|
Dê Húc Càn(1.10.1934 - 21.11.1987) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
“Hoa Bay Khắp Trời” là chủ đề một CD nhạc thiền do nhạc sĩ Trần Chí Phúc và nhà thơ Phan Tấn Hải cùng ra mắt tại hội trường VNCR, Westminster, chiều Thứ Bảy, 14 Tháng Mười Một vừa qua.
Buổi chiều chớm Ðông với không khí se se lạnh, dòng người đổ về thật đông, ngay cửa chính là một bàn ký tên lưu niệm và khách mời xếp hàng chờ đợi nhạc sĩ Trần Chí Phúc ký tặng trên dĩa CD “Hoa Bay Khắp Trời,” một tác phẩm gồm 10 thiền ca phổ từ thơ của nhà thơ Phan Tấn Hải, cũng là chủ bút nhật báo Việt Báo, Westminster.
Chương trình đặc biệt hơn, với sự hiện diện của một số vị dân cử gốc Việt trong vùng như Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn; Thị Trưởng Westminster Tạ Ðức Trí; Nghị Viên Garden Grove Phát Bùi; Hòa Thượng Thích Nguyên Trí, viện chủ chùa Bát Nhã; hai ni su Chơn Thiền và Chơn Diệu, thiền viện Sùng Nghiêm; nữ tài tử Kiều Chinh; kỹ sư Trương Ngãi Vinh, chủ tịch Cộng Ðồng Việt Nam Nam California; giới văn nghệ sĩ, những người yêu âm nhạc, bạn bè thân hữu và đồng bào Phật tử.
MC Mai Phi Long giới thiệu nhạc sĩ Trần Chí Phúc và nhà thơ, cư sĩ Nguyên Giác Phan Tấn Hải chào mừng mọi người.
Nhạc sĩ Trần Chí Phúc, trong lời tâm tình, cho biết cơ duyên đã đến trong mùa Phật Ðản 2015, khi đạo tràng nhân quả ở Orange County mời đến hát. Khi lên trang mạng, anh không tìm được bài thơ vừa ý để phổ nhạc, bèn nhờ nhà thơ Phan Tấn Hải giúp, anh bạn nói xin chờ một tiếng đồng hồ sẽ có.
Mười một giờ đêm, nhà thơ gởi cho bài thơ tựa đề “Dâng Hoa Cúng Phật” và anh ôm đàn dạo những nốt nhạc trên các dòng chữ của bài thơ.
Hôm sau, khi trình diễn ca khúc đầu tiên này, lòng cảm thấy vừa ý. Về nhà thu lại bằng máy ghi âm nhỏ và gởi ngay cho tác giả bài thơ và nhận được lời ngợi khen thích thú của thi sĩ.
Với niềm hứng khởi, nhạc sĩ Trần Chí Phúc nhờ nhà thơ Phan Tấn Hải tiếp tục làm thêm chín bài thơ nữa, sau đó anh phổ nhạc và hôm nay thực hiện thành CD 10 bài thiền ca với chủ đề “Hoa Bay Khắp Trời,” một món quà kỷ niệm thơ nhạc giữa hai người sau hơn 20 năm làm bạn báo chí và văn nghệ.
Vì muốn giữ lời thơ được nguyên vẹn, đôi khi câu nhạc không được tự nhiên. Lời thơ Phan Tấn Hải đượm mùi thiền và Phật pháp, phổ nhạc xong, gởi đi bài nào cũng được thi sĩ hoan hỉ đón nhận.
Mười bài thơ sau đó được nhà thơ Phan Tấn Hải dịch sang Anh ngữ để giới thiệu cho giới trẻ hải ngoại và tất cả được thu âm trong dĩa nhạc CD.
Hy vọng có một vài bài ca sẽ được trình diễn trong những buổi sinh hoạt văn nghệ tại các chùa, đó cũng là niềm mong ước của người làm thơ và người phổ nhạc muốn đóng góp vào dòng thơ nhạc Phật Giáo Việt Nam.
Thi sĩ Phan Tấn Hải cũng tâm sự rằng anh rất hạnh phúc được đón chào tác phẩm mới. Ðây là một cơ duyên rất hy hữu vì chưa bao giờ nghĩ rằng mình làm thơ mà lại được phổ nhạc như thế.
Nhạc phẩm mở màn cho đêm nhạc thiền ca là bài “Rồi Mẹ Như Sương” do nhạc sĩ Trần Chí Phúc hát, phụ họa cùng với tiếng guitar réo rắt của nhạc sĩ Ngọc Trọng. Lời bài hát tựa như hình ảnh người mẹ chợt ẩn hiện, thoắt xa vắng trong vòng tử sinh.
Nhà thơ Phan Tấn Hải cho biết bài thơ này có rất nhiều kỷ niệm, đối với người con, mẹ là thiêng liêng cao cả, ai cũng có người mẹ của mình. Dù mẹ đã mất đi nhưng vẫn còn hiện thân qua làn sương mờ, qua giọt nắng trưa, qua tầng mây huyền ảo. Nhiều khi nhìn ra ngoài mặt hồ, tự nhiên thấy nhớ mẹ, hoặc đôi khi nhìn qua màn sương, trong trí nhớ thấy mẹ của mình ngày xưa ngồi chép kinh Phật, hình ảnh ấy không bao giờ quên được, và thi sĩ đã nhìn thấy mẹ trong trang kinh, mẹ ghi lời Phật dạy qua sông.
Hòa Thượng Thích Nguyên Trí cho biết: “Phải công nhận rằng nhạc Phật Giáo hiện nay rất hiếm, khi có người viết lên những vần thơ mang âm hưởng Phật pháp, lại có người chuyển thể vào âm nhạc thì thật là tuyệt vời.”
“Xin mọi người hãy tiếp tay với các thi nhạc sĩ này để họ có điều kiện sáng tác và mong rằng nền âm nhạc Phật Giáo Việt Nam hải ngoại được bảo tồn và ngày càng khởi sắc hơn nữa qua những sáng tác như thế này,” hòa thượng chia sẻ thêm.
Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn nói thi ca, âm nhạc, sách Phật Giáo giúp cho mọi người sống bình an và hạnh phúc. Bà rất ngạc nhiên khi hai vị nhạc sĩ và thi sĩ này lại có những tác phẩm về thiền tuyệt vời như vậy. Bà cũng trao tặng bằng tưởng lục để vinh danh công trình âm nhạc đặc sắc này.
Kế đến, cư sĩ Tâm Diệu nói về nét thiền trong thơ của Nguyên Giác Phan Tấn Hải và nhạc của Trần Chí Phúc đã hòa quyện vào nhau trong tư tưởng của triết lý Phật Giáo. Mười bài thơ được phổ thành nhạc chính là mười bài pháp của Phật, cũng chính là mười bài pháp hành.
Người thi sĩ đã khéo biến những câu kinh kệ thành lời thơ êm ái, lại được âm nhạc làm chuyển tâm người, tràn đầy cảm xúc trước những đau khổ cuộc đời, trước những mong manh vô thường của cuộc sống.
Trong CD thiền ca “Hoa Bay Khắp Trời” mỗi bài đều có nét riêng, có chất thiền riêng, có tính thực dụng của nó, ý chính là tác giả muốn trùng tuyên lại lời Phật dạy, chúng sinh hãy cùng nhau dũng mãnh bước lên bè, tiến qua bên kia bờ sinh tử.
Bài “Hoa Bay Khắp Trời,” với tiếng hát cao vút của Nguyễn Cao Nam Trân, trong tiếng guitar phụ họa của hai nhạc sĩ Ngọc Trọng và Trần Chí Phúc làm cả hội trường im lặng thưởng thức. Hình ảnh hoa bay khắp trời, trong tiếng gió reo, cái thấy và nghe chính là như thế, ý của thi sĩ muốn nói cái được thấy chỉ là cái được thấy, cái được nghe chỉ là cái được nghe. Ðức Phật dạy rằng mọi cái đều nghe, thấy thật nó là như vậy, không cần phải khởi lên một niệm phân biệt xấu đẹp, lành dữ, hay dở,...
Phật dạy rằng ai có được tâm ấy thì sẽ xa lìa đau khổ, đạt đến cảnh giới niết bàn. Tiếng hát của Nam Trân đêm nay cho người nghe đạt đến trạng thái chân thật ấy.
Thơ của thi sĩ Nguyên Giác Phan Tấn Hải đầy thiền tính, thi tính, nhưng cũng nhiều thực dụng tính, dễ dàng đưa người nghe trở về chánh niệm, về với hơi thở trong giây phút hiện tại như trong bài “Lắng Nghe Hơi Thở.” Ðó là thiền pháp lạc trú bằng cách chuyển tâm từ, phát tâm rộng lớn nguyện cho chúng sinh an lành giải thoát, thiền quán niệm hơi thở và thiền trong giây phút hiện tại, toàn thân dịu dàng, mắt khép nhẹ nhàng, ngày qua không nghĩ tới, ngày sau chẳng bận tâm, lắng nghe, cảm nhận hơi thở là toàn thân. Mọi người đều có thể thực hành được ngay trong đời sống bận rộn, đó là tính thực dụng trong thiền tập.
Nhạc phẩm “Dâng Hoa Cúng Phật,” qua tiếng hát Ðặng Kim Loan, hoa nở ngát tâm Phật, xin hát dâng ngài.
Hương Thơ với bài “Quán Thế Âm Bồ Tát,” thành tâm cúng dường ngài đã hiện thân cứu giúp chúng sanh vượt qua bờ sinh tử.
“Mời Em Vào Cõi Bất Sinh,” qua tiếng hát Hồ Xuân Ðào, lời nhạc nhẹ nhàng chính là bài kinh, tất cả hình ảnh đều hư thực rồi qua đi.
MC Mai Phi Long trong bài “Niệm Phật,” lời nhẹ nhàng theo từng niệm rồi tan, tâm là Phật, tâm vô lượng dẫn người qua sông. Nhất tâm niệm Phật, khi thân tâm là một, Phật hiện sáng ngời.
Nhân dịp này, Thị Trưởng Tạ Ðức Trí cũng nói về những điểm chính yếu trong Phật pháp được thi sĩ Phan Tấn Hải và nhạc sĩ Trần Chí Phúc tóm gọn trong 10 bài thiền ca, xin tất cả mọi người đều hướng về một đêm hoa bay khắp trời. Ðể tỏ lòng ngưỡng mộ, ông thị trưởng đã trao tặng bằng tưởng lục vinh danh cho công trình thi nhạc thiền ca này.
Nữ tài tử Kiều Chinh chúc mừng đứa con tinh thần của cuộc kết hôn đẹp đẽ giữa thi sĩ Phan Tấn Hải và nhạc sĩ Trần Chí Phúc.
“Trong đời sống, chúng ta cần những giây phút thoải mái, xin cảm ơn hai thi sĩ và nhạc sĩ đã cống hiến những giây phút đó,” bà nói.
Nghị Viên Phát Bùi cũng chia sẻ: “Thiền tập rất tinh tế, chỉ có những người đã thực hành rồi mới cảm nhận được. Không chỉ thi sĩ đã cảm nhận được mà chắc hẳn nhạc sĩ cũng thiền tập sâu xa lắm mới chuyển thành nhạc hay như vậy.”
Nhiếp ảnh gia Ðoàn Công Cẩn, người chụp đóa hoa sen hàm tiếu, được Ðỗ Lộc dùng làm bìa cho CD và tập nhạc thật tuyệt vời, cũng có đôi lời phát biểu.
Hợp ca “Phật Giáo Việt Nam Lên Ðường” đã khép lại đêm nhạc thiền ca “Hoa Bay Khắp Trời,” với tâm nguyện giữ gìn đạo pháp và quê hương, đất nước từ Trường Sơn tới Biển Ðông được mãi mãi trường tồn.
Một đêm nhạc chỉ với hai cây guitar thùng và dàn âm thanh của Tuyền Soundman, đã làm nên một đêm nhạc Phật Giáo thật tuyệt vời trong lần đầu tiên xuất hiện tại Little Saigon.
Tất cả CD đều được tặng miễn phí trong đêm nhạc, mọi chi tiết xin liên lạc nhạc sĩ Trần Chí Phúc qua địa chỉ email: chiphuctran@yahoo.com
- Tiễn biệt GS Nguyễn Xuân Vinh, một đời khoa học cống hiến cho nhân loại Văn Lan Tường thuật
- Một nhạc sĩ, một nhà thơ, cùng ra mắt CD 'Hoa Bay Khắp Trời' Văn Lan Giới thiệu
• Làm sao nói hết niềm riêng: Có những niềm riêng (Lê Tín Hương) (Lê Trung Ngân)
• Nhạc Nhái và Nhạc Chế (Song Thao)
• Đêm Sài Gòn Xưa (Huyền Chiêu)
• Ảo giác Trịnh Công Sơn (Lê Hữu)
• Nguyễn Đình Nghĩa - Bắt Đầu... Từ Một Đêm Trăng (Phan Nhật Nam)
• Theo Hoàng Thi Thơ, đi tìm lại đường xưa lối cũ (Cao Vị Khanh)
• Nhạc sĩ Vinh Sử kể tình đời qua những khúc bolero (Hoàng-Dung)
• Nhạc sĩ Hoài Nam và ca khúc “9 Tháng Quân Trường”: Gắn trên vai chiếc lon Chuẩn-úy… (Đông Kha)
• Nhạc vàng boléro, sến hay không sến? (Lê Hữu)
• Tô Vũ: Em đến thăm anh một chiều mưa (Hà Đình Nguyên)
Các nhóm nhạc (Wikipedia):
Myosotis, Tricéa, Tổng Hội Sinh Viên, Đồng Vọng
Nhạc sĩ:
Trang nhà:
Nhạc tuyển::
Dòng nhạc gợi nhớ Taberd75.com
Sài Gòn ơi! Vĩnh biệt Ngọc Lan
Mùa thu Paris Thái Thanh
Lòng Mẹ (Y Vân) Lê Tấn Quốc, Saxo
Hận Đồ Bàn (Xuân Tiên) Chế Linh
- Hình Ảnh Ca Nhạc Sĩ Sài Gòn trước 1975
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |