|
Dê Húc Càn(1.10.1934 - 21.11.1987) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Nhạc sĩ Văn Cao, một trong những người đi tiên phong trong phong trào tân nhạc Việt Nam, qua đời vào lúc 4 giờ sáng, giờ Việt Nam, thứ Hai 10.7.1995 tại bệnh viện Hữu Nghị, Hà Nội, thọ 72 tuổi. Tang lễ được cử hành vào thứ Tư 12.7.1995 tại nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.
Văn Cao tên thật là Nguyễn Văn Cao, sinh tại Hải Phòng ngày 15.11.1923, trong một gia đình tiểu công chức. Ông học nhạc tại trường trung học Saint Joseph nhưng vì nhà nghèo nên sau đó phải bỏ học để đi xin việc làm, tuy vậy được một tháng thì bỏ việc.
Sáng tác đầu tiên của Văn Cao là bản Buồn Tàn Thu ra đời vào năm 1939, được nhạc sĩ Phạm Duy sau đó hát trình diễn khắp nơi. Thời kỳ sáng tác mạnh nhất của ông được đánh dấu bằng những nhạc phẩm Thiên Thai 1941, Bến Xuân 1942, Cung Đàn Xưa 1943. Đặc biệt là bản Tiến Quân Ca 1944 đã được chọn làm quốc ca, một năm sau khi ông Hồ Chí Minh tuyên bố lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Còn những bản tình ca của Văn Cao đã bị Hà Nội cấm kể từ cuối những năm 1950.
Vì có liên hệ đến vụ Nhân Văn Giai Phẩm, Văn Cao bị thất sủng. Mãi đến năm 1986, lần đầu tiên một Đêm Văn Cao mới được tổ chức tại Sài Gòn, đánh dấu sự phục hồi các bản tình ca của ông, một cách chính thức.
Ngoài việc sáng tác nhạc, Văn Cao còn là một nhà thơ, nổi tiếng nhất với bài trường ca Những Người Trên Cửa Biển có tính chất phê phán xã hội.
NS Văn Cao, Sài Gòn, 1987
Đầu năm 1995, có người trao cho tôi một cuốn video mà tôi mong đợi đã từ lâu. Cuốn băng về Văn Cao: "Giấc Mơ Của Một Đời Người". Từ bữa ấy tới nay, đã hai, ba lần xem đi xem lại cuốn băng này mà lần nào xem xong tôi cũng không tránh khỏi thở dài. Một con người tài hoa như vậy, tâm hồn lớn lao như vậy, có đóng góp như vậy mà cuối đời, sao mà tẻ lạnh, buồn tênh. Một ông già lụm cụm, râu tóc bạc phơ, một mình trong gian phòng vắng, ngoài trời mưa bay, cây bàng khẳng khiu, những chiếc lá cuối cùng đã rụng. Văn Cao nhìn "cây bàng mồ côi mùa đông" trong khi chiếc đồng hồ trên tường không ngừng nghỉ, điểm những giọt thời gian tích tắc, tích tắc. Những tiếng tích tắc ấy vang lên mênh mông trong gian phòng vắng như một câu hỏi mơ hồ nhưng khắc nghiệt: đến bao giờ.
Đến bao giờ xuất hiện dấu chấm hết cho một đời người, bởi vì không ai tránh khỏi: con người sinh ra là để chết (l'homme, un être mortel). Những tiếng tích tắc ấy như những giọt cường toan nhỏ xuống lòng người.
Khi cuốn băng này ra đời (1994) Văn Cao đã bước qua ngưỡng cửa "thất thập cổ lai hi". Không nói ra nhưng hình như những người dựng cuốn băng này muốn thực hiện một khúc bi ca, viếng người còn sống: sợ không làm thì không kịp nữa, thời gian gấp gáp đuổi theo sau lưng. Cũng có thể những người thực hiện cuốn băng thấu hiểu cái lẽ "sinh ký tử qui" giống như người xưa, có tuổi rồi là sắm một "cỗ áo" để sẵn trong nhà phòng khi hữu sự. Hay là bắt chước mấy ông nhà Nho già ngày trước, thân với nhau đến độ làm sẵn những câu đối sinh vãng (làm sẵn từ khi còn sống) để lỡ khi bạn mình nằm xuống thì đã có sẵn câu đối, cứ thế mà treo lên. "Người sắp chết nói lời khôn - Chim sắp chết tiếng kêu thương" xem cuốn phim video này nó thảm, nó buồn là vì vậy. Ở Úc này, nghe nói có loài chim thorn bird (cũng như có cuốn tiểu thuyết lừng lẫy The Thorn Bird). Giống chim này hót hay nhất, thê thiết nhất, tuyệt vời nhất khi chiếc gai nhọn đâm thấu vào tim, máu chảy tràn trề. Máu trong tim vừa cạn thì khúc bi ca cũng vừa chấm dứt.
Cái cảm giác thảm thê, rờn rợn khi xem cuốn video này của tôi đã dự báo đúng. Văn Cao, con chim thorn bird Việt Nam đã mất vào tháng 7 năm 1995. Những người yêu mến Văn Cao đã kịp thời thực hiện cuốn băng này trước khi không còn kịp nữa.
. . . . . .
Đầu thập niên 40 tôi là một anh học trò mới lớn, tuổi mười lăm mười bảy. Thời kỳ ấy tôi thuộc nằm lòng Thăng Long Hành Khúc của Văn Cao: "Cùng ngước mắt về phương Thăng Long thành cao đứng. Trông khói sương chiều ám trên giòng sông". Tôi cũng bắt đầu say mê Buồn Tàn Thu với lời đề tặng đáng ghi nhớ của tác giả trên đầu bài hát. "Thân tặng Phạm Duy, kẻ du ca đã gieo nhạc buồn của tôi đi khắp chốn". Lúc bấy giờ Phạm Duy đang đi theo các đoàn cải lương suốt từ Bắc vào Nam và ngược lại. Giữa hai màn cải lương, Phạm Duy ôm đàn ra hát ..."Đêm tàn thu tới, nghe mùa đông đang rớt rơi theo lá vàng. Em ngồi đan áo. Lòng buồn vương vấn. Em thương nhớ chàng." Lối hát ấy, thời bấy giờ gọi là entre-scènes. Và Phạm Duy cho tới nay vẫn tự xưng là một kẻ hát rong, chính đã bắt đầu như vậy.
Cách mạng tháng tám bùng lên. Như một trò chơi hấp dẫn, người học trò mới lớn ném cả tâm hồn và thể xác vào cuộc đấu tranh dành độc lập cho xứ sở. Văn Cao lúc ấy nổi lên rực rỡ như một khuôn mặt điển hình của thanh niên. Vừa mang súng lục làm trưởng ban ám sát thành (Tô Hiệu - Hải Phòng) vừa là nhạc sĩ sáng tác những bản nhạc đấu tranh cách mạng: Tiến Quân Ca, Bao Chiến Sĩ Anh Hùng, Hải Quân Hành Khúc, Không Quân Hành Khúc, Bắc Sơn v.v...
Không những thế con người cách mạng ấy còn là tác giả những khúc tình ca ngây ngất: Suối Mơ, Thiên Thai, Đàn Chim Việt, Trương Chi.
Cách mạng bùng lên, rồi kháng chiến trường kỳ ... Văn Cao là một nhà sáng tác lừng lẫy. Phạm Duy lúc bấy giờ là một ca sĩ hàng đầu, được yêu mến khắp mọi nơi ...
. . . . . .
Một hôm ông anh tôi mới hỏi tôi "Muốn đi gặp Văn Cao không?" Thời kháng chiến 9 năm, Văn Cao là một tên tuổi lẫy lừng khắp nước, ai mà không hát Tiến Quân Ca, Bao Chiến Sĩ Anh Hùng ... ai mà không ngâm ngợi "Từng hẹn mùa xưa cùng xây nhà bên suối ..." Cho nên tôi nao nức đạp xe theo ông anh tôi liền. Từ quê tôi qua Thạch Thất tới Cầu Trò rồi theo đường liên tỉnh (lúc đó đã phá hoại, đào đường kháng chiến ngang dọc khắp nơi, nhưng xe đạp vẫn còn đi được) lên thị xã Sơn Tây. Từ Sơn Tây qua Quảng Oai lên bến Trung Hà. Ở đây phải đi đò qua sông Cái (sông Hồng) sang một thành phố ngã ba bên kia sông: Việt Trì. Ngày xưa chỗ này gọi là Ngã ba Hạc. Việt Trì là một thành phố trại lính. Thời Pháp thuộc có hẳn một binh đoàn lê dương (légion Việt Trì) trấn đóng khu vực chiến lược này. Đây là địa đầu của trấn Sơn - Hưng - Tuyên trong yếu ngày xưa (Sơn Tây - Hưng Hóa - Tuyên - Quang).
Sang đến bên kia sông, ông anh tôi đi tìm một người bạn "thổ công" ở miền đất này. Đó là nhạc sĩ Lưu Bách Thụ, tác giả Con Thuyền Xa Bến. "Theo gió thuyền xuôi, sóng đưa bèo trôi". Theo ông anh tôi kể lại, Lưu Bách Thụ nguyên là lính kèn ở thị trấn này. Bây giờ ông không thổi kèn la vầy tò te, tí tét nữa mà ông sáng tác nhạc cải cách và trở thành ông bầu văn nghệ của Việt Trì.
Hôm nay, Ca kịch Giải Phóng đoàn văn nghệ đầu đàn thời ấy, gồm những khuôn mặt lớn như kịch sĩ Song Kim (bà Thế Lữ), Phạm Văn Đôn (kiêm họa sĩ, nhạc sĩ), các ca sĩ Phạm Duy, Mai Khanh, Phạm Đình Viêm (Hoài Trung sau này), nữ ca sĩ Thương Huyền, Hoàng Oanh (Hoàng Oanh xưa ở Hải Phòng không phải Hoàng Oanh bây giờ) v.v...
Văn Cao ngoài tư cách là nhạc sĩ sáng tác còn kiêm nghề tiền đạo diễn (élément précurseur) đi trước một bước để sắp xếp nơi diễn và lo liệu nơi ăn chốn ở cho đoàn kịch. Đoàn chưa đến nhưng Văn Cao đã có mặt trước ở Việt Trì. Tôi theo ông anh và nhạc sĩ thổ công Lưu Bách Thu tới một quán nước ven bờ sông. Ở đó tôi gặp một người đàn ông còn trẻ chừng 24, 25 tuổi nhưng có vẻ muốn làm già đi với cái mũ nồi sụp trước mắt và chiếc pipe phì phà khói. Người thanh niên này không đẹp trai, phải nói như vậy, nhưng có một phong cách khác người, một vẻ tự tin đặc biệt. Ông anh tôi khẽ nói với tôi "Văn Cao đấy". Đến lượt tôi tiến tới bắt tay, anh tôi bỏ nhỏ "Cậu em tôi ở quê nhà, muốn được gặp Văn Cao". Người thanh niên không nói gì chỉ giơ tay bắt, con mắt nheo lên một nét cười thầm lặng.
NS Văn Cao năm 20 tuổi
Lúc bấy giờ, tôi chỉ là một anh "nhóc" mới lớn lên, 19 tuổi, nên ngồi lặng im nghe các đàn anh chuyện vãn. Một lát sau, bún riêu, cà phê xong xuôi, ông anh tôi và Lưu Bách Thụ vội vàng đi vì nghe tin thuyền buồm chở đoàn kịch đã tới. Chỉ còn Văn Cao và tôi ngồi lại. Văn Cao vẫn không ngớt phì phà khói pipe. Tôi rụt rè nêu câu hỏi: "Dạo này, hát bài của anh sướng quá. Từ các bản cách mạng Tiến Quân Ca, Bắc Sơn sang các bản trữ tình suối Mơ, Thiên Thai. Dạo năm ngoái triển lãm tranh Cách Mạnh tháng 8 ở Khai Trí Tiến Đức còn thấy bày tranh của anh nữa. Rồi thơ "Chiếc Xe Xác Qua Phường Dạ Lạc". Văn Cao giơ tay như muốn ngắt lời tôi "Tôi hiểu ý của bạn rồi. Có phải bạn muốn hỏi rằng tôi rồi đây sẽ nghiêng về địa hạt nào?" Tôi gật đầu, đồng ý. Văn Cao nói tiếp "Tôi sống với cả ba, nhưng thời kỳ qua có thể gọi là thời kỳ nhạc, thời của Cách mạng, của kêu gọi, của đám đông. Đến một lúc nào đó, con người phải quay về với nội tâm mình, có lẽ thời kỳ đó đối với tôi là thời kỳ thơ, thời kỳ họa."
Với lại về nhạc, dạo này có một người bạn tôi, mới sáng tác nhưng anh ta có một sensibilité kỳ lạ (tôi còn nhớ nguyên chữ sensibilité nói rât trang trọng của Văn Cao) - Người ấy là Phạm Duy ...
Thành phố trại lính Việt Trì cũng như các thành phố khác lúc bấy giờ đang tiêu thổ kháng chiến. Một rạp hát đã phá bỏ mái, không còn tường bao xung quanh, nhưng sân khấu vẫn còn. Buổi trình diễn của đoàn ca kịch Giải Phóng cho quân, dân, chính Việt Trì được tổ chức trong nhà hát ấy. Không có ghế, mọi người phải ngồi xổm xuống sàn mà coi. Có kịch "Trả con tôi đây" do những kịch sĩ danh tiếng một thời trong ban kịch Thế Lữ thủ diễn. Có đơn ca của Thanh Huyền "khi bước đi vó câu xa xa dồn bao nhớ thương". Có tam ca Hòn Vọng Phu I do Phạm Duy - Mai Khanh - Thương Huyền trình bày. Có những bài hát hài hước "Con vỏi con voi cái vòi đi trước", "Con mèo mày trèo cây cau" của Nguyễn Xuân Khoát do giọng ca trầm ấm và dí dỏm Phạm Đình Viêm (Hoài Trung) diễn tấu. Có đơn ca của giọng hát đang được yêu chuộng nhất lúc bấy giờ Phạm Duy. Ca sĩ đêm nay hát bài của anh vừa sáng tác xong: Chiến sĩ Vô Danh. Anh đã cúi đầu chào khán giả và định rời sàn diễn thì một tiếng hô không biết của ai vang lên "Trương Chi mới, Trương Chi mới".
Những tiếng hô tiếp nối Trương Chi mới, cùng tiếng vỗ tay từng chập nổi lên. Hồi đầu thập niên 40, Văn Cao đã sáng tác một bài Trương Chi. Bài hát chưa được phổ biến rộng rãi, mới được lưu hành hạn hẹp trong một số người thân quen với tác giả. Nhưng giờ đây sau Cách mạng tháng 8, 1945 Văn Cao sáng tác một bài Trương Chi khác, được coi là một thành tựu mới. Bài Trương Chi này chưa được chính thức phát hành; nó là bài hát đang được kiếm tìm, đang được ưa chuộng của người thưởng ngoạn. Cùng một lúc với những bài hát Cách Mạng sục sôi như Tiến Quân Ca, Bao Chiến Sĩ Anh Hùng, Bắc Sơn, Không Quân, Hải Quân ... Người ta còn tìm thấy nơi Văn Cao một nguồn suối những bàn tình ca thần thoại: Bến Xuân, Suối Mơ, Thiên Thai, Trương Chi ... Người ta bàng hoàng ngơ ngẩn, choáng ngợp trước tâm hồn giàu có và đa dạng của tác giả.
Phạm Duy người ca sĩ thời danh đã ôm guitare bước ra tiền trường sân khấu. Mắt kính trắng loáng lên trước ánh đèn "măng xông". Anh nghiêng đầu, tay vuốt nhẹ một arpège dẫn vào khúc dạo của Trương Chi. Cả thính phòng im phắc. Chỉ nghe một tiếng hát không phải từ cuộc đời này mà từ một tiền kiếp xa xôi nào vọng lại:
"Một chiều xưa trăng nước chưa thành thơ
Trầm trầm không gian mới rung thành tơ ..."
Đối với anh em văn nghệ, buổi trình diễn đầu năm 1947 ở Việt Trì chỉ là "công tác". Cuộc gặp gỡ sau khi trình diễn mới là đáng kể. Chiến tranh toàn quốc mới nổ ra mấy tháng, nhưng súng đạn làm cho những cuộc gặp gỡ bất ngờ trên đường kháng chiến thêm đậm đà ý nghĩa. Chỉ mấy tháng thôi nhưng Hà Nội - Hải Phòng đã thấy vời vợi xa. Vùng ánh sáng mờ mờ kia đó là Hà Nội, nhưng đâu còn về được. "Thương nhớ ơ hờ thương nhớ ai. Sông xa từng lớp lớp mưa dài" (1). Trong cơn mưa đêm lấm tấm của một mùa xuân muộn, mấy người bạn văn nghệ tìm đến nhau. Nhạc sĩ "thổ công" Lưu Bách Thụ và cũng là "khổ chủ" đưa mấy người bạn thân đi khoản đãi riêng. Trong một căn phòng nhỏ còn lại của một nhà khách địa phương đang phá hoại dở, mọi người tụ tập, uống rượu mía đặc biệt Quảng Oai, ăn cháo gà. Căn phòng nhỏ lù mù dưới ánh đèn dầu hỏa chỉ có dăm bảy người chen chúc. Có Văn Cao, Phạm Duy, Thương Huyền, Hoàng Oanh, khổ chủ Lưu Bách Thụ và ông anh tôi, Trần Ngọc D. Tôi may quá được "ăn theo".
Trong số các khuôn mặt hiện diện theo lời ông anh tôi cho biết, đáng lưu ý nhất là nữ ca sĩ Hoàng Oanh. Hoàng Oanh là một người đẹp "huyền thoại" của Hải Phòng. Ở đây có hai người Hải Phòng: Văn Cao và Hoàng Oanh. Đầu thập niên 40, Hoàng Oanh đã là nguồn cảm hứng để Văn Cao sáng tác khúc tình ca bất hủ Bến Xuân "Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước. Em đến tôi một lần ..." Đó là Hoàng Oanh đến thăm Văn Cao trên bến đò Rừng. Có lẽ người đẹp chỉ đến một lần, rồi không đến nữa nên trong lời ca thứ hai của bài Bến Xuân, Văn Cao kể lể "Chiều nay tôi vẫn còn ngơ ngác. Em đến tôi một chiều. Bến nước tiêu điều còn hằn in nét đáng yêu".
Nàng không đến nữa, tất cả chỉ còn là kỷ niệm. "Không có em, cõi nhân gian này hoang vắng" (un seul être vous manque, tout est dépeuplé) (2). Vì vậy nên Văn Cao sáng tác Bến Xuân như một hoài niệm xót xa và đẹp đẽ nói về một cuộc tình vừa mới nhen lên đã tắt.
Được biết người đẹp Hoàng Oanh sau đó đã lên xe hoa, về làm vợ một nhạc sĩ rất tiếng tăm thời ấy cũng ở Hải Phòng, bỏ lại Văn Cao, bỏ lại căn nhà "bên chiếc cầu soi nước". Nhưng "hồng nhan đa truân" người đẹp Hoàng Oanh vui duyên mới đâu được vài năm, người chồng, người nhạc sĩ tài danh vắn số kia tạ thế. Hoàng Oanh trở thành một góa phụ đa cảm đa sấu.
Chiến tranh toàn quốc, người góa phụ đi theo ban ca kịch, đi kháng chiến để phần nào nguôi ngoai quên sầu muộn. Theo con mắt tôi, một gã thanh niên vừa lớn thì Hoàng Oanh vẫn đẹp não nùng. Không phải là cái đẹp mơm mởn của tuổi dậy thì, mà là cái đẹp tròn đầy của một trái cây vừa chín tới.
Bữa ăn đêm ấm bụng thêm vào chất rượu đặc sản Quảng Oai, Sơn Tây, rượu mía ngọt lừ mà say lúc nào không biết. "Thổ công" Lưu Bạch Thụ tay cầm ly rượu ngất ngưởng đứng lên "Đêm nay, không ngờ lại được gặp Văn Cao và Hoàng Oanh ở đây, hai người con yêu của Hải Phòng mà cũng là hai nhân vật chính trong bản tình ca Bến Xuân bất hủ. Để mở đầu cuộc họp mặt văn nghệ thân hữu đêm nay, yêu cầu anh Phạm Duy hát lại Bến Xuân ..." Tiếng vỗ tay hưởng ứng vang lên trong căn phòng nhỏ. Trong khi Phạm Duy đi tìm cây đàn guitar tròng vào vai, Văn Cao cảm khái ngâm hai câu thơ dẫn nhập "Chiều nay run rẩy thơ đôi cánh. Một cánh chim xưa đến lạc loài". Lời thơ chìm vào âm điệu trầm buồn dìu dặt của cung Rê thứ. Phạm Duy bắt đầu hát:
"Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước
Em đến tôi một lần
Bao cánh chim rừng, rập rờn trên khắp bến Xuân ...
. . . .
Dìu vai theo dốc suối mơ ven đồi
Còn thấy chim ghen lời âu yếm
Tới đây sao thấy lòng ngập ngừng
Mắt em như dáng thuyền trên nước
Tà áo tung bay nghe thoáng nhẹ thẹn thùng ngoài Bến Xuân ...
Sương mênh mông che lấp kín non xanh
Về đâu buồm nâu còn trên lớp sóng Xuân
Ai tha hương nghe réo rắt oanh ca
Cánh nhạn vào mây thướt tha
Lưu luyến tình vừa qua ... "
Từ khi nghe bài Bến Xuân năm ấy đến nay đã gần 50 năm trôi qua. Ngày ấy tôi là một thanh niên vừa mới lớn mà bây giờ, tôi đã là một anh già "thất thập" ... Nửa thế kỷ ... thời gian đâu có ngắn nhưng mỗi khi nhớ lại bài Bến Xuân, tôi lại thấy suốt châu thân rờn rợn. Phạm Duy không phải là một giọng ca vàng, nhưng Phạm Duy hơn người ở chỗ anh biết nắm lấy cái "thần" của từng bài hát. Bài hát đã thấm vào tâm hồn ngây dại của tôi lúc ấy và ở lại đó y nguyên.
Ở trên đời này có biết bao nhiêu mối tình dang dở, nhưng đối với tôi không có cuộc tình nào dở dang, trữ tình, dìu dặt xót xa như Bến Xuân năm ấy. Có thể khung cảnh đặc biệt trong một đêm Xuân ở Việt Trì đã ghi khắc vào tâm hồn non dại của tôi những dấu vết không phai.
Hai người tình xưa gặp lại nhau trong một đêm xuân mưa bụi. Gặp nhau đây, bao kỷ niệm xưa bừng dậy nhưng ngày mai ... không hứa hẹn gì. Chiến tranh, đổ nát, chia ly. Kỷ niệm xưa càng đẹp, chia tay bây giờ lại càng đau xót. Bất giác tôi nhớ một câu thơ của J. Prévert "Moi qui t'aimais. Toi qui m'aimais. Mais la vie sépare ceux qui s'aiment" (Tôi yêu em và em yêu tôi, nhưng những kẻ yêu nhau thường bị cuộc đời chia rẽ).
Theo tôi nghĩ, một bài hát mà mình yêu thích thường đánh dấu một quãng thời gian, không gian nào đó, khắc ghi một kỷ niệm đáng nhớ trong đời. Bài hát ấy, thời, không gian ấy, ca sĩ ấy ... tất cả tạo thành một dấu ấn không quên. Đối với tôi bài Bến Xuân là một vùng kỷ niệm của ngày đầu đi kháng chiến chống Pháp, có "giăng giăng mưa bụi qua phòng tuyến" có đôi người tình cũ Văn Cao - Hoàng Oanh gặp nhau rồi xa nhau, có bến giang đầu Ngã ba Hạc - Việt Trì thê thiết, có giọng hát thấm vào hồn người Phạm Duy. Nó cũng đánh dấu thời kỳ đầu đi kháng chiến của bao nhiêu lứa thanh niên kẻ trước người sau, nô nức đi vào ngày hội lớn.
Vào khoảng giữa năm 1947, ông anh tôi Trần Ngọc D. không "công tác" ở vùng Sơn Tây nữa, lúc bấy giờ thuộc khu 2, mà đi lên khu 10 tận Việt Bắc - Lào Kay mở một cái "quán biên thùy" ở miền biên giới Hoa - Việt. Tôi cũng không biết việc đó là buôn bán tư nhân hay là công tác nữa. Ông anh tôi lúc nào cũng giữ đúng qui luật, "bem" tuyệt đối. Chỉ biết là một bộ phận nhạc trong đoàn ca kịch Giải Phóng tách ra lên Lào Kay, trong đó có Phạm Duy ở quán Biên Thùy. Ít tháng sau, trong những lượt về thăm quê, ông anh tôi có mang theo những sáng tác mới của Phạm Duy như Bên Cầu Biên Giới, Thu Chiến Trường, Nợ Xương Máu v.v... Tôi bắt đầu nghĩ đến từ sensibilité (sự mẫn cảm) mà Văn Cao hôm nào trong quán nhỏ bên sông đã đặc biệt nói về Phạm Duy. Đây cũng là một khúc rẽ để Phạm Duy từ một ca sĩ chuyển sang phần đất chính của anh: sáng tác.
Bữa ở Việt Trì khi tôi từ biệt đoàn ca kịch Giải Phóng trở về Quốc Oai, Phạm Duy có chép tặng tôi bài Bến Xuân của Văn Cao có ký tên Phạm Duy mà tôi còn nhớ mãi nét phẩy cuối cùng của chữ Y trong chữ ký được Phạm Duy xoáy vòng trong vòng ngoài như một con ốc vặn. Sự lập dị của nghệ sĩ, sự "chơi trội" của một tài danh, không biết nữa, nhưng bản thân tôi giữ bài Bến Xuân này rât kỹ.
Theo tôi được hiểu, tình hình chiến sự không cho phép tổ chức một đoàn ca kịch lớn lao và cồng kềnh như đoàn ca kịch Giải Phóng. Chiến tranh du kích thì văn nghệ cũng phải du kích. Phải chia ra từng nhóm nhỏ, bám trận địa, bám nhân dân mà trình diễn. Chiếc thuyền buồm lớn chở đoàn ca kịch chỉ trình diễn thêm một điểm nữa ở Vân Đình là giải thể. Cho nên bữa chia tay ở Việt Trì hôm ấy không khí đã bâng khuâng. Thuyền đã nhổ neo rồi. Đoàn đã đi. Phạm Duy, ông anh tôi Trần Ngọc D. cũng đi theo đoàn kịch.
Trên bến Việt Trì, chỉ còn tôi ngồi lại với Văn Cao. Văn Cao nắm tay tôi khá chặt, không lặng lờ "cảnh vẻ" như lần trước. "Mình còn gặp nhau nữa chứ. À bientôt", anh nói vậy trước khi chia tay. Tôi đạp xe đi được một đoạn, quay lại nhìn thấy Văn Cao, cái mũ béret basque kép sụp xuống mắt đang đứng sững một mình trước bến Việt Trì chập chùng sông nước.
Anh hẹn "sớm gặp lại nhau" (à bientôt) nhưng trong chiến tranh, mấy ai giữ được lời ước hẹn. Sớm gặp lại nhau. Sớm là bao nhiêu lâu? Một vài tuần, một vài tháng, một vài năm? Ở đây là 50 năm, tôi mới được gặp lại anh. Mà không phải gặp Văn Cao bằng xương bằng thịt, mà chỉ gặp một hình bóng Văn Cao thấp thoáng trên băng nhựa. Văn Cao thật sự đã nằm yên trong lòng đất. Con chim thorn bird Việt Nam đã cạn khô giòng máu, tắt hơi rồi.
Mỗi khi xem cuốn băng Văn Cao, giấc mơ một đời người, tôi lại chìm trong kỷ niệm. Đặc biệt là bài hát Bến Xuân. "Tôi yêu thầm một người con gái mà không dám nói ra. Nhưng người con gái ấy hiểu lòng tôi và đến với tôi. Nên mới có câu "Em đến tôi một lần". Tác giả Văn Cao đã dẫn nhập như vậy trước khi đi vào bài hát nhưng khi ca sĩ trình bày, nó không phải là Bến Xuân mà là bài Đàn Chim Việt. Bài Bến Xuân đã từng thấm vào tâm hồn tôi từ 50 năm về trước; đó là một bản tình ca diễm tuyệt, làm gì có "hoàng hôn Thái Nguyên tung hoành", với "Bắc Sơn kia thời tung cánh". Hai người tình đi với nhau dưới nắng xuân đầm ấm, thì giờ đâu mà nhớ đến "mấy đồi Yên Thế". Không có Đàn Chim Việt nào bay từ Bắc sang Trung.
Bản tình ca dìu dặt Bến Xuân thời kỳ Cách Mạng 1946 đã được cải trang thành Đàn Chim Việt. Không biết sự cải trang này là do chính tác giả Văn Cao hay do nhà xuất bản muốn phục vụ đúng lúc, đồng thời tung ra một món hàng ăn khách. Chưa biết được. Phục vụ một giai đoạn Cách Mạng, hoặc là làm vừa lòng một phong trào thời thượng, mượn giai điệu Bến Xuân trở thành Đàn Chim Việt, tạm cho là được đi. Nhưng 50 năm sau thực hiện một cuốn băng video ghi dấu một chặng đường sáng tác của một tác giả lớn, có giá trị như một lễ vật viếng người còn sống thì không thể "nhập nhằng" như thế được.
Phải trả cho Caesar cái gì của Caesar, phải trả lại Bến Xuân cho cuộc tình đắm say và dìu dặt của Văn Cao. Tình ca là tình ca, bài ca Cách Mạng là bài ca Cách Mạng, không nên "nửa dơi nửa chuột" như thế. Nó vừa thất lễ với tác giả Văn Cao, mà làng âm nhạc VN cũng thiếu vắng đi một bản tình ca đặc sắc.
Không biết tôi có quá yêu bài hát Bến Xuân, quá yêu kỷ niệm của tôi hay không? Nhưng bữa nào gặp lại Phạm Duy (tôi hi vọng là gặp sớm) tôi sẽ xin anh hát lại Bến Xuân; chắc chắn, dù đã nửa thế kỷ trôi qua, Phạm Duy vẫn sẽ hát "Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước. Em đến tôi một lần" ...
"Văn Cao Giấc Mơ Một Đời Người" tôi xem đi xem lại mấy lần mà lần nào cũng buồn hiu hắt. Nửa thế kỷ nay không gặp lại Văn Cao ... từ một thanh niên kiêu mạn, tự tin ngày nào anh đã trở thành một ông già đầu râu tóc bạc, lụm cụm chống gậy đi tìm dĩ vãng. Cái đổi thay thể chất không nói làm gì "Được là bao cái thân người, mà cay đắng trải mọi mùi thế gian" nhưng cái khiến tôi âm thầm ái ngại là cái tự tin, kiêu mạn ngày nào nơi anh đã mất. Tụi tôi một lũ người thua trận ở xứ tạm dung này cứ mỗi khi thời tiết đổi thay là lại ngóng về quê hương mà thở dài; anh ở quê nhà, lại là tác giả bài "quốc ca" mà cũng buồn bã, cô đơn như vậy hay sao?
Anh nói nào là "Tôi luôn luôn thất bại ... trong tình yêu." "Tôi muốn tìm lại trong giấc mơ những gì tôi đã đánh mất trong những ngày trẻ tuổi." - "Không nên sống với những gì mơ mộng - cuộc sống không đạt được" v.v... Anh là Lưu, Nguyễn từ Thiên Thai trở về trần thế. Người cũ đã xa, suối mơ đã cạn "ngồi đây ta gõ ván thuyền, ta ca trái đất còn riêng ta".
Nhìn anh tôi lại nhớ đến ông anh tôi. Trần Ngọc D. bạn anh ngày nào. Ông anh tôi đi theo Cách Mạng suốt cả một đời người mà kết thúc cuộc đời cũng âm thầm tức tưởi. Chết rồi, chết ở Paris. Tự tử bắn một phát súng vào đầu. Ông anh tôi "bem" suốt đời nên bà chị tôi cũng không hiểu vì sao mà ông anh tôi lại liều mình như vậy. Tôi đi tù cải tạo về năm 1985, nhận được thư bà chị tôi từ Hà Nội báo tin như thế.
Đây cũng là giấc mơ thê thảm của một đời người.
1) Thơ Quang Dũng
2) Thơ Lamartine
- Kỷ Niệm 'Tao Đàn' Phan Lạc Phúc Hồi ức
- Chia Tay 'Tao Đàn' Phan Lạc Phúc Hồi ức
- Con đường bè bạn Phan Lạc Phúc Bút ký
- Văn Cao: Giấc mơ một đời người Phan Lạc Phúc Tạp bút
- Nhớ Phạm Đình Chương Phan Lạc Phúc Tạp bút
• Đôi Nét Về Văn Cao Của Hội Họa (Huỳnh Hữu Ủy)
• Tiểu sử Văn Cao (Học Xá)
• Văn Cao "Mùa Xuân Đầu Tiên" (Đào Như)
• Văn Cao: Giấc mơ một đời người (Phan Lạc Phúc)
• Nhạc sĩ Văn Cao (1923 - 1995) (Nguyễn Đình Toàn)
Tản mạn về người viết Quốc ca Việt Nam
(Nguyễn Thanh Giang)
Tiểu Sử (Wikipedia)
• Trang Thơ Văn Cao (Văn Cao)
• Những ngày báo hiệu mùa Xuân (Văn Cao)
• Anh có nghe không (Văn Cao)
• Năm buổi sáng không có trong sự thật (Văn Cao)
• Ba Biến Khúc Tuổi 65 (Văn Cao)
Trường Ca Sông Lô (Ánh Tuyết)
Thiên Thai (Ánh Tuyết)
Buồn Tàn Thu (Lê Dung)
Bến Xuân (Cao Minh)
Làng Tôi (Hợp ca)
Ngày Mùa (Hồng Nhung)
Trương Chi (Ánh Tuyết)
• Làm sao nói hết niềm riêng: Có những niềm riêng (Lê Tín Hương) (Lê Trung Ngân)
• Nhạc Nhái và Nhạc Chế (Song Thao)
• Đêm Sài Gòn Xưa (Huyền Chiêu)
• Ảo giác Trịnh Công Sơn (Lê Hữu)
• Nguyễn Đình Nghĩa - Bắt Đầu... Từ Một Đêm Trăng (Phan Nhật Nam)
• Theo Hoàng Thi Thơ, đi tìm lại đường xưa lối cũ (Cao Vị Khanh)
• Nhạc sĩ Vinh Sử kể tình đời qua những khúc bolero (Hoàng-Dung)
• Nhạc sĩ Hoài Nam và ca khúc “9 Tháng Quân Trường”: Gắn trên vai chiếc lon Chuẩn-úy… (Đông Kha)
• Nhạc vàng boléro, sến hay không sến? (Lê Hữu)
• Tô Vũ: Em đến thăm anh một chiều mưa (Hà Đình Nguyên)
Các nhóm nhạc (Wikipedia):
Myosotis, Tricéa, Tổng Hội Sinh Viên, Đồng Vọng
Nhạc sĩ:
Trang nhà:
Nhạc tuyển::
Dòng nhạc gợi nhớ Taberd75.com
Sài Gòn ơi! Vĩnh biệt Ngọc Lan
Mùa thu Paris Thái Thanh
Lòng Mẹ (Y Vân) Lê Tấn Quốc, Saxo
Hận Đồ Bàn (Xuân Tiên) Chế Linh
- Hình Ảnh Ca Nhạc Sĩ Sài Gòn trước 1975
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |