|
Dê Húc Càn(1.10.1934 - 21.11.1987) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Sinh thời, nhà văn Mai Thảo rất trọng nghề văn và những người sống vì văn chương, báo chí. Nhưng cũng vì thế mà ông lại thiếu kiên nhẫn với những người giàu có, như y sĩ, lâu lâu viết văn một cách tài tử mà cũng tự xưng là nhà văn. Ông không coi họ là nhà văn, hoặc nói theo lối xưa, nhất định không ngồi chung chiếu!
Vậy mà con người khắt khe ấy lại rất thích nghe Luật Sư Khuất Duy Trác hát nhạc của Cung Thúc Tiến, chuyên viên Bộ Kinh Tế của Sàigòn thời xưa! Với Mai Thảo, cái nghiệp cầm ca có được trường hợp giảm khinh, và một chiếu riêng trên lãnh vực nghệ thuật!
Thật ra, Duy Trác đã lẫy lừng là một ca sĩ trước khi trở thành luật sư và nổi tiếng hơn nữa vì hát một cách tài tử. Ông thích thì hát, để làm hài lòng chính mình, và chọn bài hát với mỹ quan của một người trí thức.
Trong giới y sĩ, một trường hợp tương tự và có lẽ đầu tiên là của Thu Hà.
Thu Hà bước vào nhạc từ khi còn là sinh viên y khoa, với kỹ thuật rất gần với một danh ca là Châu Hà, trầm ấm và tròn trịa. Hát cùng thời và thân thiết với Tuyết Hằng, một giọng nữ rất đẹp được Hoàng Thi Thơ mời hát giọng chính trong các vở nhạc kịch, Thu Hà tiếp tục lên sân khấu sau khi tốt nghiệp bác sĩ. Ban ngày là lương y như từ mẫu, ban đêm, Thu Hà đội khăn mặc áo gấm hát giữ bè cho ban tam ca Ðông Phương tại Ðêm Màu Hồng.
Người nghe thường hiểu lầm về các ca sĩ hát bè phụ. Trong ban tam ca Ðông Phương, Thu Hà và Tuyết Hằng giữ bè phụ cho Hồng Vân hát giọng chính vì hai người rất giỏi về nhạc lý, cùng học nhạc pháp ở trường Quốc Gia Âm Nhạc Sàigòn, và hát có kỹ thuật hơn. Hoài Bắc Phạm Ðình Chương cũng hát bè phụ cho người anh là Hoài Trung trong ban hợp ca Thăng Long chính là vì ông giỏi về kỹ thuật và là cái hồn nhạc của ban hợp ca danh tiếng này. Cần nhắc lại như vậy cho công bằng khi nhớ đến Thu Hà và Tuyết Hằng của mấy chục năm về trước, và những người hát bè phụ.
Có một giọng nam trong ngành y khoa cũng nổi tiếng trước khi trở thành bác sĩ là Trung Chỉnh, tiếng hát lừng danh trên truyền hình Sàigòn cùng với Hoàng Oanh, khi Sàigòn bắt đầu có Ti-vi. Trẻ trung và tươi vui trong các bài song ca với Hoàng Oanh về đời lính và cô em hậu phương, Trung Chỉnh hát rất rõ lời và được mọi giới yêu chuộng.
Ðó là về những giọng ca bác sĩ trước 1975.
Ra tới hải ngoại, chúng ta có trường hợp của Bích Liên.
Giới yêu nhạc biết tới giọng ca Bích Liên trước khi để ý tới Bác Sĩ Bích Liên, một giọng ca đầy kỹ thuật của người có rèn luyện thanh nhạc. Y như Duy Trác, Bích Liên hát cho nghệ thuật hơn là thị hiếu của đám đông nên chọn bài rất kỹ, rất kén người nghe, với sự điêu luyện rất độc đáo.
Cũng trong giới y khoa, Hà Thúc Như Hỷ là một bác sĩ chuyên nghiệp có giọng ca trầm ấm và làn hơi phong phú. Nhưng ông không hát thường xuyên và cất tiếng hát là khiến bằng hữu sững sờ, vui thích. Nhiều người trong ngành y khoa có giọng ca rất đạt, hát còn vững hơn những ca sĩ chuyên nghiệp, như trường hợp của hai chị em Ngọc Sương và Như An. Hoặc giọng “bass” rất trầm của Bác Sĩ Vũ Duy Hiển, êm nhẹ và tình cảm như Vương Ðức Hậu, trầm ấm như Phạm Gia Nghị.
Ðấy là những người hành nghề y khoa nhưng yêu nhạc và hát cho nghệ thuật hơn là một cách sinh nhai. Nếu chú ý, chúng ta cảm được nhiều điều hay và đẹp về nhạc. Quần chúng nghe nhạc của họ cũng thuộc thành phần biết nghe, và biết thưởng thức bằng tai hơn là bằng mắt.
Trong thế giới ấy, có một người lại đi ngược với mọi người. Là ca sĩ trước khi thành bác sĩ, và khi trở thành lương y thì lại ra khỏi làn sóng nhạc.
Ðó là Tôn Thất Niệm.
Ông đi hát và nổi tiếng đã từ lâu lắm rồi, từ đài phát thanh Huế rồi vào Sàigòn với đài Pháp Á, hát cùng Minh Trang - thân mẫu của người viết. Ông cũng có thời gian đã hát tại đài phát thanh Ðà Lạt. Nhớ lại về nghệ thuật và âm sắc, Tôn Thất Niệm là giọng ca độc đáo ở giữa hai danh ca Anh Ngọc và Duy Trác.
Giọng Tôn Thất Niệm “trong” và “dày” hơn giọng Duy Trác. Vì trong hơn nên có nét láy thật ý nhị, dịu dàng, nhưng vì dày hơn nên cũng có chất “trượng phu” rất đặc biệt của Anh Ngọc. Thời xưa, khi làng tân nhạc còn váng vất với những tiếng hát Quách Ðàm, Ngọc Bảo của Hà Nội, Anh Ngọc, Tôn Thất Niệm và Duy Trác đã đem lại một thế giới âm thanh khác, đàn ông hơn, thanh lịch hơn. Và Sài Gòn văn minh hơn.
Hơn hẳn sau này...
Thời gian qua đã quá lâu, những đĩa nhạc “33 tours” đã là dư âm thời cũ. Nếu còn nhớ lại, người nghe phải nhắc mãi đến Ðêm Tàn Bến Ngự hay Áng Mây Chiều của Dương Thiệu Tước qua tiếng hát Minh Trang. Và không thể quên được Chiều Vàng, Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay hay Tiếng Chuông Chiều Thu với tiếng hát Tôn Thất Niệm.
Ðấy là những đỉnh cao giờ này ít nam ca sĩ nào vươn tới.
Cứ nói về nghệ thuật diễn đạt thì lại nhớ đến cách Tôn Thất Niệm dẫn vào Chiều Vàng của Nguyễn Văn Khánh, một tuyệt chiêu. Kể từ đấy, thấy ánh chiều vàng là người ta nhớ đến Tôn Thất Niệm:
Trên đồi xanh, chiều đã xuống dần
Mặt trời lấp ló sau đồi, chiều vàng...!
Hoặc lúc nhấn giọng để vào điệp khúc của Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay của Ðoàn Chuẩn:
Gửi gió cho mây ngàn bay,
Gửi bướm đa tình về hoa.
Gửi thêm ánh trăng, màu xanh ái ân
Về đây với Thu trần gian...
Cũng như câu kết trong Tiếng Chuông Chiều Thu của Tô Vũ:
Chuông reo mùa nắng mới, tình ta đẹp bao nhiêu
Lòng anh thầm nhắn tiếng chuông ban chiều (u ù)...
Ðấy là giọng ca ấm áp, dịu dàng, tình tứ, nghe mãi không chán. Tôn Thất Niệm có cách luyến láy rất khác người, mềm mại mà không ẻo lả, tình tứ mà không say đắm. Rất chừng mực. Nếu đã được nghe, và còn nhớ, chúng ta sẽ thấy là chưa ai hát ba ca khúc ấy tuyệt vời hơn Tôn Thất Niệm!
Ngày xưa, Tôn Thất Niệm cùng Minh Trang là đôi song ca nổi tiếng. Người viết xưng hô là “cậu Niệm” và được ông từ tốn kể lại rằng mình chỉ biết hát chứ còn kém về nhạc lý nên thường nhờ mẹ giữ nhịp cho chắc. Hai người đã song ca bài Bến Cũ của Anh Việt rất được yêu thích và vẫn còn được nhắc nhở như một chuẩn mực của thời trước!
Tôn Thất Niệm cũng kể lại “sự nghiệp quốc tế” của hai người khi Bến Cũ đã vang vọng tại Manila của Phi Luật Tân trong một tuần lễ văn hóa. Hai nghệ sĩ của Việt Nam hát “quện” đến nỗi thiên hạ (thiên hạ đây là người Phi!) tưởng là đôi uyên ương, dù Minh Trang lớn hơn cả chục tuổi. Người xưa kể lại rằng thời đó Tôn Thất Niệm đẹp trai lắm, hát rất hay nên dĩ nhiên là có nhiều cô ái mộ. Nhưng cậu Niệm chỉ mê mợ thôi, một người đẹp trong gia đình Nguyễn Tường.
Vì vậy mà đại đăng khoa xong là tiểu đăng khoa, và Bác Sĩ Tôn Thất Niệm xuất hiện thì tiếng hát Tôn Thất Niệm cũng dứt ngang, ở lúc sung mãn nhất.
Cách đây khá lâu, trong một “ngày Hoàng Tộc”, khán giả tại California bỗng được thấy một chiều đông Hà Nội qua bài Em Ðến Thăm Anh Một Chiều Mưa của Tô Vũ. Quỳnh Giao và Tôn Thất Niệm song ca! Hai thế hệ trong một ca khúc thuộc loại trữ tình nhất của Việt Nam. Giọng Tôn Thất Niệm vẫn thanh lịch ấm áp, hơi ngân dài và chuỗi ngân rất dày và chắc. Ðấy là một cách diễn tả nghệ thuật nhất của một ca khúc nghệ thuật tuyệt đẹp.
Cũng vì vậy mà người viết mới đề nghị Tôn Thất Niệm cùng thực hiện lại bài này trong đĩa nhạc Ngàn Thu Áo Tím. Ông nhận lời như một cách ghi lại giọng ca của mình. Sau cùng lại do dự, và thôi! Cách hòa âm và lối hát với một dàn nhạc thời bây giờ khiến ông ngần ngại. Quỳnh Giao mời Anh Dũng hát chung và quả nhiên là ca khúc đem lại thành công, nhưng chúng ta vẫn tiếc là không còn được nghe lối trình bày thật trân trọng và lãng mạn của Tôn Thất Niệm.
Chúng ta không thiếu bác sĩ. Nhưng vẫn tiếc sự trân quý nghệ thuật của những người biết hát vào một thời đã qua... và đang dần tắt như trong một buổi chiều vàng.
- Tân nhạc Việt Nam sau di cư và trước di tản Quỳnh Giao Nhận định
- Lâm Tuyền và Giấc Mơ Sông Hồ Quỳnh Giao Tạp Ghi
- Canh Thân với Túi Ðàn Quỳnh Giao Nhận định
- Vũ Thành, người nhạc sĩ khí khái và ngạo nghễ Quỳnh Giao Tạp luận
- Chiều Vàng với Tôn Thất Niệm Quỳnh Giao Tạp luận
- Từ Trần Trịnh đến Trịnh Lâm Ngân Quỳnh Giao Tạp ghi
- Y Vân, Áng Mây Hồng Của Nhạc Việt Quỳnh Giao Tạp bút
Các nhóm nhạc (Wikipedia):
Myosotis, Tricéa, Tổng Hội Sinh Viên, Đồng Vọng
Nhạc sĩ:
Trang nhà:
Nhạc tuyển::
Dòng nhạc gợi nhớ Taberd75.com
Sài Gòn ơi! Vĩnh biệt Ngọc Lan
Mùa thu Paris Thái Thanh
Lòng Mẹ (Y Vân) Lê Tấn Quốc, Saxo
Hận Đồ Bàn (Xuân Tiên) Chế Linh
- Hình Ảnh Ca Nhạc Sĩ Sài Gòn trước 1975
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |