1. Head_

    Lam Phương

    (20.3.1937 - 22.12.2020)

    Lưu Trung Khảo

    (.0.1931 - 22.12.2015)

    Nguyễn Hiến Lê

    (8.1.1912 - 22.12.1984)

    Nguyễn Đình Nghĩa

    (5.10.1940 - 22.12.2005)
    Ad-25-TSu-2301360532 Ad-25-TSu-2301360532

     

     

    1. Link Tác Phẩm và Tác Giả
    2. Đào nương ca trù Tuổi Trăng Tròn (Nguyễn Thị Minh Thái) Ad-21 Ad-21 (Google - QC3) (Học Xá)

      21-11-2022 | ÂM NHẠC

      Đào nương ca trù Tuổi Trăng Tròn

        NGUYỄN THỊ MINH THÁI
      Share File.php Share File
          

       

       

      Hát Ca trù. Tranh Sơn dầu của Phạm Công Thành (2005)

      Hoa và nụ, chín và xanh

      Trong cấu trúc tam giác âm nhạc độc đáo Ca trù, nghệ thuật uyên bác nhất của âm nhạc thính phòng Việt cổ, gồm ba nhân vật: nhạc sĩ đàn đáy, trống chầu và đào nương hát, thì đào nương chính là linh hồn, ở ngôi cao nhất của bộ ba này. Trong di truyền nghề ca trù cũng vậy, khi hai nghệ nhân đàn và trống đạt đến thượng đẳng mà thiếu vắng tiếng hát của ca nương thượng đẳng thì không thể gọi là ca trù. Phải chăng vì thế ca trù còn gọi tên theo ca nương: nghệ thuật hát Ả đào. Ở Việt Nam, ca trù từng nở mãn khai và chín mọng từ lâu, nhưng số phận lại gập ghềnh trái ngang, đa đoan như nàng Kiều của Nguyễn Du. May nhờ tổ chức UNESCO, “công trình kể biết mấy mươi”, như chàng Kim Trọng “chân trời góc bể” đi tìm nàng Kiều, năm 2009, UNESCO mới “chiêu tuyết” ca trù Việt trên tinh thần quân tử “khác lòng người ta”, và Ca trù Việt được công nhận di sản văn hoá phi vật thể của thế giới, “được bảo vệ khẩn cấp”.


      Và, nhân vật ca nương, một lần nữa tươi xanh trở lại, cần được mắt xanh soi chiếu, treo cao giá ngọc, bởi lẽ ca nương mới chính là tính cách nhân vật văn hoá độc đáo nhất của nghệ thuật ca trù Việt. Họ luân chuyển từ kiếp cầm ca này sang kiếp khác, từ đời này qua đời khác, làm nên dòng chảy ca trù Việt, xanh mãi theo thời gian…

      Một. NSND Quách Thị Hồ - Báu vật sống của Ca trù Việt



           Nghệ nhân ca trù
           Quách Thị Hồ

      Ca trù được truyền đến giờ, còn giữ được hồn vía nghệ thuật trong không gian văn hoá châu thổ Bắc Bộ là nhờ vào những nghệ nhân “vật báu” như Quách Thị Hồ. Lần đầu thế giới biết đến Ca trù là qua tiếng hát Quách Thị Hồ. Trước khi được thế giới ngưỡng mộ như báu vật sống của ca trù, bà Hồ từng điêu đứng vì chính tiếng hát của mình. Người Việt Thăng Long, nơi gốc gác ca trù, qua biến thiên lịch sử ngàn năm của kinh thành cổ này, từng có thái độ lưỡng cực với ca trù. Người Thăng Long vừa là chủ thể sáng tạo ca trù, từng nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa, đưa ca trù lên nghệ thuật đỉnh cao, với sinh hoạt thính phòng tao nhã bậc nhất Thăng Long, chỉ được hát trong dinh thự và cung cấm nhung lụa ngọc ngà… song, cũng liền kề vinh danh ấy, ca trù ca nương bị khinh khi, hắt hủi. Bà Hồ từng kể, vào những ngày dâu bể “bị vục mặt xuống bùn” ấy, bà từng bất chấp tất cả để giữ bằng được ca trù, sống chết nhận mình là ca nương, vẫn thánh thót ngân nga, run rẩy những hồng hồng tuyết tuyết, những bến Tầm Dương canh khuya đưa khách… Bà trải qua nỗi khổ vô bờ của đào nương bậc nhất Hà thành, trước CM Tháng 8-1945, phải nghẹn ngào “đào sâu chôn chặt” nghề hát, bị thiên hạ nhiếc móc, gọi là cô đầu, đến mức, nhà nghiên cứu cao thủ về ca trù Nguyễn Xuân Diện, cho đến giờ vẫn xót xa đặt tên tiếng hát của bà: “sênh phách giọng sầu gửi bóng mây”. Duy nhất bà Hồ dám nhận mình là ả đào, muốn đeo trước ngực tấm biển “Tôi là Ả đào”, quyết tâm niệm cả đời thuỷ chung như nhất với nghề. Bà cũng là ca nương duy nhất, vào thời của bà, biết quấn dính nghệ thuật hát ả đào lộng lẫy, lậm thật sâu vào hồn cốt văn chương Việt qua “bóng chữ” của những tác phẩm thơ kinh điển. Năm ba mươi tuổi, là ca nương lừng lẫy tiếng tăm, bà duy nhất được tình tri âm từ thi sĩ Trần Huyền Trân, kiểu Bá Nha-Tử Kỳ, chỉ riêng có ở nghệ thuật ca trù: thi sĩ viết chữ thơ lấp lánh hồn vía trong giai phẩm thơ và đào nương nhả chữ thơ bằng thể phách ca trù có một không hai. Càng không ngẫu nhiên, Quách Thị Hồ thành nghệ sĩ ca trù Việt lớn nhất thế kỉ XX ở Việt Nam.


      Một tri kỷ nữa: GS. Trần Văn Khê, từ Pháp về Hà Nội năm 1976, đến Khâm Thiên, ghi âm tiếng hát bà Hồ, giới thiệu với thế giới. Năm 1978, Hội đồng âm nhạc quốc tế của UNESCO và Viện Nghiên cứu quốc tế về Âm nhạc so sánh đã trao bằng danh dự cho Quách Thị Hồ vì công lao đặc biệt trong bảo tồn một bộ môn âm nhạc truyền thống Việt có giá trị văn hoá nghệ thuật cao, để từ đó, tiếng hát ca trù độc đáo của bà Hồ toả lan khắp thế giới. Năm 1988, 29 quốc gia dự Liên hoan Quốc tế âm nhạc truyền thống ở Bình Nhưỡng, băng ghi âm tiếng hát ca trù của Quách Thị Hồ xếp hạng cao nhất.


      Sau đó, bà được Nhà nước phong tặng NSND ngành Ca trù duy nhất cho đến nay.


      Bà mất ngày 4.1.2001, (Canh Thìn, ngày 10 tháng Chạp), thọ 92 tuổi, “ra đi mang theo tất cả những gì là cao quý, sang trọng và bác học của nghệ thuật ca trù trong thế kỉ XX” (một nhà nghiên cứu viết trong sổ tang).


      Sống trong sóng to gió cả của ca trù, lênh đênh ba chìm bảy nổi, bà Hồ có thái độ lưỡng cực tự nhiên với việc truyền nghề cho đào nương trẻ. Bà khắc khoải lo âu cứu ca trù, song lại nghiệt ngã không muốn truyền nghề cho đào nương trẻ. Trên báo Lao Động, 20.10.1991, bà chao chát trả lời nhà báo Lưu Trọng Văn, con trai nhà thơ Lưu Trọng Lư, may không bị bà từ chối phỏng vấn, vì đã khẩn khoản nói về cha mình, hơn 50 năm trước rất mê nghe bà hát cô đầu: Cậu hỏi tôi sao không truyền nghề ca trù? Ai mà học? Ai muốn học nghề, học đến nơi đến chốn đâu? Mà học làm gì? Có vị lãnh đạo văn hoá nói thẳng vào mặt tôi rằng: Cái nghề ca trù cuả bà chỉ phục vụ bọn thực dân phong kiến, cái cây đã chết, cho nó chết, lấy đâu hoa mà nở”. Lúc đó tôi chỉ cười: “Rồi xem, hoa có nở không”


      Hai. Còn nụ thì còn nở hoa, còn xanh, thì còn chín…


      Nghệ nhân trống ca trù Nguyễn văn Mùi, sinh năm 1931, vào những năm 80 thế kỉ XX, quyết làm sống lại nghệ thuật ca trù của chính dòng tộc mình, họ Nguyễn ở Thái Hà ấp, với khởi nguồn từ ngôi đình Ca công, “nhà hát riêng” của họ Nguyễn, đến nay đã 7 đời giữ nghề tổ ca trù theo truyền nghề huyết thống. Dòng họ này nhiều ca nương, kép đàn nổi tiếng cung đình. Khởi nguồn từ cụ Nguyễn Đức Ý, quan tri huyện Hải Dương, đã ý thức truyền dạy nghệ thuật ca trù bác học cho con cháu trong dòng họ. Bà cô tổ Nguyễn Thị Tuyết là người từng được giao trọng trách quản lý hệ thống ca vũ trong cung đình thời vua Thành Thái và được tạc tượng ghi công bằng vàng. Hơn nửa thế kỷ trước, cụ Nguyễn văn Xuân, thân sinh ông Nguyễn Văn Mùi từng là “nghệ nhân vô địch đàn đáy” đất Bắc Hà.


       

      Gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi

      Ông Mùi thuộc thế hệ thứ 5, kép trống, quyết gây dựng tiếp thế hệ thứ 6 cho dòng tộc ca trù của mình. Năm 1987, CLB Thái Hà của dòng tộc Nguyễn-Thái Hà ra đời, hình thành đủ bộ ba thiêng Ca trù, với các con ông: Nguyễn Thị Thanh Trầm, sinh 1960, đào nương hát. Nguyễn Văn Khuê, 1962, nghệ sĩ đàn đáy. Nguyễn Quyết Thắng, 1966, đàn đáy. Nguyễn Mạnh Tiến, 1970, đàn đáy, và đặc biệt, đào nương Nguyễn Thuý Hoà, sinh 1973, chịu ảnh hưởng sâu và được bà Quách Thị Hồ chân truyền nghề hát ca trù, với lời vàng đá mà hai cha con ông Mùi ghi lòng tạc dạ: Tôi từng được nhiều người muốn học và cũng dạy được một số, nhưng người học được duy nhất, và muốn dạy chính là cháu Thuý Hoà, con anh. Tôi thấy chỉ có nhà anh may ra mới giữ được ca trù nghề tổ.


      Đúng tâm nguyện truyền nghề, bà Hồ phát hiện Thuý Hoà từ năm lên 6, trong buổi ông Mùi làm giỗ người cha đàn đáy số một Bắc Hà của mình. Bà Phúc, mẹ nghệ sĩ ngâm thơ Trần Thị Tuyết, cũng muốn truyền nghề cho Hoà. Bà Hồ có một nguyên lý truyền nghề rất lạ và sâu sắc nước đời: ca nương phải có huyết thống ca trù, phải là người Thăng Long Hà Nội gốc và phải học hát ngay từ tấm bé, trước khi học chữ, càng tốt. Phải tự nguyện ném cả đời vào ca trù, không bỏ nghề trong bất cứ hoàn cảnh nào. Cấm ngặt học ca trù sau học hát chèo, tuồng, ca mới. Nhưng đã học thông ca trù, thì các hát loại hình khác sẽ chắc thành công ( NSND Thương Huyền là một ví dụ sáng. Bà là bác ruột tôi, người hát dân ca và hát mới được coi là hay nhất của Đài TNVN của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà từ thuở chiến khu Việt Bắc 1946).


      Thuý Hoà được người thầy lỗi lạc dạy ngay từ nhỏ, dù cô bé 6 tuổi chưa hiển thị đủ tố chất về giọng hát ca trù. Quá trình luyện nghề cho Hoà của bà Hồ bắt đầu, theo cách “tay sang tay, miệng sang miệng”. Bà buộc Hoà phát âm giọng Hà Nội, thật chuẩn các thanh dấu tiếng Việt: sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng… rồi dạy đọc “vỡ chữ” thơ, cố hiểu đến đáy chữ thơ dùng cho ca trù, để nói, và hát cho thật tròn vành rõ chữ, dù Hoà chưa hiểu ngay, cũng mặc lòng. Hoà phải cảm nhận được nhạc điệu ca trù và sự quấn quyện giữa ca từ và giọng hát, cùng nhịp phách của chính mình. Bà Hồ quyết liệt dạy: đào nương phải gõ được phách, không thì không thành đào nương. Tiếng phách đào nương ca trù vốn huyền bí đến kì lạ: không có nhịp mà là có nhịp. Nhịp lại phóng khoáng vô cùng, trong khuôn vàng thước ngọc chỉ có đào nương thật giỏi nghề mới cảm biết được mau chậm tiến lui, buông bỏ hay dồn dập, để cũng chỉ bằng cảm giác riêng, mới biết đến độ nào thì “dứt hát là dứt phách”. Phách là tiếng hát thứ hai của đào nương, điều khiển bằng những ngón tay tài tình, như mưa như gió, chỉ đạo nhạc cảm trong khi hát của chính đào nương, chỉ đạo luôn cả tiếng đàn đáy và tiếng trống chầu, nên tiếng hát đào nương, được giữ nhịp, chính là ở bộ phách. Phách hay mới hát thật hay theo thể cách độc đáo của ca trù.



      Thuý Hoà học phách ngày đêm. Ăn cơm lấy đũa đập vô thức vào miệng bát, tìm… phách, đi ngủ gõ tay xuống chiếu … tìm phách. Không dùng phách gỗ làm sẵn, Hoà tự làm lấy phách bằng tre, ròng rã vài tháng trời mới được bộ phách, không lần nào không chảy máu tay. Hoà bảo: Bà Hồ và bố đều cho tiếng phách tre mới hay nhất, mà phải là cây tre lõi đặc! Hàng tuần Hoà lóc cóc đạp xe xuống nhà bà Hồ ở Khâm Thiên học hát. Rồi học bà Phúc hát và bà Ngọ dạy ngồi 3 kiểu cổ điển, đi đứng đoan trang, phục trang đào nương thì tạo hình theo mẫu áo xống của bà cô tổ nghề Nguyễn Thị Tuyết. Nhất nhất học nghề tổ, theo truyền dạy từ cả người trong người ngoài gia tộc. Cứ học chủ yếu với bà Hồ, mỗi tuần một buổi, cho đến năm 14 tuổi, học lớp 8, 1987, nhạc sĩ Tôn Thất Tiết từ Pháp về, ra Hà Nội, tìm thăm dòng họ Nguyễn-Thái Hà, ngõ 27, Thuỵ Khuê, Tây Hồ, quyết định đầu tư ca trù, từ tiền của Hội dây điện Pháp CODEC, 500 phơrăng 1 tháng, biếu bà Hồ dạy ca trù cho Thuý Hoà.


      Đào nương thế hệ thứ 6 của dòng tộc ca trù họ Nguyễn-Thái Hà đã thành đào nương trong một quá trình học nghề dài dặc cam go như thế. Hoà bảo: Học mãi mới biết càng học càng khó, khó nhất là bà Hồ đòi em bằng được nghệ thuật kết hợp giọng phách và giọng hát. Kỹ thuật nảy hát là đặc trưng ca trù, phải luyến láy âm ư trong khẩu hình miệng chữ nhất, chỉ hơi hé như bông hoa khẽ nở, không hở răng, làm sao để giọng vang rền, ngân rung từng chữ thơ cho tới đáy nội dung bài hát. Đúng vậy, khi nghe bà Hồ thầy em hát theo cách ấy, em chỉ rùng mình rung động. Chẳng thế mà anh Xuân Diện bình: “Tiếng hát của Quách Thị Hồ đẹp và tráng lệ như một toà lâu đài nguy nga lộng lẫy, mà mỗi một tiếng luyến láy cao siêu tinh tế của bà là một mảng chạm kỳ khu của một bức cửa võng trong cái toà lâu đài ấy. Tiếng hát ấy vừa cao sang bác học, vừa mê hoặc ám ảnh, diễn tả ở mức tuyệt đỉnh nhất các ý tứ của các văn nhân thi sĩ gửi gắm trong các bài thơ”. Nhưng quả thật ca trù đã ngấm vào người Hoà đến mức, mãi đến một hôm, nghe con gái hát và gõ phách ở phòng ngoài, ông bố mới bật dậy, ra nói với con: Gõ được phách rồi con ơi. Mừng quá! Sau 3 năm khổ luyện với bà Hồ, Thuý Hoà đã nằm lòng 20 làn điệu ca trù cơ bản và đã thực sự thành đào nương ca trù sau Lễ mở xiêm áo…


      Thế là dòng tộc ông nối được nghề tổ ca trù, gia đình ông đã lưu giữ được khoảng 40 làn điệu (cả ca vũ) trong tổng số 146 làn điệu ca trù; và được người nghiên cứu, thưởng ngoạn ca trù trong, ngoài nước đánh giá là một giáo phường ca trù mạnh nhất Thăng Long về sức mạnh gia tộc trong giữ lửa ca trù. Cha cầm roi trống chầu tom chát, con trai gảy đàn đáy nhặt khoan, con gái đào nương, cháu gái nội đào nương hát du dương, ngân rung nhịp phách… nên cả gia tộc được mời biểu diễn nước ngoài, bắt đầu ở Pháp, kinh thành Paris năm 1995, được một báo Pháp đưa tin là đã tạo nên “một cú sốc âm nhạc tại Pháp”. (Sau 100 năm, ca trù Việt lần đầu ra mắt ở Paris, nhà hát La Monson Cultur năm 1985). Sau đó là Hà Lan, Anh, Bỉ, Thuỵ Sĩ, Ý… (từng được truyền hình trực tiếp trên đài truyền hình BBC (Anh) và AFP (Pháp).


      Gần đây nhất, gia tộc ông được mời sang Bắc Kinh, được Bắc Kinh truyền hình trực tiếp đầu năm mới 2009. Lần đầu tiên hai đào nương trẻ măng, con gái hai nhạc công Khuê và Thắng con ông: Nguyễn Kiều Anh và Nguyễn Thu Thảo cùng sinh năm 1994, thế hệ thứ bảy, đã cùng ông nội và bố Khuê biểu diễn ca trù xuất sắc ở Bắc Kinh.


      N.T.M.T

      30-01-2011

      Nguyễn Thị Minh Thái

      Nguồn: Nguyễn Xuân Diện blog

      Ad-22-A_Newest-Feb25-2022 Ad-22-A_Newest-Feb25-2022


      Cùng Tác Giả

      Cùng Tác Giả:

       

      - Đào nương ca trù Tuổi Trăng Tròn Nguyễn Thị Minh Thái Nhận định

    3. Bài viết về Âm Nhạc (Học Xá) Ad-31 Ad-31 = QC_250-250 (Học Xá)
  2. © Hoc Xá 2002

    © Hoc Xá 2002 (T.V. Phê - phevtran@gmail.com)