1. Head_

    Lam Phương

    (20.3.1937 - 22.12.2020)

    Lưu Trung Khảo

    (.0.1931 - 22.12.2015)

    Nguyễn Hiến Lê

    (8.1.1912 - 22.12.1984)

    Nguyễn Đình Nghĩa

    (5.10.1940 - 22.12.2005)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Phỏng vấn Nhạc Sĩ Xuân Tiên, Nhân dịp Kỷ Niệm 65 Năm Âm Nhạc & Ra Mắt CD của Nhạc Sĩ (Saigon Times) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      21-6-2018 | ÂM NHẠC

      Phỏng vấn Nhạc Sĩ Xuân Tiên, Nhân dịp Kỷ Niệm 65 Năm Âm Nhạc & Ra Mắt CD của Nhạc Sĩ

        SAIGON TIMES
      Share File.php Share File
          

       


          Nhạc sĩ Xuân Tiên

      LGT: Trong số những nhạc sĩ Việt Nam cao tuổi nhất hiện còn tại thế, nhạc sĩ Xuân Tiên chiếm một vị trí đặc biệt vì Cụ không những am tường nhạc lý Tây phương, Trung Hoa, lẫn nhạc Việt; Cụ còn sử dụng được nhiều nhạc khí Tây phương như kèn clarinet, saxophone, flute, trumpet, guitar, violin... và hầu hết các nhạc cụ cổ truyền Việt Nam, Thái Lan, Lào, Cam Bốt. Không những thế, Cụ còn cải tiến, sáng chế ra những nhạc khí mới đáp ứng nhu cầu thể hiện đa dạng của nhạc sĩ. Đặc biệt, trong cuộc sống, Cụ luôn luôn có một tâm hồn nghệ sĩ trong tư cách của một kẻ sĩ ấp ủ chân lý "văn dĩ tải đạo". Nhân dịp Cụ kỷ niệm 65 năm âm nhạc và ra mắt CD vào ngày 5 tháng 10 sắp tới, Sàigòn Times đã xin phỏng vấn Cụ và hân hạnh được Cụ vui vẻ chấp thuận. SGT xin chân thành cảm ơn thì giờ quý báu của Cụ, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả nguyên văn bài phỏng vấn.

      *


      SGT: Thưa, Cụ là tác giả của những ca khúc nổi tiếng được nhiều người biết đến như "Chờ Một Kiếp Mai", "Khúc Hát Ân Tình", "Hận Đồ Bàn", "Về Dưới Mái Nhà", "Duyên Tình" v.v... Tuy nhiên, ít người có được cơ hội biết rõ về cụ. Vậy nhân dịp kỷ niệm 65 năm hiến dâng cho âm nhạc, xin cụ cho biết sơ qua cuộc đời của Cụ?


      Cụ Xuân Tiên (Cụ XT): Tôi sinh năm 1921 ở Hà Nội. Bắt đầu học nhạc từ 6 tuổi. Ông cụ thân sinh tôi vốn có tính nghệ sĩ, đã từng qua Tàu học nhạc một thời gian. Khi về Việt Nam ông có mở lớp dạy nhạc ở hội Khai Trí Tiến Đức. Sáu anh em tôi được học nhạc vỡ lòng từ ông cụ rồi sau đó nhờ có năng khiếu mà đều thành nghề. Lúc đầu ở miền Bắc thì chúng tôi chơi nhạc Tây phương, sử dụng các loại kèn sáo Tây. Sau đó khoảng năm 1942 về sau có nhiều dịp đi trình diễn nhạc và sinh sống khắp các miền đất nước cho nên được học hỏi nghiên cứu nhạc của nhiều miền, điển hình như nhạc Huế ở Trung; cải lương, Hồ quảng ở Nam. Thậm chí còn đi Lào, Cao Miên và cũng nghiên cứu nhiều về nhạc của những nước láng giềng này. Từ năm 1952 tôi đưa gia đình vào ở hẳn Saigon, sinh sống bằng nghề nhạc cho đến năm 75. Mãi đến năm 1986 con tôi mới bảo lãnh qua Úc. Mười năm đầu sống tại thủ đô Canberra, sau đó mới dời về Sydney. Thời ở Canberra tôi cũng có chơi kèn Saxo với vài ban nhạc Úc nhưng thấy không thích hợp mấy vả lại cũng đã lớn tuổi, gần 70 rồi còn gì nữa, nên thôi, bỏ cuộc chơi luôn đến bây giờ (cười)…


      SGT: Được biết, thân phụ của Cụ là cụ Phạm Xuân Trang cũng là một nhạc sĩ. Và như Cụ vừa nói, trong nhà Cụ có 6 anh em, cũng có nhiều nghệ sĩ tên tuổi, trong đó có nhạc sĩ Xuân Lôi. Phải chăng chính yếu tố gia đình, hay đúng hơn, yếu tố di truyền trong dòng họ đã mang đến cho Cụ lòng yêu thích âm nhạc, giúp Cụ trở thành một nghệ sĩ thuỷ chung trên con đường âm nhạc?


      Cụ XT: Chắc là phải có sự kết hợp mỗi thứ một ít như anh vừa kể. Nhưng tôi nghĩ có lẽ ý hướng của ông cụ thân sinh tôi là góp phần quan trọng nhất. Ông cụ nhà tôi xưa vốn có Tây học, là bạn học cùng lớp với cụ Phạm Quỳnh một thời nhưng bạn bè mỗi người một chí hướng khác nhau, ông cụ không muốn làm việc cho Tây và cũng không thích dính dáng gì đến quan quyền thời ấy, chỉ thích làm nghề tự do, thích làm nghệ thuật, cho nên tất cả con cái trong gia đình “bị” (hay là “được”), lôi cuốn vào con đường nghệ thuật, rồi suốt đời các anh em tôi gắn bó với âm nhạc như một nghề nghiệp.


      SGT: Nhìn lại quãng đường 65 năm vui buồn cùng vận nước và cống hiến cho âm nhạc, nếu có những kỷ niệm sâu sắc nhất, hay có tâm tình nào có thể nhắn nhủ với tuổi trẻ, thì đó là những kỷ niệm, những tâm tình gì, thưa Cụ?


      Cụ XT: Kỷ niệm thì bây giờ tuổi lớn rồi, lãng đãng như nhớ như quên. Tự nhiên nhớ lại thì khó quá. Chỉ có một chút tâm tình có thể nói nhắn nhủ với tuổi trẻ là trong bất kỳ nghề nghiệp nào, hãy cố gắng đi đến sáng tạo. Sáng tạo là sự đóng góp to lớn và quí báu nhất cho cuộc đời. Nó cũng làm cho mình lạc quan vui sống nữa.


      SGT: Năm 1942, tức cách đây đúng 65 năm, Cụ cùng anh là nhạc sĩ Xuân Lôi đi theo đoàn cải lương Tố Như vô Sàigòn trình diễn hội chợ rồi lưu diễn lục tỉnh Miền Nam. Như vậy, nhạc cải lương và các điệu hồ quảng của Miền Nam lúc đó đã có những ảnh hưởng gì đối với nhạc của Cụ sáng tác?


      Cụ XT: Có chứ! Âm hưởng dân ca miền Nam và cải lương có in đậm nét trong nhiều sáng tác của tôi chứ! Chẳng hạn như trong các bản nhạc “Cùng một mái nhà”, “Khúc nhạc đồng xanh”, “Đất Việt” v.v… Còn các điệu Hồ quảng thì tôi không dùng đến vì đó không phải là nhạc Việt. Chủ trương sáng tác của tôi là đào sâu vào nhạc Việt, dùng kỹ thuật và nhịp điệu Tây phương để cải tiến và làm giàu nền nhạc của mình. Cho nên một đời làm nhạc của tôi, dù đa phần là chơi nhạc Tây phương, nhưng sáng tác thì lại luôn quay về nguồn nhạc Việt.


      Nhân nói đến cải lương thì tôi xin nhắc lại là từ những thập niên 20, 30 dân chúng miền Bắc đã thích cải lương lắm rồi. Chính tôi lúc khoảng trên 10 tuổi đã được ông cụ mướn thầy về nhà dạy tuồng và nhạc cải lương rồi. Sau đó những đoàn hát Kim Chung, Sĩ Tiến gồm toàn là ca sĩ người Bắc, đã dàn dựng những bản tuồng sân khấu hoàn chỉnh và phục vụ công chúng bao nhiêu năm. Tóm lại là tôi đã quen thuộc với cải lương từ thời còn trẻ tuổi ngay tại miền Bắc. Năm 1941 nhân ban hát Phụng Hảo của cô Bảy Phùng Há ra Bắc trình diễn có mời tôi theo ban hát để cùng chơi chung với ban nhạc người Phi Luật Tân, ban nhạc này chơi rất giỏi cả nhạc cổ điển Tây phương lẫn nhạc Jazz. Tôi thấy đây là cơ hội tốt nên nhận lời gia nhập đoàn và đi lưu diễn miền Nam. Sau đó lại ở Huế một thời gian với anh tôi là nhạc sĩ Xuân Lôi để nghiên cứu và học đàn Huế, rồi cuối năm 1942 cả hai anh em tôi mới theo gánh Tố Như vào nam trình diễn ở Sài Gòn và khắp miền lục tỉnh. Đi nhiều, đến nơi nào gặp nhạc sĩ đàn anh hoặc nghe câu hò điệu hát lạ là tôi lại ghi chép, nhờ thế tôi hiểu và nhiễm nhạc Việt nhiều lắm. Trong những sáng tác của tôi, như đã trình bày lúc nãy, nói chung là dùng âm hưởng nhạc Việt, nhưng xem kỹ lại thì thấy tôi có nhiều ca khúc Bắc và Trung nhiều hơn là nhạc miền Nam.


      SGT: Cụ cùng với bào huynh Xuân Lôi từng chế sáo 10 lỗ và 13 lỗ có đủ các bán cung để thổi nhạc Tây Phương, và hiện hai loại sáo này được tàng trữ tại viện bảo tàng Paris, Pháp quốc. Xin Cụ cho biết về loại sáo đặc biệt này?


      Cụ XT: Cây sáo trúc của ta chỉ có 6 lỗ cho 6 ngón tay. Nó bị giới hạn rất nhiều vì thiếu cung bực. Trong thời gian chiến tranh Việt-Pháp gia đình chúng tôi chạy giặc về đến những khu núi rừng ở các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang. Ở Tuyên Quang, hội Văn hóa của chính quyền Việt Minh thành lập trường nhạc trong rừng, tổ chức những lớp nhạc dạy về ký âm, xướng âm, ca hát. Nhạc cụ thì dạy sáo trúc và guitar. Thầy dạy nhạc gồm có các nhạc sĩ Văn Cao, Nguyễn Hữu Hiếu, Canh Thân, Tô Vũ, Xuân Thư, Xuân Lôi, Xuân Tiên (nhạc sĩ Xuân Thư là anh cả của tôi). Xuân Lôi và tôi thì dạy ký âm và sáo trúc. Vì cần sáo phát cho tất cả các nhạc sinh nên anh Xuân Lôi và tôi phải len lỏi vào những khu rừng trúc, lựa chọn và chặt từng bó trúc ôm về. Chúng tôi phải nghiên cứu kỹ thuật để làm tất cả những cây sáo đúng với âm thanh mẫu (diapason) và đồng thời làm những cây sáo 10, 11, 12 và 13 lỗ. Với sáo 10 lỗ, người chơi phải sử dụng cả 10 ngón tay và có thể chơi tất cả những bán cung, do đó sáo không bị giới hạn trong bất kỳ âm giai nào. Còn sáo nhiều lỗ hơn (11, 12 hay 13 lỗ) là để tạo ra những âm thanh thấp hơn khi cần. Cái chính vẫn là 10 lỗ. Những cây sáo 10 và 13 lỗ vừa có tính sáng tạo vừa có tính cách lịch sử cho nên sau đó được trưng bày 5 cây tại viện bảo tàng Hà Nội và 2 cây tại viện bảo tàng Musee de Lhomme (Paris)


      Sau hiệp định Geneve 1954, ở miền Bắc hai nhạc sĩ Xuân Thư (là anh tôi) và Tô Vũ có viết sách dạy cách chế tạo và cách thổi kiểu sáo này. Sách này do nhà xuất bản Kim Sơn phát hành ngày 1/11/1955 tại Hà Nội.


      SGT: Tại Úc, nhiều người cũng biết đến loại đàn bầu đặc biệt do Cụ sáng chế gọi là Đàn bầu Xuân Tiên. Vậy loại đàn bầu này có gì khác biệt?


      Cụ XT: Đàn Bầu là đàn cổ truyền của Việt Nam mình tự ngàn năm, tôi có sáng chế gì đâu! Chẳng qua là tôi có một cây đàn Bầu chế từ trái bầu khô do nhà trồng từ thời sống ở Canberra. Tôi muốn có một cây đàn Bầu ở dạng nguyên thủy của nó là làm bằng trái bầu để mọi người có dịp xem chơi vì sau này người ta chỉ làm đàn bầu bằng hộp gỗ mà thôi.


      Còn cây đàn do tôi sáng chế là cây "đàn Xuân Tiên" làm từ thời ở Việt Nam năm 1976. Cây đàn này là một loại đàn dây, gẩy bằng 2 tay, có 60 dây cả thảy và bao gồm tất cả mọi cung bực. Nguyên do chế ra cây đàn này là vì tôi nhận thấy tiếng đàn tranh hay, ngọt ngào dịu dàng quá nhưng nó chỉ có 16 hoặc 22 dây, bị giới hạn nhiều trong cung bực và thiếu hợp âm để phụ đệm cho phần giai điệu. Cũng có một lý do khác là do thấy người Việt mình từ xưa đến giờ ít ai sáng chế ra các loại nhạc cụ cho nên tôi muốn chế ra một vài loại đàn sáo để lại cho mai hậu. Cây đàn này hiện còn để lại trong nước, hoàn cảnh chưa được thuận lợi để phổ biến dù bạn bè trong giới làm nhạc có nhiều người thích lắm. Cây đàn này âm thanh giống như đàn tranh nhưng tiếng mạnh và chắc hơn, sử dụng được cho cả 2 tay, tay phải chơi giai điệu và tay trái chơi hợp âm. Nếu sử dụng thành thục, đàn có thể chơi được bất kỳ thể loại nhạc nào.


      SGT: Ngoài tập nhạc Duyên Tình Xuân Tiên, Cụ còn xuất bản tập thơ Thơ Xuân Tiên. Vậy theo Cụ, sáng tác nhạc và sáng tác thơ có gì giống và khác nhau? Khả năng thể hiện tiếng lòng qua nhạc và qua thơ, cái nào dễ hơn, sâu sắc hơn?


      Cụ XT: Vâng, tôi có tập thơ “Trên kiếp hoa” do nhà xuất bản Ba Vì ở Canada in từ thế kỷ trước (cười)... đúng ra là năm 1997. Thực ra thơ đối với tôi chỉ để mình tự thể nghiệm và tiêu khiển chứ không phải để phổ biến. Thời buổi này thơ đã bị lấn mất sân chơi, thời hoàng kim qua rồi, người ta cần cái mãnh liệt và trần tục hơn...


      SGT: Trong số những bản nhạc nổi tiếng của Cụ, bản "Tình Bắc Duyên Nam" là nổi tiếng nhất. Cụ có thể cho biết, hoàn cảnh nào và lý do nào Cụ đã sáng tác bản nhạc bất hủ này?


      Cụ XT: Sau hiệp định Geneve 1954, miền Nam mở rộng vòng tay chào đón cả triệu người Bắc di cư vào cùng sống chan hòa với nhau trong vận hội mới của đất nước. Triệu người Bắc cũng đã nhận miền Nam như là quê hương mới của mình. Trong cuộc sống mới có nhiều mối tình Nam-Bắc nẩy nở, kết hợp với nhau, nhưng bên cạnh đó cũng có những ngộ nhận đáng tiếc về sự khác biệt địa phương, có thể gọi là kỳ thị giữa những người khác miền với nhau. Cái đó chẳng qua là do mưu đồ của Tây áp đặt vào người mình đã lâu. Thì trong hoàn cảnh đó, bài hát “Khúc hát ân tình” (tức “Tình Bắc Duyên Nam”) ra đời như là một lời kêu gọi mọi người con của đất nước hãy sống thân ái với nhau và ca ngợi tình yêu không phân biệt Nam-Bắc. Đó là lý do tôi sáng tác bản nhạc này.


      SGT: Nghe nói, Cụ có thể chơi những bài hát tân nhạc trên các nhạc cụ cổ truyền tuyệt hay. Thí dụ như bài Buồn Tàn Thu, Con Thuyền Không Bến bằng đàn nhị hồ. Phải chăng điều này nói lên giá trị thể hiện một cách đa dạng của nhạc cụ cổ truyền dân tộc Việt, hay tuỳ thuộc phần lớn vào tài năng của người nghệ sĩ?


      Cụ XT: Một phần là tài hoa của người trình tấu, một phần là phẩm chất sẵn có của bản nhạc, thêm một phần nữa là sự thích hợp của nhạc cụ đối với bản nhạc. Phải có đầy đủ 3 yếu tố vừa kể mới được.


      Nhạc cụ của ta nó có cái hay của nó nhưng phải chọn đúng giọng, đúng loại nhạc thích hợp với nó thì mới phát huy đúng mức cái hay của nó. Nhạc cụ ta thì nó đi với nhạc ta, còn nếu dùng nó để diễn tấu những loại nhạc lai căng hay nhạc Tây phương thì không thích hợp đâu! Chính gốc nhạc cụ của ta chỉ có đàn Đáy và đàn Bầu. Còn các loại đàn khác như đàn kìm (hay là đàn nguyệt), đàn sến, đàn nhị, đàn tam, đàn tì bà, đàn tranh, tiêu, sáo v.v… đều có gốc tích từ bên Tàu. Tuy nhiên vì người mình đã dùng thành thạo cả ngàn năm nay nên vẫn quen gọi là “ta” để phân biệt với Tây.


      Riêng đàn Bầu của ta thì độc đáo vô song. Chỉ một dây căng lơ lửng trên một cái cần, gẩy ra âm harmonic mà lại uốn éo như tiếng người, có thể diễn tả đúng giọng địa phương của từng miền, bắc khác, trung khác, nam khác. Ngay như giọng trung chẳng hạn, đàn Bầu lại có thể tấu lên giọng từng tỉnh khác nhau: Hà Tĩnh khác, Huế khác, Quảng Trị khác… Vì vậy, tôi có thể nói đàn Bầu là một cây đàn kỳ diệu nhất trên thế giới.


      SGT: Một trong những bản nhạc nổi tiếng của Cụ thể hiện cái mộc mạc, chất phác nhưng đằm thắm của tình yêu qua cái tinh tuý của dân ca Miền Bắc là bài Duyên Tình. Nhưng theo chúng tôi biết thì ở trong nước, nhiều hãng băng đĩa khi phát hành bản nhạc Duyên Tình lại ghi tác giả là nhạc sĩ Y Vân. Trong Danh Mục Bản Quyền do Cục Bản Quyền CSVN cấp cho bà Minh Lâm, vợ của nhạc sĩ Y Vân, cũng ghi Duyên Tình là nhạc phẩm của Y Vân. Trong khi đó thì dư luận lại cho rằng bài Duyên Tình do Cụ viết chung với Y Vân. Chúng tôi cũng được biết là Tết Bính Tuất vừa rồi, trưởng nam của Cụ là ông Phạm Xuân Long, có đưa vấn đề bản quyền nhạc phẩm Duyên Tình lên trên báo chí trong nước. Như vậy xin hỏi Cụ đầu đuôi vấn đề này như thế nào?


      Cụ XT: Duyên Tình là bản nhạc của tôi. Cả nhạc lẫn lời đều hoàn toàn là của tôi 100%. Ai hiểu nhạc và nếu nghe quen nhạc của từng người thì có thể nhận ra được từ nét nhạc đến lời ca là của tôi, không thể lẫn lộn với ai được. Sự lẫn lộn như anh vừa nêu ra là vì nó có một chút lịch sử như thế này.


      Y Vân với tôi là bạn rất thân dù Y Vân nhỏ hơn tôi nhiều tuổi, mà tuổi nghề thì lại càng nhỏ hơn. Đúng ra Y Vân vẫn trọng tôi như đàn anh nhưng tính tôi thì thoải mái không câu nệ, quý Y Vân như bạn bè bình đẳng và anh em làm chung mãi với nhau bao nhiêu năm ở các đài phát thanh trong những năm cuối của thập niên 50 qua đến những năm đầu thập niên 60.


      Riêng tôi, ngoài các đài phát thanh Sài Gòn, Quân đội, Mẹ Việt Nam, tôi còn làm tại Trung tâm điện ảnh, chơi nhạc cho các hãng phát hành băng và đĩa hát, đêm đêm lại phải chơi nhạc tại các Dancing, phòng trà nên rất bận. Y Vân thì rảnh hơn tôi nhiều nên tôi thường nhờ Y Vân giúp chép nhạc cho tôi. Thời đó đâu có máy photocopy như bây giờ, nếu cần copy một bản nhạc từ sách ra thì phải bỏ công chép tay, mà tôi thì lại rất cần nhiều bản sao của nhạc Âu-Mỹ để chơi trong các Dancing. Y Vân chép nhạc rất cẩn thận và đẹp nên tôi ưng ý lắm. Ngay cả nhạc do tôi sáng tác cũng có bài phải nhờ Y Vân chép lại cho đẹp. Hiện giờ tôi vẫn còn đang giữ một tập nhạc Mỹ do Y Vân chép lại dùm cho tôi. Thời đó Y Vân cũng có sáng tác và thường đi lại với nhà xuất bản để bán bản quyền các bản nhạc, nhân tiện tôi nhờ Y Vân mang bán giùm một sáng tác mới của tôi lúc đó là bản nhạc Duyên Tình mà Y Vân vừa mới giúp chép xong.


      Khi trao bài Duyên Tình cho nhà xuất bản để lấy tiền thì Y Vân cần phải để tên chung vào bản nhạc mới ký tên nhận tiền được. Y Vân có hỏi trước tôi chuyện đó và tôi đồng ý. Bạn bè thân thiết, có khi chỉ vì thích nhạc của nhau, vẫn có thể để tên chung như là đồng tác giả, cũng là kỷ niệm vui, đâu có sao! Thế là bản Duyên Tình khi in và phát hành có tên của cả hai chúng tôi.


      Các con tôi thì vẫn biết bài hát Duyên tình là của tôi. Còn gia đình của Y Vân thì sau khi Y Vân qua đời, thấy có tên Y Vân trên bài nhạc cũ thì nhận là của Y Vân, vả lại trong nước thì người ta chưa hề nói chuyện tác quyền với tôi dù họ vẫn phổ biến nhạc của tôi. Ngay cả bên này, Thúy Nga cũng đã từng ra băng cassette có bài Duyên Tình đề tên tác giả là Phạm Duy, tôi cũng chẳng phản ứng gì. Có mấy bài nhạc khác nữa cũng bị trường hợp tương tự như vậy.


      Tất cả câu chuyện là như thế. Đầu năm ngoái nhân dịp người con gái của Y Vân ở Perth có liên lạc với tôi thì tôi cũng đã giải thích rõ câu chuyện là như vậy.


      SGT: Trong những tác phẩm vang bóng một thời của cụ, chẳng hạn những ca khúc mà Thúy Nga Paris by night đã chọn để trình diễn, mỗi bài hát đều có nhịp điệu và phong cách riêng của nó. Vậy xin cụ cho biết thêm về khuynh hướng và quan niệm sáng tác của cụ"?


      Cụ XT: Nói chung thì trong sáng tác, tôi rất chú trọng đến giai điệu và thể điệu của bài hát. Giai điệu được giải nghĩa một cách nôm na là cấu trúc của những câu nhạc sao cho có đầy đủ nhạc tính và phẩm chất của hòa âm, để mình nghe thấy hay, dù cho không cần lời hát, chỉ hòa tấu bằng nhạc cụ không thôi cũng thấy hay. Nếu không có giai điệu hay thì không thể có bài hát hay được. Tôi thấy như thế! Bởi vậy trước 75, những đài phát thanh SaiGon, Quân Đội thường thích dùng những bản nhạc của tôi dưới dạng hòa tấu để làm nhạc hiệu cho chương trình hoặc là chơi xen kẽ vào giữa những chương trình của họ.


      Còn thể điệu thì ví dụ như là điệu valve, tango, rumba v.v… Nhạc Việt mình vốn nghèo về thể điệu, cho nên tôi chủ trương dùng nhiều thể điệu khác nhau cho những ca khúc để tạo những đổi mới ngay trong chính những tác phẩm của mình. Những bài hát trong CD này của tôi cũng có nhiều thể điệu khác nhau.


      Tôi thích những âm hưởng lạc quan yêu đời, tôi yêu những lời hát ca ngợi quê hương dân tộc. Tôi cũng có làm những loại nhạc tình yêu lứa đôi và nhạc buồn nhưng không có sầu thương ủy mỵ quá. Có buồn cũng chỉ là chớm buồn chút thôi.


      Đối với tôi, điều quan trọng nhất trong sáng tác là mình không được lập lại của người khác, mà mình cũng không được lập lại chính mình, nghĩa là mỗi một tác phẩm của mình phải hoàn toàn không giống ai!


      SGT: Nói đến đêm Kỷ Niệm 65 Năm Âm Nhạc & Ra Mắt CD của Cụ vào Thứ Sáu 5 tháng 10 này, xin Cụ cho biết, lý do nào có đêm kỷ niệm này? Và Đêm Kỷ Niệm đó sẽ có những gì đặc biệt"?


      Cụ XT: Lý do là để có một kỷ niệm nho nhỏ nơi thành phố mình đang sống, và cũng là để đánh dấu một phần đóng góp của mình vào nghệ thuật. Thế thôi! Nhạc của tôi được phổ biến rộng rãi trong nước từ lâu lắm, từ những thập niên 50, 60... rồi sau đó lại cùng theo dòng người tị nạn đi khắp bốn phương trời, thế nhưng chỉ được trình diễn rời rạc chỗ này một ca khúc, chỗ kia một ca khúc do các trung tâm hoặc ca sĩ tự ý phát hành, chứ tôi chưa phát hành một CD nhạc nào của mình cả. Đây có lẽ cũng là một thiếu sót của tôi. Tính của tôi vốn chỉ thích bạn bè vui chơi và lại không có khiếu thương mại, ở Úc thì xa xôi mà tôi thì ngại liên lạc tiếp xúc chỗ này chỗ kia cho nên khi cần đến thì trong tay không có một cái CD ca nhạc làm quà cho thân hữu. Ngoại trừ vừa rồi Paris by Night số 83 có thực hiện một chương trình gồm những nhạc phẩm xưa của tôi như anh đã biết.


      Rồi thì khi các con tôi có ý tổ chức làm một chương trình văn nghệ kỷ niệm 65 năm âm nhạc của tôi và có làm CD nữa, thì tôi vui vẻ đồng ý ngay và mời gọi đồng hương và thân hữu cùng đóng góp để tham dự cho vui. Đêm nhạc có ca và vũ được tổ chức vào tối thứ Sáu ngày 5 tháng 10 năm 2007 tại Bankstown Sport Club.


      Trong CD này tôi cho chọn lựa trình bày 14 ca khúc trong số vài trăm sáng tác của tôi, cũ có, mới có. Có những bài xưa lắm, làm từ thập niên 50, 60, rất phổ biến từ thời đó. Cũng có những sáng tác mới làm sau này tại Úc, chưa được phổ biến. Bây giờ có dịp đưa ra, xem như là những món quà nhỏ cho bạn bè thân hữu, và cũng là những cống hiến cho giới yêu nhạc.


      SGT: Xin cảm ơn Cụ, và kính chúc Cụ thành công trong đêm Kỷ Niệm 65 Năm Âm Nhạc & Ra Mắt CD của Cụ.


      25/09/2007

      Saigon Times

      vietbao.com

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Phỏng vấn Nhạc Sĩ Xuân Tiên, Nhân dịp Kỷ Niệm 65 Năm Âm Nhạc & Ra Mắt CD của Nhạc Sĩ Saigon Times Phỏng vấn

    3. Bài viết về Âm Nhạc (Học Xá)

       

      Âm Nhạc

       

      Tình Ca Mùa Xuân

      Tình Ca Mùa Thu

      Thơ Phổ Nhạc

      Thơ Nhạc Giao Duyên

       
      Cùng Mục (Link)

      Cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Hoàng Trang (Đông Kha)

      Nghe lại 10 ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Hàn Châu thu âm trước 1975 (Đông Kha)

      Làm sao nói hết niềm riêng: Có những niềm riêng (Lê Tín Hương) (Lê Trung Ngân)

      Nhạc Nhái và Nhạc Chế (Song Thao)

      Đêm Sài Gòn Xưa (Huyền Chiêu)

      Ảo giác Trịnh Công Sơn (Lê Hữu)

      Nguyễn Đình Nghĩa - Bắt Đầu... Từ Một Đêm Trăng (Phan Nhật Nam)

      Theo Hoàng Thi Thơ, đi tìm lại đường xưa lối cũ (Cao Vị Khanh)

      Nhạc sĩ Vinh Sử kể tình đời qua những khúc bolero (Hoàng-Dung)

      Nhạc sĩ Hoài Nam và ca khúc “9 Tháng Quân Trường”: Gắn trên vai chiếc lon Chuẩn-úy… (Đông Kha)

       

      Các nhóm nhạc (Wikipedia):

       Myosotis, Tricéa, Tổng Hội Sinh Viên, Đồng Vọng

       

      Nhạc sĩ:

      Danh Mục Tác Giả: Cùng Chỉ Số (Link-2) Anh Bằng,  Anh Linh,  Anh Việt,  Anh Việt Thu,  Bảo Thu,  Canh Thân,  Châu Kỳ,  Châu Đình An,  Chung Quân,  Cung Tiến,  Dương Thiệu Tước,  Duy Khánh,  Duy Trác,  Dzoãn Mẫn,  Dzũng Chinh,  

       

      Trang nhà:

      Phạm Duy, Trường Sa

       

      Nhạc tuyển::

      Dòng nhạc gợi nhớ Taberd75.com

      Sài Gòn ơi! Vĩnh biệt Ngọc Lan

      Mùa thu Paris Thái Thanh

      Lòng Mẹ (Y Vân) Lê Tấn Quốc, Saxo

      Hận Đồ Bàn (Xuân Tiên) Chế Linh

       

      - Hình Ảnh Ca Nhạc Sĩ Sài Gòn trước 1975

      - Ảnh Nghệ Sĩ Sài Gòn Xưa

      - Bìa Các Bản Nhạc Xưa

      - Cổ Nhạc Miền Nam: I, II

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)