1. Head_

    Lam Phương

    (20.3.1937 - 22.12.2020)

    Lưu Trung Khảo

    (.0.1931 - 22.12.2015)

    Nguyễn Hiến Lê

    (8.1.1912 - 22.12.1984)

    Nguyễn Đình Nghĩa

    (5.10.1940 - 22.12.2005)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Chỉ Là Ước Mơ Qua Các bản Quân Ca Xưa (Trần Văn Nam) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      14-3-2016 | ÂM NHẠC

      Chỉ Là Ước Mơ Qua Các bản Quân Ca Xưa

        TRẦN VĂN NAM
      Share File.php Share File
          

       


            Nhà thơ Trần Văn Nam

      Nhà thơ Trần Văn Nam sinh năm 1939, tại Bến Tre, tốt nghiệp Đại học Sư Phạm Sài gòn 1967, cử nhân Triết Tây Đại học Văn Khoa, Sài gòn 1973. Dạy Văn và Triết tại nhiều trường ở Sadec, Vĩnh Long, Kiên Giang. Cộng tác với nhiều Tạp chí: Vấn Đề, Thời Tập, Văn, Trình Bày, Dân Chúng, Khởi Hành. Đã xuất bản vài thi phẩm, tác phẩm chính của ông là hai tập tiểu luận văn học:

      - Trong Dòng Cảm Thức Văn Học Miền Nam, Phân Đinh Thi Ca Hải Ngoại, 560 trang, Cali., 2006.

      - Tiếp Nối Dòng Cảm Thức Văn Học Sau Năm 1975, 550 trang, Cali., 2016.

      Các tác phẩm trên khám phá những nét độc đáo, lý thú của từng văn, thi sĩ và sưu tầm công phu đến cả lãnh vực âm nhạc, hội họa với một kiến thức uyên bác do đó tác phẩm rất phong phú và hữu ích.

      Học xá xin giới thiệu một bài viết về âm nhạc của tác giả.

          

       

       Sách TIẾP NỐI DÒNG CẢM-THỨC VĂN HỌC SAU NĂM 1975
      đã có bán trên AMAZON.COM ; tại Nhà Sách Vùng Little SàiGòn; Giá 22 Mỹ Kim.
      Có thể đọc sách này ở Website sau đây: www.tranvannam.com.
      Email: tranvannam1939@gmail.com; hoặc: nam@tranvannam.com

      Các bản quân ca “Không quân Việt Nam, Hải quân Việt Nam” của Văn Cao; “Lục quân Việt Nam” của Văn Giảng, “Chiến xa Việt Nam” của Trần Văn Trạch… đều được sáng tác trước 1954. Lúc ấy, đất nước ta chưa có binh chủng không-hải (Văn Cao sáng tác ca khúc không quân và hải quân năm 1945), hoặc đã có các chi đội thiết giáp nhưng chỉ gồm khoảng 120 người và còn dưới quyền quân Pháp (Trần Văn Trạch sáng tác ca khúc chiến xa năm 1952); và bộ binh cũng vậy, đang ở dưới quyền lực người Pháp mà đứng đầu cũng là người của Pháp là Trung tướng Nguyễn Văn Hinh (Văn Giảng sáng tác ca khúc lục quân năm 1950). Vì vậy, ta có thể đi đến kết luận: tất cả các bài ngợi ca binh chủng không-hải-lục và chiến xa Việt Nam đều mới chỉ là những ước mơ, và đều xuất phát từ lòng yêu nước, dù lòng yêu nước của từng nhạc sĩ cảm hứng từ những bối cảnh khác nhau trong lịch sử Việt Nam.


      Văn Cao sáng tác các bài không hải quân từ bối cảnh trong năm 1945, năm có biến cố Việt Minh nắm chính quyền sau khi Nhật đầu hàng quân Ðồng Minh. Nền độc lập tự chủ quốc gia mở ra ở phía trước gây cảm hứng cho nhạc sĩ ước mơ Việt Nam có các binh chủng hùng mạnh mà khuôn mẫu là quân lực của Ðức, Nhật, Mỹ, Anh, Pháp. Sức mạnh ấy đã được đem ra dùng trong Ðệ Nhị Thế Chiến. Hơn nữa, Văn Cao cư trú ở cảng Hải Phòng, nơi hàng ngày nhạc sĩ thấy vào ra hải cảng các tàu chiến tối tân của Pháp rồi của Nhật. Thay vì mơ ước các chuyến viễn dương du học thì ông lại mơ ước đi trên các chuyến viễn hành trong tương lai của hạm đội Việt Nam:

      Toán chiến sĩ thủy quân ra khơi hôm nay

      Bờ nước Nam gió khơi nồng máu say

      … Quen vui trong muôn phân ly

      Sống trên ngàn trùng sóng

      Thân phơi trên Nam Băng Dương

      Nước xanh hồn Thái Bình Dương

      … Xa khơi sóng vang dạt dào

      Mênh mông sóng va thân tàu

      … Ði cho quên bến bờ

      Xa khơi trùng dương bát ngát

      Ngày về tổ quốc ghi công.

      (Văn Cao).

      Ðã ước mơ hải quân trên biển thì theo liên-hệ-đối-xứng ông không khỏi ước mơ quân lực trên không, do đó bài “Không quân Việt Nam” ra đời đồng thời cùng năm 1945 (đúng là cùng năm, nhưng ta không rõ bài nào được sáng tác trước). Nhạc sĩ Văn Cao không viễn tưởng kiểu khoa học giả tưởng, chỉ mơ ước một điều thật nhưng chưa thể có của đất nước ta, một điều thật mà sau kết thúc Ðệ Nhị Thế Chiến báo chí và phim ảnh thời sự luôn đề cập đến: nào không quân Hoàng Gia Anh vô cùng anh hùng bảo vệ kinh thành Luân Ðôn (London); nào đội quyết tử Thần Phong của Nhật lao xuống đánh chìm hàng không mẫu hạm của Anh Mỹ tại Thái Bình Dương; nào pháo đài bay B29 của Mỹ xâm nhập tới không phận Tokyo… Toàn là những điều thật đối với các phi công tham chiến trong Ðệ Nhị Thế Chiến, nhưng chỉ là ước mơ trong tâm trí người nhạc sĩ đậm tình yêu nước:

      Giờ đoàn người từng vượt qua biên giới quyết chiến đấu

      Ðã chiếm chiến công ngang trời

      Giờ đoàn người còn vượt qua biên giới quyết chiến đấu

      Ði không lo gì xác rơi

      … Ta là đàn chim bay trên cao xanh

      Khi nhìn qua khói những kinh thành xa

      Ðôi cánh tung hoành vượt trên mây xanh

      Ta là tinh cầu bay trong đêm trăng

      … Nhìn xa phi trường Việt Nam

      Không quân ra đi cánh bay rợp trời…

      (Văn Cao).

      Không quân và Hải quân chưa với tới được vì đang ở xa tầm tay của đất nước còn nghèo sau 80 năm bị Pháp đô hộ (tính đến năm 1945), trong khi Chiến xa Việt Nam dù có hiện thể phần nào nhưng vẫn còn trong vòng tay Liên Hiệp Pháp. Liên Hiệp Pháp là một định chế lập ra chỉ để làm tấm màn che tham vọng của Pháp vẫn muốn duy trì chế độ thực dân toàn trị, không nới rộng chủ quyền đất nước cho các quốc gia như Khối Thịnh Vương Chung của định chế Liên Hiệp Anh. Binh chủng chiến xa Việt Nam chưa thực sự hiện hữu khi Trần Văn Trạch sáng tác bản quân ca này, mới chỉ là các chi đoàn thiết giáp chỉ gồm có 120 người (theo tài liệu lịch sử thiết-giáp-binh).


      Nhà hoạt náo văn nghệ kiêm nhạc sĩ Trần Văn Trạch mơ tưởng chiến xa Việt Nam đang ầm ầm tiến quân trên đồng bao la, lấy khuôn mẫu từ cuộc dàn trận chiến xa trên mênh mông sa mạc Bắc Phi của một thống chế Ðức; hoặc gần hơn là từ hình ảnh các cuộc diễn binh với chiến xa Pháp lăn bánh trên đại lộ Hồng Thập Tự (khúc đường một bên đi ngang bệnh viện Từ Dũ; một bên với các biệt thự có đất rộng và sau các biệt thự là các trại lính Pháp) trong các lễ 14 tháng 7 (Lễ Ðộc Lập của Pháp). Ðoàn chiến xa Pháp hùng dũng đi giữa các cây sao cao vút hai bên đường, giống như bối cảnh đang diễn binh trên đại lộ Champs Elysées ở thủ đô Paris (*). Quân Pháp diễn binh chắc đã mơ như đang đi ở Paris, còn Trần Văn Trạch thì mơ binh chủng chiến xa Việt Nam đang dần dần hiện thể:

      Kìa ào ào chiến xa Việt Nam thẳng tiến lên đàng

      Mang theo bóng cờ toàn dân quyết chiến giữ biên cương cho giang sơn

      … Ðồng băng đồng, sông ruổi sông, sa trường xa nhấp nhô

      Ði cứ đi vì non sông đang chờ ta điểm tô

      Rừng băng rừng, bưng lướt bưng, sa trường xa tiến lên

      Ði cứ đi, đem tô thắm màu cờ Việt Nam thân yêu…

      (Trần Văn Trạch).

      Có một điều cần so sánh: trong khi các bản hành khúc không quân và hải quân của Văn Cao phổ biến rộng rãi, được chính thức sử dụng trong Hải quân- Không quân Miền Nam (trước 1975) cũng như ở Hải quân- Không quân Miền Bắc; thì riêng biệt bản quân ca “Chiến xa Việt Nam” của Trần Văn Trạch chỉ được hát lên ở bên Miền Nam (Việt Nam Cộng Hòa trước 1975), mà lại còn ít phổ biến hơn bản quân ca “Thiết giáp binh hành khúc” của phía Việt Nam Cộng Hòa. Bởi vì, bản quân ca của Trần Văn Trạch chưa có những nét cụ thể thực sự thành hình của binh chủng này, chưa có những ghi nhận chứng tích trận địa mà chiến xa đã từng tham dự như ở Vị Thanh, Sa Huỳnh, Ðồng Tháp Mười, Cổ thành Quảng Trị, tuyến đường 14 ở Pleiku. Bản “Thiết Giáp Binh Hành Khúc” là thực thể với các chứng tích trên, không phải chỉ là ước mơ như “Chiến Xa Việt Nam” của Trần Văn Trạch.


      Bản “Lục Quân Việt Nam” của nhạc sĩ Văn Giảng cũng chỉ phổ biến ở Miền Nam trong khi nó được sáng tác năm 1950 lúc Việt Nam chưa chia đôi ở vỹ tuyến 17, và được sáng tác trong vùng của Pháp. Quân đội “Quốc Gia Việt Nam” dù có thành hình lúc ấy, nhưng toàn quyền còn ở trong tay quân Pháp, mãi sau này vào năm 1954 mà vẫn còn ở trong tay của tướng Pháp (gốc Việt) là Trung Tướng Nguyễn Văn Hinh. Cho nên ta có thể nói “Lục Quân Việt Nam” cũng chỉ là ước mơ của nhạc sĩ, người nhạc sĩ vốn rất mơ mộng lãng mạn qua bài ca bất hủ “Ai Về Sông Tương” (với tên khác là Thông Ðạt). Lục quân Việt Nam với “muôn quân phá ta cường binh”, cường binh nào vào năm 1950? Ðó chỉ là ước mơ với viễn tượng như ngày xưa ầm ầm muôn quân phá tan quân Mông Cổ hay quân Minh quân Thanh. Còn “cường binh” lúc ấy rất có thể ông ám chỉ đến quân Nhật hay quân Pháp, dù ông đang là Giám đốc trường “Quốc Gia Âm Nhạc Huế”. Binh đội Thiên hoàng Nhật vừa mới cuốn gói ra đi sau khi đầu hàng quân Ðồng Minh, và quân Pháp trở lại Ðông Dương, chỉ có hai lực lượng này mới là “cường binh” trong lời ca của Văn Giảng:

      Ðường trường xa, muôn vó câu bay dập dồn

      Ðoàn hùng binh trong sương lướt gió reo vang

      … Ðây đoàn quân ra đi nhịp nhàng, mang theo

      thiên hùng ca thắm tươi trời Nam bốn phương

      Ta anh hùng muôn quân phá tan cường binh

      Chí tang bồng đem theo khắp nơi tung hoành

      … Xa nhìn thấp thoáng trong mây

      Muôn bóng quân Nam chập chùng

      Xây thành vinh quang, tiếng vang

      Muôn đời Lục Quân Việt Nam.

      (Văn Giảng).

      Nhờ nhịp điệu hành khúc rất hùng hồn, bản nhạc “Lục Quân Việt Nam” được hát nhiều trong các quân trường huấn luyện Quang Trung và Thủ Ðức trước 1975 tại Miền Nam Việt Nam. Bài này chỉ đề cập đến quân ca, không bao gồm rộng đến hùng ca là lãnh vực rất phong phú. Hùng ca có rất nhiều bản cảm hứng từ lịch sử; hoặc đôi khi nhịp điệu hành khúc uy nghi tráng lệ nhưng không nhất thiết đi kèm đề tài chiến đấu, chẳng hạn Cửu Long Giang Hành Khúc, Học Sinh Hành Khúc… Và các quân ca này cũng giới hạn trước 1954, giới hạn như vậy cho ta thấy chúng được sáng tác từ ước mơ, từ cái gì chưa có, từ viễn tượng xuất phát bởi lòng yêu nước; từ hình ảnh binh đội hùng mạnh Ðức, Nhật, Anh, Pháp, Mỹ…


      Lấy khuôn mẫu từ binh đội các cường quốc Ðệ Nhị Thế Chiến, tuy nhiên trong bản Lục Quân của Văn Giảng, ta còn thấy dấu vết trang bị gươm đao của quân đội thời xa xưa, như “muôn vó câu, tung gươm thiêng, loa thét vang…”. Nếu sáng tác quân ca thời bây giờ, các nhạc sĩ với lòng yêu nước sâu đậm ấy chắc sẽ lại ước mơ, lại viễn kiến các Binh Chủng Cực Kỳ Tối Tân (để canh giữ đất nước, không nhắm tấn công ai). Chẳng hạn như binh chủng gồm hàng trăm tàu ngầm bảo vệ duyên hải; một hai hạm đội xa bờ để bảo vệ đảo và ngư dân; và dầy đặc các giàn hỏa tiển di động để phòng ngừa bị đánh úp bất ngờ từ trên không; và dĩ nhiên có binh chủng Bộ Binh Vô Cùng Hiện Ðại.


      City of Walnut, California, tháng 4 năm 2010

      Trần Văn Nam

      Tác giả gởi

      (*) Xin cải chính: Thời thuộc địa, Pháp không có tổ chức diễn binh tại Sài Gòn vào dịp Lễ 14 tháng 7. Họ chỉ tổ chức ăn mừng và khiêu vũ tại các nhà hàng và công sở, dành riêng cho Pháp kiều, binh sĩ Pháp, và công chức.


      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Nghĩ Về Di-Cảo Mấy Ngàn Trang Của Một Nhà Thơ Yểu Mệnh Trần Văn Nam Nhận định

      - Tình Quê Tường Thuật Và Tình Quê Thăng Hoa Trong Thi Ca (Qua Thơ Đạm Thạch) Trần Văn Nam Nhận định

      - Giang Hữu Tuyên, Nhà Thơ Hải Quân Nhưng Tâm Hồn Hướng Về Châu Thổ Trần Văn Nam Nhận định

      - Có hay không sự chuyển đổi tình cảm trong thơ phổ nhạc Trần Văn Nam Nhận định

      - Trường ca khi ở trên tầng bình lưu Trần Văn Nam Thơ

      - Hà Nguyên Du đi giữa Duy Mỹ của Thơ Cũ và rất Hiện Đại của Thơ Tân Hình Thức Trần Văn Nam Nhận định

      - Với nhà văn Mặc Đỗ, ta biết thêm vài điều qua cuốn sách mới nhất của ông Trần Văn Nam Nhận định

      - Nhà Văn Lữ Quỳnh Viết Truyện Phản Chiến Ở Vị Trí Và Bối Cảnh Nào? Trần Văn Nam Nhận định

      - Dẫn Lược Từng Chương Tiểu Thuyết Danh Tiếng của Thomas Hardy Trần Văn Nam Giới thiệu

      - Chất Thơ Do Cảm Nhận Vài Kiến Thức Về Tư Tưởng Của Kant Và Hegel Trần Văn Nam Nhận định

    3. Bài viết về Âm Nhạc (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)
  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)