1. Head_

    Dê Húc Càn

    (1.10.1934 - 21.11.1987)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Lê Lợi, Nguyễn Trãi và Cuộc Cách Mệnh Lam Sơn (Trần Ngọc Ninh) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      06-12-2012 | NHÂN VẬT

      Lê Lợi, Nguyễn Trãi và Cuộc Cách Mệnh Lam Sơn

        TRẦN NGỌC NINH
      Share File.php Share File
          

       


         Tượng Lê Lợi (1385 - 1433)
      tại khu di tích Lam Kinh, Thanh Hóa
      (nguồn: Thư viện Khởi Hành)

      Lê Lợi và Nguyễn Trãi là hai nhà đại cách-mệnh của Đại-việt.

      Cách-mệnh ở bên Tàu ngày xưa có nghĩa là thuận ý Trời, bỏ cái "Thiên- mệnh" mà Trời đã trao cho một Nhà để lấy về cho một Nhà khác. Nhà Trụ diệt nhà Thương là làm cách-mệnh theo cái ý-nghĩa nguyên-thủy ấy.


      Trời không nghĩ hẹp. Thiên-mệnh mà Trời trao không phải là cho một Nhà mà là cho toàn thể một dòng dân đã đến được một khu đất và tìm ra được một lẽ sống còn ớ đất ấy, tìm thấy được sự sống trong đất ấy. Đất nuôi người, người phụng dưỡng Đất, Đất là mẹ của muôn đời. Đó là ý-nghĩa của câu thơ mà thần nhân đã đọc cho Lý Thường Kiệt để tuyên bố từ đầu lịch-sử của Đại-Việt và đó là mệnh Trời:


      Nam-quốc sơn hà, Nam-đế cư,

      Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư


      Tất cả mọi người dân Nam đều là Nam-đế. Nam-đế là người dân Nam. Trong mắt Trời, có sự bình-đẳng tuyệt đối.


      Nay có những kẻ xâm lăng, dùng mưu mẹo và sức mạnh cướp nước ta. Chúng là những kẻ phá Thiên-mệnh. Ta đánh lại và khi nào thời-cơ đến, không chóng thì chày, ta sẽ đoạt lại cái Thiên-mệnh mà Trời đã trao cho dân ta từ nguyên thủy. Đó là Cách-mệnh, theo ý Trời, thực hiện cái quyền sống của dân-tộc.


      Lê Lợi và Nguyễn Trãi đánh quân xâm lược vào chiếm đóng nước ta, không vì thương tiếc Nhà Trần, không vì quyền-lợi thực hay giả của tộc đảng hay cá-nhân. Vì quyền sống của dân- tộc. Vì đạo sống của dân tộc:


      Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,

      Quân điếu phạt trước là khử bạo.

      Như nước Việt ta từ trước.

      Vốn xưng văn-hiến đã lâu.

      Sơn hà cương vực đã chia,

      Phong-tục Bắc Nam cũng khác.


      Thực là sáng tỏ như Trời, Trăng, dũng mãnh như Sấm-Sét. Đạo sống là Nhân, Nghĩa. Dựng văn-hiến riêng là quyền của dân-tộc. Bạo tàn và đồng hóa là phản mệnh Trời. Cách-mệnh là đổi lại cái mệnh Trời đã nhất thời bị mất.


      Lê Lợi và Nguyễn Trãi sửa soạn Cách-mệnh từ lâu lắm. Lê Lợi có lẽ từ lúc quân Minh đuổi cha con họ Hồ tới Thanh Hoa. Lê Lợi là một chủ trại ở Núi Lam cũng bị rung động. Sau đó thì ngài suy tính và bàn định với những người thân, đồng thời theo dõi tình- hình của sự nổi dậy của các người Hậu Trần. Tiếng đồn đã rỉ ra ngoài, lên đến miền Bắc.



         Tượng Nguyễn Trãi (1380 - 1442)
      tại Nhị Khê (Hà Tây)
      (nguồn: Từ Điển Văn Học)

      Còn Nguyễn Trãi thì bị động từ lúc quân Minh vượt qua biên giới, vì cha ông là Nguyễn Phi Khanh, đang làm quan trong triều, đã bị bắt giải sang Trung-quốc cùng với Hồ Qúi Ly và triều-đình. Tất cả bị giữ lại, cầm tù ở Quảng Đông, trừ có Hồ Nguyên Trừng được dùng để đúc súng thần-công mới cho quân Minh. Nguyễn Trãi bị bắt cùng với cha, nhưng vì còn trẻ tuổi (mới 27) và có lẽ đã dấu được tài nên được thả lỏng. Ông trốn về nước và trên đường về, lang thang xin ngủ nhờ ở nhà những người sơn-cước để hỏi han và gây tình thân; đi đến đâu lại làm thơ chữ hán để đánh lạc sự dò xét của địch, nhưng chú tâm xem và nhớ các địa-hình địa-thế để sau này đánh Vương Thông, giết Liễu Thăng, tiêu diệt cái mộng Minh-triều chiếm cứ Đại Việt. Ông đến tìm Lê Lợi ở trại nông trên rú Lam, Lê Lợi còn dấu chí cách- mệnh, nhưng rồi nhanh chóng hai người hợp tác với nhau.


      Ngày 1 tháng Hai năm Bính Thân 1416, tại Lũng Nhai, Lê Lợi cùng mười tám đồng-chí trong có Nguyễn Trãi lễ cáo Trời Đất và các thần-linh sông núi, thề nguyện kết nghĩa, xem nhau như "cành liền chung một tổ," "hiệp lực đồng tâm chống giữ địa-phương để làng xóm được yên."


      Ngày 2 tháng Giêng năm Mậu Tuất (7.2.1418), Lê Lợi được vinh tôn là Bình Định Vương, trước nghĩa quân gồm phần lớn là các nông-dân trong động (nông-trại), dựng cờ khởi nghĩa. Quân cách-mệnh nghèo nàn, yếu ớt "cơm ăn thì sớm tối không được hai bữa, áo mặc thì đông-hè chỉ có một manh (tất cả) chỉ độ vài nghìn, khí giới thì (nhiều kẻ) tay không," như Nguyễn Trãi kể lại trong Quân Trung Từ Mệnh Tập.


      Cuộc chiến trường kỳ mười năm gian khổ, có lúc nguy cơ kịch liệt phải hi sinh một đồng chí là Lê Lai giả làm chúa Lam-sơn chịu cho giặc bắt và giết, lại có lúc bị vây hãm trong khe núi như ở Chí Linh, tuyệt đường lương thực cả hai tháng dòng nhưng vẫn vững lòng tranh đấu; sự dũng-cảm và bền chí làm cho nhân-dân sốn sao nức lòng, bỏ cầy cầm gậy dắt dao, "chật đất người theo, đầy đường rượu bầy;" dần-dần những sự lẩn trốn, đánh úp, đút lót cầu yên, phao tin lừa dối, bớt đi, nghĩa-quân đối mặt chiến đấu hay phục binh giết giặc và vây hãm thành trì, đánh chặn viện- binh trong những trận thế có tên, âm- thanh vang rền trong nước. Ba áng văn Nguyễn Trãi thảo ra: Bài phú Núi Chí- Linh, Bình Ngô Đại CáoLam-Sơn Thực-Lục kể lại những giai-đoạn của Cuộc chiến Cách-mệnh cho nền Độc lập Đại Việt.


      Cuối năm Bính Ngọ tức là đầu năm 1427 Dương-lịch, Tổng-binh Vương Thông, sau khi bị thua nặng ở Tốt Động (Hà Đông), rút về đóng ở Đông- Quan (Thăng Long) đưa thư xin hòa nhưng đồng thời sai người thân tín về Trung Hoa xin viện-binh sang cứu. Lê Lợi bắt được tin này, một mặt cho bao vây Đông-Quan, một mặt bố trí chặn đầu quân cứu-viện.


      Tháng Chín, đại quân cứu-viện mười vạn người do Liễu Thăng cầm đầu, vượt biên-giới ở Lạng-sơn rồi đi dọc theo sông Thương để tiến thẳng đến Đông Quan. Trên đường, có bị đánh úp nhưng chỉ là để nhử, dụ cho địch đi vào chỗ chết. Chi Lăng là một thung lũng nhỏ, nhiều vũng lầy, giữa hai rặng núi với năm ngọn cao. Ngày 10 Tháng 10, Liễu Thăng đích thân dẫn đội kị-binh tiên- phong vào thung-lũng và bị quân ta hai mặt đổ ra, đâm chém tơi bời, Liễu Thăng bị bay đầu, trên một vạn quân Minh tử trận. Quân và dân địa-phương đã lập nên chiến-công đầu-tiên, quyết định cho cả chiến cuộc.


      Tàn-quân tụ tập lại được và gắng gượng tiến. Quân ta chặn đánh trên đường, giết tên phó-tướng chỉ huy và trên dưới một vạn quân địch nữa. Một tướng Minh sợ quá mà tự tử để được chết toàn thây.


      Chạy về đến Xương-giang, chúng phải đóng quân ở giữa cánh đồng thì quân ta đằng sau rượt đến, đằng trước từ trong thành xông ra, bắt sống toàn bộ chỉ huy trừ một tướng nhỏ trốn thoát về Tàu, và chém giết không tha tất cả những quân binh địch không chịu bỏ đao bỏ giáo. Mười vạn hùng- binh của Minh triều tiêu tan trước khi tới cửa Đông quan để giải vây.


      Còn năm vạn quân Minh tiến vào Tuyên Quang, dưới sự chỉ huy của Mộc Thạnh. Chúng bị chặn lại bởi đội quân Nùng của tướng Phạm Văn Xảo. Chiến cuộc chưa phân thắng bại thì có bốn tên bộ-thuộc của Liễu Thăng, mang theo sắc thư, binh-phù và ấn tín của chủ-tướng đã bị giết, được giải đến và cho vào ra mắt Mộc Thạnh. Hắn lập tức ra lệnh kéo quân về Tàu.


      Ngày 22 Tháng Mười, Đinh Mùi (18.12.1427), Vương Thông trong Thành Đông-quan, được biết rằng không còn hi vọng có viện-binh đến giải vây, xin tuyên thệ trước mặt Lê Lợi cùng một số quân tướng Đại-Việt, rút hết quân về nước, không cướp bóc trên đường, không quay đầu trở lại. Chúng được đảm bảo an toàn mạng sống ra khỏi nước ta.


      Thời thế nào đã tạo ra con người Lê Lợi và Nguyễn Trãi? Trong lịch-sử buổi Trần-mạt, xã-hội nước ta đã suy vi đổ nát. Chính-quyền nhà Hồ đã lợi dụng sự rối-ren suy-tàn ấy để thành lập, trên sự tàn-nhẫn và khinh-dân, một nền độc-tài khắc-nghiệt. Do đó, quân nhà Minh, từ Trung-Hoa, dưới những chiêu-bài giả-hiệu, đã xâm chiếm nước ta, để bóc lột người dân lành đến tận xương-tủy, hầu làm kiệt quệ và đồng hóa nước Đại-việt.


      Lê Lợi xuất hiện vào năm 1417, giữa lúc mọi hi-vọng phục quốc đã gần tiêu tan, lòng dân đã chán nản, sợ hãi và thành chịu đựng. Lúc han đầu, người theo gần như không có ai: "Tuấn-kiệt như sao buổi sớm, nhân tài như lá mùa thu." Nhưng dần dần những người dân thôn-dã, còn giữ nguyên chí quật- cường, đã nghe theo tiếng gọi của lòng yêu nước và chạy đến dưới cờ.


      Mười năm kháng chiến, lúc thắng lúc bại, có những lúc gần như sắp phải đầu hàng. Nhưng những nhà cách-mệnh ở núi Lam vẫn bền lòng vững dạ, xây dựng lực-lượng, tập hợp nhân-dân, cho đến ngày vinh-quang chiến thắng.


      Bí-quyết thành công của đại-cuộc ấy là gì? Lê-Lợi là một vị anh-quân biết trọng hiền đãi sĩ. Trong quân, có những người mưu-lược như thần, như Nguyễn Trãi; có những vị tướng tài thao lược kinh-luân, như Trần Nguyên Hãn, Đinh Lễ, Lý Triện, Lê Xí, Phạm Văn Xảo; có những bầy tôi dám quên mình để cứu chủ-tướng lúc lâm nguy, như Lê Lai. Đó là những ưu-điểm của đoàn nghĩa-quân chống giặc xâm lăng.


      Nhưng điều quan-trọng nhất của cuộc trường kháng quân Minh, chính là lòng thương dân yêu nước của Lê Lợi. Đối với người anh-hùng này, cứu quốc là cứu dân: tư-tưởng nhân-nghĩa bao trùm tất cả cuộc đời tranh đấu của Lê Lợi. Vì thế nên người nông-dân nước Việt ở núi rừng cũng như nơi đồng ruộng, đã sớm tỉnh ngộ mà làm hậu thuẫn cho cuộc kháng chiến, để chống lại chế-độ hà-khắc, bạo-tàn và bóc-lột của quan quân nhà Minh. Một khi mà quân và dân đã đồng lòng nhất trí, thì bọn giặc nước, chỉ biết khủng bố, tàn phá, không còn đất sống, dầu là được sự chỉ-huy của bọn danh-tướng Mộc Thạnh, Vương Thông, Phương Chính, Liễu Thăng từ Trung Hoa phái sang.


      Sau khi đã thành công trong việc khôi phục lại giang-sơn, Lê Lợi vẫn chỉ biết lấy hạnh phúc của dân làm đối tượng, và theo đuổi chính-sách bình định an dân. Người đã từng răn dạy con rằng: "Phải thương yêu nhân-dân, nghĩ làm những việc khoan dân. Chớ thưởng bậy vì ân riêng, chớ phạt bừa vì giận nhỏ... ngõ hầu trên có thể đáp lòng Trời, dưới có thế thỏa lòng người, thì quốc-gia mới yên vững lâu dài."


      Còn Ức-Trai Nguyễn Trãi, thực là một vị anh-hùng xuất chúng, tài đức song toàn, trung nghĩa trọn vẹn. Nước Đại Việt ta, trong những cơn nguy khốn, có được một người kì tài như Nguyễn Trãi, biết tiền biết thoái, biết bắt biết tha, học hết cái học có thể có được và có thể dùng được ở thế-gian vào lúc ấy mà vẫn giữ được óc sáng tạo minh bạch, xây-dựng, siêu việt và nhân~nghĩa; người ta, đã bỏ hết mọi dị- đoan mê-tín mà cũng không khỏi nghĩ rằng không biết có phải là hồn thiêng sông núi và âm đức tổ tiên đã hun-đúc nên con người ấy vào lúc ấy hay chăng?


      Nguyễn Trãi là con người của cách-mệnh. Bị bắt sang Tàu, ông hầu hạ cha già cũng bị giặc giam, nhưng suy tính về sách-lược đánh đuổi quân cướp nước. Trốn về nước, ông ngủ nhờ trên núi để dò hỏi dân-tình tìm hiểu thế đất, làm thơ nhưng vẫn nghĩ chiến- lược .Chờ thời ở quê, ông bàn tính với anh em và viết Bình Ngô Sách để ra mắt minh-chủ mà ông mong mỏi.


      Người cách-mệnh không phải chỉ có chí-hướng, không phải chỉ có quyết- tâm, không phải chỉ có tư-tưỏng và kế- hoạch. Người cách-mệnh là người vô ngã. Nguyễn Trãi là người vô ngã. Nghe đồn rằng ở núi Kha Lam trong tỉnh Thanh Hóa có một người tên là Lê Lợi, đang bí-mật mưu đồ việc lớn, ông bỏ nhà tìm vào xin gặp và sau khi dò tìm, thử thách, ông trút bỏ hết cái tôi của ông và nguyện đem hết tâm-huyết ra để phục vụ Minh-Chúa đi tới ước- vọng chung. Trong suốt mười năm tranh đấu, từ buổi ban đầu ấy và bữa thề sống chết có nhau ở Lũng Nhai cho đến ngày đăng quang của Vua Lê Thái Tổ, Nguyễn Trãi không rời Lê Lợi, Lê Lợi ở phòng trên thì Nguyễn Trãi ở phòng dưới, Lê Lợi muốn nói gì thì Nguyễn Trãi viết ra chữ, hai người như một, chỉ có một trái tim và một lời nói.


      Nhưng mà, trong cuộc cách-mệnh đầy khó khăn gian-khổ, kéo dài mười năm, số hào-kiệt và hiền-sĩ tham-gia cách-mệnh càng đông-đảo thì sự đối xử càng phức tạp. Giữa tình và lí, kỉ-luật và cá tính dầu khéo đến đâu cũng khó tránh khỏi sự cọ-xát. Phương chi, trình-độ hiểu biết không đồng đều, ý- thức cách-mệnh mỗi người một khác. Vì mục-đích chung, Nguyễn Trãi phải tuân theo lệnh của Lê Lợi, để cho Trần Nguyên Hãn là họ hàng và đồng chí từ tuổi trẻ, phải bị tội chết, và khi cách- mệnh đã thành-công, phải đem quân đi đánh và giết Phạm Văn Xảo, một vị tướng tài và là bạn đấu tranh. Ông được chủ-tướng tin dùng quá, có những người thân cận với Lê Lợi gièm pha, nên khi cách-mệnh đã thành công trong giai-đoạn giải phóng đất nước, ông đã bị đặt vào những chức để không thể thực hiện được những sự thay-đổi mà ông mà có lẽ cả Lê Lợi đã hằng mong muốn. Cách-mệnh nào cũng thế. Khi người ta tưởng là thắng vì đã nắm được chính-quyền, thì lòng tham hưởng-thụ át lí-tưởng hoặc sự kiêu-hãnh, dẫn đến những vọng-động điên rồ. Và nhiều khi cả hai sự phát sinh ra xung đột, Cách-mệnh ăn thịt con vì thế, Cách-mệnh tự phản bội vì thế.


      Chúng ta không biết Nguyễn Trãi nghĩ gì về nước Việt Nam khi độc lập đã được đòi lại. Bình Ngô Đại Cáo mà ông thay Lê Lợi viết ra để cho quốc- dân cùng biết, có hai câu cuối-cùng, để nói về sự thành công trong việc kiến tạo hòa-bình vĩnh-cửu và hứa hẹn sự xây-dựng tương-lai.


      Nhất nhung ĐẠI ĐỊNH, bất thành vô cạnh chi công,

      Tứ hải vĩnh thanh, đảm bá DUY TÂN chi cáo.


      Dịch nghĩa:

      Một tấm nhung-y (áo trận) lập nền hòa bình lớn: công trạng không gì so sánh được,

      Bốn bể từ nay mãi mãi phẳng lặng, dám tuyên bố một nền DUY TÂN (cho cả nước) (1)


      Nền duy-tân ấy là gì? Mỗi chữ trong Đại Cáo nặng như vàng đá, chứa chất biết bao nhiêu ước-vọng mà người ta mong đợi. Đất nước từ nay là của ta, mạng sống là của ta, hột cơm hột đậu, con gà con chó là của ta. Ruộng nương nhà cửa của ta sẽ ra sao, nghề nghiệp buôn bán sẽ thế nào, sự đi lại sự nói năng, sự học hành, sự lễ bái có tự-do không?


      Các quan lại có gần dân, thuế má có thư cho dân không? Ngày mai có được đảm bảo không?


      Trông trời, trông đất, trông mây,

      trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm;

      trông cho chân cứng đá mềm,

      trời yên bể lặng mới êm tấm lòng.


      Ở chân trời, lịch-sử đã u ám. Những thuyền buôn, những chiến-hạm, những đoàn người truyền đạo mới và những binh-lính có súng ống từ những nước ở bên kia thế-giới sắp sửa tràn sang ngập Đông-phương.


      Lê Thái Tổ mất năm 1433, trị vì chưa được năm năm. Nguyễn Trãi bị phái bảo thủ theo Tàu đẩy ra khỏi chính-quyền. Ông về sống với vườn ao ở Côn-sơn, bỏ hẳn chừ hán và làm thơ tiếng Việt. Thơ quốc-âm của ông là tập thơ có thể nguyên vẹn đầu tiên bằng tiếng Việt-Nam thời ấy. Sau ông, vua Lê Thánh Tông cũng noi gương, làm thơ Việt-Nam. Hai người mở đầu cho dòng thơ văn Việt, mà sau này Nguyễn Du và các tác-giả đương thời sẽ nuôi dưỡng.


      Nhưng những người chống lại sự duy tân trong triều vẫn sợ ông, tuy ông đã bị loại ra ngoài. Bọn chúng dựng lên vụ án Thị Lộ để giết cả ba họ của ông. Mấy ngày trước khi chúng lấy mạng ông, ông đã biết và bình-thản viết bài thơ dâng Bụt (tả bụi cây "dâm bụt" phản chiếu trong ánh nước ao):


      Ánh nước hoa in một đóa hồng,

      Vẩn nhơ chẳng bén, Bụt là lòng.

      Chiều mai nở, chiều hôm rụng,

      Sự lạ cho hay, tuyệt sắc, không.


      Tất cả lòng trung-chính và từ-bi của ông sáng trong như bóng hoa trong ánh nước, tất cả cuộc đời và sự-nghiệp cứu nước của ông như bông hoa dâng bụt, thanh cao dường ấy mà ngày mai sẽ chỉ còn là không? (2)


      Trần Ngọc Ninh

      Tạp chí Khởi Hành số 137 tháng 3.2008, trang 12

      CHÚ THÍCH:

      1. Bản dịch của Cụ Bùi Kỷ một tuyệt-tác văn-chương, công bố trong Việt Nam Sử Lược của Cụ Trần Trọng Kim, có sửa lại đôi chữ của Bình Ngô Đại Cáo, và bỏ hai chữ DUY TÂN:

      Vẫy vùng một mảnh nhung y, nên công ĐẠI ĐỊNH,

      Phẳng lặng bốn bề thái vũ, mở hội VĨNH THANH.

      Phải chăng cụ Bùi Kỷ, đã tránh né chữ DUY TÂN vì không dám nhắc lại tên vua DUY TÂN, một vị vua cách-mệnh của Triều Nguyễn, và phong trào DUY TÂN của nhà cách-mệnh Phan Bội Châu?


      2. Xin xem bài giảng thơ tiếp theo trên mặt báo này.


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Anh Tôi, Trần Việt Sơn Trần Ngọc Ninh Hồi ức

      - Sự Xuất Hiện Của Văn Hóa Trần Ngọc Ninh Tiểu luận

      - Sự Xây Dựng Văn Hóa Tạo Ra Lịch Sử Tính Của Con Người Trần Ngọc Ninh Tiểu luận

      - Cái Bánh Chưng Và Nền Văn Hiến Việt Nam Trần Ngọc Ninh Khảo luận

      - Tuyết Xưa Trần Ngọc Ninh Tiểu luận

      - Nguyễn Trãi Huyễn-Thực và Sắc-Không Trần Ngọc Ninh Thơ

      - Dân Tộc Là Gì Trần Ngọc Ninh Tiểu luận

      - Lê Lợi, Nguyễn Trãi và Cuộc Cách Mệnh Lam Sơn Trần Ngọc Ninh Biên khảo

      - Bảng Niên Biểu Nguyễn Du Trần Ngọc Ninh Niên biểu

    3. Nhân Vật (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

      Nhân Vật

        Cùng Mục (Link)

      Người Đã Ghi Vào Trang Việt-Sử (Phạm Minh-Tâm)

      Ngày 1 tháng 11 năm 1963: Dân tộc Việt Nam lại bị trật nhịp của phát triển (Nguyễn Gia Việt)

      Hồi Ức Về Tổng Thống Ngô Đình Diệm (Trang Y Hạ)

      Trông Vời Quê Mẹ... (Trùng Dương)

      Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu: Lịch Sử Đã Đóng Lại Hay Chưa? (Nguyễn Ngọc Phúc)

      Vài Suy Nghĩ Về Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu (Đặng Kim Thu)

      Trông Vời Quê Mẹ... (Trùng-Dương)

      Trông Vời Quê Mẹ... (Trùng-Dương)

      Trông Vời Quê Mẹ... (Trùng-Dương)

      Anh Thư (Song Thao)


      Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)


      Danh Nhân Trong Và Ngoài Nước


      Phim Tài Liệu

       

      L'exode du Nord Viet Nam


      Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)
       

        DANH NGÔN


        TỤC NGỮ (Proverbs)

       

      Tre già măng mọc

      Đục nước béo cò

      Trúc dẫu cháy đốt ngay vẫn thẳng

      Gà một mẹ đá nhau

       

        ĐỐ VUI (Puzzles)

        Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)