạ của Hồ Xuân Hương: Cảm Cựu Tống Tân Xuân chi tác nghĩa là Cảm Năm Cũ Làm Thơ Tiễn Xuân Mới. Tiểu sử Hồ Xuân Hương còn mù mờ. Theo Đào Thái Tôn trong cuốn Thơ Hồ Xuân Hương từ Cội Nguồn vào Thế Tục, nxb Giáo Dục, Hà Nội, 1995, thì nàng là con một phụ nữ họ Hà, quê Thọ Xương, một làng gần Hà Nội (trang 22) [nay là khu phố Lý Ouốc Sư], lúc trẻ học và dạy học ở khu Hồ Tây, Hà Nội. Theo Phạm Trọng Chánh trong Hồ Xuân Hương Nàng Là Ai? Bông Sen, Paris, 2000 thì nàng "tên húy là Hồ Phi Mai, sinh năm 1722 tại phường Khán Xuân, huyện Vĩnh Thuận, Thăng Long, Hà Nội." (tr. 15)
I.
Xuân này nào phải cái xuân xưa,
Có sớm ư? Thời lại có trưa.
Cửa động hoa còn thưa thớt bóng,
Buồng thoa oanh khéo dập dìu tơ.
Phong lưu trước mắt bình hương nguội
Quang cảnh trong đời chiếc gối mơ.
Cân vàng nửa khắc xuân lơ lửng
Phố liễu trăm đường khách ngẩn ngơ.
II.
Mới biết vị đời chua lẫn ngọt,
Mà xem phép tạo nắng thì mưa.
Tri âm đắp nửa chân còn ngắn,
Bức vách nghe xa tiếng đã thừa.
Nếm mía vụ này ngon những ngọn *
Trông gương ngày nọ bẵng như tờ.
Xưa nay còn có đâu hơn nữa,
Hay những từ đây, phải thế chưa?
* Mía chính vụ là vào dịp heo may, trước Tết. Sau người ta "bồng gốc" làm tơi đất, bón tưới, thúc mầm làm cho mía lên. Tục ngữ có câu "Mía tháng ba ngọt ra đầu ngọn". ..."Nếm mía vụ này ngon những ngọn" là nếm mía vào tháng mía trái vụ. Tác giả dùng hình ảnh này để tả nổi quá lửa lỡ thì của người con gái. (Chú thích của tác giả).
Ngô Thì Nhậm (1745-1803), một sĩ phu Bắc Hà kiệt xuất, người Hà Đông, đỗ Tiến sĩ năm 1776, làm quan thời Lê mạt, và nhà Nguyễn Tây Sơn. Bài Xuân Ngâm rất dài, nên chỉ xin đăng bài chuyển ra Quốc ngữ của Nguyễn Văn Bách, nhan đề Khúc Ngâm Ngày Xuân. Còn bài Xuân Mộ như sau:
Vinh khai hàn cốc chính dung dung
Dục thí huân huyền giải uẩn phong.
Dã hữu thiều hoa hồn vị lão
Nhất ban sinh ý bất ngôn trung.
Hải Như dịch ra Lục Bát:
Cửa hang hoa thắm nở nhiều
Gió nam sắp dạo khúc tiêu giải nồng.
Chưa già, vẫn đượm sắc xuân
Quanh ta cảnh vật âm thầm sinh sôi.
Dưới đây là bài Xuân Ngâm qua bản dịch Nguyễn Văn Bách:
Đồng xa có cái chim trời,
Nó kêu rằng: Đã tới thời già nua.
Trước hiên có cái chim cu,
Nó kêu rằng: Nhớ cố đô não nùng.
Nhớ đô, hay những nhớ mong,
Giàu sang khao khát nặng lòng chửa vơi?
Đói no trông cậy cửa người,
Tự do chẳng có mong hoài mà chi!
Tuổi già nhớ cảnh làng quê,
Khen chim trời biết tìm về điền viên.
Bao la non nước dặm nghìn,
Lượn bay mặc sức, lọ phiền mảy may.
Kiếp: ba vạn sáu nghìn ngày,
Bóng thiều như bóng tên bay bay vèo.
Lần lừa ngày tháng trôi theo,
Tóc xanh để lụy mái đầu sương pha.
Chẳng tìm tôm cá đồng xa,
Thóc xin gạo mướn bê tha cửa người.
Anh xem, cu gáy kêu hoài,
Chẳng qua những muốn chờ mồi đợi ăn.
Vốn xưa chủ cũ ân cần,
Mà nay chủ mới tình dần bạc phai.
Kìa anh xem cái chim trời,
Kêu xong chắp cánh tuyệt vời cao bay.
Mặc cho nỏ cứng căng dây,
Nhởn nhơ chẳng ngại thân này xem không.
Cung cầm nối gót Đào công (*),
Trước sân hôm sớm bạn cùng yến oanh.
Tôi xin gánh nước Nam minh,
Rửa nghiên, chọn giấy vì anh đề lời.
Việc đời chi đó là vui,
Cương thường danh giáo đạo người là hơn.
(*) Đào Uyên Minh (đời Tấn) rất yêu đàn cầm mặc dù không biết gảy.
Ông biệt hiệu là Quế sơn, tên là Thắng, đậu Giải nguyên năm Tự Đức thứ 23, năm sau lại đậu Hội nguyên và Đình nguyên cho nên người ta thường gọi là Tam Nguyên Yên Đổ. Ông quê ở làng Yên-Đổ, huyện Bình-Lục, tỉnh Hà Nam, làm quan đến chức Tổng-Đốc ba tỉnh Sơn Hưng Tuyên, sau thấy việc đời không hợp ý mình, nên cáo quan về nhà dạy học. Văn-chương của ông đủ thể loại, từ u sầu tới châm biếm. Bài dưới đây nguyên tác Xuân Nhật Thị Chư Nhi, do chính ông tự dịch:
Nguyễn Khuyến
Tuổi thêm thêm được tóc râu phờ
Nay đã năm mươi có lẻ ba
Sách vở ích gì cho buổi ấy
Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già.
Xuân về ngày loạn càng lơ láo
Người gặp khi cùng cũng ngất ngơ.
Lẩn thẩn lấy chi đền tấc bóng
Sao con đàn hát vẫn say sưa?
Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu ra đời tại làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, Sơn Tây, thông thạo thi phú cử nghiệp từ năm 14 tuổi, (ra Hà Nội và học tiếng Pháp năm 19 tuổi), đi thi hoài tại Trường thi Nam Định, không đỗ. Sống chết với nghề thơ, nghề báo, lăn lộn với tờ An Nam Tạp Chí (mà ông là Chủ nhiệm) tất cả 5 lần, bắt đầu xuất bản năm 1926 sau đó báo chết đi sống lại 4 lần nữa, tới 1933 thì báo chết hẳn. Ông từ trần năm 1939 tại Ngã Tư Sở, ngoại ô Hà Nội, để lại một gia tài thi phú đồ sộ.
Tản Đà
Trần gian thước đất vẫn không có
Bút sắt chẳng hơn gì bút lông
Ngày xanh như ngựa, đầu xanh bạc
Chán cả giang hồ, hết cả ngông.
Qua hết đông này năm chục tuổi
Xuân sang đã nửa giấc mơ mòng
Văn chương quẩn mãi cùng thân thế
Sự nghiệp mong gì với núi sông.
Ngày đi, tháng đi, năm đi dần
Hết ngày, hết tháng, hết năm trước.
Qua sang năm mới lại là xuân
Gió trăng thề nguyện xuân ý ước.
Tin xuân truyền bá khắp xa gần
Oanh én cỏ hoa mừng đón rước
Oanh rọi đầu cành, hoa cười xuân
Cỏ rợn chân trời én liệng nước.
Vạn vật đắc ý, người thanh tân
Trẻ bé đùa vui, già hưởng phước
Mừng xuân ta có thơ hai vần
Xuân sang năm khác thơ cũng khác.
Thơ này kính chúc toàn quốc dân
Một năm tiến bộ lại một bước.
(trang 28, sđd)
Gần Tết bao nhiêu cảnh khác nhau
Người vui sắm sửa, kẻ lo sầu.
Phong lưu thiên hạ nghe chừng ít,
Lo Tết trần gian chẳng thiếu đâu!
Quanh năm luống những túng cùng lo
Tết nhất xem ra cũng lắm trò
Lễ nghĩa muốn thôi, thôi chẳng rứt
Nợ nần vay trả, khất quanh co.
. . .
Tiễn năm ta có mấy vần thơ
Năm hết cho người cũng hết lo.
Sắp sửa cành nêu Xuân đón chúa,
Thử xem năm mới có ra trò!
Văn Miếu Hà Nội, Cửa Nam. Văn Miếu được xây cất vào năm 1076, ở phía
Nam Hoàng thành Thăng Long, thời Vua Lý Nhân tôn; dài 320 mét, rộng 75 mét,
có năm cửa ra vào và năm khu sân lớn. Qua sân thứ hai thì tới Khuê Văn Các.
Ông người làng An Cách, miền Bắc, thế danh là Nguyễn Trường, con của Trung thư Ngoại lang Nguyễn Trường Tố đời Vua Lý Thánh-tôn, Lý Nhân-tôn, học rộng nhớ nhiều đạo Nho đạo Thích. (Theo sách khác, ông họ Lý, còn tên đúng vẫn là Trường.) Ông đi chu du nhiều nơi, tới đâu môn đồ theo tới đó, tới khi Lý Nhân-tôn và Hoàng hậu Cảm Linh xây chùa Cảnh Hưng tại Thăng Long, ông được mời về trụ-trì chùa này. Thơ kệ của ông còn lại rất ít. Bài Cáo Tật Thị Chúng của Mãn Giác thiền sư đã tồn tại và lưu truyền mười thế kỷ, song cho tới nay chưa một bài thơ nào khác qua nổi bài này về ý nghĩa vượt sinh trong tuần hoàn của Trời Đất, được thả thảnh thơi qua ba mươi tư chữ đơn giản nhẹ nhàng, bay trong sương, và lung linh ở đầu cành, không rụng.
告疾示眾春去百花落,
春到百花開。
事逐眼前過,
老從頭上來。
莫謂春殘花落盡,
庭前昨夜一枝梅。 |
Cáo Tật Thị Chúng
Xuân khứ bách hoa lạc, Xuân đáo bách hoa khai. Sự trục nhãn tiền quá, Lão tùng đầu thượng lai. Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận, Đình tiền tạc dạ nhất chi mai. |
Xuân trỗi, trăm hoa rụng,
Xuân tới, trăm hoa cười .
Trước mắt, việc đi mãi,
Trên đầu, già đến rồi!
Dừng tưởng Xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua, sân trước, một cành mai.
NGÔ TẤT TỐ dịch
Người làng Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, tỉnh Hà Đông, nay là ngoại thành Hà Nội. Năm 1504 đậu Hương cống, năm sau đậu Tiến sĩ. Ông giỏi làm thơ và làm bài hát, tính hay châm biếm riễu cợt, và hay làm thơ phê bình chuyện thế sư, đến nỗi bị Xã trưởng thù ghét, phải bỏ làng lưu xứ, định cư tại Vĩnh Phúc. Tác phẩm có Nghĩ hộ Tam giáp thưởng hát ả đào, dài 128 vế, chia làm 9 đoạn. Theo ý kiến của Hoàng Xuân Hãn, [xem La sơn Yên hồ HXH, nxb Giáo Dục, 1998] thì thể thơ Lục Bát có thể có từ lâu, song văn bản lục bát đầu tiên để lại cho đời sau, có lẽ là khổ giữa của bài thơ này. Ngoài ra, trong bài Bài Hát Mừng Xuân, khúc giữa cũng là Lục Bát, (chúng tôi không đăng hết, vì không thấy bài này hay:) Ngự tiền ngào ngạt hương xông / Phượng quanh tịch múa hoa lồng chén bay / Miếu Chu văng vẳng tâu bày / Thiều xưa khúc chín tung rầy tiếng ba / Mừng Xuân Xuân yến Xuân ca / Bốn dân mưa huệ trăm nhà gió huân.
- Nhị nguyệt huyên hòa tiết
- Thập đình cổ vũ xuân (l)
Tiệc mở hát thờ thần kỳ phúc
Vạn vạn niên tề chúc thánh cung (2)
Hoan thanh ba tiếng hô tung
Hương nghi ngút khói rượu nồng nàn hoa
Đình tấu nhạc miếu dâng ca
Vẻ thanh múa phượng khúc hòa bay loan
Ngày xuân xuân tịch thừa hoan (3)
Thọ trăm tiếng chúc phúc ngàn câu ca
Kể từ đó bình hòa vĩnh nhạ (4)
Vỗ tay mừng huệ ngã vô cương (5)
Xuân kỳ giải thưởng đào nương
Cửu như (6) dâng chúc ba hàng nức vui.
(l) Tháng hai tiết ấm áp, đình xã đón mừng xuân.
(2) Vạn vạn năm đều chúc đức vua.
(3) Tiệc xuân vui vẻ.
(4) Hòa bình mãi mãi.
(5) Ân cho ta không biết chừng nào.
(6) Cữu như nghĩa là "chín điều giống như." Đó là: Như núi, như gò , như chỏm, như lăng, như sông, như mặt trăng, như mặt trời, như Nam sơn, như tùng bách.
Người làng Trung Am, tỉnh Hải Dương, tự là Hanh Phủ, hiệu là Bạch Vân, đi thi ba trường đều đậu đầu, kỳ chót đậu Trạng nguyên năm 1535, đời Mạc Đăng Doanh. Ra làm quan, ông được phong tước Trình quốc công. Với hành trạng như thế, ông được thiên hạ gọi là Trạng Trình. Năm 1542 ông xin về trí sĩ, chuyên nghiên cứu lý học, Kinh Dịch, tinh thông khoa Thái Ất, để lại nhiều sấm ngôn, đời sau gọi là Sấm Trạng Trình. Ông để lại hàng ngàn bài thơ, văn triết, nghị luận, bằng cả chữ Hán và thi phú chữ Nôm (Nam). Ông thọ 95 tuổi, là người, theo sử sách như chúng tôi biết, thọ nhất trong Sử Việt; và cũng là bậc Đại trí Đại hiền được cả ba Triều Vua lui tới tham vấn. Với danh vọng quán tuyệt nhân quần ấy, người đời sau thường giả tên ông để đưa ra những lời tuyên truyền mạo nhận Sấm Trạng Trình, hầu kiếm lợi riêng cho Vương Triều, Đảng tộc của họ.
Tượng Nguyễn Bỉnh Khiêm (xã Lý Học, Huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng)
Lẩn thẩn ngày qua lại tháng qua
Một năm Xuân tới một phen già
Ái ưu vằng vặc trăng in nước,
Danh lợi dửng dưng gió thổi hoa.
Án sách hãy còn án sách cũ
Nước non bạn với nước non nhà.
Xóm tự nhiên, lều một căn,
Quét không thảy thảy bụi hồng trần.
Nghìn hàng cam quất, con đòi cũ,
Mấy đứa ngư tiều, bộ bạn thân.
Thấy nguyệt tròn thì kể tháng,
Nhìn hoa nở mới hay Xuân.
Nữ sĩ đời vua Lê Thánh-tôn, quê làng Phù Lỗ, huyện Kim Anh (nay là Đông Anh, ngoại thành Hà Nội), chồng là Đông các Đại học sĩ Phù Thúc Hoành ở làng Phù Xá, cùng huyện. Bà nổi tiếng giỏi thi ca từ khúc, thường được vua triệu vào hầu thơ, rồi lại phong chức Phù gia Nữ học sĩ và nhờ bà dậy các cung nhân. Có tập thơ Mai trang tập nhưng hiện đã thất truyền. Bà mất năm 41 tuổi.
Khí trời ấm áp đượm hơi dương
Thấp thoáng lâu đài vẻ ác vàng
Rèm liễu líu lo oanh hót gió
Giậu hoa phấp phới
bướm châm hương.
Ông người ở Bồng-Sơn, tỉnh Bình-Định, đậu hương-tiến năm 16 tuổi. Triều Duệ tôn nhà Nguyễn, làm quan ở tòa Hàn Lâm, tới thời Tây-Sơn, ông về hưu. Đến lúc Gia-Long lên ngôi, vời ông ra làm Hoàng-Tử Phụ-đạo, dần dần thăng đến Lễ-Bộ Thượng-Thư. Ông mất năm Gia-Long thứ 11 (1813). Ông văn hay chữ tốt, làm rất nhiều văn tế chữ nôm. Niên đại trên là theo Văn Đàn Bảo Giám, (Nam Ký, Hà Nội, 1932), theo Từ Điển Văn Học Việt Nam của nxb Giáo Dục (Hà Nội, 1999) thì ông sinh năm 1750 và mất năm 1810.
Tháng lụn năm cùng sự chẳng cùng
Nửa đêm xuân lại nửa đêm đông
Chi lan tiệc cũ hương man mác
Đào lý vườn xuân tuyết lạnh lùng
(mất hai câu). . . . . . . . .
Gà kêu pháo nổ năm canh trót
Mừng tưởng mai đà gặp chúa Đông.
Hiệu là Đan Phượng, thường gọi là Chiêu Lỳ, sinh năm Đinh Dậu ở xã An Thường, Đông Ngạn thuộc phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, nay thuộc Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội. Ông là con Trạch Trung hầu, người từng khởi binh chống Tây Sơn, mưu khôi phục Nhà Lê. Hai mươi tuổi, Phạm Thái nối chí Cha, trong khi đi tu ở Chùa Tiêu Sơn, lấy hiệu là Phổ Chiêu thiền sư. Đời sau gọi ông là Tiêu Sơn Tráng Sĩ. Ông yêu em gái bạn, Trương Quỳnh Như, song mẹ nàng muốn con gái lấy chồng giầu, nên từ khước. Quỳnh Như tự vẫn chết. Phạm Thái say sưa, lang thang, mất năm 35 tuổi. Ông có để lại tập "Sơ Kính Tân Trang." [Gương mới Lược mới] Văn ông lãng mạn, tài hoa, cảm khái.
Ai lên tử các thanh vân
Hỏi thăm ả Tố chiều xuân thế nào
Cầm âm một khúc gửi trao
Cậy lòng dì gió đưa vào xuân cung
Oanh yến véo von gọi khách
Cỏ hoa hớn hở mừng ai
Gió xuân hây hẩy dịu đưa người
Dễ khiến lòng thơ bối rối
Thấp thoáng thoi oanh dệt liễu
Thung thăng phấm bướm dồi mai
Vũ lăng xa viễn biết bao vời
Khôn hỏi Đào Nguyên đâu tá
Khôn hỏi Đào Nguyên đâu tá
Dòng ngự câu đeo lá tình thi
May thay một hội tương kỳ
Đã bên tình phận lại bề phong lưu
Câu hảo cầu đợi người thục nữ
Năm mây phong đôi chữ đồng tâm
Đón xuân nhắn với tri âm
Tính tình xin tỏ tiếng cầm này cho
Rắp hẹn hò ngồi hoa đứng tuyết
Lòng còn e không biết nói năng
Bây giờ mượn gió cung Đằng
Vì duyên đưa mối xích thằng lại đây.
Ông sinh ngày 1 tháng 11 năm Mậu Tuất, về Triều vua Lê Hiển-tôn năm thứ 38, tại làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, thông minh, nhưng vì nhà nghèo học muộn mãi đến 40 tuổi mới đậu Giải nguyên. Ông là một nhà văn học kiêm cả võ nghệ nên được cử đi đánh Núng Văn Vân, sau lại cùng Tổng Đốc Lê Văn Đức đi đánh Phan Bá Vành. Đến năm 1841 lại đi đánh Trấn Tây với Trương Minh Giảng. Trong khi làm quan tại Miền Bắc, có công khai khẩn Quảng Yên, Tiền Hải (Thái Bình), Kim Sơn (Ninh Bình). Tới tuổi 70 mới về hưu, ngao du sơn thủy, mất tại quê nhà vào ngày 14 tháng 11, hưởng thọ 82 tuổi. Ông nổi tiếng về ca trù.
Nguyễn Công Trứ
Ai dám chê ta Tết Nhất nghèo
Nghèo mà lịch sự đố ai theo
Bánh chưng chất chặt chừng ba chiếc
Rượu thuốc ngâm đầy độ nửa siêu
Trừ tịch kêu vang ba tiếng pháo
Nguyên tiêu cao ngất một gang nêu
Ai xuân ta cũng chơi xuân với
Chung đỉnh ơn vua ngày tháng nhiều.
Xuân lại đông qua thấm thoắt vừa
Nửa đêm lóp ngóp dậy giao thừa
Đổi trao một phút nhanh ra chớp
Tiếp tục hai năm ráp cắn cưa
Ngoài xóm đì đoành tràng pháo nổ
Trong nhà nghi ngút khói nhang đưa
Cùng nhau hí hửng mừng năm mới
Thử hỏi nhau rằng đã mới chưa.
Xuân một năm là mới một lần
Sự xuân tôi chửa thấu lòng xuân
Cũng mầu thắm ấy mầu xanh ấy
Sao chốn hơn phân chốn thiệt phân
Dễ khiến má hồng lo áy náy
Thêm thương đầu bạc giận tần ngần
Thôi thôi chớ tiến xuân qua cõi
Xuân ở cùng ta biết mấy lần.
Ông có nhiều tên: Trần Cao Xương, Tế Xương, Kế Xương, người làng Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, sinh vào năm Canh Ngọ đời Vua Tự Đức nhà Nguyễn. Ông đi thi mấy lần đều phạm trường qui, sau rốt đậu được cái Tú tài khi đã 25 tuổi. Trong Thi ca Việt Nam cuối thế kỷ XIX, Tú Xương là người đã để lại nhiều bài thơ cay đắng nhất về người Pháp. Và cũng là người viết nhiều nhất về gia cảnh mình. Trong khi ấy ông cũng để lại vài bài rất cảm động, buồn xa vắng, nhớ mênh mông, mở đầu bằng những câu như: Sông kia giờ đã nên đồng / Ta nhớ người xa cách núi sông, hay Quanh năm luôn bán ở mom sông. Mặt khác, Tú Xương cũng là người làm nhiều thơ nhất về Xuân về Tết.
Anh em đừng nghĩ Tết tôi nghèo
Tiền bạc trong kho chửa lĩnh tiêu
Rượu cúc nhắn đem hàng biếng quẩy
Chè sen mượn hỏi giá còn kiêu
Bánh đường sắp gói e nồm chảy
Giò lụa toan làm sợ nắng thiu
Thôi thế thì thôi đành Tết khác
Anh em đừng nghĩ Tết tôi nghèo.
Xuân từ trong ấy mới ban ra
Xuân chẳng riêng ai khắp mọi nhà
Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột
Om xòm trên vách bức tranh gà
Chí cha chí chát khua giầy dép
Đen thủi đen thui cũng lượt là
Dám hỏi những nơi nơi cố quận
Rằng xuân xuân vẫn thế ru mà.
Một ngọn đông phong sẽ thổi phào
Đông quân nhường tỏ lối ra vào
Tường mai ngõ hạnh tuy như cũ
Lá bướm cành chim đã thế nào
Tranh pháo vui xem con trẻ nọ
Tóc râu thêm sợ tuổi trời cao
Tìm xuân dễ biết xuân đâu tá
Hương khói nhà ai cũng ngọt ngào.
Bắt chước ai ta chúc mấy lời
Chúc cho khắp hết cả trong đời
Vua quan sĩ thứ người muôn nước
Sao được cho ra cái giống người.
Một ngọn đèn xanh sách mấy chồng
Cười xuân hoa thắm một vài bông
Xiết bao ý vị bao tình tứ
Ngâm đọc thâu đêm dưới bóng lồng.
Chị hỡi chị năm nay túng lắm
Biết làm sao Tết đến nơi rồi
Mới ngày nào chị mua muối cùng tôi
Ngoảnh mặt lại hàng vôi nay đã bán (*)
Này nụ này hoa này hài này hán
Pháo tranh tàu Hương Cảng mới đưa sang
Chị cùng em sắm sửa lo toan
Muốn mua chịu e nhà hàng ngại lạ
Chị em ta bảo nhau giữ giá
Đến bây giờ ngã cả có ai nâng
Cũng liều bán phấn chơi Xuân.
(*) Điển ý ở câu tục ngữ "Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi"
Ông người làng Mỹ Chánh, Mỹ Tho, Nam Việt, hiệu là Sầm Giang, học giỏi, thơ hay, biệt danh được biết đến nhiều là Học Lạc. Ông không đi thi, sống bằng nghề bốc thuốc và bói dịch. Ông còn là tác giả những bài thơ Con tôm, Đất lành chim đỗ, Coi bông vụ bị bắt, Ông lang hát bột, Chó chết trôi...
Đôi bên chưa chắc đặng cùng không
Thiên hạ ngày tròn mỏi mắt trông
Một trận quyết đền ơn tấm mẳn
Hai ngươi chớ ngại nắm xương lông
Rủi may đã có người hương khói
Khuya sớm cho cam kẻ ẵm bồng
Lừng lẫy danh thơm trong mấy nước
Làm sao năm đức giữ cho cùng.
Tháng 12. 2004
SÁCH THAM KHẢO:
Văn Đàn Bảo Giám, I, II, III, IV, Trần Trung Viên, Dương Bá Trạc, Tản Đà, Trần Tuấn Khải, Hư Chu, Nam Ký xuất bản, Hà Nội, 1932; qua bản chụp lại in ở Hoa Kỳ.
Việt Thi, Trần Trọng Kim, bản chụp lại.
Văn Học Đời Lý, Ngô Tất Tố.
Văn Học Đời Trần, Ngô Tất Tố.
Việt Nam Thi Văn Học Tuyển , Dương Quảng Hàm, Trung tâm Học Liệu, Bộ GD, Sài gòn.
Từ điển Văn học Việt Nam, Lại Nguyên Ân, nxb Giáo Dục, Hà Nội, 1999.
Lược truyện các Tác gia Việt Nam. Trần Văn Giáp, nxb Sử Học, Viện Sử học, Hà Nội, 1962.
Từ điển Đường phố Hà Nội, Nguyễn Hoài, Nguyễn Loan, Nguyễn Tuệ, nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002.
Thơ Tú Xương, Vũ Hạnh Hiên, nxb Thanh Niên, Hà Nội, 1992.
Nguyễn Khuyến, Thơ, Kiều Văn, nxb Đồng Nai, Sài gòn, 1996.
Tản Đà Vận Văn, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, in từ bản chụp lại.
Trong bài có đôi chỗ chúng tôi dùng lại những câu giới thiệu tiểu sử các nhà thơ của Văn Đàn Bảo Giám.
Tranh khắc gỗ Văn Miếu lấy từ Việt Nam Văn Học Sử Yếu của Dương Quảng Hàm.
Học xá minh họa thêm hình trong bài trích từ Từ Điển Văn Học Bộ Mới, nxb Thế Giới, 2004.
- Tuệ Sỹ: Tuổi Trẻ Vạn Hạnh Viên Linh Nhận định
- Điếu thi: Thủ̉y Mộ Quan Viên Linh Thơ
- Bạch thư Phạm Huấn Viên Linh Nhận định
- Tuệ Sỹ, Tù Đày Và Quê Nhà Viên Linh Nhận định
- Tuệ Sỹ Giữa Mùa Thay Đổi Viên Linh Nhận định
- Ngọc Linh (1931-2002), nhà văn với bốn chữ mặn mà Viên Linh Hồi ký
- Nỗi âu lo của nhà giáo Bảo Vân Viên Linh Hồi ký
- Con hạc của vua Tự Đức Viên Linh Giai thoại
- Tản Đà Và Hai Chữ Non Nước Viên Linh Hồi ký
- Hoài Điệp Tử, nhà văn nhà báo chết trong ngọn lửa Bolsa Viên Linh Hồi ký
• Ngôn ngữ thơ là cái quái gì vậy? (Lê Hữu)
• Trường Ca Việt Nam (Thiếu Khanh)
• Chiều Trên Phá Tam Giang (Tô Thùy Yên)
• Ba Dòng Thơ Tiêu Biểu Phương Đông: Thơ Thiền Việt Nam, Đường Thi Trung Hoa Và Haiku Của Nhật (Thái Tú Hạp)
• Vài lời Cần Nói Về Ngày 30 Tháng 4 (Bùi Chí Vinh)
Đàm Trung Pháp & Viên Linh dịch và chú giải:
Vịnh Hai bà Trưng (Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập)
Ăn Cỗ Đầu Người (Nguyễn Biểu)
Đoạt Sáo Chương Dương Độ (Trần Quang Khải)
Nam Quốc Sơn Hà (Lý Thường Kiệt)
......
Huỳnh Sanh Thông dịch:
Thăng Long (Nguyễn Du)
Vọng Phu Thạch (Nguyễn Du)
Hồ Hoàn Kiếm (Vô Danh)
(Bà Huyện Thanh Quan)
......
Lê Đình Nhất-Lang & Nguyễn Tiến Văn dịch:
Cùng khổ (Bùi Chát)
Hoa sữa (Bùi Chát)
Bài thơ một vần (Bùi Chát)
......
Các tác giả khác dịch:
Tôi đã cố bám lấy đất nước tôi (Nguyễn Đình Toàn) (Do Dinh Tuan dịch)
Bữa Tiệc Hòa Bình (Nguyễn Thị Thanh Bình) (Nguyễn Ngọc Bích dịch)
Từ Một Cuốn Rún (Nguyễn Thị Thanh Bình) (Đinh Từ Bích Thúy dịch)
• Sau đúng 60 năm, đọc lại bài thơ trừ tịch của Đặng Đức Siêu và Đông Hồ (Trần Từ Mai )
• Mùa Thu Trong Đường Thi (Lê Đình Thông)
• Những Vần Thơ Xuân Của Vua Trần Nhân Tông (Tạ Quốc Tuấn)
• Về một bài thơ dạy học vào mùa xuân của Trần Quý Cáp (Ngô Thời Đôn)
• Cảnh Đẹp Thành Thăng Long Thời Tây Sơn Qua Thi Ca Đoàn Nguyễn Tuấn (Phạm Trọng Chánh)
Ngày Xuân Đọc "Đào Hoa Thi" của Nguyễn Trãi (Trần Uyên Thi)
Thơ Lý Bạch (Đàm Trung Pháp)
• Trường Ca Việt Nam (Thiếu Khanh)
• Chiều Trên Phá Tam Giang (Tô Thùy Yên)
• Vài lời Cần Nói Về Ngày 30 Tháng 4 (Bùi Chí Vinh)
• Điếu thi: Thủ̉y Mộ Quan (Viên Linh)
• Lời Cầu Nguyện Của Rừng (Bùi Bá)
• Chí Khí
• Xử Thế
• Trúc dẫu cháy đốt ngay vẫn thẳng
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |