|
Nhật Ngân(24.11.1942 - 21.1.2012) | Phan Nhự Thức(4.2.1942 - 21.1.1996) | Trương Đình Quế(.0.1939 - 21.1.2016) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước
Tóm lược: Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước sáng tác bài hát "Tiếng Xưa" vào thời tiền chiến trong giai đoạn cải cách âm nhạc, sau này dẫn đến tân nhạc. Bài hát ghi nhận những cảm xúc về quá khứ của người trong cảnh khi nhìn cảnh hoàng hôn mùa thu. Những cảm xúc đó được diễn tả nhẹ nhàng qua tiết tấu thay đổi một cách hữu hiệu về những mối tình lãng mạn và tình bạn trong sạch dựa vào mối liên hệ âm nhạc. Bằng cách dùng kỹ thuật tinh vi phối hợp tả cảnh và tả tình cộng với cách dùng chữ chọn lọc, Dương Thiệu Tước bộc lộ tính chất lãng mạn kín đáo và tình cảm thanh tao của người Việt.
Bài hát "Tiếng Xưa" là một bản nhạc tiền chiến viết bởi Dương Thiệu Tước. Theo một số tài liệu, bài "Tiếng Xưa" được Dương Thiệu Tước viết vào năm 1940 (Xem, thí dụ như, Du 2012, chú thích (3)). Trong tờ nhạc in tại Sài Gòn, ngày xin giấy phép là 5-10-1962 (Nhạc Việt trước 75). Vì bài "Tiếng Xưa" được biết đến từ lâu trước chiến tranh, ta phải hiểu ngày xin giấy phép để in tại Sài Gòn năm 1962 chỉ là việc in lại bài hát, và không phải là năm bài hát được sáng tác.
Bài hát "Tiếng Xưa" tượng trưng cho giòng nhạc tình thời bấy giờ, thường lấy chủ đề tình cảm qua cảnh tượng. Có ý kiến cho rằng bài hát được viết cho miền Nam vì âm hưởng có phảng phất dân ca Nam bộ (Xem, thí dụ như, Thy 2005). Cố ca sĩ Quỳnh Giao nói, "Dương Thiệu Tước cũng là tác giả của nhiều ca khúc vẫn đậm nét Á Ðông, trên giai điệu ngũ cung: đó là 'Ðêm Tàn Bến Ngự' vô cùng Huế, hay 'Tiếng Xưa', hết sức Nam kỳ. Nói 'Tiếng Xưa' là giai điệu miền Nam thì nhiều người hoài nghi, nhưng xin nghe lại mà xem." (Quỳnh 2007). Tưởng tượng bài hát lấy bối cảnh sông Cửu Long, Quỳnh Giao nói, "Ông cũng viết bài Tiếng Xưa là ca khúc đã hòa chung nhiều hình tượng cổ điển của Ðường thi trong làn điệu của cổ nhạc miền Nam! Hãy nghe “cung đàn nhỏ lệ Tầm Dương và phím loan vương tình” trên sóng nước Cửu Long" (Quỳnh 2008). Phạm Duy nói, "Khi nhạc dân ca được coi như phản ảnh đúng tâm hồn của dân tộc, Dương Thiệu Tước quay hẳn về nhạc ngũ cung để cống hiến cho ta những bài hát bất hủ như Tiếng Xưa, Ðêm Tàn Bến Ngự..." (Phạm Duy). Cái móc nối giữa "Tiếng Xưa" với âm hưởng miền Nam là cách dùng âm giai ngũ cung (Ré Mi Sol La Si), thay vì thất cung của Tây Phương, của nhạc cải lương vọng cổ.
Tôi nghĩ cái móc nối đó khá lỏng lẻo, và nếu có chặt chẽ thì cũng do sự tình cờ chứ không phải cố ý, vì thực ra âm giai ngũ cung không là đặc tính cá biệt của dân ca miền Nam, mà còn cho cả ba miền Nam Trung Bắc (Xem, thí dụ như, Giòng Bắc Việt) và dân ca nhiều quốc gia khác. Dương Thiệu Tước viết bài này vào năm 1940 khi ông chưa đặt chân vào miền Nam. Do đó, khó mà tưởng tượng ông có thể chịu ảnh hưởng của nhạc miền Nam lúc bấy giờ. Hơn nữa, lúc bấy giờ nền âm nhạc của cả nước mới bước qua giai đoạn chuẩn bị cho tân nhạc, nên khó mà có những đặc điểm cho mỗi miền (Trần 2004). Tuy nhiên, như sẽ được phân tích sau, "Tiếng Xưa" thực ra nói lên tâm hồn của toàn thể dân Việt, không nhất thiết ở miền nào. Đó là tâm hồn lãng mạn nhưng kín đáo thanh tao, căn bản cho dân ca cả ba miền.
Sau đây là tiểu sử vắn tắt của tác giả.
Dương Thiệu Tước (1915–1995) là một nhạc sĩ tiền chiến nổi tiếng và được coi là một trong những nhạc sĩ tiền phong của tân nhạc Việt Nam (Wikiepedia 2014a). Ông sinh ngày 15 tháng 5 năm 1915, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Xuất thân trong gia đình Nho học truyền thống, ông là cháu nội cụ nghè Vân Đình Dương Khuê, nguyên Đốc học Nam Định (sđd.)
Thuở nhỏ ông học ở Hà Nội, trong thập niên 1930 ông gia nhập nhóm nghệ sĩ tài tử Myosotis (Hoa lưu ly) gồm Thẩm Oánh, Lê Yên, Vũ Khánh. Dương Thiệu Tước cũng là người có sáng kiến soạn nhạc "bài Tây theo điệu ta." Những nhạc phẩm đầu tay của ông thường được viết bằng tiếng Pháp. Mặc dù theo học nhạc Tây, nhưng nhạc của ông vẫn thắm đượm hồn dân tộc (sđd.)
Ông vào miền Nam sinh sống từ năm 1954. Tại Sài Gòn ông làm chủ sự phòng văn nghệ tại Đài phát thanh Sài Gòn đồng thời được mời làm giáo sư dạy lục huyền cầm/Tây Ban Cầm tại trường Quốc Gia Âm Nhạc (sđd.)
Vợ đầu của ông là bà Lương Thị Thuần, hiện con cái đang sống tại Đức và Hoa Kỳ. Vợ sau của ông là Minh Trang, một ca sĩ nổi tiếng trong thập niên 1950, có con riêng là ca sĩ Quỳnh Giao (1946-2014). Đầu thập niên 1980 ông về chung sống với bà Nguyễn Thị Nga tại quận Bình Thạnh và được bà chăm lo cho tuổi về chiều. Ông mất ngày 1 tháng 8 năm 1995 tại Sài Gòn (sđd.)
Nguyên văn lời bài hát như sau (Nhạc Việt trước 75).
Hoàng hôn lá reo bên thềm
Hoàng hôn tơi bời lá thu
Ѕương mờ ngậm ngùi xuân xanh
Bâng khuâng phím loan νương tình
Đâu bóng trăng xưa mơ khúc nghê thường
Phai tàn một thời liệt oanh, xa đưa gió mâу lạnh lùng
Chiều thu nhớ nhung νì đâu
Thắm đôi giòng châu, tiếc thaу tại sao đành lỡ làng
Man mác khói hương baу dịu dàng
Như tóc mâу νương, dáng liễu mơ màng
Cung đàn nhỏ lệ Tầm Dương
Ai đó tri âm biết cùng.
Hoàng hôn gió sương lạnh lùng
Hoàng hôn bao niềm nhớ nhung
Thiết tha đàn rung tiếng tơ
Vấn νương trôi theo mâу mờ
Đâu khúc cô liêu, duуên dáng tiêu điều
Dư âm chiều theo giòng châu, tràn lan vấn νương mạch sầu.
Đàn ơi thiết tha νì đâu,
Tiếng xưa trầm ngâm, lắng rung đường tơ bao mơ màng
Lưu luуến hương thu thêm dịu dàng
Ai có haу chăng, saу khúc ưu tư,
Gió sương chiều thu buồn mơ
Ai đó tri âm hững hờ.
Trong bài này, tôi sẽ trình bày nhận xét về nội dung và hình thức của "Tiếng Xưa." Ngoài ra, như trong các bài viết về âm nhạc trước, tôi sẽ chú trọng thảo luận chi tiết về các khía cạnh văn chương của lời nhạc. Tôi cũng sẽ đề cập chút ít về các yếu tố căn bản của âm nhạc và đặc biệt, tiết tấu, vì khía cạnh này liên hệ đến bài "Tiếng Xưa." Tôi dùng "khán giả" để chỉ người nghe, người đọc, và người xem.
Trong các bài trước, tôi có nhắc đến ba yếu tố của một bài hát: giai điệu (melody), tiết tấu hay nhịp (rhythm), và hòa âm (harmony). Còn có nhiều yếu tố khác nữa, nhưng ba yếu tố này quan trọng nhất. Một bài tóm tắt mọi khía cạnh của âm nhạc là một bài giảng của trường Western Michigan University (Western Michigan).
Giai điệu là một chuỗi các âm thanh có cao độ khác nhau (pitches), được ghi bằng các nốt nhạc. Khi bạn ngâm nga một bản nhạc, bạn đang ngâm nga giai điệu. Đó là phần dễ nhận ra trong một bản nhạc. Tiết tấu hay nhịp là yếu tố về thời gian trong âm nhạc, là kết quả của việc kết hợp các nốt nhạc hoặc âm độ với độ dài khác nhau (ngắn, trung bình, dài). Tiết tấu gồm cà độ dài và phần lặng, hoặc nghỉ, khi không có âm thanh, và cho giai điệu nét sống động, linh hồn. Hòa âm là sự phối hợp của các hỗ trợ cho giai điệu. Các hỗ trợ này có thể đến từ cùng một nhạc cụ (thí dụ piano) hoặc nhiều nhạc cụ (piano, trống, đàn, kèn). Hòa âm là phần trình diễn bài hát và được thực hiện bởi nhạc sĩ chuyên về hòa âm.
Cả ba phần này đều quan trọng cho một bài hát, nhưng tối thiểu là phải có giai điệu và tiết tấu. Người ta thường tranh cãi về việc giữa giai điệu và tiết tấu cái nào quan trọng hơn. Tôi sẽ không đi sâu thêm về vấn đề này vì ý kiến thường chủ quan. Theo tôi, tùy từng bài hát, mỗi phần đóng vai trò quan trọng khác nhau và không thể có một quy định tổng quát cho mọi ca khúc. Tuy nhiên, trong bài này, tôi sẽ chú trọng về tiết tấu, vì đó là điểm nổi bật của bài hát "Tiếng Xưa."
Có người cho rằng "không có tiết tấu người ta không có ý niệm về khuôn mẫu, và âm nhạc chỉ nghe như là những tiếng động vô nghĩa không có hòa nhập" (LaCombe). Barry Harris, một nhạc sĩ piano Mỹ nổi tiếng về jazz, từng nói, "Tiết tấu ngự trị tất cả" ("Rhythm rules the world") (Harris 2013). Theo tôi, nếu phải coi một bài hát như một bài viết, thì giai điệu giống như các từ ngữ trong các đoạn văn, và tiết tấu như các dấu chấm câu. Một bài viết không có dấu chấm câu hoặc dấu chấm câu sai thì khó hiểu và lủng củng. Ngược lại một bài viết mà chỉ có dấu chấm câu trong khi từ ngữ sai trệch cũng không hay ho gì. Trong "Tiếng Xưa," giai điệu nhẹ nhàng và êm ái, thích hợp với thể loại tình cảm; nhưng chính tiết tấu là khía cạnh đặc sắc của bài hát.
Bài hát "Tiếng Xưa" không kể một câu chuyện mạch lạc với nhân vật và tình tiết rõ ràng minh bạch. Bài hát là lời ghi nhận những cảm xúc qua cảnh tượng. Cảnh tượng đó là một buổi chiều thu có lá vàng rơi. Những cảm xúc gồm có tiếc nuối quá khứ, dang dở, và người bạn tri kỷ nào đó. Ta không rõ cảm xúc đó của ai. Có thể thuộc về tác giả, có thể thuộc về một nhân vật tưởng tượng nào đó, có thể thuộc về nhiều nhân vật tưởng tượng, hoặc có thể phối hợp của tất cả. Vì không biết rõ, tôi dùng "nhân vật trong cảnh" (NVTC) để chỉ người có cảm xúc diễn tả trong bài hát.
1. NVTC hồi tưởng ba mối tình khác nhau từ cùng một cảnh hoàng hôn với tiết tấu linh động:
Tác giả mở đầu bằng giới thiệu khung cảnh buổi hoàng hôn với lá rơi đầy mặt đất ("Hoàng hôn lá reo bên thềm/ Hoàng hôn tơi bời lá thu.") Ta thấy ngay cái tiết tấu tài tình mà Dương Thiệu Tước tạo dựng cho cảnh tượng hoàng hôn mùa thu. Dương Thiệu Tước dùng tiết tấu một cách điêu luyện và biểu lộ tài năng xuất chúng trong âm nhạc. Ông không thay đổi tiết tấu một cách ngẫu nhiên bừa bãi, hoặc chỉ để tạo ra một tác dụng nào đó. Ông làm với một mục đích rõ rệt để tạo ra một tác dụng rõ rệt. Trường độ và dấu nghỉ kéo dài "Hoàng hôn" cho khán giả có ấn tượng lâu dài và đem lại hình ảnh lê thê của một buổi chiều thu. Cái lê thê không những có tác dụng trên không gian mà còn kéo theo thời gian khi khán giả được đưa về thời quá khứ của NVTC. Tiết tấu đó được duy trì cho cả toàn bài hát, giúp cho khán gỉả có cảm xúc êm ái và chan hòa với các hình ảnh quá khứ.
Một cách độc đáo, ông dùng trường độ cho hình ảnh tổng quát, và trở lại nhịp điệu bình thường cho những chi tiết đặc thù. Tác dụng là hình ảnh tổng quát, vì có tính chất bao trùm, được duy trì trong óc khán giả lâu hơn, và những chi tiết đặc thù, vì có tính chất hạn hẹp, làm nổi bật các khía cạnh đặc sắc của cái hình ảnh tổng quát đó. Thí dụ, bạn nói, "Chúng nó chỉ là một lũ côn đồ. Chúng giết người, cướp của, hãm hiếp phụ nữ, tra tấn tù nhân, bắt trẻ em phục dịch, phá hoại tài sản dân." Nếu bạn nói với giọng đều đều bình thường cho cả câu, người nghe có thể không có ấn tượng nhiều lắm. Nhưng nếu bạn nói chậm rãi câu "Chúng nó chỉ là một lũ côn đồ" (hình ảnh tổng quát), rồi nói nhanh hơn, "Chúng giết người, cướp của, hãm hiếp phụ nữ, tra tấn tù nhân, bắt trẻ em phục dịch, phá hoại tài sản dân" (những chi tiết đặc thù), thì người nghe sẽ có ấn tượng mạnh hơn.
Dương Thiệu Tước hiểu rõ cái tác dụng đó hơn ai hết thẩy. Ông kéo dài "Hoàng hôn," để cho cái khung cảnh đó có thì giờ thiết lập trong óc khán gỉả. Sau đó, ông trở lại nhịp điệu bình thường, "lá reo bên thềm." Ông tiếp tục với câu tiếp, cũng vẫn kéo dài "Hoàng hôn," và trở lại "tơi bời lá thu." Chỉ với hai câu mở đầu, ông tạo ra hình ảnh linh động và khiến khán giả duy trì cái hình ảnh đó trong suốt bài hát. Ta thấy ông tiếp tục dùng kỹ thuật đó trong các câu sau.
Trời về chiều, sương mờ phủ khắp nơi khiến NVTC nao nao nhớ lại thời xa xưa lúc còn trẻ trung, bên cây đàn vấn vương mối tình nào đó ("Ѕương mờ ngậm ngùi xuân xanh/ Bâng khuâng phím loan νương tình.") Một lần nữa, tiết tấu của hai câu này có tác dụng lâu dài trên khán giả. "Sương mờ" và "bâng khuâng" được kéo dài và có khoảng lặng, giúp cho hình ảnh sương mù và cảm xúc bâng khuâng lưu giữ trong trí óc khán giả như nền của một bức tranh trên đó những diễn tả khác được biểu hiện.
Tuy tác giả không nói rõ, câu "ngậm ngùi xuân xanh" cho thấy có khoảng cách thời gian xa giữa hiện tại và quá khứ khi NVTC còn trẻ (xuân xanh). "Phím loan" ám chỉ nhạc cụ. Đó là những miếng trên đàn để tạo âm thanh cao thấp, gắn vào nhau qua chất keo làm từ con chim loan. Chim loan là con mái của chim phượng. Thời xưa khi làm đàn, người ta dùng keo lấy từ nấu xương cốt chim loan thành cao (có giải thích lấy máu chim loan). "Phím loan" được nhắc đến trong các tác phẩm văn học Việt Nam:
Sắt cầm gượng gảy ngón đàn,
Dây uyên kinh đứt, phím loan ngại chùng.
(Chinh Phụ Ngâm - dịch từ Đoàn Thị Điểm, câu 207)
Buồng văn hơi giá như đồng,
Trúc se ngọn thỏ, tơ chùng phím loan.
(Truyện Kiều - Nguyễn Du, câu 254)
Ngoài ra, keo loan dùng cho đàn cũng được nhắc đến qua các điển tích Tàu (Xem, thí dụ như, Sóng Việt Đàm Giang). "Phím loan vương tình" hàm ý mối tình thời trẻ đó có dính líu đến đàn ca, âm nhạc. Bằng cách tuyên bố "phím loan vương tình" ngay trong đoạn mở đầu, tác giả chuẩn bị khán giả biết mối liên hệ giữa NVTC và các, hoặc một, người tình trong quá khứ là qua âm nhạc.
NVTC nhớ đến quá khứ, lúc dưới ánh trăng, mơ thấy điệu vũ nghê thường. Nhưng nay, gió mưa đã đưa thời oanh liệt tàn phai đó về thời xa xưa ("Đâu bóng trăng xưa, mơ khúc nghê thường/ Phai tàn một thời liệt oanh, xa đưa gió mâу lạnh lùng.") Hai câu này có vài từ ngữ cần phải hiểu rõ để hiểu ý tưởng của cả hai câu.
"Khúc nghê thường" là một Đại vũ khúc có từ thời nhà Đường bên Tàu. Theo tích này, Hoàng đế Đường Huyền Tông (Emperor Xuanzong), hoặc Đường Minh Hoàng, soạn nhạc khúc nghê thường từ năm 718 - 720 dựa vào nhạc khúc từ Tây Vực (Ấn Độ), và thường ca hát nhảy múa với Dương Quý Phi (Yang Guifei, Yang Yuhuan, Guifei = Quý Phi) (Xem, thí dụ như, Cultural China), một trong bốn người đàn bà đẹp nhất bên Tàu (Tây Thi, Điêu Thuyền, Vương Chiêu Quân, Dương Quý Phi). Đại vũ khúc là tổng hợp của lời ca, tiếng nhạc, và vũ điệu trình diễn bởi các vũ công mặc trang phục có màu sắc sặc sỡ như cầu vòng (nghê thường) và bằng lông chim (vũ y).
"Một thời liệt oanh" là nhóm chữ có tác dụng mạnh mặc dù ý nghĩa không rõ rệt. Tác giả không nói rõ "liệt oanh" có nghĩa gì. Liệt oanh hàm ý một cái gì oai hùng, tiếng tăm lừng lẫy, vẻ vang, có những thành quả bất thường. Bài hát đang nói về những tình cảm lãng mạn trai gái hoặc đôi bạn tri kỷ, thì có gì liệt oanh trong đó? Có thể nào tác giả dùng chữ sai hoặc gượng ép để cho thuận vần điệu? Hẳn nhiên là không. Một bằng cớ là "liệt oanh" thực ra là đảo ngược của "oanh liệt." Do đó, rõ ràng là tác giả muốn dùng ý nghĩa của "oanh liệt" nhưng vì đọc không thuận nên phải đảo ngược lại.
Một diễn giải cho rằng ý nghĩa rõ rệt của liệt oanh không quan trọng (Phạm 2012). Điều quan trọng là tác giả muốn nhắc đến một quãng thời gian mà ai cũng đều hãnh diện trong quá khứ lúc còn trẻ trung, và quãng thời gian đó đã tàn phai, không còn nữa. Liệt oanh đây có thể chỉ đơn thuần nói về tuổi trẻ với những hoài bão, tham vọng, ý chí mãnh liệt, đầy lý tưởng, năng lực tràn trề. NVTC tiếc nuối thời vàng son đó, đã đi xa xưa theo gió, như mọi ai tiếc nuối thời gian tuổi trẻ trôi qua.
Một diễn giải khác, dựa vào câu gợi ý trước "mơ khúc nghê thường," nhắc đến Đường Huyền Tông. Ta biết Đường Huyền Tông mê say sắc đẹp của Dương Quý Phi, từng là phi tần của con mình, dàn xếp cho bà là sãi và sau đó tấn phong bà là Quý Phi, một chức vị cao nhất trong các phi tần bấy giờ (Wikipedia 2014b). Dương Quý Phi không những đẹp mà còn có tài âm nhạc nên càng được Đường Huyền Tông sủng ái, suốt ngày yến tiệc ca nhạc, bỏ bê triều chính. Sau này, loạn nổi lên. Đường Huyền Tông và Dương Quý Phi cùng đoàn tùy tùng phải rời bỏ kinh thành trốn chạy. Cuối cùng, để thỏa mãn đòi hỏi của tướng sĩ, Đường Huyền Tông đành phải để Dương Quý Phi thắt cổ chết (sđd.). Đường Huyền Tông quả thật đã có một thời "liệt oanh" mà phải tàn phai vì nhan sắc của đàn bà.
Theo tôi nghĩ, diễn giải thứ hai hợp lý hơn. Dương Thiệu Tước, theo tiểu sử, là người thuộc giòng họ khoa bảng và có vẻ thành thạo văn chương lịch sử. Ngoài ra, ngay trong bài "Tiếng Xưa," ông dùng nhiều điển tích Tàu như lệ Tầm Dương, tri âm, và phím loan. Đặc biệt, câu "mơ khúc nghê thường" đi ngay trước câu "phai tàn một thời liệt oanh," cho thấy mối liên hệ mật thiết giữa hai câu này, rõ ràng ám chỉ Đường Huyền Tông và Dương Quý Phi. Cuộc đời Đường Huyền Tông rõ rệt cho thấy "tàn một thời liệt oanh." Bằng cách gợi ý "khúc nghê thường" và "tàn một thời liệt oanh," tác giả hàm ý NVTC đã phải bị thân bại danh liệt, hoặc nhận những hậu quả tai hại cho công danh, sự nghiệp, cuộc sống riêng tư, vì một người đàn bà. Dựa vào ví von với chuyện tình giữa Đường Huyền Tông và Dương Quý Phi, mối tình đó hẳn nhiên là sôi động, mãnh liệt. Tuy nhiên, tác giả không lộ liễu nói ra mối tình sôi động đó, mà kín đáo hóa trang qua vũ khúc nghê thường và nỗi tiếc nuối cho một thời liệt oanh. Tác giả còn tài tình giàn dựng "bóng trăng xưa" và "gió mâу lạnh lùng" để làm giảm bới tính chất nóng bỏng, sôi động, và có thể hoang tàn của cuộc tình đó.
Thế rồi, đang từ cảm xúc mãnh liệt tiếc nuối thời liệt oanh, NVTC không hiểu tại sao nổi lên nỗi nhớ nhung trong buổi chiều thu, và rơi nước mắt tiếc nuối cho chuyện tình dang dở, lỡ làng trong quá khứ ("Chiều thu nhớ nhung νì đâu, thắm đôi giòng châu/ Tiếc thaу tại sao đành lỡ làng.") Ta thấy tác dụng của tiết tấu chậm chạp kéo dài của "Chiều thu" như đã thảo luận ở trên. Ngoài ra, nhịp điệu nhanh hơn trong "(giòng) châu tiếc thay tại (sao)" tạo nên một cảm giác sôi động, cho thêm một thứ nguyên (dimension) cho mối cảm xúc.
Chữ "đành" cho thấy chuyện lỡ làng đó là một chuyện bất đắc dĩ lúc ấy. Nhưng câu hỏi "tại sao" hơi có chút lạ lùng. Tuy "đành" hàm ý miễn cưỡng, nó không hàm ý không có lý do. Bạn có thể miễn cưỡng làm chuyện gì, nhưng bạn hiểu cái lý do. Do đó, ta phải hiểu câu hỏi "tại sao" là một câu hỏi tu từ (rhetorical question), vì người hỏi biết câu trả lời, và đó là lý do người hỏi thấy hối tiếc. Người hỏi tự nhận sự yếu đuối của mình trong quá khứ đã để chuyện lỡ làng đó xảy ra. Dương Thiệu Tước là người cẩn thận trong việc dùng chữ. Ông không dùng chữ "đành" rồi hỏi "tại sao" chỉ vì muốn cho thuận giai điệu hoặc vần thơ.
Một điểm quan trọng trong câu này là nội dung dường như không phù hợp với "phai tàn một thời liệt oanh" ở trên. Câu "phai tàn một thời liệt oanh" ngụ ý chuyện tình với người đàn bà xảy ra tốt đẹp, chỉ có vấn đề là vì chuyện đó mà NVTC bị tiêu tan sự nghiệp hoặc bị tai tiếng. Ngược lại, câu "Tiếc thaу tại sao đành lỡ làng" ngụ ý chuyện tình bị dang dở hoặc không thành công. Ở đây, ta hãy ghi nhận sự khác biệt này và sẽ trở lại vấn đề này trong phần sau.
Trong cảnh chiều tà, khói hương tỏa ra bay dịu dàng uyển chuyển, như làn tóc mây và dáng dấp liễu yếu người con gái mơ màng nào đó ("Man mác khói hương baу dịu dàng/ Như tóc mâу νương, dáng liễu mơ màng.") Ta không rõ "khói hương" từ đâu mà ra, nhưng rõ rệt đó là khói từ hương nhang đốt, có thể từ một chùa hoặc đình gần đó. Ví von khói hương bay dịu dàng như tóc hoặc dáng người con gái phản ảnh một trí tưởng tượng phong phú, và chuyện đó phù hợp với các ví von hoặc tưởng tượng các hình ảnh khác trong bài.
Từ đâu đó có tiếng đàn buồn. Có thể NVTC đang gẩy đàn, hoặc nghe âm thanh nào văng vẳng, hoặc chỉ thuần túy hồi tưởng lại quá khứ, hoặc chỉ hoàn toàn tưởng tượng. Tiếng đàn réo rắt não nuột như tiếng khóc cho người bạn tri kỷ ngày nào ("Cung đàn nhỏ lệ Tầm Dương/ Ai đó tri âm biết cùng.") Trong câu này, tác giả dùng sự tích từ hai câu chuyện: Tỳ bà hành ("Tầm Dương") và Bá Nha - Tử Kỳ ("tri âm") để chỉ cuộc gặp gỡ tình cờ với một người sau này thành tri kỷ. Ta nên tìm hiểu ý nghĩa của hai nhóm chữ này.
Tầm Dương là khúc sông Trường Giang chảy qua tỉnh Giang Tây, thị trấn Cửu Giang bên Tàu. Tầm Dương nói về câu chuyện trong tác phẩm "Tỳ Bà Hành" của Bạch Cư Dị (772-846), một thi sĩ nổi tiếng thời nhà Đường (Bạch Cư Dị). Trong bài "Tỳ Bà Hành," Bạch Cư Dị kể, "Đêm ra tiễn khách bên bến sông Bồn, chợt nghe thuyền ai có tiếng đàn Tỳ bà vọng lại. Nghe trong tiếng đàn thánh thót, âm vang điệu nhạc ở kinh đô. Bèn hỏi gốc gác. Người đàn bà trả lời rằng: Tôi vốn là con hát, quê ở Trường An, học đàn Tỳ Bà với hai danh sư Mục và Tào. Nay tuổi đã cao, nhan sắc tàn tạ, lấy chồng làm con buôn, thường theo thuyền buôn đi đây đi đó. Nghe vậy, cho dọn rượu ra đãi, xin nàng đàn lại cho nghe. Đàn xong cảm xúc vô vàn, nàng bèn kể lại cuộc đời mình từ lúc còn trẻ, vui sướng, cho tới lúc lưu lạc giang hồ khổ nhọc. Ta về đây làm quan đã được hai năm thanh thản yên ổn. Hôm nay nghe nàng nầy nói chuyện, cảm thương cho số phận lưu đầy! Bèn làm một bài thơ dài tặng nàng ta, gồm 616 lời, gọi là Tỳ Bà Hành" (sđd.) "Nhỏ lệ Tầm Dương," do đó hàm ý nỗi cảm xúc của một người khi nghe câu chuyện bi đát của một người tài hoa trong âm nhạc.
"Tri âm" nghĩa đen là "hiểu biết âm nhạc" do từ tình bạn giữa Bá Nha và Chung Tử Kỳ. Đời Xuân Thu, Bá Nha, một người giỏi đàn, có người bạn là Chung Tử Kỳ, một người giỏi nghe đàn. Cả hai đều nổi tiếng trong lãnh vực họ, và Bá Nha thường gẩy đàn cho Tử Kỳ nghe. Tử Kỳ hiểu được tâm hồn bạn trong tiếng đàn, khi Bá Nha gẩy đàn. Sau Tử Kỳ chết, Bá Nha đứt dây đàn, đập đàn, và than rằng: "Trong thiên hạ không còn ai là tri âm nữa." Do đó, "tri âm" dùng để chỉ bạn thân, tri kỷ, hoặc bạn tình. Câu "ai đó tri âm biết cùng" có ý nói rằng người bạn tri âm đó hiểu được nỗi niềm NVTC.
Hai câu này có nội dung khác với hai mối tình trên. "Nhỏ lệ Tầm Dương" hàm ý nỗi tiếc thương cho một người tài hoa về âm nhạc mà đã hết thời. "Tri âm" hàm ý người bạn tri kỷ. NVTC đang nhớ lại một mối tình khác, cao quý và thanh tao hơn hai mối tình trước. Đó là tình bạn, kính trọng lẫn nhau qua tài năng âm nhạc, gẩy đàn. Mối tình dành cho người bạn tri âm này có thể là một mối tình câm hoặc thầm kín. Ta thấy tác giả gợi ý đó qua câu tả người con gái ("tóc mâу," "dáng liễu") và sau đó hỏi vu vơ ("ai đó tri âm biết cùng.") Không ai tả người bạn bằng những lời lẽ tình tứ như vậy.
Tác giả sau đó lập lại các phiên khúc với cùng ý tưởng, nhưng có nhấn mạnh rõ rệt hơn về tiếng đàn. Tôi sẽ không đi sâu thêm vào chi tiết của khúc đoạn này, vì nó tương tự như khúc đoạn trên, về khía cạnh tiết tấu.
Trong khúc đoạn sau, cảnh tượng vẫn là buổi chiều tà với sương mù bao phủ và gió lạnh, đem lại nỗi nhớ nhung da diết ("Hoàng hôn gió sương lạnh lùng/ Hoàng hôn bao niềm nhớ nhung.") Tiếng đàn thiết tha vương vấn bay theo mây mờ ("Thiết tha đàn rung tiếng tơ/ Vấn νương trôi theo mâу mờ.") Khúc nhạc nghe buồn bã cô đơn, tuy duyên dáng nhưng nghe thảm não. Giọt nước mắt tuôn ra ràn rụa theo cơn buồn bủa vây khắp nơi ("Đâu khúc cô liêu, duуên dáng tiêu điều/ Dư âm chiều theo giòng châu, tràn laan vấn νương mạch sầu.") NVTC nhớ đến tiếng đàn thiết tha, thả hồn mơ mộng theo âm giai trong quá khứ ("Đàn ơi thiết tha νì đâu/ Tiếng xưa trầm ngâm, lắng rung đường tơ bao mơ màng.") Một lần nữa, mùi hương thơm dịu dàng làm quyến luyến NVTC, và NVTC tự hỏi người bạn cũ năm nào có biết chăng mình đang say sưa trong khúc nhạc ưu tư ("Lưu luуến hương thu thêm dịu dàng/ Ai có haу chăng, saу khúc ưu tư.") Gió thổi sương mù buổi chiều thu, người bạn tri kỷ ngày xưa vẫn hững hờ ("Gió sương chiều thu buồn mơ/ Ai đó tri âm hững hờ.")
Đến đây, ta có thể có cái nhìn tổng kết những hình ảnh và cảm xúc mà Dương Thiệu Tước diễn tả qua khung cảnh một buổi chiều thu thơ mộng. Ta thấy tác giả đang nói về ít nhất ba mối tình khác nhau: mối tình sôi động mãnh liệt đến độ phải tan một thời liệt oanh, mối tình dang dở đem lại buồn thương khóc lóc, và tình yêu thầm kín qua tình bạn trong sạch và lòng kính trọng tài năng âm nhạc.
Ta có thể có nhiều diễn giải cho ba mối tình đó. Thứ nhất, ba mối tình đó xảy ra giữa NVTC và ba người đàn bà khác nhau (trong ba thời gian khác nhau). Thứ nhì, ba mối tình đó là của ba cặp khác nhau, và NVTC chỉ tượng trưng cho cả ba người. Thứ ba, ba mối tình đó là giữa NVTC và một người đàn bà trong ba giai đoạn khác nhau.
Cách diễn giải nào thích hợp nhất?
Theo tôi nghĩ, cả ba cách diễn giải đều thích hợp. Rất có thể Dương Thiệu Tước cố tình tạo ra sự mơ hồ, không rõ rệt, để khán giả muốn nghĩ sao thì nghĩ, vì đó không phải là điểm quan trọng của bài hát. Điểm quan trọng của bài hát không phải là câu chuyện đặc thù của một mối tình nào, mà là những cảm xúc nhớ lại quá khứ qua cảnh hoàng hôn mùa thu và tiếng đàn.
Cái hay của bài hát là bạn diễn tả cách nào nghe cũng hợp lý. Đó là vì tác giả không đặt ra rào ngăn chia ba mối tình. Bằng cách để những cảm xúc và hình ảnh quá khứ rời rạc, tác giả cho khán giả tự do diễn giải. Mối tình nào cũng có lúc sôi động, có những lúc thật nồng nàn và có những hành động điên cuồng, cũng có lúc dang dở lỡ làng và khóc lóc, cũng có lúc thầm kín tôn trọng lẫn nhau như tình bạn tinh khiết.
Dương Thiệu Tước chỉ ghi nhận những cảm xúc có thể xảy ra cho ai ngắm cảnh hoàng hôn và nhớ về các mối tình trong quá khứ. Là nghệ sĩ, Dương Thiệu Tước không cần phải bó buộc với một quy luật nào cố định. Ông có thể có ý định viết "Tiếng Xưa" để ghi nhận cảm xúc "tức cảnh sinh tình" và cái tình đó không nhất thiết có thật hoặc chỉ tưởng tượng cho một nhân vật.
2. Những cảm xúc thích hợp với tính chất lãng mạn trong tình yêu của người Việt được diễn tả kín đáo:
Một khía cạnh quan trọng của "Tiếng Xưa" là những cảm xúc đó rất thích hợp với bản chất người Việt trong cả ba miền Nam Trung Bắc.
Ta thấy tính chất nồng nàn sôi động trong tình yêu của người Việt qua các câu ca dao. Những lời thề non hẹn biển của các cặp tình nhân còn mạnh mẽ hơn cả chuyện "tàn một thời liệt oanh":
Yêu nhau mấy núi cũng leo
Mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua.
Bao giờ cạn lạch Đồng Nai
Nát chùa Thiên Mụ mới phai lời nguyền.
Đôi ta như lửa mới nhen
Như trăng mới mọc, như đèn mới khêu.
Nếu mà không lấy đặng em,
Anh về đóng cửa cài rèm đi tu.
Những lời tiếc nuối cho tình yêu dang dở, lỡ làng:
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em có chồng anh tiếc lắm thay.
Cách nhau một bức rào thưa
Tay chùi nước mắt, tay đưa miếng trầu.
Tình bạn tri âm:
Mông mênh góc biển chân trời,
Biết trong thiên hạ ai người tri âm?
Tình bạn tri kỷ cũng được thể hiện qua quan họ:
Ngồi (rằng là) ngồi tựa (ối a) song đào ngồi tựa (ối a) song đào
Hỏi người (là người) tri kỷ ra vào có thấy vấn vương.
Cho dù vô tình hay cố ý, Dương Thiệu Tước gói ghém bản chất lãng mạn trong tình yêu và tình bạn của người Việt qua những cảm xúc nhẹ nhàng. Ông còn thắt chặt những cảm xúc đó bằng một khí cụ thanh nhã: tiếng đàn. Dương Thiệu Tước không muốn diễn tả những cảm xúc đó qua lời bình dị của ca dao hoặc dân ca, vì lời lẽ bình dị không thích hợp với thú vui thanh nhã của người gẩy đàn. Ngược lại, ông dùng ngôn từ chọn lọc và cách diễn tả chải chuốt như sẽ được trình bày sau.
Tác giả còn diễn tả các mối tình một cách kín đáo, phù hợp với bản chất rụt rè, lễ độ của dân Việt (lúc bấy giờ). Sự nồng nàn sôi động được gợi ý qua "khúc nghê thường" và "tàn một thời liệt oanh"; nỗi đau thương của cuộc tình dở dang được che đậy bằng "nhớ nhung vì đâu" và "thắm đôi giòng châu"; tình yêu thầm kín qua tình bạn tri âm được trá hình bằng câu hỏi vẩn vơ "ai đó hay chăng," "ai đó tri âm hững hờ." Ông lại còn khéo léo dùng cảnh để làm giảm bớt cái nồng nàn hoặc đau thương trong cuộc tình. Ông dùng "bóng trăng xưa" và "gió mây lạnh lùng" để làm dịu đi "tan một thời liệt oanh'; "chiều thu" để che giấu nỗi đau thương; "khói hương," "tóc mây," "dáng liễu" gợi ý cho một mối tình thầm kín với người bạn tài hoa tri kỷ.
Khán giả tự hỏi không biết tác giả "tức cảnh sinh tình" hay "tức tình sinh cảnh"?
Tóm lại, "Tiếng Xưa" là lời ghi nhận những cảm xúc rời rạc về tình cảm lãng mạn và tình bạn đến từ tiếng đàn trong quá khứ, được gợi ra từ hình ảnh trong một buổi chiều thu. Dương Thiệu Tước có thể ghi nhận những cảm xúc này do kinh nghiệm bản thân, hoặc qua trí tưởng tượng về một nhân vật hoặc mối tình không có thật, hoặc cả hai. Ông không có ý định gói ghém một tâm tư, một thông điệp, hoặc một câu chuyện tình cảm rõ rệt nào. "Tiếng Xưa" thuần túy là một tác phẩm nghệ thuật vẽ ra những tình cảm nhẹ nhàng êm ả từ một khung cảnh dịu dàng.
Ca khúc "Tiếng Xưa" vừa tả cảnh vừa tả tình. Nhưng cái tình trong "Tiếng Xưa" có chút khác biệt với cái tình trong các bài hát tả tình khác.
1. Cảnh và tình có mối liên hệ chặt chẽ vì bài hát do bởi nhân vật "tức cảnh sinh tình":
Các bài tả tình khác thường diễn tả tình cảm hiện tại thể hiện song song với cảnh tượng đang xảy ra. Trong các bài này, cái tình mô tả không phải là vì nhân vật trong câu chuyện ngắm cảnh đang tả rồi nảy ra cảm xúc. Sự liên kết giữa cái tình và cảnh thường không chặt chẽ. Có thể có tình cảm về quá khứ, nhưng sự hồi tưởng về quá khứ không phải là hậu quả trực tiếp từ cảnh đang được mô tả. Thí dụ trong bài "Sương Trắng Miền Quê Ngoại," tác giả tả cảnh anh lính đi lội bùn qua rãnh, nhìn chim bay, nghe vượn hú, ngồi trong hào lạnh lẽo, và nghĩ đến mẹ, em, và người yêu. Cái hình ảnh quá khứ về mẹ anh dẫn anh đi học trên con đường làng không có trực tiếp liên hệ đến cảnh rừng núi chim bay vượn hú. Tương tự, trong bài "Chuyến Đò Vĩ Tuyến," tác giả tả cảnh con đò nhỏ trên giòng sông dưới ánh trăng sáng, và những cảm xúc thở than, lo âu, mơ mộng của cô gái. Những cảm xúc này không được tạo ra trực tiếp vì cô gái ngắm hình ảnh ánh trăng sáng, nghe sóng vỗ bên con đò, hoặc nhìn giòng sông mênh mông, mà chỉ gián tiếp do sự cô đơn thanh vắng và những tưởng tượng của cô.
Ngược lại, cái tình trong "Tiếng Xưa" là những cảm xúc nảy ra khi nhân vật ngắm cảnh. Nhân vật hồi tưởng lại quá khứ vì hậu quả trực tiếp do bởi cảnh đang xảy ra hiện tại. Nói cách khác, cái cảm xúc diễn tả trong "Tiếng Xưa" là do bởi "tức cảnh sinh tình."
Thì đã sao? Việc đó có ảnh hưởng gì đến nội dung hoặc ý nghĩa của bài hát không?
Đương nhiên là có. Với một bối cảnh "tức cảnh sinh tình," những hình ảnh của cảnh tượng có một mối liên hệ chặt chẽ với các cảm xúc. Một cách rõ rệt, những hình ảnh, âm thanh, hay mùi vị của cảnh là nguyên nhân dẫn đến cảm xúc. Nói một cách khác, các cảm xúc được tạo ra là hậu quả của cảnh. Chính cái diễn tả mối liên hệ đó giữa cảnh và tình nói lên được tâm trạng của nhân vật trong cảnh. Cái liên hệ này thường không có tính chất tổng quát, áp dụng cho mọi trường hợp, mà có tính chất đặc thù, chỉ áp dụng cho nhân vật trong cảnh mà thôi. Đó là vì mỗi người có kinh nghiệm sống khác nhau và có những kỷ niệm trong quá khứ khác nhau. Thí dụ, khi nghe tiếng mưa rơi rả rich, có người cảm thấy nỗi buồn lai láng, vì âm thanh đó nhắc lại một cảnh trong quá khứ xa xôi không còn nữa; nhưng cũng có người cảm thấy vui tươi. vì nó gợi lại thời trẻ con chạy tắm vui đùa trong mưa.
2. Lối dùng chữ chọn lọc, phẩm chất cao, dùng nhiều điển tích Tàu:
Trong "Tiếng Xưa," Dương Thiệu Tước có lối dùng chữ cầu kỳ, chải chuốt, chọn lọc, khách quan, có chút gì quý phái, phẩm chất cao (classy). Lối dùng chữ đó tuy không bình dân, giản dị, nhưng thích hợp với mọi hạng người. Những từ ngữ này không tạo tác dụng mạnh theo chiều sâu cho một ý tưởng nào đó, nhưng có tác dụng làm dịu đi những vương vấn, lo âu, theo chiều rộng. Khán giả có cảm xúc nhẹ nhàng, êm ái, và dễ dàng thả hồn trong lời ca tiếng nhạc.
Dương Thiệu Tước dùng nhiều mỹ từ, như nhân cách hóa, ẩn dụ, so sánh, câu hỏi tu từ: lá reo, tơi bời, thắm, giòng châu, tóc mâу (tóc như mây), dáng liễu (dáng dấp như cây liễu), mạch sầu (nỗi sầu như mạch), đường tơ (sợi nhạc như sợi tơ), hương thu (hương thơm mùa thu), saу khúc (đắm chìm trong nhạc). Thí dụ, "giòng châu" dùng như một mỹ từ để chỉ giòng nước mắt, như trong "nhìn thấy quân Hán dầy xéo sông núi nhà, giòng châu rơi" trong Hồn Tử Sĩ (Lưu Hữu Phước), "muôn giòng châu đứt nối chưa tròn" (Vũ Hoàng Chương, trong "Hoài niệm Nhất Linh Nguyễn Tường Tam và cảm đề Giòng Sông Thanh Thủy," ngày 4 tháng 1 năm 1964.) Những từ ngữ về cảm xúc diễn tả tình cảm nhẹ nhàng, êm ái: ngậm ngùi, bâng khuâng, nhớ nhung, tiếc thaу, man mác, vấn νương, lưu luуến, say (mê).
Một đặc điểm trong "Tiếng Xưa" là những gợi ý qua điển tích hoặc lịch sử Tàu. Ta thấy "phím loan," "khúc nghê thường," "lệ Tầm Dương." và "tri âm." "Tri âm" đã trở thành thông dụng, và ai cũng hiểu ý nghĩa. "Phím loan" có chút khó hiểu cho một số người, nhưng ai cũng có thể suy đoán là các phím đàn. Tuy nhiên, "khúc nghê thường" và "lệ Tầm Dương" có thể tạo chút khó khăn cho khán giả. Cái móc nối giữa "khúc nghê thường" và "một thời liệt oanh," "lệ Tầm Dương" và "tri âm" khá tinh tế. Nếu không biết đến chuyện Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi, Bạch Cư Dị và Tỳ bà hành, khán gỉả sẽ không thấu đáo cái ý tưởng sâu xa.
Nhưng ta cũng nên hiểu Dương Thiệu Tước không phải viết "Tiếng Xưa" cho tất cả mọi người. Điều đó hoàn toàn không có nghĩa ông coi thường khán giả. Ngược lại nữa là khác. Ta thấy ông có sự kính trọng khán giả qua cách dùng chữ chọn lọc, cách diễn tả khách quan nhẹ nhàng, và không có ý tưởng chủ quan để buộc khán giả theo ý nghĩ ông. Ngoài ra, ta cũng nên hiểu bối cảnh văn chương và xã hội lúc ông viết "Tiếng Xưa." Lúc bấy gìờ, tân nhạc (nhạc cải cách) vẫn còn phôi thai, phương tiện truyền thông qua đài phát thanh còn thiếu thốn, đài truyền hình chưa có. Do đó, chỉ có một thiểu số khán giả biết đến tác phẩm ông, và ông biết chuyện đó, và ông không có ý định viết lời bình dị cho đại chúng. Cuối cùng, các điển tích Tàu trong "Tiếng Xưa" cũng không có vai trò quan trọng cho lắm. Cho dù khán gỉả không hiểu rõ, họ cũng vẫn thưởng thức bài hát vì bài hát có nhiều diễn tả dễ hiểu và thông dụng khác.
3. Bài hát phối hợp tả cảnh và tả tình với kỹ thuật "xen kẽ" tạo tác dụng mạnh trên khán giả:
Dương Thiệu Tước dùng một kỹ thuật độc đáo cho việc tả cảnh và tả tình. Tương tự như Lam Phương trong "Chuyến Đò Vĩ Tuyến", Dương Thiệu Tước phối hợp "cho thấy" và "kể" một cách tài tình. Khác với Lam Phương dùng kỹ thuật luân phiên, Dương Thiệu Tước dùng kỹ thuật "xen kẽ," lồng "cho thấy" và "kể" trong cùng một câu. Nhờ vậy, ông tránh việc dùng những biến thể của cảm xúc như Lam Phương, vì cái tình ông đang diễn tả không có cái cực điểm như trong "Chuyến Đò Vĩ Tuyến" mà chỉ là những cảm xúc rải rác có cường độ gần như nhau. Hai nhạc sĩ dùng hai kỹ thuật khác nhau để đạt hai mục tiêu khác nhau, và mỗi kỹ thuật có sắc thái tuyệt vời riêng.
Hình 1 diễn giảng lối dùng xen kẽ cho "cho thấy" và "kể." Trong mỗi câu, các nhóm chữ được tô màu theo tác dụng của chúng. Màu vàng là "cho thấy" và màu xanh dương là "kể."
Thí dụ, trong câu "Ѕương mờ ngậm ngùi xuân xanh," "Ѕương mờ" cho thấy sương mủ bao phủ không gian mờ mờ, và kể nỗi niềm "ngậm ngùi" cho thời "xuân xanh." Tương tự, "bâng khuâng" kể nỗi niềm bâng khuâng, tạo bởi cho thấy "phím loan νương tinh."
Ta cũng nên để ý là cái liên hệ giữa cảnh tượng cho thấy không nhất thiết chính xác tương ứng một cách tổng quát với cảm xúc được kể, vì mối liên hệ đó rất chủ quan, dựa vào kinh nghiệm và tâm tư NVTC. Thí dụ cảnh sương mù mờ ảo không nhất thiết dẫn đến cái cảm xúc ngậm ngùi nhớ đến thời xuân xanh cho tất cả mọi người, mà đó chỉ dẫn đến cảm xúc đó cho NVTC.
Một tác dụng tuyệt diệu trong kỹ thuật xen kẽ đó là ông dung hòa cảnh và tình một cách hỗ tương. Như đề cập ở trên, ngoài chuyện dùng cảnh để dẫn đến tình, ông dùng cảnh để làm giảm bớt sự nồng nàn hoặc đau thương trong tình yêu. Bằng cách mượn cảnh để tả tình và tả cảnh để trang điểm tình, Dương Thiệu Tước cho thấy tài năng đặc sắc trong lời nhạc.
Là một nghệ sĩ, Dương Thiệu Tước có nhiệm vụ diễn tả ý tưởng theo ý ông, và không nhất thiết phải theo ý mọi người. Khán gỉả có thể hiểu, không hiểu, hoặc hiểu sai ý tưởng ông. Khán gỉả có thể đồng ý hay không đồng ý sự chính xác của lối diễn tả, nhưng không thể chỉ trích nó chỉ vì nó không phù hợp với kinh nghiệm cá nhân. Như trong thí dụ trên, ông dùng hình ảnh sương mù bao phủ không gian để dẫn đến cảm xúc bùi ngùi cho thời xuân xanh. Có người sẽ không đồng ý sự chính xác đó, vì họ khi nhìn sương mù, họ không nghĩ đến thời xuân xanh. Nhưng không vì thế mà họ chỉ trích cách diễn tả của Dương Thiệu Tước, vì ông đâu có diễn tả cảm xúc của họ đâu? Cái giá trị của một tác phẩm nghệ thuật không phải là cái hấp dẫn cho đại chúng mà là cái diễn tả độc đáo của nó, miễn là cái diễn tả đó không đi ngược lại những giá trị đạo đức luân lý hoặc vẻ đẹp đã được thiết lập vững vàng.
Trong ngành mỹ thuật hội họa, nhiều họa sĩ không cần khán giả. Adolph Gottlieb, Mark Rothko, và Barnett Newman, họa sĩ nổi tiếng thuộc trường phái Biểu hiện trừu tượng (Abstract Expressionism), từng tuyên bố, "Công việc họa sĩ chúng tôi là khiến cho người xem nhìn theo lối của chúng tôi, không phải là lối của họ" ("It is our function as artists to make the spectator see our way, not his way") (Hess 2006, 82). Dương Thiệu Tước không có cái cao ngạo đó của các họa sĩ Tây phương. Ngược lại, ông có sự nhún nhường, tinh tế của một nghệ sĩ Việt Nam, nhưng vẫn giữ được cái quý phái, cá biệt, và độc đáo của riêng mình.
Ca khúc "Tiếng Xưa" là một bài hát diễn tả những cảm xúc nhẹ nhàng êm ái của người trong cảnh hồi tưởng lại những mối liên hệ tình cảm trong quá khứ khi ngắm cảnh hoàng hôn vào mùa thu. Bài hát phản ảnh phần nào trào lưu tình cảm trong xã hội Việt Nam trước chiến tranh vào khoảng đầu thế kỷ thứ 20. Tuy có chút hương vị Tây phương vì tính chất lãng mạn, bài hát giữ những nét đặc thù dân tộc qua cách diễn tả kín đáo, nhẹ nhàng, của các mối tình sôi nổi và tình bạn tinh khiết qua mối liên hệ thanh tao của âm nhạc.
Qua "Tiếng Xưa," Dương Thiệu Tước biểu lộ tài năng xuất chúng, thiết lập cho chính ông một trường phái âm nhạc với giai điệu êm ái, tiết tấu hữu hiệu có tác dụng mạnh, ca từ quý phái, chọn lọc, và kỹ thuật diễn tả tinh vi chải chuốt, phối hợp tả cảnh và tả tình độc đáo. "Tiếng Xưa" bộc lộ tâm hồn lãng mạn nhẹ nhàng kín đáo, tình cảm tràn trề của dân Việt. Sau hơn 70 năm, bài hát vẫn tạo cảm xúc bồi hồi cho người nghe, như tiếng vọng êm ái của thời quá khứ xa xôi nào đó.
Tôi xin có lời cảm tạ các bạn trên trang mạng Dân Làm Báo, nhất là bạn San Jose, đã có lời khích lệ trong các bài về âm nhạc trước và giúp tôi có ý định viết bài này, đặc biệt là lời yêu cầu của bạn San Jose.
Tài Liệu Tham Khảo:
1. Bạch Cư Dị. Không rõ ngày. Tỳ bà hành.
hoasontrang.us/tangpoems/duongthi.php?loi=38 (truy cập 13-12-2014).
2. Cultural China. Không rõ ngày. Dance of Rainbow Skirt & Feathered Dress.
arts.cultural-china.com/en/96Arts178.html (truy cập 13-12-2014).
3. Du Tử Lê. 2012. Minh Trang, Định Mệnh Và, Những Vòng Nguyệt Quế. Đăng 22-9-2012.
dutule.com/D_1-2_2-105_4-70/minh-trang-dinh-menh-va-nhung-vong-nguyet-que.html (truy cập 14-12-2014).
4. Giòng Bắc Việt. Không rõ ngày. Ngũ Cung Việt Nam trong quan niệm xưa.
vietnamclassical.files.wordpress.com/2010/12/ngucung-vietnam.pdf (truy cập 15-12-2014).
5. Harris, Barry. 2013. Barry talking about the Importance of Rhythm. Posted 11-3-2013.
youtube.com/watch?v=N5VDXcmRiaU (truy cập 13-12-2014).
6. Hess, Barbara. 2006. Abstract Expressionism. Taschen, Germany.
7. LaCombe, Daniel. Không rõ ngày. Rhythmic Techniques Used to Elicit Surprise. University of Delaware.
evanbradley.net/papers/annotbib/Dan_muscog.pdf (truy cập 13-12-2014).
8. Nhạc Việt trước 75. Không rõ ngày. Tiếng xưa (Dương Thiệu Tước).
/amnhacmiennam.blogspot.com/2014/07/tieng-xua-duong-thieu-tuoc.html#more (truy cập 14-12-2014).
9. Phạm Duy. Không rõ ngày. Thời Kỳ Thành Lập (1938-45) - Xu Hướng Nhạc Tình Duy Nhiên/Lãng Mạn/Trữ Tình - Nhóm MYOSOTIS - Hoa Lưu Ly.
phamduy.com/en/van-nghien-cuu/khai-quat-ve-tan-nhac-viet-nam/5451-xu-huong-nhac-tinh-duy-nhien-lang-man-tru-tinh (truy cập 14-12-2014).
10. Phạm Phú Minh. 2012. Dương Thiệu Tước, tiếng xưa của chúng ta. 5-3-2012.
saigonecho.info/main/vanhoc/vanthisi/33639-dng-thiu-tc-ting-xa-ca-chung-ta.html (truy cập 14-12-2014).
11. Quỳnh Giao. 2007. Dương Thiệu Tước và... Ngọc Lan. Đăng 7-5-2007.
chutluulai.net/forums/showthread.php?t=2396 (truy cập 14-12-2014).
12. _______. 2008. Tạp ghi Quỳnh Giao: Tiếng Xưa của Dương Thiệu Tước. 23-6-2008.
cothommagazine.com/nhac/DuongThieuTuoc/TiengXuaCuaDuongThieuTuoc-QuynhGiao.pdf (truy cập 14-12-2014).
13. Sóng Việt Đàm Giang. Không rõ ngày. Vài điển tích trong bài nhạc Ngọc Lan của Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước.
saigonocean.com/gocchung/html/ngoclan.htm (truy cập 14-12-2014).
14. Thy Nga. 2005. Nhớ về cố nhạc sĩ Dương Thiệu Tước. Đăng 1-8-2005.
rfa.org/vietnamese/in_depth/music_DuongThieuTuoc_TNga-20050801.html (truy cập 14-12-2014).
15. Trần Quang Hải. 2004. Lịch sử Tân Nhạc Việt Nam. 24-8-2004.
vietsciences.free.fr/lichsu/lichsutannhacvn1.htm (truy cập 14-12-2014).
16. Western Michigan. Không rõ ngày. The Elements of Music.
wmich.edu/mus-gened/mus170/RockElements.pdf (truy cập 13-12-2014).
17. Wikipedia. 2014a. Dương Thiệu Tước. Thay đổi chót: 20-6-2014.
vi.wikipedia.org/wiki/D%C6%B0%C6%A1ng_Thi%E1%BB%87u_T%C6%B0%E1%BB%9Bc (truy cập 14-12-2014).
18. Wikipedia. 2014b. Dương Quý Phi. Thay đổi chót: 6-10-2014.
vi.wikipedia.org/wiki/D%C6%B0%C6%A1ng_Qu%C3%BD_Phi (truy cập 14-12-2014).
- Bình Phẩm Về Ca Khúc "Ly Rượu Mừng" Cao Đắc Tuấn Nhận định
- Giấc Ngủ Cô Đơn Cao Đắc Tuấn Khảo luận
- Giấc Ngủ Cô Đơn Cao Đắc Tuấn Khảo luận
- Nền giáo dục VNCH - một kinh nghiệm bản thân Cao Đắc Tuấn Tạp bút
- Căn Nhà Ngoại Ô Cao Đắc Tuấn Khảo luận
- Tiếng Xưa Cao Đắc Tuấn Khảo luận
- Chuyến Đò Vĩ Tuyến Cao Đắc Tuấn Khảo luận
• Cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Hoàng Trang (Đông Kha)
• Nghe lại 10 ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Hàn Châu thu âm trước 1975 (Đông Kha)
• Làm sao nói hết niềm riêng: Có những niềm riêng (Lê Tín Hương) (Lê Trung Ngân)
• Nhạc Nhái và Nhạc Chế (Song Thao)
• Đêm Sài Gòn Xưa (Huyền Chiêu)
• Ảo giác Trịnh Công Sơn (Lê Hữu)
• Nguyễn Đình Nghĩa - Bắt Đầu... Từ Một Đêm Trăng (Phan Nhật Nam)
• Theo Hoàng Thi Thơ, đi tìm lại đường xưa lối cũ (Cao Vị Khanh)
• Nhạc sĩ Vinh Sử kể tình đời qua những khúc bolero (Hoàng-Dung)
• Nhạc sĩ Hoài Nam và ca khúc “9 Tháng Quân Trường”: Gắn trên vai chiếc lon Chuẩn-úy… (Đông Kha)
Các nhóm nhạc (Wikipedia):
Myosotis, Tricéa, Tổng Hội Sinh Viên, Đồng Vọng
Nhạc sĩ:
Trang nhà:
Nhạc tuyển::
Dòng nhạc gợi nhớ Taberd75.com
Sài Gòn ơi! Vĩnh biệt Ngọc Lan
Mùa thu Paris Thái Thanh
Lòng Mẹ (Y Vân) Lê Tấn Quốc, Saxo
Hận Đồ Bàn (Xuân Tiên) Chế Linh
- Hình Ảnh Ca Nhạc Sĩ Sài Gòn trước 1975
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |