|
Trầm Kha(..1948 - 19.1.1974) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Học Xá: Để kỷ niệm chiến thắng Đống Đa, Mồng Năm tháng Giêng năm Kỷ Dậu (1789); Học Xá xin trích bài "Trận Đống Đa" của Phù Lang Trương Bá Phát trong Tập San Sử Địa 13 (1969) từ trang 50 đến trang 54.
....
Nửa đêm mồng ba tháng Giêng, quân Quang Trung vây kín làng Hạ Hồi [Hạ chớ không phải Hà] bắt loa hô to lên, rồi quân đáp lại dạ vang rền. Quân Thanh đóng đồn ở đó hoảng hốt, không biết đông hay ít, lật đật xin đầu hàng. Lương thực, khí giới đều về tay Quang Trung. (Hoàng Lê Nhất Thống Chí, tr.257, dòng 12 tới 17).
Dưới đây thuật theo Tuần báo Tri Tân.
Mồng 4 tháng Giêng năm Kỷ Dậu, đạo du binh (có phải là du kích?) của vua Quang Trung tiến lên trước, đánh đâu thua đấy, cho nên Tôn Sĩ Nghị càng coi thường.
Ngày hôm sau, vào lúc trống canh năm, vua Quang Trung khởi binh, tự tay cầm quân cho hơn 100 voi đi trước. Mờ mờ sáng, quân Tàu đuổi, tinh kị tiến trước, chợt thấy voi, ngựa sợ hãi mà chạy, vấp ngả và xéo lẫn nhau. Vua Quang Trung cho voi đuổi theo quân địch chạy vào lũy, súng bắn như mưa, tên sắt tứ phía. Tây Sơn lại đốt những bó rơm to đi trước, quân sau kế tiếp, hết sức đánh Tàu. Các lũy chạy tan. Tây Sơn đuổi theo đến đồn Nam Đồng gần Hà Nội, thừa thắng đánh úp, quân Tàu chết hại quá nửa. Thế Hanh và Tiền phong Trương Triều Long, tả dục là Thượng Duy Thăng đều chết trận. Sầm Nghi Đống đóng đồn ở Loa Sơn (tục gọi là Đống Đa) vì không có quân cứu, tự thắt cổ chết [ngày nay Đống Đa ở ấp Thái Hà gần Hà Nội, gần chùa Đồng Quang].
Lúc ấy Tôn Sĩ Nghị đóng ở bờ sông Nhị Hà nghe thấy Tây Sơn gần đến Thăng Long, nhảy qua lũy sang sông để chạy thì bè vỡ, lính chết đuối không biết bao nhiêu mà kể. Thế là trận Đống Đa kết liễu.
Tri Tân thuật lại sơ lược và có mình vua Quang Trung làm chủ động trong trận này, còn các tướng như Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân, Hàm Hổ Hầu chìm mất.
Xin quí bạn nhớ Tri Tân nói ngày mồng 5, đồn Ngọc Hồi mới mất và Quang Trung vào Thăng Long ngày đó.
Hoàng Lê Nhất Thống Chí, tr.262 dòng 6, 7, thuật lại với ngày giờ không hiệp lẽ. Tác giả tính đêm trước ngày, như "Nghị ở Thăng Long chạy đi đêm mồng năm tháng giêng, đến trưa hôm ấy, Quang Trung kéo quân vào thành".
Tác giả lại nói "mờ sáng ngày mồng năm xông thẳng vào đồn Ngọc Hồi". (Hoàng Lê Nhất Thống Chí, tr.257 dòng 24, 25).
Thành thử ban ngày mồng ba và ngày mồng bốn quân Quang Trung đã làm gì? Nếu không đánh tới nữa, để quân Thanh tăng cường thì khó tấn công vào Thăng Long.
Dầu ngày giờ có lầm, tôi cũng chép ra đây vì trong sách này thuật có khoa học, tỉ mỉ về sự việc đã xảy ra trong trận Đống Đa hơn tạp chí Tri Tân.
Vua Quang Trung truyền lấy sáu chục tấm ván, ghép liền ba tấm làm một bức, tất cả là hai chục bức, dùng rơm xấp nước bện vào rồi kén hạng lính khỏe tợn, giao cho mười người phái khiêng một bức, mỗi người đều vác một thanh đoản đao, mỗi bức lại cho hai chục người nữa cầm các binh khí đi theo. Toán quân này dàn hàng chữ "nhất" tiến thẳng lên trước, vua Quang Trung cưỡi voi đi đốc thúc, mờ sáng ngày mồng năm xông thẳng vào đồn Ngọc Hồi.
Quân Thanh trong đồn chĩa súng bắn ra, chẳng trúng một người nào hết. Nhân có gió Bắc vừa thổi, chúng bèn dóng nhiều hỏa đồng bắn tên lửa ra. Lửa cháy khói bốc mịt mù, cách nhau gang tấc không trông thấy gì. Bản ý quân Thanh muốn làm quân Nam rối loạn, chẳng ngờ chỉ trông giây lát, trời bỗng quay sang gió Nam, ngọn lửa tạt lại thành ra quân Thanh tự đốt mình.
Vua Quang Trung tức thì sai đội khiêng ván chạy kịp vào trận, khi giáp lá cà, thì quăng tấm ván xuống đất và dùng đoàn đao chém bừa, rồi thì những người có cầm binh khí đi sau nhất tề nhảy xổ lên đánh.
Quân Thanh/không thể địch nổi, luống cuống chạy trốn, dày xéo lên nhau mà chết.
Thái thú Điền Châu là Sầm Nghi Đống trấn thủ đồn ấy [tức là Ngọc Hồi] phải thắt cổ chết. Quân Nam thừa thế đánh tràn, giết được quân Thanh thây nằm khắp đồng, máu chảy thành suối [?]. Những kẻ sống sót, tất cả tìm đường chạy về.
Trước đó vua Quang Trung có sai một toán quân theo đê Yên Ninh (11) kéo lên mở cờ đánh trống để làm nghi binh đằng đông.
Khi ấy quân Thanh chạy qua, thấy có cờ trống thì đều hoảng sợ, bèn tìm lối tắt theo đường Vịnh Kiều đi lên. Thình lình lại thấy đạo tượng binh ở làng Đại Áng kéo sang, chúng đều không còn hồn vía, chạy cả về xứ Đầm Mực trong làng Quỳnh Đô, quân Nam thúc voi đuổi theo, dầy chết kể hàng vạn người.
Hôm ấy Đô Đốc Long vâng mệnh vua Quang Trung đem toán hữu quân lên huyện Thanh Trì đã đi đến làng Nhân Mục (12). Khi vua Quang Trung đánh toán quân Thanh ở làng Ngọc Hồi, thì từ sáng sớm, Long đã đánh vào đội quân của Thái Thú Chấn Châu ở trại Quảng Đức Khương Thượng. Quân Thanh thua chạy, Long bèn tiến quân vào thành Thăng Long - Hoàng Lê Nhất Thống Chí, tr.257, 258.
Tàn quân ở làng Ngọc Hồi chạy về báo cáo cho Tôn Sĩ Nghị hay tất cả tình hình bại binh ở làng ấy.
Sĩ Nghị luống cuống cả sợ, tức khắc sai viên lãnh binh Quảng Tây là Dương Hùng Nghiệp đốc viên hàng tướng Tây Sơn là Phan Khải Đức [tướng này đều ở Lạng Sơn] đem các nghĩa binh đến cứu. Lại sai 20 kỵ sĩ bộ hạ cùng với Nghiệp, và dặn dò rằng: Trong khoảng giờ khắc phải có tin về báo luôn".
Làm Đô Đốc tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây, Sĩ Nghị phải là một viên tướng tài ba hơn người, biết cả thế công lẫn thế thủ, đầu này Sĩ Nghị chỉ là một viên tướng tầm thường. Sĩ Nghị chỉ lo một mặt Ngọc Hồi thôi, nào ngờ Tây Sơn lại tấn công vào hướng khác. Thế mới là nguy cho quân nhà Mãn Thanh.
Đêm ấy, vào khoảng canh tư [đêm mồng 4], chợt nghe phía Tây Bắc thành, tiếng súng nổi lên đùng đùng. Nghị vội cưỡi ngựa ra coi. Thấy báo đồn quân Chân Châu đã vỡ, quân Tây Sơn đã kéo vào đến cửa ô, chém giết bừa bãi, ánh lửa bốc lên rục trời, thì Nghị không còn hồn vía nào nữa.
Ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc giáp, Nghị tự đem toán lính kỵ dưới trướng cắm cổ chạy xuống cầu phao, rồi trốn sang Bắc.
Quân sĩ các dinh nghe tin, hết thảy kinh khiếp, nhốn nháo cùng chạy, tranh nhau qua cầu sang, người nọ xô đẩy người kia, chết ở trên cạn đã nhiều. Giây lát cầu gãy, hàng mấy vạn người lăn cả xuống nước, nước sông không chảy được nữa.
Vua Chiêu Thống đương ở trong điện, tiếp được tin báo, ngài khiếp cùng bọn Lê Quýnh, Trịnh Hiến rước Thái hậu chạy. - Hoàng Lê Nhất Thống chí, tr.259, hàng 1 tới 12.
Thế là Nghị đã chạy trước trong đêm mồng 4, ba ngày sau Quang Trung mới vào Thăng Long.
"Khi Tôn Sĩ Nghị chạy trốn lên Bắc, trong lúc gấp vội không kịp thu thập đồ đạc. Đến khi tới huyện Phượng Nhỡn lại nghe tướng Tây Sơn là Đắc Lộc Hầu ở nẻo Đông đạo kéo lên chặn đường; Nghị lại bị một phen khủng khiếp, các vật mang theo đều phải vất bừa giữa đường, chỉ trốn chạy thoát thân. Những món của vua Thanh ban cho, như sắc thư cờ bài ấn quấn đều bị quân Tây Sơn bắt được mang về." - Hoàng Lê Nhất Thống chí, tr.261, dòng 1 đến 6.
Đạo quân lựa lính Vân Nam và Quí Châu do Đề Tổng Ô Đại Kinh điều khiển, đóng ở Sơn Tây, cũng tự tháo lui về y ngả cũ.
Trận Đống Đa kết thúc vậy.
Từ cuối tháng Mười năm Mậu Thân (1788) đến mồng 5 tháng Giêng năm Kỷ Dậu, không đầy 3 tháng, mười vạn quân Việt Nam đã thắng năm chục vạn quân nhà Thanh.
Sau trận Đống Đa
Vào Thăng Long, vua Quang Trung hạ lệnh chiêu an. Dân Trung Huê trốn ở đâu, đều phải trình diện. Người Trung Huê nào ra thú tội đặng cấp cho áo mặc, lương ăn. "Trong khoảng mười ngày, quân Thanh ra thú đến hơn một vạn". - H.L.N.T.C., tr.262, dòng 10, 11.
....
Nhận thấy quân Thanh "ê răng", không dám trả đũa và vì việc bất hòa với anh [Nguyễn Nhạc] chưa xong, Quang Trung bèn giao việc Bắc Hà cho hai tướng Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân, và hai văn thần là Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích. - Hãn, tr. 131.
Tháng ba, vua Quang Trung về đến Nghệ An.
Ra Bắc Hà kỳ này là lần thứ ba, vua Quang Trung giựt vòng hoa chiến thắng rạng rỡ bực nhứt ở Thăng Long thành.
Quang Trung đã cho Thanh Trào một bài học đáng giá rằng: Trung Quốc chẳng nên làm tuồng xen vào để dòm dỏ công việc nước Việt Nam vậy.
Phù Lang Trương Bá Phát
Khởi sự 30-11-1967
Chấm dứt 11-12-1967
Sửa chữa lại từ 30-5-1968 tới 6-6-1968
(11) Yên Ninh thuộc về tổng An Thành, tổng này có 36 phường thôn ở vào Thăng Long Ngoại Thành - Theo Phương Đình Dư Địa chí, tr. 107, dòng 2, 3.)
(12) Hồi mới khởi đi từ Ba Dội thì Đô Đốc Long đi ngang huyện Chương Đức vòng lên làng Nhân Mục, nay lại thấy Long đi ngang huyện Thanh Trì rồi cũng đến làng Nhân Mục vậy là có thay đổi đường đi, hoặc là Chí nói lầm.
- Trận Đống Đa Trương Bá Phát Tiểu luận
• Người Đã Ghi Vào Trang Việt-Sử (Phạm Minh-Tâm)
• Ngày 1 tháng 11 năm 1963: Dân tộc Việt Nam lại bị trật nhịp của phát triển (Nguyễn Gia Việt)
• Hồi Ức Về Tổng Thống Ngô Đình Diệm (Trang Y Hạ)
• Trông Vời Quê Mẹ... (Trùng Dương)
• Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu: Lịch Sử Đã Đóng Lại Hay Chưa? (Nguyễn Ngọc Phúc)
• Vài Suy Nghĩ Về Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu (Đặng Kim Thu)
• Trông Vời Quê Mẹ... (Trùng-Dương)
• Trông Vời Quê Mẹ... (Trùng-Dương)
• Trông Vời Quê Mẹ... (Trùng-Dương)
• Anh Thư (Song Thao)
Trúc dẫu cháy đốt ngay vẫn thẳng
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |