1. Head_
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Chân dung soạn giả Viễn Châu (Nguyễn Phương) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      6-12-2021 | ÂM NHẠC

      Chân dung soạn giả Viễn Châu

        NGUYỄN PHƯƠNG
      Share File.php Share File
          

       


          Soạn giả Viễn Châu
          (1924 - 1.2.2016)

      Viết về các nhạc sư, nhạc sĩ cổ nhạc (cải lương) các thập niên 1940 đến 1970, tôi không biết nên trân trọng mời nhạc sĩ đàn tranh Bảy Bá (tức soạn giả Viễn Châu) ngồi ở hàng ghế danh dự nào. Vì một lẽ giản dị là anh Bảy Bá là một người nghệ sĩ «đa tài», với ngón đàn tranh tươi mướt, với sự hiểu biết sâu sắc về cổ nhạc và tân nhạc, anh Bảy Bá xứng đáng được tôn vinh là một nhạc sư, một danh thủ đàn tranh không thua gì danh cầm đàn tranh Sáu Quí; với tài viết lời ca vọng cổ thì anh Bảy Bá tức là soạn giả Viễn Châu là một bậc thầy được tôn vinh là Vua viết lời ca bài vọng cổ; với khả năng viết tuồng cải lương, anh đứng trong hàng ngủ các soạn giả tài danh có nhiều tuồng «ăn khách» nhứt; Bảy Bá (Viễn Châu) là một thi sĩ «ngoại hạng».


      Tuy không mang danh là thi sĩ như Kiên Giang, như Xuân Diệu, Nguyễn Bính, nhưng anh đã viết hàng ngàn câu thơ hay trong các bài ca vọng cổ của anh. Với hơn 200 bài vọng cổ hài hước, Bảy Bá chẳng những mang lại nụ cười hóm hỉnh cho thính giả bốn phương mà còn giúp tư liệu không ít cho các nhà xã hội học tìm hiểu những thói hư, tật xấu rởm đời mà xã hội chê cười trong vòng nữa cuối thế kỷ vừa qua. Viễn Châu là người đề xướng ra bài vọng cổ Tân Cổ Giao Duyên, đã gây ra một cuộc tranh luận sôi nổi trên các báo chí, trang kịch trường trong hai thập niên 60, 70. Nhạc sĩ đàn tranh Bảy Bá tức soạn giả Viễn Châu tên thật là Huỳnh Trí Bá, sinh năm 1924, tại xã Đôn Châu, tỉnh Trà Vinh. Anh là đứa con thứ bảy trong gia đình nên khi anh thành danh nhạc sĩ, người trong xóm và các bạn trong nhóm đàn ca tài tử gọi anh là Bảy Bá. Bảy Bá có khiếu viết văn, làm thơ và ham thích âm nhạc từ nhỏ. Sau khi học hết lớp năm, thi lấy bằng cấp sơ học (CEPCI) anh nghỉ học, ở nhà giúp cha mẹ quán xuyến việc làm ăn, những khi rỗi rảnh anh theo các bạn đi học đàn ca cổ nhạc. Anh học biết điệu đàn kìm.


      Theo lời anh kể thì trong nhóm đờn ca tài tử trong xã của anh có một anh có tiền, thích đờn tranh, rước một ông thầy mù về dạy anh đờn tranh. Bảy Bá không tiền mua đàn nhưng rất thích đàn tranh nên mỗi khi ông thầy dạy cho anh bạn thì Bảy Bá đứng gần đó nghe, học lóm. Thời đó nhạc tài tử ở quê anh, người ta thường dùng đàn kìm, đàn cò, đàn guitare phím lõm, không mấy ai biết đàn tranh. Bảy Bá có năng khiếu âm nhạc, ông thầy dạy bạn anh, bạn anh học hoài mà không thuộc, ngón đờn lọng cọng khó khăn, Bảy Bá chưa từng rớ tới cây đàn tranh đó, chỉ nhìn theo ngón đờn của ông thầy, nghe lời dạy, nhớ chữ đờn, anh thuộc hết những bài bản, ngón đờn của ông thầy dạy và khi người bạn cho anh mượn cây đờn, anh đã đờn hay tới nỗi ông thầy đờn mù lắng nghe, tức giận, nói: «Mầy đờn ngón đờn còn tươi mướt hơn tao mà mầy giả vờ rước tao về dạy cho mầy. Phải là mầy muốn giỡn mặt tao không ?». Ông thầy mù tưởng lầm người mới vừa đờn là người học trò mà ông đã dạy mấy tháng qua. Bảy Bá phải lên tiếng để ông nhận người vừa đờn là ai và Bảy Bá công nhận là anh đã học lóm của ông thầy mấy tháng qua.


      Người bạn anh chán ngán việc học đàn tranh vì thấy khó mà đờn cho hay nên anh cho Bảy Bá cây đàn. Từ đó Bảy Bá đêm ngày tự luyện ngón đờn, vì biết cổ nhạc sẵn, lại có năng khiếu và chuyên cần, Bảy Bá nổi tiếng danh thủ đàn tranh khi anh được 15 tuổi. Bảy Bá được anh em tôn lên làm nhạc trưởng dàn nhạc tài tử và được mời đến đờn ca trong các đám tiệc quan, hôn, tang, tế và các buổi hòa ca cổ nhạc ở địa phương. Nhạc sĩ Sáu Quí, danh thủ đàn tranh của đoàn cải lương Con Tằm, nhân dịp về Trà Vinh thăm nhạc sư Hai Phát, nghe tiếng đồn, bèn tìm đến nhà Bảy Bá ở Đôn Châu. Sáu Quí nghe Bảy Bá đờn và ông khen Bảy Bá là một nghệ sĩ có tài năng bẩm sinh, tương lai vô cùng rực rỡ trong lãnh vực cải lương và cổ nhạc.


      Ngày nay đã 80 tuổi, nhớ lại ngày khởi nghiệp cầm ca, Bảy Bá nhắc lại lời khen của danh cầm Sáu Quí mà anh cho là lời động viên, khuyến khích quí báu nhứt, đã giúp cho anh mạnh dạn ra đi để lập nên sự nghiệp và thỏa mãn nỗi đam mê nghệ thuật của anh.


      Khi cha mẹ anh mất, anh để cho các anh chị thừa hưởng gia sản, một mình với cây đàn tranh, anh lên Sàigòn kiếm việc làm và tạo lập tương lai. Đến Sàigòn, nhờ có ngón đàn tươi mát, sắc sảo, anh được các bạn mới trong giới nhạc sĩ giới thiệu đi đờn ca trong các tiệc vui và đi đờn cổ nhạc ở Đài Pháp Á. Tuy thỏa mãn nỗi đam mê nghệ thuật nhưng cuộc sống của Bảy Bá thiếu thốn, đói rách như các nghệ sĩ nghèo khác. Sống lang thang, nay ngủ nhờ nhà bạn nầy, tháng sau đến xóm khác, chỉ có cây đàn tranh là bạn chung thủy chia sẻ với anh niềm vui nỗi buồn. Khi được báo chí phỏng vấn anh, hỏi anh có kỷ niệm nào sâu sắc nhứt trong buổi thiếu thời thì anh lấy ra một cái hộp gỗ cẩn ốc xa cừ mà anh cất trang trọng trong hộc tủ của bàn thờ cha mẹ anh.


      Trong hộp gỗ đó, anh cất giữ một tờ giấy « Một Đồng Bạc Đông Dương » mà anh đã gìn giữ như một báu vật đã nửa thế kỷ rồi. Anh xúc động, không ngăn được giòng lệ khi nhắc lại lai lịch của tờ giấy bạc một đồng Đông Dương đó:

      «Năm 1940, khi mới tới Sàigòn được vài tháng, tôi được các bạn nhạc sĩ đưa đi đờn ca trong một tiệc cưới ở Giồng Ông Tố. Đêm đó đờn ca quá khuya, tôi mệt mỏi, ngủ quên, khi thức giấc thì các bạn nhạc sĩ đã trở về Sàigòn lúc nào không biết, tôi tới xứ lạ quê người, không biết đường biết xá, không quen biết ai cả mà trong túi lại không có tiền, không biết làm sao để trở về Sàigòn. Tôi vừa đói, khát, lại vừa sợ, không biết làm sao xoay sở, tôi ôm cây đàn tranh, đi loanh quanh từ chợ ra tới vệ đường, gần cây cầu đúc, hy vọng gặp một người quen biết nào đó có thể giúp tôi, nhưng thật là thất vọng. Tôi ôm cây đàn, ngồi trên bực xi măng của cây cầu đúc, gục mặt suy nghĩ coi phải làm sao đây. Bỗng có một người vỗ vai tôi, hỏi tôi có chuyện gì buồn mà ra ngồi ở trên cây cầu nầy? Có lẽ ông tưởng tôi thất tình hay buồn việc chi có thể nhảy xuống sông tự vận nên vừa hỏi chuyện tôi, ông vừa dìu tôi trở lại chợ. Ông nói ông muốn đi ăn hủ tiếu, ông mời tôi ăn với ông cho vui.


      Khi tôi nói thiệt hoàn cảnh bơ vơ của tôi, ông đãi tôi ăn rồi nhét vô túi tôi một đồng bạc, đồng bạc Đông Dương nầy đây, rồi ổng dẫn tôi lại một người đánh xe ngựa, trả tiền xe và biểu chở tôi về Sàigòn, chỗ bến xe ngựa, bên hông ga xe lửa. Về tới đó là tôi biết đường rồi, tôi mừng quá, cám ơn ông luôn miệng, nhưng sao tôi ngu quá hay là quá bối rối mà quên hỏi tên ông, cũng không biết là ông nhà ở đâu. Tôi về Sàigòn, không dám xài đồng bạc quí giá nầy, khi tôi được ông Sáu Quí giới thiệu vô đờn cho đoàn Việt Kịch Năm Châu, có công ăn chuyện làm, có chút đỉnh tiền bỏ túi, tôi trở về Giồng Ông Tố kiếm ông ân nhân của tôi nhưng mà không biết hỏi ai, anh đánh xe ngựa cũng đi đâu mất, thành ra không làm sao đền ơn đáp nghĩa được. Tôi có viết truyện ngắn, làm thơ đăng báo nên có đăng câu chuyện thật của tôi, hy vọng ông ân nhân của tôi đọc, biết mà liên lạc với tôi.


      Nhưng năm mươi năm rồi, tôi không kiếm được người đã gia ơn cứu giúp tôi trong cơn nguy khốn đó, tôi nghĩ có lẽ ông đã ra người thiên cổ rồi, tôi để Đồng Bạc ơn nghĩa nầy trong cái hộp như một gia bảo và để chung trong tủ thờ cha mẹ tôi, tôi thờ ông trong tâm tưởng của tôi. Những dịp làm công việc từ thiện, đờn ca gây quỹ cứu trợ người nghèo đói thương tật hoặc bị thiên tai, hỏa hoạn, lũ lụt, tôi tham gia tích cực và coi như noi gương của người ân nhân ẩn danh của tôi».

      Năm 1943, Bảy Bá theo đoàn Việt Kịch Năm Châu lưu diễn từ Nam ra Bắc. Trong dịp nầy Bảy Bá được anh Năm Châu chú ý nhờ tài làm thơ, viết truyện ngắn đăng báo của anh nên khuyến khích và giúp đỡ anh trong việc soạn tuồng cải lương. Nhạc Sĩ Bảy Bá nổi danh trong lãnh vực soạn tuồng dưới nghệ danh Viễn Châu. Năm 1950, Bảy Bá bắt đầu viết tuồng, vở tuồng đầu tiên tựa lá Nát Cánh Hoa Rừng, nghệ danh soạn giả Viễn Châu. Anh cho biết quê anh ở xã Đôn Châu, mà hiện nay thì anh xa quê, ở nơi viễn xứ, nên anh lấy chữ Viễn, chữ đầu của Viễn xứ, cộng với chữ chót trong tên xã Đôn Châu, thành ra Viễn Châu để mãi mãi nhớ về quê hương nguồn cội của anh.


      Vở Nát Cánh Hoa Rừng cảm tác từ chuyện đường rừng của Khái Hưng và được nghệ sĩ tiền phong Năm Châu đứng ra làm đạo diễn nên tuy là vở tuồng sáng tác đầu tay nhưng soạn giả Viễn Châu đã gặt hái được thành công rực rỡ. Kế tiếp, trên sân khấu Việt Kịch Năm Châu, các soạn phẩm của Viễn Châu như Tấm Cám, Khoai Lang Dương Ngọc, Thạch Sanh Lý Thông, Lâm Sanh Xuân Nương cũng đạt được doanh thu đáng kể cho đoàn Việt Kịch Năm Châu trong những năm 1950, 51, 52. Kể về kỷ niệm thời kỳ nầy, soạn giả Viễn Châu rất xúc động, nói: «Tôi may mắn được gia nhập vào một sân khấu nghiêm túc, kỷ cương chặt chẽ, có nhiều nghệ sĩ tài hoa; được học hỏi nhiều ở các bậc đàn anh như Năm Châu, Năm Nở, cho nên con đường đến với sân khấu cũng được suông sẻ, mau nổi tiếng».


      Sau đó, anh tự nhận xét là khi mới bắt đầu viết tuồng, anh chưa nghĩ ra được cốt chuyện nên dùng những chuyện cổ tích mà mọi người đều biết giống như bên hát bội hay cải lương tuồng Tàu, người ta soạn tuồng dựa vào chuyện Tam Quốc, chuyện Thuyết Đường, Tiết Nhơn Quí chinh đông, Tiết Đinh San chinh tây... Với cốt truyện cổ tích được nhiều người biết, người viết chỉ cần có văn chương tươi mát, trữ tình và viết vui vui, hài hước một chút là dễ được khán giả chấp nhận thưởng thức.


      Cuối năm 1955, khi bộ tứ giám đốc Út Trà Ôn, Thanh Tao, Kim Chưởng, Thúy Nga hợp lại lập nên đoàn cải lương Kim Thanh – Út Trà Ôn thì soạn giả Viễn Chậu được mời về làm soạn giả thường trực. Trên sân khấu Kim Thanh, Viễn Châu thành công với các tuồng: Tình Vương Hoa Thắm, Sau Bức Màn Nhung, Đời Cô Nga, Tiếng Đàn Trong Ngục Tối, Tình Mẫu Tử, Hàn Mạc Tử…


      Năm 1960, Viễn Châu về hợp tác với đoàn Thanh Minh rồi Thanh Minh Thanh Nga. Thời gian nầy anh Viễn Châu và tôi hợp soạn các tuồng Đời Hai Mặt, Thầy Cai Tổng Bồi, Chén Cơm Đô Thành, và theo yêu cầu của bà Bầu Thơ, chúng tôi không đứng tên trên ba soạn phẩm kể trên mà ghi là tác giả Bảo Quốc, vừa là kỷ niệm ông Bầu Nghĩa, người anh, người bạn của chúng tôi, vừa giúp quảng cáo cho Bảo Quốc khi cháu vừa chập chững bước lên sân khấu. Sau đó Viễn Châu hợp soạn với soạn giả Ngọc Huyền Lan tức ký giả Nguyễn Ang Ca các vở Hoa Mộc Lan, Con Gái Hoa Mộc Lan, Thiên Thần Trên Thiết Mã...


      Sự nghiệp sáng tác tuồng cho sân khấu cải lương của Viễn Châu có thể có khoảng trên dưới 50 vở mà tôi còn nhớ được một số vở như: Tình Vương Hoa Thắm, Tình Mẫu Tử, Đời Cô Nga, Sau Bức Màn Nhung, Hoa Mộc Lan, Con Gái Hoa Mộc Lan, Quân Vương và Thiếp, Hàn Mạc Tử, Ai Điên Ai Tỉnh, Nợ Tình, Qua Cơn Ác Mộng, Khoai Lang Dương Ngọc, Thạch Sanh Lý Thông, Nát Cánh Hoa Rừng,...


      Khán giả ưa thích sản phẩm của Viễn Châu không phải vì cốt chuyện tình tiết ly kỳ mà vì câu chuyện tuồng tích quen thuộc với lời văn trau chuốt, trữ tình, dễ hiểu. Có thể nói tài viết lời ca vọng cổ của Viễn Châu đã quá nổi bật, quá sáng chói nên đã làm lu mờ tên tuổi Viễn Châu trên địa hạt tuồng cải lương.


      Soạn giả Viễn Châu: Vua của những vì Vua và bà Hoàng trên sân khấu cải lương:


      Dân ghiền cải lương thưỡng phong cho Út Trà Ôn là Vua Vọng Cổ, Văn Hường là Vua Vọng Cổ Hài, Út Bạch Lan là Nữ Hoàng vọng cổ, Viễn Châu được phong là Vua viết lời ca bài Vọng Cổ. Theo tôi nghĩ Viễn Châu phải được phong là Vua của các vì Vua sân khấu, giống như bà Bầu Thơ được mệnh danh là Bà Bầu của những ông Bầu bà Bầu cải lương. Quả thật là vậy, các nghệ sĩ thành danh, được phong ngôi vị vương giả trên sân khấu cải lương đều nhờ vào bài ca vọng cổ của Viễn Châu. Anh Út Trà Ôn, Vua vọng cổ, khởi đầu được khán giả thích qua các bài Tôn Tẫn giả điên, Thái Sư Văn Trọng giáng thập điều, nhưng mãi về sau người ta nhớ và nhắc Út Trà Ôn qua các bài vọng cổ Tình Anh Bán Chiếu, Ông Lão Chèo Đò, Sầu Vương Ý Nhạc của Viễn Châu (và rất nhiều bài vọng cổ của Viễn Châu mà anh Út Trà Ôn ca, thu vô dĩa Asia, Hồng Hoa, Việt Hải, Continental…).


      Út Bạch Lan khi mới vào đoàn Kim Thanh – Út Trà Ôn thì chỉ làm thế nữ, quân hầu, Viễn Châu viết vọng cổ thêm vô tuồng Tình Vương Hoa Thắm, giới thiệu giọng ca của Út Bạch Lan. Sau đó, anh Viễn Châu viết nhiều bài ca vọng cổ và hướng dẫn cho Út Bạch Lan ca trên các hãng dĩa Asia, Hồng Hoa, Continental, Việt Nam, Việt Hải... Từ đó Út Bạch Lan nổi danh là Nữ Hoàng Vọng Cổ. Văn Hường cũng được Viễn Châu khám phá tài năng nhân buổi tiệc nhậu đàn ca trong giải trí trường Thị Nghè, sau đó Viễn Châu viết hơn 200 bài vọng cổ hài hước, tạo cơ hội cho Văn Hường chiếm ngôi vị độc tôn trong lãnh vực ca hài. Hề Sa cũng nhờ vào những bài vọng cổ hài của Viễn Châu mà nổi danh… Các khôi nguyên vọng cổ từ thập niên 1960 trở về sau này như Minh Vương, Minh Cảnh, Minh Phụng, Mỹ Châu, Lệ Thủy, Thanh Tuấn đều ca các bài vọng cổ của Viễn Châu khi đi thi ca vọng cổ và nhờ đó mà đoạt các giải khôi nguyên.


      Các lò dạy cổ nhạc của các nhạc sư, nhạc sĩ Út Trong, Hai Khuê, Văn Vĩ, Bảy Quới, Tấn Nhì, Văn Giỏi, Vũy Chỗ, Ba Tu, Kim Anh, Hoàng Huệ, Văn Còn, Thanh Hải... đều dùng các bài vọng cổ của Viễn Châu sáng tác làm bài mẫu để dạy ca cho học trò.


      Các nghệ sĩ tài danh các thập niên 1960, 1970, 1980, ngoài những thành tích đạt được về ca và diễn trên sân khấu, còn nhờ vào việc ca thu thanh trên dĩa nhựa, được Đài Phát Thanh, Đài Truyền Hình loan tải đi khắp cả 4 vùng chiến thuật, đến tận các làng mạc xa xôi. Khi ca vọng cổ thu dĩa, ba phần tư các bài được các nghệ sĩ đó thu thanh là sáng tác phẩm của Viễn Châu, có thể nói là nhờ vào các bài vọng cổ đó mà nghệ sĩ phát triển thêm khả năng ca, luyến láy, đánh bóng, điểm tô thêm vùng hào quang danh vọng của mình trong lãnh vực ca vọng cổ và trên sân khấu.


      Người ta nhắc nhở và khen ngợi Hữu Phước và Thành Được trong bài vọng cổ Cao Tiệm Ly tiễn Kinh kha; Hữu Phước được mệnh danh giọng ca vàng qua các bài vọng cổ của Viễn Châu như Tần Quỳnh khóc bạn, Mục Liên tìm Mẹ, Nhựt Ký Đời Tôi, Lá Bàn rơi. Đêm Tái Ngộ… Thành Được và Út Bạch Lan được nhắc nhở hoài qua các bản Hoa Lan Trắng, Thương Về Xứ Huế, Vợ Tôi Đi Lấy Chồng... Hương Lan nổi danh trong bài Đời Nghệ Sĩ…, Mỹ Châu, Thanh Nga, Ngọc Giàu, Hồng Nga, Kim Ngọc, Thanh Hải, Hùng Cường, Dũng Thanh Lâm, Thanh Tú, Trang Bích Liễu, Thanh Tuấn, Tuấn Thanh, Hoài Thanh, Đỗ Quyên..., nói chung những nghệ sĩ cải lương tài danh các thập niên 1960, 1970, 1980 đều có ca các bài vọng cổ của Viễn Châu sánh tác, thu dĩa cho các hãng dĩa lớn như Asia, Hồng Hoa, Việt Nam, Sơn Ca, Việt Hải, Continental, Capitol, Quê Hương, Sóng Nhạc…


      Sau nầy trong các chương trình Vầng Trăng Cổ Nhạc, Sân Khấu vào Học Đường, Câu Lạc Bộ ca tài tử, các nghệ sĩ thế hệ thứ ba như Kim Tử Long, Tài Linh, Vũ Linh, Ngọc Huyền, Trinh Trinh, Hữu Quốc, Quế Trân, Thanh Hằng, Thanh Ngân, Thanh Thanh Tâm, Phương Hồng Thủy, Thoại Miêu, Thoại Mỹ... đều có ca các bài vọng cổ của Viễn Châu sáng tác trước và sau 1975.


      Các nghệ sĩ hải ngoại cũng được khán giả yêu chuộng qua các bài vọng cổ của Viễn Châu như Hà Mỹ Hạnh và Phương Thanh trong bài Kiếp Cầm Ca, Hữu Phước và Hà Mỹ Hạnh trong Chuyện Hẹn Hò, Phương Thanh và Bích Ngọc trong bài Cô Lái Đò Bến Hạ, Hương Lan và Phương Thanh trong Căn Nhà Ngoại Ô. Nữ ca sĩ tân nhạc Thanh Tuyền lần về Việt Nam thăm quê hương cũng tìm đến Viễn Châu nhờ anh viết bốn câu vọng cổ «Xin Trả Tôi Về Quê Hương Ngày Cũ» để thu trong băng vidéo 36 năm tiếng hát Thanh Tuyền.


      Viễn Châu viết vọng cổ, mỗi vế ca đều viết theo khuôn khổ, có vần điệu, số chữ vừa theo chữ đờn; đó là điều cơ bản giúp cho việc dạy ca và học ca được dễ dàng và có kết quả. Viễn Châu là nhạc sĩ và cũng là thi sĩ nên các bài vọng cổ là thơ và nhạc, có chất liệu văn học, mỗi câu hát lời ca, mỗi nhân vật của Viễn Châu đều được anh gởi gấm chút niềm tâm sự, một chút tình, – thứ tình cảm lãng mạn trong một tâm hồn đa tình, lãng tử.


      Tình cảm đó, có khi là một chút hình ảnh của quê hương có ánh sáng lập lòe của bầy đom đóm, có tiếng gà trưa lẫn tiếng chuông chùa công phu văng vẳng, có khi là hình ảnh những người nông phu bình dị mà anh bất ngờ bắt gặp trên đường đời mà nỗi bất hạnh, nỗi buồn khổ của họ hay chuyện tình nên thơ mà dang dở của họ đã để lại trong tâm hồn anh nhiều ray rứt, cũng có khi là một chút cảm khái « dư nước mắt khóc người đời xưa.». Nói chung những nhân vật của anh trong tuồng, trong vọng cổ đều chuyên chở dùm cho Viễn Châu nỗi niềm hoài niệm một thời thơ ấu đa tình, một chút lãng mạn của một người yêu đời, yêu thơ văn và âm nhạc.


      Viễn Châu đã sáng tác hơn 2000 bài ca vọng cổ cho ba thế hệ diễn viên, ca sĩ ca thu vô dĩa: (tôi còn nhớ được 40 tên ca sĩ, diễn viên ngôi sao cải lương ba thế hệ có thu vô dĩa những bài ca vọng cổ của Viễn Châu sáng tác và danh sách của mười hãng dĩa lớn của Sàigòn trước 75, những hãng từng thu thanh và phát hành các dĩa vọng cổ của Viễn Châu). Mỗi bài ca vọng cổ độc chiếc thường thường là có ít ra 8 câu thơ, 4 câu thơ nói lối trước khi vô vọng cổ câu 1 và 4 câu thơ nói lối khi ca câu 5, câu 6, hoặc thơ trong lòng câu vọng cổ. Tôi lấy một số băng cassette và dĩa hát các bài ca vọng cổ của Viễn Châu ra nghe và ghi lại để các bạn cùng thưởng thức những câu thơ của Viễn Châu. Trong bài vọng cổ «Hoa Đào Năm Ngoái», 4 câu thơ nói lối trước khi vô vọng cổ câu 1:


      Cánh chim về tổ chở mây xa

      Liễu biếc sầu ai quạnh nắng tà

      Người đẹp đâu rồi, cây nhớ bóng

      Lan đình còn đọng dấu hài hoa.


      và 4 câu thơ khác, nói lối gát vô câu vọng cổ số 5:


      Hương tóc mơ màng, hương cố nhân

      Người xưa lưu lạc bước phong trần

      Hồn thơ rũ rượi sầu ngăn cách

      Lá chết rơi nhiều quyện gió đông.


      Trong bài vọng cổ Phàn Lê Huê – Tiết Đinh San, 4 câu thơ tâm sự của Phàn Lê Huê gát vô câu vọng cổ 4:


      Chăn gối hững hờ, chăn gối lẻ,

      Phấn hương lợt lạt phấn hương tàn

      Bao nhiêu thương nhớ bao nhiêu lệ

      Mộng ước thôi rồi chịu vỡ tan.


      Trong bài Cô Hàng Cà phê, 4 câu thơ nói lối trước khi vô vọng cổ câu 1 :


      Gió thổi tơi bời xác lá bay

      Mưa rơi từng giọt mái hiên ngoài

      Em ngồi lẳng lặng bên khung cửa

      Hướng nẻo chân trời để nhớ ai.


      Và đây 4 câu thơ gát vô câu 5, cũng bài Cô Hàng Cà Phê:


      Chiều xuống lâu rồi mưa vẫn tuôn

      Ngoài kia phố thị hắc hiu buồn

      Tôi nghe rười rượi hồn du tử

      Không kẻ mong chờ cũng nhớ thương.


      Thơ trong tuồng, trong các bài ca vọng cổ của Viễn Châu thì nhiều lắm. Mặc dầu Viễn Châu biết rằng anh làm thơ không phải để trở thành thi sĩ, không phải để nổi tiếng với thơ, nhưng anh biết làm thơ nên lời ca các bài vọng cổ của anh cũng êm ả như thơ vậy. Đúng ra anh viết lời ca vọng cổ với một tâm hồn thi sĩ, tâm hồn lãng mạn đã yêu thơ từ thuở thiếu thời:


      Mưa lạnh run run gió dật dờ

      Thành đô bỗng chốc hóa tiêu sơ

      Đôi dây khoan nhặt cười ray rứt

      Năm ngón cung thương khóc sững sờ

      Tháng lụn năm tàn già héo hắt

      Quê người xứ lạ trẻ bơ vơ

      Chiều nay có kẻ nhiều tâm sự

      Nước mắt hòa trong nhạc với thơ.


      Tôi thử làm một bài toán cộng để hình dung cái khối sáng tác đồ sộ của anh Viễn Châu (tuy biết rằng chất lượng tác phẩm không tính bằng những con số), mỗi bài vọng cổ hồi xưa 20 câu, sau đó rút còn 12 câu. Trong những thập niên 60, rút lại còn 6 câu, rồi còn 4 câu với các bài bản nhỏ.


      Tôi lấy một bài như bài vọng cổ Ông Lão Chèo Đò, đếm thử số chữ trong 4 câu vọng cổ, gồm luôn thơ nói lối gác vô vọng cổ thì thấy bài vọng cổ đó được 501 chữ. Chỉ lấy 500 chữ làm chuẩn mà tính thử thì 2000 bài vọng cổ, nhơn cho 500 chữ, nghĩa là Viễn Châu đã viết một triệu chữ trong các bài ca vọng cổ của anh. Nếu cộng thêm hơn 50 tuồng cải lương của anh, số chữ trong một tuồng cải lương phải nhiều gấp 50 lần một bài vọng cổ, vậy thì số chữ Viễn Châu dùng để bày tỏ tâm tình, thương mây khóc gió, nói lên tình cảm chân quê của người thôn dã Việt Nam, con số đó phải kể đến hàng chục triệu chữ.


      Tôi tò mò làm một con toán như vậy vì tình cờ đọc được trong sách Pháp, nói về nhà viết kịch Đại Văn Hào Anh Quốc Shakespeare được coi là một vĩ nhân vì người ta đếm được trong toàn bộ tác phẩm của ông ta sáng tác có được 38.000 chữ khác nhau. Nếu đem đếm toàn bộ tác phẩm của Viễn Châu (và của những tác giả, những nhà văn Việt Nam như các ông Hồ Biểu Chánh, nhà văn Võ Phiến, Bình Nguyên Lộc…) chắc chắn là vượt qua xa con số 38.000 chữ của văn hào Shakespeare.


      Tôi lại làm một con toán khác:


      Mỗi bài vọng cổ có ít nhứt là 8 câu thơ, tính chung 2000 bài vọng cổ, Viễn Châu đã viết 16.000 câu thơ! Khi về Việt Nam, tôi có dịp nói chuyện nầy với thi sĩ Kiên Giang, anh ta cười, chào thua khả năng sáng tác thơ của Viễn Châu, nhưng kết luận là Viễn Châu không phải là thi sĩ chuyên về thơ, anh ta làm thơ để thay đổi «văn phong» trong các bài vọng cổ, trong tuồng, chớ nếu Viễn châu là thi sĩ chuyên về thơ "than mây khóc gió" như kiểu Kiên Giang Hà Huy Hà là anh ta "đói nhăn răng”. Mỗi bài vọng cổ được viết như một chuyện tình ngắn, một bài thơ tâm sự, mỗi bài đều có nhân vật khác nhau, tâm tình khác nhau, câu chuyện khác nhau, vậy thì 2.000 bài vọng cổ là 2.000 câu chuyện ngắn khác nhau... Những con số liệt kê ra đây, xem qua thật là dễ nể, dễ sợ!


      Nói về Viễn Châu thì thiệt là có nhiều chuyện để nói, chỉ riêng 200 bài ca vọng cổ hài hước của anh do Văn Hường, hề Sa, hề Minh, hề Quới ca, cũng là 200 chuyện châm biếm những thói hư tật xấu trong xã hội, 200 chuyện vui lật tẩy bề trái của xã hội, ghi dấu một thời kỳ va chạm của phong tục tập quán xưa cũ và cái nếp sống văn minh tiến bộ mới. Và thêm một vấn đề về văn học và âm nhạc, cần đề ra đây để mong có một sự góp ý của những nhà âm nhạc học, của những bực thức giả: đó là sáng kiến của Viễn Châu khi thực hiện những bài vọng cổ Tân Cổ giao duyên. Viễn Châu là người đầu tiên viết và kiên trì phổ biến loại tân cổ giao duyên trong hai thập niên 60, 70, và đã từng gây ra một cuộc tranh luận trên các báo chí văn nghệ trong nước. Có người ủng hộ, có kẻ chỉ trích và Tân Cổ giao duyên vẫn được tồn tại và phát triển. Vậy thì nên hay không kết hợp Tân nhạc và Cổ nhạc trong một bài ca? Tôi nghĩ rằng về phương diện tán thành hay phản đối, sẽ có nhiều lý giải rất hay, bổ ích cho học thuật văn nghệ trình diễn của chúng ta.


      Nhớ Viễn Châu, người bạn mà Nguyễn Phương rất thương mến và kính phục.


      Cập nhật (04/11/2010)

      Nguyễn Phương

      (Nguồn: phatgiaobaclieu.com)

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Chân dung soạn giả Viễn Châu Nguyễn Phương Nhận định

    3. Bài viết về Âm Nhạc (Học Xá)

       

      Âm Nhạc

       

      Tình Ca Mùa Xuân

      Tình Ca Mùa Thu

      Thơ Phổ Nhạc

      Thơ Nhạc Giao Duyên

       
      Cùng Mục (Link)

      Cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Hoàng Trang (Đông Kha)

      Nghe lại 10 ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Hàn Châu thu âm trước 1975 (Đông Kha)

      Làm sao nói hết niềm riêng: Có những niềm riêng (Lê Tín Hương) (Lê Trung Ngân)

      Nhạc Nhái và Nhạc Chế (Song Thao)

      Đêm Sài Gòn Xưa (Huyền Chiêu)

      Ảo giác Trịnh Công Sơn (Lê Hữu)

      Nguyễn Đình Nghĩa - Bắt Đầu... Từ Một Đêm Trăng (Phan Nhật Nam)

      Theo Hoàng Thi Thơ, đi tìm lại đường xưa lối cũ (Cao Vị Khanh)

      Nhạc sĩ Vinh Sử kể tình đời qua những khúc bolero (Hoàng-Dung)

      Nhạc sĩ Hoài Nam và ca khúc “9 Tháng Quân Trường”: Gắn trên vai chiếc lon Chuẩn-úy… (Đông Kha)

       

      Các nhóm nhạc (Wikipedia):

       Myosotis, Tricéa, Tổng Hội Sinh Viên, Đồng Vọng

       

      Nhạc sĩ:

      Danh Mục Tác Giả: Cùng Chỉ Số (Link-2) Anh Bằng,  Anh Linh,  Anh Việt,  Anh Việt Thu,  Bảo Thu,  Canh Thân,  Châu Kỳ,  Châu Đình An,  Chung Quân,  Cung Tiến,  Dương Thiệu Tước,  Duy Khánh,  Duy Trác,  Dzoãn Mẫn,  Dzũng Chinh,  

       

      Trang nhà:

      Phạm Duy, Trường Sa

       

      Nhạc tuyển::

      Dòng nhạc gợi nhớ Taberd75.com

      Sài Gòn ơi! Vĩnh biệt Ngọc Lan

      Mùa thu Paris Thái Thanh

      Lòng Mẹ (Y Vân) Lê Tấn Quốc, Saxo

      Hận Đồ Bàn (Xuân Tiên) Chế Linh

       

      - Hình Ảnh Ca Nhạc Sĩ Sài Gòn trước 1975

      - Ảnh Nghệ Sĩ Sài Gòn Xưa

      - Bìa Các Bản Nhạc Xưa

      - Cổ Nhạc Miền Nam: I, II

       

  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)