1. Head_

    Lam Phương

    (20.3.1937 - 22.12.2020)

    Lưu Trung Khảo

    (.0.1931 - 22.12.2015)

    Nguyễn Hiến Lê

    (8.1.1912 - 22.12.1984)

    Nguyễn Đình Nghĩa

    (5.10.1940 - 22.12.2005)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Năm Bài Thơ Đề Vịnh Hạ Long (Nguyễn Ngọc Bích) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      03-3-2016 | VĂN HỌC

      Năm Bài Thơ Đề Vịnh Hạ Long

        NGUYỄN NGỌC BÍCH
      Share File.php Share File
          

       


          Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích
            (1937 - 2016)

      Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích sinh 1937 tại Hà Nội, du học Hoa Kỳ năm 1954 theo chương trình học-bổng Fulbright, học Đại học Princeton, tốt nghiệp ngành Chính trị học năm 1958.

      Ông tiếp tục theo học môn Á Đông học, Văn học cổ điển Nhật tại Columbia University, New York và có thời gian sang Nhật bằng học bổng President's Fellowship để thu thập tài liệu cho luận án cao học.

      Ông về nước năm 1972, thành lập Viện Đại Học Cửu Long ở Sài Gòn, giữ chức Cục trưởng Cục Thông Tin Quốc Ngoại của Bộ dân Vận Chiêu Hồi do ông Hoàng Đức Nhã làm Tổng trưởng. Ông cũng là Tổng Giám Đốc sau cùng của Việt Tấn Xã.

      Thời Tổng thống George W.H Bush, Giáo sư Bích được bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc Song Ngữ của Bộ Giáo Dục Liên Bang. Ông cũng từng là giám đốc của Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do (RFA) vào tháng hai năm 1997.

      Rời khỏi RFA, ông vẫn giữ chức Chủ tịch ‘Nghị Hội Toàn Quốc Của Người Việt tại Hoa Kỳ’ và tiếp tục các trước tác văn học, dịch thuật.

      Ông qua đời do nhồi máu cơ tim ngay trên chuyến bay từ thủ đô Washington DC đi Manila, Philippines tối 2 Tháng Ba, 2016. (theo ĐQAT, NV)


      *


      Mùa đông năm Khang-hi thứ 27 (l688), tôi ngẫu-nhiên có việc ở Cao-lương thuộc Quảng-đông. Tôi lấy thuyền đi tắt cho chóng. Không dè bị gió bạt vào ở mép nước An- nam gọi là châu Vạn ninh. Cửa bể châu này mang tên Giang-bình... Từ Giang-bình vào kinh-đô nước ấy có ba lạch đều theo ven biển. Tôi mua một thuyền bản-xứ để đi vào. Chưa hết một ngày đã đến Hoa-phong. Hoa-phong là những đảo. Nhìn tứ phía đều núi đá, nhỏn nhỏn chập- chồng. Trăm vạn hình dáng từ đáy bể chỗi vọt lên. Tuyệt-nhiên không cát đất, lùm cây, đám cỏ. Chỉ có cây tùng lạ, cây bách cỗi, hình dáng li-kì, mọc xen kẽ đá, bày gân lộ cốt mới vượt lên được. Núi cao hoặc vài trăm thước, hoặc chỉ hơn trăm thước, hoặc chèn lấn nhau, hoặc quanh-co dứt nối, khiến ta không thể đoán được mà cũng không thể tìm hiểu được. Ngóng thấy hình hoặc như trăm thú vật, hoặc như dũng-sĩ mang áo giáp mũ trụ đang ngồi, hoặc như đám mây hè, đỉnh mang lửa, đang vụt chỗi lên. Hoặc khi xa thì thấy vậy mà khi lại gần thì không phải vậy. Hoặc khi nhìn thẳng trước thì như vậy mà khi nhìn nghiêng bên thì khác vậy. Trong chớp mắt, gió mây biến đổi ảo trạng không chừng. Thuyền ta lênh-đênh giữa khoảng nước này trong bốn hôm mới ra khỏi. Mỗi lúc thuyền tới nơi núi kèm bể chẹt, thì tưởng chừng lối nghẹt không thông. Hồi lâu, lại hiện ra một cảnh-giới như trước. Cứ như vậy một ngày kể có trăm phen. Đêm thì buộc thuyền cạnh núi đá. Dò thử nước nông sâu thì thấy sâu hơn độ mười tầm. Núi bao-bọc kề bốn phía, thường không thấy gió; thuyền qua lại nhiều, khiến ta quên rằng mình đang đi trên bể.

      (Trích An-nam kí du của Phan Đình Khuê, có nhắc trong Tiểu Phương- Hồ trai, Dư địa tùng sao, tập 3, trang 115)


      Lúc mặt trời gần lặn thì như có một hoả-hoạn bùng lên, và cảnh-trí hỗn độn vĩ-đại kia trở thành một khung cảnh tuồng khổng lồ giàn ở tiên-giới, vào lúc cực thịnh trước khi đóng màn. Những cảnh-sắc để ấn-tượng sâu hơn là khi ngắm cảnh dưới bóng trăng trong, lúc những chim, sinh-vật độc-nhất ở đây, đã ngủ. Cảnh-tượng trở nên ma- thần mộng ảo khi con thuyền len-lỏi giữa những kiến-trúc thất-thực của các đảo: lâu đài phòng-ngự xây trên cồn đá lem-nhem, đại-từ-đường khổng-lồ, cột bia ngạo-nghễ nghiêng thân sắp đổ đè mình...

      J. Auvray, trong Guide Madrolle: Indochine du Nord, 1939, trang 54.


      Người ấy ném quả dò xuống nước cách thuyền vài thước. Trong đêm tối, nước còn [đang] như ngủ êm-đềm, bỗng bùng dậy, sáng loè. Trong vài giây, những tia sáng bắn tung trước mắt. Rồi ta ném thử vài lần gần cạnh. Trong hồi lâu, ta thấy như mưa lửa bắn tung. Sau khi rút hẳn quả dò nước dần dần êm trở lại, ta vẫn trông thấy trên mặt nước những chớp hiện khúc-khỉu, kéo dài trạng-thái lân-tinh...

      Ch. Patris, La baie d'Along et de Fai-tsi long: Impressions de croisière, trang 78.

      Rằng Vịnh Hạ-long là một thắng-cảnh lớn của Việt- Nam, thiết-tưởng không ai là không công-nhận. Nhưng hơn thế nữa, đó còn là một kỳ-quan của thế-giới mà những bài trích trên đây, một của người Trung hoa đời nhà Thanh và hai bài còn lại của các tác-giả người Pháp, chắc cũng đã tạm đủ để chứng minh là ta cũng không đến nỗi quá chủ-quan khi cho rằng đó là một bảo-vật thiên-nhiên của quê hương chúng ta.



          Hồ Xuân Hương Tác Phẩm,
          Nguyễn Ngọc Bích hiệu đính   (bìa trước, Kệ sách Học Xá)

      Nhưng cụ Hoàng Xuân Hãn, người đã thu thập và dịch mấy bài trên, cũng đã không sai khi cụ lấy làm lạ rằng đẹp là như thế, Vịnh Hạ-long cũng xuất hiện khá ít trong văn-học Việt-Nam - có lẽ vì nó không phải là một nơi kinh- kỳ đô-hội, một nơi có ý nghĩa chính-trị để con người ta đổ xô tới. Phải có một tâm-hồn đặc-biệt dễ thông-cảm với thiên- nhiên, với vũ-trụ thì mới lấy đó làm thơ. Theo sự nghiên cứu của cụ, trước Hồ Xuân Hương chỉ có hai người trong văn học Việt Nam * là có thơ về Vịnh Hạ-long, một là vua Lê Thánh- tông (1460-1497) và hai là chúa An-đô-vương Trịnh Cương (l709-1729).


      Vua Lê Thánh-tông "đem đại-quân ra duyệt trên sông Bạch-đằng" vào năm 1468, rồi có thơ chữ Hán cho khắc đá ở núi Truyền-đăng (tục gọi "Núi Bài thơ" có lẽ cũng vì lý-do đó) và một bài khác viết về "An-bang phong thổ." Ông cũng còn hai bài thơ Nôm, bài "Bạch-đằng-giang" và bài "Thầy tiêu" (tên một ngọn núi mà Đại-Nam nhất-thống- chí mô-tả là "cách huyện-lị Hoành-bồ 48 dặm (chừng 25 km) về phía Đông-nam. Ngoài bể, hàng bầy núi liền kề nhau, trong đó có một ngọn cao trên đỉnh có đá, trông xa hình giống thầy tăng. Vì vậy núi có tên ấy.").



          Hồ Xuân Hương Tác Phẩm
      (bìa sau, Kệ sách Học Xá)

      Cụ Hoàng Xuân Hãn còn ngờ là một bài thơ Nôm mang tên "[Núi] Chiếc đũa" trong Quỳnh-uyển cửu ca của vua Lê Thánh-tông cũng làm về ngọn núi cùng tên (Đại-nam nhât-thống-chí: "Gần [núi Thầy tiêu] có một núi hình tròn và thẳng như chiếc đũa, tục gọi là núi Chiếc đũa. Nó đứng một mình giữa bể. Người ta trông nó mà nhắm đường.") và một bài thơ chứ Hán, "Vân- đồn cảng-khẩu," chứng tỏ là vua cũng đã ra đến đảo Vân- đồn. Ngày mồng 7 tháng trọng-xuân năm Kỷ-dậu, niên-hiệu Bảo-thái, tương-đương với ngày 6-III-1729, chúa An-vương Trịnh Cương có "cuộc duyệt binh lớn ở cửa Bãi Triền" (theo Lê-sử tục-biên) trên sông Bạch-đằng, rồi cũng làm thơ (chữ Hán) cho khắc lên núi - hoạ bài thơ của vua Lê Thánh-tông. Song cả vua Lê lẫn chúa Trịnh chủ-yếu là những nhà chính- trị nên nói về cảnh thì ít, nói về sự thịnh-trị dưới bàn tay cai quản của họ thì nhiều, nên không cần trích ở đây trừ một hai câu:

      Hải thượng cao phong quần ngọc lập,

      Tinh la kỳ bố thuý tranh vanh.


              Thủ bút và chữ ký của soạn giả

      ..............

      Ba hướng sơn bình đê xứ dũng,

      Chu xuyên thạch bích khích trung hành.

      Bản dịch thành thơ lục bát của cụ Hoàng Xuân Hãn:

      Hòn cao trên bể lô nhô,

      Rải bày như thể con cờ nhuộm xanh.

      ..............

      Sóng xông núi chắn tung trời,

      Thuyền len vách đá, lách rời xuyên qua.

      Riêng bài thơ Nôm "Thầy tiêu" thì có thể chép lại cả bài vì có một tính-cách giỡn đùa rất đặc-biệt mà sau này có thể đã ảnh-hưởng đến thơ Hồ Xuân Hương (tất cả những chữ gạch dưới là tên các ngọn núi hay địa-danh ở Vịnh Hạ-long):


      Truyền rằng Cửa LựcThầy Tiêu

      Ngồi tựa Câu Loan nghe Mối kêu.

      Chuông kệch phó cho Thằng Nộm đóng,

      Đèn tàn để mặc Cái Dơi khêu.

      Phẳng da trời, sương lạt móc;

      Dò rốn bể, sóng in rêu.

      Dù ai mà hỏi bao nhiêu tuổi,

      Non nước bao nhiêu tuổi bấy nhiêu.


      Cụ Hoàng đã theo Đại-nam-nhất-thống-chí (bản Tự-đức) mà ghi lại thuỷ-trình đi từ Yên-quảng (tức Quảng-yên bây giờ) đến Bạch-long-vĩ như sau:

      Cửa HỮU Trấn-thành, 1812 tầm [một tầm là già 2 m] > Bến đò CHANH (có tuần, rộng 164 tầm), 1780 tầm > Bến đò LÁ (ở xã La-khê), 1800 tầm > Soi MÔI (có một chi đi tới tuần Phượng-hoàng thuộc huyện Hoa-phong rồi ra bể), 670 tầm > RÁI ĐÀN (nhiều đá chìm nổi 1ô-nhô ở cửa Hoàng-lô, hình như đàn rái cá), 570 tầm > Hang LUỒN (dưới núi có hang, thuyền có thể chui qua), 772 tầm > BÒ LỘI (có sở Tuần-châu), 2375 tầm > Cửa LỤC (rộng 153 tầm, có một chi đến Vân-đồn), 450 tầm > Núi BÀI THƠ (tức núi TRUYỀN-ĐĂNG. Bên sườn núi, cách mặt nước chừng 3 tầm, có mài đá và khắc hai bài thơ và tựa...), 1635 tầm > Giếng HÀM (nước ngọt uống được. Qua đây thấy cảnh núi bể sóng mù đẹp như tranh vẽ), 2125 tầm > Núi ĐẦU MỐI (dọc đường thấy núi đá dàn bày ngan- ngác, hình-thù thần diệu vô-cùng), 3925 tầm > AO HANH (vũng bể có đá bày la-liệt. Có ba hòn nổi tiếng. Một toà phần trên có đá hình giống người con gái, được đặt tên là Bà Lạnh, hay bà Thanh-Lạnh. Một toà hình tròn như chiếc đũa, được gọi là Chiếc Đũa. Một toà có đá hình giống thầy tăng, cho nên gọi núi là Thầy Tiêu. Vua Lê Thánh-tông đã có thơ vịnh...), 7506 tầm > CẨM-PHẢ (có phân-đồn. Trên đường tới đấy, trông thấy núi Vân-đồn.).

      Với bối-cảnh như vậy, ta sẽ hiểu rõ hơn năm bài thơ vịnh cảnh sau đây của Hồ Xuân Hương. Lai-lịch khám phá ra năm bài thơ này được cụ Hãn kể lại như sau:

      "Vào năm 1952, tôi đã giúp làm những đề-yếu các sách Hán-Nôm của thư-khố quốc-lập Pháp. Tôi đã để ý đến một tập sách chép tay, nhan đề Đại-nam dư-địa-chí ước-biên, không tên tác- giả. Đó là một loại tóm-tắt tập Đại-Nam nhất-thống-chí. Sách chia làm bốn quyển. Mục cuối về tỉnh Quảng-yên. Cuối có phụ sáu bài thơ Hán-văn luật Đường và có ghi tên tác giả là HỒ XUÂN-HƯƠNG... Sự sửng-sốt và cảm-động của tôi không cần phải tả. Đọc qua bài đầu đã thấy là thơ đề vịnh cảnh-trí Hạ-long. Chép vào sau mục Quảng-yên thì là đúng chỗ, chứ không phải thơ ngoài lạc vào đấy. Lại nhớ đến chuyện xưa Xuân-Hương từng đã ở Quảng-yên, tôi chắc bụng rằng các thơ nầy quả thật nữ-sĩ làm ra, chứ không phải người sau giả gán. Tìm thấy thơ chân-thật của Xuân-Hương, dẫu là thơ bằng Hán-văn, sẽ có thể cho ta biết đích-xác một vài khía-cạnh phong-thái và thân-thế nữ-sĩ."

      Như vậy là ngoài Lưu Hương Ký ra, Hồ Xuân Hương còn có thơ chữ Hán chép ở chỗ khác nữa. Sau khi cụ Hãn xét cả sáu bài thơ trên, cụ thấy "bài cuối không liên-hé đến vịnh Hạ-long và là tác-phẩm của người khác" nên cụ loại ra. Năm bài còn lại, cụ có đích-thân dịch sang thơ Đường Việt-Nam.


      Về mặt địa-lý, sang đầu nhà Nguyễn trấn Yên-quảng có lẽ cũng như thừa-tuyên cùng tên thời Lê Trung-hưng gồm có một phủ, Hải-đông, trong đó có bốn huyện, ba châu: huyện Hoành-bồ, huyện Yên-hưng, huyện Hoa-phong, huyện Tân-bình, châu Vạn-ninh, châu Vân-đồn và châu Vĩnh- an/yên. Đây là theo Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú (l782-l840), một người trẻ hơn nhưng vẫn có thể được xem là đồng-thời với Hồ Xuân Hương, nên hơi khác sự mô-tả của cụ Hoàng Xuân Hãn khi cụ cho là "đời Gia-long, trấn [Yên-quảng] chia làm 3 huyện: phía nam là Yên-hưng, Hoành-bồ và Hoa-phong..., với 3 châu (dân Kinh và Thượng tạp-cư) phía bắc là Vân đồn (nay là Vân-hải), Tiên-yên [chứ không phải Vĩnh-yên.- NNB chú], Vạn-ninh (nay là Hà-cối và Móng-cáy)." Vẫn theo Phan Huy Chú thì "phủ Hải đông quay lưng vào núi, trước mặt trông ra tới biển, thế đất rộng rãi. Cách con sông lớn là châu Vạn-ninh, lại cách sông là châu Vân-đồn... Cửa sông Bạch-đằng liên tiếp với trấn Hải- dương, sóng nước lưng lời, từng lượt núi đứng sững, cảnh trí rất rộng thoáng. Ba huyện Hoa-phong, Yên-hưng và Hoành- bồ chia ở hai bên tả hữu sông này." (Theo "Dư địa chí," bản dịch của Tổ phiên dịch Viện sử học Việt Nam, Hà-nội: Nhà xb Khoa học xã hội, 1992, trang l37-138)


      Sự mô-tả của cụ Hoàng Xuân Hãn thì có con mắt du-khách hơn:

      "Đặc-biệt là huyện Hoa-phong gồm các đảo trên vịnh HẠ-LONG ngày nay, từ vĩ-tuyến Cẩm-phả về Nam. Còn các đảo về Bắc, như những quần-đảo Vân-đồn, Cẩu-đầu thì thuộc châu Vân-đồn. Trong hai địa-hạt ấy, có vô-số núi lèn dựng trên mặt nước, bờ dựng lên cao, chân bị sóng xoi mòn sâu hoắm, thành những hành-lang kín mái nấp chung quanh núi. Đỉnh núi đá gồ-ghề, nhấp-nhô, bày ra đủ mọi hình-dáng: nào lâu-đài, nào thầy tăng, nào dũng-sĩ, nào con cóc, nào con mèo, nào con thuyền, nào chiếc đũa. Nhiều núi mang hang, động, đường hầm, vũng nước. Đảo tuy riêng rẽ nhưng số rất lớn đến đỗi trông xa tưởng liền thành rặng núi chắn ngang. Nếu trời mưa phùn hay hơi mù, thì đảo càng xa trông càng mờ, khiến các đảo lại thành riêng rẽ ra nhiều từng lớp. Nếu lại thêm bóng xế mặt trời chiếu xuống thì cảnh- tượng lại càng tuyệt-mục. Ban ngày khi trời nắng, sắc nước rất xanh, trông xa lẫn với sắc trời. Ban tối, dưới bóng trăng bạc, thì sắc trời, ánh nước mờ nhạt sau bóng đá đen. Dưới mái chèo vẩy nước thì lại hiện ra cảnh-tượng lân-tinh từ nước toé như sao băng. Ai đã từng qua trên vũng nước này thì không khỏi chịu một ấn-tượng lạ-kì sâu-sắc."

      (*) Đây là theo nhận xét của cụ Hoàng Xuân Hãn chứ thật ra, trước thời Lê Thánh-tông, chúng ta đã thấy vua Trần Thánh-tông (1240- l290) có thơ "Hạnh Yên-bang phủ" (Đi chơi phủ Yên-bang/An- bang) nói đến "minh nguyệt loan" ("vịnh trăng soi," tức Vịnh Hạ- long vào một đêm trăng) và vua Trần Minh-tông (1288-1356) có thơ "Bạch-đằng-giang" cũng vịnh về khu-vực này.


      1. Độ Hoa-Phong


            Độ Hoa Phong (Hồ Xuân Hương) (*)

      ("Qua vũng Hoa-phong")


      Phiến phàm vô cấp độ Hoa-phong,

      Tiễu bích đan nhai xuất thủy trung.

      Thuỷ thế mỗi tuỳ sơn diện chuyển,

      Sơn hình tà kháo thuỷ môn thông.

      Ngư long tạp xử thu yên bạc,

      Âu lộ tề phi nhật chiếu hồng.

      Ngọc động vân phòng tam bách lục,

      Bắt tri thuỳ thị Thuỷ-tinh cung?


      Dịch thơ:


      Lá buồm thủng thỉnh vượt Hoa-phong,

      Đá dựng bờ son mọc giữa dòng.

      Dáng nước lần theo chân núi chuyển,

      Mình lèn nghiêng để lối duềnh thông.

      Cá rồng lẩn nấp hơi thu nhạt,

      Âu lộ cùng bay bóng xế hồng.

      Băm sáu phòng mây cùng động ngọc:

      Đâu nào là cái Thuỷ-tinh cung?

      (Hoàng Xuân Hãn dịch)


      Chú thích:


      Đề bài: Vũng Hoa-phong nghĩa là "vịnh Hạ-long" do lấy tên huyện xưa mà đặt ra, sau đổi làm Nghiêu-phong (vào năm 1847 đời Thiệu-trị). Huyện này chủ-yếu gồm các đảo.

      Câu 2 - tiễu-bích: núi cao chót vót, chơm chởm (theo Hán-việt tự- điển của Thiều Chửu).

      Câu 3: Cụ Hoàng Xuân Hãn cho rằng "vế này ý là: mặt nước thấy hoặc âm u nơi gần chân núi, hoặc lai-láng nơi giữa lạch, hoặc mờ mịt nơi núi xa." Song đó là một cách nhìn tĩnh, từ một góc độ người quan-sát không di-chuyển. Nếu ta cho rằng con thuyền đang trôi, nghĩa là nhìn từ quan-điểm của người ngồi trong thuyền thì câu này rất dễ hiểu: thuyền đi đến đâu thì phản ánh một dáng hình núi mới đến đó.

      Câu 4 - lèn: "dãy núi đá sừng sững và chạy dài như bức thành" (Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên, Hà-nội: Nhà xb Khoa học xã hội, in lần thứ 3, 1991).

      Câu 5 - cá rồng: trỏ chung các loài sống dưới nước. Riêng đây thì tục-truyền xưa có rồng xuống, cho nên được đặt tên là Hạ-long (tương-phản với Thăng-long, tức Rồng Lên, tên đầu tiên của Hà- nội). Theo cụ Hãn, "trong cận-thời, các thuỷ-thủ, kể cả [trong] thuỷ-quân Pháp, mách rằng đã từng thấy con 'rắn bể' nổi lên uốn khúc lòi lên trên mặt nước, dài trên ba mươi mét."

      Câu 6 - âu: loài chim nước đầu giống bồ-câu, chân giống vịt, sống chung quanh vũng nước lớn, thường nằm im nổi trên mặt nước. Pháp-ngữ: mouette, Anh-ngữ: seagull.

      Câu 7, bản Minh Phúc chép là tam bách lục trong khi bản dịch Hoàng Xuân Hãn lại dịch là "băm sáu." Cụ Hoàng giải thích như sau: "Xưa tin rằng người ta có thể tu-luyện thành không chết, gọi là Tiên, ở những nơi hẻo lánh trên núi, bể xa, trong hang động, thường mây phủ. Văn-bản chép số 306 ['tam bách lục'], nhưng trong các văn thơ [xưa] thường chỉ nói 'ba mươi sáu động Tiên.' Hoặc tác-giả cố-ý muốn trỏ số rất nhiều."

      Câu 8 - Thuỷ-tinh-cung: cung-điện mà người xưa nghĩ là nơi cư-trú của Tiên ở ngoài bể.


      2. TRẠO-CA THANH


            Trạo Ca Thanh (Hồ Xuân Hương) (*)

      ("Tiếng hát chèo thuyền")


      Linh lung tứ bích liệt vân bình,

      Ngọc duẩn sâm si thuỷ diện bình.

      Tiệm giác Đào-nguyên sơn tác hộ,

      Chỉ tùng Ngư-phố thạch đồn binh.

      Tận giao Tạ khách du nan biến,

      Già mạc Vân Lâm hoạ bất thành.

      Dao vọng thuỷ cùng sơn tận xứ,

      Hốt nhiên xung xuất trạo ca thanh.


      Dịch thơ:


      Long lanh bốn phía rủ màn mây,

      Nước phẳng lô nhô măng mọc dầy.

      Mới biết Nguồn Đào ngăn cửa đá,

      Nào ngờ Bến Cá có đồn xây.

      Mặc cho họ Tạ xem đâu hết,

      Dẫu có chàng Lâm vẽ chẳng tầy.

      Xa ngóng chân trời non lẫn nước,

      Bỗng nghe chèo hát trỗi đâu đây.

      (Hoàng Xuân Hãn dịch)


      Chú thích:


      Câu 2 - măng ngọc: nghĩa gốc là những cây măng tre non, trắng. Ở đây dùng để ví vật gì quý hay đẹp mà hình cao và nhọn đầu.

      Câu 3 - Đào-nguyên: văn-từ trỏ cõi tiên, nghĩa là thế-giới của những người bất-tử, nơi người ta tưởng-tượng là rất an-nhàn, sung sướng. Điển có trong Trung-văn từ rất xưa. Đời Tấn, Đào Tiềm (376-427) viết "Đào-hoa-nguyên ký" kể chuyện người đánh cá chèo thuyền ngược dòng nước trong rừng đào ở đất Vũ lăng, qua một cửa động đến một vùng có dân-cư, sinh từ đời Tần (cách đó đã 600 năm), vào đấy tỵ nạn. Sau người chài muốn trở lại nhưng đã lạc lối, không tìm ra đường vào.

      Câu 4 - thạch-đồn-binh: lính đóng đồn bằng đá, ý nói làng chài ("ngư-phố") mà lại thấy lính đứng canh bằng đá, trỏ mấy núi dựng, còn gọi là núi lèn.

      Câu 5-6: Chú trong nguyên-bản Nôm: Tạ Linh Liên hiếu du sơn thuỷ, Ngọc Vân Lâm hiếu hoạ sơn thuỷ, có nghĩa là: Tạ Linh Liên thích đi chơi đây đó xem non nước, Ngọc Vân Lâm thích vẽ cảnh non nước. Hai người này có lẽ là bạn của Hồ Xuân Hương.


      3. NHÃN PHÓNG THANH


        Nhãn Phóng Thanh (Hồ Xuân Hương) (*)

      ("Mắt toả màu xanh")


      Vi mang loa đại tháp thương minh,

      Đáo thử tu giao nhãn phóng thanh.

      Bạch thủy ma thành thiên nhẫn kiếm,

      Hàn đàm phi lạc nhất thiên tinh.

      Quái hình vị dĩ tiêu tam giáp,

      Thần lực hề dung tạc Ngũ Đinh.

      Phảng phất vân đồi đầu ám điểm,

      Cao tăng ưng hữu toạ đàm kinh.


      Dịch thơ:


      Bể xanh lấp loáng tận trời xa,

      Đây ngỡ màu xanh mắt toả ra.

      Nước bạc mài nên nghìn mũi kiếm,

      Đầm im rơi xuống một sao sa.

      Quái-hình chưa dễ đề khoa-bảng,

      Thần-lực đâu đà tạc tượng ma.

      Phảng phất mây rà đầu xẩm tối,

      Cao-tăng đang tụng chốn chiền già.

      (Hoàng Xuân Hãn dịch)


      Chú thích:


      Câu 1 - loa-đại: một thứ bột màu lam xưa dùng để chế thứ mực xanh vẽ lông mày ("turquoise" trong tiếng Anh). Tác-giả cố-ý dùng chữ "loa" vì nghĩa nó là "ốc."

      câu 2: Ý vế này, theo cụ Hãn, là "đến đây, nhìn đâu cũng thấy mầu xanh, mình có cảm-tưởng chính mắt mình phát [ra] mầu xanh, chứ không phải vật ngoài có mầu ấy." Do vậy đề bài mới là "nhãn phóng thanh."

      Câu 3 - bạch-thuỷ: "nước trắng" trỏ bể thường có sóng bạc, sóng vỗ vào chân lèn làm hỏm chân chứ không mài nhọn đá.

      Câu 4 - nhất thiên tinh: một trời sao. Theo cụ Hãn, nếu là "tả cảnh ban ngày thì phải hiểu là mặt nước long-lanh phản-xạ tia sáng tung-toé lên như có sao sa; nếu nghĩ rằng nó tả cảnh ban đêm thì có lẽ muốn nói sắc lân-tinh lập-loè trên mặt nước."

      Câu 5 - tam giáp: trỏ ba bậc đậu thi đình đời xưa. Nhất-giáp có ba nấc: Trạng-nguyên, Bảng nhãn, và Thám-hoa; Nhị-giáp tức là Hoàng-giáp; Tam-giáp tức là Tiến-sĩ.

      Câu 6 - Ngũ Đinh: tên một anh lực-sĩ trong thần-thoại. Tương- truyền đời xưa vua Tần hiến cho vua Thục một cô gái đẹp. Vua Thục sai lực-sĩ Ngũ Đinh đi đón. Trên đường thấy một con rắn lớn bò vào hang đá. Ngũ Đinh đuổi theo, bị đá sập đè chết. Sau hoá đá ra thành tượng khổng-lồ. Tác-giả mượn hai việc liên quan đến tảng đá và tượng đá để ngụ ý nói đến những hình-thù vĩ-đại, kỳ- dị, hùng-tráng của các đảo lèn, nhất là khi trời gần tối.


      4. THUỶ VÂN HƯƠNG


          Thủy Vân Hương (Hồ Xuân Hương) (*)

      ("Về chốn nước mây")


      Vân căn thạch đậu tự phong phòng,

      Mãn mục sơn quang tiếp thuỷ quang.

      Thiệp hải tạc sơn si Lý Bột,

      Phụ chu tàng hác bái Nguyên-chương.

      Loa ngân tịch tể lân tuân xuất,

      Vụ ảnh triêu mê thứ đệ tàng.

      Mạn thuyết ngư nhân chu nhất diệp,

      Sổ trùng môn hộ Thuỷ Vân hương.


      Dịch thơ:


      Chân mây lỗ đá tựa phòng ong,

      Chốn chốn len chong ánh nước lồng.

      Vượt bể đục non cười Lý Bột,

      Đội thuyền giấu động phục Nguyên-ông.

      Chiều êm sóng gợn lăn tăn nổi,

      Sáng toả mù tan lớp lớp trong.

      Vui chuyện kìa ai thuyền một lá,

      Cửa lèn len lỏi kiếm non bồng.

      (Hoàng Xuân Hãn dịch)


      Chú thích:


      Câu 3 - vượt để đục non: trỏ sự làm khó nhọc mà vô ích. Sách Nam Hoa kinh (thiên Ứng đế vương) có "Thiệp hải tạc hà," nghĩa là "vượt bể đào sông," hay đào sông dưới bể, một chuyện làm vô lý. Đây tác-giả chỉ muốn mượn một phần ý trên để ám-chỉ những hang, động, lối thông đục thiên-nhiên trên nhiều đảo.

      Vẫn câu 3 - Lý Bột: người đời Đường (607-936) nổi tiếng học rộng biết nhiều, quê ở Lạc-dương, tự là Tuấn-chi, có lúc vào ở trên núi Thiếu-thất.

      Câu 4 - đội thuyền giấu động: nguyên trong Nam Hoa kinh có câu "phụ chu tàng hác," đội thuyền giấu trong hang núi (thiên 6, Đại Tông Sư), tưởng thế đã là chắc, ngờ đâu khi ngủ có kẻ vào lấy trộm mất mà không biết. Theo cụ Hãn, trong thi văn xưa, ý giấu thuyền trong hang núi là ngụ ý đi ở ẩn. Có lẽ tác-giả định dùng theo ý này.

      Vẫn câu 4 - Nguyên-chương: tên hiệu của Mễ Phế (l051-ll07), một hoạ-sĩ thời-danh của Trung-hoa sống vào đời Bắc-tống. Người đất Hoài-dương ở tỉnh Giang-tô, ông thuộc một gia-đình vọng-tộc nhưng không thành công trên đường hoạn-lộ. Trái lại, trong lãnh-vực hội-hoạ, ông đặc-biệt nổi tiếng về thư-hoạ và tranh sơn thuỷ. Ông cũng còn làm thơ, phê-bình nghệ-thuật và viết về thẩm mỹ.

      Câu 5 - loa-ngân: dấu ốc, hoặc trỏ tăm của các loài thuỷ-tộc nổi lên thành sóng nhỏ, hoặc trỏ sóng nhỏ hình tròn trên nước lặng.

      Câu 8 - Thuỷ vân hương: nghĩa đen là "làng nước mây," tức xứ ở trên nước, giữa mây. Cũng là văn-từ trỏ chốn Tiên.


      5. Hải Ốc Trù


            Hải Ốc Trù (Hồ Xuân Hương) (*)

      ("Ngóng đỉnh toan-ngoan")


      Lan nhiêu tuỳ ý dạng trung lưu,

      Cảnh tỷ sơn dương cánh giác u.

      Sinh diện độc khai vân lộ cốt,

      Đoạn ngao tranh kỵ khách hồi đầu.

      Bằng Di điệp tác kình thiên trụ,

      Long-nữ thiêm vi hải ốc trù.

      Đại để Thuỷ-hoàng tiên vị cập,

      Cố lưu Nam-điện củng kim âu.


      Dịch thơ:


      Giữa duềnh thủng thẳng phẩy chèo lan,

      Sát núi càng hay cảnh lặng nhàn.

      Mây cuốn bày ra lèn cứng cỏi,

      Núi cao ngửng ngóng đỉnh toan-ngoan.

      Bằng Di chống cột e trời đổ,

      Long-nữ thêm nêu sợ bể tràn.

      Dấu ngựa Thuỷ-hoàng chưa đến đó,

      Trời dành để giữ đất người Nam.

      (Hoàng Xuân Hãn dịch)


      Chú thích:


      Câu 1 - lan nhiêu: chèo lan là chèo nhẹ. Văn-từ quen dùng.

      Câu 4 - đoạn ngao: nghĩa đen là đẵn con rùa lớn để lấy chân làm cột chống trời. Thần-thoại Trung-quốc kể rằng ban đầu vòm trời bị sụp, bà Nữ-Oa đẵn chân con rùa rất lớn để làm cột chống trời. Đây trỏ các hòn đảo tròn và cao như cột đá, tỷ như hòn Chiếc Đũa.

      Câu 5 - Bằng Di: tên một thuỷ-thần đề xuất trong Nam Hoa kinh..

      Câu 6 - Long-nữ: tên chung thần đàn bà quản-trị thuỷ tộc ở ngoài biển.

      Câu 7 - Thuỷ-hoàng: Vua Tần sau khi thống nhất Trung-quốc, đã đi quan-sát nhiều nơi. Về phương nam, mới đi đến vùng Cối-kê (Chiết-giang ngày nay) thì mất. Ý câu thơ là đến như Tần Thuỷ- hoàng-đế, vị vua lớn nhất của Trung-quốc, cũng không tới được ở đây vì trời dành riêng cảnh này cho người Nam (câu 8).

      Câu 8: Câu thơ này cùng ý với câu 7 trong kết của bài thơ "Núi Chiếc Đũa" của Lê Thánh-tông (1460-1497) trong Quỳnh-uyển cửu ca, "Trời còn dành để An-nam mượn." Điều này chứng tỏ Hồ Xuân Hương thuộc khá nhiều thơ cổ, rõ ràng là người có học và rất ý-thức truyền-thống văn-học nước nhà.


      Nguyễn Ngọc Bích

      Nguồn: Hồ Xuân Hương Tác Phẩm
      Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ, 2000

      (*) Học Xá trích từ "La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, Tập III", trong bài "Hồ Xuân Hương với Vịnh Hạ Long"


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Năm Bài Thơ Đề Vịnh Hạ Long Nguyễn Ngọc Bích Biên Khảo

      - Vì Người Ta Cần Ánh Mặt Trời (Nguyễn Đắc Kiên) Nguyễn Ngọc Bích Thơ

      - Thương Tiếc Anh Nguyễn Chí Thiện Nguyễn Ngọc Bích Tạp bút

      - Lời "TỰA" tập truyện Hỏa Lò của Nguyễn Chí Thiện Nguyễn Ngọc Bích Tạp bút

    3. Thơ và bài viết về Thơ (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

        Thơ và Bài viết về Thơ:

        Cùng Mục (Link)

      Ngôn ngữ thơ là cái quái gì vậy? (Lê Hữu)

      Trường Ca Việt Nam (Thiếu Khanh)

      Chiều Trên Phá Tam Giang (Tô Thùy Yên)

      Ba Dòng Thơ Tiêu Biểu Phương Đông: Thơ Thiền Việt Nam, Đường Thi Trung Hoa Và Haiku Của Nhật (Thái Tú Hạp)

      Vài lời Cần Nói Về Ngày 30 Tháng 4 (Bùi Chí Vinh)

       
      Ad-33 (Học Xá) Ad-33 - Google - QC4 (Học Xá)

       

        Thơ Dịch:

       (Vietnamese Poetry translated into English)

       

      Đàm Trung Pháp & Viên Linh dịch và chú giải:

       

      Vịnh Hai bà Trưng (Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập)

      Ăn Cỗ Đầu Người (Nguyễn Biểu)

      Đoạt Sáo Chương Dương Độ (Trần Quang Khải)

      Nam Quốc Sơn Hà (Lý Thường Kiệt)

      ......

      Huỳnh Sanh Thông dịch:

       

      Thăng Long (Nguyễn Du)

      Vọng Phu Thạch (Nguyễn Du)

      Hồ Hoàn Kiếm (Vô Danh)

      Thăng Long Thành Hoài Cổ

       (Bà Huyện Thanh Quan)

      ......

      Lê Đình Nhất-Lang & Nguyễn Tiến Văn dịch:

       

      Cùng khổ (Bùi Chát)

      Hoa sữa (Bùi Chát)

      Bài thơ một vần (Bùi Chát)

      ......

      Các tác giả khác dịch:

       

      Tôi đã cố bám lấy đất nước tôi (Nguyễn Đình Toàn) (Do Dinh Tuan dịch)

      Bữa Tiệc Hòa Bình (Nguyễn Thị Thanh Bình) (Nguyễn Ngọc Bích dịch)

      Từ Một Cuốn Rún (Nguyễn Thị Thanh Bình) (Đinh Từ Bích Thúy dịch)

      ......

        Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

        Thơ Cổ:

        Cùng Mục & Chỉ Số (Link)

      Sau đúng 60 năm, đọc lại bài thơ trừ tịch của Đặng Đức Siêu và Đông Hồ (Trần Từ Mai )

      Mùa Thu Trong Đường Thi (Lê Đình Thông)

      Những Vần Thơ Xuân Của Vua Trần Nhân Tông (Tạ Quốc Tuấn)

      Về một bài thơ dạy học vào mùa xuân của Trần Quý Cáp (Ngô Thời Đôn)

      Cảnh Đẹp Thành Thăng Long Thời Tây Sơn Qua Thi Ca Đoàn Nguyễn Tuấn (Phạm Trọng Chánh)


      Ngày Xuân Đọc "Đào Hoa Thi" của Nguyễn Trãi (Trần Uyên Thi)

      Thơ Lý Bạch (Đàm Trung Pháp)

       

       

        Thơ Tuyển:

        Cùng Mục & Chỉ Số (Link)

      Trường Ca Việt Nam (Thiếu Khanh)

      Chiều Trên Phá Tam Giang (Tô Thùy Yên)

      Vài lời Cần Nói Về Ngày 30 Tháng 4 (Bùi Chí Vinh)

      Điếu thi: Thủ̉y Mộ Quan (Viên Linh)

      Lời Cầu Nguyện Của Rừng (Bùi Bá)


      Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

        Trang Thơ các Tác Giả:

       

      Cùng Chỉ Số - Lưu Trữ (Link) Chu Ngạn Thư   Chu Trầm Nguyên Minh   Hồ Minh Dũng   Hoàng Anh Tuấn   Hoàng Hương Trang   Lê Hữu Nghĩa   Lê Phương Nguyên   Lê Văn Trung   Mai Trung Tĩnh   Minh Đức Hoài Trinh  

       

        DANH NGÔN (Proverbs)

       

         • Chí Khí

         • Xử Thế

       

        TỤC NGỮ (Proverbs)

       

      Tre già măng mọc

      Đục nước béo cò

      Trúc dẫu cháy đốt ngay vẫn thẳng

      Gà một mẹ đá nhau

       

        ĐỐ VUI (Puzzles)

        Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)