|
Dê Húc Càn(1.10.1934 - 21.11.1987) |
|
|
VĂN HỌC |
GIAI THOẠI | TIỂU LUÂN | THƠ | TRUYỆN | THỜI LUẬN | NHÂN VẬT | ÂM NHẠC | HỘI HỌA | KHOA HỌC | GIẢI TRÍ | TIỂU SỬ |
Nhạc sĩ Đan Trường
Vào tối ngày 13 âm lịch trước rằm tháng Chạp năm Canh Dần, (tức chủ nhật 16/1/2011 dương lịch), tại làng Polomodier thuộc tỉnh Bretagne (tỉnh miền biển cực Tây nước Pháp), có một người Pháp gốc Việt đã tạ thế ở tuổi 92 trong một màn đêm yên tĩnh. Đấy là nhạc sĩ Đan Trường, tác giả tình ca Trách người đi nổi tiếng từ thời tiền chiến đến bây giờ.
Nhạc sĩ Đan Trường tên khai sinh là Ngô Đức Vân Quỳnh. Ông sinh năm 1919 tại làng Đạo Ngạn, Xã Quang Châu, Huyện Việt Yên – Bắc Giang. Cha ông là cụ Ngô- Phấn Dung, cụ là thầy đồ nổi tiếng, đồng thời cũng là thầy lang bốc thuốc. Đan Trường có năng khiếu đàn hát từ sớm, từ thiếu thời đã tham gia vào dàn nhạc bát âm của làng này. Ông chơi được đàn nhị, măng đô lin, đàn bầu, sáo…
Năm 16 tuổi ông xuống học tại Hải Phòng. Trường Bonnal (nay là trường Ngô Quyền) nổi tiếng không chỉ là nơi học hành của những Thế Lữ, Nguyễn Huy Tưởng, Văn Cao, Nguyễn Đình Thi… mà còn là nơi học hành của Đan Trường. Nỗi đau của mối tình đầu lỡ dở năm 19 tuổi ở Việt Nam (do gia đình nhà gái ngăn cấm) đã khiến Đan Trường sau này khi đã sang Pháp viết nên một tình ca để đời mang tên Trách người đi. Biết bao thế hệ thanh xuân Việt Nam đã ghi lòng giai điệu đẹp và buồn đến ứa nước mắt này: “Sương lam tuôn rơi hắt hiu trên hàng thông xám reo vi vu- khiến xui bao nhiêu nhớ nhung tràn lòng ước mơ- người đi phương xa đâu ngờ Miền quê hương ai mong chờ- Đau đớn xót thầm từ ngày biệt ly…”. Tình lỡ dở, học hành cũng lỡ dở.
Tương lai bế tắc, năm 1939, chàng nhạc sĩ trẻ Đan Trường đã đăng lính ONS (lính không chuyên nghiệp- thực tế là phu) và xuống tàu từ Hải Phòng sang Pháp. Ở Pháp Đan Trường làm thông ngôn cho những người lính thợ ở nhà máy chế tạo thuốc súng tại cảng Marcril thuộc thành phố Saintien. Khi Phát Xít Đức tấn công Pháp, chính phủ Pháp đầu hàng, đơn vị của Đan Trường bị bắt làm tù binh. Những người tù binh đói rét trong đó có Đan Trường đã phá rào trại tù chạy vào rừng gia nhập đội ngũ du kích của lực lượng yêu nước do Đảng Cộng Sản Pháp lãnh đạo. Trong một trận tấn công quân Đức, đội trưởng đội du kích đã tử trận, Đan Trường làm đội phó đã chỉ huy đánh tiếp và chiến thắng oanh liệt. Đan -Trường trở thành đội trưởng, cứ thế dẫn dắt anh em qua nhiều trận đánh kiên cường từ năm 1941 cho đến khi Phát xít Đức đầu hàng tháng 8/1945. Do có thành tích trong kháng chiến chống Phát xít, những người lính Pháp gốc Việt trong đó có Đan Trường được nhà nước Pháp trân trọng, cho phép tự lựa chọn, hoặc hồi hương, hoặc xin việc làm tại Pháp.
Do khá giỏi tiếng Pháp, Đan Trường xin học một lớp ngắn hạn về phát thanh và trở thành thư ký tòa soạn một kênh phát thanh tiếng Việt của đài Phát thanh Paris.
Sang thập kỷ 50 thế kỷ trước, khi Pháp có truyền hình thì Đan Trường vừa làm phát thanh, vừa làm truyền hình tại Paris cho đến năm 1982 mới về hưu. Trong thời gian này Đan Trường đã viết kịch bản phim Giá hạnh phúc (1953) và đóng vai đầu bếp trong phim này. Ở một phim của Pháp quay 1954 mang tên “Pháo đài của những thằng điên” thì Đan -Trường lại đóng vai một sĩ quan Việt Minh….
Tuy cuộc đời của Đan Trường chìm nổi và thăng trầm như một câu chuyện trong tiểu thuyết, nhưng người nghệ sĩ đa tài này lại sống rất giản dị và luôn gắn mình với cây vĩ cầm từ thuở thanh xuân cho tới khi trút hơi thở cuối cùng. Tình ca Trách người đi của ông đã được nhiều thế hệ ca sĩ thời tiền chiến trình diễn. Ở kênh tiếng Việt của Đài phát thanh Paris khi ông bắt đầu công việc, nữ ca sĩ Bích Thuận đã thể hiện rất thành công. Cũng thời gian ấy, ca sĩ Anh Ngọc và ca sĩ Ngọc Long cũng lấy Trách người đi làm bài “tủ” của mình. Đến thời kỳ trước năm 1975 lá các ca sĩ Mai Hương, Duy Trác, Thanh Lam, Lệ Thu, Khánh Ly, Sĩ Phú… đã nhiều lần thu âm và biểu diễn Trách người đi.
Sau đó là Lan Ngọc, Ánh Tuyết và gần đây là Thu Minh trong Kí ức thời gian Vol7 của VTV3 phát thanh. Cháu gái gọi ông là bác ruột là ca sĩ Dương Thúy Điệp cũng đã hát Trách người đi bằng cả xúc cảm nghệ thuật và mối tình ruột thịt. Bên cạnh “Trách người đi”, Đan Trường còn có những tình ca được nhiều người biết đến và đã in thành ấn phẩm như “Chiếc áo the thâm tàng” đã được ca sĩ Vũ Huyến của Đài Pháp Á ở Hà Nội xưa kia thể hiện. Bên cạnh đó là những Biệt quê, Miếng trầu duyên, Ba cô xinh xinh, Cảnh làng quê, Đêm vắng đò xuôi, Một cảnh đêm hè, Trăng mờ miếu cũ… Tháng 4.2009, nhạc sĩ Trần Quang Hải (con trai Giáo sư Trần Văn Khê) và nhóm nghệ sĩ Việt kiều tại Paris đã vinh danh nhạc sĩ Đan Trường tại Pháp. có quay video tại nhà, có giới thiệu tiểu sử cùng hình ảnh mà âm nhạc xuyên suốt là Trách người đi. Cộng đồng người việt ở Mỹ cũng đang chuẩn bị vinh danh ông, thì ông lại sớm đi vào cõi vĩnh hằng.
Ly hương từ lâu nhưng Đan Trường vẫn nặng lòng với quê hương. Nhiều năm gần đây mỗi Tết đến ông hăm hở trở về cố quốc. Trong valy mang theo cây vĩ cầm để đàn cho em gái và các cháu, cùng bè bạn ca hát. Tham dự các cuộc vui ở Sài Gòn vài tuần, đầu xuân ông lại ra cố hương thăm quê mẹ tại Phù Đổng và Trung Mầu (Gia Lâm Hà Nội) thăm mồ mả ở Bắc Ninh và về quê cha làng Đạo Ngạn ven bờ sông Cầu thơ mộng, họp mặt ăn cơm với con cháu họ Ngô với sự tháp tùng của người cháu ruột. Trong những lần về Việt Nam điều đặc biệt là ông vẫn trân trọng, thăm nom người yêu đầu đời nay đã gần 90 tuổi. Về quê ông được cháu chắt tổ chức mừng thọ và được xem hát quan họ nhiều lần, ông cũng rất muốn về ở quê cũ. nhưng hoàn cảnh không cho phép. Ông mất ở Pháp nhưng các cháu của ông từ Hà Nội tới Sài Gòn vẫn cúng viếng ông, với tất cả nghi lễ trang trọng như đối với một người ở tại Việt Nam.
Những ca khúc hay của ông mong rằng sẽ sống mãi cùng thời gian.
(Nguyễn Thụy Kha)
Trách Người Đi
Lời 1:
Sương lam tuôn rơi hắt hiu trên hàng thông xám reo vi vu
Khiến xui bao nhiêu nhớ nhung tràn lòng ước mơ
Người đi phương xa đâu ngờ
Miền quê hương ai mong chờ
Ðau đớn xót thầm từ ngày biệt ly
Gió thu về mang thương nhớ
Ðến cho lòng thêm chan chứa
Lá ngô bay trong sương sầu
Biết bao giờ còn thấy nhau
Tối buông màn sương pha muỗi
Xót xa lòng riêng trăm mối
Gió thu xưa không quên về
Cớ sao mà người cứ đi?
Lời 2:
Ðêm đêm canh ba lắng nghe câu hò êm ái trên dòng sông
Tiếng ca năm xưa thản nhiên cùng thuyền cuốn xuôi
Ðò quen không mang duyên về
Còn gan đâu tin câu thề
Xa vắng mấy ngàn lần nhìn thuyền đi
Gió thu về mang thương nhớ
Ðến cho lòng thêm chan chứa
Lá ngô bay trong sương sầu
Biết bao giờ còn thấy nhau
Tối buông màn sương pha muỗi
Xót xa lòng riêng trăm mối
Gió thu xưa không quên về
Cớ sao mà người cứ đi?
Ca sĩ: Sĩ Phú, Khánh Ly
- Đan Trường - Trách Người Đi Nguyễn Thụy Kha Hồi ức
• Làm sao nói hết niềm riêng: Có những niềm riêng (Lê Tín Hương) (Lê Trung Ngân)
• Nhạc Nhái và Nhạc Chế (Song Thao)
• Đêm Sài Gòn Xưa (Huyền Chiêu)
• Ảo giác Trịnh Công Sơn (Lê Hữu)
• Nguyễn Đình Nghĩa - Bắt Đầu... Từ Một Đêm Trăng (Phan Nhật Nam)
• Theo Hoàng Thi Thơ, đi tìm lại đường xưa lối cũ (Cao Vị Khanh)
• Nhạc sĩ Vinh Sử kể tình đời qua những khúc bolero (Hoàng-Dung)
• Nhạc sĩ Hoài Nam và ca khúc “9 Tháng Quân Trường”: Gắn trên vai chiếc lon Chuẩn-úy… (Đông Kha)
• Nhạc vàng boléro, sến hay không sến? (Lê Hữu)
• Tô Vũ: Em đến thăm anh một chiều mưa (Hà Đình Nguyên)
Các nhóm nhạc (Wikipedia):
Myosotis, Tricéa, Tổng Hội Sinh Viên, Đồng Vọng
Nhạc sĩ:
Trang nhà:
Nhạc tuyển::
Dòng nhạc gợi nhớ Taberd75.com
Sài Gòn ơi! Vĩnh biệt Ngọc Lan
Mùa thu Paris Thái Thanh
Lòng Mẹ (Y Vân) Lê Tấn Quốc, Saxo
Hận Đồ Bàn (Xuân Tiên) Chế Linh
- Hình Ảnh Ca Nhạc Sĩ Sài Gòn trước 1975
© Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com) |