|
Dương Quảng Hàm(14.7.1898 - 19.12.1946) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Trần Quý Cáp
(1870 - 1908)
Năm 1829. Năm cuối cùng của thế kỷ XIX này, dân tộc ta đang rên xiết dưới gót sắt và gông cùm của thực dân Pháp. Cũng năm này, Trần Quý Cáp sắp bước vào tuổi 30. ông đang mở trường dạy học ở vùng phụ cận của tỉnh thành Quảng Nam (thành La Qua) (1). Những năm tháng trước khi gặp Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, lao vào cơn bão Duy Tân, chống thuế lan rộng khắp Trung kỳ này, ông ôm ấp nhiều dự đồ to lớn. Tiếc là, hiện nay chúng ta chưa sưu tầm đầy đủ về thời kỳ dạy học này. Đâu đó, một vài bài thơ, bài phía trước cơn bão Duy Tân, chúng ta vẫn thấy được điều dự báo của nó qua một bài thơ đặc biệt: Kính hồ liên (Sen hồ gương). (2)
Có lẽ vì nó là một bài thơ đặc biệt, bài thơ dùng làm bài dạy học vào mùa xuân nên khi đem in ở báo Nam Phong năm 1924, Nguyễn Bá Trác - một người học trò của Trần Quý Cáp, đã ghi chú thêm một tiểu dẫn phía trên bài thơ: "... Nhân vì phía tây hiên nhà có một hồ sen nên thầy viết bài ấy để răn bảo học trò. Thường đến mùa xuân, người học ngồi vào nhà, nghe thầy đọc bài ấy" (Nhân ký gia chi tây hiên hữu liên hồ, cố thư thử dĩ thị đệ tử. Ký giả thường ư xuân tọa tung, văn tiên sinh độc tử tác). Hiện nay chúng ta chưa biết tất cả các bài thơ mà Trần Quý Cáp dùng làm bài dạy học ngoài bài này và một số bài ca trù quốc âm mà Vĩnh Quyền có dẫn trong tiểu thuyết lịch sử Mạch nước trong (3).
Điều đáng nói, là trong quá trình dạy học, diễn thuyết Trần Quý Cáp luôn luôn ý thức lồng vào trong đó những nội dung thời cuộc, chính trị nhằm giác ngộ quần chúng (trong đó có học trò của mình) đứng lên đánh Pháp, cứu nước. Đọc những bài hát nói của ông, (có bài dùng dạy học) thì thấy đó là những lời lên án, chỉ trích quyết liệt bọn quan lại ngu muội, làm tay sai cho Pháp, ức hiếp nhân dân. Bài Sen hồ gương là một dạng khác. Đây là lời tâm sự, lời bộc bạch ý chí, hoài bão của tác giả, tất nhiên, cũng nhằm vận động học trò nhận thức được thời cuộc và sát cánh cùng thầy (Trần Quý Cáp) trong cuộc đấu tranh với kẻ thù. Như vậy, trong một chừng mực nhất định, Sen hồ gương vẫn là một cái mốc giúp ta hiểu thêm quá trình phát triển tư tưởng của Trần Quý Cáp.
Sen hồ gương làm theo thể cổ phong trường thiên, dài 30 câu, vần liền (trắc trắc, bằng bằng) và ôm (trắc-trắc-bằng-bằng, bằng-bằng-trắc-trắc) nhưng vần không cố định theo đoạn. Bốn câu mở đầu nêu hoàn cảnh và thời điểm sáng tác bài thơ. Trần Quý Cáp hồi tưởng ngày sôi nổi vừa qua. Vừa tròn một năm! Vẫn biết là hành tung của người đời không có gì là thường hằng hay mãi mãi giống nhau, nhưng ông không thể quên những lần họp mặt các anh hùng:
Khứ niên lục nguyệt Lệ giang chứ
Kim niên lục nguyệt La thành lữ
Nhân sinh tung tích tri hà thường?
Tòa trung hồi ức quần anh lữ
(Tháng sáu năm ngoái: bến sông Lệ, (4)
Tháng sáu năm nay: trọ thành La (5)
Người đời tung tích sao là thường?
Trong nhà chợt nhớ hội anh hùng (6)
Đoạn giữa bài gồm 22 câu nói đến cuộc sống lặng lẽ, hèn nhát, cam chịu nô lệ của bọn quan lại. Đối lập với cuộc sống ấy, là cuộc sống của những con người chân chính, dám đón nhận phong ba, dũng cảm đương đầu với lửa nóng. Ông ví họ như những đóa sen thơm ngát đang dầm mình trong bùn nước, chống chịu nắng lửa mùa hè dội xuống trên đầu! Toàn bộ nhận thức về thời cuộc của ông vừa mạch lạc, vừa tìm đáo được trình bày tuần tự trong đoạn giữa này. Tình hình đất nước đang đòi hỏi những người lãnh đạo mới. Đòi hỏi ấy đến những năm 1903, 1906 ông mới thực hiện được. Còn vào lúc này, nhìn về phía bọn quan lại, ông chỉ thấy rặt một lũ ích kỷ, tham lam và hèn nhát:
Hồng y tiên hướng hào gia khứ,
Thị tọa kiều khanh diệc phạ thứ!
(Kẻ áo đỏ tục theo bọn hào phú ra đi,
Bọn kiều khanh ngồi hầu mà cũng sợ nắng!)
Nhìn về phía học trò - đối tượng mà ông mạnh dạn bộc bạch tâm sự và tìm cách răn dạy họ đi theo con đường chính nghĩa, thì tự ông cũng thấy một cảnh rời rạc, đau lòng:
Công tử mỹ nhân hà xứ quy?
Xử sĩ bát lai đồ diên trữ
(Công tử, mỹ nhân biết về đâu?
Ẩn sĩ không đến, học trò đợi lâu!)
Trong khi lòng ông đang trống trải cùng tột thì ngay bên cạnh mái trường của ông, những đóa sen vẫn lặng lẽ nở và tỏa hương. Thật là hiếm hoi, bất ngờ và kỳ diệu! Giữa nắng lửa khắc nghiệt của ngày hè, giữa sóng rập rờn lay động, hoa sen vẫn bám trụ vững vàng. Loài hoa không tránh nắng này đã tự chứng minh bằng tư thế đứng thẳng uy nghi trong sóng nước. Ông không nói gì thêm nữa sau cái thế đứng ấy, nhưng ai cũng hiểu là ông đang nói về ai:
Độc hữu hà quân bát tị viêm,
Dính lập ba trung như đối ngữ
(Chỉ có nàng sen không tránh nóng,
Uy nghi giữa sóng như mong ngóng...
Ông gọi hoa sen bằng một từ trân trọng Hà quân! Cách gọi ấy bao hàm một nếp nghĩ có tính chất truyền thống của nghệ sĩ Đông phương, nhất là của Trung Quốc và Việt Nam. Chu Động Di, nhà lý học Trung Quốc nổi tiếng có riêng một bài Ái Liên thuyết (Nói về lòng yêu hoa sen). Họ Chu kể ràng:
"Đời Tấn ông Đào Uyên Minh chỉ thích hoa Cúc. Từ đời Đường họ Lý về sau, người đời lại chuộng mẫu đơn. Còn tôi chỉ yêu một mình hoa sen vì nó thanh nhã, tuy mọc nơi bùn lầy nước đục nhưng không nhiễm mùi tanh hôi.... Bên trong thông suốt, bên ngoài ngay thẳng, không bò lan, không có cành, hương bay càng xa càng ngát. Nó đứng ngay ngắn không cúi khom, người ta có thể đứng từ xa mà ngắm, muốn giỡn nó cũng không được. Tôi nghĩ rằng, hoa cúc tựa như nhà ẩn sĩ, mẫu đơn tựa như kẻ phú quí, còn hoa sen tựa như bậc quân tử. Ôi! sau ông Đào Uyên Minh, ít nghe ai thích hoa cúc. Người cùng yêu hoa sen như tôi, là ai? Còn chuộng mẫu đơn thì nhiều người lắm!"
Mặc dù có một số nét đồng cảm, đồng điệu giữa hai con người thuộc hai quốc gia, hai thời đại khác nhau, nhưng nhận kỹ thì Trần Quý Cáp vẫn có cái khác họ Chu. Theo Trần Quý Cáp, bậc chân quân tử, kẻ anh hùng cứu nước là người gần gũi chúng ta, ở bên cạnh ta, không phải là người mà ta phải "đứng từ xa ngắm" theo kiểu "kính nhi viễn chi". Tất cả chỉ ở lòng ta, ta có dám lộn ra giữa hồ để gặp con người can đảm đang chịu nước, chịu nóng ấy không. Trong tiểu thuyết Mẫn và tôi (8) Phan Tứ cũng cho một nhân vật yêu quí của mình nói ra một câu tương tự: "Thì lội ra giữa dòng mà gặp nhau".
Ở Trần Quý Cáp sự trân trọng ấy không phải là một nghi lễ, hơn thế nó đã chuyển thành một tình cảm thân ái đầy cả sự bao dung, ân cần và chu đáo:
Tận nhật chiêu quân ý hoành môn
Huân phong mạch mạch độc vô ngôn.
Ái quân, vị quân, thiêm bồn thủy
(Ta muốn nói với nàng: cửa nhàn suốt ngày,
Rười rượi gió hè, sao nàng không nói?)
Yêu nàng, vì nàng, ta thêm chậu nước!)
Tuy vậy con người ông trước sau vẫn tuân thủ những nguyên tắc quan trọng của đời sống. Ông nghiêm khắc nhắn nhủ nàng sen:
Mạc giao thu vũ đố hồng ngân, (9)
Mạc hứa tiểu ba thấu thái khứ,
Mạc vị hồng tụ dương giai phiên.
(chớ bảo mùa thu ghét ngân hồng,
Chớ hẹn gái xinh đi hái trộm
Chớ vì áo hồng phất phơ nơi bậc thềm!)
Yêu người chân chính ông muốn bảo vệ, ngăn ngừa không cho họ sa ngã, không muốn họ vì vô tình mà bị rủ rê để rồi cuối cùng rơi vào tay giặc. Thời đại ông là thời đại loạn lạc, có biết bao kẻ vì một chức quan, vì miếng bổng lộc béo bở của thực dân mà cam tâm làm tay sai. Mọi giá trị tinh thần truyền thống có thể tạm thời bị giày xéo. Nhưng còn lương tâm? Phải tin ở lòng mình. Lời thơ đến đây như đặc quánh lại, rắn chắc, mạnh mẽ khẳng định ở cái bản chất cương nghị, cái "phong thái" truyền thống của những con người chân chính. Như muốn nhắn bảo thiết tha với học trò, lời thơ vang lên lời kêu gọi: hãy giữ lấy lòng mình, hãy can đảm xông ra trước thời cuộc rối ren?
Do lai quân tử cổ phong tại
Só quí ngưỡng thù tạo vật ân
Ngã văn thái, Hoa phong điên nhật quán bàng!
(Xưa nay phong thái quân tử còn nguyên
Cái quí của lòng biết đền đáo ơn trên
Ta nghe nói: núi Thái, núi Ho đỉnh cao vời (10)
Mặt trời chỉ rọi ở sườn bên!
Trần Quí Cáp tự tin, cứng rắn là vậy nhưng ông không khỏi chạnh lòng khi hoa sen vẫn tiếp tục chôn chân trong sóng nước, nắng lửa, tựa như người anh hùng cô độc vẫy vùng trong vòng tên đạn của quân thù. Lòng ông băn khoăn, lo lắng:
An đắc di lai lan hạm ngoại
Hợp tác tiên bằng tiến Thượng phương?
(Sao được đưa nàng đến bên ngoài bồn hoa lan
Cùng bạn tiên dâng lên thượng giới?)
Ông tha thiết với sự hợp lực, đồng tâm để đánh Pháp, cứu nước, giành lại mùa xuân tươi thắm cho dân tộc:
Cẩm hà vi hoa châu vi thực
Nhất dạng anh tư tiến Ngọc hoàng
(Ta lấy ráng gấm làm hoa, châu ngọc làm trái,
Một vẻ thanh cao dâng Ngọc hoàng)
Say sưa xúc động vì mùa xuân ấy, Trần Quý Cáp kết thúc bài thơ dạy học bằng một ước mơ táo bạo, mãnh liệt:
Giao quân thử ý hà nhật vương (vong)
Mộng mị cầm thư quân tín phương.
Hoa thần phảng phất nhược hữu ngộ,
Tùng chi uyển tại thủy trung ương.
(Ngày nào quên được ý ấy! Ta bảo với nàng,
Đèn sách trong mơ, nàng thật ngát hương.
Phảng phất hồn nàng - như hiểu thấu...
Ta muốn theo nàng ra giữa hồ gương!)
Chúng ta lưu ý câu cuối: "Thủy trung ương" là "ở giữa nước". Kết cấu ấy cứ gợi chúng ta liên tưởng đến kết cấu "quốc chi trung ương" (kinh đô, thủ đô) Phải chăng, ông muốn ra kinh đô Huế để gặp Thành Thái, cùng vị vua yêu nước này tính chuyện đánh Pháp, cứu nước? Tất nhiên, đây chỉ là một giả thuyết chưa hẳn đúng. Nhưng quả thật là, ông có làm bài phú Hoàn bích quy Triệu ngụ ý kín đáo đất nước ta tạm thời mất vào tay Pháp nhưng rồi sẽ giành lại được như ngọc bích nước Triệu sẽ trở về với nước Triệu. Nên chăng, cần đặt giả thuyết bài thơ này có "phảng phất" cái nguyện vọng, cái ý ấy mà Trần Quý Cáp có nguyện vọng bày tỏ với vua Thành Thái?
Cuối cùng không thể nào không trở lại cái đặc biệt của bài Sen hồ gương. Bài thơ viết về một loài hoa sinh nở trong mùa hè mà lại được đem dạy học vào mùa xuân. Bài thơ cũng rất trang nhã, óng ánh sắc xuân (11) Phải chăng tấm lòng Trần Quý Cáp đối với đất nước, đối với dân tộc bao giờ cũng tràn trề thêm tin về một mùa xuân sạch bóng giặc Pháp, một mùa xuân độc lập tự do? Ông hoàn toàn tin như thế, nhưng thật là có lỗi khi để học trò suy nghĩ dễ dãi về mùa xuân đó! Sen hồ gương là tấm lòng của người thầy khả kính Trần Quý Cáp, là lời dạy bảo nghiêm khắc, chân thành của ông đối với học trò: Để có mùa xuân ấy, mỗi người phải xông ra nắng lửa, lội vào sóng nước ngay trong mùa hè sắp tới.
Trần Quý Cáp đã làm đúng như trong bài thơ dạy học của mình từ những ngày xuân ngồi dạy học ở Vĩnh Điện cho đến khi lên đoạn đầu đài! Vì tranh đấu Dân Chủ Tự Do cho Dân Tộc.
Chú thích:
(1) Nay thuộc thị trấn Vĩnh Điện, huyện lỵ Điện Bàn, Tỉnh Quảng Nam Đả Nẵng. Chưa có tư liệu nào nói Trần Quý Cáp ra đến Nghệ An, vì vậy thành La ở đây không thể là thành Vinh (tên củ: La thành)
(2) Chúng tôi chưa xác định được tên gọi chính thức của hồ này nên tạm dịch nhan đề như thế, thay vì "Sen hồ Kính", "Sen hồ Cánh"
(3) N.X.B Thanh Niên, Hà Nội, 1986.
(4) Sông Cẩm Lệ, huyện Hòa Vang, Quảng Nam Đà Nẵng
(5) Như chú thích (1)
(6) Người viết dịch
(7) Hà quân: Ông, bác, anh... sen. Căn cứ vào sắc thái trữ tình của bài thơ, ở đây tạm dịch là "Nàng hoa sen"
(8) N.X.B Thanh Niên Hà Nội, 1978, tr.576
(9) Hồng Ngân: vết đỏ, ngấn hồng, có lẽ là những đường vân trên cánh hoa sen.
Cả câu có nghĩa: chớ đỗ lỗi cho hoàn cảnh khách quan (của tự nhiên)
(10) Núi Thái, núi Hon là những núi cao ở Trung Quốc, thường dùng để ví chí khí, cốt cách bậc chính nhân, quân tử.
(11) Sau này, trong cuộc đấu tranh mặt đối mặt với kẻ thù, thơ ông chuyển hẳn sang một giọng khác, trần trụi hơn, mãnh liệt hơn, gần gụi với lời ăn tiếng nói thường ngày của dạn dày hơn:
Dân ta nay cực đà như chó!
Sao quan còn võng đỏ, ngáng ngà?...
- Về một bài thơ dạy học vào mùa xuân của Trần Quý Cáp Ngô Thời Đôn Thơ
• Ngôn ngữ thơ là cái quái gì vậy? (Lê Hữu)
• Trường Ca Việt Nam (Thiếu Khanh)
• Chiều Trên Phá Tam Giang (Tô Thùy Yên)
• Ba Dòng Thơ Tiêu Biểu Phương Đông: Thơ Thiền Việt Nam, Đường Thi Trung Hoa Và Haiku Của Nhật (Thái Tú Hạp)
• Vài lời Cần Nói Về Ngày 30 Tháng 4 (Bùi Chí Vinh)
Đàm Trung Pháp & Viên Linh dịch và chú giải:
Vịnh Hai bà Trưng (Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập)
Ăn Cỗ Đầu Người (Nguyễn Biểu)
Đoạt Sáo Chương Dương Độ (Trần Quang Khải)
Nam Quốc Sơn Hà (Lý Thường Kiệt)
......
Huỳnh Sanh Thông dịch:
Thăng Long (Nguyễn Du)
Vọng Phu Thạch (Nguyễn Du)
Hồ Hoàn Kiếm (Vô Danh)
(Bà Huyện Thanh Quan)
......
Lê Đình Nhất-Lang & Nguyễn Tiến Văn dịch:
Cùng khổ (Bùi Chát)
Hoa sữa (Bùi Chát)
Bài thơ một vần (Bùi Chát)
......
Các tác giả khác dịch:
Tôi đã cố bám lấy đất nước tôi (Nguyễn Đình Toàn) (Do Dinh Tuan dịch)
Bữa Tiệc Hòa Bình (Nguyễn Thị Thanh Bình) (Nguyễn Ngọc Bích dịch)
Từ Một Cuốn Rún (Nguyễn Thị Thanh Bình) (Đinh Từ Bích Thúy dịch)
• Sau đúng 60 năm, đọc lại bài thơ trừ tịch của Đặng Đức Siêu và Đông Hồ (Trần Từ Mai )
• Mùa Thu Trong Đường Thi (Lê Đình Thông)
• Những Vần Thơ Xuân Của Vua Trần Nhân Tông (Tạ Quốc Tuấn)
• Về một bài thơ dạy học vào mùa xuân của Trần Quý Cáp (Ngô Thời Đôn)
• Cảnh Đẹp Thành Thăng Long Thời Tây Sơn Qua Thi Ca Đoàn Nguyễn Tuấn (Phạm Trọng Chánh)
Ngày Xuân Đọc "Đào Hoa Thi" của Nguyễn Trãi (Trần Uyên Thi)
Thơ Lý Bạch (Đàm Trung Pháp)
• Trường Ca Việt Nam (Thiếu Khanh)
• Chiều Trên Phá Tam Giang (Tô Thùy Yên)
• Vài lời Cần Nói Về Ngày 30 Tháng 4 (Bùi Chí Vinh)
• Điếu thi: Thủ̉y Mộ Quan (Viên Linh)
• Lời Cầu Nguyện Của Rừng (Bùi Bá)
• Chí Khí
• Xử Thế
• Trúc dẫu cháy đốt ngay vẫn thẳng
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |