|
Lam Phương(20.3.1937 - 22.12.2020) | Lưu Trung Khảo(.0.1931 - 22.12.2015) | Nguyễn Hiến Lê(8.1.1912 - 22.12.1984) | Nguyễn Đình Nghĩa(5.10.1940 - 22.12.2005) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Trong lúc tôi đang viết bài này và trong lúc các tờ báo ở hải ngoại đang chuẩn bị bài vở cho số xuân thì ở xứ này, người ta chuẩn bị đón...Đông. Mùa đông bắt đầu vào ngày Đông Chí (21/12). Vài ngày sau đó là Giáng Sinh. Họ treo đèn kết hoa từ cuối tháng 11, ngay sau khi vừa "ăn" xong Thanksgiving. Người ta mong chờ Giáng Sinh, còn người Việt thì mong chờ một mùa xuân...còn lâu mới đến. Vì khi Tết ta đến thì ở đây nhằm ngay giữa mùa đông. Ở các vùng phía bắc vào thời gian đó, bên ngoài tuyết giá trắng trời.
Nhưng nhằm nhò gì, chưa có mùa xuân ngoài trời thì ta có mùa xuân trong lòng. Cũng là xuân vậy. Như mọi người Việt khác, tôi có thói quen nghe nhạc xuân vào ngày Tết. Không mai vàng, không pháo nổ, không bà con hàng xóm láng giềng thì đón xuân bằng nhạc. Thường thì sau Giáng Sinh, cỡ đầu tháng Chạp ta, các con tôi đã bắt đầu lo "sưu tập" nhạc xuân. Thì cũng chừng ấy bài, chừng ấy giọng ca. Lâu lắm mới nghe thêm một bài mới. Nhưng có mới mà vẫn không hề nới cũ. Ba mươi năm, bốn mươi mấy năm trước đây ta nghe "Nhớ một chiều xuân" hay "Xuân đã về" hay "Xuân và tuổi trẻ" thì bây giờ vẫn còn tiếp tục nghe "Nhớ một chiều xuân", "Xuân và tuổi trẻ", "Xuân đã về". Đâu có sao. Nhưng cái lạ là năm nào nghe lại vẫn thấy mới.
Có thể nói nhạc xuân là một phần quan trọng của việc đón xuân. Nhất là đối với những kẻ tha hương. Ngày xưa, Tết đi đôi với mai vàng, pháo nổ, bánh chưng, hạt dưa, đánh bài, xông đất, hái lộc. Từ khi có cassette, rồi băng nhạc, rồi vidéo, rồi CD, rồi DVD, thì nhạc - và nhạc xuân - đã đi vào từng ngõ ngách của đời sống. Nhạc không còn là thú tiêu khiển trưởng giả mà trở thành đại chúng. Người ta nghe nhạc khi ngủ, khi chạy, khi đi làm, khi tập thể dục, khi chơi. Và nhờ vậy, người ta có thể mang mùa xuân đến bất cứ đâu. Ngoài trời thì tuyết giá mà trong nhà thì nắng ấm, hoa nở, chim hót, người người áo quần xinh đẹp cùng nhau đi chùa, đi thăm bà con xóm giềng. Rồi hạt dưa, bánh chưng bánh tét, mứt, rồi cũng pháo nổ đì đùng, mai vàng nở rộ...Đâu mà có vậy? Dạ thưa, từ các băng nhạc xuân.
Nghe nhạc xuân không giống như nghe nhạc tình hay nhạc êm dịu. Nhạc xuân không để nghe một mình. Nhạc xuân không để ru dỗ giấc ngủ. Nhạc xuân là cái gì chung, phải mở lớn ra cho mọi người cùng nghe. Đã thế, không phải là ngồi yên lặng mà phải vừa nghe vừa làm một cái gì đó. Chẳng hạn như nhậu, đánh bài, nấu nướng, cúng quảy, trò chuyện râm ran về xuân hoặc dọn dẹp nhà cửa. Nhạc xuân có tính chất "hâm nóng" thêm không khí Tết. Nó lan tỏa mọi nơi, chan hòa.
Nghe nhạc xuân, do đó, phải dễ tính. Những ngày xuân mà bạn đòi nghe những là "Một cõi đi về" hay "Lời buồn thánh" hay "Nhìn những mùa thu đi" hay "Buồn tàn thu" hay "Tìm nhau" hay "Senerata" hay các bản concerto của Beethoven chẳng hạn ...thì đâm ra lạc điệu. Nghe nhạc xuân, phải tưởng tượng như mình đang thậm thò thậm thụt đi nhặt pháo hư nhà hàng xóm hay bỏ diêm sinh vào cái "van" xe đạp, lấy cây đinh nhét vào rồi ném xuống mặt đường cho nổ, vân vân. Vui, nhộn, phổ thông, bình dân. Niềm vui Tết, tự trong bản chất, là niềm vui trẻ thơ, là dấu vết của tháng ngày thơ ấu. Vui xuân là cái vui hồn nhiên và trong sáng, chan hòa. Vui xuân là tin ở cái khởi đầu, tin ở cái kỳ diệu của những ngày đầu tiên trong năm, là tin ở những lời cầu nguyện, là có quyền làm mới lại cuộc sống, là ấp ủ lại những hy vọng và cả...ảo vọng. Vui xuân còn là biết...nghe nhạc xuân. Thế mới hay, cái trẻ thơ trong mỗi người thực sự không bao giờ mất. Chúng chỉ tạm ẩn dấu đâu đó, khi có dịp lại bùng lên. Tết có lẽ là dịp để cho chúng phát tiết.
Con nhớ xuân nào thuở trời yên vui
Nghe pháo giao thừa rộn ràng nơi nơi
Bên mái tranh nghèo ngồi quanh bếp hồng
Trông bánh chưng chờ trời sáng
Đỏ hây hây những đôi má đào (...)
Đàn trẻ thơ ngây chờ mong anh trai
Sẽ đem về cho tà áo mới
Ba ngày xuân đi khoe xóm giềng (hay phố phường?)
(Xuân này con không về/Trần Thiện Thanh)
Vào những ngày Tết, phải sống xa nhà, tha hương - dù là lính hay không - đố ai nghe những đoạn nhạc như trên mà không cảm thấy bùi ngùi. Có lẽ ít có cảnh nào đậm chất tuổi thơ hơn hình ảnh "trông bánh chưng chờ trời sáng" hoặc mặc áo mới để "ba ngày xuân đi khoe xóm giềng". Ngây ngô biết bao, nhưng cũng cảm động biết bao! Đấy, nhạc xuân.
Tôi còn nhớ, thuở còn nhỏ, cứ mỗi lần xuân đến thì bản nhạc mùa xuân bọn tôi thường cùng nhau hát là "Xuân và tuổi trẻ", nhạc ngoại quốc của La Hối lời Việt (hình như của Thế Lữ) Rồi sau đó là "Phiên gác đêm xuân" của Nguyễn Văn Đông. Nhạc xuân hồi đó, đã ít lại chỉ được nghe trong các buổi trình diễn văn nghệ Tết ở trường hoặc nghe qua radio. Chúng tôi có xuân nhưng không có nhạc. Giờ thì đầy rẫy. Đủ loại đủ kiểu. Theo tôi biết, chúng ta có đến gần một trăm năm chục bài nhạc xuân. Cũ có, mới có. Trong nước có, hải ngoại có. Những ca khúc mừng xuân có thể nhận ra ngay ở tựa đề: Bến xuân, Phiên gác đêm xuân, Cánh thiệp đầu xuân, Đồn vắng chiều xuân, Hoa xuân, Lời tỏ tình mùa xuân, Anh cho em mùa xuân, Nhớ xuân thì, Thì thầm mùa xuân, Hoa cỏ mùa xuân, Mộng chiều xuân, Ô kìa nàng xuân, Phố xuân, Nụ Xuân hồng, Về Huế chiều xuân, Xuân đến bên em, Xuân yêu, Dường như mùa xuân, Cảm ơn một đóa hoa xuân... Nếu tựa đề không có chữ xuân thì cũng có chữ Tết hay năm mới, giao thừa như: Phút giao thừa lặng lẽ, câu chuyện đầu năm, Phút giao thừa, Đầu năm đi lễ, Đêm giao thừa, Chúc Tết. Ly rượu mừng là một trong rất ít bài có cái tựa đề không mấy xuân nhưng lại... vô cùng xuân.
Hầu hết nhạc xuân đều vui tươi, rộn ràng, hớn hở, tràn trề hy vọng. Tiết tấu trong sáng, gọn, nhanh, phơi phới. Ca từ khai thác những hình ảnh đẹp nhất, tươi sáng nhất tượng trưng cho mùa xuân: chim hót, hoa cười, nắng mới, cây cỏ xinh tươi, đầy niềm tin và hy vọng. Nghe hát lên lòng thấy ấm lại, bao ưu tư phiền muộn tiêu tán và cảm thấy mình bỗng trở lại tuổi thanh xuân.
Hoa lá nở thắm đẹp làn môi hồng
Xuân đến rồi đây nào ai biết không?
Mang những hoài mong đi vào ngày tháng
Bao nhiều mơ ước đến khi mùa Xuân sang
Tôi chúc....tôi chúc...
(Cánh thiệp đầu xuân - Minh Kỳ)
hoặc:
Trên đường đi lễ xuân đầu năm
Qua một năm ruột rối tơ tằm
Năm mới nhiều ước vọng chờ mong
May nhiều rủi ít ngóng trông
Vui cùng pháo đỏ rượu hồng
Ta cùng nhau...
(Đầu năm đi lễ/Trần Thiện Thanh)
hoặc:
Xuân đã về, xuân đã về
Kìa bao ánh xuân về tràn lan mênh mông
Trên cánh đồng, chim hót mừng đang thướt tha từng đàn cùng vui say xuân
(Xuân đã về - Minh Kỳ)
Ngay cả cho dù bản nhạc xuân là một bản nhạc buồn, ta vẫn cảm thấy không...buồn mấy:
Đón Xuân này tôi nhớ Xuân xưa
Một chiều Xuân em đã hẹn hò
Như ươm tình trong cánh hoa mơ, đưa hương theo làn gió
Em nói rằng em viết thành thơ
(...) Bước sông hồ như đắm như mơ
Trở về đây khi gió sang mùa
Mong ước tìm cô gái Xuân xưa, cho vơi bao niềm nhớ
Có đâu ngờ Xuân vắng người thơ.
(Đón Xuân này tôi nhớ Xuân xưa/Châu Kỳ)
Mới nghe thì thấy tội nghiệp cho anh chàng vì không gặp được người tình cũ. Thực ra thì anh ta chỉ nhớ cho có nhớ. Vì ai mà đợi được một anh chàng giang hồ "như đắm như mơ"! Cô gái chỉ còn là cái cớ để anh ta nói về mùa xuân. Nhạc xuân mà!
Trên đây là trích đoạn từ một số bài hát rất phổ thông. Lời lẽ bình dị, dễ hiểu, không có gì cầu kỳ sâu sắc, ai cũng nghe được, hiểu được và dễ nhớ, dễ đi vào lòng người. Hình ảnh, tuy khá ước lệ, nhưng vẫn làm cho ta cảm thấy gần gũi và hiện thực. Vả lại, dù có thích hay không thích, ta cũng phải nghe, phải nhớ. Cứ mùa xuân đến là có chúng. Điệu nhạc, lời ca lập lại bên tai hàng ngàn lần. Cơ hồ chúng đã trở thành một sinh hoạt "truyền thống" gắn bó với Tết tựa như hái lộc đầu năm, câu đối, đốt pháo hay hạt dưa, mứt, bánh tét, thịt dầm vậy.
Trong số những bản nhạc xuân truyền thống ấy thì "Ly rượu mừng" của Phạm Đình Chương có lẽ chiếm vị trí hàng đầu. Bản nhạc này, nói không quá, như một loại "quốc ca" trong các băng nhạc xuân và chương trình sinh hoạt xuân ở hải ngoại. Thiếu nó, ta có cảm giác như thiếu vắng cái gì. Điệu valse dồn dập, tươi vui, ca từ ăm ắp tình người, tình vật, tình xuân, nồng nàn, tha thiết. Nghe không thôi, cũng đã thấy vui. Nếu nhìn vidéo với hình ảnh của ca sĩ trong những chiếc áo dài đỏ, xanh, vàng hòa cùng hoa và pháo nổ, ta lại càng thấy vui hơn...Tết nữa. Bản nhạc gây nên một hiệu ứng tình cảm đặc biệt. Nghe hát lên là muốn hát theo. Nghe hát lên là lòng tự nhiên thấy phơi phới, chứa chan hy vọng.
Mừng xuân nâng chén ta chúc nơi nơi
Mừng anh nông phu vui lúa thơm rơi
Người thương gia hạnh phúc, người nông dân ấm no
Xóa đi đời gian lao nghèo khó
A...a...a...a
Nhấp chén đầy vơi, chúc người cười vui...
(...) Rót thêm tràn đây chén quan san chúc người binh sĩ lên đàng, chiến đấu công thành...
(...) Rượu hân hoan mừng đôi uyên ương
Xây tổ ấm trên cành yêu đương
Nào cạn ly, mừng người nghệ sĩ
Tiếng thi ca chấm phá tô nên đời mới
Bạn hỡi, vang lên lời ước thiêng liêng
Chúc non sông hòa bình, hòa bình
Ngày máu xương thôi tuôn rơi
Ngày ấy quê hương yên vui
Đợi anh về trong chén tình đầy vơi.
Ca từ đề cập đến đủ hạng người trong xã hội với những lời chúc chân thành, thắm thiết. Bài hát kết thúc với một đoạn nhạc chậm và cao, cao vút lên như những tấm lòng mở rộng ra để chờ đón những ngày tháng mới ngập tràn hạnh phúc:
Ước mơ hạnh phúc nơi nơi
Hương thành bình đang phơi...phới...
Vâng, phơi phới! Vô cùng phơi phới. Nghe xong bản nhạc là bất giác cảm thấy mùa xuân đang tràn về, tràn về. Và cảm thấy mùa xuân trong lòng dường như "thiệt" hơn mùa xuân ngoài thiên nhiên.
Nhạc xuân vui thì cũng có nhạc xuân buồn. Đó là mùa xuân và người lính.
Có lẽ bản nhạc đầu tiên nói đến hình ảnh người lính trong mùa xuân là bài "Phiên gác đêm xuân" của Nguyễn Văn Đông:
Đón giao thừa một phiên gác đêm
Chào xuân đến súng xa vang rền
Xác hoa tàn rơi trên báng súng
Ngỡ rằng pháo tung bay
Ngờ đâu hoa lá rơi.
Thời còn bé, mỗi lần Tết đến, nghe bản nhạc này, tôi cảm thấy vừa thương người lính vừa thích được ...làm lính. Có lúc, tôi lãng mạn mơ ước rằng nếu được làm anh lính gác trong đêm giao thừa như thế thì "hay" biết mấy. Sau này, lớn lên, đi lính, những phiên gác đêm bao giờ cũng làm tôi rờn rợn mặc dù chỉ là những phiên gác đêm ở... quân trường, đã thế lại là "phiên gác đêm thường" chứ chẳng phải là "phiên gác đêm xuân"! Đúng là một thứ lãng mạn thời trẻ con. Dù sao, phải công nhận Nguyễn Văn Đông đã dựng nên một hình ảnh khá độc đáo, tạo được những ấn tượng không dễ phai mờ trong ký ức. Cho đến nay, cho dù chiến tranh đã hết từ lâu, cho dù đang sống ở hải ngoại mà âm hưởng bài hát vẫn còn vương vất đâu đây mỗi độ xuân về:
Ngồi ngắm mấy nóc chòi canh
Mơ rằng đây mái nhà tranh
Mà ước chiếc bánh ngày xuân
Cùng hương khói vương niềm thương
(...) Ước mong nhiều...
Thời của bài hát đó, chiến tranh chưa lan rộng. Sau này khi chiến tranh mở rộng, xâm nhập vào đời sống từng người, nhạc lính và nhạc phản chiến ra đời ào ạt, phản ảnh đủ mọi sắc thái của thực trạng chiến tranh. Hình ảnh của người lính trong muà xuân vẫn là hình ảnh cô độc, chua xót. Hai bản nhạc xuân nói đến người lính phổ thông nhất là "Đồn vắng chiều xuân" (Trần Thiện Thanh) và "Xuân này con không về" (Trần Thiện Thanh - Nhật Ngân).
Đầu xuân năm đó anh ra đi
Mùa xuân này đến anh chưa về
Những hôm vừa xong phiên gác chiều
Ven rừng kín hoa mai vàng
Chợt nhớ tới sắc áo năm nào em đến thăm gác nhỏ
(Đồn vắng chiều xuân/Trần Thiện Thanh)
Con biết bây giờ mẹ chờ tin con
Khi thấy mai đào nở vàng bên nương
Năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về
Nay én bày đầy trước ngõ
Mà tin con vẫn xa ngàn xa
(Xuân này con không về /Trần Thiện Thanh - Nhật Ngân)
Khác với "Phiên gác đêm xuân", hai bản nhạc trên tuy không mấy vui nhưng không quá bi thảm về đời lính. Tiết tấu và ca từ chứa nhiều chất lãng mạn rất...lính thời chiến. Tuy thế, nghe kỹ, ta vẫn có cảm giác bùi ngùi và thương cảm. Nhất là khi được sống trong thành phố an toàn nghĩ đến những người đang đối diện với cái chết lúc mùa xuân đến. Theo tôi biết, hai bản nhạc này rất được mấy anh chàng bộ đội Cộng Sản thích, có lẽ vì chúng đã nói rất đúng tâm trạng của người lính xa nhà không được về ăn Tết, chứ không mang đậm chất tuyên truyền như các bài nhạc Cộng Sản.
Đời lính trong thời chiến là như thế nên một số các bản nhạc xuân khác, tuy không trực tiếp đề cập đến người lính nhưng trong những lời chúc tụng, vẫn dành nhiều cho người lính:
Tôi chúc muôn người mọi điều ước muốn
Non nước vinh quang
Để người anh yêu dấu quay về gia đình
Tìm vui bên lửa ấm
(Cánh thiệp đầu xuân/Minh Kỳ)
Hay:
Chúc người chiến sĩ lên đàng
Chiến đấu công thành
Sáng cuộc đời lành
Mừng người vì nước quên thân mình
(Ly rượu mừng/Phạm Đình Chương)
Nhạc xuân buồn còn có xuân tha hương. Ở đây, ta lại gặp trước hết là Nguyễn Văn Đông với "Nhớ một chiều xuân". Bản nhạc này được phổ biến rộng rãi. Nhịp chậm, buồn, hiu hắt. Nghe bản nhạc, thấy lòng chùng lại, cho dẫu mình chưa hề sống cảnh tha hương:
Chiều xuân, có một người ngơ ngác đi tìm
Một tình thương nơi...phương trời cũ
Chiều nay hoa Xuân bay nhiều quá
Chiều tàn dần phai trên ngàn lá
Tìm đâu bóng...hình ai.
Trước đó khá lâu, một bản nhạc xuân tha hương khác đã xuất hiện, nhưng không được biết nhiều. Đó là "Xuân tha hương" của Phạm Đình Chương:
Chiều nay lê bước phiêu du
Thầm nhớ Xuân về làng cũ
Tình quê chan chứa trong lòng
Chua xót thay sầu tư hương
Đường đi xa lắc lê thê
Thêm khát khao ngày về quê
Để sống vui quê mẹ lúc xuân về
"Nhớ một chiều xuân" là tâm trạng của một kẻ tha hương, những ngày xuân lang thang không có một tổ ấm để về đón xuân, lòng trĩu nặng hình bóng người ở phương trời cũ. Còn "Xuân tha hương" là tâm trạng của người ly xứ, mong ngày được trở về quê cũ đón xuân. Dẫu sao, đó cũng là một nỗi buồn riêng tư, thầm lặng có cái gì khác hẳn với tâm trạng của Ngô Thụy Miên trong "Em còn nhớ mùa xuân" sau này khi hàng triệu người bỏ nước ra đi. Tiết tấu bản nhạc nhanh, nghe như vui, lại nghe như buồn. Nghe ray rứt, xót xa, cay đắng hòa lẫn phẫn hận , lại vẫn nghe hy vọng. Ca từ là tổng hợp của một tâm trạng phức tạp của những người bị buộc phải rời xa tổ quốc không biết ngày về. Chẳng phải là tâm sự chỉ của một cá nhân, mà là của cả một cộng đồng, một thế hệ hay cả một phần đất nước:
Nơi ấy bây giờ còn có mùa xuân
Có dáng nghiêng nghiêng nụ cười thật gần
Có mắt nai vàng ngời sáng tình xanh
Em có bao giờ thấu cho tình anh
Trời Sài Gòn chiều hôm nay còn nhiều mưa bay
Nhiều niềm đau thương bi hận tràn đầy
Gượng nụ cười giọt lệ trên môi
Nhìn đất nước tơi bời một thời em có hay
(...) Em nhé khi nào chợt nhớ mùa xuân
Nhớ lá thư xanh và chuyện tình hồng
Nhớ nắng hanh vàng nhuộm áo Hà Đông
Anh ở nơi này vẫn luôn chờ mong
Trên đây, tôi tạm phân ra vài loại nhạc xuân. Cũng gọi là phân loại cho có...phân loại. Thực ra, về mặt ca từ, hầu hết các bài nhạc xuân (đại thể) đều hao hao giống nhau về ý tưởng. Mùa xuân là khởi đầu của một chặng đời mới từ hoa cỏ, trời mây cho đến cuộc sống và lòng người. Xuân đồng nghĩa với tươi, trẻ, hy vọng: tình xuân, giấc xuân, mộng xuân, hoa xuân, chiều xuân, mưa xuân, nắng xuân, tuổi xuân, gái xuân...Những tính từ đi theo mùa xuân cũng thế, chứa chan hy vọng: rực rỡ, rạng rỡ, rạng ngời, tươi thắm, rộn ràng, nồng nàn, thanh bình, ấm cúng. Màu sắc thì hồng, đỏ, xanh, đào. Xuân trước hết là mùa của tự nhiên, xuân thiên nhiên. Hãy tưởng tượng hình ảnh của một bến nước ven rừng vào mùa xuân:
Bao lũ chim rừng họp đàn trên khắp bên xuân
Từng đôi rung cánh trắng ríu rít ca u...ù...u...ú
Cành đào hoen nắng chan hòa
Chim ca thương mến chim ngân xa u...ù...u...ú
Hồn mùa ngây ngất trầm vương
(Bến xuân / Văn Cao - Phạm Duy)
"Bến xuân" có phải là bản nhạc xuân đầu tiên của Việt Nam? Tôi không rõ lắm. Thời của "Bến xuân" còn là thời, nói như Phạm Duy, của thứ "tình ca ấp úng". Là một bản nhạc tình mà cũng là một bản nhạc xuân. Ca ngợi "em" cũng có mà ca ngợi mùa xuân cũng có. Dùng mùa xuân thiên nhiên để bày tỏ mùa xuân của trái tim. Tiết tấu bản nhạc rất sang. Ca từ lại đầy chất thơ. Ngay hai chữ "bến xuân" đã là một ví von tinh tế. Bến xuân hay bến tình? Xuân ca hay tình ca? Có lẽ là cả hai:
Dìu nhau theo dốc mới nơi ven đồi
Còn thấy chim ghen lời âu yếm
Tới đây chân bước cùng ngập ngừng
Mắt em như dáng thuyền soi nước
Tà áo em rung theo gió nhẹ thẹn thùng ngoài bến xuân.
Thì xuân với tình đâu có gì gọi là cách xa (về phương diện ý tưởng). Như ca từ sau đây của Từ Vũ:
Lòng Xuân lơ đãng, má Xuân hồng
Cô gái Xuân mơ chuyện vợ chồng
Đôi tám Xuân đi trên mái tóc
Đêm Xuân cô ngủ có buồn không?
(Gái Xuân/Từ Vũ)
Ca từ của một số bản nhạc xuân khác trông có vẻ "khách quan" hơn, ít ra là trên hình thức. Chẳng hạn như Phạm Đình Chương thì "thoáng" và đầy tình nhân loại:
Vui trong bình minh
Muôn loài chim hát vang mọi nơi
Đem trong tiếng cười
Cho kiếp người tình thương đắm đuối
Ánh Xuân đem vui với đời
(Đón Xuân - Phạm Đình Chương)
Với Bảo Chấn và Dương Thụ, thì xuân gần gũi, đơn giản trong một cấu trúc ca từ có vẻ hiện đại:
Này là cỏ non rất mềm
Này là mùa xuân rất hiền
Này là hoa rất thơm
Này là giọt sương trĩu nặng
Hạt ngọc trên lá cỏ
Trên bông tầm xuân trước hiên nhà
(Hoa cỏ mùa xuân/ Bảo Chấn)
Con chim bồ câu bé nhỏ
Bay qua vùng trời, vùng trời mùa xuân.
Tia nắng từ đâu đến ở
Long lanh từng ô cửa, ô cửa mùa xuân
(Hơi thở mùa xuân/ Dương Thụ)
Phạm Duy thì rất hiện thực:
Nắng khắp phố phường và Xuân ngay trong vườn
Hoa cười lên hương
Dừa cao nghe ngóng, máu Xuân trong lòng
Tràn lan trong gió cong
Yêu một dòng, dòng nước cuốn mênh mông
(Xuân nồng/Phạm Duy)
Trong lúc đó, Từ Công Phụng có nét duyên dáng riêng (cả về nhạc và lời) khi ca ngợi mùa xuân:
Rồi mai có một lần tôi đưa em
Đưa em về miền nắng ấm
Những con chim thôi ngủ sau mùa đông lạnh căm
Hát lên gọi mùa xuân rạng rỡ
Đem mặt trời tô mắt dại tuổi mơ
(Mùa Xuân trên đỉnh bình yên)
Đấy, các bạn xem, nhạc sĩ nào cũng dùng những lời lẽ thật đẹp, thật đầy và thật dễ thương để mô tả hiện thực mùa xuân, từ giọt sương, con chim, tia nắng, ô cửa, tiếng cười... Thực tế thì mùa xuân đẹp thật. Bức tranh ảm đạm của những ngày đông mưa phùn gió bấc, tuyết giá lạnh lùng được thay thế bằng bức tranh trong sáng của mùa xuân. Thiên nhiên, sinh vật, cảnh sắc đều đổi khác. Từ u ám sang tươi vui. Từ úa tàn sang nở nụ. Nhưng thật ra, không cần chim hót, hoa cười, không cần nắng ấm thì có lẽ mùa xuân vẫn cứ là...mùa xuân. Nếu trời mưa à? Thì là mưa xuân. Nếu lỡ có rét thì cũng là cái rét mùa xuân. Vì mùa xuân thực sự là mùa xuân ở trong lòng. Và như trên đã nói, mùa xuân là mùa của tình yêu. Xuân và tình kết thành một. Thành thử nhạc xuân cũng chính là nhạc tình:
Giọt mưa nào rơi thật êm trên phố phường
Mùi hương nào thơm thật thơm trong gió thoảng
Và em đợi anh đợi anh như đã hẹn
Nghe trong mưa đêm mùa xuân lặng lẽ say
(Lắng nghe mùa xuân về/Dương Thụ)
Nhà thơ Kim Tuấn (qua Nguyễn Hiền phổ nhạc) bạo dạn hơn và lẳng lơ hơn vì dám cho em cả... mùa xuân (làm như mùa xuân là của riêng ông ấy!):
Anh cho em mùa xuân
Nụ hoa vàng mới nở
Chiều đông nào nhung nhớ
Đường lao xao lá đầy
Chân bước mòn vỉa phố
Mắt buồn vin ngọn cây
Anh cho em mùa xuân
Mùa xuân này tất cả
Lộc non vừa trẩy lá
Lời thơ thương cõi đời
Bầy chim lùa vạt nắng
Trong khói chiều chơi vơi
(Anh cho em mùa xuân/Kim Tuấn + Nguyễn Hiền)
Tán tỉnh em (và tán tỉnh mùa xuân thế là hết sẩy!). Chẳng biết cô em nhận cái mùa xuân lớn rộng như thế rồi "xài" sao cho hết? Một nụ hoa thì còn được. Ở đây là cả đường lao xao lá, cả chân bước trên hè phố, lại lộc non, lại lời thơ, lại bầy chim, lại vạt nắng và...tất cả, chao ôi là nhiều!
Không phải ai cũng "táo tợn" như Kim Tuấn và Nguyễn Hiền. Có người ngập ngừng, khó khăn trong việc tỏ tình mặc dầu xuân mang lại nhiều điều kiện thuận lợi:
Mùa xuân đến đạp xe trên phố tóc xõa vai mềm
Mùa xuân hái nụ hoa thơm ngát nở trên môi hồng
Mùa xuân rất hiền lặng yên ngồi nghe tôi hát
Và tôi biết rằng nói yêu em là điều khó khăn.
(Lời tỏ tình mùa xuân/ Thanh Tùng)
Tôi không tin người ta lại có thể khó khăn như thế khi muốn tỏ tình trong mùa xuân. Chỉ trừ khi mình lỡ có người yêu khác rồi!
Có người thì làm bộ:
Ngồi xuống đây nghe chim là chim đang hót
đồng cỏ như bàn tay
trời trong mắt say
ta ngó nhau ôi còn biết nói gì
hai đứa ngồi ngồi đó
như hai hòn bi
(Mùa xuân yêu em/Đỗ Quý Toàn - Phạm Duy)
Thực ra, nghe những khúc hát trên, đôi khi tôi tự hỏi không biết các nhạc sĩ đã mượn mùa xuân để yêu em hay mượn em để tả mùa xuân. Vì mùa xuân nên yêu em, yêu em thêm hay vì yêu em nên yêu cả mùa xuân. Hay chỉ là... tưởng tượng!
Phạm Duy có lẽ là nhạc sĩ có nhiều bài hát về mùa xuân nhất. Không kể bài "Bến xuân" viết chung với Văn Cao, một mình ông có đến gần 10 bài về xuân: Trên đồi xuân, Mừng xuân, Mùa xuân máu đổ, Hoa xuân, Xuân ca, Xuân hành, Xuân hiền, Xuân nồng, Xuân thì, Xuân trên buôn. Tình xuân trong Phạm Duy thường mở rộng. Ông đi từ tình yêu đôi lứa cho đến tình yêu nhân loại. Trong bài "Hoa xuân", nhạc sĩ bắt đầu bằng mấy nét chấm phá về mùa xuân:
Xuân vừa về trên bãi cỏ non
Gió xuân đưa lá vàng xuôi nguồn
Hoa cười cùng tia nắng vàng son
Lũ ong tươi cười cánh tung tròn
Cỏ, gió, lá, hoa, nắng, ong. Hòa hợp và vui vẻ. Nhưng, bằng một cái nhìn rộng lượng, ông nhìn thấy một hình ảnh khác hẳn. Hoa chẳng yêu chỉ "cánh bướm lả lơi", mà yêu người lao động, yêu anh chiến sĩ, yêu người thi sĩ nghèo miền quê, yêu cô thôn nữ đương độ xuân thì, yêu em bé, yêu người già. Càng yêu xuân, ông càng kêu gào:
Xuân! Hoa tỏa hương mới
Nhân quần ân ái đã kêu đòi niềm vui
Xuân! Hoa là tình tôi
Đua nở cùng ai, cùng luyến yêu mọi nơi.
Trong một bản nhạc xuân khác, ông đi sâu vào ý nghĩa uyên nguyên của ý niệm về xuân:
Xuân trong tôi đã khơi trong một đêm vui
Một đêm, một đêm gối chăn phòng the đón cha mẹ về
Xuân âm u lắt leo trong nguồn suối mơ
Bừng reo rồi theo nắng lên từ cha chói chan lòng mẹ
(Xuân Ca/ Phạm Duy)
Đoạn nhạc này có ý nghĩa thế nào? Nhà văn Phạm Xuân Đài cho biết ông không lưu ý đến ý nghĩa đặc biệt của đoạn nhạc này cho đến khi tình cờ một cô bạn gái người Thụy Điển cho ông biết rằng nó mô tả động tác ái tình của cha và mẹ. Phạm Xuân Đài viết:
"Thú thật lúc bấy giờ tôi ngỡ ngàng. Tôi đã hát Xuân ca nhiều lần, và không lưu ý để hiểu hết ý nghĩa của ngay đoạn mở đầu như cô gái Thụy Điển đã nhìn thấy trong bản dịch tiếng Anh. Thường bài hát nào cũng thế, thoạt tiên người ta rung cảm vì âm hưởng của lời lẽ ngân lên hơn là chính ý nghĩa của lời lẽ đó, nhất là loại ý nghĩa thâm trầm. Nhưng sau khi nói chuyện với cô bạn, tôi bỗng "ngộ" toàn bộ nội dung mấy câu trên, và có cảm giác như mình ý thức được tình trạng của mình từ khi mới chỉ là một tế bào, một con tinh trùng giữa cõi âm u của "nguồn suối mơ" trong cha tôi, để vào đêm gối chăn phòng the đầu tiên ấy, theo cơn "nắng lên từ cha" mà được phóng vào làm chói chan lòng mẹ. Đó mới là nguồn cội của cái gọi là xuân của một đời người. Ca tụng mùa xuân thì phải bắt đầu từ tình trạng ấy, chỗ thâm sâu, chỗ uyên nguyên của tất cả những biểu hiện về sau mà người ta vẫn ca tụng mùa xuân" (Tạp chí "Văn", số đặc biệt về Phạm Duy, tháng 6&7/2002, trang 120).
Nói đến Phạm Duy thì có lẽ cũng phải nói đến Trịnh Công Sơn. Trịnh Công Sơn có bài nhạc xuân nào không? Có và không. "Có" là TCS có nói đến mùa xuân. Nhưng "không" là vì TCS chỉ dùng mùa xuân để mô tả cái khác. Trong một vài ca khúc, TCS đề cập đến mùa xuân như là ý niệm về thời gian, về vòng quay không ngừng của thời gian: xuân,hạ, thu, đông:
Vừa tàn mùa xuân rồi tàn mùa hạ
Một ngày đầu thu nghe chân ngựa về, chốn xa
(Một cõi đi về)
Em đứng lên mùa xuân vừa mở
Nụ xuân xanh cành thênh thang chim về vào ngày tuổi em trên cành bão bùng.
Rồi mùa xuân không về mùa thu cũng ra đi mùa đông vời vợi, mùa hạ khói mây...
(Gọi tên bốn mùa)
Trong một bài hát khác có tựa đề rất "xuân" là Ru em từng ngón xuân nồng, có đoạn viết:
Thôi ngủ đi em
Mưa ru em ngủ, tay em ướt nụ
Nuôi trọn một đời nuôi một đời người
Mùa xuân vừa đến xin mãi ăn năn mà thôi.
Chẳng thấy xuân nồng đâu, chỉ thấy ăn năn và muộn phiền. Tất cả chỉ vì TCS nhìn mùa xuân chẳng phải là cái gì khởi đầu, chẳng phải cái gì là mới. Đó chỉ là một vòng sinh diệt miên man. Xuân đến rồi xuân lại đi. Một vòng quay bất tận. Tất cả nằm trong một cõi rất giới hạn: cõi đi về.
Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
Rọi xuống trăm năm một cõi đi về.
Trịnh Công Sơn còn có một bài khác với một tựa đề rất "xuân": "Một buổi sáng mùa xuân". Ta tưởng sẽ dược nghe nói về chim, về hoa, về nắng, về vân vân. Không. Hãy nghe:
Một buổi sáng mùa xuân
Một đứa bé ra đồng
Đạp trái mìn nổ chậm
Xác không còn đôi chân
Một buổi sáng mùa xuân
Ngực đứa bé tan tành
Ngàn hoa đồng cỏ nội
Cúi xuống nhìn con tim
(...) Một buổi sáng mùa xuân
Một đứa bé yên nằm
Bàn tay cầm cỏ dại
Có hoa vàng mong manh.
Không thấy mùa xuân đâu, chỉ thấy cái chết. Hay thì hay thật. Nhưng thảm quá!
Việt Nam ta thì có nhạc xuân. Vậy thì người Tây phương có nhạc xuân hay không nhỉ? Có lẽ không. Lễ lạc của họ là Giáng Sinh. Họ xem Chúa ra đời là đem mùa xuân về cho nhân loại rồi, nên chẳng cần mùa xuân thiên nhiên. Tôi không biết họ có loại nhạc gọi là "spring song" như của ta hay không. Nhưng tôi biết bản "Happy New Year". Đây là một bài hát rất hay, ca từ rất nhân bản. Xin chép ra nguyên bài ở đây để tặng bạn nào chưa biết:
Happy New Year
No more champagne
And the fireworks are through
Here we are, me and you
Feeling lost and feeling blue
It's the end of the party
And the morning seems so grey
So unlike yesterday
Now's the time for us to say...
Happy new year
Happy new year
May we all have a vision now and then
Of a world where every neighbour is a friend
Happy new year
Happy new year
May we all have our hopes, our will to try
If we don't we might as well lay down and die
You and I
Sometimes I see
How the brave new world arrives
And I see how it thrives
In the ashes of our lives
Oh yes, man is a fool
And he thinks he'll be okay
Dragging on, feet of clay
Never knowing he's astray
Keeps on going anyway...
Happy new year
Happy new year
May we all have a vision now and then
Of a world where every neighbour is a friend
Happy new year
Happy new year
May we all have our hopes, our will to try
If we don't we might as well lay down and die
You and I
Seems to me now
That the dreams we had before
Are all dead, nothing more
Than confetti on the floor
It's the end of a decade
In another ten years time
Who can say what we'll find
What lies waiting down the line
In the end of eighty-nine...
Happy new year
Happy new year
May we all have a vision now and then
Of a world where every neighbour is a friend
Happy new year
Happy new year
May we all have our hopes, our will to try
If we don't we might as well lay down and die
You and I
Super Trouper (1980)
Bản nhạc này do ban Super Trouper (tức ban nhạc ABBA, Thụy Điển) biên soạn và trình diễn (đơn ca với sự phụ họa của toàn ban) rất tuyệt vời. Tiết tấu lạ, nhịp vừa phải, nghe xong muốn nghe lại ngay. Ca từ đồng thời cũng là một bài thơ. Một bài thơ hay, đượm mùi triết lý. Tuyệt vọng và hy vọng. Chúng ta mong mỏi được nhìn thấy một thế giới mới ra đời, trong đó mọi người đều là bằng hữu. Nhưng con người thì điên cuồng mà vẫn tưởng mình tỉnh táo, cứ tiếp tục lê bước mà chẳng hay rằng mình đã lạc đường... - Oh yes, man is a fool/And he thinks he'll be okay/Dragging on, feet of clay/Never knowing he's astray/Keeps on going anyway...- Một thập niên qua rồi. Bao nhiêu ước mơ chúng ta từng có đều đã tan thành mây khói. Chẳng biết một thập niên tới đây thì cái gì đang chờ ta ở phía trước. Nhưng dù sao, ta cũng cứ hy vọng. Bởi vì "nếu chúng ta không còn hy vọng thì chúng ta chỉ còn nằm xuống và chết mà thôi" - If we don't we might as well lay down and die -
Vâng, dù sao, mùa xuân cũng là mùa của hy vọng.
Xuân tôi ơi! Sức Xuân tôi còn khát khao
Dù nay, dù mai cũng như mọi ai chết trong địa cầu
Xuân muôn năm, có ta Xuân còn hơi Xuân
Thì xin, thì Xuân hãy cho tình nhân sống thêm vài lần.
Xuân ơi Xuân! Xuân ới Xuân ơi!
Xuân ơi Xuân! Xuân ới Xuân ơi!
(Xuân ca/Phạm Duy)
Xuân ơi, Xuân ơi!
- Tình bạn trong văn chương Trần Doãn Nho Phiếm luận
- Tưởng nhớ Phan Xuân Sinh Trần Doãn Nho Nhận định
- Một cái gì rất Nguyễn Xuân Hoàng: Sổ tay Trần Doãn Nho Nhận định
- ‘Nghiệp’ thơ của Trần Yên Hòa Trần Doãn Nho Nhận định
- Đọc Ngu Yên: Trải nghiệm học thuật về thơ Trần Doãn Nho Nhận định
- Tranh Tĩnh Vật Trần Doãn Nho Tạp bút
- Tháng Tư, nói chuyện tị nạn Trần Doãn Nho Tạp luận
- Một truyện rất Huế, ‘Thương Nhớ Hoàng Lan’ Trần Doãn Nho Giới thiệu
- Từ một tờ bìa báo cũ... Trần Doãn Nho Hồi ức
- Buổi trao giải văn học Phan Thanh Giản (15.8.2021) Trần Doãn Nho Tường thuật
Các nhóm nhạc (Wikipedia):
Myosotis, Tricéa, Tổng Hội Sinh Viên, Đồng Vọng
Nhạc sĩ:
Trang nhà:
Nhạc tuyển::
Dòng nhạc gợi nhớ Taberd75.com
Sài Gòn ơi! Vĩnh biệt Ngọc Lan
Mùa thu Paris Thái Thanh
Lòng Mẹ (Y Vân) Lê Tấn Quốc, Saxo
Hận Đồ Bàn (Xuân Tiên) Chế Linh
- Hình Ảnh Ca Nhạc Sĩ Sài Gòn trước 1975
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |