|
Trầm Kha(..1948 - 19.1.1974) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
A. Ảo giác ngôn ngữ
B. Ảo giác thưởng thức nhạc Trịnh Công Sơn
C. Ảo giác tình yêu, sống và chết
D. Ảo giác con người TCS
E. “Những giấc mơ đời hư ảo”
“Hạnh phúc là một tách café và nhạc TCS.”
Đó là một trong những định nghĩa về hạnh phúc, ghi lại được trong một tuyển tập những bài nhận định về âm nhạc và con người TCS, ấn hành ở Việt nam (Một Cõi Trịnh Công Sơn, nxb Thuận Hóa, 12/2002). Tôi không rõ người nói hay viết câu ấy đã căn cứ vào đâu để đưa ra định nghĩa này. Thực trạng đời sống và sinh hoạt ở trong nước chắc? Bao nhiêu là quán xá lớn, nhỏ ở ngoài đường, trên phố thường xuyên “chơi” nhạc TCS để thu hút khách, để những người khách bước vào đó tìm kiếm chút hạnh phúc.
Hạnh phúc như thế thì cũng đơn giản. Ngồi quán hay ngồi nhà, người ta cũng có thể có được những phút giây trầm tư nhìn từng giọt café chảy từng giọt, từng giọt, trong lúc lắng nghe tiếng nhạc TCS, để suy gẫm chuyện đời, để chiêm nghiệm về cõi sống cõi chết, về phận người phận mình, hay chỉ để ngậm ngùi tiếc thương về một cuộc tình đã mất, và để thấy...
tình đi âm thầm / nghìn trùng như vết sương
tình ngỡ đã phôi pha / nhưng tình vẫn còn đầy
đời mình là những quán không
ta như con đường dài vắng người
lòng ta trăm con hạc gầy vút bay
tôi chợt nhìn ra tôi... / tôi tìm thấy tôi
“Tôi tìm thấy tôi”. Như thế không phải là hạnh phúc sao? Khi con người cảm thấy hạnh phúc, đấy là hạnh phúc, dù chỉ phút giây thôi “cũng đủ lãng quên đời”. Âm nhạc TCS, như thế, theo một nghĩa nào đó, vẫn luôn góp mặt trong những sinh hoạt của cuộc sống thường ngày. Ở đây lại gợi mở ra vấn đề khác nữa, âm nhạc và đời sống. Phải chăng, cho dù cuộc sống có nổi trôi, có bôn ba đời cơm áo, người ta vẫn không thể quên đi âm nhạc, vẫn không thể sống mà thiếu âm nhạc, vẫn muốn đi tìm chút hạnh phúc nhỏ nhoi trong âm nhạc.
Nhạc TCS, và café, và khói thuốc, và men bia men rượu, và tất cả những gì cộng thêm vào, thêm vào, đều có tác dụng làm tăng thêm ảo giác về một hạnh phúc... vô thường.
“Hạnh phúc là một tách café và nhạc TCS”, câu định nghĩa trên có thể đúng theo nghĩa ấy, hay ít ra cũng đúng với những người cùng chia sẻ khoảnh khắc hạnh phúc ấy, cái khoảnh khắc được sống, được làm “người đi trên mây” (nói theo nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng), có nghĩa là được thả trôi bềnh bồng hay đắm chìm trong một màn sương ảo giác.
1. Hiểu hay không hiểu
Đặc điểm nổi bật trong lời nhạc TCS là tính... mơ hồ. Khi hát hay nghe nhạc TCS, chúng ta cho là chúng ta hiểu nhưng đồng thời chúng ta cũng không chắc là chúng ta hiểu. Đôi chỗ hiểu, đôi chỗ không hiểu; đôi lúc hiểu, đôi lúc không hiểu. Hiểu ít hiểu nhiều, hiểu đúng hiểu sai, vừa hiểu lại vừa không hiểu, tất cả cứ trộn lẫn vào nhau nên ta không thể biết chắc là ta hiểu hay không hiểu.
Hiểu như thế nào gọi là hiểu? Hiểu như thế nào là hiểu đúng? Lấy đâu ra câu trả lời. Có khi mỗi người hiểu một cách, chẳng ai giống ai, chẳng biết ai đúng ai sai. Thành thử, hiểu cách nào cũng chỉ là hiểu theo cách riêng của mình, không thể nói người này hiểu đúng, người kia hiểu sai. Nghe nhạc TCS, vì vậy, tưởng khó hiểu mà thành ra dễ hiểu, vì muốn hiểu sao thì hiểu, không hiểu cũng không sao, cũng không cần phải cố gắng để hiểu, miễn cứ thích nghe thích hát, miễn cứ thấy... hay là được!
Không hiểu, hay không hiểu rõ lắm nhưng vẫn làm như hiểu, vẫn làm ra vẻ thông thái, uyên bác như là thông hiểu hết mọi lẽ, mọi chuyện (những vô thường, vô vi, hư vô, hư ảo...). Cái tâm lý ấy khá phổ biến, cũng chẳng khác mấy hiện tượng “làm dáng trí thức” của các chàng sinh viên ở miền Nam một thời, vẫn thích kè kè trên tay những pho sách dày cộm nói về những “mặt trời không bao giờ có thiệt”, những vực sâu và “hố thẳm của tư tưởng” (tương tự “đỉnh cao của trí tuệ”, nói theo ngôn ngữ khoa trương ở trong nước bây giờ), dù có khi chẳng hề đọc lấy một chữ. Nếu có khác, đấy chỉ là một kiểu thời trang, có tính giai đoạn, trong lúc “hiện tượng TCS” kéo dài trường kỳ, nhiều năm, lại phổ biến rộng rãi hơn, không hạn chế trong một giới, một đối tượng nào. Có phải là âm nhạc chiếm ưu thế hơn hay còn do những yếu tố nào khác nữa(?).
Kể ra, không hiểu thì cũng khó mà thấy hay, thấy đẹp, khó mà thấy thích được. Trước hết, cần phải hiểu mới nói chuyện được. Cũng không thể nói “Tôi hiểu mà tôi nói không được”. Nói như thế là vẫn chưa thực sự hiểu, là chỉ hiểu đại khái, là vẫn còn mơ hồ. Khen hay, phải nói được tại sao hay, hay ở chỗ nào. Chê dở, cũng phải nói được tại sao dở, dở ở chỗ nào. Liệu người ta có thể yêu một đối tượng mà người ta không hiểu rõ lắm, không biết rõ là cái gì, và cũng không cần tìm hiểu cho ra lẽ, như yêu tranh lập thể, yêu thơ siêu thực, yêu nhạc giao hưởng, và... nhạc TCS?
“Ca từ TCS”, như chính tác giả thú nhận, “... Bản thân tôi cũng thấy khó giải thích. Viết thì viết vậy nhưng để giải thích rõ ràng thì thật là khó.” (3)
Thế nghĩa là sao? Người nghe không hiểu, người hát không hiểu, người viết ra những lời ấy cũng... chỉ hiểu mơ mơ màng màng, cũng chẳng biết đằng nào mà giải thích.
Vậy thì ai hiểu, ai giải thích được đây? Có lẽ nào cả ba ta (người nghe, người hát, người viết) đều chẳng ai hiểu... ai cả? Đến chỗ này mới thật là… khó hiểu!
TCS, không khéo ta bị ông chơi khăm mất. Hệt như một người ra câu đố hóc búa, những người khác bấm đầu nặn óc suy nghĩ, sau cùng hoặc chịu thua, hoặc đưa ra những lời giải đoán khác nhau, đến lúc mọi người yêu cầu giải đáp thì người ra câu đố trả lời tỉnh queo “Tôi cũng không biết, tôi cũng... chịu thua”. Thế không phải chơi khăm là gì?
Chưa hết, người viết những “ca từ” ấy còn cho biết là “cần phải có một linh cảm nhạy bén và một vốn kiến thức nhất định” (3) mới có thể hiểu được cái hay, cái đẹp trong những ca khúc TCS. “Tôi gặp không ít người,” ông nói thêm, “dù họ ít học nhưng họ lại thích, hỏi họ có hiểu không thì họ trả lời không hiểu, nhưng họ lại cảm nhận được có một cái gì đó ở bên trong, nên khi nghe hay khi hát lên thì có một điều gì đó chạm đến trái tim của mình...” (3)
Liệu đúng là “có một điều gì đó chạm đến trái tim của mình” hay không, tôi không được rõ lắm, thế nhưng qua lời ông tôi biết được một điều: kẻ “ít học” thì không cách chi hiểu được những lời lẽ ấy. Nhạc TCS, như vậy chỉ dành cho những đối tượng có chọn lọc. Phải là đối tượng “học nhiều hiểu rộng” mới mong hiểu được và thưởng thức được. Ở đây lại có vấn đề “trình độ” kiến thức, khiếu thẩm mỹ và thưởng ngoạn nghệ thuật nữa chứ không phải chơi. Từ đó, tâm lý tỏ ra am hiểu (do đóng kịch, giả vờ, tự đánh lừa mình) có phát sinh cũng là chuyện tự nhiên, thường tình. Dần dà, lâu ngày, tâm lý tiềm ẩn ấy phát triển thành một dạng thức mà nhà văn Nguyễn Mộng Giác gọi là “ảo giác của trí tuệ”. Chẳng ai muốn thú nhận cái vốn học ít ỏi của mình, cho dù có… ít ỏi thật. Dẫu không hiểu cũng phải cố làm ra vẻ hiểu. Còn kẻ “học nhiều hiểu rộng” thì lại càng muốn chứng tỏ cái sở học mênh mông của mình, chẳng biết nông sâu cỡ nào nhưng chắc chắn là phải vượt xa tầm hiểu biết hạn hẹp của những kẻ “ít học”...
Thế nhưng, đến khi chính tác giả “thật thà khai báo” là “viết thì viết vậy” chứ cũng không rõ là... viết cái gì(!), thì kẻ “học ít” lẫn người “học nhiều” đều hụt hẫng, chới với, xính vính, nhất là người “học nhiều”, vì… lỡ bộ. Tưởng ông biết, hóa ra ông trả lời không biết. Tưởng ông hiểu, nào ngờ ông nói ông không hiểu. Kể cũng hơi ác. Ông không hiểu ông thì làm sao người ta hiểu ông được! Giá như ông đừng nói chi cả, hoặc cứ nhận bừa là ông hiểu đi thì hay biết mấy, khỏi phiền phức, đỡ rầy rà. Tương tự, sau khi triết lý đủ thứ về cuộc sống, về tình yêu, về thân phận con người..., ông kết luận gọn gàng, ngon ơ: Đường trần... đâu có gì! (“Phôi pha”).
TCS, ông quả là có máu hài hước, chả thế mà ông vẫn thích đùa nghịch, thích chơi trò nhào lộn, tung hứng chữ nghĩa trong những lời nhạc của mình:
Trong khi ta về lại nhớ ta đi..., hoặc
Em là tôi và tôi cũng là em..., hoặc
Nào có cái chết đầu tiên
đâu có cái chết sau cùng..., hoặc
Còn hai con mắt / khóc người một con
Còn hai con mắt / một con khóc người
Về phía người nghe TCS, điều r ràng là, thưởng thức nhạc với tâm lý như trên thì đâu có cần chi… hiểu hay không hiểu.
2. Hát sai, hát đúng
Về phía người nghe là như vậy, thế còn phía người hát, người trình diễn thì sao? Cũng chẳng khác bao nhiêu, cũng hiểu đúng hiểu sai, hiểu đại khái, hoặc... không hiểu. Vì vậy mới có không ít trường hợp ca sĩ hát lung tung, thay lời đổi chữ vô tội vạ, trong lúc ra điệu bộ, nhắm mắt nhắm mũi, khoa tay khoa chân trong một cố gắng để diễn tả điều mà người hát có khi... chẳng hiểu chi cả. “Hát thì hát vậy...”, nói theo lối TCS, thì làm sao mà lôi cuốn, mà truyền được cảm xúc cho người nghe. Chuyện hát đúng, hát sai kể ra không hết, có khi chỉ thay đổi, thêm, bớt một chữ thôi cũng làm thay đổi hẳn ý nghĩa câu hát, làm mất đi ít nhiều “chất” TCS, chẳng hạn:
Chữ “mong” trong Đời ta hết mong điều mới lạ (“Đêm thấy ta là thác đổ”) được nhiều ca sĩ đổi thành “mang” (... hết mang điều mới lạ). Hai chữ này khác nghĩa chứ đâu phải chỉ khác một nguyên âm. “Mong” (không phải “mang”), đó mới là ngôn ngữ TCS.
Chữ “miệng” trong Miệng cười khúc khích trên lưng (“Quỳnh hương”) được nhiều ca sĩ đổi thành “nụ” (Nụ cười khúc khích...). “Nụ cười” thì không thể... khúc khích được, và cũng không hình dung được chiếc cằm xinh xắn của cô bé đặt tựa trên lưng chàng trai.
Chữ “em” trong Em qua công viên mắt em ngây tròn (“Còn tuổi nào cho em”) được vài ca sĩ đổi thành “nai” (... mắt nai ngây tròn). Mắt nai, mắt phượng, mắt bồ câu không thuộc về ngôn ngữ TCS. Ông có những cách để tả về đôi mắt nai mà không cần phải nói “mắt nai”.
Chữ “vầng” trong Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt (“Một cõi đi về”) được vài ca sĩ đổi thành “vòng” (... đôi vòng nhật nguyệt). Ở đây là vầng thái dương, vầng trăng, chứ không phải vòng trời đất, vòng càn khôn... Hơn nữa, vầng thì còn rọi suốt trăm năm... được chứ vòng thì... chịu.
Trong nhiều trường hợp, chữ hay nhất, “đắt” nhất trong câu bị tráo đổi không thương tiếc, làm hỏng một câu hát (có khi làm hỏng cả một bài hát), khiến người nghe bị “khựng” lại như bất ngờ nhai phải hạt sạn trong lúc đang thưởng thức bữa cơm ngon miệng:
Chữ “phút” trong Vội vàng thêm những phút yêu người (“Chiếc lá thu phai”) được nhiều ca sĩ đổi thành “lúc” (... những lúc yêu người) làm giảm mất cái hay và ý nghĩa rất nhiều, vì không diễn được cái ý “vội vàng” và “yêu đến từng... phút, giây”, như muốn chạy đua với chiếc kim thời khắc của tình yêu. Tương tự, chữ “phút” trong Có chút lệ nhòa trong phút hôn nhau (“Bay đi thầm lặng”) cũng không thể đổi thành “lúc” được.
“Phút” (không phải “lúc”), đó mới là ngôn ngữ TCS.
Chữ “suốt” trong Rọi suốt trăm năm một cõi đi về (“Một cõi đi về”) được vài ca sĩ đổi thành “xuống” (Rọi xuống trăm năm...) cũng làm giảm mất cái hay và ý nghĩa rất nhiều (cứ làm như “rọi” là phải “rọi xuống” chứ không rọi... lên được). Tương tự, chữ “suốt” trong Hãy nghiêng đời xuống / nhìn suốt một mối tình (“Để gió cuốn đi”) cũng không thể đổi thành “xuống” được.
“Suốt” (không phải “xuống”), đó mới là ngôn ngữ TCS.
Nhiều trường hợp khá buồn cười, một ca sĩ hát sai vì quên lời, những ca sĩ khác hát sai theo, riết rồi không ai buồn sửa lại cho đúng. Ví dụ, ca sĩ hát đến câu Thành phố hoang vu như... (“Tình xa”) thì không nhớ rõ là hoang vu như... thế nào(?), hoặc chỉ nhớ mang máng, bèn hát… bừa “hoang vu như... một lần qua cuộc tình”. Thế là từ đó các ca sĩ khác cũng hát theo như vậy cho... tiện. Có ca sĩ nghe vậy không chịu, bèn... đảo ngược lại, thành ra “... hoang vu như... cuộc tình qua một lần”. Đổi qua đổi lại, sai vẫn cứ sai. Câu đúng là Thành phố hoang vu như đời mình, như cuộc tình, chứ không có “đi qua, đi lại”, “một lần, hai lần” chi cả.
Hoặc, một số ca sĩ thích thêm chữ “vùi” vào cuối câu hát Không có ai đời đời ru anh ngủ... (“Cho một người vừa nằm xuống”) để trám một nốt nhạc bỏ trống (mà không rõ dụng ý của người nhạc sĩ cố ý chừa một khoảnh khắc yên lặng ở cuối câu nhạc để làm đọng lại cảm xúc, rồi mới chuyển sang ý tiếp..., Mùa mưa tới, trong nghĩa trang này có loài chim thôi. Hơn nữa, người ta nói “ru em ngủ”, “ru anh ngủ”, hoặc “anh ngủ ngon”, “anh ngủ say”, “anh ngủ vùi”..., chứ không nói “ru anh ngủ ngon”, “ru anh ngủ say”, “ru anh ngủ vùi”...
Có trường hợp ca sĩ thay lời đổi chữ trong câu hát vì muốn làm tốt hơn, nhưng vẫn... không tốt hơn được, chẳng hạn ca sĩ hát đến câu Có khi nắng khuya chưa lên (“Chiều một mình qua phố”), thấy... không ổn (làm gì có “nắng… khuya” bao giờ), bèn đổi thành “Có khi nắng mưa chưa lên”, nhưng nghe... vẫn không ổn. (Ta nói “nắng lên” chứ không nói “mưa... lên”. “Mưa xuống” thì được).
Lại có những bài nhạc mà “ca từ” được thay đổi tùy hứng, tùy tiện, đến... vô nghĩa.
Đừng tuyệt vọng em ơi, đừng tuyệt vọng Em là tôi và tôi cũng là em... (“Tôi ơi, đừng tuyệt vọng”), câu hát ấy được vài ca sĩ đổi thành “Đừng tuyệt vọng anh ơi, đừng tuyệt vọng Anh là tôi, và tôi cũng là anh” (hoặc “…và tôi cũng là ai?”). Câu hát vốn khó hiểu lại được làm cho… khó hiểu hơn! (May mà câu dưới chưa được đổi thành “Anh hồn nhiên rồi anh sẽ bình minh”...). Đã thế, tiết tấu bài nhạc cũng thay đổi (rộn ràng, sôi nổi), đánh mất khí hậu của bài hát là bức tranh ảm đạm của buổi tàn thu. Nội dung bài hát, như tác giả cho biết, là “nỗi lòng của kẻ tuyệt vọng”.
“Tôi ơi, đừng tuyệt vọng” không phải dễ hát đâu. Thử nghe kỹ, để ý những nốt nhạc “quạnh quẽ”, “nhè nhẹ”...
Có đường xa và nắng chiều quạnh quẽ
Có hồn ai đang nhè nhẹ sầu lên
Không phải chất giọng Huế đố hát được những chỗ này. Chỉ giọng Huế mới nghe ra “quạnh quẽ”, “nhè nhẹ”. Lại còn phải hát thế nào để diễn tả cho được nỗi niềm của kẻ đang mấp mé bên bờ tuyệt vọng.
Con diều bay mà linh hồn lạnh lẽo
Con diều rơi cho vực thẳm buồn theo
Con diều bay, đấy là mảnh linh hồn vật vờ, là cánh lá khô héo úa của mùa thu rơi rụng giữa mùa đông.
Về lối trình diễn, thường thì ca sĩ tùy nghi thể hiện, ra điệu bộ, uốn o, làm duyên làm dáng. Kỹ thuật ngân nga, luyến láy cũng tùy tiện, khi ngẫu hứng có thể bẻ quặt một nốt nhạc, gào rú điên loạn với giọng đớt đớt “đá đa, đá đa đa…” để diễn tả cơn sướng ngất của tìm nhau trong hạnh phúc vô thường ở cuối bài “Còn mãi tìm nhau”, như phong cách biểu diễn của một vài ca sĩ ở trong nước. Tất cả, đều là những lối diễn xuất giả tạo, vô hồn.
Chuyện ca sĩ hát sai lời là phổ biến, ở đây người viết không có ý bình phẩm công việc “ca hát ngày tháng cho người mua vui” của người nghệ sĩ mà chỉ qua đó, nêu lên một trong những biểu hiện của lầm lạc trong nhận thức do không hiểu rõ, không hiểu đúng, không hiểu nổi. Thực tế, người hát muốn hát sao cũng được, hát thế nào cũng xong, vì người nghe vốn dễ dãi, ít có để ý chuyện đúng, sai.
Những câu “hát đúng” dẫn ra bên trên cũng là những câu hát ở “thuở ban đầu” của bài nhạc. Mỗi bài nhạc đều có một “thuở ban đầu”. Đấy là cái thuở người nhạc sĩ đã viết ra bài nhạc ấy, người ca sĩ đã hát lên bài hát ấy lần đầu tiên, người ta đã nghe bài hát ấy lần đầu tiên và đã “yêu” bài hát ấy như yêu mối tình đầu của mình. Những ai còn giữ được những bản nhạc, dĩa nhạc, băng nhạc của “thuở ban đầu” đều có thể tìm lại được những “dấu vết kỷ niệm” ấy.
Cũng vì ít có để ý, cứ hát là hát, cứ nghe là nghe thôi, nên có những chỗ dễ hiểu mà ít ai chịu hiểu. Một người bạn hỏi tôi: “‘Một cõi đi về’ là đi về... đâu?”
Thực ra, nghĩa hai chữ “đi về” ở đây không phải như là Đi về đâu hỡi em, khi lòng không chút nắng... (“Đời gọi em biết bao lần”). “Một cõi đi về” được hiểu và có thể viết lại là “Một cõi đi, về” (có dấu phẩy [,] giữa hai chữ “đi” và “về”), có nghĩa là “một cõi đi và về ”. Tương tự, có thể viết lại: Có hai mùa vẫn đi, về (“Em còn nhớ hay em đã quên”), hoặc Lặng nghe gió đi, về (“Lời buồn thánh”), hoặc Đi, về một mình tôi (“Một ngày như mọi ngày”).
Cũng tương tự, có thể viết lại: Về đây đứng, ngồi (“Chiếc lá thu phai”), có nghĩa là “về đây hết đứng lại ngồi”. Hoặc Xe, ngựa về ngủ say (“Một ngày như mọi ngày”), có nghĩa là “xe và ngựa...” (không phải là xe ngựa, xe bò). Hoặc Mười năm tắm, gội (“Chiếc lá thu phai”), có nghĩa “... tắm và gội”. Hoặc Có con đường nằm nghe nắng, mưa, và Có con đò chở nắng, mưa đi (“Em còn nhớ hay em đã quên”) đều có nghĩa “nắng và mưa”.
“Ca từ TCS”, như chính tác giả phát biểu, “thực sự không dễ hiểu”, vì thế, cũng chẳng biết như thế nào gọi là hiểu. Thôi thì hiểu tới đâu hay tới đó, hiểu sao cũng được, không hiểu được cũng... không sao.
3. Thơ hay không thơ
Sài Gòn xua tan nghìn dấu lệ
cho em bây giờ mắt tình đưa
Nếu không biết là hai câu trên ở trong một bài hát của TCS (“Hai mươi mùa nắng lạ”), nhiều người dễ tưởng đấy là hai câu thơ. Tôi vẫn thích những câu “thơ” như thế, thỉnh thoảng nhặt được trong lời nhạc TCS, thế nhưng, nói rằng TCS là “nhà thơ” như nhiều người vẫn gọi, tôi lại không mấy tán đồng. “TCS là nhà thơ”, đấy cũng là chuyện “một người nói, nhiều người nói theo”. Nói ông có tâm hồn thơ, hoặc lời nhạc của ông có nhiều chất “thơ”, hoặc nghe rất “thơ” thì ai cũng dễ dàng đồng tình. Phong tặng cho ông nhiều danh hiệu quá, đôi lúc khá dễ dãi, e không nên, vì đặt bên cạnh “nhạc sĩ TCS”, cái “nhãn hiệu” đã trở thành phổ biến và quen thuộc đối với rất nhiều người, những danh hiệu ấy thực sự chẳng mang ý nghĩa gì cả. Khoác thêm cho ông bất cứ danh hiệu nào khác nữa đều không có tác dụng gì nhiều lắm và cũng không làm cho ông nổi tiếng hơn.
Những lời nhạc của Văn Cao chẳng hạn, những “Bến xuân”, “Thiên thai”, “Suối mơ”... cũng rất “thơ”, rất đẹp, tựa như “Bài thơ bên suối” (tên khác của bài “Suối mơ”) vậy. Không chỉ viết nhạc, người nghệ sĩ tài hoa ấy còn vẽ tranh, còn làm thơ, thế nhưng gọi ông là họa sĩ hay thi sĩ Văn Cao, có khi người ta tưởng nói đến... ông Văn Cao nào khác, vì ông quá nổi tiếng như là một nhạc sĩ.
Nhạc sĩ TCS, thế là đủ. Hoặc, cứ gọi ông là... TCS, không cần phải nhạc sĩ, thi sĩ chi cả, người ta đủ biết ông là ai. Có lẽ ông cũng chỉ muốn như vậy. Không nên bắt ông nhận một lúc đến mấy danh hiệu, ông chẳng thiết tha gì, và cũng chẳng sợ ai giành mất những danh hiệu ấy.
Tất nhiên, ai muốn gọi sao thì gọi, muốn phong cho ông tước hiệu gì thì phong. Hôm nay ông là “thi sĩ”, ngày mai người ta cũng có thể gọi ông là “văn sĩ” (không rõ ngoài “Chú Lộ”, ông có viết thêm truyện ngắn truyện dài nào?), là “họa sĩ” (ông từng vẽ tranh và có triển lãm tranh chung với những người bạn họa sĩ), là “ca sĩ” hay “ca nhạc sĩ” (như có người từng nói “Không ai hát nhạc TCS hay bằng TCS”), là “triết gia” (ông từng đưa triết học vào âm nhạc, và trông ông cũng có vẻ là một triết nhân lừng khừng), và là... “đạo sĩ” nữa không chừng (trông ông cũng có cốt cách, phong thái của các ông Bùi Giáng, Phạm Thiên Thư... lắm chứ!).
TCS, trước hết ông phải là một nhạc sĩ, là người viết ca khúc (phản chiến, tình yêu, quê hương, thân phận...). Nếu ông là nhà thơ thực sự thì ta đã thấy những thi phẩm Thơ TCS tập 1, tập 2... vân vân bày bán ngoài các tiệm sách, chứ không phải là những ca khúc, những tình khúc TCS. Trời không sinh ra ông để làm thi sĩ, và ông cũng đã chọn con đường sáng tác nhạc chứ không phải sáng tác thơ. Nếu đôi lúc ông có những phút ngẫu hứng mà phóng bút làm thơ hay vẽ tranh thì cũng chỉ là những bước dạo chơi sang khu vườn nhà hàng xóm. Tất nhiên, chẳng ai cấm một nhạc sĩ làm thơ, hoặc một thi sĩ sáng tác nhạc (thực tế, đã có nhiều nhà văn nhà thơ lạc bước sang khu vườn âm nhạc). Người ta gọi TCS là “nhà thơ”, đơn giản chỉ vì trong nhạc ông có “thơ”. Điều này thực ra chưa đủ để ông nhanh chóng biến thành một nhà thơ có “tầm cỡ”. Đã có người từng nêu thắc mắc với ông,
“Sao nhạc của ông nghe ‘thơ’ quá vậy? Ông có làm thơ bao giờ chưa?” Và ông trả lời, “Đối với tôi, âm nhạc cũng là thi ca. Đôi lúc ngẫu hứng và vui với bạn bè tôi cũng làm thơ. Những bài thơ, tiếng Việt và tiếng Pháp, thường được làm trong quán rượu và thường bị tôi quên đi...” (3)
Hơn thế nữa, đâu có riêng gì TCS, trước ông, ta từng có nhiều nhạc sĩ mà tâm hồn rất thi sĩ và lời nhạc của những vị này cũng rất “thơ” nữa (ai cũng có thể kể tên ra được), nhưng trước sau họ vẫn là nhạc sĩ. Có thể nói, trong mỗi ông nhạc sĩ của chúng ta đều có ít nhiều một ông thi sĩ. Tôi nghĩ cách nói ấy giải thích được chuyện “nhạc” hay “thơ” TCS.
Cho em bây giờ mắt tình đưa
Nghe câu ấy là phải nghe câu hát (chứ không nghe câu thơ) mới “nghe” hết cái hay. Nốt láy mỏng ở chữ “tình” nghe như cái liếc xéo của đuôi mắt thật bén, thật ngọt.
Có chút lệ nhòa trong phút hôn nhau
Có những vực bờ chôn theo tình đầu
Đấy cũng là câu hát. Nếu là câu thơ, “vực bờ” có thể đổi ra “vực sâu”. Câu hát không đổi được, vì lệ thuộc vào âm vực thấp cao, trầm bổng của nốt nhạc.
Trong lời nhạc TCS, người ta dễ dàng tìm thấy những câu “thơ” rải rác như thế. Thơ lục bát, thơ ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám chữ, và cả thơ... tự do nữa. Có những bài hát đẹp như một bài thơ (như “Nắng thủy tinh”, “Như cánh vạc bay”, “Nguyệt ca”, “Đêm thấy ta là thác đổ”, “Xin trả nợ người”, “Ru tình”, “Hai mươi mùa nắng lạ”, “Có một dòng sông đã qua đời”...). Ít “câu thơ” dẫn ra bên dưới gồm cả những câu rất TCS, và... không TCS.
Có khi cả bài hát là một “bài “thơ” mà những chữ cuối trong câu toàn vần “bằng”, nghe ra có một khí hậu rất mênh mang của mùa thu:
Tình như lá bỗng vàng, bỗng xanh
em ra đi như thoáng gió thầm
qua con sông nhớ người đã xa...
Thành phố vẫn nắng vàng, vẫn mưa
cây sang thu lá úa rơi mù
chuyện ngày xưa heo hút trong mơ
(“Tạ ơn”)
Lại có trường hợp, có thể sắp xếp lại thứ tự những câu hát rời rạc trong một bài hát khá đặc biệt để có được một bài thơ... đặc biệt (như là trò chơi sắp chữ):
Im lặng của đêm tôi đã lắng nghe
Im lặng của ngày tôi đã lắng nghe
Im lặng của đời tôi đã lắng nghe
Im lặng thở dài tôi đã lắng nghe
Tôi đã lắng nghe im lặng thở dài
Tôi đã lắng nghe im lặng cuộc tình
Tôi đã lắng nghe im lặng đời mình
Tôi đã lắng nghe im lặng của tôi
(“Tôi đang lắng nghe”)
Những câu dưới đây chắc phải là “thơ”, vì đọc lên (hoặc ngâm nga) nghe hay hơn là... hát:
Người phu quét lá bên đường
quét cả nắng vàng quét cả mùa thu
(“Góp lá mùa xuân”)
Tôi nhặt gió trời mời em giữ lấy
để mắt em cười tựa lá bay
(“Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”)
Mùa xuân thay lá mùa đông
để cho chim hót chuyện tình
(“Thành phố mùa xuân”)
Ta về nơi đây phố xưa dấu đạn
con đường bên sông cỏ lá buồn tênh
Ta về nơi đây tháng năm quá rộng
đường xưa em lại thấp thoáng bàn chân
(“Khói trời mênh mông”)
Còn đây những đêm này
còn em hãy yêu tôi
Đời đốt nến chia phôi
dù nhớ thương cũng hoài
(“Còn có bao ngày”)
Ru em tình khi nhớ
Ru em tình lúc xa
Ru cho bầy lá nhỏ
Rụng đầy một mùa thu
(“Ru tình”)
Những câu trên là những câu có vẻ “thơ TCS” hơn cả. Trong lúc tranh TCS chịu ảnh hưởng những người bạn họa sĩ của ông, “thơ” của ông cũng đôi lúc chỗ này một chút Bùi Giáng, chỗ kia một chút Phạm Thiên Thư... Thử đọc một đôi câu “rất Bùi Giáng” (một trong những thi sĩ ông hằng ngưỡng mộ) trong một bài hát của ông:
Em đi bỏ lại con đường
bờ xa cỏ dại vô thường nhớ em...
Em đi bỏ lại dặm trường
ngàn dâu cố quận muôn trùng nhớ thêm
(“Em đi bỏ lại con đường”)
Cũng “cố quận”, cũng “muôn trùng”, cũng “dặm trường”, cũng “vô thường”, cũng “em đi”, “em về”..., chỉ cần thêm vào những “chuồn chuồn”, “châu chấu”, hoặc “liên tồn”, “lá cồn”, “rớt hột”... là có thể bỏ vào trong một tập thơ nào đó của “trung niên thy sỹ” họ ùi. Hoặc:
Môi xinh ở đậu người xinh
đi đứng ở trọ đôi chân Thúy Kiều
(“Ở trọ”)
Những “Thúy Kiều”, “Kim Trọng”, “Quỳnh Như” và... “Kim Cương” nữa đều nằm cả trong thơ ùi Giáng... Hoặc ít câu lục bát TCS (phỏng dịch từ H n Tự Hài Cú của Ngô Văn Tạo):
“Bên sông, dấu cũ nhà xưa
những ngày thơ ấu dạ thưa mộng gì”
Những “dạ thưa, thưa rằng...” rất quen thuộc kiểu Bùi Giáng.
“Ồ, thưa em ta thấy mộng không thường”
(“Ly tao”, thơ Bùi Giáng)
Bùi Giáng, tranh Trịnh Công Sơn
Một vài ca khúc TCS cũng mượn ý hoặc phát triển từ câu thơ của thi sĩ nổi tiếng lập dị này. “Con mắt còn lại” chẳng hạn, lấy ý từ câu thơ:
“Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con”
(“Mắt buồn”, thơ Bùi Giáng)
Hoặc, “Tôi ơi, đừng tuyệt vọng” cũng lấy ý từ một câu thơ khác:
“Em bảo rằng, ‘Đừng tuyệt vọng nghe không!’”
(“Phụng hiến”, thơ Bùi Giáng)
Những “câu thơ” rải rác trong các bài về đạo, về thiền, như “Nguyệt ca”, “Giọt lệ thiên thu”, “Đóa hoa vô thường”... chẳng hạn, “rằng hay” thì có hay, nhưng “nghe ra” vẫn cứ phảng phất cái hơi hướm Phạm Thiên Thư thế nào.
Khác với nhạc TCS, nếu ông không ký tên vào dưới mỗi bài thơ, mỗi bức tranh thì người ta khó mà biết được rằng đấy là thơ, là tranh TCS. Theo nhận xét của riêng tôi, ngoài âm nhạc, những bài viết ngăn ngắn mà ông gọi là “tạp bút ngẫu hứng” của ông có vẻ mang nhiều dấu ấn TCS hơn là những bức tranh, những bài thơ.
Cái đam mê thứ hai của TCS, sau âm nhạc, là hội họa, chứ không phải thi ca, và nếu bắt ông phải chọn lựa giữa thi và họa, tôi chắc ông chọn làm họa sĩ hơn là thi sĩ, vì hai lẽ: thứ nhất, ông có vẻ gắn bó với thế giới của màu sắc hơn; thứ hai, với cây cọ và trên khung vải, ông được tự do hơn để vẽ ra những giấc mơ mà ông đã không thể hiện được trong âm nhạc. Hơn thế nữa, ông từng có lần nói về những thú tiêu khiển: “Tôi dự định sẽ chia tay với âm nhạc để viết những bài tạp bút ngẫu hứng và vẽ.” (3) Tại sao lại vẽ (chứ không phải làm thơ)? Ông cho biết: “Tôi yêu hội họa cũng như âm nhạc. Có lúc lòng say mê hội họa trong tôi còn vượt hơn cả âm nhạc. Vẽ đối với tôi là một niềm say mê đặc biệt. Đã đụng màu vào toile là không dứt ra được, mầu này kêu gọi mầu khác.” (3) Ông giải thích thêm: “Hội họa là cõi trú thứ hai của tôi bên cạnh cõi trú âm nhạc. Khi ngôn ngữ và âm nhạc bất lực thì màu sắc lên tiếng để an ủi và ru dỗ tôi...” (3)
Sau cùng tôi vẫn nghĩ rằng, cho dù có là thơ, văn, nhạc, họa hay gì gì đi nữa, cho dù người đời có muốn tặng cho ông hay lấy đi của ông những tên tuổi, những danh xưng danh hiệu nào, có muốn gọi ông bằng bất cứ tên gọi nào, trước sau ông vẫn cứ là... TCS, không hơn không kém. Thế thôi.
4. Triết lý hay không triết lý
“Tôi vốn ưa thích triết học và vì thế tôi muốn đưa triết học vào những ca khúc của mình,” (3) TCS giải thích việc người ta tìm thấy những triết lý ẩn náu trong “ca từ” của ông.
Những triết lý tản mạn được ông “đưa vào những ca khúc của mình” có thể dễ dàng tìm thấy trong một số bài hát, một số câu hát. Những triết lý ấy không mới (nếu không phải cũ kỹ), hoặc nếu có mới chỉ là mới ở cách thể hiện bằng “ngôn ngữ TCS”. Hơn thế nữa, những triết lý ấy hầu hết đều nằm trong những pho sách ở “tàng kinh các” của nhà Phật. Đó là những “triết lý” về số kiếp, về định mệnh, về “sắc sắc không không”, về “lẽ vô thường của đất trời”, hoặc những giáo điều khá phổ biến mà không ai không biết, như “đời là bể khổ trầm luân”, “oán thù nên giải không nên kết”... vân vân. Chính ông cũng thừa nhận: “Phật giáo tác động rất sâu xa trong đời sống tâm linh của tôi. Cái phần siêu hình trong ngôn ngữ của tôi là do ảnh hưởng của Phật giáo... Không hiểu sao, những năm gần đây, tôi thường nghĩ về Phật giáo như là một tôn giáo mang nhiều tính hiện sinh nhất. Bắt đầu bằng chữ sát na, một đơn vị thời gian siêu nhỏ. Phải biết sống hết mình trong mỗi sát na của thực tại...” (4) Ông phấn khởi, hồ hởi tìm thấy nơi triết lý nhà Phật con đường giải thoát, và còn hăng hái rủ rê mọi người cùng theo ông đến gõ cửa thiền: “Với tôi, Phật giáo là một triết học làm cho ta yêu đời hơn, chứ không phải làm cho ta lãng quên cuộc sống. (4) Đó là một thứ triết học siêu thoát mà ai cũng cần phải học, ngay cả những người thuộc tôn giáo khác. Mỗi người cần phải nỗ lực để xây dựng cho bằng được một ngôi chùa tĩnh lặng trong lòng mình. Nó sẽ giúp ta nhìn thế giới khác đi, nhìn cuộc sống khác đi. Với tôi, đó cũng là thiền, là một cách sống đích thực...” (4)
Thiền, liệu đấy có phải là “một cách sống đích thực”? Ai sẽ trả lời câu hỏi này? Chỉ biết rằng “Hãy cứ vui như mọi ngày”, “Để gió cuốn đi”, “Nguyệt ca”, “Đóa hoa vô thường”, “Giọt lệ thiên thu”... và những bài về sau nữa nghe đẫm hương thiền, trong lúc người viết những ca khúc ấy vẫn còn đang dọ dẫm những bước đầu “khái niệm nhập môn” để phấn đấu trở thành một môn sinh của Thiền. “Tôi đang tập hành Thiền về sự lãng quên,” ông cho biết thêm. “Lãng quên những gì không cần thiết cho đời và cho chính bản thân mình”. (4)
Liệu ông còn phải tập tành đến bao lâu, đến mức nào mới gọi là đủ công phu, nội lực để lọt hẳn được vào cánh cửa thiền (không phải chân trong chân ngoài)? Liệu ông có “thiền” nổi, có “lãng quên” nổi, hay rồi cũng chỉ là quên trong nỗi nhớ (“Nguyệt ca”) hoặc tưởng rằng đã quên / nhưng tim yếu mềm... (“Tưởng rằng đã quên”).
Ông thích “triết lý” về sự sống, về cái chết, về tình yêu, về thân phận con người..., bằng những góp nhặt và vay mượn từ những mảng triết học từ đông sang tây, chỗ này một ít, chỗ kia một ít.
Đời cho ta thế / những sớm tối không đổi thay... (“Đời cho ta thế”), định mệnh chỉ cho ta một quả chanh, hãy vui vẻ đón nhận, hãy vắt lấy nước mà uống. Triết lý “thỏa hiệp với nghịch cảnh” ấy ta nghe đã từ lâu lắm.
Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui
Chọn những bông hoa và những nụ cười
(“Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”)
Không phải đợi cho tới lúc những câu hát ấy được TCS viết ra, người ta mới thấu hiểu được ý nghĩa của triết lý sống đơn giản ấy. Hạnh phúc ở quanh đây, hạnh phúc thật bình thường, cái “nghệ thuật sống” ấy từng được nhiều người biết đến, có khi còn trước cả ông Lâm Ngữ Đường nữa.
Triết lý về nhân sinh ấy được đẩy xa thêm chút nữa thành ra những Hãy cứ vui chơi cuộc đời (“Hãy cứ vui như mọi ngày”), Còn cuộc đời ta cứ vui (“Để gió cuốn đi”), Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ (“Mưa hồng”). Đến đây thì những câu hỏi Tôi là ai mà yêu qu đời này?... / Tôi là ai mà còn trần gian thế?... (“Tôi ơi, đừng tuyệt vọng”) bắt đầu được đặt ra... “Tôi là ai?” hoặc “Tôi hiện hữu hay không hiện hữu?”, những vấn nạn đại loại như thế đã có từ nhiều năm trước, khi mà tuổi trẻ ngày ấy mới bước đầu làm quen với những tên tuổi A. Camus, J. P. Sartre. Thế nhưng, đây lại là một kiểu hiện sinh khác, theo như TCS giải thích: “... không phải hiện sinh theo kiểu sống vội sống vàng, mà ở đây, con người sống bình thản trong từng sát na”. (3)
Một trong những lập luận vẫn thường được TCS nhắc đi nhắc lại, như một phát kiến của nhà tư tưởng: “Tôi hát là tôi hiện hữu. Tôi tồn tại cũng có nghĩa là tôi sẽ mất đi. Tôi mất đi nhưng tiếng hát còn ở lại. Tiếng hát còn ở lại cũng có nghĩa là tôi hiện hữu.” (4) Cứ theo lối lập luận ấy, ông đã không thừa nhận là ông “mất đi” sau khi ông... mất. Trước đây, ông vẫn phủ nhận những quy luật về tuổi tác và nhất định “không chịu già”. Nay, ông đứng vào hàng ngũ những người “không chịu chết”, mặc dầu cũng chính ông là người viết “Cát bụi”.
Thử nghe lại “Cát bụi”, một trong những ca khúc khá phổ biến của TCS, mang tính triết lý về thân phận con người (trở thành bài hát chính tiễn đưa ông trong ngày ông “về làm cát bụi”). Để một mai tôi về làm cát bụi thì không có gì mới (“cát bụi trở về cát bụi”, ai cũng biết). Ôi, cát bụi mệt nhoài thì có mới hơn (mặc dầu trước đó nhiều năm, nhà thơ cùng tên với ông, Nguyễn Đức Sơn, cũng từng nói đến Cát Bụi Mệt Mỏi). “Mệt nhoài” vì những nỗi gian truân, những lao đao giữa cuộc sống, những lận đận của kiếp người... Ôi, cát bụi tuyệt vời cũng mới hơn. Thật là tuyệt vời khi rũ sạch nợ trần (hay phủi sạch bụi trần) để lại được hóa thân về làm... cát bụi!
Tiếng động nào gõ nhịp khôn nguôi... là “tiếng động” gì vậy? Giữa đời sống cơ hồ bị bủa vây bởi trùng trùng thanh âm, bởi trăm nghìn tiếng động, làm sao biết được tiếng động nào là tiếng động nào? Bao nhiêu người hát, bao nhiêu người nghe, ít có ai đặt câu hỏi. Tiếng động nghe được và không nghe được. Tiếng động có tên và không tên. Có thể là tiếng búa nện đinh trên nắp quan tài. Hoặc, có thể là tiếng động “tích tắc” gõ nhịp đều đặn của chiếc kim đồng hồ, từng ngày từng giờ vận chuyển những vòng lăn của chiếc bánh xe thời gian. Hoặc, có thể là tiếng mưa nhỏ giọt, từng giọt từng giọt trong đầu, như là có mưa quanh chỗ nằm (“Một ngày như mọi ngày”). Hoặc, có thể, có thể..., và còn biết bao nhiêu loại tiếng động khác nữa giữa cuộc sống bộn bề. Thử nghĩ xem, ông nhạc sĩ muốn nói điều gì? Thử nghe qua vài loại tiếng động lạ thường trong những lời nhạc của ông.
Đêm ta nằm nghe tiếng trăm năm
(“Còn có bao ngày”)
Nghe sóng âm u dội vào đời buốt giá
(“Tình xa”)
Có tiếng tù và hối thúc trong tim
(“Bay đi thầm lặng”)
Một chiều đầu thu nghe chân ngựa về chốn xa
(“Một cõi đi về”)
Lại còn có cả một bài nhạc (“Nghe tiếng muôn trùng”) nói về đủ thứ đủ loại tiếng động mà chỉ có mỗi mình ông nghe được:
Đêm nghe gió tự tình
Đêm nghe đất trở mình
Đêm nghe gió thở dài
Đêm nghe tiếng khóc cười của bào thai
Tiếng động, nỗi ám ảnh thường trực, không nguôi, không dứt, không rời, chính là nỗi ám ảnh về cái chết, về cát bụi, đeo đẳng theo ông mãi một đời.
Tiếng động là ảo giác.
Làm gì có tiếng động nào. Làm gì có triết lý nào. TCS, đôi lúc ta thấy ông như đang loay hoay cố tìm kiếm điều gì đó mới mẻ, nhưng tìm chưa thấy, kiếm chưa gặp, nên vẫn cứ loanh quanh luẩn quẩn, vẫn còn chạy lòng vòng. Trước sau ông vẫn chỉ như một con người suy tưởng (thinker), cho dù đôi lúc ông có điệu bộ lừng khừng hoặc trầm tư của một triết nhân.
Khi nghe nhạc TCS là khi ta lên đường cùng với ông, đi tìm kiếm những lời giải đáp, những câu trả lời về thân phận, về tình yêu, về cuộc sống, về cái chết, về đủ mọi vấn nạn trong cõi nhân sinh này. Những câu hỏi đại loại Tôi là ai, là ai, là ai...?, hoặc lắm lúc chỉ là những câu hỏi bâng quơ “làm sao, thế nào...?” tưởng như vớ vẩn, lẩm cẩm, Làm sao em biết bia đá không đau?... Làm sao em biết đời sống buồn tênh?... “Làm sao, làm sao...?” Những câu hỏi cứ dấy lên mà không bao giờ có được lời giải đáp. Những câu hỏi tựa như từng viên đá cuội rót vào lòng biển khơi (“Tình nhớ”), hoặc theo cách nói của ông, những câu hỏi ném vào hư vô, hư không hay hư... gì gì đó!
TCS không phải là người đầu tiên “muốn đưa triết học vào những ca khúc”. Trước ông khá lâu, Phạm Duy chẳng hạn, đã có những tâm ca, rồi đạo ca, thiền ca... Về giá trị nghệ thuật, từ “Đóa hoa vô thường” đến những bài phổ thơ Phạm Thiên Thư của Phạm Duy như “Đưa em tìm động hoa vàng”, “Gọi em là đóa hoa sầu” vẫn còn là những khoảng cách.
Tương tự, “Còn mãi tìm nhau” là một cố gắng khác để viết lại “Tìm nhau”, một sáng tác của Phạm Duy, năm 1956.
Ở Phạm Duy là Tìm nhau trong cơn gió, ở TCS là Tìm trong gió vô tình.. / tìm trong ngọn gió hư vô. Ở Phạm Duy là Tìm nhau khi nắng đổ, ở TCS là Tìm trong nắng hững hờ. Ở Phạm Duy là Tìm nhau trong mưa bão, ở TCS là Tìm khi gió mưa về. Ở Phạm Duy là Tìm nhau trong muôn thuở, ở TCS là Tìm nhau giữa vô cùng. Ở Phạm Duy là Tìm nhau như thiên cổ tìm ngàn thu, ở TCS là Tìm xa vắng muôn trùng / tìm nhau ta hẹn với đời nhau. Sau hết, ở Phạm Duy là Gặp nhau / đôi tâm hồn được nghỉ ngơi, ở TCS là Tìm nhau trong hạnh phúc vô thường. Trong lúc Phạm Duy vẫn còn miệt mài Tìm trong câu thơ cổ / tìm qua tranh tố nữ / tìm... thì TCS có lẽ đã... thấm mệt nên tạm thời từ bỏ ý định “còn mãi tìm nhau”.
Trở lại chuyện triết lý hay không triết lý. Kỳ thực, chẳng có triết lý nào cả, chẳng có triết học nào “đưa vào những ca khúc” như TCS nói. Những triết lý ấy (nói cho có vẻ “triết lý”), thực chất là giáo lý, tiềm ẩn trong tôn giáo; hay nói đúng hơn, là những mảnh vụn triết lý vay mượn, sao ch p trong kinh Phật. Những “triết lý” ấy thực sự không xa lạ gì đối với tín đồ Phật giáo, đối với một phật tử thuần thành như TCS. Phật giáo, nói như TCS, đấy là một thứ “triết học siêu thoát”, chứ không hẳn chỉ là một tôn giáo. “Tôi đang cố gắng quên Phật giáo như một tôn giáo,” ông nói, và còn thêm rằng ông không “tìm đến với Phật, mà là trở về với Phật tính trong cõi riêng mình”. (4) Ông gọi đó là “chiếc ngai Phật”. “Tôi ngồi, Phật sẽ tràn ngập tôi và tôi sẽ tràn ngập Phật”. (4) Càng về cuối đời, hay càng cận kề nỗi tuyệt vọng, người ta càng có khuynh hướng đến gần với tôn giáo, điều này cũng dễ hiểu và cũng giải thích trường hợp TCS. Dù là “tìm đến với Phật” hay “trở về với Phật tính”, dù có muốn “quên Phật giáo như một tôn giáo” thì tôn giáo ấy cũng đã là chỗ dựa, là đôi nạng nhiệm mầu cho ông tựa vào để gắng gượng sống, để có đủ sức chống trả và hóa giải mọi bủa vây nghiệt ngã, hay ít nhất cũng đã vỗ về, trấn an ông, đã ít nhiều tạo cho ông cái ảo giác là ông có thể an nhiên tự tại trong cõi sống đầy hệ lụy này. Tôn giáo là con đường cứu rỗi, là chiếc phao cho kẻ sắp chết đuối là ông bám vào, khi mà sự tuyệt vọng và cái chết là hai nỗi ám ảnh không rời trong những năm tháng cuối đời.
Ông đã nói về tôn giáo của mình như những lời rao giảng về đức tin, về chân lý trong một bài thuyết pháp. Ông đã tin vào tôn giáo như tin vào một thứ triết học siêu thoát. Ông đã tập hành thiền để mong “siêu thoát”, để tìm sự lãng quên, thế nhưng mục đích của hành thiền đâu có phải là để lãng quên. Chẳng ai tập lãng quên được cả. Ai cũng biết, khi muốn quên là khi lòng còn nhớ; khi muốn “thoát” là chưa dứt nợ trần. Ông không quên, ông chỉ muốn tìm quên; ông chưa thoát, ông chỉ muốn được thoát, và đấy là những điều ông “muốn”, chứ không phải là ông đã đạt được.
Tôn giáo, sau cùng đã cho ông được những gì? Liệu ông có đủ vật liệu (đức tin, sự bền bỉ, lòng quyết tâm) để xây được “ngôi chùa tĩnh lặng trong lòng mình”. (4) Đâu cần phải xây dựng những ngôi chùa nguy nga, những đền đài tráng lệ, chỉ cần một cái am nhỏ thôi, tôi nghĩ, với một chút lòng thành, cũng đủ cho ông tìm gặp được chính mình.
Liệu ông có thực sự tin vào những lời rao giảng của chính mình hay chỉ... nửa tin nửa ngờ? Liệu “đức tin” ấy có “cứu” được ông? Chắc không ai có được câu trả lời rõ ràng hơn chính ông: “Những đấng tối cao, có lẽ đã ngủ quên cùng với chân lý,” (3) sau cùng ông đã phải thốt lên như vậy. Trong nỗi tuyệt vọng, ông phải lần dò đi gõ từng cánh cửa, kể cả cánh cửa tình yêu để khẩn cầu, Chúa đả bỏ loài người / Phật đã bỏ loài người / Này em, xin cứu một người... (“Này em có nhớ”).
Triết học, sau cùng đã cho ông được những gì? Chắc cũng không ai có được câu trả lời rõ ràng hơn chính ông: “Tôi đang muốn quên đi những trang triết lý, những luận điệu phỉnh phờ,” (3) ông nói thẳng thừng. Tất cả, những gì ông đã dày công nghiền ngẫm, sục sạo, rốt cuộc đều là giả trá, bịp bợm cả hay sao? “Những luận điệu phỉnh phờ”, khi nói thế, ông cũng đã “triết lý” vậy. Chỉ có điều, triết lý ấy đã ứng dụng cho cả chính ông, đã quay ra phỉnh phờ cả chính ông.
Tôn giáo là triết học hay triết học là tôn giáo? TCS, ông đã đồng hóa hai thứ ấy. Triết học và tôn giáo chỉ là một. Ông đã tìm thấy trong tôn giáo của ông những triết lý đời thường mà ông tin rằng có thể ứng dụng được để cứu rỗi ông, để giúp ông tìm được sự bình ổn trong tâm hồn. Điều đó cũng giải thích vì sao ông đã “muốn đưa triết học vào những ca khúc của mình”.
5. Nhạc và lời
Trong một thời gian rất dài, trên bìa của các bản nhạc ấn hành ở hai miền Nam Bắc, bên dưới cái tựa của bài nhạc luôn luôn là hàng chữ “Nhạc và lời”, ghi tên tuổi của tác giả. Trừ một ít trường hợp phổ thơ và phổ lời của người khác, hầu hết nhạc và lời đều cùng một tác giả. Vì là nhạc phẩm (không phải là thi phẩm, họa phẩm...), mọi người đều ngầm hiểu rằng phần nhạc là chính, lời là phụ. (Tất nhiên, nhạc hay và lời cũng hay thì bài nhạc thêm phần giá trị). Trường hợp TCS lại không phải như vậy. Dù là thưởng thức hay bình phẩm về âm nhạc của ông nhạc sĩ này, mọi người có lúc gần như đã quên đi phần “nhạc” để chỉ nói đến “lời”. Tại sao lại như vậy, có điều gì nghịch lý chăng?
Giá trị nghệ thuật của âm nhạc TCS là ở lời hơn là ở nhạc. Nếu tước bỏ phần lời, e chẳng còn gì. Các dĩa nhạc độc tấu, hòa tấu TCS bán lền khênh ngoài cửa tiệm, dẫu phần kỹ thuật, nghệ thuật có được chăm chút tới đâu cũng ít được giới yêu nhạc chiếu cố. Người ta “nghe” nhạc TCS là nghe những lời ông nói trong bài nhạc ấy chứ không nghe dạo nhạc, chơi nhạc (trừ một ít bài). Các nhạc sĩ đàn anh của TCS như Phạm Duy, Văn Cao không “chê” nhạc của ông, nhưng không tìm ra chỗ nào để khen. Ông Văn Cao chỉ nói: “Trong âm nhạc của Sơn, ta không thấy dấu vết của âm nhạc cổ điển theo cấu trúc bác học tây phương... Những lời, ý đẹp và độc đáo đến bất ngờ hôn phối cùng một kết cấu đặc biệt như một hình thức của dân ca, hầu như không thay đổi...” (5). Ông Phạm Duy thì nói: “Về phần nhạc, toàn thể ca khúc TCS không cầu kỳ, rắc rối, vì nằm trong một số nhạc điệu đơn giản... ài hát chỉ cần một chiếc đàn guitar đệm theo, nếu hòa âm phối khí rườm rà thì không hợp với những bài hát soạn theo thể ballade này” (1). Hai bậc đàn anh này đều tỏ ra “đàn anh” và tử tế: rộng rãi lời khen, khen chỗ nào đáng khen, chỗ nào không khen được thì cũng... không chê! Cả hai ông đều chỉ nói lướt qua phần “nhạc”, trong lúc đưa ra những lời ngợi khen về phần “lời” (ta hiểu rằng phần nhạc... không có gì để nói nhiều).
“Nhạc điệu đơn giản” và “hầu như không thay đổi” theo lối nhận định trên còn được hiểu là đơn điệu, trùng lặp. Những trùng lặp này dễ dàng tìm thấy ở những câu nhạc của những bài nhạc khác nhau. Tiếng đàn đệm guitar “phừng phừng” trong những băng nhạc mà ta nghe được (thường là Ca Khúc Da Vàng) trong những quán café một thời nào, thường chỉ một điệu duy nhất, rõ ràng là không lấy gì làm hấp dẫn, vậy mà tuổi trẻ ngày ấy vẫn chịu khó ngồi quán hàng giờ để thưởng thức, đủ để thấy cái sức thu hút nằm ở lời ca chứ đâu phải tiếng nhạc.
Những trùng lặp cũng không phải chỉ ở phần nhạc mà còn ở phần lời nữa. Những ý tưởng trong “Một cõi đi về” chẳng hạn, có thể tìm thấy rải rác trong “Một ngày như mọi ngày”, “Lặng lẽ nơi này”, “Giọt lệ thiên thu”...
Trong một số bài TCS, lời ca lấn lướt hẳn nhạc điệu. Có nhiều bài, đọc lời ca thấy hay nhưng khi hát hoặc nghe hát thì lại không nghe ra được cái hay ấy, hoặc cái hay... giảm đi. Trong một bài nhận định trước (Từ “Diễm xưa” đến “Một cõi đi về”), tôi có nêu nhận xét “Lời TCS hay đến mức, ở một đôi bài, nhạc không bắt kịp lời” (nhận xét này cũng được nhiều người đọc chia sẻ) cũng là nằm trong ý này. Đó là những bài mà lời ca “đọc” nghe hay hơn là “hát”, chỉ vì giai điệu tầm thường hoặc lời một đằng nhạc một nẻo, thiếu tương xứng, hài hòa. Lời có đẹp nhưng nhạc lại không đủ sức nâng, thành thử “nhạc và lời” đều không bay lên được. Kết quả, một số bài hát tuy có hay ở phần lời nhưng lại ít được phổ biến, không đến được với người yêu nhạc.
Lâu nay tôi vẫn không trả lời được rõ ràng mỗi khi có người hỏi “thích bài nào của TCS?”. Thường thì tôi khá lúng túng để tìm tên một bài hát nào đó. Bây giờ thì tôi hiểu tại sao. Tôi không thích hẳn, thích trọn một bài nào mà chỉ thích đôi ba câu trong những bài hát ấy. Tôi cũng nhận ra cái lối thưởng thức nhạc TCS tương tự ở nhiều người khác chứ chẳng phải riêng tôi. Có vẻ những người yêu nhạc TCS cũng chỉ giữ riêng cho mình một đôi câu trong bài nhạc nào đó của ông, đôi lúc không nhớ nổi cái tên. Thành thử, có khi người ta yêu một bài hát chỉ vì yêu một câu hát, cũng tựa như yêu một cô gái chỉ vì cái má lúm đồng tiền vậy.
Một cô bạn tôi ngày trước nói rằng cô thích câu Có tôi trong dáng em ngồi trước sân trong một bài hát nào đấy của TCS mà cô không biết hay không nhớ tên. Mãi sau này tôi mới gặp “Đóa hoa vô thường”, tên bài ấy, và có nghe đâu một vài lần. Mặc dù bài hát có được một vài nhà nghiên cứu âm nhạc ca ngợi về giá trị nghệ thuật, trước sau tôi vẫn không mấy thích, và bài này có vẻ cũng ít được phổ biến, hiểu theo nghĩa ít người chịu hát, chịu nghe, chịu thưởng thức. Tôi chịu “Nguyệt ca” hơn, chịu Từ khi trăng là nguyệt / đèn thắp sáng trong tôi hơn là Từ đó ta là đêm / nở đóa hoa vô thường. Cô bạn tôi thì chỉ chọn ra được mỗi một câu trong bài (tôi không chắc là cô thích bài hát hay chỉ thích câu hát ấy, và cô cũng chẳng biết câu ấy hát như thế nào nữa). Vậy là sao? Có thực đấy là bài nhạc hay và có “giá trị nghệ thuật” đúng nghĩa? Những bài giới thiệu, ngợi khen về giá trị và công trình biên soạn một tác phẩm không làm tác phẩm ấy trở thành... tác phẩm hay. Việc thẩm định bao giờ cũng thuộc về phía những người thưởng ngoạn. “Đóa hoa vô thường” khó được đón nhận, tán thưởng vì những cái khó: khó hát, khó diễn tả, khó hiểu, và vì... vô thường quá!
Dường như sở trường của TCS là những ca khúc ngắn, bố cục gọn, hơn là những “trường ca”. Dòng nhạc của ông chỉ quanh quẩn nơi những khúc sông, chưa một lần nào đổ ra biển, chưa một lần nào Ra khơi / biết mặt trùng dương / biết trời mênh mông / biết đời viễn vông / biết ta hãi hùng... (“Viễn du”, Phạm Duy). “Đóa hoa vô thường” chỉ là một thử nghiệm. (Thực ra ông cũng từng “thử nghiệm” một lần với “Dã tràng ca”, trong thời kỳ đầu sáng tác, nhưng cũng không thành công. Bài hát không phổ biến, ít người biết). Dù đã từng là vận động viên chạy bộ, TCS chỉ quen chạy những quãng ngắn, nay đổi sang chạy đường dài ông dễ bị hụt hơi.
Tôi cũng nhận ra thêm một điều, dường như ít có được bài nhạc nào của TCS gọi là hoàn hảo, hầu như bài nào cũng có một, hai chỗ hỏng, chỗ vụng, khi thì ở lời, khi thì ở nhạc. Những bài nhạc vẫn như một phác thảo, một tác phẩm không toàn bích, một nhan sắc không toàn vẹn, vẫn như thiêu thiếu một cái gì. Được đoạn đầu thì không được đoạn cuối, hay đoạn giữa. Được một, hai câu hay thì lại vấp phải một hai câu vụng. Đôi khi, tôi nghĩ, cũng chính vì cái thiêu thiếu ấy mà người nghe vẫn muốn nghe thêm, vẫn muốn đi tìm, để mong một lúc nào đó sẽ tìm gặp.
Không phải là tác giả TCS không thấy được những khiếm khuyết ấy. Ông cũng thừa nhận, “Bố cục trong âm nhạc tuy chặt chẽ nhưng cũng có những khoảng tưởng như vụng về. Cái vụng về ấy là cố ý như chiếc răng khểnh hoặc nốt ruồi trên khuôn mặt đẹp”. (3) Những vụng về cố ý, đấy chỉ là cách nói để người ta dễ bỏ qua những khiếm khuyết. Ta có thể nhìn thấy những “chiếc răng khểnh hoặc nốt ruồi” ấy nằm rải rác đâu đó trong số những bài nhạc của ông, có khi ở câu hát, có khi ở giai điệu. “Nhớ mùa thu Hà Nội” chẳng hạn, ca khúc sáng tác sau năm bảy mươi lăm, đẹp cả nhạc lẫn lời, và còn là bức họa sinh động có một khí hậu rất Hà Nội.
Hà Nội mùa thu / đi giữa mọi người
lòng như thầm hỏi tôi đang nhớ ai(?)
Sẽ có một ngày / trời thu Hà Nội trả lời cho tôi
Sẽ có một ngày / từng con đường nhỏ trả lời cho tôi
Bài hát sẽ là những lời tả tình tả cảnh về một nơi chốn quê hương thật là đẹp, nếu không lọt ở đâu vào câu kết (coda) nghe khá gượng ép và… lạc điệu, Mùa thu Hà Nội / nhớ đến một người / để nhớ... mọi người, như một cố gắng thêm vào để đi đúng bài bản chính sách “mình vì mọi người, mọi người vì mình”. Chữ “mọi người” lặp lại hai lần trong bài hát một cách cố ý, vừa nói đến cái riêng là phải quay về cái chung ngay để tránh bị quy chụp là... lãng mạn tiểu tư sản.
Ví dụ kể trên, là một trong nhiều ví dụ, dẫu có là “nốt ruồi trên khuôn mặt đẹp”, nói như TCS, chắc không phải là nốt ruồi... duyên.
Đặc điểm ở kết cấu, bố cục trong những bài nhạc TCS là tính chắp vá, tản mạn. Câu trước và câu sau lắm khi chẳng có một mắt xích liền lạc nào. Những ý tưởng rời rạc gom góp lại thành bài hát. Thậm chí có thêm hay bớt một vài câu cũng không làm thay đổi hay thiệt hại gì đến bài hát, hoặc cho đoạn cuối, đoạn giữa lên trên, đoạn đầu xuống dưới như cách vài ca sĩ vẫn làm cũng chẳng sao. Những ý tưởng không liền lạc như thế khiến phát sinh những kiểu chế biến trong lối trình diễn nhạc TCS, như “liên khúc TCS”, hoặc ghép chung hai bài nhạc (nội dung chẳng có chút gì liên hệ với nhau) thành một bài, như “Cát bụi-Tình xa” chẳng hạn, và người nghe vẫn cứ dễ dàng chấp nhận.
Một số bài nhạc TCS có thể ví như những bài thơ có hay nhưng không hoàn hảo, người đọc tuy có thích, nhưng chỉ nhặt ra một vài câu để ngâm nga mà không thích trọn bài. Nghe nhạc TCS, trước sau vẫn chỉ là đón bắt những ý tưởng tản mạn như những bông hoa lạ và đẹp, để nhìn ngắm, thưởng thức, và đôi lúc tự tạo cho mình chút ảo giác dễ chịu trong cuộc sống tẻ nhạt thường ngày.
Tôi không định nhắc đến tên một vài ca sĩ, một vài giọng hát đã mang đến cho người nghe chút ảo giác “hạnh phúc là một tách café và nhạc TCS”, nhưng vì tác giả TCS cũng đã kể ra những tên tuổi này, trong số có Bạch Yến, người nữ ca sĩ mà ông cho rằng “hát hay nhất bài ‘Lời buồn thánh’”. (6) Tôi chưa được nghe Chiều Chủ Nhật buồn / lặng nghe gió đi về... qua tiếng hát của “người hát hay nhất bài ‘Đêm đông’” này, tuy nhiên tác giả bài hát đã có lời nhận xét như vậy thì chắc là phải đúng thôi. Nhưng tại sao chỉ có “Lời buồn thánh”, còn những bài khác thì sao? Ca sĩ ấy chỉ hát có mỗi bài ấy? Tôi không được r , thế nhưng tôi biết có những ca sĩ đúng là chỉ hát hay có một bài nào đó của TCS, như Carol Kim với “Hãy khóc đi em”, như Elvis Phương với “Này em có nhớ”. Có thể kể thêm nữa Sĩ Phú với “Nghe những tàn phai”, Vũ Khanh với “Hai mươi mùa nắng lạ”, Ngọc Lan với “Đêm thấy ta là thác đổ”, Tuấn Ngọc với “Tôi ru em ngủ”, Duy Trác với “Một cõi đi về”, Thái Hiền với “Phôi pha”, Trịnh Vĩnh Trinh với “Tôi ơi, đừng tuyệt vọng”... (và còn những bài hát, những giọng hát nào nữa tôi chưa được biết đến, chưa được nghe qua).
Riêng Khánh Ly, ca sĩ vẫn được nhiều người và chính tác giả TCS nêu nhận xét là có “giọng hát phù hợp nhất, thể hiện đúng tâm trạng bài hát của tôi nhất”, (6) tôi vẫn cho là chị hát Ca Khúc Da Vàng hay hơn là những tình khúc và những ca khúc mang chủ đề khác của TCS (và chính chị cũng từng nói là chị “yêu những Ca Khúc Da Vàng hơn bởi vì nó lớn hơn tình ca”). Những lời hát ấy phải sánh đôi với giọng hát ấy, phải là giọng khắc khoải, trăn trở, rã rượi, phải là cái giọng khao khao của “con chim đau” khản tiếng, phải là tiếng kêu bi thương, thảm thiết, có lúc đứt đoạn, có khi lạc cả giọng. Giọng Khánh Ly, giọng hát mang thương tích, giọng hát chở theo những định mệnh bất toàn, những nghiệt ngã của thân phận đất nước, những bất hạnh của cả một dân tộc. Đâu có dễ gì tìm được một giọng hát như thế, giọng hát của người con gái Việt Nam da vàng... Cũng phải kể thêm một số bài của TCS khó tìm được ai hát hay hơn chị, như những “Lời mẹ ru”, “Xin cho tôi”, “Tình nhớ”, “Mưa hồng”, “Để gió cuốn đi”, “Những con mắt trần gian”, “Một ngày như mọi ngày”, “Hãy cứ vui như mọi ngày”, “Yêu dấu tan theo”... Và giọng Lệ Thu nữa, nào có phải chỉ “hát hay nhất ‘Hạ trắng’ và ‘Xin mặt trời ngủ yên’” (6) như TCS nói, tôi cho rằng cần phải kể thêm nữa những “Cát bụi”, “Vết lăn trầm”, “Tình xa”, “Ru ta ngậm ngùi”, “Rừng xưa đã khép”, “Nắng thủy tinh”, “Như cánh vạc bay”..., và khi chị đã cất tiếng hát một tình khúc nào đó của TCS thì thật khó có ai hát qua được chị.
Những nhận xét nêu trên là hoàn toàn chủ quan, không hẳn đã phù hợp đối với nhiều người.
Dường như sau ngày TCS qua đời, người ta cảm thấy lời ca của những bài nhạc viết ra sau cái “thời TCS” chẳng có gì… hay ho. Việc so sánh ấy đến một cách tự nhiên (cho dù người ta không muốn làm một sự so sánh), khi người ta hâm mộ cái gì đó, ở đây là những lời, những ý trong nhạc TCS. Đây quả là một thiệt thòi, một thử thách khó vượt qua được cho những người viết nhạc sau TCS. Đi tìm một bài nhạc có những lời hay và đẹp như lời của TCS thật… không dễ chút nào. Một ít nhạc sĩ đi theo hoặc bắt chước cách đặt lời na ná như TCS nhưng không thành công, chỉ như những mặt hàng “nhái”, “giả”, và không tạo được cảm xúc nào cho người nghe như khi nghe TCS “thật”.
(Xin xem tiếp Phần C.)
______________________________
(1) Phạm Duy, Hồi ký Phạm Duy (Tập III, Chương 20 – Thời phân chia Quốc Cộng), nxb Phạm Duy Cường, Calif. 1991
(2) TCS, tạp bút, Trịnh Công Sơn, rơi lệ ru người, nxb Phụ Nữ, Hà Nội, 2001
(3) TCS, trả lời phỏng vấn, Trịnh Công Sơn, một người thơ ca, một cõi đi về, nxb Âm Nhạc & TTVH Ngôn Ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2001
(4) TCS, tạp bút, Một cõi Trịnh Công Sơn, nxb Thuận Hóa & TTVH Ngôn Ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2002
(5) Văn Cao, lời bạt, Em còn nhớ hay em đã quên, nxb Trẻ, TP.HCM 1991
(6) TCS, trả lời phỏng vấn, Tạp chí Thế Giới Mới, TP.HCM, 2/1999
(7) Quỳnh Giao, Trịnh Công Sơn, như cánh vạc bay, Tạp chí Văn Học, Calif. 10&11/2001
(8) TCS, tạp bút, Trịnh Công Sơn, người hát rong qua nhiều thế hệ, nxb Trẻ, TP.HCM, 2001
* Những chữ in nghiêng trong bài là trích lời nhạc TCS
- Ông già Noel vô tích sự Lê Hữu Truyện ngắn
- Một tách cà-phê cho hai người Lê HỮu Tùy bút
- Lá gan của cô còn tốt lắm! Lê Hữu Truyện ngắn
- Ảo giác Trịnh Công Sơn Lê Hữu Nhận định
- Ngôn ngữ thơ là cái quái gì vậy? Lê Hữu Nhận định
- Nhạc vàng boléro, sến hay không sến? Lê Hữu Nhận định
- Màu tím vấn vương trong nhạc Việt Lê Hữu Tản mạn
- Thơ Như Thương, tình yêu, những khuôn mặt Lê Hữu Nhận định
- Ngày Của Mẹ, Ngày Của Con Lê Hữu Tạp luận
- Bắn chậm thì chết Lê Hữu Truyện ngắn
• Ảo giác Trịnh Công Sơn (Lê Hữu)
• Trịnh Công Sơn: Quê hương, Tình yêu, Thân phận (T. V. Phê)
• Trịnh Công Sơn (Phạm Duy)
• Người ca thơ (Văn Cao)
• Tình bạn, hồi sinh cơn hôn mê (Đinh Cường)
• Trịnh Công Sơn: Đời và Nhạc (Đặng Tiến)
• Trịnh Công Sơn: Ngôn ngữ và những ám ảnh nghệ thuật (Bùi Vĩnh Phúc)
Trịnh Công Sơn & Tham Vọng Chính Trị (Trịnh Cung)
Tiểu Sử (Wikipedia)
• Nỗi Lòng Của Tên Tuyệt Vọng (Trịnh Công Sơn)
Huế, Sài Gòn, Hà Nội (Khánh Ly)
Ðại Bác Ru Ðêm (Khánh Ly)
Biết Ðâu Nguồn Cội (Khánh Ly)
Ở Trọ (Trịnh Công Sơn hát)
Nắng Thủy Tinh (Khánh Ly)
Níu Tay Nghìn Trùng (Hồng Hạnh)
Quỳnh Hương (Ý Lan)
Hôm Nay Tôi Nghe (Khánh Ly)
• Cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Hoàng Trang (Đông Kha)
• Nghe lại 10 ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Hàn Châu thu âm trước 1975 (Đông Kha)
• Làm sao nói hết niềm riêng: Có những niềm riêng (Lê Tín Hương) (Lê Trung Ngân)
• Nhạc Nhái và Nhạc Chế (Song Thao)
• Đêm Sài Gòn Xưa (Huyền Chiêu)
• Ảo giác Trịnh Công Sơn (Lê Hữu)
• Nguyễn Đình Nghĩa - Bắt Đầu... Từ Một Đêm Trăng (Phan Nhật Nam)
• Theo Hoàng Thi Thơ, đi tìm lại đường xưa lối cũ (Cao Vị Khanh)
• Nhạc sĩ Vinh Sử kể tình đời qua những khúc bolero (Hoàng-Dung)
• Nhạc sĩ Hoài Nam và ca khúc “9 Tháng Quân Trường”: Gắn trên vai chiếc lon Chuẩn-úy… (Đông Kha)
Các nhóm nhạc (Wikipedia):
Myosotis, Tricéa, Tổng Hội Sinh Viên, Đồng Vọng
Nhạc sĩ:
Trang nhà:
Nhạc tuyển::
Dòng nhạc gợi nhớ Taberd75.com
Sài Gòn ơi! Vĩnh biệt Ngọc Lan
Mùa thu Paris Thái Thanh
Lòng Mẹ (Y Vân) Lê Tấn Quốc, Saxo
Hận Đồ Bàn (Xuân Tiên) Chế Linh
- Hình Ảnh Ca Nhạc Sĩ Sài Gòn trước 1975
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |