1. Head_

    Dê Húc Càn

    (1.10.1934 - 21.11.1987)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Hát Cô Đầu (Song Thao) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      1-6-2022 | ÂM NHẠC

      Hát Cô Đầu

        SONG THAO
      Share File.php Share File
          

       

      Cũng lại tên Khánh Giang! Những ngày của thập niên 1960-1970, Thư Ký Tòa Soạn bán nguyệt san Thời Nay luôn luôn là tên đầu têu chuyện ăn nhậu của chúng tôi. Hồi đó, gần khu hồ bơi Đại Đồng bên Bình Thạnh có một nhà hát cô đầu nhỏ. Sau một cuộc rượu, Khánh Giang bỗng nảy ra ý đi hát cô đầu. Thời chúng tôi chuyện hát cô đầu là chuyện xưa quá là xưa, chúng tôi không nghĩ là còn nhà hát. Khoảng chục tên làm báo đổ bộ vào nhà hát nhỏ. Khi họ đưa cho chiếc trống cầm chầu thì các “quan viên” ngó quanh. Có tên nào biết chi đâu. Khánh Giang nói tôi cầm chầu vì tôi là dân Bắc Kỳ. Rượu đã có trong máu, tôi gật đầu. Khi cô đầu hát, tôi chẳng biết trống triếc ra sao mà từ cô đầu tới các nhạc công mở to mắt nhìn. Tôi gõ lung tung, chẳng biết tại sao mình gõ.


      Chầu hát cô đầu hôm đó, lần đầu và là lần cuối, tôi thất bại nặng. Coi như một kỷ niệm không đáng nhớ. Nhưng cho tới nay, khi định viết về hát cô đầu, tôi đọc một số tài liệu mới thấy mình điếc không sợ súng. Tác giả Bùi Trọng Hiền luận về cầm chầu như sau:

      “Trong quan hệ cung cầu, giá trị quan viên cầm chầu chính là một trong những yếu tố hấp dẫn, thu hút khán giả. Nó như một sự thách đố, kích thích tầng lớp thức giả cô đầu phố thị. Bởi đi nghe hát mà không biết cầm chầu thì sẽ bị coi là chưa biết thưởng thức ả đào. Nên ai cũng có tâm lý phải tập, phải đi nghe nhiều để học hỏi chúng bạn, những mong nâng tầm nhận thức nghệ thuật. Thưởng thức các thể cách, khách chơi - quan viên được coi là sành điệu tất phải am hiểu lề luật âm nhạc, thơ ca để có thể khen thưởng hay điểm chầu khớp với các khổ phách/ khổ đàn. Những quan viên sành điệu bao giờ cũng được giới đào kép nhất mực nể trọng. Ở Hà Nội thời đầu thế kỷ 20, lịch sử đã ghi nhận những cuộc thi lớn được tổ chức thường niên giữa các nhà hát cô đầu. Bên cạnh giải thưởng cho đào kép, cũng có cả giải thường dành riêng cho giới quan viên cầm chầu. Nó chứng tỏ một mối quan hệ cung cầu, một đời sống nghệ thuật phát triển sôi động của thể loại. Nhu cầu làm quan viên của khán giả đô thị thể hiện rõ qua việc Tân Dân Thư Quán xuất bản cuốn “Sách Dạy Đánh Chầu” ở Hà Nội vào năm 1927. Cuốn sách bán chạy tới mức nó đã được tái bản ngay 2 năm sau đó (1929)”.

      Tái mặt với nhận xét của tác giả Bùi Trọng Hiền, tôi còn bị một cú ca dao giũa cho te tua. “Quan viên ba bảy quan viên / Chém cha cái loại lấy tiền vung văng / Cầm chầu roi trống vụt xằng / Say tình nhập nhằng rờ mó hơn ma!”.


      Bị hai cú knock down tôi toát mồ hôi hột. Cái thứ “quan viên” như tôi thiệt xấu hổ. Thực ra tôi cũng có chút hiều biết về hát cô đầu từ những giờ Việt Văn lớp Đệ Nhị tại trường Chu văn An. Ngày đó, nhân giảng về bài hát nói “Gặp Cô Đào Cũ” của Dương Khuê, Giáo sư Vũ Hoàng Chương đã bắt qua kể chuyện đi hát cô đầu. Nghe đó nhưng tôi chẳng bao giờ nghĩ có ngày mình sẽ là “quan viên” cầm chầu nên nghe qua rồi bỏ. Nếu nhớ lời gỉảng của thầy chắc tôi chẳng dám cầm cái dùi trống. Có điều tôi nhớ bài hát đầu tiên của đêm đó chính là bài “Gặp Cô Đào Cũ”.

      Hồng Hồng, Tuyết Tuyết

      Mới ngày nào chửa biết cái chi chi,

      Mười lăm năm thấm thoắt có xa gì

      Ngoảnh mặt lại đã đến kỳ tơ liễu.

      Ngã lãng du thời quân thượng thiếu,

      Quân kim hứa giá ngã thành ông.

      Cười cười, nói nói thẹn thùng

      Mà bạch phát với hồng nhan chừng ái ngại.

      Riêng một thú thanh sơn đi lại

      Khéo ngây ngây, dại dại với tình.

      Ðàn ai một tiếng Dương tranh!

      Đây là bài hát phổ biến nhất mà các ả đào thường hát khi mở đầu chầu hát. Nội dung kể lại chuyện gặp lại cô đầu cũ, nàng đã già, con nàng khi xưa bé chút xíu giờ đã tới kỳ tơ liễu khiến tác giả mê mẩn tiếc nuối.


      Ngày xưa Tuyết muốn lấy ông,

      Ông chê Tuyết bé, Tuyết không biết gì.

      Bây giờ Tuyết đã đến thì,

      Ông muốn lấy Tuyết, Tuyết chê ông già.


      Tâm trạng tiếc nuối trong bốn câu mưỡu của bài hát nói này rất hợp với những quan viên muốn yêu xuyên suốt hai thế hệ. Chẳng cứ các quan viên hát ả đào, anh đàn ông nào cũng thấy có mình trong tâm trạng tiếc của trời đó.



      Không biết do đâu mà cô đầu bị mang tiếng là những người không đứng đắn. Có lẽ do cái không khí buông thả trong nhà hát. Thế hệ trên lũ chúng tôi, có tí máu văn nghệ, hầu như đều đã lê la nơi nhà hát. Tới thế hệ chúng tôi, phòng trà là nơi chúng tôi lui tới thường xuyên. Tới phòng trà là để nghe hát. Một bên là ca sĩ, một bên là khán giả. Người hát người nghe, người nghe ngồi dưới, người hát đứng trên sân khấu cao, khi phòng trà đóng cửa, mọi người ra về. Nhưng hát cô đầu có khác. Đó là nơi tụ tập, lui tới của giới sĩ, nhiều người biết làm thơ. Họ không chỉ thụ động làm khán giả mà đem thơ của mình tới cho ca nhi hát, hoặc có khi họ ứng tác thơ ngay khi đang ngồi trong nhà hát để bạn bè bình thơ hoặc ca nhi tùy hứng nhập vào hồn thơ hát cho mọi người nghe. Mối giao tình giữa người hát và người nghe thêm phần sinh động. Có lẽ vì vậy mà giao tình giữa cô đầu và quan viên khắng khít hơn. Nhiều nhà thơ, nhà văn đã sáng tác ngay tại các nhà hát cô đầu.


      Phải kể ngay tới nhà thơ Tú Xương. Các bài thơ của ông đã được ca theo cung đàn nhịp phách có thể kể: Đánh Tổ Tôm, Hát Cô Đầu, Thi Hỏng, Câu Đối Ngày Tết, Cảnh Tết Nhà Cô Đầu.


      Cái thú cô đầu nghĩ cũng hay

      Cùng nhau dan díu mấy đêm ngày

      Năm canh to nhỏ tình dơi chuột

      Sáu khắc mơ màng chuyện nước mây

      Êm ái cung đàn chen tiếng hát

      La đà kẻ tỉnh dắt người say

      Thú vui chơi mãi mà không chán

      Vô tận kho trời hết lại vay.


      Một ông tú khác là Tú Mỡ cũng mô tả sự đổ bộ xuống xóm cô đầu của các văn nhân.


      Họ kéo từng đàn xuống xóm hát

      Lu bù ngày ấy sang đêm khác

      Phen này ông quyết xuống Khâm Thiên

      Mở tiệm cô đầu có lẽ phát.


      Khâm Thiên là nơi mỗi lần đi qua, tôi phải quay mặt đi. Thuở ấu thơ, trước khi tản cư khỏi Hà Nội vào năm 1946, nhà tôi ở Giáp Bát, lúc đó còn là ngoại thành Hà Nội. Từ nhà tôi lên Hà Nội phải qua phố Khâm Thiên. Chuyện lên Hà Nội của một đứa bé sáu bảy tuổi là chuyện hiếm hoi. Năm thì mười họa mới được ngồi trên porte-bagage của chiếc xe đạp màu đen của cậu tôi. Thường là đi bệnh viện Phủ Doãn. Nhưng cũng có những lần được đi chơi ăn kem Bờ Hồ. Mỗi lần đi qua Khâm Thiên, tôi thấy những cô gái son phấn đậm đà, quần áo đẹp đẽ lượn lờ trước cửa những căn nhà nhỏ. Cậu tôi bắt quay mặt đi không cho nhìn. Dĩ nhiên tôi phải thi hành theo lệnh, nếu không thì nhịn ăn kem! Các cô đầu là những người ăn mặc tân thời hơn các phụ nữ của các tầng lớp khác. Họ là những tiên phong trong việc lăng-xê-mốt. Khi họa sĩ Cát Tường tung ra mẫu áo dài Le Mur với quần sa tanh trắng, thân áo bó sát phô trương phần ngực, giới tiểu thư con nhà lành cũng thích ăn diện nhưng vẫn không dám tròng vào người chiếc áo cải cách. Ông nghĩ ra cách dụ các bà chủ nhà hát cô đầu ở Khâm Thiên cho các cô đầu mặc áo Le Mur đi ra ngoài phố. Các tiểu thư con nhà lành thấy đẹp nên mặc theo. Chiếc áo dài Le Mur lên ngôi, đánh bạt các kiểu áo dài cũ. Cũng vào thời đó, phụ nữ thường mang hài có phía trước cong lên như cái mỏ vịt. Đôi hài này không hài hòa với áo dài cải cách bằng đôi guốc cao gót. Cũng chính các cô đầu đuổi đôi hài mỏ vịt chạy có cờ.


      Cái giống văn nhân thường thích những cái mới. Cô đầu là tầng lớp cầm… đầu trong việc trình diễn những cái mới khiến các nhà văn nhà báo mê mẩn sự đời. Cô đầu có hai hạng: cô đầu hát và cô đầu rượu. Cô đầu hát ngồi giữa các nhạc công chỉ có hát, nghiêm trang và đứng đắn. Cô đầu rượu ngồi bên các quan viên để hầu trà hầu rượu. Kề cận bên nhau nên tình thân nhiều khi đi tới…vô tận. Ca dao bình dân ngày đó đã than thở: Cô đầu, cô đít, cô đuôi / Bố tôi sạt nghiệp ai nuôi cô đầu. Nhà văn Anh Thơ cũng đã cay đắng tâm sự: “Tôi mất lòng tin vào đàn ông một thời gian dài. Từ bỏ cuộc đính hôn với ông Cẩm Văn, chủ nhà xuất bản Nguyễn Du, vì mỗi lý do ông ấy mê cô đầu. Khi thấy Cẩm Văn nhìn cô đầu rất say đắm, tôi đã ngất đi vì nhục nhã. Tôi nhất quyết đoạn tình, ông ấy chạy theo thanh minh: “Anh chỉ yêu cái bản sắc văn hóa dân tộc thể hiện qua cái áo tứ thân của cô ấy chứ không yêu gì cô ta. Anh chỉ yêu em thôi”. Sau này nghĩ lại tôi cũng thấy thương ông ấy một chút nhưng rồi nghe tin tôi đã bỏ đi, cô đầu ấy dọn luôn đến nhà Cẩm Văn ở, thế là tan một nhà xuất bản danh tiếng”.


       

      Tranh Cô đầu thế kỷ XX. (Ảnh tư liệu)

      Năm 1973, nhà văn Vũ Bằng nhớ lại: “Thực tình đến bây giờ, cố moi trí nhớ, tôi chưa thấy nhà văn nhà báo đất Bắc nào mà lại không ra vào nhà hát cô đầu… Các văn nghệ sĩ hội họp uống rượu, ngâm thơ, đánh một khẩu trống để thưởng một câu văn hay, một tiếng đàn khéo bấm, hay một giọng ca buông bắt thật tài tình. Đôi khi tức cảnh, họ tạo nên những câu mưỡu, bài hát nói hay những vần thơ bát cú hoặc lục bát thật hay”. Vũ Bằng còn tôn xưng xóm cô đầu Khâm Thiên là “cái nôi văn nghệ của Hà Nội”. Từng thế hệ văn nghệ sĩ đã ăn dầm nằm dề nơi nhà hát cô đầu. Thế hệ của Phạm Quỳnh, Hoàng Tăng Bí, Dương Bá Trạc, Nguyễn văn Vĩnh, Nguyễn Đỗ Mục. Rồi thế hệ Vũ Bằng, Dương Phượng Dực, Doãn Kế Thiện, Hoàng Tích Chu, Phùng Tất Đắc, Phùng Bảo Thạch, Tạ Đình Bính, Đái Đức Tuấn, Trần Quang Trân, Hoàng Ngọc Thạch, Trần Tuấn Khải. Tha thiết hơn nữa, Vũ Bằng đã ví các cô đầu như “những vú nuôi” của giới văn nghệ sĩ Hà Thành.


      Thậm chí ông còn viết: “Một người không văn nghệ mà sống trong không khí ở Khâm Thiên dần dần cũng hóa ra thành văn nghệ sĩ lúc nào không biết!”. Vũ Bằng còn tiết lộ các nhà văn nhà báo như Phùng Bảo Thạch, Vũ Đình Chí, Lưu văn Phụng, Vũ Liên, Nguyễn Triệu Luật, Ngô Tất Tố mỗi khi bàn về nội dung của số báo sắp ra đều làm tại nhà hát cô đầu vào lúc khuya khoắt. Hoặc Vũ Trọng Phụng, Lưu Trọng Lư, Nam Cao, Nguyễn Tuân, Trần Huyền Trân, Nguyễn Công Hoan, Lê văn Trương, Thâm Tâm, Ngọc Giao cũng thường lấy nhà hát cô đầu làm nơi cảm hứng sáng tác, đàm đạo văn chương.


      Trong tiểu luận “Ca Trù Thăng Long-Hà Nội”, nhà nghiên cứu Trần Thị Kim Anh viết:

      “Những bài viết sâu sắc với những từ ngữ đẹp đẽ nhất dùng để ngợi ca nghệ thuật ca trù của Phạm Quýnh, Nguyễn Xuân Khoát, Ngô Linh Ngọc đều bắt nguồn từ đây. Nhạc của Nguyễn văn Thương, thơ của Vũ Hoàng Chương, Trần Huyền Trân lấy cảm hứng từ đây. Bản dịch Tương Tiến Tửu của Đái Đức Tuấn, tác phẩm “Con Voi Già của Vua Hàm Nghi” của Lưu Trọng Lư đều bắt đầu viết ở đây trong những cơn cao hứng. Đặc biệt Nguyễn Tuân yêu quý và trân trọng ca trù tới mức, dường như với ông, ca trù là một ngôi đền linh thiêng để hóa giải những nỗi đau tục lụy. Ca trù trong ông luôn như một nỗi ám ảnh, và nỗi ám ảnh đó từng được thể hiện sâu sắc, đau đớn trong những truyện ngắn như “Chiếc Lư Đồng Mắt Cua”, “Chùa Đàn”, những truyện ngắn đánh dấu một giai đoạn tuyệt diệu trong cuộc đời sáng tác của ông”.

      Nguyễn Tuân là dân hát ả đào thứ thiệt. Sau tháng 4/1975, Nguyễn Tuân có viết cho Vũ Hoàng Chương một bức thư vỏn vẹn có mấy chữ: “Mấy lời hỏi thăm cố nhân. Thư bất tận ngôn”. Vũ Hoàng Chương cười nói với Mai Thảo: “Thằng Tuân ngày xưa với tao thân lắm. Khâm Thiên, bàn đèn, tao đâu nó đó, mà nó sợ. Chỉ dám dùng bốn chữ ‘thư bất tận ngôn’.” Thỏ đế như vậy nhưng khi máu hát ả đào nổi lên, Nguyễn Tuân, khi đó theo Việt Minh lên an toàn khu, cũng dám anh hùng tổ chức một chầu hát chui đãi ông Trần Đức Thảo ở bên Tây về, chưa bao giờ biết chuyện tom chát ra sao. Địa điểm là một căn nhà chòi có cót che kín mít, dùng để chứa nông cụ, thúng mẹt, cày bừa nằm giữa cánh đồng vừa gặt xong. Nghe xong, ông Thảo khen: “Sao thứ dân ca này có thể nghệ thuật đến thế. Trong đời tôi, tuy đã từng thưởng thức những tiếng đàn, lời ca cổ điển vô cùng nghhệ thuật của lối hát opera phương Tây, nhưng đây là lần đầu tiên tôi khám phá ra một lối ca nghệ thuật tuyệt kỹ, vừa trữ tình, vừa huyền bí, thiêng liêng như của một tôn giáo, nghe mà rợn cả người, cứ y như bỗng mình được lạc vào cõi thiên thai”.


      Năm 1971, tại Sài Gòn, nhân kỷ niệm 10 năm báo Văn Học, Phạm Kim Thịnh tổ chức một buổi hát cô đầu. Thịnh trên tôi vài tuổi, coi như cùng thế hệ với tôi, chẳng biết cô đầu cô đuôi ra làm sao mà nổi hứng mời hai bậc trưởng thượng Vũ Bằng và Vũ Hoàng Chương tới gõ trống chầu. Thi hào Vũ Hoàng Chương cầm chầu lối buông xuôi trong khi Vũ Bằng đánh trống lối bóc. Vũ Bằng giải thích: “Tiếng trống buông xuôi không kêu to nhưng kiểu cách nhẹ nhàng. Còn tiếng trống bóc nghe to, nghĩa là một tay bịt nửa trống, lúc dùi trống giáng xuống mặt trống nghe nó to và giòn. Đa số các cụ xưa thích đánh trống buông xuôi, còn thanh niên thích lối đánh bóc”.


      Chúa mẹ ơi, nghe tới kỹ thuật đánh trống cầm chầu mà tôi tá hỏa. Tiếng trống tôi đánh tại Đại Đồng năm xưa chắc chẳng buông xuôi mà cũng chẳng bóc. Không chừng nó giống tiếng trống múa lân!


      04/2022

      Song Thao

      Nguồn: diendantheky.net

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Nhạc Nhái và Nhạc Chế Song Thao Phiếm

      - Phan Nguyên - Mượn Dấu Thời Gian Song Thao Tùy bút

      - Đọc “Cùng nhau đất trời” của Khánh Trường Song Thao Điểm sách

      - Huỳnh Công Ánh, người vượt thoát Song Thao Nhận định

      - Phan Xuân Sinh, người của mọi người Song Thao Nhận định

      - Ly Rượu Mừng Song Thao Phiếm

      - Hát Cô Đầu Song Thao Phiếm luận

      - "Ông Văn Nghệ" Võ Thắng Tiết Song Thao Nhận định

      - "Trăm Cây Nghìn Cành" Của Nhà Thơ Triều Hoa Đại Song Thao Nhận định

      - Đọc “Bốn Biển Là Nhà” Của Nguyễn Lê Hồng Hưng Song Thao Nhận định

    3. Bài viết về Âm Nhạc (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)
  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)