|
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Có một bài thơ Việt thế kỷ XIV, 'QUÁ PHONG KHÊ,' sách của Viện Văn Học Hà Nội viết là tả Hai Bà Trưng, theo chúng tôi là tả Mã Viện. Đây là một bài thơ kỳ tuyệt: Vịnh Sử, chê tướng giặc mà không dùng đến một lời miệt thị.
Trần Lôi, một nhà thơ sống vào thời Trần Nghệ Tông, [1321-1395] khi đi qua kinh đô cũ của Hai Bà đã hoài cảm, viết ra bài Quá Phong Khê. Trong sáu trăm năm, bài đó chìm vào trong số bốn trăm bài mà các nhà khảo cứu đã sưu tầm lại được sau chiến dịch huỷ diệt nền văn hoá Việt bởi nhà Minh. Bài thơ chỉ có hai mươi chữ, ngôn từ bình dị nên không được ai đặc biệt chú ý.
Bài thơ ấy như sau:
phiên âm:
QUÁ PHONG KHÊ 1
Lãng Bạc ta diên truỵ,
Phong Khê trúc Kiển Thành.
Nhất thời cân quắc trận,
Đẩu nhĩ 2 lập công danh.
Trần Lôi
dịch ý:
Lãng Bạc than diều hâu rớt,
Phong Khê đắp thành tổ kén.
Một thời, trận khăn yếm,
Thình lình lập công danh như thế.
Tuấn Nghi, Phạm Đức Duật trong nhóm biên soạn cuốn Thơ Văn Lý Trần, thuộc Viện Văn Học Hà Nội, đã dịch nghĩa như sau:
Trông hồ Lãng Bạc than thở rơi diều,
Ở đất Phong Khê xây đắp thành Kén.
Đội quân khăn yếm một thời,
Lập nên công danh vang dội.
Thơ dịch nghiêm chỉnh, xuông xẻ, đặc biệt là hai câu đầu dịch nguyên văn nguyên tác. Nhưng bản dịch có phản ảnh đúng ý của tác giả không, đó là điều ta thắc mắc, vì khi đọc nguyên tác, ta đã cảm thấy bài thơ tuy đơn giản nhưng vẫn có một cái gì là lạ trong đó. Mục đích của bài nghiên cứu này tìm hiểu cảm giác đó có căn cứ hay không.
Để cho việc nghiên cứu được hoàn chỉnh, cũng cần nói thêm về tác giả, bối cảnh cũng như cần xác định vị trí của bài thơ trong kho tàng văn học cổ.
Về tác giả: Vì sách vở đã bị quân Tầu huỷ hoại, nên không còn tài liệu nào nói về quê quán, thân thế, năm sinh, năm mất của tác giả Trần Lôi, cũng như sự nghiệp ra sao. Chỉ biết đại khái là ông sống vào cuối đời Trần. Tác phẩm chỉ còn lại bài thơ Quá Phong Khê.
Bối cảnh: Phong Khê là nơi Hai Bà đóng đô trong bốn năm. Sau khi nước sụp đổ, thị trấn này cũng tiêu tan. Nên khi tác giả đi qua, nơi đây chỉ còn gò đống. Dấu vết thành Tổ Kén của giặc Mã là mấy đống đất. Cảnh vật tang thương gây ra mối cảm hoài. Cảm hoài cái gì, cái gì tang thương, sau khi suy nghĩ kỹ ta sẽ nắm được đầu mối và hiểu bài thơ hơn.
Vị trí đặc biệt của bài thơ
Kho tàng thơ Lê-Lý-Trần có một mảng trống là thơ hoài cổ và thơ vịnh sử, nhất là về thời đại thật xa xưa. Cho nên nếu có một bài thơ về thời gian này, đúng lý ra, nó phải được người ta đặc biệt chú ý, không khác chi dòng chữ viết trên một bức tường trơ trụi làm ai nấy cũng phải đứng lại nhìn. Nhưng sự việc không xảy ra như vậy, chỉ vì bài thơ quá phẳng lặng, nên nó đã bị chìm vào trong số bốn trăm bài thơ khác, đa số có cảm tính sôi nổi hơn.
Nhưng vì chúng ta nhìn sự việc bằng con mắt mới, bài Quá Phong Khê, tuy chỉ có 20 chữ, đã nổi bật lên trong sự trống vắng của loại thơ hoài cổ, nhất là hoài cổ về những ngày đầy máu và nước mắt của buổi đầu chống Bắc xâm.
Đọc kỹ, ta nhận thấy bài thơ tự nó cũng khác hẳn những bài cổ thi ta đã đọc từ trước tới nay. Nó gây nhiều thắc mắc:
1. Đây là thơ gì vậy, hoài cổ hay vịnh sử?
2. Nhân vật bị ám chỉ trong thơ là ai, người cứu quốc Việt hay tướng giặc Tầu?
3. Ý nghĩa của bài thơ là gì?
Và câu hỏi quan trọng hơn hết, về phương diện văn chương là:
4. Bài thơ hay hay dở?
Những câu hỏi rất bình thường nhưng trả lời cho xưông xẻ không phải là việc đơn giản.
1. Thơ hoài cổ hay thơ vịnh sử?
Hoài cổ là xúc động khi nhớ chuyện xưa, vịnh sử là làm thơ về nhân vật và chuyện lịch sử. Hai bên giống nhau ở chỗ có thể cùng nói về một đề tài, nhưng khác nhau ở chỗ thơ cảm hoài thì tình cảm sôi nổi, còn thơ vịnh sử thì tình cảm hời hợt. Lý do là người làm thơ hoài cổ nhìn thấy cảnh trước mắt nên xúc động mà làm thơ, nên tình cảm sôi nổi, còn người vịnh sử thì phải tưởng tượng ra sự việc mới rung cảm, nên thơ vịnh sử có phần nhạt nhẽo hơn.
Trở về bài Quá Phong Khê. Tác giả đi qua Phong Khê là nơi ngàn năm trước hai Bà dựng kinh đô, chỉ thấy gò đống hoang vu nên cảm khái làm thơ. Như vậy, Quá Phong Khê là một bài thơ hoài cổ, thế nhưng trong thơ lại không có một lời cảm thán. Câu 1-2-3 chỉ ghi lại sự kiện một cách lạnh lùng:
1 Lãng Bạc ta diên truy;
2. Phong Khê trúc Kiển Thành.
3. Nhất thời, cân quắc trận,
Câu kết lời lẽ lại càng thờ ơ:
4. Đẩu nhĩ lập công danh!
(nhanh chóng lập công danh như thế đấy)
Thơ hoài cổ gì mà lời lẽ lạnh lùng, làm như tác giả không phải là con cháu hai Bà. Nhưng đọc kỹ, ta sẽ thấy không phải như thế. Tác giả đã ẩn giấu tình cảm của mình sau hàng chữ, phải đọc kỹ mới nhận ra. Chìa khoá nằm ở câu kết:
4. Đẩu nhĩ lập công danh
Phải chăng đây là một lời khen?
Nhưng KHEN AI? Khen hai Bà?
Nếu đúng thế thì cách phát biểu quá phi lễ không thể chấp nhận, vì hai lý do:
Một là đối với Bậc Đệ Nhất anh hùng cứu nước và dựng nước mà nói đến chuyện lập công danh lá quá coi thường vị ấy. Hai là nói về người mà ai nấy tôn thờ như bậc Tổ Mẫu mà cứ nói trống không thì tội bất kính lại càng nặng. Nhà Nho trọng lễ nghĩa nên quyết không có chuyện phi lễ. Vậy:
2. Nhân vật trong bài thơ là ai: Hai Bà hay tướng giặc Mã Viện?
Nếu nhân vật ám chỉ đến trong bài thơ không phải là hai Bà thì là Ai, không nhẽ là tên tướng giặc Mã Viện?
- Đúng đấy! Đúng là Mã Viện.
- Vô lý! Thế tại sao nhà thơ lại nức nở khen: Đẩu nhĩ lập công danh! (Lập công danh nhanh chóng như thế đấy!)
- Sai! Nói như vậy là sai: đó là câu nói mỉa chứ đâu phải lời khen!
Chuyện này lát nữa ta sẽ trở lại, bây giờ ta hãy chứng minh là nhân vật ám chỉ tới trong thơ đích thị là tên cướp nước.
Chứng minh bằng bối cảnh:
Bối cảnh bài thơ chính là Phong Khê, nơi chỉ còn mấp mô gò đống. Nhìn thấy cảnh tang thương, nhà thơ cảm hoài. Cảnh tang thương? Có phải là cảnh một đô thị biến thành gò đống? Không phải: Phong Khê chưa từng là một phố thị phồn hoa, có lẽ nó chỉ là một làng, lớn hơn các làng khác một chút. Hai Bà đã đóng đô ở đó bốn năm, một thời gian chỉ đủ để dựng lên mấy căn nhà gỗ dùng làm chỗ thiết triều. Vậy có cái gì đã gợi cảnh tang thương? Đó là thành bầu dục do Mã Viện sai đắp quanh Phong Khê. Chỉ có Kiển Thành là kiến trúc to lớn nhất, bền vững nhất, và sau khi sụp đổ cũng còn để lại một cái, đó là dẫy gò đống mấp mô. Cho nên trước cảnh thành luỹ hoang tàn, nhà thơ nghĩ tới, không phải là Hai Bà, mà là tên tướng giặc đã một thời gọi gió thét mưa.
Lý luận ở trên căn cứ vào trực giác hơn là vào thuần lý nên ít có tính chất thuyết phục, vậy chúng ta sẽ chứng minh lập luận của ta bằng qui luật.
Chứng minh bằng qui luật:
Qui luật nói ở đây là luật cấu trúc của Đường thi. Theo luật này, một bài tứ tuyệt sẽ gồm có bốn câu là: khởi [phá], thừa, chuyển và hợp [kết]., mỗi câu có một chức năng rõ rệt.
Khởi là mở đầu, có thể ví với cái nụ hoa mới nhú nhưng sẽ phát triển thành một đoá hoa hoàn chỉnh với đủ cánh, đài, nhuỵ hoa. Thừa là khai triển ý niệm đề ra trong câu khởi. Chuyển là sự chuyển hướng của tư tưởng làm cho sự suy tư sâu rộng thêm. Hợp là thâu tóm các tư tưởng đã trình bầy vào một câu để đóng câu chuyện lại, tức là kết. Như vậy tư duy đã phát triển như dòng nước, chảy từ nguồn, mở rộng thành sông rồi kết thúc trong biển cả. Dù chảy quanh co, thu gọn hay mở rộng, dòng nước vẫn là một, cũng như bài thơ, từ đầu chí cuối cũng chỉ nói về một đề tài.
Lãng Bạc, tức hồ Lãng Bạc trong câu thơ Lãng Bạc ta diên trụy (nơi hồ Lãng Bạc, [Mã Viện] than [khí độc bốc lên,] diều ó phải rớt.) Hồ rộng trên 500 héc ta, trong truyện Hồ Tinh (Lĩnh Nam Chích quái) hồ có tên là Thi-Hồ-trạch, nơi Long Quân dâng nước giết chết con cáo chín đuôi hãm hại dân lành trong vùng. Hồ cũng có tên là Hồ Trâu Vàng. nơi con trâu bên Tầu nghe tiếng chuông đồng đen bên hồ, tưởng là mẹ gọi, đã chạy qua tìm, vùng vẫy khiến hồ thêm rộng. Thể kỷ XI hồ có tên Dâm Đàm (hồ sương mù). Thế kỷ XV có tên Hồ Tây, tức là tên còn giữ tới ngày nay. Đây chính là nơi diễn ra nhiều trận đánh giữa quân Hai Bà và quân Mã Viện. (Chú thích của Hồ Tùng Nghiệp).
Bây giờ ta hãy đọc lại bài thơ.
1. Lãng Bạc ta diên truỵ
(Lãng Bạc than diều rớt)
- Ai than? Mã Viện than. Khi thấy chiến cuộc không xuông xẻ, Mã Viện liền báo cáo với triều đình là nước ta sơn lam chướng khí độc quá, đến chim đang bay trên trời mà cũng rớt xuống đất chết tốt! Như vậy khởi đề đã đề cập tới một viên tướng với cái tài nói khoác vô song là Phục ba Tướng quân.
2. Phong Khê trúc Kiển Thành
(Phong Khê đắp thành 'tổ kén'
Ai đắp thành? Mã Viện đắp thành.
Câu thừa đã đào sâu ý do câu khởi đưa ra (Sự nghiệp của y là xây Kiển thành). Như vậy, chủ đề của bài thơ lại rõ thêm chút nữa: Mã Viện.
3. Nhất thời cân quắc trận
- Câu chuyển trình bầy một sự kiện lịch sử, đưa tư tưởng sang một chiều hướng mới (đánh nhau với đoàn quân khăn yếm).
Theo Đường luật thì bốn câu: Khởi, thừa, chuyển, hợp phải thống nhất về chủ đề, nên nếu chủ đề do câu 1 đưa ra là Mã Viện thì đương nhiên chủ đề của câu 2, câu 3, câu 4 cũng phải là Mã Viện. Vậy câu 3 phải hiểu là: đã có một thời, y phải đánh nhau với đoàn quân khăn yếm.
4. Đẩu nhĩ lập công danh
(Thình lình lập công danh như thế.)
Ai lập công danh?
Nhóm biên soạn Viện Văn Học nhận định đó là hai bà Trưng. Nhưng chúng ta quan niệm ngược lại, đó là Mã Viện, vì lý do thống nhất chủ đề như đã nói ở trên. Ngoài ra, vì ý nghĩa tiềm ẩn trong các từ công danh và đẩu nhĩ.
a. Hai chữ công danh dùng cho những kẻ ngu phu như Mã Viện cố ngoi lên trong đám quan trường nhà Hán thì được, nhưng nếu dùng cho các vị anh hùng xả thân vì đại nghĩa thì đó là sỉ nhục họ. Nếu nói về việc làm của hai Bà thì danh từ thích hợp để gọi sẽ là: sự nghiệp, sứ mệnh, đại nghiệp...
b. Mặt khác, cuộc khởi nghĩa của hai Bà thất bại, trong khi chữ lập công danh lại có ý nghĩa là thành công.
c. Đẩu nhĩ (nhanh chóng như vậy) - Từ ngữ này cũng không thích hợp với hai Bà. Nghĩa quân phải tử chiến với quân giặc hàng tháng, hàng năm thì thời gjan dài vô cùng. Cho nên chữ đẩu nhĩ dùng cho Mã Viện thì đúng mà dùng cho hai Bà thì sai.
Không những thế, chữ nhĩ còn có nghĩa là mày nên cụm từ 'đẩu nhĩ lập công danh' còn có thể hiểu là 'mày đã nhanh chóng lập công danh.' Câu nói đầy sự mỉa mai.
3. Ý nghĩa đích thực của bài thơ
Cái làm ta lạc lối chính là câu 3:
Nhất thời cân quắc trận
Hiểu sai câu này thực ra cũng không có gì là lạ; lý do thứ nhất, ý nghĩa của chữ thời và chữ trận quá rộng; lý do thứ hai là cấu trúc câu 3 quá mơ hồ, nên có thể hiểu theo nhiều cách trái ngược nhau.
Thời có nghĩa là mùa, là giờ, là lần (time), là thời gian (period)... Trận có nghĩa là trận đồ, trận thế (cách bài binh bố trận), hoặc một trận đánh, v.v... Vậy Nhất thời cân quốc trận có thể hiểu là có một lần, một trận đánh yếm khăn hoặc là có một thời kỳ, mặt trận yếm khăn. Hai cách hiểu khác nhau xa: một đằng thời gian rất ngắn (trận đánh kéo dài vài giờ hay vài ngày), một đằng thời gian kéo dài (mặt trận có thể kéo dài hàng tháng, hàng năm).
Cấu trúc câu Nhất thời cân quắc trận lại càng đưa ta vào chỗ mơ hồ: danh từ cân quắc trận đứng lơ lửng một mình, có chức năng gì trong câu thơ? Là chủ từ hay là túc từ? Nếu là chủ từ thì chủ từ của cái gì, và túc từ thì túc từ của cái gì? Tác giả đã cố tình để lửng lơ như vậy để ai muốn hiểu thế nào thì hiểu. Và vì thế mà cho tới bây giờ, chưa thấy ai nói đến ý nghĩa chân thực của bài thơ...
Hiểu sai câu 3 đưa tới việc hiểu sai câu 4 nên trong cuốn Thơ Văn Lý Trần, (tập 3, trg 373), ban biên soạn Viện Văn Học Hà Nội đã dịch là:
3. Đội quân khăn yếm một thời,
4. Lập nên công danh vang dội.
Dịch như thế tạo nên nếp gãy trong dòng suy tư, vì câu 1-2 nói về giặc Tầu, câu 3-4 nói về nghĩa quân Việt, hai câu không ăn nhập gì với nhau, trái với triết lý của Đường luật.
Vậy câu 3-4 phải hiểu là:
3. Có một thời, nhờ đánh nhau với đàn bà,
4. Y nhanh chóng lập công danh.
Ý nói móc họng:
Đánh nhau với đàn bà mà cũng vênh váo tự đắc không biết nhục hay sao?
4. Thơ hay hay dở
Bài Quá Phong Khê thật đơn giản nhưng vẫn nói lên trọn vẹn "sự nghiệp" của tên tướng giặc khi sang đánh nước ta. Lời lẽ bình dị, lạnh lùng: không hằn học, chửi rủa hay than thở. Nhưng ẩn sau mỗi câu là một sự mỉa mai miệt thị, tưởng không có ai có thể mỉa mai miệt thị sâu sắc hơn được nữa.
Ta hãy đọc lại câu đầu:
1. Lãng Bạc than diều rớt,
Tên tướng giặc được vinh danh là Tướng quân Dẹp sóng (Phục Ba Tướng Quân) thấy cuộc chiến kéo dài, bèn bịa ra chuyện "diều hâu đang bay cũng bị khí độc giết chết". Nhà thơ bèn nêu chuyện này ra để nhạo y, ý muốn nói: Đánh không thắng thì nhận là không thắng, việc chi phải bịa chuyện lam sơn chướng khí? Làm tướng sao mà hèn quá vậy. Chữ - ta (than thở) dùng rất đắc dụng, đã nêu lên cái bản chất Quảng Lạc của ông tướng Dẹp Sóng được người Tầu ca tụng là đã bạc tóc ngoài mặt trận.
2. Phong Khê đắp Kiển Thành.
Đắp thành là việc mà bất cứ ai có trách nhiệm cũng phải làm, và một viên quan văn nào chả làm được, miễn là tìm đúng người để giao việc, cần chi đến một đại tướng? Nay nhà thơ lại kể đến việc đắp Kiển Thành, làm như đó là một sự nghiệp không tiền khoáng hậu của tướng Phục Ba. Qua câu này nhà thơ đã đánh giá y rất thấp.
3. Nhất thời cân quắc trận,
4. Đẩu nhĩ lập công danh.
Nhờ đánh nhau với đạo quân đàn bà - Y nhanh chóng lập công danh.
Hai câu này đã dìm Mã tặc xuống đất đen.
Sau khi lấy thịt đè người, Mã Viện đã cắm một cán cờ gẫy ở một xó xỉnh nào đó trên đất Việt và đe doạ: "Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt." Ta đã phản ứng lại câu nói thiếu văn hoá bằng cách làm cho nó biến mất luôn. Chín trăm năm sau, ta đã lấy máu của tên thái tử Hoằng Thao nước Nam Hán rửa cái nhục mất nước.
Ba trăm năm sau nữa, một tên quan Tầu làm tôi tớ cho nhà Nguyên lại cố tình sỉ nhục ta bằng cách khơi lại chuyện Mã Viện: Đồng trụ chí kim, đài vị lục; ta đã đập lại ngay: Đằng giang tự cổ huyết do hồng.
Cái nhục mất nước đã được rửa, nhưng lời lẽ ngông cuồng của Mã tặc vẫn làm ta căm giận. Bài Quá Phong Khê đã lột hết mũ mãng của hắn để lộ ra bộ mặt thực của viên tướng Quảng Lạc.
Khác với một số học giả ti tiện Tầu đã bịa ra những chuyện bỉ ổi để bêu riếu đối thủ như chúng đã làm đối với bà Triệu (vú dài ba thước, phải vắt ra sau lưng), nhà thơ Việt chỉ đưa ra những sự kiện lịch sử, bằng một ngôn từ chững chạc, nghiêm trang. Xét về điểm đó, ai có tư cách hơn ai, sử gia Tầu hay nhà thơ Việt?
Câu hỏi chót mà ta chưa trả lời một cách minh bạch là: Thế bài Quá Phong Khê có hay hay không?
Một bài thơ lời lẽ bình dị, trong sáng hết mực, nhưng phải mất sáu trăm năm ta mới tìm ra được ý nghĩa đích thực của nó, một bài thơ như vậy đáng gọi là kỳ tuyệt.
Miệt thị mà không cần nói một lời, nghệ thuật làm thơ như vậy đã đạt tới chỗ tuyệt đỉnh cao siêu.
Westminster, 14.9.04
CHÚ THÍCH
1) Khê: trong nguyên tác (?), chữ KHÊ được viết theo phép hài thanh, bên trái là chữ khê, con suối, lấy ý, bên phải là chữ chuy, (Mathews': short-tailed birt) chỉ bộ. Nhưng trong tự điển Khang Hi, không có chữ này mà chỉ có chữ KHÊ, viết với bộ điểu và chỉ một loại chim sống ở khe nước. Vì nhu liệu chúng tôi dùng chỉ có chữ khê này, nên chúng tôi tạm dùng nó thay thế cho chữ Khê của nguyên tác (?).
Cũng xin nói thêm là chữ chuy còn được đọc là thôi (cùng nghĩa với chữ thôi, trên là chữ sơn, dưới chữ chuy) và có nghĩa là cao thâm, dốc thẳm (high, precipitous). Nếu chữ chuy được dùng với ý này, thì khi sáng tạo ra chữ khê mới (?), tác giả muốn gán cho nó ý nghĩa thăm thẳm, cao thâm,...
2) Đẩu: thình lình. Nhĩ: như thế, thôi... (Mathews': so, like that, -like; merely.)
- Tuyển Dịch Thơ Văn Cổ Phạm Khắc Hàm Biên khảo
- Sự Diệu Kỳ Của Thư Họa Phạm Khắc Hàm Biên khảo
- Gọi Hồn Thiên Cổ Phạm Khắc Hàm Tạp luận
- Gió Bão Ngoại Giao Thời Thịnh Trần và Vị Sứ Thần Lỗi Lạc Đinh Củng Viên Phạm Khắc Hàm Khảo luận
- Thanh Bình Dưới Bóng Cờ 'Thiên Triều?' Phạm Khắc Hàm Nhận định
- Quá Phong Khê, Một Bài Thơ Kỳ Tuyệt Phạm Khắc Hàm Khảo luận
- Phạt Tống Lộ Bố Văn của Lý Thường Kiệt Phạm Khắc Hàm Khảo luận
- Đặng Dung, Bậc Anh Hùng Lỡ Vận và bài thơ "Cảm Hoài" Phạm Khắc Hàm Biên khảo
• Ngôn ngữ thơ là cái quái gì vậy? (Lê Hữu)
• Trường Ca Việt Nam (Thiếu Khanh)
• Chiều Trên Phá Tam Giang (Tô Thùy Yên)
• Ba Dòng Thơ Tiêu Biểu Phương Đông: Thơ Thiền Việt Nam, Đường Thi Trung Hoa Và Haiku Của Nhật (Thái Tú Hạp)
• Vài lời Cần Nói Về Ngày 30 Tháng 4 (Bùi Chí Vinh)
Đàm Trung Pháp & Viên Linh dịch và chú giải:
Vịnh Hai bà Trưng (Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập)
Ăn Cỗ Đầu Người (Nguyễn Biểu)
Đoạt Sáo Chương Dương Độ (Trần Quang Khải)
Nam Quốc Sơn Hà (Lý Thường Kiệt)
......
Huỳnh Sanh Thông dịch:
Thăng Long (Nguyễn Du)
Vọng Phu Thạch (Nguyễn Du)
Hồ Hoàn Kiếm (Vô Danh)
(Bà Huyện Thanh Quan)
......
Lê Đình Nhất-Lang & Nguyễn Tiến Văn dịch:
Cùng khổ (Bùi Chát)
Hoa sữa (Bùi Chát)
Bài thơ một vần (Bùi Chát)
......
Các tác giả khác dịch:
Tôi đã cố bám lấy đất nước tôi (Nguyễn Đình Toàn) (Do Dinh Tuan dịch)
Bữa Tiệc Hòa Bình (Nguyễn Thị Thanh Bình) (Nguyễn Ngọc Bích dịch)
Từ Một Cuốn Rún (Nguyễn Thị Thanh Bình) (Đinh Từ Bích Thúy dịch)
• Sau đúng 60 năm, đọc lại bài thơ trừ tịch của Đặng Đức Siêu và Đông Hồ (Trần Từ Mai )
• Mùa Thu Trong Đường Thi (Lê Đình Thông)
• Những Vần Thơ Xuân Của Vua Trần Nhân Tông (Tạ Quốc Tuấn)
• Về một bài thơ dạy học vào mùa xuân của Trần Quý Cáp (Ngô Thời Đôn)
• Cảnh Đẹp Thành Thăng Long Thời Tây Sơn Qua Thi Ca Đoàn Nguyễn Tuấn (Phạm Trọng Chánh)
Ngày Xuân Đọc "Đào Hoa Thi" của Nguyễn Trãi (Trần Uyên Thi)
Thơ Lý Bạch (Đàm Trung Pháp)
• Trường Ca Việt Nam (Thiếu Khanh)
• Chiều Trên Phá Tam Giang (Tô Thùy Yên)
• Vài lời Cần Nói Về Ngày 30 Tháng 4 (Bùi Chí Vinh)
• Điếu thi: Thủ̉y Mộ Quan (Viên Linh)
• Lời Cầu Nguyện Của Rừng (Bùi Bá)
• Chí Khí
• Xử Thế
• Trúc dẫu cháy đốt ngay vẫn thẳng
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |