|
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Phan Châu Trinh
(1872 - 1926)
Nếu tính đến năm 2016, Phan Châu Trinh đã mất được 90 năm, nhưng tư tưởng của ông để lại cho hậu thế vẫn còn giữ nguyên giá trị cho đến ngày hôm nay.
Đầu mùa thu năm 2016, vào một buổi chiều cuối tuần, vô tình tôi đọc được một bài thơ trong cuốn sách của người bạn cho mượn. Bài thơ mang tên “Chí thành thông thánh“ nói lên tấm lòng chí thành đối với đất nước đã thấu đến trời xanh (dịch sát nghĩa “Lòng chí thành cảm đến cả thần thánh”). Chỉ cần đọc hai câu đầu của bài thơ:
Thế sự hồi đầu dĩ nhất không,
Giang sơn vô lệ khấp anh hùng. [1]
Ta sẽ cảm nhận được cái tận cùng của đau, của đớn mà một dân tộc đang phải chịu đựng khi bị ngoại xâm dày xéo và đã phải lên tiếng than thân trách phận về sự khổ nhục đến độ không còn dư nước mắt để khóc cho các bậc anh hùng.
Phan Châu Trinh đã sáng tác bài thơ này trên đường đi vào Nam, năm 1905. Khi đi ngang qua Bình Định, nhân ở đó tổ chức kỳ khảo hạch thường niên của tỉnh, Phan Châu Trinh cùng với Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp giả làm học trò vào dự thi. Tương truyền là Phan Châu Trinh tự thảo bài thơ “Chí thành thông thánh”, Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp làm bài phú “Danh sơn lương ngọc”. Cả ba ông, người đương thời gọi là “Quảng Nam Tam Kiệt”, cùng ký chung tên Đào Mộng Giác nộp bài lên quan trường. Lời lẽ thơ rất thống thiết kêu gọi sĩ phu hãy thức tỉnh đừng ngủ mê, đừng chìm đắm trong văn chương thi phú, đừng xa vào công danh, phú quý mà quên đi đất nước còn trong vòng nô lệ, nhục nhằng. Bài thơ và bài phú đã mang lại tiếng vang lớn trong dân chúng nhất là các giới sĩ phu thời đó.
Phan Châu Trinh còn gọi là Phan Chu Trinh, lý do đổi từ chữ “chu” ra chữ “châu” là vì kỵ húy với tên của chúa Nguyễn Phúc Chu đàng trong. Ông hiệu Tây Hồ, biệt hiệu Hy Mã, tự là Tử Cán, sinh ở Quảng Nam sinh ngày 9.9.1872 và mất ngày 24.3.1926 tại Saigon, thọ được 54 tuổi. Mẹ chết sớm, cha ông là Phan Văn Bình một võ quan của triều Nguyễn, sau này theo phong trào Cần vương chống Pháp. Phan Châu Trinh theo cha từ nhỏ và học võ nghệ. Khi cha ông mất năm 1887, ông về quê bỏ học võ theo học văn. Ngay từ trẻ,ông đã ý thức được nhiệm vụ của mình, muốn hoạt động để giành lại tự do, độc lập cho dân tộc, thì phải có uy tín. Mà muốn tạo uy tín thời đó không gì hơn là khoa bảng, nên ông quyết theo nghề bút nghiên, mặc dù ông vốn không ưa lối học từ chương trích cú. Năm 1900, Phan Châu Trinh đỗ Cử Nhân trong kỳ thi hội, năm sau ông đỗ Phó Bảng. Năm 1903, ông được bổ làm Thừa biện bộ Lễ. Năm 1905, chán cảnh quan trường ông từ quan và cùng với Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp vào Nam xem xét tình hình.
BỐI CẢNH LỊCH SỬ
Năm 1802, sau khi thắng được nhà Tây Sơn, vua Gia Long thống nhất nước Việt Nam và lập nên triều đại nhà Nguyễn. Đây là thứ triều đình đầy nghi kỵ và cổ hủ, rập khuông nhà Thanh bên Trung Hoa. Giai đoạn độc lập từ năm 1802 đến năm 1858, trải qua 4 đời vua, Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức đều dồn tất cả mọi nỗ lực để xây dựng nước Việt Nam trên nền tản Nho Học, nặng về từ chương, không thực tiễn và áp dụng chính sách “bế quan tỏa cảng” đóng cửa không tiếp xúc với bên ngoài. Dưới thời nhà Nguyễn, Việt Nam là một nước phong kiến, nông nghiệp lạc hậu, dân trí rất thấp (95- 99% mù chữ) trong khi đó, ở các nước Âu châu đang có những cuộc cách mạng lớn lao về khoa học, kỹ thuật. Phan Châu Trinh nhận xét về xã hội Việt Nam thời đó: “Than ôi! Nước Nam bây giờ dân khí yếu hèn, dân trí thì mờ tối, ví với các nước châu Âu châu Á, cách xa không biết bao nhiêu dặm đường” [2].
Một số trí thức Việt Nam đã nhận ra điều đó, nhìn thấy cái sức mạnh to lớn của kỹ thuật, lo lắng cho tồn vong của đất nước trước sự phát triển không ngừng của phương Tây. Trong đó có Nguyễn Trường Tộ (1828- 1871), Phạm Phú Thứ (1820- 1883), Nguyễn Lộ Trạch (1853- 1895),… Họ đều nhận ra được đất nước cần phải thay đổi, cần phải chuyển hóa, nhưng họ lại tự cột mình vào bốn chữ “Trung quân ái quốc”. Họ chỉ dám viết những bản điều trần dâng lên vua, lên triều đình Huế, để xin cái triều đình già nua, thủ cựu, đầy đố kỵ đó tự thay đổi, tự biến hóa. Nhưng chuyện đó không bao giờ xẩy ra, tất cả những bản điều trần viết ra từ tâm huyết của sĩ phu yêu nước đều bị vùi dập, bị bỏ quên. Điều đáng tiếc nữa là những bản điều trần này dâng lên triều đình Huế, nên đại đa số dân chúng không được biết đến.
Đất nước càng ngày càng trở nên u mê và tăm tối, biến thành miếng mồi ngon cho ngoại bang xâm chiếm. Ngày 1.9.1858 quân Pháp nổ súng đầu tiên vào Việt Nam, bán đảo Sơn Trà ở Đà Nẵng. Năm 1862 Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông của miền Nam Việt Nam và năm 1867 lấy nốt 3 tỉnh miền Tây. Bất lực và phẫn nộ trước nghịch cảnh, Nguyễn Trường Tộ, một con người luôn luôn ưu tư về đất nước, trước khi nhắm mắt đã uất ức để lại cho con cháu hai câu thơ:
Nhất thất túc thành thiên cổ hận
Tái hồi đầu thị bách niên cơ
(Một kiếp sa chân, muôn kiếp hận
Ngoảnh đầu cơ nghiệp ấy trăm năm)
Nguyễn Trường Tộ mất năm 1871 lúc mới 41 tuổi, ông ra đi sớm nên không phải nhìn cảnh đau lòng, Pháp đem quân đánh chiếm Bắc Kỳ. Năm 1873, chỉ với 300 quân Pháp đã đánh tan 7.000 quân của Nguyễn Tri Phương ở Hà Nội và bắt được 2.000 tù binh Việt. Dũng tướng Nguyễn Tri Phương tử trận. Năm 1885, với một số quân khoảng 1.000 người, Pháp đã chiếm được kinh thành Huế, trong khi triều đình Huế do phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết cầm đầu dốc hết toàn lực ra đánh quân Pháp mà vẫn bị vỡ trận. Hơn 1.000 lính Việt tử thương, trong khi đó quân Pháp bị chết có 16 người. Từ đây đã mở ra một trang sử đen tối của Việt Nam: một trăm năm Pháp thuộc.
Trước sự xâm lăng của thực dân Pháp, trí thức Việt Nam thuở ấy chỉ nhìn thấy hai con đường để lựa chọn, hoặc theo Pháp hoặc là chống lại Pháp bằng vũ lực. Phong trào Cần Vương do Tôn Thất Thuyết và vua Hàm Nghi đề xướng, đáp ứng được lòng yêu nước của giới sĩ phu và được họ nhiệt liệt hưởng ứng như cuộc khởi nghĩa Hương Khuê (1885- 1896) do Phan Đình Phùng và Cao Thắng, khởi nghĩa Bãi Sậy (1885- 1889) do Nguyễn Thiện Thuật, khởi nghĩa Ba Đình (1886-1887) do Đinh Công Tráng,… Rồi đến cuộc khởi nghĩa Yên Thế (1884-1908) do người anh hùng Hoàng Hoa Thám hay còn gọi là Đề Thám khởi xướng mặc dù gây được tiếng vang lớn nhưng cũng như các cuộc khởi nghĩa khác đều bị Pháp đàn áp tàn nhẫn và đập tan. Quân Pháp không tiếc tay tàn sát nghĩa quân và dân lành, đốt phá làng mạc theo Cần Vương. Các phong trào khởi nghĩa lần lượt bị tiêu diệt. Các thủ lãnh nghĩa quân như Phan Đình Phùng, Cao Thắng, Đinh Công Tráng, Hoàng Hoa Thám, …đều bị Pháp sát hại.
Thừa hưởng được những bài học thất bại của người đi trước để lại, cộng thêm kinh nghiệm đã từng theo sát người cha chiến đấu trong hàng ngũ phong trào Cần Vương, Phan Châu Trinh đã nhìn thấy cái thế “tất thua” của đất nước mình, do sự tương quan lực lượng giữa Việt Pháp quá chênh lệch. Rồi nếu cứ tiếp tục theo đuổi bạo lực như thế, thì “dân tộc sẽ không còn nước mắt để khóc cho những anh hùng”. Trong bối cảnh đó, Phan Châu Trinh là người duy nhất nhận ra “Bạo động tất chết” và đưa ra đường lối đấu tranh ôn hòa.
TỪ TÂN THƯ DẾN DUY TÂN
Ngay từ hồi còn trẻ Phan Châu Trinh đã được đào tạo theo tinh thần Nho giáo, tinh thần trọng khoa bảng, nhưng ông lại có đầu óc rất duy tân. Ông cổ vũ cho Phong trào Duy Tân nhằm khai hóa dân tộc, cải cách đất nước. Ông có cái nhìn đi trước thời đại của mình, không hạn hẹp vào vấn đề nhất thời. Muốn cứu đất nước, trước tiên phải nâng trình độ của dân tộc lên ngang hàng với kẻ thù, phải khắc phục được khoảng cách khác biệt giữa ta và thù, giữa lạc hậu và văn minh, giữa yếu hèn và hùng mạnh, giữa đói khổ và no ấm. Một đất nước nghèo hèn và lạc hậu thì không thể nào đứng vững, trước sau gì cũng bị đô hộ, không bị cường quốc này thì bị cường quốc khác đè bẹp. Ông đặt lên hàng đầu những vấn đề như cải cách xã hội, nâng cao dân trí, sau rồi mới đến những vấn đề khác.
Phan Châu Trinh tìm tòi đọc “tân thư” là những sách do các nhà duy tân của Nhật, của Trung Hoa viết như Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi hay những kinh điển về dân chủ, dân quyền của Pháp như Montesquieu và Jean Jacques Rousseau được dịch ra chữ Hán. Tân thư đã đóng một vai trò quan trọng vì nó đã thổi vào giới sĩ phu một luồn gió với những tư tưởng mới. “Thiên Hạ Đại Thế Luận” (Bàn về thế lớn trong thiên hạ) là một loại tân thư do Nguyễn Lộ Trạch viết năm 1892 đã tác động rất nhiều đến ông. Tác phẩm bàn về tình thế của các nước Á đông đứng trước nguy cơ bị phương Tây thôn tính, chỉ ra những lỗi lầm mà triều đình Huế mắc phải và những canh tân cần thiết để cứu vãn đất nước trước dã tâm xâm lược của Pháp. Đây là một bài viết rất sâu sắc, chính xác và có cái nhìn rất xa. Cái đặc sắc của Nguyễn Lộ Trạch không chỉ viết bản điều trần để dâng lên vua mà ông còn viết những bài như Thời vụ sách, Thiên hạ đại thế luận,…để truyền bá trong giới sĩ phu đọc.
Năm 1906, Phan Châu Trinh phát động Phong trào Duy Tân. Ông cùng với Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp đi đến các tỉnh miền Trung Việt Nam vận động cho phong trào và đưa ra khẩu hiệu: Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh [3].
– Khai dân trí là mở mang dân trí, là bỏ Nho học mở trường dạy chữ Quốc ngữ, không học từ chương mà học thực dụng, bài trừ hủ tục và học theo khoa học kỹ thuật phương Tây. Đối với Phan Châu Trinh học không phải để đỗ đạt mà học cái gì, học để làm gì.
– Chấn dân khí là thức tinh thần dân tộc, làm sao cho mọi người ý thức được tinh thần tự lực, tự cường và làm cho hiểu rõ dân quyền tức là quyền lợi, nghĩa vụ của mình.
– Hậu dân sinh là nâng cao đời sống dân chúng bằng cách mở trường dạy chữ, dạy nghề, khai hoang dinh điền, lập hội buôn, sản xuất hàng nội hóa,..
Tư tưởng “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh“ mang một ý nghĩa sâu xa là nhắm xây dựng một con người tự lực, tự cường để tiến đến một tập thể tự lực, tự cường mà trong đó người dân từ thân phận nô lệ trở thành công dân một đất nước tự chủ. Nói đúng hơn Phan Châu Trinh tìm thấy sức mạnh trong sự nâng cao dân trí để đẩy dân tộc ra khỏi vòng nô lệ mà không cần phải dùng đến bạo lực.
Phong trào Duy Tân phát triển mạnh mẽ, không chỉ ở Trung Kỳ mà còn ra Hà Nội vào đến Sài Gòn. Nhắm mục đích mở mang dân trí, đến năm 1906 phong trào đã khai trương được 40 trường ở Quảng Nam. Trường dạy theo lối mới: chữ Quốc Ngữ, khoa học thưởng thức, sử địa và cả tiếng Pháp nữa. Về dân sinh, nhiều thư xã, thương hội, hội nghề nghiệp,… lần lượt được lập ra. Để làm gương cho mọi người, “nhà nho đi buôn” Phan Châu Trinh đã mở ở Đà Nẵng một hội buôn mang tên là “Quảng Nam thương hội” để dệt vải và bán quế. Ông khuyền khích dùng đồ nội hóa và đặc biệt rất quan tâm về vấn đề học nghề, ông viết trong tập thơ “Tỉnh quốc hồn ca”:
Mau mau đi học lấy nghề,
Học rồi, ta sẽ đem về dạy nhau
Năm 1907, ông tham gia vào ban giảng huấn của trường Đông Kinh Nghĩa Thục.
Phong trào Duy Tân đang trên đà phát triển, thì tháng 3 năm 1908 phong trào chống sưu thuế Trung Kỳ bùng nổ. Thực dân Pháp lợi dung cơ hội này, đàn áp thẳng tay, họ ra lệnh đóng cửa các trường học, giải tán các hội buôn. Phan Châu Trinh bị bắt ở Hà Nội, Trần Quý Cáp bị lãnh án chém ngang lưng, Huỳnh Thúc Kháng bị đầy ra Côn Đảo. Phong trào Duy Tân coi như bị bức tử vào năm 1908.
NHỮNG NGÀY THÁNG BÔN BA
Năm 1906, ông bí mật sang Nhật để gặp Phan Bội Châu bàn bạc tìm đường cứu đất nước và tiện thể xem xét công cuộc cải cách Minh Trị Duy Tân ở xứ này. Mặc dù hai người đều mang nặng tình yêu đất nước thiết tha nhưng lại có hai tư tưởng khác biệt. Phan Bội Châu chủ trương dựa vào thế lực bên ngoài (Nhật Bản), dùng bạo lực đánh Pháp, chấp nhận chế độ quân chủ, ủng hộ Kỳ Ngoại Hầu Cường Để. Phan Bội Châu lập Duy Tân hội một tổ chức dùng vũ lực để kháng Pháp và phát động phong trào Đông Du để đưa thanh niên xuất dương du học. Trong khi đó Phan Châu Trinh chủ trương đấu tranh ôn hòa, không chấp nhận quân chủ và đưa ra phương châm “tự lực khai hóa”, lấy sức mình làm chính để tự lực, tự cường. Ông cho rằng “Vọng ngoại ắt ngu” vì dựa vào bất cứ thế lực bên ngoài nào cũng là làm công việc cõng rắn cắn gà nhà. Phan Bội Châu sau này cũng nhận ra cái sai lầm “Vọng Nhật” của mình. Năm 1908 sau khi ký thương ước với Pháp, chính phủ Nhật trục xuất Phan Bội Châu và 200 du học sinh Việt Nam ra khỏi nước họ. Phong trào Đông Du từ đó coi như hoàn toàn bị tan rã.
Sau 10 tháng ở Nhật Bản nhận thấy không đồng quan điểm với Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh trở về Việt Nam. Về đến quê nhà, ông gởi môt bức “Đầu Pháp chính phủ thư” (Bức Thư gởi cho người đứng đầu chính phủ Pháp) cho Toàn quyền Paul Beau vạch trần chế độ thối nát của quan lại triều đình Huế, chế độ cai trị hà khắc của Pháp đã làm cho dân tộc Việt Nam yếu hèn, u mê và yêu cầu chính phủ Pháp phải sửa đổi lại đường lối cai trị. Năm 1908 phong trào chống đi phu, đòi giảm sưu thuế bùng nổ ở Trung Kỳ, thực dân Pháp buộc ông tội “xúi dân làm loạn” và bắt ông ở Hà Nội, rồi giải về Huế để triều đình trị tội, sau đó đầy ra Côn Đảo. Trên đường đi đầy, khi qua cửa Thượng Tứ ông cảm khái ngâm câu thơ:
…
Quốc thổ trầm luân dân tộc lụy
Nam nhi hà sự phạ Côn Lôn
Bản dịch của Phan Khôi:
Ðất nước hãm chìm dân tộc héo,
Làm trai đâu xá thứ Côn Lôn.
Trong thời gian phải xách búa đập đá ở đảo, ông đã làm bài thơ “Đập đá Côn Lôn” nói lên cái khí phách hiên ngang của những kẻ vá trời khi lỡ bước:
Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn,
Lừng lẫy làm cho lở núi non.
Xách búa đánh tan năm bảy đống,
Ra tay đập bể mấy trăm hòn
Tháng ngày bao quản thân sành sỏi,
Mưa nắng càng bền dạ sắt son.
Những kẻ vá trời khi lỡ bước,
Gian nan chi kể việc con con!
Năm 1910 nhờ sự vận động của hội Nhân Quyền Pháp, ông được thả tự do và bị quản thúc ở Mỹ Tho. Một năm sau, Phan Châu Trinh cùng với người con trai tên là Phan Châu Dật qua Pháp. Tới Pháp, ông viết một bản điều trần “Trung Kỳ dân biến thủy mạt ký” để đưa cho hội Nhân Quyền Pháp nói lên việc đàn áp người dân chống sưu cao thuế nặng ở Trung kỳ. Sống ở Pháp, ông làm nghề rửa ảnh để nuôi thân, tuy rất khó khăn về tài chánh, nhưng ông vẫn tiếp tục hoạt động qua những bài viết trên báo chí vạch các tội ác của thực dân Pháp ở Viêt Nam. Thế chiến thứ nhất bùng nổ, Pháp bắt ông đi lính để đánh Đức, ông phản đối, bị chính phủ Pháp quy cho tội gián điệp và bắt giam từ năm 1914 đến 1915. Trong thời gian ở tù, vợ ông là bà Lê Thị Ty mất ở quê nhà. Con trai ông là Phan Châu Dật vì sức khỏe không ở được Pháp trở về Việt Nam và mấy năm sau thì mất (năm 1921). Đó là hai cái tang đau đớn nhất cho ông.
Năm 1922, nhân vua Khải Ðịnh sang dự cuộc đấu xảo quốc tế ở Marseille, ông viết một bức thư kể 7 tội của vua Khải Định gọi là “Thư Thất Điều”.
Nhận thấy tình hình thuận tiện, Phan Châu Trinh lên tàu trở về nước vào tháng 5 năm 1925.
Đến Việt Nam, việc đầu tiên là ông đi vận động để thực dân Pháp thả Phan Bội Châu, khi nghe tin Phan Bội Châu bị Pháp bắt ở Thượng Hải tháng 6 năm 1925. Trước các cao trào đấu tranh của dân chúng, Pháp đã buộc lòng phải trả tự do cho Phan Bội Châu vào tháng 12 năm 1925.
Mặc dù bị bệnh, nhưng ông vẫn cố gắng đi diễn thuyết về hai đề tài để mọi người hiểu rõ chính kiến của ông:
– Đạo đức và luân lý đông tây: Phan Châu Trinh phân tích đạo đức và luân lý giữa đông và tây. Ông cho rằng đạo đức, luân lý, giáo dục ảnh hưởng rất nhiều đến sự sống còn của dân tộc.
– Quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa: Phan Châu Trinh giải thích về cái hại của chủ nghĩa quân chủ và cái lợi của chủ nghĩa dân chủ.
Bệnh tình càng ngày càng nặng, Phan Châu Trinh trút hơi thở cuối cùng lúc 21 giờ 30 vào ngày 24.3.1926 tại Sài Gòn. Đám tang của Phan Châu Trinh được tổ chức rất long trọng, một ủy ban được thành lập để lo tang chay cho ông. Dân chúng xếp hàng đông nghẹt, nghiêm trang ở các ngã đường đề tiễn đưa ông lần cuối. Toàn quốc thọ tang Phan Châu Trinh, đám tang của ông đã trở thành Quốc táng [4]. Điều này nói lên niềm tiếc thương lớn lao của dân chúng đối với Phan Châu Trinh, một người suốt đời tận tụy cho đất nước.
VẪN CÒN GIỮ NGUYÊN GIÁ TRỊ
Phan Châu Trinh không đơn thuần chỉ là một nhà đấu tranh bất bạo động, một nhà cải cách đòi đổi thay xã hội mà ông còn là một nhà tư tưởng lớn. Nếu tính đến năm 2016, Phan Châu Trinh đã mất được 90 năm, nhưng tư tưởng của ông để lại cho hậu thế vẫn còn giữ nguyên giá trị cho đến ngày hôm nay.
Hoàn cảnh của đất nước Việt Nam ở cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 thật là bi đát, dân trí thì mờ tối, dân khí thì yến hèn, dân sinh thì lầm than. Phan Châu Trinh đã đưa ra một con đường tranh đấu ôn hòa để thay đổi xã hội, thay đổi số phận của con người trong xã hội đó. Ông chủ trương muốn canh tân đất nước phải dựa vào dân trí và dân khí là hai cái nền tảng sức mạnh của một dân tộc. Muốn khai thông dân trí để khỏi mờ tối thì phải đổi mới xứ sở, bỏ cái cũ học cái mới, bỏ từ chương học khoa học kỹ thuật, muốn chấn hưng dân khí để khỏi yến hèn thì phải nâng cao ý thức dân tộc về tự lực, tự cường. Ông đi thêm một bước nữa là đem dân sinh vào để bổ túc cho hai cái kia vì nếu dân sinh mà còn lầm than thì dân khí cũng khó mà vững vàng, dân trí khó phát triển. Tư tưởng “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” biến thành sức bẩy để đưa một dân tộc từ yếu hèn, u mê trở lên mạnh mẽ, ấm no. Và chỉ khi nào một dân tộc có đủ sức mạnh thì họ có quyền đòi bình đẳng với dân tộc khác. Tư tưởng của Phan Châu Trinh đã làm nền tảng cho đường lối hoạt động của các Phong Trào Duy Tân, Phong Trào Đông Du, Phong Trào Đông Kinh Nghĩa Thục,.. vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 và cũng là kim chỉ nam cho hậu thế sau này trong công cuộc đi xây dựng và gìn giữ đất nước mình.
Tài Liệu tham khảo:
1) Bài thơ “Chí thành thông thánh” (thivien.net)
Thế sự hồi đầu dĩ nhất không,
Giang sơn vô lệ khấp anh hùng.
Vạn gia nô lệ cường quyền hạ,
Bát cổ văn chương thuỵ mộng trung.
Trường thử bách niên cam thoá mạ,
Cánh tri hà nhật xuất lao lung?
Chư quân vị tất vô tâm huyết,
Thí hướng tư văn khán nhất thông.
Dịch nghĩa:
Việc đời nhìn lại thấy chẳng còn gì,
Sông núi không còn nước mắt để khóc các bậc anh hùng.
Muôn nhà làm tôi tớ dưới ách cường quyền,
Nhiều người đang ngủ mê trong giấc mộng văn chương bát cổ.
Suốt cả trăm năm chịu người mắng nhiếc,
Lại biết ngày nào mới thoát cũi sổ lồng?
Các anh chưa hẳn là người không tâm huyết,
Thử lấy thơ này mà xem từ đầu đến cuối.
2) Phan Châu Trinh viết “Đầu Pháp chính phủ thư” (Bức Thư gởi cho người đứng đầu chính phủ Pháp) gởi cho Toàn quyền Paul Beau vào năm 1906. Trong đó có một đoạn: “Than ôi! Nước Nam bây giờ dân khí yếu hèn, dân trí thì mờ tối, ví với các nước châu Âu châu Á, cách xa không biết bao nhiêu dặm đường.”
3) Phong trào Duy Tân (Wikipedia)
4) Sách “Phan Chu Trinh (1872- 1926)”. Thế Nguyên, Tân Việt xuất bản 1956.
- Phan Châu Trinh, người đi trước thời đại của mình cả trăm năm Lương Nguyên Hiền Nhận định
- Chữ Quốc ngữ nước ta từ Alexandre de Rhodes đến Trương Vĩnh Ký Lương Nguyên Hiền Khảo luận
• Người Đã Ghi Vào Trang Việt-Sử (Phạm Minh-Tâm)
• Ngày 1 tháng 11 năm 1963: Dân tộc Việt Nam lại bị trật nhịp của phát triển (Nguyễn Gia Việt)
• Hồi Ức Về Tổng Thống Ngô Đình Diệm (Trang Y Hạ)
• Trông Vời Quê Mẹ... (Trùng Dương)
• Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu: Lịch Sử Đã Đóng Lại Hay Chưa? (Nguyễn Ngọc Phúc)
• Vài Suy Nghĩ Về Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu (Đặng Kim Thu)
• Trông Vời Quê Mẹ... (Trùng-Dương)
• Trông Vời Quê Mẹ... (Trùng-Dương)
• Trông Vời Quê Mẹ... (Trùng-Dương)
• Anh Thư (Song Thao)
Trúc dẫu cháy đốt ngay vẫn thẳng
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |