|
Lam Phương(20.3.1937 - 22.12.2020) | Lưu Trung Khảo(.0.1931 - 22.12.2015) | Nguyễn Hiến Lê(8.1.1912 - 22.12.1984) | Nguyễn Đình Nghĩa(5.10.1940 - 22.12.2005) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Thơ Văn Trần Yên Hoà & Bằng hữu
•Người đội vương miện cho nhan sắc Ðà Lạt: Hoàng Nguyên
•Hoàng Nguyên, một đời tình không đầm ấm
•Khía cạnh quê hương, đất nước trong tình khúc Hoàng Nguyên
Nhạc sĩ Hoàng Nguyên
(Hình: LeNgocTrac.com)
Tôi không biết cố nhạc sĩ Hoàng Nguyên (1932-1973) có phải là người đầu tiên đem thành phố thơ mộng Ðà Lạt ở miền Nam vào âm nhạc hay không? Nhưng, hiển nhiên, một trong những ca khúc viết về Ðà Lạt của ông như “Ðường Nào Lên Thiên Thai,” “Bài Thơ Hoa Ðào,” “Ai Lên Xứ Hoa Ðào”... thì, ca khúc “Ai Lên Xứ Hoa Ðào” đã trở thành “bạn-tâm-tưởng” của rất nhiều người.
Ca khúc vừa kể được Hoàng Nguyên viết khi ông mới 18 tuổi và mau chóng nổi tiếng tới mức sau này, nó trở thành một trong những ca khúc của hình thái “Tân-Cổ-Giao-Duyên” ngay những ngày tháng hình thành đầu tiên của nỗ lực phối hợp nghệ thuật này - - Với phần cổ nhạc do soạn giả Viễn Châu soạn, nghệ sĩ Tấn Tài, trình bày.
Nếu bài thơ “Còn Chút Gì Ðể Nhớ” của nhà thơ Vũ Hữu Ðịnh, phải nhờ tới “chiếc đũa thần” ở phần nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy, để vinh danh thành phố Pleiku thì, chiếc vương miện dành cho Ðà Lạt của Hoàng Nguyên lại là “thành phẩm” của riêng ông từ ca từ tới giai điệu:
“Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi
Nghe hơi giá len vào hồn người chiều xuân mây êm trôi
Thông reo bên suối vắng lời dìu dặt như tiếng tơ
Xuân đi trong mắt biếc lòng dạt dào nên ý thơ
Nghe tâm tư mơ ước mộng đào nguyên đẹp như chuyện ngày xưa
“Ai lên xứ hoa đào dừng chân bước lần theo đường hoa
Hoa bay đến muôn người ngại ngần rồi hoa theo chân ai
Ðường trần nhìn hoa bướm rồi lòng trần mơ bướm hoa
Lâng lâng trong sương khói rồi bàng hoàng theo khói sương
Lạc dần vào quên lãng rồi đường hoa lặng bước trong lãng quên” (1)
Hai phân khúc đầu của “Ai Lên Xứ Hoa Ðào” được Hoàng Nguyên/Cao Cự Phúc ghi lại những nét chính của Ðà Lạt bằng những hình ảnh sống động tương tác với “khách lãng du” qua những nhân cách hóa có tính máu-thịt giữa thiên nhiên và con người, đã rất sớm cho thấy tài hoa của ông, cùng khả năng sử dụng hình ảnh và chữ nghĩa, như:
“Xuân đi trong mắt biếc lòng dạt dào nên ý thơ”
Hoặc
“Hoa bay đến muôn người ngại ngần rồi hoa theo chân ai”
Là những ca từ chứa đựng khá nhiều thi tính. Nhưng họ Cao không dừng ở đó. Ông đẩy ca từ của ông, lên một bậc cao hơn, khi cố tình khai thác đặc tính đảo ngữ mà chỉ ngôn ngữ Việt mới cho phép. Tôi muốn nói tới việc Hoàng Nguyên/Cao Cự Phúc đã vận dụng sự lập lại một vài từ kép một cách ý nhị... Như các cụm từ “Hoa bướm/bướm hoa,” “quên lãng/lãng quên”:
“Ðường trần nhìn hoa bướm rồi lòng trần mơ bướm hoa”
Hay:
“Lạc dần vào quên lãng rồi đường hoa lặng bước trong lãng quên”
Từ điệp khúc tới phiên khúc cuối, trước khi hoàn tất chiếc vương miện dành cho nhan sắc Ðà Lạt, họ Cao cho thấy mối tương quan đằm thắm hơn giữa hoa và người, khi ông so sánh màu hoa đào với môi, má người yêu. Cuối cùng, ông nhắc nhở du khách khi rời xứ hoa đào xin đừng quên mang về một cành hoa... Vì hoa, khi ấy không chỉ là một vật thể có đủ hương sắc mà, chúng còn chính là nỗi lòng, quá khứ của du khách nữa.
Tôi không biết đã có bao nhiêu du khách khi rời xa Ðà Lạt, ngoài hành lý mang theo, còn là một cành hoa anh đào, như lời kêu gọi của họ Cao... Nhưng tôi tin, Ðà Lạt đã phần nào thơ mộng hơn, cũng như đào ở thành phố lãng mạn này đã phần nào đẹp hơn, thắm thiết hơn, không chỉ trên hoa mà, còn trên môi, má và luôn cả tâm hồn du khách nữa.
Với một trái tim mẫn cảm, một tài năng rất sớm sủa được công nhận như trường hợp Hoàng Nguyên/Cao Cự Phúc, nhiều người cho rằng, họ Cao xứng đáng, rất xứng đáng để được hưởng nhận một đời sống nhẹ nhàng, êm ả tựa những ca từ (như thơ) của ông.
Nhưng thực tế đời thường đã hắt trả lại cho họ Cao, những phũ phàng, bất hạnh, như thể đó là “phần thưởng” mà định mệnh ganh ghét đố kỵ, đã dành riêng cho ông.
Cụ thể, cũng rất sớm, những ca khúc đẫm, đẫm chia lìa, những giai điệu, ca từ ngất, ngất đớn đau mang tên Hoàng Nguyên/Cao Cự Phúc ra đời như những nhát dao oan nghiệt xẻ nát đời ông.
Tiêu biểu cho tâm bão của phần đời tối ám này là ca khúc “Cho Một Người Tình Lỡ” hay “Ðừng Trách Gì Nhau.”
Tôi luôn nghĩ, một khi đau khổ, bất hạnh nhận chìm một tài năng nghệ thuật xuống tận đáy bùn địa ngục thì, đó là lúc mọi khả năng mang tính tài hoa, lãng mạn sẽ như thủy triều rút khỏi mọi bến bờ!
Trên bãi cát thực tế, đời thường sẽ khó có một hình ảnh thơ mộng, đầm ấm nào, ngoài những xác rác vương vãi... tựa chứng tích hiển nhiên tàn nhẫn mà bước chân hủy diệt của trận bão lầm than kia, đã cố tình để lại.
Tôi cho cảm nhận này khá đúng với trường hợp của cố nhạc sĩ Hoàng Nguyên/Cao Cự Phúc - Nếu chúng ta làm một cuộc so sánh giữa ca từ óng ả, mượt mà, nhiều thi tính giữa “Ai Lên Xứ Hoa Ðào” của ông, trước đấy “Ðừng Trách Gì Nhau” sau đó.
Ở “Ðừng Trách Gì Nhau” họ Cao vẫn có được cho ca khúc của mình giai điệu đẹp thiết tha (tới mủi lòng) - Nhưng ca từ của ca khúc này, lại như những lời nói dung dị, những hình ảnh mộc tới nhức nhối. Người nghe không hề tìm thấy một hình ảnh, một liên tưởng mang tính sáng tạo nào suốt chiều dài ca khúc. Phải chăng, cũng chính nhờ tính mộc, những lời nói bình thường, trực tiếp thốt ra từ tâm cảnh đứt đoạn ấy mà, nó đã cho ca khúc của họ Cao những xung động trực tiếp, đánh thẳng vào rung cảm người thưởng ngoạn. Nó là một câu chuyện kể lớp lang, trung thực, như người trong cuộc tâm sự với một người bạn sẵn lòng chia sẻ bất hạnh của mình:
“Ngày nào gặp nhau quen nhau yêu nhau rồi sống bên nhau
Những tưởng dài lâu như trăng như sao cho đến bạc đầu
Nào ngờ trời mưa mưa rơi không thôi nát tan tình đầu
Nước mắt rơi mau long lanh giọt sầu xót xa niềm đau
“Nào ngờ tình yêu đưa ta lênh đênh vào chốn mê say
Những tưởng thời gian không đi trong cơn mê đắm tuyệt vời
Nào ngờ giờ đây ly tan ly tan lứa đôi lạc loài
Giữa chốn u mê đêm đêm một người trách thương một người
“Ôi trời làm giông tố
Ðể người thầm trách người sao hững hờ phụ người
Ôi nửa đời gió sương.
Mà còn đắng cay mà còn chua xót vì nhau
“Cuộc tình nào không thương đau anh ơi đừng trách chi nhau (2)
Trót vì mình vô duyên nên đôi nơi mang mối tình sầu
Vì trời còn mưa mưa rơi không thôi cuốn trôi tình người
Oán trách nhau chi bơ vơ nhiều rồi xót xa nhiều rồi.” (3)
(Hình: Nguyễn Ngọc Hoài Nam)
Theo trang mạng Wikipedia-Mở thì đời thường cũng như đời tình của cố nhạc sĩ Hoàng Nguyên/Cao Cự Phúc là xâu chuỗi những gập ghềnh, bất hạnh. Khiến nhiều người đã đi tới kết luật rằng, cho tới lúc từ trần (khi còn rất trẻ) tuồng họ Cao không hề có cho riêng mình, một khoảng lặng êm đềm, hạnh phúc dài lâu nào?!? Tiểu sử của tác giả “Ðừng trách gì nhau” được ghi như sau:
“Hoàng Nguyên (1932-1973) là một nhạc sĩ tên tuổi, tác giả các ca khúc nổi danh như Ai Lên Xứ Hoa Ðào, Cho Người Tình Lỡ.
“Ông tên thật là Cao Cự Phúc, sinh ngày 3 tháng 1, 1932, tại Quảng Trị. Lúc nhỏ theo học trường Quốc Học, Huế. Ðầu thập niên 1950, Hoàng Nguyên tham gia kháng chiến nhưng rồi từ bỏ quay về thành phố.
“Lên ở Ðà Lạt, Hoàng Nguyên dạy học tại trường tư thục Tuệ Quang, thuộc chùa Linh Quang, khu số 4 Ðà Lạt, do Thượng Tọa Thích Thiện Tấn làm hiệu trưởng. Thầy giáo Cao Cự Phúc dạy Việt Văn lớp đệ lục. Thời gian ở đó, ông là thầy giáo dạy nhạc cho Nguyễn Ánh 9, người sau này trở thành một nhạc sĩ nổi tiếng đồng thời là nhạc công chơi đàn dương cầm.
“Năm 1956, trong một đợt lùng bắt ở Ðà Lạt, do trong nhà có bản Tiến Quân Ca của nhạc sĩ Văn Cao, người mà Hoàng Nguyên rất ái mộ, Hoàng Nguyên bị bắt và đày ra Côn Ðảo khoảng năm 1957.
“...Ở Côn Sơn, thiên tình sử của người nghệ sĩ Hoàng Nguyên mở đầu với cảnh tình éo le và tan tác. Là một tài hoa đa dạng, người tù Hoàng Nguyên được vị chỉ huy trưởng đảo Côn Sơn mến chuộng nên đã đưa chàng ta về tư thất dạy nhạc và Việt Văn cho ái nữ ông, tên H. năm đó khoảng 19 tuổi... Mối tình hai người nhóm lên vũ bão. Trăng ngàn sóng biển đã là môi trường cho tình yêu ngang trái nầy nẩy nở.
“Chợt khi người con gái của chúa đảo mang thai. Mối tình hai nhịp so le bị phát giác. Ðể giữ thể thống cho gia đình. Vị chúa đảo giữ kín chuyện này và chỉ bảo riêng với người gây ra tai họa là nhạc sĩ Hoàng Nguyên: ông ta đòi hỏi Hoàng Nguyên phải hợp thức hóa chuyện lứa đôi của hai người và ông vận động cho người nhạc sĩ được trả tự do...” (Lâm Tường Dũ - Tình Sử Nhạc Khúc).
Hoàng Nguyên được trả tự do, trở về Sài Gòn, tiếp tục sáng tác và dạy học ở trường tư thục Quốc Anh. Năm 1961, Hoàng Nguyên theo học Ðại Học Sư Phạm Sài Gòn, ban Anh Văn. Trong thời gian theo học đại học, Hoàng Nguyên có quen biết với ông Phạm Ngọc Thìn, thị trưởng thành phố Phan Thiết. Bà Phạm Ngọc Thìn là nữ diễn viên Huỳnh Khanh, mến mộ tài năng của Hoàng Nguyên đã nhận ông làm em nuôi. Hoàng Nguyên dạy kèm cho Ngọc Thuận, con gái ông bà Phạm Ngọc Thìn. Hai người yêu nhau và Hoàng Nguyên trở thành con rể ông bà Phạm Ngọc Thìn. Trước đó Hoàng Nguyên có ý định quay lại với cô gái ở Côn Sơn, nhưng cô đã đi lấy chồng. Ca khúc “Thuở Ấy Yêu Nhau” ra đời trong khoảng thời gian đó.
Năm 1965, Hoàng Nguyên bị động viên vào Trường Bộ Binh Thủ Ðức. Sau đó chuyển về Cục Quân Cụ, dưới quyền của Ðại tá Nhạc sĩ Anh Việt-Trần Văn Trọng và được giao quản lý ban nhạc Hương Thời Gian của Anh Việt. Hương Thời Gian xuất hiện trên truyền thanh và truyền hình Sài Gòn thu hút khá đông khán thính giả.
“Ngày 21 tháng 8 năm 1973 ở Vũng Tàu, Hoàng Nguyên mất do một tai nạn xe hơi.” (Nđd)
Tới nay, tôi chưa thấy một tư liệu nào ghi rõ hai sáng tác bi lụy nổi tiếng nhất của họ Cao là “Ðừng Trách Gì Nhau” và “Cho Người Tình Lỡ” ca khúc nào viết trước và cho, hay từ mối tình nào?
Nhưng theo tiết lộ của một người bạn (không làm văn nghệ) sát cánh, bên cạnh Hoàng Nguyên/Cao Cự Phúc tính tới những ngày cuối cùng của đời ông thì, mối tình của họ Cao với NT, em gái của nữ diễn viên H.K. cũng đã dẫn tới đoạn kết bi thảm, có phần đau đớn hơn mối tình với cô gái con ông chỉ huy trưởng trại tù Côn Sơn ngày nào - Vì, đó là kết cuộc họ Cao bị phản bội trong thời gian người con gái này đang chung sống với ông (?). Ðó là sự kiện người phụ nữ ấy có liên hệ tình ái với một người đàn ông hoạt động trong lãnh vực xuất bản sách! (Người đàn ông này cũng đã qua đời cách đây nhiều năm, tại Saigon. Người vợ chính thức của ông ta, hiện cư ngụ tại miền Nam Cali).
Dù không ai biết chắc thời điểm sáng tác của hai ca khúc vừa kể, nhưng giai điệu cũng như ca từ của “Cho Người Tình Lỡ” vẫn là những lời nói “mộc” - Những lời nói đi ra từ cõi lòng tan nát - Với những câu như:
“Khóc mà chi yêu thương qua rồi
Than mà chi có ngăn được xót xa
Tiếc mà chi những phút bên người
Thương mà chi nhắc chi chuyện đã qua...”
(...)
Mình nào ngờ tình rơi như lá rơi
Ngày tình đầy vòng tay ôm quá lơi
Ðể giờ này một người khóc đêm thâu
Một người nén cơn đau, nghe mưa mà cúi đầu
Hoặc nữa:
Thế là hết nước trôi qua cầu
Ðã chìm sâu những tháng ngày đắm mê
Thôi đành quên những tiếng yêu đầu
Những lời yêu ấy nay đã quá xa...”
(Trích “Cho Người Tình Lỡ”) (5)
Nhắc tới những tình khúc không đầm ấm của cố nhạc sĩ Hoàng Nguyên/Cao Cự Phúc, tôi cho sẽ là một thiếu sót, nếu không đề cập tới ca khúc “Tà Áo Tím.” Vì “Tà Áo Tím” của họ Cao cũng là một tình khúc nổi tiếng của ông.
Một nguồn tin khác cho biết, trước khi dấn sâu vào cuộc tình thương đau thứ hai, lúc được tin người yêu đầu của ông đang sống Huế, ông đã bay ra cố đô, tìm cô. Khi tìm được, ông mới hay, nàng đã có gia đình. Trở lại Saigon, ông viết “Tà Áo Tím.” Như một lời từ biệt. Khai tử một giai đoạn, chia tay một quá khứ! Ca từ “Tà Áo Tím” có phần nhẹ nhàng thủ thỉ hơn. Dù kết cuộc vẫn là “...Người áo tím qua cầu/ Tà áo tím phai màu/ Ðể dòng Hương Giang hờ hững cũng nao nao”:
“Một chiều lang thang bên dòng Hương Giang
Tôi gặp một tà áo tím
Nhẹ thấp thoáng trong nắng vương
Màu áo tím ôi luyến thương
Màu áo tím ôi vấn vương
(...)
“Ðể rồi chiều chiều lê chân bên dòng Hương Giang
Mong tìm lại tà áo ấy
Màu áo tím nay thấy đâu
Người áo tím nay thấy đâu
Dòng nước vẫn trôi cuốn mau
“Rồi chợt nghe tin qua lời gió nhắn
Người áo tím qua cầu
Tà áo tím phai màu
Ðể dòng Hương Giang hờ hững cũng nao nao”
(Trích “Tà Áo Tím”) (6)
Ở khía cạnh khác, ít người biết hơn, khía cạnh “thầy, trò” và cũng là đồng nghiệp, tri kỷ, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, trong một bài viết về Hoàng Nguyên, tựa đề “Cung đàn tài hoa bạc mệnh,” ghi nhận về họ Cao như sau:
(Hình: Nguyễn Ngọc Hoài Nam)
“Hoàng Nguyên vĩnh viễn ra đi đã gần phần tư thế kỷ, gửi lại cho đời không ít những tác phẩm đáng trân trọng, bởi nét nhạc tài hoa và ca từ thấm đậm, buồn man mác. Có lẽ trong lòng những người yêu nhạc sẽ mãi mãi vang vọng những giai điệu đầy kỷ niệm của thời kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp... 'Nếu hiểu rằng anh đi vì lũ giặc tham tàn, thì em ơi, em chớ sầu thương chi! Em thấy chăng khói súng của giặc thù còn mịt mùng và còn che khuất mờ...' Nhạc sĩ Hoàng Nguyên đã viết ca khúc 'Anh Ði Mai Về' này ở tuổi 20 tràn đầy nhiệt huyết trong bối cảnh cả dân tộc đang trường kỳ kháng chiến. Bài hát tức khắc được đón nhận nồng nhiệt và phổ biến rộng khắp. Hiếm có những nhạc sĩ trẻ xưa nay tìm được thành công dứt khoát ngay tác phẩm đầu tay của mình và nhanh chóng thành danh như anh.
“Với tôi, Hoàng Nguyên như vẫn còn ở đâu đó quanh đây và những kỷ niệm với anh còn như mới hôm qua... Anh Hoàng Nguyên-Cao Cự Phúc của tôi. Tôi gặp anh lần đầu tiên cách nay hơn 40 năm, khi đang học trường Yersin ở Ðà Lạt, thành phố thơ mộng sau này đã đi vào các tác phẩm vượt thời gian của anh. Dạo đó, biết tôi là một chú học trò mê âm nhạc có chút năng khiếu, Hoàng Nguyên đã để tâm chăm sóc. Chủ Nhật hàng tuần, anh vào trường nội trú đón tôi ra ‘nhà’ anh chơi và ân cần truyền đạt cho tôi những kiến thức ban đầu về âm nhạc. ‘Nhà’ anh ở thật ra chỉ là một căn phòng đơn sơ, trong khuôn viên trường Bồ Ðề Ðà Lạt, nơi anh đang dạy Anh văn cho các lớp trung học. Một chiếc giường đơn, một bàn viết bằng gỗ thông và một cây đàn guitar treo trên vách. Thời gian đó, Hoàng Nguyên còn phụ trách các buổi phát thanh của Hội Phật Giáo trên làn sóng Ðà Lạt. Một hôm, tôi rất bất ngờ và hạnh phúc được anh ‘mời’ tham gia ban nhạc phát thanh của anh. Ðó là lần đầu tiên tôi bước vào 'nghề ca nhạc', năm 1956.
“Năm đó, Hoàng Nguyên đang phác thảo ca khúc Bài Thơ Hoa Ðào:
“Chiều nào dừng chân phiêu lãng,
Khách đến đây thấy hoa đào vương lối đi...”
“Tôi hân hạnh là người ái mộ đầu tiên được anh đàn và hát cho ‘nghe thử’ những âm điệu lời ca lãng đãng sương khói núi đồi của Bài Thơ Hoa Ðào. Tôi vẫn nhớ như vừa ra khỏi giấc mơ còn tươi rói: chúng tôi ngồi co ro trong căn phòng nhỏ của anh; bên ngoài trời cao nguyên xam xám và mưa nhỏ. Ðằng kia, những cánh hoa đào vừa lìa cành theo cơn gió bất chợt... Hỏi ‘Chắc anh đã chọn Ðà Lạt làm quê hương?’ Ðôi mắt u hoài sau cặp kính trắng của anh hình như chợt xa khuất hơn: ‘Không, anh chỉ ghé chân để tạm mưu sinh và tìm cảm hứng...’"
“Vâng, Hoàng Nguyên chỉ ‘ghé chân’ - như anh viết ‘dừng chân phiêu lãng’ nơi phố núi mù sương này một quãng thời gian ngắn nhưng cũng đủ để anh viết nên hai ca khúc tiêu biểu về một vùng đất thơ mộng dễ yêu: Bài Thơ Hoa Ðào và Ai Lên Xứ Hoa Ðào, hai ca khúc bất hủ đã làm rung động trái tim nhiều thế hệ người yêu nhạc, mãi mãi gắn chặt nghệ danh của anh với địa danh nổi tiếng này.
“Ai lên xứ hoa đào, dừng chân bên hồ nghe chiều rơi.
Nghe hơi giá len vào hồn người, chiều Xuân mây êm trôi.
Thông reo bên suối vắng, lời dìu dặt như tiếng tơ...
“Bẵng đi một thời gian, chúng tôi gặp lại nhau ở Sài Gòn khoảng đầu thập niên 70. Lúc ấy, tôi đã đi vào lĩnh vực ca diễn và Hoàng Nguyên đã bị động viên vào binh chủng Quân Cụ chế độ cũ. Như một số các nghệ sĩ khác cùng thời, buổi sáng anh thường đến uống cà phê ở nhà hàng Thanh Thế, đường Nguyễn Trung Trực. Nghe nói dạo đó tình cảm gia đình anh gặp chuyện không vui. Anh trở nên u uất hẳn và có lẽ vì thế anh đã rất thích bài hát Summertime có âm sắc blues-jazz trầm mặc đang thịnh hành và được phát thường xuyên ở nhà hàng Thanh Thế. Tác phẩm Cho Người Tình Lỡ của anh ra đời khoảng thời gian đó, chịu phần nào âm hưởng khắc khoải của Summertime.
“Nhớ mà chi, đau thương qua rồi
Thương mà chi, xót xa cũng đắng cay...
“Năm 70, bài Không của tôi được Khánh Ly thu vào đĩa 45 vòng do hãng đĩa Tình Ca Quê Hương sản xuất, mặt sau có bài Cho Người Tình Lỡ do Thanh Lan hát. Ngày hãng đĩa trao tặng đĩa hát nói trên cho chúng tôi, Hoàng Nguyên thân mật vỗ vai tôi, thì thầm: ‘Mau quá Ánh hỉ? Mới ngày nào ở Ðà Lạt, anh em mình nói chuyện âm nhạc nhập môn, bây giờ Ánh đã có bài thu đĩa với anh...’ Vẫn là ngôn phong của một người anh ân cần, trìu mến!
“Hoàng Nguyên còn để lại một tác phẩm khác, được yêu mến không kém các ca khúc đã có của anh, mà anh viết về xứ Huế, quê anh: Tà Áo Tím.
“Một chiều lang thang bên dòng Hương Giang
Tôi đã gặp một tà áo tím, nhẹ thấp thoáng trong nắng vương
Mầu áo tím sao luyến thương...
“Hoàng Nguyên đột ngột chia tay với không gian âm nhạc của chúng ta một buổi sáng năm 1973 trong một tai nạn giao thông khi anh từ Vũng Tàu trở về Sài Gòn. Ở độ tuổi 50 chín muồi rung động và từng trải cuộc đời. Tôi thầm nghĩ, nếu Hoàng Nguyên chưa vội ra đi chắc chắn ca mục của anh sẽ còn nối tiếp bằng những ca khúc dịu dàng, thanh thoát trong đó nỗi u hoài được nâng lên thành những vần thơ trong vắt...” (Nguyễn Ánh 9 - Nđd)
Trong bài viết của mình, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã nhắc tới một khía cạnh khác của tài hoa Hoàng Nguyên/Cao Cự Phúc. Ðó là khía cạnh thể hiện tình yêu nước nồng nàn của họ Cao, qua ca khúc “Anh Ði Mai Về”:
“Nếu hiểu rằng anh đi vì lũ giặc tham tàn
Thì em ơi! Em chớ sầu thương chi
Em thấy chăng khói súng của giặc thù
Còn mịt mùng và còn che khuất mờ
(...)
Anh đi mai về chiến thắng
Anh đi mai về chiến thắng
Khi súng quân thù thôi vang trên non sông
Tươi thắm màu cờ vui reo trên kinh thành
Anh đi mai về hòa bình
Anh đi mai về hòa bình
Ca khúc khải hoàn không còn hận biên cương
Quân cướp bạo tàn thôi xéo dầy quê hương.”
(Trích “Anh Ði Mai Về”) (Nđd)
Cũng trong tinh thần yêu đất nước, yêu quê hương, cố nhạc sĩ Hoàng Nguyên còn có ca khúc “Em Chờ Anh Trở Lại” - Một ca khúc đẹp từ giai điệu tới ca từ mà, có thể nhiều người không biết, họ Cao là tác giả:
“Hôm nào chúng mình ngồi với nhau
Vầng trăng lặng lẽ soi hai mái đầu
Có vì sao lạc vào mắt biếc
Ngước lên nhìn nhau
Anh thì thầm
Ngàn năm sau
Mắt em còn sâu?
“Bây giờ bây giờ mình cách chia
Vì đâu? Vì đâu? lứa đôi chia lìa
Bây giờ, ai một mình chiếc bóng
Vẫn mong chờ ai, nhớ thương nhiều
Nhìn đăm đăm thấy đâu người yêu?!
“Ngày anh ra đi, đường nắng chưa phai mầu
Dòng sông chia ly, lờ lững chưa hoen sầu
Ngờ đâu chân anh, lạc bước khi qua cầu
Chiều nay bâng khuâng, chợt xót thương đời nhau
“Ngày anh ra đi, rặng liễu chưa xanh màu
Mà nay bên sông, liễu khuất bến giang đầu!
Mười mấy năm qua rồi...
Còn gì đâu? Còn gì đâu?
Có chăng là đớn đau!
“Em chờ anh trở lại chốn đây
Ðường xưa còn đó sánh đôi vai gầy
Em chờ anh tìm về lối cũ
Có em còn đây
Bên sông này
Ðợi chờ ai về trong vòng tay”
(Ca khúc “Em Chờ Anh Trở Lại”) (Nđd)
Ðể kết thúc bài viết này, chúng tôi cố tình ghi lại trọn vẹn ca khúc “Em Chờ Anh Trở Lại” - Mang ý nghĩa một trả lại cho họ Cao, với lòng biết ơn...
Dù ông từ trần đã lâu, nhưng tôi tin, tài hoa của ông góp cho nền tân nhạc miền Nam 20 năm, vẫn hằng “trở lại” (hay ở lại) với chúng ta nhiều thế hệ nữa!
(Garden Grove, Tháng Mười 2015)
Chú thích:
(1) Nguồn Wikipedia-Mở.
(2) Câu đầu của phiên khúc cuối, hầu hết các tư liệu trên mạng đều ghi là “anh” thay vì “em”: “Cuộc tình nào không thương đau anh ơi đừng trách chi nhau” - Vì không có bản nhạc in trước 1975, nên tôi không biết có phải tác giả cố tình đặt mình vào vị trí người nữ, nói với người nam, tựa như người nữ đó, tự nhận nguyên nhân gây đổ vỡ về phía mình?
(3) Nđd.
(5), (6): Nđd.
- Những nẻo đường văn chương, hội họa... quyết liệt của Võ Công Liêm Du Tử Lê Nhận định
- Nguyễn Vũ và, một ca khúc trở thành kinh-nguyện-riêng Du Tử Lê Nhận định
- Trần Hoài Thư, Ngọn Cờ Đầu: Nổ Lực Xiển Dương 20 Năm Văn Chương Miền Nam Du Tử Lê Nhận định
- Nhà văn Tuấn Huy Du Tử Lê Nhận định
- Phỏng Vấn Nhà Văn Nguyễn Tường Thiết Du Tử Lê Phỏng vấn
- Họa Sĩ Phạm Tăng Du Tử Lê Nhận định
- Những Mảng Tối Cuối Đời nhạc Sĩ Tài Hoa Thanh Bình! Du Tử Lê Nhận định
- Lộ trình thơ, nhạc Trần Duy Đức Du Tử Lê Nhận định
- Nhà văn Nguyễn Viện, sống, như một mũi tên Du Tử Lê Nhận định
- Lê Lạc Giao - Tính điềm tĩnh trong cõi-giới truyện ngắn Du Tử Lê Nhận định
• Cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Hoàng Trang (Đông Kha)
• Nghe lại 10 ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Hàn Châu thu âm trước 1975 (Đông Kha)
• Làm sao nói hết niềm riêng: Có những niềm riêng (Lê Tín Hương) (Lê Trung Ngân)
• Nhạc Nhái và Nhạc Chế (Song Thao)
• Đêm Sài Gòn Xưa (Huyền Chiêu)
• Ảo giác Trịnh Công Sơn (Lê Hữu)
• Nguyễn Đình Nghĩa - Bắt Đầu... Từ Một Đêm Trăng (Phan Nhật Nam)
• Theo Hoàng Thi Thơ, đi tìm lại đường xưa lối cũ (Cao Vị Khanh)
• Nhạc sĩ Vinh Sử kể tình đời qua những khúc bolero (Hoàng-Dung)
• Nhạc sĩ Hoài Nam và ca khúc “9 Tháng Quân Trường”: Gắn trên vai chiếc lon Chuẩn-úy… (Đông Kha)
Các nhóm nhạc (Wikipedia):
Myosotis, Tricéa, Tổng Hội Sinh Viên, Đồng Vọng
Nhạc sĩ:
Trang nhà:
Nhạc tuyển::
Dòng nhạc gợi nhớ Taberd75.com
Sài Gòn ơi! Vĩnh biệt Ngọc Lan
Mùa thu Paris Thái Thanh
Lòng Mẹ (Y Vân) Lê Tấn Quốc, Saxo
Hận Đồ Bàn (Xuân Tiên) Chế Linh
- Hình Ảnh Ca Nhạc Sĩ Sài Gòn trước 1975
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |