1. Head_
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Ảo giác Trịnh Công Sơn: C- Ảo giác tình yêu, sống và chết (Lê Hữu) Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

      6-10-2024 | ÂM NHẠC

      Ảo giác Trịnh Công Sơn

      C. Ảo giác tình yêu, sống và chết

          LÊ HỮU
      Share File.php Share File
          

       

      A. Ảo giác ngôn ngữ

      B. Ảo giác thưởng thức nhạc Trịnh Công Sơn

      C. Ảo giác tình yêu, sống và chết

      D. Ảo giác con người TCS

      E. “Những giấc mơ đời hư ảo”

      *


      1. Tình yêu


      “Thuở ấy có một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến trường. Đi đến trường mà đôi lúc dường như đi đến một nơi vô định... Người con gái đi qua những hàng cây long não ấy bây giờ đã ở một nơi xa, đã có một đời sống khác...” (3)


      Đấy không phải là chuyện... cổ tích. Người thuật lại câu chuyện ấy là TCS. “Người con gái rất mong manh” trong câu chuyện ấy tên là Diễm, có biệt danh “Diễm Xưa”.

       

      Diễm Xưa, mối duyên không thành của TCS, “đã ở một nơi xa, đã có một đời sống khác”, thế nhưng câu chuyện vẫn chưa chịu kết thúc, vì tên nàng hóa thành tên của một tình khúc TCS rất quen thuộc, được rất nhiều người yêu thích, và vì người ta vẫn còn muốn kéo dài thêm nữa câu chuyện kể, vẫn còn muốn đi tìm một kết thúc đẹp theo nghĩa nào đó, như là một… “hậu Diễm Xưa”. Chuyện tình có hậu kiểu “rồi… hai mươi năm sau” ấy có vẻ hơi “cải lương”: cô em gái của Diễm Xưa từ phương xa trở về để tìm chàng, mong nối lại... “tình chị duyên em”, nhưng mối “duyên em” ấy cũng không thành, và rồi nàng lại ra đi về phương trời xa, để cho Diễm Xưa mãi mãi là... Diễm Xưa. Cái đoạn kết chắp vá khá lâm ly ấy chắc hẳn đã được thêm thắt từ những câu hát:


      Hai mươi năm xin trả nợ người

      trả nợ một thời em đã bỏ ai...

      Hai mươi năm vơi cạn lại đầy

      trả nợ một thời môi vắng vòng môi

      (“Xin trả nợ người”)


      Câu chuyện đúng, sai thế nào chẳng ai biết được, có điều khi kể câu chuyện ấy bằng những lời lẽ như “người con gái rất mong manh..., đi đến một nơi vô định...”, có vẻ như TCS đã muốn phủ lên Diễm Xưa một lớp sương mù huyền hoặc và một vẻ đẹp diễm ảo, có thực và không có thực. Diễm Xưa, mối tình đầu của nhạc sĩ họ Trịnh chăng? Không đâu, đã “không có bài hát đầu tiên, bài hát cuối cùng”, nói như ông, thì làm gì có tình đầu, tình cuối. Ý niệm lần đầu, lần cuối trong tình yêu TCS thật mơ hồ:


      Đời sẽ buồn như một chiều nao

      Hôn nhau lần cuối / hôn nhau lần đầu

      (“Như một vết thương”)


      Cho dù Diễm có là gì, có ra sao đi nữa, ta cũng biết chắc một điều: “Diễm xưa” là mối tình đầu trong âm nhạc của TCS. Kể từ “Diễm xưa”, “kể từ TCS trở đi, các tình khúc đã đổi khác rất nhiều, và nền tân nhạc phải cảm tạ ông về sự khai phá đó”, (7) ca sĩ Quỳnh Giao, người từng thể hiện nhiều bản tình ca cũ, mới qua các thời kỳ của nền tân nhạc Việt, đã có lời nhận định như vậy.


      Trước “Diễm xưa” làm gì có những:


      Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau...

      Làm sao em biết bia đá không đau?


      Sau “Diễm xưa” ta mới có những:


      Hãy yêu nhau cho gạch đá có tin vui

      (“Hãy yêu nhau đi”)

       

      Phố em qua gạch ngói quen tên

      (“Em còn nhớ hay em đã quên”)


      Ngày mai em đi / sỏi đá trông em từng giờ

      (“Biển nhớ”)


      Tình yêu phả hơi thở, truyền cảm xúc đến cả những vật thể vô tri vô giác. Đâu đã hết, lại còn những:


      Gió sẽ mừng vì tóc em bay

      cho mây hờn ngủ quên trên vai

      (“Như cánh vạc bay”)


      Nhớ gì mà nắng vàng c nh rừng

      thương ai mà sương khuya vội vàng buông

      (“Vẫn có em bên đời”)


      Bằng những câu hát như vậy, TCS không chỉ làm mới ngôn ngữ mà còn vẽ lại khuôn mặt của tình yêu, một khuôn mặt rất riêng, không giống ai và không ai giống, khiến đôi lúc ta không hình dung nổi khuôn mặt ấy ra sao, như thế nào, có hay không, thực hay ảo.


      “Tôi chỉ có những mối tình lãng đãng, khói sương, hoàn toàn không có gì cụ thể. ‘Diễm xưa’cũng là một loại tình yêu như vậy” (3). Sau cùng thì tác giả những Tình khúc Trịnh Công Sơn cũng đã giải đáp thắc mắc về những “mối tình” của mình như vậy. “Không có gì cụ thể”, tôi không rõ chữ “cụ thể” ấy được hiểu theo nghĩa nào. Dầu sao ta cũng biết được rằng những Diễm (“Diễm xưa”), những Nguyệt (“Nguyệt ca”), những Quỳnh (“Quỳnh hương”)... vân vân, dẫu có những giai thoại, những câu chuyện kể (giống nhau và không giống nhau), đều không có vẻ gì là thực cả, đều chỉ là những mối tình chắc có chắc không, phất phơ “như thoáng gió thầm” vậy.


      Ta còn gặp những cách ví von khác. Tình là “nắng”:


      Tình mong manh như nắng

      (“Tình sầu”)


      Tình như nắng vội tắt chiều hôm

      (“Như một lời chia tay”)


      Tình là “gió”:


      Có chút tình thoảng như gió vội

      (“Như một lời chia tay”)


      Như là cơn gió / em còn cứ mãi bay đi

      (“Hoa vàng mấy độ”)


      Tình là “lá”:


      Tình như bỗng vàng bỗng xanh

      (“Tạ ơn”)


      Ru em tình như / trăm năm vẫn quay về

      (“Ru tình”)


      Đâu ngờ tình như úa

      khiến tôi chia lìa từng giấc mơ

      (“Trong nỗi đau tình cờ”)


      Tình là “đá”:


      Tình như đá hoài nỗi chờ mong

      (“Như một lời chia tay”)


      Tình yêu trong nhạc TCS là chiếc bóng lung linh, thấp thoáng, chập chờn, Tình không xa nhưng không thật gần... (“Như một lời chia tay”), thoắt ẩn thoắt hiện, rộn ràng nhưng biến nhanh... (“Tình sầu”). Những mối tình không hẹn mà đến / không chờ mà đi (“Bốn mùa thay lá”), nghĩa là chẳng có hẹn hò, thề thốt chi cả, cũng chẳng có ràng buộc gì nhau. Tất cả chỉ là “tình cờ”, Ta gặp tình cờ như là cơn gió (“Hoa vàng mấy độ”), hoặc coi như phút ấy tình cờ (“Nguyệt ca”). Nếu có những đớn đau thì cũng là Yêu trong nỗi đau... tình cờ (“Trong nỗi đau tình cờ”). Tình yêu tựa như những cánh bèo, cánh lá khô trôi theo dòng nước, có chạm vào nhau rồi cũng lại dạt ra, mỗi người một dòng chảy, một định mệnh.


      Những kẻ yêu nhau trong nhạc TCS dẫu có vươn những cánh tay thật là dài về phía nhau nhưng vẫn không sao chạm tay vào nhau được.


      Đối tượng chính của tình yêu, người nữ trong những lời nhạc TCS, gần như cùng một mẫu số chung: nhỏ nhắn, mỏng manh, những cánh tay dài ngoằng, những đôi vai gầy guộc như cánh cò cánh vạc, những mắt sâu hun hút, xanh xao, những đôi môi lửa cháy, những dòng tóc xõa bay ngang trời, những cánh áo chờn vờn như cánh bướm... như hình dạng các thiếu nữ ta vẫn nhìn thấy trong tranh của các họa sĩ thời thượng trên các bìa sách, các phụ bản thơ, nhạc, hoặc như những đường nét mờ mờ ảo ảo, lượn lờ, trôi đi chầm chậm bên trong chiếc đèn kéo quân vậy. Thực tế, biết tìm đâu cho thấy, biết kiếm đâu cho ra những mẫu người như vậy. Có lẽ do thể tạng yếu ớt, gầy gò nên TCS có khuynh hướng ưa chuộng những mẫu phụ nữ cũng vóc dáng mảnh mai, cũng “vai... anh gầy guộc nhỏ” như là ông vậy.


      “TCS, sao đến giờ này ông vẫn còn độc thân?” đã có người hỏi ông như vậy. Câu hỏi này chỉ có một mình ông trả lời được, nhưng ông lại chẳng bao giờ trả lời r ràng cả. “Hình như là tôi không có năng khiếu về việc xây dựng một tổ ấm riêng cho mình,” ông chỉ nói vậy, “và đến bây giờ tôi vẫn có thể khẳng định là thói quen sống một mình không gây khó khăn gì cho tôi cả”. (6) Có phải vì ông không thích bị ràng buộc mà chỉ muốn được là lá cỏ / ngồi hát ca rất tự do, hay vì ông quá nặng tình với mối tình đầu chưa nguôi, hay vì ông vẫn quý những tình bạn hơn là tình yêu, hay vì ông có trái tim quá lớn để có một tình riêng, hay vì..., tất cả đều không phải là những lời giải thích. Ông không lấy vợ là vì ông... không muốn lấy vợ, hoặc vì một lý do nào đó... chỉ mình ông biết. Tự mình biết riêng mình / và ta biết riêng ta... (“Ngẫu nhiên”), ông đã chẳng nói vậy sao? Ông chẳng hề nói cho ai biết, hoặc có nói cũng không chắc đã nói thật.


      Tình yêu là gì? Đã có người hỏi ông như vậy. Và ông trả lời: “Tôi không thể nói về một vấn đề mà chính bản thân mình hoàn toàn không hiểu..., và cho đến giờ này, phải nói thật một điều là tôi cũng không hiểu tình yêu thực sự đã cho tôi được những gì”. (3) Tôi tin là ông nói thật chứ không phải làm bộ. Ông không ở lại với mối tình nào và cũng chẳng có mối tình nào ở lại với ông.


      Một lần nữa, những người tin theo ông lại bị hụt hẫng, chới với. Một người từng viết biết bao bản tình ca làm rung động biết bao trái tim lại nói rằng không hiểu... tình yêu là gì! Liệu có ai tin được!?


      Ngay cách ông định nghĩa tình yêu cũng... không giống ai.


      Tình yêu như vết cháy trên da thịt người

      Tình yêu như trái chín trên cây rụng rời


      Có lúc là nỗi đau đớn và chết chóc.


      Tình yêu như nỗi chết / cơn đau thật dài


      Có lúc lại dữ dội như cơn địa chấn.


      Tình yêu như cơn bão đi qua địa cầu


      Những câu hát trên ở trong “Tình sầu”, một trong những bài hát tiêu biểu nhất về khuôn mặt của tình yêu, phác họa qua đường n t của cây cọ TCS. Tôi vẫn cho “Tình sầu” là một trong những bài hay nhất của ông nói về tình yêu.


      “Khi bạn hát một bản tình ca nghĩa là bạn đang muốn hát về cuộc tình của bạn...” (4), điều ông nói quả có đúng; hơn thế nữa, không phải chỉ khi hát, khi lắng nghe một bản tình ca cũng là khi lắng nghe im lặng cuộc tình (“Tôi đang lắng nghe”). Người ta thích “Tình nhớ” vì Tình ngỡ đã phôi pha / nhưng tình vẫn còn đầy, thích “Tình xa” vì Từng người tình bỏ ta đi / như những dòng sông nhỏ, thích “Tình sầu” vì Tình cho nhau môi ấm / một lần là trăm năm. Mọi người đều ít nhiều bắt gặp mình trong những câu hát ấy.


      Thực ra, ông thích nói về tình phụ hơn là tình yêu, làm như là ai đến với ông cũng chỉ rắp tâm phụ bạc ông vậy, và có vẻ “tình phụ” dễ tạo nguồn nhạc hứng cho ông viết nhạc hơn. “Cái may ở đời là được yêu và đôi khi cái may ở đời cũng là bị phụ tình,” (3) ông nói thế, không biết có phải để tự an ủi. Tuy rằng ông không viết thêm “Tình phụ” để kết hợp với “bộ ba” Tình nhớ-Tình xa-Tình sầu (chẳng có tình nào vui vẻ cả), nhưng những tình phụ, phụ tình vẫn trải đầy trong những lời nhạc của ông.


      Em phụ tôi một thời bé dại...

      Trả nợ một đời em đã phụ tôi

      (“Xin trả nợ người”)


      Ru em phụ rẫy trong ta...

      Yêu em / yêu thêm tình phụ

      Yêu em / lòng chợt từ bi bất ngờ

      (“Ru em”)


      Ông cũng viết về những duyên và nợ, những món nợ tình chẳng bao giờ thanh toán nổi.


      Trả nợ một đời không hết tình đâu

      (“Xin trả nợ người”)


      Ông muốn nói gì vậy?!


      Một định nghĩa khác về tình yêu của TCS:


      Đâu ngờ tình như l úa / khiến tôi chia lìa từng giấc mơ

      (“Trong nỗi đau tình cờ”)


      TCS, ông vẫn hay nói về những giấc mơ. Một bài hát có những lời và hình ảnh thật là đẹp nhưng lại ít được người nghe ở đây đón nhận chỉ vì có những câu mà người ta không muốn nghe chút nào, chẳng hạn Thành phố vẫn có những giấc mơ / vẫn sống thiết tha... (“Em còn nhớ hay em đã quên”). Nghĩ cho cùng, chẳng ai ngăn cấm được những giấc mơ. Ngay cả khi thân ta bị giam hãm, tù đày, những giấc mơ vẫn còn được tự do, vẫn cứ bay lượn như những cánh diều ở bên ngoài những vòng rào kẽm gai. Người ta đã không thể nhốt được gió thì cũng không thể nào giam giữ, bỏ đói, hay giết chết được những giấc mơ, và cuộc sống không thể nào thiếu được những giấc mơ. TCS, ông có một cái tội mà ngay chính ông cũng khó lòng tha thứ cho ông được (vì có tha thứ thì rồi cũng sẽ... tái phạm), đó là ông đã có những giấc mơ (chẳng hạn giấc mơ về thành phố mà ông đang sống, và giấc mơ nối được một vòng tay lớn). Ông đã sống cùng những giấc mơ đó, và đã chết cùng những giấc mơ đó. Chính những giấc mơ đó, chứ không phải ai khác, không phải điều gì khác, đã giết chết ông, đã hãm hại ông, đã khiến ông bị oán ghét. Nhưng ông không thể nào đổ lỗi cho những giấc mơ được, mặc dầu ông đã phải trả giá cho những giấc mơ ấy. Đã có ai đó nói rằng ca khúc TCS là “những bản tình ca không có hạnh phúc”, tôi nghĩ, đấy còn là những bản tình ca về những giấc mơ rạn vỡ.


      Những tình khúc TCS như vẽ ra một thế giới riêng. “Thế giới của riêng tôi là thế giới của mơ mộng hão huyền,” ông nói, “vừa thực lại vừa không thực, tuy nhiên bao giờ nó cũng ở cao hơn thực tại một chút...” (4) Thế giới nào vậy? Thế giới ấy ở đâu? Thế giới không tên gọi, hay gọi là “thế giới TCS” chăng? Cũng vì thế giới của ông nửa mộng nửa thực như vậy nên tình yêu của ông đã có lúc được xem như mặt hàng... giả: “Đã có không biết bao nhiêu là tình yêu giả. Cái giả mà rất thật trong đời... Người giả, người thật nhìn nhau lúc bấy giờ ngỡ ngàng không biết nói thế nào đây...” (3)


      Đôi lúc ông cũng thích dặm thêm ít “triết lý vụn” vào những cái thực và giả ấy nữa: “Bờ bến của một cuộc tình cũng không phải hẹp đâu. Có biết bao nhiêu kẻ đã bị dìm chết giữa dòng để mãi mãi không đến được bờ bên kia. Kẻ may mắn đến được bờ bên kia rồi, khi quay nhìn lại sẽ thấy rất rõ, sẽ nhận thức được mọi thất vọng, khổ đau đã qua đều là giả tạo, phù phiếm...” (3)


      Tình yêu trong thế giới TCS và trong những tình khúc của ông như thế không phải ảo giác là gì? Nói cách khác, tình yêu trong nhạc TCS như những đóa hồng kỳ ảo mà người ta chỉ có thể đứng ngắm nhìn từ phía xa chứ không lại gần được, và cũng vì vậy tình yêu ấy luôn luôn quyến rũ.


      Tuy vậy, có một tình yêu khác ông dành cho một người nữ mà tôi tin rằng đấy phải là tình “thực”: tình yêu ông dành cho người mẹ yêu quý của mình. Tình yêu ấy bộc lộ rõ nét nhất trong ngày người phụ nữ ấy lìa xa ông: “Khi cúi xuống hôn vầng trán lạnh lẽo của mẹ, tôi biết rằng từ nay sự lạnh lẽo ấy sẽ dần dần tràn ngập trái tim tôi. Mất mẹ là mất đi một tài sản lớn nhất trong toàn bộ sự giàu có của một đời người... Khi một người tình cho bạn một tình yêu thì trong trái ngọt đã có lẫn vị đắng. Chỉ có tình yêu của mẹ là không vụ lợi. Chỉ có ở người mẹ, bạn mới có thể tìm được lòng chung thủy tuyệt đối. Ở trái tim người mẹ, chỉ có sự tràn đầy, không có bớt đi hoặc thêm vào gì được nữa...” (2)


      Tất cả những bà mẹ trên đời đều giống nhau. Tình yêu của người mẹ đối với những đứa con và tình yêu của đứa con dành cho những người mẹ đều không phải là “tình yêu giả”, và cũng không phải là ảo giác.


      Nguồn: Kệ sách Học Xá (Bản in đầu tiên năm 2011)
      Tranh bìa: Nguyễt Cầm, họa sĩ Ái Lan - Ảnh bìa sau: Lê Hữu Nghị

      2. Sống và chết


      Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ (“Mưa hồng”), nghe Ngọc Lan, cô ca sĩ thanh sắc vẹn toàn mà mệnh bạc, hát những lời ấy mới thấy đời sống này quả là ngắn ngủi, mới thấy cần phải gấp rút “yêu nhau đi chiều hôm tối rồi” chứ chẳng nên hờ hững với cuộc đời.


      Tình yêu và cái chết hầu như sánh đôi nhau trong nhạc TCS. Một ý niệm vẫn hay được TCS lập đi lập lại: mọi vật đến rồi đi như một dòng chảy tự nhiên, liên tục, không có cái đầu tiên và cũng không có cái sau cùng. “Bài hát cuối cùng mãi mãi chỉ là một giấc mơ. Đã không có bài hát cuối cùng thì cũng chẳng có bài hát đầu tiên...”, (4) khi người ta hỏi TCS “Bài hát đầu tiên là bài gì?”, ông trả lời đại khái như vậy. Câu trả lời “huề vốn”, loanh quanh, lòng vòng theo lối nói cố hữu của ông, để tránh không phải nói thật, cũng tựa như cách người ta lẩn tránh “thật thà khai báo” tuổi tác của mình.


      Không có cái chết đầu tiên

      Đâu có cái chết sau cùng

      (“Ngẫu nhiên”)


      Câu này lại càng khó hiểu. Ai cũng biết là sống và chết đều chỉ một lần, làm gì có chuyện “chết đi sống lại” hay “chết lên chết xuống”, như những câu thơ Đynh Trầm Ca thuở nào.


      “Hôm qua tôi bỗng chết hai lần

      té ngửa trên bờ dĩ vãng xanh

      Hôm nay bỗng chết thêm lần nữa

      té sấp trên đường tương lai đen”

      (“Những trận chết”)


      Chết một lần cũng đủ... chết rồi! Không thể nói rằng “cái chết này mới chỉ là cái chết đầu tiên”, hoặc “chưa phải là cái chết... sau cùng”, hoặc “đâu đã chết mà chỉ là một hôm buồn lên núi nằm xuống (“Tự tình khúc”). Nếu quả là ông chưa chết thật như cách nói ấy thì cái chết của ông, theo như ta được biết, cũng chỉ là... ảo giác (ít ra là đối với những người còn chưa muốn ông chết). Ở đây không phải là chuyện “chết đi sống lại”, thế nhưng cái ranh giới giữa sống và chết, giữa bến và bờ ấy, nói như ông, đôi lúc nhạt nhòa, chẳng còn phân biệt được đâu vào đâu.


      “Sự mất mát và cái chết là nỗi ám ảnh lớn nhất đời tôi” (3), ông đã có lần bộc lộ như vậy. “Nỗi ám ảnh” này đi theo ông rất sớm, từ thuở tóc xanh mấy mùa cho đến khi chập chờn lau trắng trong tay. Ông đã sống từng ngày / chết từng ngày, đã sửa soạn, đã sẵn sàng để chào đón cái chết như kẻ đợi chết mỗi ngày. “Con người sinh ra chỉ để chờ chết,” ông nói vậy, “một cuộc hẹn hò có khi dài hạn, có khi ngắn hạn, nhưng tựu chung không có gì vui vẻ.” (3) “Nỗi ám ảnh” ấy cũng theo ông đi vào những ca khúc.


      Còn sống một ngày là hẹn chết mai đây

      (“Buồn từng phút giây”)


      Một ngày kia đến bờ / đời người như gió qua

      (“Phôi pha”)


      Nếu thật hôm nào tôi phải đi

      Tôi phải đi

      Ôi, bao nhiêu điều chưa nói cùng

      chắc lòng rất khó bình an

      (“Rơi lệ ru người”)


      Ta vẫn nghe ông nói về những mệt mỏi của cuộc sống, của kiếp người:


      Ôi, cát bụi mệt nhoài

      (“Cát bụi”)


      Dù quá mệt kiếp người

      (“Để gió cuốn đi”)


      Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt

      (“Một cõi đi về”)


      Mệt quá thân ta này / nằm xuống với đất muôn đời

      (“Ngẫu nhiên”)


      Sống có đôi chân / đôi chân mệt nhoài / một đời tới lui

      (“Giọt lệ thiên thu”)


      Biên giới giữa sống và chết, nói như ông, “chỉ như một sợi tóc mỏng manh”. (3)


      Trong xuân thì thấy bóng trăm năm

      (“Gần như niềm tuyệt vọng”)


      Sống chết mong manh

      như thân cỏ hèn mọc đầy núi non

      (“Giọt lệ thiên thu”)


      Sau cùng thì ông đã bước qua cái lằn ranh mỏng manh như sợi tóc ấy bằng những bước nhẹ tênh để cái chết lúc bấy giờ rõ ràng là sự thực, chứ không còn nằm mơ nằm mộng gì nữa như là một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời... (“Bên đời hiu quạnh”).


      Đối với không ít người, ông được xem như đã “chết” khá lâu trước ngày cái chết của ông được chính thức loan báo (đại loại “TCS đã chết như thế nào?”). Thế nhưng ông chết đó mà sống đó, cũng tựa như ông đã từng sống đó mà chết đó, trước cái ngày ông chết thật. Một cách nào đó ông đã chết, một cách nào đó ông vẫn sống, vẫn như có mặt, lẩn khuất đâu đó trong “một cõi đi về” này. Dường như không dễ gì loại bỏ hẳn được ông ra khỏi đời sống “lô nhô loài người” (chữ của TCS) này. Dù yêu dù ghét ông tới mức nào, người ta vẫn không làm ông “chết” đi được.


      Sống hay chết, vắng mặt hay có mặt, cõi tạm hay cõi thực..., ông cũng đã được người đời (những người cùng tạm trú với ông ở “quán trọ trần gian” này) nhắc đến tên tuổi, nói đi nói lại, nói tới nói lui về ông, cũng như vẫn còn hát, còn nghe nhạc của ông. Có một lúc người ta tưởng rằng đã quên được ông, kỳ thực không phải dễ như vậy.


      Đôi khi (nói như ông), có vẻ như ông không thực sự hiện hữu trong cõi nhân sinh đầy hệ lụy này, ông chỉ tạt ngang qua cuộc đời này trong chốc lát như là thoáng gió thầm vậy. Thành thử, đối với những gì ông đã làm, những gì ông bỏ lại, dẫu có hay dở tốt xấu, dẫu có khen hay chê, dẫu có ngợi ca hay nguyền rủa, cũng chẳng có nghĩa lý gì. Ông chẳng nghe, chẳng thiết chẳng màng, cũng chẳng giải thích, giải bày chi cả.


      “Một cõi đi về”, một trong những sáng tác ông ưng ý nhất, nói về “một lộ trình quen thuộc của cuộc sống mà ai cũng phải trải qua” (4). Ý nghĩa của “đi, về” trong bài hát được ông giải thích: “Có đi tất phải có về. Có ai đi mãi không về đâu. Chắc chắn rồi sẽ có một lần về vĩnh viễn, để mãi mãi không bao giờ còn ra đi nữa” (3). Ông còn mượn lời Albert Camus trong Lưu Đày và Quê Nhà, “Sống là một sự lưu đày, và chết là trở về.” Thế nhưng “về” là về đâu? Chỉ nghe ông nói mơ mơ hồ hồ, nào là về chốn xa xăm cuối trời... (“Ở trọ”), nào là về chốn nào mây phủ chiêm bao... (“Sóng về đâu”)…


      Thật thú vị và đáng suy gẫm khi nghe điệu kèn saxo buồn bã “Cho một người vừa nằm xuống” (bài hát TCS viết về cái chết của ông tướng không quân trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa) trỗi lên trong đám táng của ông ở trong nước.


      Anh nằm xuống sau một lần đã đến đây

      đã vui chơi trong cuộc đời này...


      Câu hát ấy thực ra đâu có riêng cho một người nào. ài hát ông viết cho người, viết cho ông, và cho tất cả mọi người, không chừa một ai. Có lẽ vì vậy, bài hát ấy sau cùng đã được trả về cho ông. Và “Cát bụi” nữa, không thể thiếu, tất nhiên. ài hát ông viết cho chính ông cách nay gần bốn mươi năm, trở thành bài hát tiễn đưa trong ngày ông rời bỏ cõi tạm này để lại hóa thân “về làm cát bụi”. Ít nhất người ta cũng đã tử tế cho ông được nghe lại một lần những điệu kèn ai buốt trong tôi (“Chiếc lá thu phai”) ấy, như là những gì thuộc về ông nay chính thức trả lại cho ông.


      Ông nghe một lần cuối, nhưng người ta vẫn còn tiếp tục nghe mãi những “điệu kèn ai buốt” ấy, vẫn còn tiếp tục hát mãi những bài hát nói về những biên giới thật là mỏng manh giữa sống và chết, giữa bến và bờ, giữa thực và ảo. Vẫn còn nghe, còn hát, nghĩa là vẫn còn tiếp tục đi tìm kiếm, mãi mãi, trên những biên giới mờ mịt ấy, như ông đã từng, cho đến khi tìm thấy hoặc... chẳng tìm thấy gì cả.


      “Sống làm thế nào cho tròn đầy sự có mặt và chết cho ngập tràn cõi hư không. Phải đi đến tận cùng hai cõi sống chết để làm tan biến đi những giấc mộng đời không thực”. (8) Trước giờ ta chỉ nghe “sống hết mình” chứ chưa hề nghe... “chết hết mình”, vì vậy không rõ phải chết cách nào để có thể “ngập tràn cõi hư không”(?). Câu ấy có vẻ không dễ hiểu chút nào và có lẽ chỉ ứng dụng với riêng ông. Không gì ngoài cái chết mới mong giải phóng được ông ra khỏi những mối dây ràng buộc của “những giấc mơ đời hư ảo” (chữ của TCS).


      Điều gì khiến ông luôn bị ám ảnh bởi cái chết? Có phải vì yêu quá đời này? “Tôi đã yêu cuộc đời hơn bao giờ cả,” ông nói, “đời sống thì đẹp mà dài rộng quá, còn đời người thì hạn hữu. Biết làm sao bây giờ!...” (8)


      TCS, ông đã yêu cuộc sống biết chừng nào. Cuộc sống ấy đã cho ông những chuỗi ngày hạnh phúc. Đó là hạnh phúc được sống bên cạnh những người mà ông thực lòng yêu mến, là hạnh phúc mà ông đã tận hưởng từ “những tình cảm nhân loại nhất của mọi người” (nói như ông). Những ngày ấy, những hình bóng ấy, đã xa thật xa, đã mất tăm mất hút.


      Từng dòng nước mắt sẽ tiếc cho ngày vui

      Từng dòng nuớc mắt sẽ nhớ thương cho đời

      (“Còn có bao ngày”)


      Trong những lời nhạc ông viết về sau này ta vẫn nghe những nỗi tiếc thương như vậy.


      TCS, ông đã yêu cuộc sống biết bao nhiêu. Trong những bài ông viết cho lứa tuổi vừa lớn luôn luôn toát lên hơi thở nồng nàn của cuộc sống. “Tuổi đời mênh mông” chẳng hạn, Ôm cuộc sống trong tay bên đời qu rộng... / Tuổi đời mênh mông quá / búp non đầu cây..., một trong số ít những ca khúc có nhịp điệu vui tươi, như tình yêu phơi phới, như mạch sống dâng trào, như những bước chân chim của cô bé tung tăng trên đồi cỏ rộng.


      Mây và tóc em bay trong chiều gió lộng...

      Em đứng bên trời tự do / yêu đời thiết tha...


      Nỗi yêu đời thiết tha ấy còn tìm thấy trong những bài “Em đến tự nghìn xưa” (Vì em mang trong mắt / nỗi yêu đời thiết tha), hay “Vì tôi cần thấy em yêu đời” (Tôi xin làm hôm nay / cho đời em trẻ mãi...), hay “Môi hồng đào” (Tuổi mười sáu môi hôn lần đầu...), hay “Đời gọi em biết bao lần”...


      yêu quá đời này, ông đâu dễ gì chịu chết. Ông sợ một ngày nào không còn trông thấy được Bên trời còn nắng / lá trời còn xanh / phố còn người đông... (“Hãy cứ vui như mọi ngày”). Ông cũng sợ mọi người sẽ quên mình. Ông vừa sợ chết lại vừa làm như coi thường cái chết, thậm chí có lúc còn đùa nghịch, diễu cợt với cái chết nữa. “Cái chết,” ông định nghĩa, “chẳng qua cũng chỉ là một sự đùa cợt sau cùng của cuộc sống”. (6)


      Không có đâu em này

      không có cái chết đầu tiên / đâu có cái chết sau cùng...


      Hòn đá lăn trên đồi

      hòn đá rớt xuống cành mai / rụng cánh hoa mai vàng...

      (“Ngẫu nhiên”)


      Cánh hoa mai vàng ấy là thân xác gầy yếu, mỏng manh của ông.


      Nếu tình yêu là “tình cờ” thì cái chết, với ông, cũng chỉ là “ngẫu nhiên”.


      Cái chết từ đâu đến? Tại sao sống và chết lại luôn luôn kề cận? “Khi sự sống bất lực thì cái chết đến,” (6) ông giải thích như vậy. Lời giải thích ấy quả có đúng với trường hợp TCS.


      (Xin xem tiếp Phần D.)

      ______________________________

      (1) Phạm Duy, Hồi ký Phạm Duy (Tập III, Chương 20 – Thời phân chia Quốc Cộng), nxb Phạm Duy Cường, Calif. 1991

      (2) TCS, tạp bút, Trịnh Công Sơn, rơi lệ ru người, nxb Phụ Nữ, Hà Nội, 2001

      (3) TCS, trả lời phỏng vấn, Trịnh Công Sơn, một người thơ ca, một cõi đi về, nxb Âm Nhạc & TTVH Ngôn Ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2001

      (4) TCS, tạp bút, Một cõi Trịnh Công Sơn, nxb Thuận Hóa & TTVH Ngôn Ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2002

      (5) Văn Cao, lời bạt, Em còn nhớ hay em đã quên, nxb Trẻ, TP.HCM 1991

      (6) TCS, trả lời phỏng vấn, Tạp chí Thế Giới Mới, TP.HCM, 2/1999

      (7) Quỳnh Giao, Trịnh Công Sơn, như cánh vạc bay, Tạp chí Văn Học, Calif. 10&11/2001

      (8) TCS, tạp bút, Trịnh Công Sơn, người hát rong qua nhiều thế hệ, nxb Trẻ, TP.HCM, 2001


      * Những chữ in nghiêng trong bài là trích lời nhạc TCS


      Lê Hữu

      Nguồn: cdn.t-van.net

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Một tách cà-phê cho hai người Lê HỮu Tùy bút

      - Lá gan của cô còn tốt lắm! Lê Hữu Truyện ngắn

      - Ảo giác Trịnh Công Sơn Lê Hữu Nhận định

      - Ngôn ngữ thơ là cái quái gì vậy? Lê Hữu Nhận định

      - Nhạc vàng boléro, sến hay không sến? Lê Hữu Nhận định

      - Màu tím vấn vương trong nhạc Việt Lê Hữu Tản mạn

      - Thơ Như Thương, tình yêu, những khuôn mặt Lê Hữu Nhận định

      - Ngày Của Mẹ, Ngày Của Con Lê Hữu Tạp luận

      - Bắn chậm thì chết Lê Hữu Truyện ngắn

      - “Mùa xuân đầu tiên”, hai bài nhạc Xuân cùng tên Lê Hữu Nhận định

    3. Bài viết về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)

       

      Bài viết về Trịnh Công Sơn

        Cùng Tác Giả (Link-1)

      Ảo giác Trịnh Công Sơn (Lê Hữu)

      Trịnh Công Sơn: Quê hương, Tình yêu, Thân phận (T. V. Phê)

      Trịnh Công Sơn (Phạm Duy)

      Người ca thơ (Văn Cao)

      Tình bạn, hồi sinh cơn hôn mê (Đinh Cường)

      Trịnh Công Sơn: Đời và Nhạc (Đặng Tiến)

      Trịnh Công Sơn: Ngôn ngữ và những ám ảnh nghệ thuật (Bùi Vĩnh Phúc)

      Trịnh Công Sơn & Tham Vọng Chính Trị (Trịnh Cung)

      Tiểu Sử (Wikipedia)

      Trang nhà về Trịnh Công Sơn

       

      Tác phẩm của Trịnh Công Sơn

        Cùng Tác Giả (Link-2)

      Nỗi Lòng Của Tên Tuyệt Vọng (Trịnh Công Sơn)

      Huế, Sài Gòn, Hà Nội (Khánh Ly)

      Ðại Bác Ru Ðêm (Khánh Ly)

      Biết Ðâu Nguồn Cội (Khánh Ly)

      Ở Trọ (Trịnh Công Sơn hát)

      Nắng Thủy Tinh (Khánh Ly)

      Níu Tay Nghìn Trùng (Hồng Hạnh)

      Quỳnh Hương (Ý Lan)

      Hôm Nay Tôi Nghe (Khánh Ly)

      Mộc San - Tuyển Tập Nhạc Trịnh Công Sơn

       

      Bài viết về Âm Nhạc (Học Xá)

       

      Âm Nhạc

       

      Tình Ca Mùa Xuân

      Tình Ca Mùa Thu

      Thơ Phổ Nhạc

      Thơ Nhạc Giao Duyên

       
      Cùng Mục (Link)

      Làm sao nói hết niềm riêng: Có những niềm riêng (Lê Tín Hương) (Lê Trung Ngân)

      Nhạc Nhái và Nhạc Chế (Song Thao)

      Đêm Sài Gòn Xưa (Huyền Chiêu)

      Ảo giác Trịnh Công Sơn (Lê Hữu)

      Nguyễn Đình Nghĩa - Bắt Đầu... Từ Một Đêm Trăng (Phan Nhật Nam)

      Theo Hoàng Thi Thơ, đi tìm lại đường xưa lối cũ (Cao Vị Khanh)

      Nhạc sĩ Vinh Sử kể tình đời qua những khúc bolero (Hoàng-Dung)

      Nhạc sĩ Hoài Nam và ca khúc “9 Tháng Quân Trường”: Gắn trên vai chiếc lon Chuẩn-úy… (Đông Kha)

      Nhạc vàng boléro, sến hay không sến? (Lê Hữu)

      Tô Vũ: Em đến thăm anh một chiều mưa (Hà Đình Nguyên)

       

      Các nhóm nhạc (Wikipedia):

       Myosotis, Tricéa, Tổng Hội Sinh Viên, Đồng Vọng

       

      Nhạc sĩ:

      Danh Mục Tác Giả: Cùng Chỉ Số (Link-2) Anh Bằng,  Anh Linh,  Anh Việt,  Anh Việt Thu,  Bảo Thu,  Canh Thân,  Châu Kỳ,  Châu Đình An,  Chung Quân,  Cung Tiến,  Dương Thiệu Tước,  Duy Khánh,  Duy Trác,  Dzoãn Mẫn,  Dzũng Chinh,  

       

      Trang nhà:

      Phạm Duy, Trường Sa

       

      Nhạc tuyển::

      Dòng nhạc gợi nhớ Taberd75.com

      Sài Gòn ơi! Vĩnh biệt Ngọc Lan

      Mùa thu Paris Thái Thanh

      Lòng Mẹ (Y Vân) Lê Tấn Quốc, Saxo

      Hận Đồ Bàn (Xuân Tiên) Chế Linh

       

      - Hình Ảnh Ca Nhạc Sĩ Sài Gòn trước 1975

      - Ảnh Nghệ Sĩ Sài Gòn Xưa

      - Bìa Các Bản Nhạc Xưa

      - Cổ Nhạc Miền Nam: I, II

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)